Mâm ngũ quả và hoa ngày tết, sự khác biệt văn hóa và tập quán giữa các vùng miền
Hà Hoàng Kiệm
Tết năm mậu tuất (2018) chúng tôi không đón tết ở Hà Nội mà tổ chức một chuyến du xuân dọc miền Trung từ Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa vào tới Sài Gòn từ ngày ông Công, ông Táo lên trời cho tới ngày 10 tết. Dọc chiều dài đất nước chúng tôi rất ngạc nhiên trước sự khác biệt trong cách bày mâm ngũ quả và cách chơi hoa tết của các vùng miền. Sự khác biệt này in dấu sự khác biệt về văn hóa và tập quán của mỗi vùng miền.
Tết đến nhà nào cũng chuẩn bị mâm ngũ quả đặt trên bàn thờ để cúng ông bà tổ tiên và mâm ngũ quả cũng thể hiện ý nguyện mong cầu của gia chủ. Mâm ngũ quả hiểu đơn giản là một mâm gồm 5 loại quả khác nhau (ngũ tượng trưng cho ngũ hành: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ), mỗi loại quả thông qua màu sắc và tên gọi để tượng trưng cho mong muốn của gia chủ vào ngày Tết. Mâm ngũ quả ở các vùng miền khác nhau có sự khác biệt rõ rệt về cách chọn quả, cách trình bày là do quan niệm, văn hóa và tập quán của các vùng miền, có sự khác biệt giữa mâm ngũ quả của các gia đình miền Nam, miền Trung và miền Bắc.
Mâm ngũ quả miền Nam:
Người miền Nam được thiên nhiên ưu đãi, có tính hào sảng, họ không cần tích tũy quá nhiều cùng với nó là sớm tiếp thu văn hóa phương tây và đạo Phật ở đây theo trường phái Nam tông, những đặc điểm đó qua nhiều đời đã ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa và tập quán của người phương Nam. Với mong cầu sự sung túc vừa đủ, không tham vọng quá lớn nên mâm ngũ quả được lựa chọn gồm 5 loại quả “Cầu- sung-vừa-đủ-xài”:
- Cầu: quả mãng cầu- Sung: Quả sung- Vừa: Trái dừa- Đủ: Quả đu đủ- Xài: Quả xoài |
Nếu như người miền Bắc, nải chuối xanh hầu như không thể không có trên mâm ngũ quả thì người miền Nam lại kiêng kỵ. Mâm ngũ quả của người miền Nam không bao giờ có chuối, vì loại quả này tên gọi có âm giống từ “chúi" thể hiện sự nguy khó.
Bên cạnh đó, quả cam cũng ít được có mặt trong mâm ngũ quả ngày Tết của người miền Nam, vì câu “quýt làm cam chịu”, hoặc trái lê cũng ít xuất hiện vì đồng nghĩa với “lê lết”,…
Nếu như ở miền Bắc người dân vẫn chọn số quả lẻ khi bày mâm ngũ quả ngày Tết, thì người dân miền Nam lại thoải mái hơn khi không quan trọng chuyện chọn số quả lẻ hay chẵn mà chủ yếu chọn ý nghĩa của loại quả trên mâm.
Mâm ngũ quả miền Trung:
Do đặc điểm địa lý và khí hậu miền trung khắc nghiệt, kinh tế nghèo khó, đất đai cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt, ít chủng loại hoa quả, nên người dân nơi đây cũng không quá câu nệ hình thức, ý nghĩa mâm ngũ quả ngày Tết, chủ yếu là có gì cúng nấy, thành tâm dâng kính tổ tiên. Bởi thế, mâm ngũ quả mỗi nhà lại khác nhau, quả gì cũng được, miễn là tươi ngon.
Mâm ngũ quả ngày Tết của người miền Trung.
Các loại quả thường thấy là: Thanh long, chuối, dưa hấu, mãng cầu, dứa, sung, cam, quýt…
Mâm ngũ quả miền Bắc:
Người miền bắc với địa lý và khí hậu bốn mùa, xã hội chậm phát triển, cuộc sống gặp nhiều khó khăn đòi hỏi phải tích lũy để dự phòng lại chịu ảnh hưởng sâu sắc của đạo Khổng, và đạo Phật theo trường phái Bắc tông qua nhiều đời nên mâm ngũ quả của các gia đình miền bắc thường theo thuyết Ngũ hành trong văn hóa phương Đông. Vì thế, mâm ngũ quả cũng phải phối theo 5 màu: Kim màu trắng, Mộc màu xanh, Thủy màu đen, Hỏa màu đỏ, Thổ màu vàng. Cách bài trí, sắp xếp màu sắc từng loại quả xen kẽ với nhau cho đẹp mắt, hợp phong thủy ngày Tết. Tuy không câu nệ nhiều hay ít, nhưng mọi người đều sắm đủ lễ, đủ loại, hoa quả phải thuận theo ý nghĩa để bày cúng. Lựa chọn loại quả lại tùy thuộc gia chủ, mỗi gia đình có thể lựa chọn 5 loại quả trong những loại quả sau:
Chuối: Tượng trưng cho con cháu sum vầy, quây quần, đầm ấm, hứng lấy may mắn, bao bọc và chở che. Phật thủ: Bàn tay phật che chở cho cả gia đình. Bưởi: Mong muốn an khang, thịnh vượng. Quả lê hoặc dưa lê: Tượng trưng cho sự thành đạt, thăng tiến. Cam, quýt: Tượng trưng cho sự thành đạt. Lựu: Nhiều hạt, tượng trưng cho con đàn cháu đống. Đào: Thể hiện sự thăng tiến. Táo: Phú quý, giàu sang. |
Thanh long: Rồng mây hội tụ, thể hiện sự phát tài phát lộc. Dưa hấu: Căng tròn, mát lành, hứa hẹn sự ngọt ngào, may mắn. Quả trứng gà: Lộc trời cho. |
Ngoài ra, với những gia đình kỹ tính thì còn quan tâm tới số lượng loại hoa quả, luôn chọn số lẻ vì quan niệm thờ cúng số lẻ thì mọi việc còn có cơ hội để phát triển, nảy nở. Nhiều người kỳ công chọn mua những nải chuối xanh có số quả lẻ vào ngày Tết cũng là vì thế.
Cách trình bày mâm ngũ quả truyền thống là nải chuối xanh ở dưới cùng, đỡ lấy toàn bộ các loại quả khác. Chính giữa là quả bưởi hoặc phật thủ vàng. Các loại quả bày xung quanh. Những chỗ còn trống cài xen kẽ quýt vàng, táo xanh, hoặc những quả ớt chín đỏ.
Đối với hoa ngày tết cũng có sự khác biệt
Dạo qua các chợ hoa ngày tết ở phương nam (từ Đà Nẵng trở vào) chủ đạo vẫn là hoa cúc vàng. Nhà nào ngày tết cùng bày hai chậu hoa cúc vàng hai bên cửa trước nhà, trong phòng khách là một chậu cúc vàng lớn. Màu vàng tượng chưng cho vàng bạc phú quý và là màu sắc của Hoàng tộc. Độ lớn của chậu cúc phản ảnh sự giàu có thành đạt của gia chủ.
Chợ hoa ngày tết ở miền Nam.
Hai chậu cúc lớn bày ở cửa ngoài của một gia đình ở Huế và chậu cúc trong cửa hàng áo dài đường Hàn Mặc Tử (Huế) trong ngày Tết.
Chợ hoa ngày tết ở miền bắc chủ đạo vẫn là hoa đào và quất cảnh còn hoa cúc chỉ để đi lễ chùa, không ai bày hoa cúc trong nhà vào các dịp tết. Phòng khách các gia đình miền Bắc trong ngày tết thường được trưng bày hoặc là một gốc đào thế hoặc là một cây quất cảnh, cũng có nhà bày cả hai. Tùy theo kinh tế mà cây đào hoặc cây quất có dáng đẹp và mức độ lớn khác nhau.
Chợ hoa ngày Tết ở miền Bắc.
Trang trí phòng khách của các gia đình ở Hà Nội trong ngày Tết.
Sự khác biệt này cũng do quan niệm và tập quán hình thành lâu đời. Tuy nhiên hiện nay do sự phát triển và giao lưu mạnh mẽ giữa các vùng miền đã tạo ra sự giao thoa văn hóa. Đào miền bắc vào miền nam, mai vàng miền nam ra miền bắc. Tuy nhiên mỗi vùng miền vẫn có những đặc trưng riêng dễ nhận thấy.