Dòng sông Nho Quế ở Mã Pì Lèng

Cập nhật: 05/05/2014 Lượt xem: 6165

Dòng sông Nho Quế ở Mã Pì Lèng
Ký sự ảnh của Hà Hoàng Kiệm

Sông Nho Quế (phần thượng lưu, ở Trung Quốc gọi là sông Phổ Mai) là một con sông bắt nguồn từ vùng núi Nghiễm Sơn (Vân Nam, Trung Quốc) cao 1.500 m, chảy theo hướng Tây Bắc-Đông Nam, xẻ qua cao nguyên Đồng Văn, qua các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc thuộc địa phận tỉnh Hà Giang để nhập vào sông Gâm tại Na Nát thuộc xã Lý Bôn, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng. Là chi lưu phía tả ngạn của sông Gâm, sông Nho Quế dài 192 km (phần ở Việt Nam là 46 km). Diện tích lưu vực 6.052 km² (phần ở Việt Nam 2.010 km²), độ cao trung bình 1.255 m, độ dốc trung bình 18,7%. Thung lũng dạng hẻm vực. Tổng lượng nước bình quân nhiều năm khoảng 2,69 km³ tương ứng với lưu lượng nước bình quân năm là 85 m³/s và môđun dòng chảy năm là 15,8 l/s/km².

Sông Nho Quế chảy vào Việt Nam tại Lũng Cú,một đoạn của nó là ranh giới 2 nước, đến gần Đồng Văn thì nó chảy hẳn vào nội địa VN, qua hẽm núi Tu Sản và sau đó chạy dọc theo đèo Mã Pí Lèng. Đến Mèo Vạc thì sông Nho Quế tách ra chảy theo hướng đông và đông nam vào địa phận Cao Bằng, cuối cùng đổ nước vào sông Gâm. Một điểm đặc sắc là phần lớn thời gian trong năm, nước sông Nho Quế có màu xanh ngọc rất đẹp.

Để khám phá trọn vẹn dòng sông Nho Quế, nếu dùng xe gắn máy có thể nương theo lối mòn của dân bản địa trên sườn núi chạy cặp con sông về hướng hạ lưu và nhiều đoạn phải đi đường vòng vì vực sâu, núi cao chia cắt.

Thật ra sông Nho Quế không quá dài, khoảng 46 km, trong đó đoạn phía thượng nguồn chiếm hơn 5km là đường biên giới hai nước Việt - Trung, phần còn lại chảy trên hai địa phận tỉnh Hà Giang và Cao Bằng. Thế nhưng nhờ ưu thế vùng thượng lưu nằm ở độ cao trung bình 1.200m so với mặt biển, độ dốc khá lớn, dòng chảy mạnh qua nhiều tầng lớp đá tai mèo sắc nhọn, hình thành vô số ghềnh thác trắng xóa giữa những thung lũng, hẻm vực khi ẩn khi hiện trong đám mây trôi bồng bềnh khắp nẻo, khiến cảnh sắc luôn hùng vĩ mà mơ màng.

Dòng Nho Quế chảy qua khe núi Tu Sản và đèo Mã Pì Lèng huyện Mèo Vạc cách Lũng Cú khoảng 15km được xem là ngoạn mục nhất.

Lối mòn từ Đồng Văn đến cửa phía tây khe núi Tu Sản hoang vắng, quanh co không dành cho người yếu tim. Đường hẹp, chênh vênh, nham nhở đá tai mèo mà mỗi lần thả dốc, ôm cua là một lần phải nín thở khi thấy bên dưới là vực sâu thăm thẳm. Nhưng nhờ vào sắc màu hoa gạo đỏ rực trên khắp những ruộng bậc thang trải dài bên rẻo núi, lưng đèo, dưới đáy vực hình ảnh con sông Nho Quế đang êm ả trôi xuôi khiến người ta tạm quên đi nỗi lo lắng.

Vượt qua bao nhiêu con dốc mới tới Thín Ngài, một xóm nhỏ với hơn mười nếp nhà trình tường, mái ngói âm dương cổ kính của người Mông, Giáy, Tày. Một hình ảnh bản làng cổ xưa, bình dị, đầy sắc màu sơn cước mạn Đông Bắc.

Ở đây còn có một lối nhỏ cắt ngang thửa ruộng bậc thang và vài con dốc đất trơn như bôi mỡ dẫn xuống bờ sông. Nhưng cái khó nhất vẫn chờ phía trước bởi muốn vào sâu hẻm vực dài khoảng 1km từ hướng tây sang hướng đông và bề rộng chừng 40km, bắt buộc phải leo trèo qua hàng loạt ghềnh đá tai mèo lởm chởm, sắc nhọn như bãi chông và nếu trườn mình không khéo thì tay chân bị đá cứa, cắt đến tóe máu...
Dòng sông với dòng nước xanh biếc
Dòng sông Nho Quế và con đường Hạnh phúc ở Mã Pì Lèng
Vách núi dựng đứng hai bên sông được đồng bào H'Mông trồng ngô tạo nên một cảnh quan tuyệt đẹp
Khe núi Tu Sản, nơi dòng sông vượt qua để vào Mã Pì Lèng
 
 

CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bài về chủ bút

    Tinh hoa nhân loại

      Khoa học

        Văn học

          SÁCH CỦA TÔI