Lý giải một số khái niệm của Phật giáo

Cập nhật: 13/04/2021 Lượt xem: 4415

Lý giải một số khái niệm của Phật giáo

Hà Hoàng Kiệm

Giáo lý Phật Giáo được dịch từ chữ Phạn, nhiều khái niệm khó diễn đạt Việt hóa, hơn nữa những khái niệm này theo quan niệm tôn giáo nó lại có nghĩa rất rộng, vì thế nhiều khái niệm được giải thích không rõ ràng, ngay cả khi nghe các Sư Thầy giảng giải, khiến người ta khó hiểu hoặc hiểu lầm. Khi theo dõi chương trình 7 kỳ quan Phật Giáo thế giới của CNN, chúng tôi được nghe các GS chuyên nghiên cứu về Phật Giáo của các trường Đại học danh tiếng ở Mỹ, những khái niệm mà bản thân tôi còn rất mù mờ này được diễn giải một cách sáng sủa dễ hiểu. Vì vậy chúng tôi ghi lại để bạn đọc tham khảo.

1. Niết bàn

Niết bàn được hiểu là một trạng thái của tâm (tâm lý) khi mà người ta loại bỏ được hoàn toàn tham (tham lam), sân (sân hận, hận thù), si (mi mê, mê mờ, không hiểu biết) để sống một cuộc đời thanh thản không chịu tác động của bất kỳ yếu tố tác động nào từ bên trong hay bên ngoài dù yếu tố đó là dương tính hay âm tính.

Như vậy Niết bàn không phải là một cõi như người ta vẫn nói, vì nếu nói là cõi thì người ta sẽ hiểu nó là một nơi chốn, một địa danh nào đó và ở đâu đó giống như thiên đàng và gây ra sự hiểu lầm.

Như vậy mọi người đều có thể đạt tới niết bàn khi người ta hoàn toàn không còn quan tâm gì tới tham, sân, si. Quá trình tiến tới niết bàn gọi là giác ngộ (ngộ ra, nhận biết, thấu hiểu). Khi người ta đã giác ngộ hoàn toàn là lúc đạt tới niết bàn, không còn cảm thấy khổ đau khi bị đói kém, bị đối sử tàn tệ, bị bệnh tật đau đớn… hay bất kể sự kiện âm tính nào gặp phải trong đời sống và người đó vẫn thụ hưởng cuộc sống hiện tại một cách bình thản như nó đang xảy ra. Đó cũng là mục tiêu giáo lý của đạo Phật giúp con người vượt qua được khổ đau để sống một cuộc sống bình thản.

2. Nghiệp

Nghĩa đen nghiệp được hiểu là hành động và suy nghĩ, nó bao gồm cả tốt và xấu. Theo luật nhân quả nếu bạn gieo nghiệp xấu (suy nghĩ hoặc hành động xấu) thì sẽ thu được kết quả xấu, nếu bạn gieo nghiệp tốt (suy nghĩ hoặc hành động tốt) sẽ gặt hái được kết quả tốt.

3. Thiền

Thiền là trạng thái tĩnh tâm, tâm hướng vào bên trong bỏ qua mọi tác động từ bên ngoài.

Tập thiền là để rèn luyện trạng thái tĩnh tâm, để có thể hoàn toàn bình thản, tỉnh táo trước các biến cố, vì vậy thiền không nhất thiết phải tốn thời gian ngồi ở tư thế kiết già, tư thế này chỉ cần thiết trong giai đoạn rèn luyện ban đầu về sau người ta có thể thiền khi ở mọi tư thế, khi đang làm việc hay nghỉ ngơi. Thiền giúp cho người ta giải tỏa tâm lý căng thẳng, hóa giải mọi stress giữ được trạng thái cân bằng tâm lý trước mọi tác động từ bên trong hay bên ngoài.

Ở Nhật thiền được gọi là zen. Phật giáo vừa là triết học vừa là tôn giáo, thực chất là một hệ giáo dục rèn luyện tâm theo một triết lý triết học nhân quả và hóa giải mọi đau khổ để đạt tới trạng thái niết bàn, vì vậy thiền là một phương pháp tất yếu trong đạo Phật.

4. Sắc và không

“Sắc” được hiểu là vật chất có hình khối, trọng lượng (nói theo đạo Phật là có hình tướng).

“Không” được hiểu là trống rỗng, không phải là không có.

Bát nhã Tâm kinh có câu “Sắc tức thị không, không tức thị sắc”, thị nghĩa là nhìn (có thể hiểu đơn giản là cái vẫn có ở đó nhưng nhìn không thấy có, cái không nhìn thấy ở đó nhưng nó vẫn có ở đó), cái vật chất (sắc) mà lúc này chúng ta nhìn thấy đó, lúc khác nó vẫn còn đó nhưng nó không còn là cái mà chúng ta đã nhìn thấy trước đó tức là nó không còn đó (không). Ngược lại cái mà chúng ta không nhìn thấy bây giờ (không) không phải là hiện tại nó không có, nó vẫn có ở đó nhưng không phải là cái mà chúng ta nói tới nên chúng ta không nhìn thấy nó. Ví dụ chúng ta nhìn thấy một cái ô tô trước mặt đấy là “sắc”, bây giờ những người thợ tháo rời hết các bộ phận ra xếp thành một đống phụ kiện thì chúng ta không nhìn thấy cái ô tô nữa (không) như vậy chính là “sắc tức thị không” không ở đây không có nghĩa là nó không có. Bây giờ những người thợ lại lắp ráp các phụ kiện lại thành cái ô tô như vậy từ không nhìn thấy cái ô tô bây giờ lại nhìn thấy cái ô tô “không tức thị sắc” là vậy.

Có thể hiểu câu “sắc tức thị không, không tức thị sắc” cũng có nghĩa như định luật “Vật chất không tự nó sinh ra cũng không tự nó biến đi mà nó chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác”.

5. Chân như

Chân như là khái niệm Phật Giáo chỉ cái tuyệt đối cuối cùng của vạn sự, chỉ sự hằng định, ổn định, vĩnh cửu, không thay đổi. Chân như là thực tại  “bất sinh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm”.

6. Vô minh

Vô minh là sự thiếu sáng suốt, chỉ sự nhận thức sai lầm về bản thân (bản ngã) và thế giới xung quanh.

7. Vô thường

Vô thường là sự “thay đổi”, “không chắc chắn”, “không trường tồn”. Vô thường là đặc tính chung của mọi sự vật và hiện tượng, nghĩa là mọi sự vật hiện tượng luôn biến đổi, không hằng định.

Vô thường là đặc tính chung của mọi sự sinh ra có điều kiện, tức là thành, trụ, hoại, không (sinh, trụ, dị, diệt).


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

SÁCH CỦA TÔI