Bí ẩn bài hát Hoa trinh nữ
Hai cuộc tình sấm sét của ca sĩ Minh Hiếu
Cùng thời với các ca sĩ Thanh Thúy, Phương Dung, Hoàng Oanh, Trúc Thanh, Kim Loan… ca sĩ Minh Hiếu cũng là một ngôi sao trong thế giới giải trí về đêm ở Sài Gòn trước năm 1975. Đã là sao nên Minh Hiếu cũng lắm chuyện tình. Đình đám nhất là chuyện tình sấm sét giữa bộ ba: Minh Hiếu- Nhật Trường-Vĩnh Lộc. Đây là nguyên cớ bí ẩn để xuất hiện bài hát Hoa trinh nữ ồn ào một thời.
Kỳ 1- Con nai vàng ngơ ngác ở rừng cao su Quản Lợi
Ca sĩ Minh Hiếu thời con gái trẻ đẹp, tuy không phải là một mỹ nhân đổ nước nghiêng thành, nhưng vẻ đẹp của cô có chất “hương đồng cỏ nội”, cộng với giọng ca khá đặc biệt: khàn và hơi bị rè khi hát ở tông trầm, thích hợp với điệu boléro và ca từ buồn áo não mang phong cách của “con chim sơn ca đồng nội”, khiến người nghe khi ngồi ở một góc phố mà không khỏi nhớ về một góc làng quê, một sân ga chiều vắng vẻ nên từng hớp hồn nhiều đàn ông.
Và chuyện tình tay ba của Minh Hiếu - Nhật Trường tức nhạc sĩ Trần Thiện Thanh -Trung tướng Vĩnh Lộc biệt danh “Anh cả Trường sơn” Tư lệnh vùng 2 của chế độ Sài Gòn đã làm nóng dư luận của một thời ly loạn…
Tiệm hớt tóc bên rừng cao su Quản Lợi
Trở lại miền Nam Việt Nam cách đây vài chục thập niên vào thời kỳ thực dân Pháp còn đặt ách thống trị ở Đông Dương và ra sức khai phá tài nguyên các xứ thuộc địa mà phương thức khai thác nhanh và hiệu quả nhất là lấy đất mở đồn điền trồng cao su, sử dụng và bóc lột nhân công người bản xứ làm việc tại các đồn điền rộng lớn, bạt ngàn này để làm giàu. Ở miền Nam, thời đó ai cũng nghe danh đồn điền cao su Quản Lợi xã Hớn Quản thuộc huyện Bình Long Sông Bé (nay là tỉnh Bình Dương).
Cách đồn điền cao su Quản Lợi khoảng 300m, gần đầu chợ Hớn Quản, ngay góc ngã tư có một tiệm hớt tóc mang đặc trưng của những miền quê nghèo: căn nhà nhỏ một gian, mái lá lụp xụp, một cửa sổ khi mở chống lên bằng một thanh tre, lúc đóng rút thanh tre cửa sập xuống.
Còn cửa chính chỉ đủ một người lách vào, cửa làm bằng nẹp tre kẹp lá chằm, cột kẽm, mở ra, đẩy vô, cột phía ngoài coi như “khóa” khi ông thợ hớt tóc đi vắng. Tiệm hớt tóc đơn sơ như một quán nước bên đường buổi trưa vắng khách có một chiếc ghế xoay cũ kỹ cho ông thợ hành nghề, cái bàn thấp, mấy chiếc ghế ngồi, bình trà, bộ ly tách cáu bẩn ố vàng bởi men trà lưu niên, bàn cờ tướng… đó là góc giải trí, uống trà, đánh cờ của ông thợ và và ba “chiến hữu” thình thương mến thương khi rảnh rỗi, nhàn hạ tạt qua tiệm hớt tóc bù khú với ông thợ lúc vắng khách.
Cô Út Lài con gái rượu của ông Tám đờn kìm
Có lẽ tài sản đắt giá nhất, ngoài bộ tông đơ, dao kéo hớt tóc, cạo râu của ông thợ kiêm chủ tiệm là cây đàn kìm, gọi văn hoa một chút là “nguyệt cầm” bằng gỗ huỳnh đàn lên nước bóng dợn và được cẩn xà cừ sáng lấp lánh. Cây đàn kìm treo trên vách tiệm, chứng tỏ ông thợ hớt tóc cũng là người có máu nghệ sĩ, đàn ca tài tử nức tiếng ở chợ Hớn Quản. Nhưng ông thợ hớt tóc nghệ sĩ biết chơi đàn kìm này là ai?
Đó là ông Đỗ Văn Trực còn gọi là Tám Cò, biệt danh “Tám đờn kìm” người quê gốc ở tận Mỹ Xuyên Sóc Trăng. Do thời lọan lạc, chiến tranh, bom đạn ì xèo nên Tám đờn kim đùm túm cả gia đình chạy trốn bom đạn lưu lạc đến tận Hớn Quản, đất của đồn điền cao su bạt ngàn, thấy có thể sống được nên Tám đờn kìm quyết định chọn nơi đây làm quê hương, cất căn nhà lá nhỏ, mở tiệm hớt tóc vừa là nơi để cả gia đình trú ngụ.
Gia đình Tám đờn kìm ngoài hai vợ chồng còn 5 người con, 3 trai, 2 gái. Mấy đứa trước đều bình thường, không có gì đặc biệt đáng quan tâm, chỉ có cô con gái út tên Đỗ Thị Lài SN 1935 hồi còn ở Mỹ Xuyên nên thường gọi chết danh là Út Lài thì khá đặc biệt.
Cô gái ở tuổi mới lớn trổ mã rất xinh đẹp, dáng cao, thon thả, da bánh mật, gương mặt trái xoan, mũi dọc dừa, mắt bồ câu đen thăm thẳm, cặp mội trái tim mỗi khi nhoẻn miệng cười duyên làm cánh thanh niên ở chợ Hớn Quản và đồn điền Quản Lợi điêu đứng.
Út Lài - Minh Hiếu
Đặc biệt Út Lài có năng khiếu ca cổ bẩm sinh, giọng rất mùi nên được cha tập nhịp, luyện giọng để ca sáu câu vọng cổ. Mỗi khi ông Tám đờn kìm rao đàn, cô Út Lài cất giọng vô sáu câu thì khách trong tiệm và hàng xóm bu coi đông nghẹt và gật gù thán phục thầm đoán rằng Út Lài lớn lên sẽ trở thành một cô đào thương của một đại bang cải lương nào đó ở Sài Gòn.
Nhưng riêng Út Lài, ngoài giờ đi học, phụ việc nhà và mỗi tối khi tiệm hớt tóc của cha nghỉ tiếp khách hớt tóc để đón những “chiến hữu” đờn ca tài tử tới chơi, bày tiệc nhậu lai rai, ca hát văn nghệ thì được ông Tám đờn kìm gọi lên cho tham gia ca vọng cổ, bài bản vắn giúp vui luôn tiện rèn giọng và tập nhịp cho chắc.
Út Lài ngây thơ như con nai vàng ngơ ngác giữa đám thanh niên và các bác, các chú đàn ca tài tử bạn của cha mình và cũng là niềm hãnh diện của ông Tám đờn kìm về cô con gái rượu có thể nối nghiệp cha trên con đường văn nghệ.
Kỳ 2- Lời phán oan nghiệt của ông thầy tướng số
Phải công nhận nhờ có Út Lài mà tiệm hớt tóc của ông Tám đờn kìm lúc nào cũng đông khách, nhất là đám thanh niên cạo mủ cao su trong đồn điền Quản Lợi. Những chàng trai này trước đây mỗi tháng cắt tóc một lần, bây giờ cứ nửa tháng đã ló mặt tới tiệm thậm chí cứ 10 ngày cắt tóc một lần. Nếu không cắt tóc cũng kiếm cớ tới ráy tai, cạo râu, tỉa tót tóc kiểu này, kiểu kia chỉ với mục đích là lân la tìm cách bắt chuyện, làm quen với Út Lài.
Nhưng mỗi khi đi học về, cô Út đều ru rú nhà sau phụ việc bếp núc, giặt giũ với mẹ, ít khi bước lên tiệm nên khiến các chàng trai đi “săn nai” thành công cốc, buồn ngẩn, buồn ngơ chờ đến tối lại kéo tới tiệm hớt tóc xem văn nghệ để được nhìn thấy Út Lài.
“Viên ngoại” thách cờ cắt đuôi giùm cô Út
Thủa đó ông Tám đờn kìm thường tổ chức những buổi văn nghệ tại tiệm sau giờ nghỉ hớt tóc buổi tối. Thông lệ thì 8 giờ tối buổi văn nghệ mới bắt đầu, chỉ là đờn ca tài tử, cây nhà lá vườn giữa các giọng ca, tay đờn quen thân chí cốt với ông Tám. Có hôm uống trà, ăn bánh kẹo, có hôm lai rai rượu đế với mồi khô, cóc, ổi… nhưng ai nấy đều rất hứng khởi, đàn hát nhiệt tình. Và đặc biệt những buổi đờn ca tài tử này đều có Út Lài tham dự nên đám thanh niên “trồng cây si” Út Lài kéo tới từ rất sớm, những chàng trai “gài độ” đánh cờ tướng với ông Tám để “câu giờ” nhằm diện kiến với cô Út.
Biết tõng đám thanh niên “trồng cây si” con gái, ông Tám đờn kìm bèn chơi chiêu “Viên ngoại thách cờ”, nhằm gạt bớt cái đuôi đeo bám giùm cô Út bằng cách “đánh cờ thách”, ông ra điều kiện: đứa nào muốn được coi Út Lài giúp vui văn nghệ thì phải qua 2 vòng đấu cờ tướng, vòng một, đấu với “nhạc gia” Tám đờn kìm, nếu thắng, mới được bước qua vòng 2 đấu với “tiểu thơ” Út Lài. Nếu thắng được Út Lài mới được ở lại xem văn nghệ, nếu thua thì… về nhà ngủ cho khỏe. Giao ước miệng nhưng rất uy tín, chàng trai nào ăn gian, thua mà còn làm mặt lỳ ở lại thì có nước… bỏ xứ mà đi chứ không thể sống nổi với lời trêu chọc của bà con cả chợ Hớn Quản và người của đồn điền cao su Quản Lợi.
Nhưng hầu như không có chàng trai nào thỏa mãn được ước nguyện được đấu cờ với Út Lài và được ở lại xem cô Út ca sáu câu vì ông Tám đờn kìm chẳng những cao đàn mà còn cao cờ nên các chàng trai si tình cô Út cứ thua xiểng niểng, đành buông cờ lủi thủi ra về. Sau đó chính ông Tám cũng thấy tội nghiệp nên…xả cảng, không đấu cờ nữa mà phá lệ: đứa nào muốn xem văn nghệ, nghe con Út ca thì cứ tự do tới, nhưng phải là bậc…chính nhân quân tử, xem văn nghệ nghiêm túc, không buông lời trêu chọc Út Lài, nếu vi phạm thì là người không có uy tín”. Thế là tiệm hớt tóc của ông Tám đờn kìm lại nô nức những chàng trai si tình không chỉ đến hớt tóc mà còn chen nhau xem văn nghệ.
Phụ nữ lưỡng quyền cao khó lấy chồng
Nhưng vui thì có vui về cô con gái Út được nhiều chàng trai theo đuổi, mà lo thì ông Tám đờn kìm cũng hơi lo vì một lần nọ cách đây khá lâu có ông khách ngoài chợ Hớn Quản ghé tiệm hớt tóc. Trong lúc hàn huyên, tâm sự giữa khách và chủ, chợt thấy Út Lài đi học về cúi đầu chào cha và chào khách, khi Út Lài bước vào trong ông khách bèn nói hỏi chủ tiệm:
- Con gái ông thứ mấy?
- Nó là út, tên Lài nên thường gọi Út Lài.
- Con bé xinh đẹp, tài hoa phát lộ nhưng đường tình duyên… trắc trở truân chuyên, hậu vận mới làm mệnh phụ nhưng cũng chỉ là “thứ phi”, “thứ hậu” kiểu Võ Tắc Thiên thôi.
- Là sao?
- Thiên cơ bất khả lộ, hồi sau sẽ phân giải.
Ông khách hớt tóc hay ông thầy tướng số với lời phán về vận mệnh Út Lài khiến ông Tám đờn kìm lo lắng, phập phồng ăn ngủ không yên. Ông Tám cố đợi đến kỳ hớt tóc cuối tháng với hy vọng “thầy tướng số” sẽ quay lại, nhất định sẽ hỏi thêm ông thầy rõ hơn về vận mệnh của cô con gái út. Nhưng ông khách ấy đã không bao giờ quay trở lại mà lời tiên tri của “thầy” thì lúc nào cũng còn văng vẳng bên tai khiến cho ông Tám đờn kìm thập phần lo lắng cho tương lai của cô con gái rượu mà ông đặc biệt thương yêu.
Không chỉ ông khách tình cờ tới tiệm hớt tóc đoán vận mệnh của Út Lài (nữ danh ca Minh Hiếu sau này) với lời phán “oan nghiệt”, mà nhiều ông bạn nghệ sĩ chí cốt với ông Tám đờn kìm cũng đã xem tướng Út Lài một cách ngẫu hứng và từng đưa ra lời phán tương tự nên ông Tám đờn kìm càng lo lắng, phập phồng. Nhiều ông bạn “chiêm tinh gia tài tử” của ông Tám đờn kìm đã nói rằng Út Lài có nốt ruồi dưới gò má trái thuộc dạng quý tướng, nhưng khiếm khuyết là lưỡng quyền cao, cặp chân mày mang hình đôi chân hạc nên bị phá thế quý tướng trở thành phụ nữ cao số nên khó lấy chồng. Còn trẻ thì tình duyên lận đận, trắc trở, phải trải qua mấy đời chồng mới “dừng chân nơi bến nước trong” chờ thuyền tình cặp bến. Út Lài tuổi Ất Hợi mà tuổi Hợi thì “nằm đợi mà ăn”, nên là tuổi sung sướng, không phải âu lo về hậu vận. Tuy nhiên phải đến tuổi 40 mới lập gia đình thì mới tốt.
Kỳ 3 - Bướm ong dập dìu ve vãn đóa hoa đồng nội
Vẫn biết là “bói ra ma quét nhà ra rác”, nhưng ông Tám đờn kìm thấy chân dung con gái hiện ra mỗi ngày giống y như những gì ông khách tới hớt tóc và bạn bè đờn ca tài tử của ông nói. Tâm lý của một người cha thương con nên ông Tám đờn kìm lo lắng cho Út Lài là chuyện đương nhiên.
Ông Tám đờn kìm để ý thấy trong đám thanh niên chú ý tới Út Lài có một chàng trai tính tình chân thật, hiền hậu, khá nhút nhát, ít khi dám đối mặt với Út Lài nhưng cứ liếc dọc, liếc ngang bằng cặp mắt si tình và gương mặt “ngu” vì yêu say đắm thấy rõ. Đã từng qua tuổi thanh niên, từng yêu với máu nghệ sĩ lãng mạn đầy mình nên ông Tám đờn kìm “nắm thóp” được ngay anh chàng trai trẻ này.
Mối tình đầu sớm tan vỡ
Chàng trai sinh tình Út Lài chẳng ai xa lạ, chính là Huỳnh Văn An, con trai của nhạc sĩ Sáu Tửng, một danh cầm cổ nhạc chuyên trị cây guitar phím lõm nức tiếng miền Tây. Gia đình Sáu Tửng cũng từ Cần Thơ lưu lạc tới xứ Hớn Quản và là bạn chí cốt với ông Tám đờn kìm, tối nào ông cũng tới tiệm hớt tóc của ông Tám tham dự đờn ca tài tử nên hai người trở thành bạn tâm giao với nhau.
Văn An SN 1932, lớn hơn Út Lài 3 tuổi và là anh của nữ danh ca cổ nhạc nổi tiếng của miền Nam sau này, đó là Bạch Huệ. Năm Văn An lên 10 tuổi, ông Sáu Tửng cho con trai theo học đàn với ông thầy thuộc hàng nhạc sư nổi tiếng ở Hậu Giang tên Hai Địa. Được thầy thương yêu và truyền hết ngón nghề nên từ nhỏ Văn An đã nắm vững nhạc lý và biết chơi đàn. Văn An vẫn thường theo cha đến tiệm hớt tóc của ông Tám đờn kìm “dợt” đàn và nghe Út Lài ca vọng cổ, từ chỗ cảm giọng ca, bị hút hồn bời nhan sắc Út Lài nên Văn An không giấu giếm tình yêu của mình. Ngược lại Út Lài cũng có cảm tình đặc biệt với Văn An do chàng trai học giỏi, đàn hay và phong cách rất… nghệ sĩ.
Hai gia đình Tám đờn kìm và Sáu Tửng thấy “đôi trẻ” Văn An-Út Lài cứ “đá đèn” nhau hoài nên mừng thầm, cả hai ông bạn chí cốt đều mong cho đôi trẻ mau lớn, tới tuổi trưởng thành sẽ tổ chức đám cưới để hai người từ chỗ bạn tâm giao trở thành sui gia và Văn An- Út Lài thành chồng vợ thì không còn gì vui và hạnh phúc hơn.
Tuy nhiên chuyện đời không ai học được chữ ngờ, chẳng ai biết trước ngày sau sẽ ra sao. Bất ngờ chiến tranh bùng nổ, biến xứ Hớn Quản thành nơi khói lửa nên Văn An và Út Lài đành phải xa nhau không hẹn ngày gặp lại. Thế là mối tình đầu ở tuổi mới lớn của họ đành tan vỡ.
Bước ngoặt định mệnh
Đó là biến cố của lịch sử làm đổi thay nhiều góc cạnh của xã hội miền Nam trong đó có gia đình nhỏ của danh cầm Sáu Tửng và tình yêu chớm nở giữa đôi thanh niên nam nữ Văn An-Út Lài: Tháng 8.1945 Nhật đảo chính Pháp để thay ách thống trị này bằng một ách thống trị khác trên toàn cõi Đông Dương trong đó có Việt Nam. Lúc chiến tranh nổ ra, khu vực rừng cao su Hớn Quản cũng như nhiều nơi khác ở miền Nam lâm vào cảnh loạn lạc và nơi này trở thành căn cứ địa của quân đồng minh. Ông Sáu Tửng lại đưa gia đình trở về quê lánh nạn nên Văn An phải đi theo, còn ông Tám đờn kìm thì quyết “bám trụ” để giữ tiệm hớt tóc vì về quê gia đình ông cũng không biết phải lấy gì làm kế sinh nhai trong khi gia đình ông gồm hai vợ chồng và 5 đứa con mỗi ngày một lớn, hao tốn ngày càng nhiều và nghề hớt tóc của ông ở đất này còn kiếm cơm độ nhật được.
Khi chiến sự tạm yên, sinh hoạt xã hội trở lại bình thường thì ở Cần Thơ chàng thiếu niên Văn An vừa đi học, vừa kiếm việc làm thêm để phụ giúp gia đình. Thủa ấy, Cần Thơ là “thủ phủ” của miền Tây, hay còn gọi Tây Đô nên nhịp sống rất sôi nổi, trong thế giới giải trí về đêm cũng có mở vũ trường và chàng trai mới lớn Văn An, con trai trưởng của danh cầm Sáu Tửng đã xin vào làm trong ban nhạc của vũ trường với chân đánh trống và là một tay trống nhỏ tuổi nhất lúc bấy giờ. Năm đó Văn An mới 13 tuổi, lại nổi tiếng là một tay trống xuất sắc ở miền Tây.
Trong khi đó ông Tám đờn kìm vẫn tiếp tục nghề hớt tóc và cũng giữ nếp nhà, ông thường tổ chức những buổi văn nghệ, đờn ca tài tử tại tiệm vào buổi tối. Thời gian trôi rất nhanh, năm 1948, Út Lài được 15 tuổi đang “trổ mã” con gái và trở thành một thiếu nữ xinh đẹp, có giọng ca rất ngọt nào, cuốn hút lòng người. Mỗi ngày Út Lài mặc áo dài trắng ôm cặp đi học, đoạn đường đến trường không đầy cây số nhưng đã có nhiều chàng trai theo chọc ghẹo để làm quen. Nhưng cô “tiểu thư” chỉ cúi mặt đi, không nói nửa lời, trong thâm tâm Út Lài vẫn vương vất hình bóng của Văn An và mối tình đầu đẹp như giấc mộng vẫn chưa phai nhạt vị mật ngọt của trái tim trong trắng vừa bước vào ngưỡng cửa tình yêu.
Bỗng vào một buổi chiều có anh thanh niên dáng người bệ vệ, đeo cặp kính mát toàn đen, gọng và tròng to bè úp lấy nửa gương mặt rổ hoa, ăn mặc bảnh bao theo phong cách ký giả, bộ đồ bốn túi may rất khéo, trước ngực đeo lủng lẳng chiếc máy ảnh “nhà nghề” hiệu Pentax, chạy chiếc Lambetta 150cc của Ý dừng lại trước tiệm hớt tóc của ông Tám đờn kìm.
Kỳ 4-Út Lài lọt vào mắt xanh của ký giả kịch trường
Chàng thanh niên lạ mặt không phải là khách hớt tóc của ông Tám đờn kìm mà là một ký giả của của tờ Màn ảnh Sân khấu Sài Gòn, một tờ báo chuyên về viết về kịch trường, sân khấu, màn ảnh… nói chung là những gì liên quan tới thế giới giải trí và nghệ sĩ.
Nhà báo bệ vệ này xưng tên là Nguyễn Lang, thường rời tòa soạn thực hiện những chuyến tác nghiệp xa nhằm mục đích tìm kiếm, phát hiện nhân tố mới cho làng giải trí, tức những kiều nữ trẻ đẹp, có giọng hát hay, diễn xuất tốt đưa về Sài gòn đào tạo thành ca sĩ, diễn viên sân khấu, màn ảnh và viết bài “lăng xê”, giới thiệu đi hát chuyên nghiệp ở các phòng trà, vũ trường, đại nhạc hội hoặc đóng kịch, đóng phim.
Một bước tới… Sài Gòn
Nguyễn Lang cho biết anh tình cờ phát hiện ra Út Lài tan học về, chỉ mới liếc sơ cô gái, bằng con mắt nhà nghề anh khẳng định Út Lài sẽ là một nghệ sĩ “đẳng cấp” trong tương lai nếu được đào tạo trong môi trường tốt và lăng xê bài bản, mà điều này thì trong tầm tay của Nguyễn Lang. Chính vì thế nên anh ta đã chạy theo Út Lài về tận nơi cho biết nhà và xin phép gia đình cho anh ta được thực hiện tâm nguyện của một ký giả kịch trường phát hiện ra “nhân tố” cần tìm và rất may mắn đã gặp Út Lài ở xứ sở của rừng cao su bạt ngàn này.
Ông Tám đàn kìm mời Nguyễn Lang vào nhà, tiếp đãi ân cần và qua câu chuyện ông thấy có thể tin anh ký giả này được và nhận thấy đây là một dịp may, một cơ hội tốt để Út Lài vươn lên trên con đường sự nghiệp sau này, vừa để tiến thân khỏi uổng phí tài năng, vừa góp phần phụ giúp gia đình. Biết đầu nhờ cô gái rượu trở thành ca sĩ mà gia đình sẽ đồi đời? Sau khi bàn với vợ và thăm dò ý kiến Út Lài, mọi việc đều thuận lợi, riêng Út Lài lại tỏ ý vui mừng vì được về Sài Gòn một nơi mà cô gái đồng nội này chỉ nghe nói chứ chưa từng đặt chân tới nên rất háo hức. Đồng thời cô Út cũng muốn ra khỏi cái tiệm hớt tóc nghèo ở góc chợ Hớn Quản điều hiêu, quanh năm chỉ thấy mưa lầy, nắng bụi đỏ trời.
Nguyễn Lang đưa Út Lài về Sài Gòn cho học thêm văn hóa và gửi học nhạc lý với nhạc sĩ Minh Kỳ trong thời gian 3 tháng. Mọi chi phí, Nguyễn Lang đài thọ hết Nhờ tư chất thông minh và năng khiếu bẩm sinh kết hợp với giọng ca thiên phú, chỉ sau 3 tháng được nhạc sĩ Minh Kỳ tận tình chỉ dạy, rèn dũa nhạc lý và luyện thanh, Út Lài đã vượt trội hơn các cô học trò khác của nhạc sĩ Minh Kỳ khiến ông thầy nổi tiếng khó tánh này cũng phải khen ngợi và lấy làm hài lòng khi có một cô học trò đầy tiềm năng xuất thân từ lò đào tạo của mình.
Riêng Nguyễn Lang, anh rất vui mừng vì không chọn lầm người. Nhưng công việc trước tiên là phải đặt cho Út Lài một nghệ danh để đi hát. Sau khi vắt óc tìm ra một loạt nghệ danh, cuối cùng Nguyễn Lang chỉ ưng ý với tên Minh Hiếu. Minh là sáng, Hiếu là hiếu thảo, Út Lài từng tâm sự là nhà cô quá nghèo, đông miệng ăn, bao năm qua chỉ trông cậy vào tiệm hớt tóc của ba cô nên cuộc sống rất khó khăn, vất vả. Cô chấp nhận xuống Sài Gòn đi hát là vì sở thích, tâm nguyện, ước mơ sẽ trở thành ca sĩ trong đó cũng còn một nguyên nhân khác, muốn kiếm tiền phụ giúp gia đình. Do đó cái tên Minh Hiếu rất phù hợp với Út Lài. Và quả nhiên cô rất thích.
Út Lài trở thành danh ca Minh Hiếu
Với tài tháo vát của Nguyễn Lang, vừa lo nơi ăn chốn ở cho cô gái, vừa lên kế hoạch lăng xê, viết bài, đăng ảnh trên báo nhà và các báo của “chiến hữu liên tục tạo bệ phóng để đẩy cô ca sĩ mới toanh Minh Hiếu lên nấc thang danh vọng. Đồng thời qua mối quan hệ rộng, Nguyễn Lang cũng giới thiệu Minh Hiếu đi hát cho phòng trà Tiếng Tơ Đồng, một phòng trà lớn, nổi tiếng ờ Sài Gòn nằm trên đường Yên Đỗ Q3 thủa đó. Các ca sĩ Sài Gòn trước năm 1975 đi hát vũ trường, phòng trà là coi như đi làm việc thường xuyên, đêm nào cũng hát, thường là hát 2 bài, nếu có khách yêu cầu thì hát thêm 1 bài chứ không thể nhiều hơn vì còn dành thời gian cho ca sĩ hát sau. Và ca sĩ không nhận tiền cát xê từng đêm mà lãnh lương tháng theo kiểu khoán gọn trọn gói tùy theo danh phận ca sĩ hát lót, hát chính hay ca sĩ hàng “sao” mà hưởng mức lương khác nhau. Minh Hiếu là ca sĩ mới nhưng ngay khi vào phòng trà Tiếng Tơ Đồng đã được hát chính với mức lương của ca sĩ hàng “sao”, những 14.000 đồng/tháng trong khi vàng có vài ngàn đồng/lượng. Nếu một đêm chạy 3-5 show thì ca sĩ không giàu mới lạ.
Tại phòng trà Tiếng Tơ Đồng, tên tuổi Minh Hiếu nhanh chóng tỏa sáng do cô có chất giọng rất đặc biệt, khàn và nghe như bị rè nhưng đây là chất giọng “không đụng hàng” cực hiếm. Minh Hiếu lên được tông cao cũng như xuống được tông cực trầm mà không méo tiếng, vẫn ngọt ngào thu hút, như rót mật. Minh Hiếu được thầy Minh Kỳ và ký giả Nguyễn Lang chọn cho bài tủ, phù hợp với chất giọng u buồn của cô, đó là bài “Ngăn Cách” của Y Vân. Và cô đã nổi tiếng ngay từ bài này. Đúng hơn, Minh Hiếu hát bài này như ru hồn người nghe vì kh6ong chỉ phù hợp với chất giọng của cô mà còn do bài hát gợi cho Minh Hiếu tâm trạng của người trong cuộc khi nhớ về mối tình đầu của mình đã bị “ngăn cách” với chàng trai Văn Anh ở góc đồn điền cao su Hớn Quản thủa nào.
Ở phòng trà Tiếng Tơ đồng, với chất giọng đặc biệt, hiếm có, Minh Hiếu nhanh chóng trở thành một hiện tượng lạ trong thế giới ca nhạc phòng trà vào thập niên 1950-1960. Nổi tiếng và có tiền là chuyện đương nhiên, nhưng Minh Hiếu lại không biết đi xe máy, cô thuê được một căn nhà một lầu bề thế, đầy đủ tiện nghi nằm trong con hẻm rộng đường Trần Quý Cáp (Võ Văn Tần bây giờ) để ở riêng đi hát. Mỗi đêm từ nhà đến vũ trường, phòng trà Minh Hiếu đều đi taxi, hoặc xích lô đạp. Còn lúc về, tất nhiên được nhiều cây si tình nguyện chở bằng ô tô sang trọng. Trong số đó không thiếu những quan chức chính quyền, các sĩ quan quân đội chế độ cũ.
Kỳ 5-Cận vệ của Tổng thống Ngô Đình Diệm săn đuổi
Với tuổi trẻ và sắc đẹp của cô gái mới lớn, thêm giọng ca hút hồn. Mỗi đêm đứng dưới ánh đèn sân khấu phòng trà trong tà áo dài tha thướt, sức hút của ca sĩ Minh Hiếu khiến cánh mày râu trong giới ăn chơi giàu có, quyền thế không cưỡng lại được. Họ không chỉ đổ dồn ánh mắt về cô ca sĩ đẹp lộng lẫy có giọng ca quá u buồn mà còn ước muốn chinh phục được con chim sơn ca từ đồng nội về thành phố như một thứ hương vị mới lạ, độc đáo và rất mê hoặc.
Trong số những kẻ si tình thuộc hàng quan chức mỗi đêm có mặt ở phòng trà Tiếng Tơ Đồng có một anh chàng võ biền, cục mịch: đại úy Ngô Bằng, là cháu ruột, kiêm cận vệ cho Tổng thống Ngô Đình Diệm của nền đệ nhất cộng hòa miền Nam. Ngô Bằng có nhị đẳng Judo, tam đẳng taekwondo, nghĩa là một tay võ biền thứ thiệt.
Đẹp trai không bằng chai mặt
Chẳng biết Ngô Bằng làm công việc cận vệ cho Ngô tổng thống lúc nào mà hắn canh lúc ca sĩ Minh Hiếu hát xong ở phòng trà Tiếng tơ đồng ra là tới phòng trà đón đầu Minh Hiếu đề nghị được đưa người đẹp về. Minh Hiếu không đồng ý, lên xe xích lô đi thẳng, Ngô Bằng không bỏ cuộc, tà tà lái chiếc Vespa Sprins 150cc theo. Hắn không mặc thường phục mà chơi luôn bộ quân phục của cận vệ Tổng thống phủ cho nó "oách", với bộ quân phục cận vệ tổng thống phủ và cây P38 kè kè bên hông, chẳng tay ma cà bông nào dám tranh giành hay “cản địa” lộ trình Ngô Bằng hộ tống người đẹp từ đường Yên Đỗ về Trần Quý Cáp.
Tuy không được người đẹp đoái hoài, tay sĩ quan võ biền này cũng chẳng biết tán tỉnh văn hoa, hắn chỉ chăm chăm vào lợi thế của mình là… cái mặt lỳ, “đẹp trai không bằng chai mặt”-Ngô Bằng rất thích câu này và cứ thế mỗi đêm trong vai anh hùng câm lặng, hắn đường hoàng làm… cận vệ đưa ca sĩ Minh Hiếu về dinh và kiên nhẫn chờ thời cơ thế nào rồi cũng tới - Ngô Bằng nghĩ vậy.
Quả nhiên, vào một buổi tối cuối tháng 7-1958, khi ca sĩ Minh Hiếu vừa bước ra khỏi cửa phòng trà Tiếng Tơ Đồng thì trời đã giúp Ngô Bằng khi bất ngờ trút xuống một cơn mưa cực lớn. Cả con đường khuya vắng tanh trong cơn mưa như xối, không có bóng chiếc taxi chạy qua cũng như bác xích lô nào núp mưa đợi khách. Trong lúc ca sĩ Minh Hiếu sốt ruột, lúng túng định quay vào phòng trà trú mưa thì Ngô Bằng xuất hiện với chiếc vespa sprins quen thuộc. Hắn mặc áo mưa nhà binh Mỹ và chìa cho Minh Hiếu chiếc áo mưa kiểu phụ nữ màu hồng mới cáu đã chuẩn bị sẵn từ bao giờ. Ngô Bằng ân cần mời Minh Hiếu mặc áo mưa vào và lên xe để hắn đưa về vì trời đã khuya mà mưa thì chưa biết bao giờ mới tạnh. Thấy gã đàn ông tử tế, theo đuổi mình mãi, giờ lại xuất hiện đúng lúc đưa cho chiếc áo mưa rồi đề nghị chở về nên Minh Hiếu cảm động. Cô chớp đôi mắt sâu đen, sáng long lanh trong ánh đèn mỉm cười đồng ý và ngồi lên yên xe. Ngô Bằng sung sướng khi lần đầu tiên được chở người trong mộng. Hắn rồ ga, phóng vút đi trong cơn mưa tầm tã. Người cứ phơi phới như đang bay lên mây.
Khi đưa Minh Hiếu về tới nhà, do cơn mưa quá lớn nên dù có áo đi mưa nhưng cả Ngô Bằng và Minh Hiếu đều ướt sũng. Thấy “người ơn” của mình lạnh run, Minh Hiếu không nỡ để Ngô Bằng dầm mưa quay về nên cô bảo Ngô Bằng hãy cởi áo ra để cô hong cho khô, sau đó hãy mặc về nếu không sẽ bị cảm lạnh. Chỉ đợi có thế, Ngô Bằng lẳng lặng đi đóng cửa và thay vì cởi áo ra “hong cho khô” anh chàng chuyên đi “bẻ hoa trộm” này đã xông đến Minh Hiếu như con hổ đói lâu ngày không được miếng thịt người. Ngô Bằng dùng một thế võ đơn giản khóa hai tay Minh Hiếu lại khi cô ra sức chống cự và thực hiện hành vi chiếm đoạt trinh tiết của “đóa hoa đồng nội”.
Kẻ đi đày, người uống thuốc ngủ tự tử
Sau đêm mưa định mệnh, bị đại úy Ngô Bằng cưỡng hiếp, ca sĩ Minh Hiếu bị suy sụp tinh thần nặng, cô cố giấu chuyện này với tất cả mọi người nhất là với “ân nhân” của mình là ký giả Nguyễn Lang. Nhưng chẳng hiểu có phải do gã Ngô Bằng chơi trò tung tin chứng tỏ sự chiến thắng của mình trong việc khuất phục ca sĩ Minh Hiếu hay không mà một số báo nắm được loại tin tức cực hót này nên đua nhau tung lên trang 1, giật tít ca sĩ Minh Hiếu bị cận vệ của tổng thống hiếp dâm. Người ta đổ xô mua báo đọc và bàn tán khắp mọi nơi, còn ca sĩ Minh Hiếu thì nằm khóc sưng cả mắt, đau khổ đến tột cùng. Riêng đại úy Ngô Bằng thì đứng trước cơn thịnh nộ của “ông cậu” tổng thống, Ngô Đình Diệm đã bàn với ông em cố vấn Ngô Đình Nhu tìm cách “dàn xếp” với báo chí cho qua vụ này vì nếu để bùng ra thì không có lợi về mặt chính trị lẫn…đạo đức cho gia đình họ Ngô. Một mặt ông Diệm cũng nghĩ cách “đày” thằng cháu trời đánh ra vùng 1 chiến thuật cho làm lao công đào binh ít lâu như một biện pháp kỷ luật nặng để trấn an dư luận.
Bị báo chí đưa tin, các ca sĩ đồng nghiệp bàn tán, cạnh khóe, ca sĩ Minh Hiếu như không còn đứng vững nổi trên sân khấu. Một đêm gió đầy trời thành phố như nhắc nhớ kỷ niệm đớn đau vẫn chưa làm sao nguôi ngoai được, tại vũ trường Liberty trên đường Tự Do (Đồng Khởi bây giờ), sau khi gắng gượng hát xong bài “Ngăn Cách” của Y Vân và bài “Quen nhau trên đường về” của Thăng Long trong nước mắt, ca sĩ Minh Hiếu lẻn vào toallet mở ví lấy ra một vốc thuốc ngủ Euquinol 20 viên cho cả vào miệng, cô quyết tự tử để giải thoát khỏi nỗi đau dằn xé mỗi đêm khi đi hát về và cũng để cho xong một kiếp cầm ca.
Kỳ 6-Mối tình si của trung úy Đỗ Cao Luận
Nhưng ông trời chưa cho ca sĩ Minh Hiếu chết, tử thần chỉ mới kịp nắm tay cô ca sĩ đáng thương rồi vụt buông ra khi một ông khách tình cờ bước vào nhà vệ sinh thấy ca sĩ Minh Hiếu nằm gục đầu trên bồn rửa mặt, người lả đi khi thuốc ngấm. Ông khách vội bế xốc Minh Hiếu ra khỏi vũ trường đưa lên xe Jeep của mình, đích thân lái tới bệnh viện Sài Gòn nằm trên đường Lê Lợi gần đó để cấp cứu.
Được xúc ruột kịp thời, ca sĩ Minh Hiếu thoát khỏi tử thần và khi cô mở mắt ra trong phòng hồi sức bệnh viện đã trông thấy ngay “ân nhân” của mình đứng bên cạnh mỉm cười, nụ cười vừa động viên, vừa âu yếm. Ông khách đó chẳng ai khác lạ, chính là một “cây si” từng theo đuổi Minh Hiếu ở vũ trường Liberty, anh ta là trung úy Đỗ Cao Luận, em ruột của chuẩn tướng Đỗ Cao Trí. Lại thêm một cuộc gặp gỡ định mệnh.
Cuộc đua của những gã si tình
Được tái sinh từ cõi chết, ca sĩ Minh Hiếu bây giờ lại biết quý sự sống hơn ai hết, cô tiếp tục đi hát và sau những biến cố đau thương giọng hát của Minh Hiếu lại càng buồn. Thời gian trôi nhanh, vết thương sâu nào cũng có thể lành, ca sĩ Minh Hiếu sau những sóng gió phong ba của dư luận lại càng thêm nổi tiếng và kiếm được tiền nhiều, cô vừa phụ giúp gia đình vừa tậu cho mình một căn biệt thự nằm trên đường Trương Minh Giảng gần cổng xe lửa số 6 (Lê Văn Sĩ bây giờ). Mỗi đêm đi hát, Minh Hiếu không đi taxi hay xích lô nữa, cô đường hoàng “ngự” trên chiếc Toyota sang trọng có tài xế riêng.
Thời gian này Minh Hiếu đã bước qua tuổi con gái để trở thành một phụ nữ đẹp, quyến rũ như một đóa hoa mãn khai. Cuộc đua của những người đàn ông si tình mê tiếng hát và nhan sắc của cô ca sĩ lại tiếp diễn ráo riết, náo nhiệt hơn để quyết giành trái tim người đẹp. Nhưng trong cuộc đua quyết liệt này, người về đích lại không phải một quan chức hay sĩ quan cỡ bự mà là một chàng trung úy trẻ, đó là Đỗ Cao Luận, vị ân nhân đã cứu Minh Hiếu thoát khỏi lưỡi hái của tử thần từ một đêm mưa tại vũ trường Liberty khi cô quyết tâm lìa bỏ cuộc đời bằng một vốc thuốc ngủ 20 viên. Trung úy Đỗ Cao Luận không tham dự cuộc đua mà cho xe chạy theo ca sĩ Minh Hiếu mỗi đêm từ phòng trà này tới vũ trường kia, hay từ điểm diễn cuối cùng trong mỗi đêm về ngôi biệt thự trên đường Trương Minh Giảng mà chỉ ngồi chờ Minh Hiếu ở một nơi duy nhất: vũ trường Liberty. Một nơi luôn nhắc nhớ Minh Hiếu về kỷ niệm khó quên từ một đêm mưa thành phố.
Cuối cùng, khi đứng trên sân khấu vũ trường Liberty nhìn thấy ánh mắt si tình của viên trung úy trẻ hầu như cách mỗi đêm đều lái xe Jeep vượt khoảng đường xa tận mãi Bình Long về Sài Gòn để có mặt ở vũ trường Liberty đúng vào giờ Minh Hiếu lên sân khấu hát, cô đã nghiêng trái tim thổn thức của mình về phía Đỗ Cao Luận lúc nào không biết. Và sau đó chàng trung úy trẻ với “ý chí” kiên định đã chính thức cặp kè với ca sĩ Minh Hiếu như một đôi tình nhân hoàn hảo khiến những “cây si” thuộc dạng quan chức lớn đã tiếc ngẩn ngơ.
Rào cản tình yêu về vụ cưỡng dâm
Riêng Minh Hiếu đã yêu Đỗ Cao Luận thật sự, cả hai vượt qua mọi dư luận và tưởng rằng họ sẽ tới với nhau trong hạnh phúc, nhưng mối tình này lại gặp trắc trở từ gia đình của Đỗ Cao Luận và ông anh Đỗ Cao Trí. Gia đình họ Đỗ quyết liệt phản đối vì họ cho rằng ca sĩ Minh Hiếu không xứng đáng với Đỗ Cao Luận, một sĩ quan trẻ, đầy tương lai phía trước, trong khi Minh Hiếu chỉ là một cô ca sĩ tầm thường “xướng ca vô loại” theo như định kiến ngàn xưa. Hơn nữa cô ca sĩ đó đã không còn trong trắng và bị tai tiếng bởi vụ cưỡng dâm của đại úy Ngô Bằng.
Nhưng Đỗ Cao Luận đúng là kẻ si tình, anh ta say mê ca sĩ Minh Hiếu thật sự và quyết bỏ ngoài tai những lời khuyên của gia đình và ông anh mang hàm tướng, quyền uy một cõi. Đỗ Cao Luận bỏ bê trách nhiệm và chẳng thiết gì cuộc đời binh nghiệp, đêm nào cũng lái xe Jeep từ Bình Long về Sài Gòn gặp Minh Hiếu, chờ cô hát xong ở phòng trà cuối cùng rồi đưa nhau đi ăn tối, sau đó ngược về Bình Long trong đêm. Mỗi lần Minh Hiếu có show diễn xa ở các tỉnh, thành khác như: Phan thiết, Nha Trang, Hội An, Tam Kỳ... hoặc bất cứ đâu ở miền Tây, Đỗ Cao Luận cũng sắp xếp “việc quân” tháp tùng và bảo vệ người yêu đưa đến tận nơi, rước về tận nhà để chứng minh hai người là một “cặp đôi” không thể tách rời, vượt qua mọi dư luận và định kiến thế gian.
Đến lúc này thì ông anh chuẩn tướng Đỗ Cao Trí phải ra tay, ông ta dùng uy thế của mình can thiệp với Bộ tổng tham mưu quân đội Sài Gòn tìm cách “bốc” ông em trung úy Đỗ Cao Luận ra tận Pleiku, đóng quân ở một vùng đèo heo hút gió để có thời gian suy nghĩ và lãng quên mối tình với cô ca sĩ phòng trà Sài Gòn. Chẳng biết biện pháp mạnh của ông anh chuẩn tướng trong việc chia rẻ đôi uyên ương Đỗ Cao Luận- Minh Hiếu có thành công không, bởi xứ Pleiku bụi đỏ sương mù đã được nhà thơ lãng tử Vũ Hữu Định từng mô tả:
Em Pleiku má đỏ môi hồng
Ở đây buổi chiều sương giăng mùa đông
Mắt em ướt và môi em ướt
Ta khách lạ đi lên đi xuống
May mà có em, đời còn dễ thương…
Trong khung cảnh nên thơ, lãng mạn đó anh chàng trung úy si tình Đỗ Cao Luận quên được ca sĩ Minh Hiếu được mới lạ!
Kỳ 7- Mượn tên một loài hoa để trách người yêu phụ bạc
Trong dòng nhạc “sến” của miền Nam trước năm 1975 nổi lên 4 nam ca sĩ được thế giới giải trí thời đó xưng tụng là “tứ trụ”: Duy Khánh, Chế Linh, Hùng Cường, Nhật Trường. Cả 4 ca sĩ này đều phục vụ trong quân đội Sài Gòn thuộc ngành Tâm lý chiến. Duy Khánh gốc Huế, Chế Linh gốc dân tộc Chàm, Hùng Cường người Sài Gòn, Nhật Trường người Phan Thiết . Hai ca sĩ Duy Khánh, Chế Linh di tản sau biến cố lịch sử năm 1975 và định cư tại Mỹ vẫn tiếp tục họat động ca hát ở hải ngoại.
Hai ca sĩ Hùng Cường, Nhật Trường còn “vướng” lại ở Sài Gòn sau ngày giải phóng 30-4-1975. Rồi Hùng Cường ra nước ngoài trước, Nhật Trường đi năm 1993, định cư tại Mỹ. Hiện “tứ trụ” danh ca “nhạc sến” của Sài Gòn một thời đã mất hết 3 “trụ”: Duy Khánh, Hùng Cường, Nhật Trường chỉ còn lại mình Chế Linh. Vừa rồi, Chế Linh có về Việt Nam biểu diễn tại Hà Nội, chuyện biểu diễn của Chế Linh cũng khá lùm xùm nhưng rồi cũng trót lọt. Ở tuổi gần 70 nhưng giọng ca Chế Linh vẫn còn khá thu hút theo cách riêng của ông và đã được khán, thính giả Hà Nội thuộc giới trẻ sau năm 1975 tán thưởng nhiệt tình, có lẽ vì là giọng hát lạ, một “món ăn”mới đối với người Hà Nội.
Ẩn tình “Hoa trinh nữ”
Nhật Trường tức nhạc sĩ Trần Thiện Thanh (tên thật của ông) SN 1941, quê quán Phan Thiết, xuất thân là giáo viên, ông vào Sài Gòn lập nghiệp năm 1960, đi hát với nghệ danh Nhật Trường và sáng tác nhạc với tên thật là Trần Thiện Thanh. Vì phục vụ trong quân đội Sài Gòn nên nhạc sĩ Trần Thiện Thanh là “chuyên gia” sáng tác toàn những ca khúc về lính. Nào là: tình thư của lính, Tâm sự người lính trẻ,rừng lá thấp, Khi người yêu tôi khóc, Trên đỉnh mùa đông, Chiều trên phá Tam Giang, chuyện tình Mộng Thường, Không bao giờ ngăn cách, Chuyến đi về sáng, Bảy ngày đợi mong, Tuyết trắng, Người yêu của lính, Tạ từ trong đêm, Từ đó em buồn, góa phụ thơ ngây, Người ở lại Charlie, đám cưới đầu xuân, Biển mặn, Anh không chết đâu anh, Phút giao mùa, Đồn vắng chiều xuân, Hoa biển, Đám cưới đầu xuân, Anh về với em, Tình có như không, Hoa trinh nữ… Nói chung trong số lượng bài hát khổng lồ chủ đề về “lính”, ca ngợi “lính Việt Nam Công Hòa”, Trần Thiện Thanh họa hoằn lắm mới không đề cập tới “lính”, đó là bài “Hàn Mặc Tử” sáng tác trước giải phóng và bài “chiếc áo Bà Ba” sáng tác sau năm 1975 mang âm điệu dân ca và tình tự quê hương, dân tộc.
Riêng bài “Hoa trinh nữ” thì theo giới nghệ sĩ lúc bấy giờ Trần Thiện Thanh sáng tác nhằm có ý “than thân trách phận”, vì mình chỉ là một người bình thường, là “lính” nên mộng ước cũng thật bình thường không thể sánh được với “vua”, nên “em” tức giai nhân trong bài hát mới phụ tình, đi lấy người giàu sang, quyền quý, ám chỉ “vua”.
Trần thiện Thanh đã mượn sự tích “Hoa trinh nữ” tức “Hoa mắc cỡ”, một loài hoa dại mọc hoang bên đường, không hương thơm mà sắc thì nhạc phai, hèn mọn để lấy chuyện hoa mà nói chuyện mình. Ngụ ý của bài hát thì quá rõ, nhưng nhân vật “vua” và “giai nhân” là ai? Nhiều người không hiểu chuyện thầm kín bên trong sẽ tưởng đó chỉ là “sự tích Hoa trinh nữ” mà nhạc sĩ cảm khái sáng tác thành bài hát. Còn một số người phong phanh nghe lời đồn đoán thì sẽ rất thắc mắc, khó giải nếu không biết được ẩn tình.
“Tôi không phải là vua nên nào biết đến xa hoa
Không ngọc ngà, không kiệu hoa, không nệm gấm, không cung son
Tôi chỉ là người lính xa nhà
Thấy hoa nhớ người yêu rất xa…
Cho giai nhân ngóng đợi chỉ một cành trinh nữ thôi…”
Đây là một đoạn trong bài hát “Hoa trinh nữ” của Trần Thiện Thanh. Và “vua” ở đây là trung tướng Vĩnh Lộc tư lệnh quân đoàn 2 chế độ cũ, thời đó được ví như một “ông vua” một cõi, còn “giai nhân” phụ tình “lính” đi lấy “vua” chính là ca sĩ Minh Hiếu.
Bởi lẽ ca sĩ Nhật Trường và ca sĩ Minh Hiếu mộ thời là một “cặp đôi” nghệ sĩ từng đi hát chung, đứng chung trên sân khấu và họ từng là tình nhân, gắn bó với nhau cả giới nghệ sĩ đều biết. Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh cũng từng sáng tác nhiều ca khúc dành riêng cho Minh Hiếu hát đồng thời nói lên tình yêu sậu đậm của hai người. Ví dụ như bài “không bao giờ ngăn cách” do chính Minh Hiếu từng “khoe”, khi sáng tác xong bài này Trần Thiện Thanh đã chạy tìm cô để cùng nhau tập và một thời gian dài bài “Không bao giờ ngăn cách” gần như ca sĩ Minh Hiếu hát độc quyền.
Kẻ kình địch của Nhật Trường
Vĩnh Lộc tên họ đầy đủ là Nguyễn Phước Vĩnh Lộc SN 1926 tại Huế thuộc gia đình hoàng tộc vì Vĩnh Lộc là anh em họ của vua Bảo Đại tên tộc là Vĩnh Thụy. Từ nhỏ Vĩnh Lộc đã được giáo dục trong môi trường phong kiến nhưng lại hấp thụ nền văn hóa Pháp, nói tiếng Pháp như gió và do sinh ra trong gia đình hoàng tộc nên Vĩnh Lộc sống hoàn toàn trên nhung lụa với giai cấp của một lãnh chúa. Năm 1949 tới tuổi thanh niên Vĩnh Lộc nhập ngũ, đi lính cho Pháp và được đưa sang Pháp học ở Trường huấn luyện Thiết giáp Saint Saumur trong thời gian 1 năm. Khi quay về Việt Nam, Vĩnh Lộc tiếp tục thụ huấn Trường Sĩ quan Phú Bài. Ra trường Vĩnh Lộc được ông anh Vua Bảo Đại rút về làm cận vệ hầu cận ngai vàng. Vốn tính ham chơi, máu lãng tử sẵn trong người mà bắt làm cận vệ cho vua, hết ngày này qua tháng khác bị nhốt trong nội cung bên cạnh vua chẳng chơi bời, phóng đãng được nên sau 2 năm chịu trận Vĩnh Lộc liền xin thuyên chuyển ra một đơn vị tác chiến. Bảo Đại chuẩn y lời thỉnh nguyện này của ông em và phong cho Vĩnh Lộc lên đại úy nắm liền chức Chỉ huy trưởng Liên đội Thiết Giáp thuộc Sư đoàn Lộ quân số 2.
Bí ẩn bài hát Hoa trinh nữ: Kỳ 8
Thời cuộc biến đổi, lịch sử chuẩn bị sang trang mới. Năm 1953, Ngô Đình Diệm, một người thuộc gia đình quan lại, phong kiến gốc Huế, đồng thời là con bài chính trị mới trên bàn cờ lịch sử của Mỹ đang sắp xếp. Lúc này ông Diệm chuẩn bị rời Mỹ, sang Bỉ rồi tới Pháp theo lộ trình vận động cho việc trở về Việt Nam nắm quyền thủ tướng theo chế độ Quân chủ lập hiến trên có Bảo Đại ngồi ghế Quốc trưởng làm… bù nhìn.
Ngô Đình Diệm tới Pháp là có mục đích yết kiến Quốc trưởng Bảo Đại để ra mắt theo đúng đạo quân thần và bái lạy thề trung thành với triều đình nhà Nguyễn bởi Bảo Đại đang có mặt ở lâu đài Thorence (Cannes). Ngày 16-6-1954 Bảo Đại ký sắc lệnh số 38/QT bổ nhiệm Ngô Đình Diệm làm Thủ tướng với toàn quyền quyết định việc nước thay mặt cho Quốc trưởng.
Gian nan đường tiến thân của anh lính hoàng tộc
Nhưng chỉ cần một thời gian rất ngắn, hơn một năm sau đó Ngô Đình Diệm đã dùng thủ đoạn chính trị bằng chiêu bài “trưng cầu ý dân” để truất phế Bảo Đại lên nắm giữ quyền lực tối cao. Với kết quả phiếu bầu chọn của dân: Ngô Đình Diệm 98,2% phiếu tín nhiệm, trong khi Quốc trưởng Bảo Đại chỉ có 1,1% phiếu, đương nhiên Ngô Đình Diệm trở thành tổng thống của nền đệ nhất Cộng hòa miền Nam Việt Nam và ông ta đã tuyên bố nhậm chức vào ngày 26-10-1955.
Sau khi trở thành tổng thống, để củng cố quyền lực Ngô Đình Diệm đã tìm cách loại bỏ dần những người không ăn cánh với nhà Ngô, thân Pháp và còn trung thành với Bảo Đại mà Vĩnh Lộc là một cái tên được soi xét nhiều nhất và đứng đầu tiên trong danh sách “đen”. Diệm quyết loại bỏ Vĩnh Lộc vì ông ta vừa thân Pháp vừa là hoàng tộc, anh em cật ruột với Bảo Đại.
Tuy nhiên cố vấn chính trị Ngô Đình Nhu đã khuyên ông anh không cần phải loại bỏ Vĩnh Lộc mà giữ ông ta lại để làm “cảnh” cho chế độ nhà Ngô vì nếu không sẽ mang tiếng cạn tàu ráo máng với Pháp và với cựu hoàng. Lý do Nhu đưa ra để thuyết phục Diệm không loại bỏ Vĩnh Lộc vì Nhu biết tõng ông ta là kẻ ham chơi, chỉ muốn vinh thân phì da, là kẻ phù thịnh chứ không phù suy. Một con người như thế thì chẳng có gì nguy hiểm. Nhưng giữ Vĩnh Lộc lại không phải để trọng dụng ông ta mà cho…đi học dài hạn rồi về giao cho giữ những chức vụ “khơi khơi” theo kiểu ngồi chơi xơi nước. Thế là năm 1955 Vĩnh Lộc được cử đi học khóa chỉ huy và tham mưu cao cấp tại Mỹ. Khi về nước Vĩnh Lộc được bổ nhiệm làm giảng viên Trường Đại học Quân sự, dạy học 4 năm ròng mới được thăng cấp thiếu tá và đeo lon này suốt 6 năm mới được thăng trung tá vào năm 1960 và làm Chỉ huy trưởng Trung tâm huấn luyện Vạn Kiếp nơi huấn luyện tân binh quân dịch.
Gió đổi chiều Vĩnh Lộc lên như diều gặp gió
Thời thế lại đổi thay, sau 9 năm cai trị miền Nam việt Nam bằng chế độ độc tài, gia đình trị. Cuối năm 1963 nhà Ngô sụp đổ bằng một cuộc đảo chánh quân sự, anh em Diệm Nhu bị giết, phe tướng lãnh lên nắm quyền, rồi liên tiếp xảy ra những cuộc đảo chánh, chỉnh lý để tranh giành quyền lực. Cuối cùng Nguyễn Văn Thiệu lên làm tổng thống của nền đệ nhị cộng hòa. Do được lòng của Trung tướng Đặng Văn Quang phụ tá An ninh đồng thời là cậu vợ của Nguyễn Văn Thiệu nên đường công danh của Vĩnh Lộc lên như diều gặp gió. Đầu tiên Vĩnh Lộc được thăng cấp đại tá, ngoi lên chức Tham mưu phó hành quân Bộ Tổng tham mưu. Và rồi chỉ trong thời gian ngắn chưa đầy 3 năm, từ tháng 11-1963 đến tháng 10-1966, từ đại tá, Vĩnh Lộc phóng cái ào lên… trung tướng nắm luôn chức Tư lệnh quân khu 2 kiêm Tư lệnh vùng 2 chiến thuật.
Để bước vào con đường hoạn lộ rộng thênh thang này, trước tiên vào đầu năm 1964 Vĩnh Lộc được Nguyễn Văn Thiệu bổ nhiệm làm Tư lệnh sư đoàn 9 Bộ binh, kiêm Tư lệnh Biệt khu 41 gồm các tỉnh Vĩnh Long, Sa Đéc, Kiến Phong (Đồng Tháp) và thăng hàm chuẩn tướng. Nắm binh quyền trong tay, Vĩnh Lộc thả sức… cua gái và lộ máu ghen hơn đàn bà. Bấy giờ, dưới quyền Vĩnh Lộc có một đại đội Tâm lý chiến trực thuộc sư đoàn, trong đó có mấy toán chỉnh huấn và một Ban văn nghệ. Quân số của Ban văn nghệ gồm các em ca sĩ trẻ đẹp làm việc theo hợp đồng dưới dạng công chức quốc phòng. Những em ca sĩ “nửa nạc nửa mỡ” này đảm nhiệm việc đi lưu diễn phục vụ văn nghệ cho lính sư đoàn đóng quân rải rác các nơi hoặc phụ vụ ở hậu cứ khi các đơn vị về dưỡng quân. Nhưng nhiệm vụ thường trực là biểu diễn giúp vui vào mỗi tối thứ bảy tại Câu lạc bộ Sĩ quan Sư đoàn tại Sa Đéc để các tướng, tá ăn chơi, nhảy nhót gọi là giải trí cuối tuần. Chuẩn tướng Vĩnh Lộc đã say mê một em ca sĩ trong Ban văn nghệ tên là Hoàng Yến, chỉ mới 18 tuổi.
Trước đó, vào hôm Hoàng Yến mới xin vào Ban văn nghệ sư đoàn và còn đang cho thử giọng tại hội trường, bất ngờ chuẩn tướng, Tư lệnh Sư đoàn đi ngang qua, trông thấy cô gái trẻ đẹp Vĩnh Lộc như bị hớp hồn vội tấp vào xem với mục đích “thả dê”. Để chứng tỏ uy quyền của một viên tư lệnh với người đẹp, không cần biết Hoàng Yến có hát được hay không, Vĩnh Lộc lệnh cho thuộc cấp nhận ngay Hoàng Yến vào Ban văn nghệ rồi từ hôm đó cô “ca sĩ” này chỉ “hát” riêng cho Tư lệnh nghe trong những lúc chỉ có hai người.
Kỳ 9- Máu ghen của chuẩn tướng tư lệnh quân đoàn
Và một lần nọ không may cho số phận của một thuộc cấp trẻ dưới quyền của Vĩnh Lộc, khi có một anh trung úy đang ngồi uống cà phê tán gẫu với ca sĩ Hoàng Yến tại Câu lạc bộ bị ông ta bắt gặp. Chẳng cần biết mối quan hệ ấy thế nào, giữa hai người có tình ý gì không hay chỉ là mối quan hệ xã giao bình thường Vĩnh Lộc cũng nổi máu ghen đùng đùng và lập tức gọi anh trung úy đang tùng sự tại phòng hành quân sư đoàn lên trình diện, quát tháo nhặng xị, đỏ mặt tía tai.
Tội nghiệp cho viên trung úy trẻ chẳng hiểu nguyên cớ gì mà chuẩn tướng lại nổi cơn lôi đình với mình như thế. Sáng hôm sau anh trung úy hiểu ra thì đã muộn vì chuẩn tướng Vĩnh Lộc đã ký quyết định thuyên chuyển anh ta ra một đơn vị tác chiến. Quân lệnh như sơn, anh trung úy chỉ còn xách ba lô lên và ra đi không hẹn ngày trở lại.
Chuẩn tướng Vĩnh Lộc bị cú trời đánh
Mấy tháng sau đó, trong lúc Vĩnh Lộc đang hiu hiu tự đắc thể hiện uy quyền của một viên chuẩn tướng tư lệnh với đòn đánh phủ đầu rát mặt, nhằm răn đe tất cả những sĩ quan trẻ chớ có nằm mơ giữa ban ngày trong việc tán tỉnh ca sĩ riêng của chuẩn tướng. Bất ngờ một ngày đẹp trời người yêu bé nhỏ Hoàng Yến viết cho ông ta một bức thư báo tin sét đánh: “em đã có thai với chuẩn tướng rồi nên xin phép nghỉ ở nhà dưỡng thai”.
Đúng là một cú choáng hơn trời đánh, càng choáng hơn khi gia đình ca sĩ Hoàng Yến tung tin này ra khắp thị xã Sa Đéc để uy hiếp tinh thần Vĩnh Lộc và đòi ông ta phải có trách nhiệm với cái bào thai ấy, nếu không sẽ nhờ tới báo chí can thiệp. Biết đụng vào ổ kiến lửa và cô ca sĩ nai tơ ngày nào đã hóa cáo, để yên chuyện Vĩnh Lộc đã “thể hiện trách nhiệm” bằng việc mua cho Hoàng Yến một ngôi nhà bề thế nằm trên đường Phan Thanh Giản dọc theo bờ sông Sa Đéc và dúi vào tay nàng một số hiện kim để chuẩn bị cho việc “vượt cạn”. Nào ngờ, đợi mãi mà chẳng thấy cái bụng cô nàng phình ra giống một người có bầu để “hai hoa nở nhụy”. Hóa ra chuẩn tướng tư lệnh bị lừa một vố quá cỡ thợ mộc, đau như bị “hồi mã thương”. Nhưng biết làm sao được, chuẩn tướng tư lệnh mà dại gái thì cũng chết thôi.
Đường tán gái thì trắc trở với mối hận Hoàng Yến, nhưng đường hoạn lộ của Vĩnh Lộc lại thênh thang mở ra trước mắt. Tháng 6-1965, Vĩnh Lộc được Nguyễn Văn Thiệu bổ nhiệm làm Tư lệnh Quân đoàn 2, kiêm Tư lệnh vùng 2 chiến thuật và thăng cấp thiếu tướng (chắc nhờ có tay trong là trung tướng Đặng Văn Quang, phụ tá An ninh của Nguyễn Văn Thiệu).
Vùng 2 chiến thuật nằm trong sự cai quản của Vĩnh Lộc giống như một lãnh thổ riêng, rộng lớn và trải dài từ chân đèo Bình Đê, giáp ranh hai tỉnh Quảng Ngãi-Bình Định chạy dọc vùng duyên hải Nam Trung Bộ đến hết tỉnh Bình Thuận và bao bọc hết khu vực Tây Nguyên rộng lớn vừa giàu tài nguyên rừng, thủy hải sản. Vĩnh Lộc khôn khéo chọn Pleiku là nơi đóng đại bản doanh của một tướng vùng, vì Pleiku đẹp, hùng vĩ, trù phú. Và chỉ một năm sau với quyền lực và giàu có, lại nằm trong “đường dây” buôn lậu của Đặng Văn Quang- Mai Anh (vợ Thiệu), Vĩnh Lộc được “bốc” lên trung tướng trước sự ngỡ ngàng của các đồng sự và thuộc cấp. Đến thời điểm này Vĩnh Lộc đích thực là “vua một cõi” đúng như tên gọi đầy oán hờn sau này của Trần Thiện Thanh tức ca sĩ Nhật Trường trong bài hát "Hoa trinh nữ" khi bị “vua” Vĩnh Lộc phổng tay trên ca sĩ Minh Hiếu.
Vua một cõi “Anh cả Trường Sơn” bị ca sĩ Minh Hiếu hớp hồn
Có quyền lực trong tay, phất lên thành một tướng vùng giàu có và gia thế hoàng tộc, Vĩnh Lộc bắt đầu trò ngông. Mỗi lần đi “kinh lý”, hoặc dự các buổi lễ lớn bất kể là việc quân hay việc dân tổ chức trên lãnh thổ do mình cai quản Vĩnh Lộc đều chơi nổi, không đi bằng ô tô mà… cưỡi voi, mặc bộ thổ cẩm của dân tộc thiểu số tới địa điểm hành lễ để thu hút mọi ánh mắt ngưỡng mộ đổ dồn vào mình. Đồng thời cũng “diễn vở tuồng” hòa đồng, gắn bó với các sắc tộc ở Tây Nguyên. Cũng với màn kịch này, Vĩnh Lộc tự xưng mình là : “Anh cả Trường Sơn”, không phải Trường Sơn Đông nắng Tây mưa trên cung đường Hồ Chí Minh huyền thoại trong kháng chiến chống Mỹ mà là Trường Sơn từ tên gọi tắt của “ Đoàn xây dựng sơn thôn” của chính quyền Sài Gòn được tung về các bản làng giúp đỡ, lấy lòng đồng bào sắc tộc. Vĩnh Lộc ngẫu hứng xưng là “anh cả” của lực lượng này cho nó “oách”. Thế thôi.
Và rồi chính tại đại bản doanh của tướng vùng 2 Vĩnh Lộc, một lần ca sĩ Minh Hiếu theo “Biệt đoàn văn nghệ Hoa tình thương” của “binh chủng” chiến tranh tâm lý lên Pleiku phục vụ văn nghệ cho lính. Những buổi văn nghệ này đều có Vĩnh Lộc dự, và trước vẻ đẹp “thô mộc” của con chim sơn ca đất rừng cao su Bình Long được gột rửa bằng phấn son Sài thành hoa lệ, dày dạn trong tình trường và giọng hát khàn khàn, âm trầm ma quái của Minh Hiếu đã hớp hồn viên tướng tư lệnh vùng đầy quyền uy “vua một cõi”. Ngược lại, khi đứng hát trên sân khấu và khi dự tiệc thiết đãi của tướng vùng, Minh Hiếu đã nhận ra ánh mắt si tình của Vĩnh Lộc nhìn xoáy vào cô, có điên mới không biết ông tướng vùng này muốn gì. Thế là Minh Hiếu vừa… buông vừa thủ, làm cho không phải người điên là Minh Hiếu mà chính là ông tướng vùng Vĩnh Lộc.
Về lại Sài Gòn, Vĩnh Lộc thường xuyên gọi điện thọai cho Minh Hiếu, tha thiết mời cô ca sĩ ra Pleiku “hát riêng” cho mình nghe. Sau một tuần lễ bắt ông tướng mỏi mòn chờ đợi trong sự hồi hộp, căng thẳng, Minh Hiếu nhận lời một mình ra gặp Vĩnh Lộc ở điểm hẹn Phú Yên.
Truyện tình Hoa trinh nữ được phơi bày
Được ca sĩ Minh Hiếu nhận lời gặp mặt ở Phú Yên, Trung tướng Vĩnh Lộc như mở cờ trong bụng, ông ta liền lên kết hoạch tiếp đón người đẹp hết sức hoành tráng, đồng thời cũng muốn chứng tỏ oai phong của “Anh cả Trường Sơn”. Mục đích của Vĩnh Lộc là bằng mọi giá phải làm hài lòng người đẹp.
Trước đó, Vĩnh Lộc đã gọi cho trung tá Trần Văn Hai còn gọi là Hai “trề”, tỉnh trưởng Phú Yên xuống lệnh phải đích thân dùng công xa ra đón ca sĩ Minh Hiếu tận chân cầu thang phi cơ khi Minh Hiếu xuống phi trường rồi đưa về dinh tưởng trưởng, tiếp đãi như thượng khách để chờ Vĩnh Lộc bay vào diện kiến người đẹp.
Trung tá đụng Trung tướng
Trần Văn Hai có điên mới không biết thượng cấp của mình muốn gì, nhưng ai chứ gặp Hai “trề” thì khác, anh ta muốn mình điên một lần thử xem sao. Thế là, thay vì làm y lệnh của Vĩnh Lộc, trung tá Trần Văn Hai đã dùng xe riêng chứ không phải công xa, cho tài xế đi đón Minh Hiếu rồi đưa luôn về một khách sạn hạng xoàng để người đẹp ở đó chờ “ông tướng”.
Khi Vĩnh Lộc bay vào Phú Yên, tới khách sạn hú hí với Minh Hiếu, nghe người đẹp tỉ tê đã bị Hai “trề” đối xử lạnh nhạt, xem thường lệnh của “ông tướng”, Vĩnh Lộc đã buông một câu lạnh gáy: Thằng này điên thật rồi. Sau khi tiễn người đẹp về Sài Gòn, Vĩnh Lộc tới ngay dinh tỉnh trưởng Phú Yên gặp Hai “trề” và nổi cơn thịnh độ, quát tháo thuộc cấp đã lơi lỏng trách nhiệm tỉnh trưởng, không bảo đảm được… an ninh trật tự cho tỉnh Phú Yên rồi lấy cớ đó cách chức luôn Trần Văn Hai, tống ra khỏi vùng 2 chiến thuật trả về Bộ tổng tham mưu.
Sau khi về lại Pleiku, trung tướng Vĩnh Lộc lại làm một chuyện điên không ai ngờ được là… ký ngay quyết định cho ca sĩ Minh Hiếu làm hạ sĩ quan danh dự rồi buộc Minh Hiếu phải chấp hành mệnh lệnh của thượng cấp bay ra Pleiku tham dự buổi lễ “gắn lon” hạ sĩ danh dự trước sự ngỡ ngàng của bao sĩ quan, binh lính dưới quyền.
Minh Hiếu nhận lon hạ sĩ xong, đương nhiên phải ở lại Pleiku và nghỉ hát ở các phòng trà, vũ trường Sài Gòn để chỉ “hát riêng” cho tướng vùng nghe mỗi đêm ở đại bản doanh của tướng vùng 2. Kiểu “bắt vợ” này thật ngoạn mục, vô tiền khoáng hậu mà chỉ có Vĩnh Lộc mới dám làm. Còn Minh Hiếu thì tương kế tựu kế muốn nhảy một phát lên làm “bà tướng” chứ không chịu làm vợ lẽ, “phòng nhì” nên sắp sẵn một kế hoạch cũng rất ngoạn mục.
Nhờ thầy bói để lên làm bà tướng
Lúc bấy giờ ở Đà Lạt có ông thầy bói, kiêm chiêm tinh gia Hoàng Chiêm, xủ quẻ, xem tướng, chấm số tử vi như “thánh nhập”, rất nổi tiếng trong giới chính khách, tướng tá, quan chức, đặc biệt là các mệnh phụ phu nhân mê tín. Biết Vĩnh Lộc là người cực kỳ mê tín, Minh Hiếu liền đưa Vĩnh Lộc lên Đà Lạt diện kiến thầy Hoàng Chiêm. Tất nhiên giữa Minh Hiếu và ông thầy bói Hoàng Chiêm đã thỏa thuận một kịch bản đưa Vĩnh Lộc vào tròng.
Vừa gặp Vĩnh Lộc, thầy Hoàng Chiêm ngắm nghía gương mặt của người đàn ông bệ vệ đi cạnh ca sĩ Minh Hiếu rồi phán ngay ông ta có quý tướng, đường công danh còn lên cao hơn nữa. Với tài nịnh bợ của ông thầy bói Hoàng Chiêm, nói như vẽ, Vĩnh Lộc sướng rên. Thầy Hoàng Chiêm vốn là một “bốc sư”, nổi tiếng chấm số tử vi cho những vị tai to mặt lớn, xem tướng mạo nói trúng như “thánh nhập” nên khi thầy Hoàng Chiêm phán Vĩnh Lộc có tướng… đại nhân, làm vua một lãnh thổ riêng, mạng của Vĩnh Lộc là lư trung hỏa, vượng phu ích tử khiến Vĩnh Lộc mê tít.
Trong lúc Vĩnh Lộc đang đê mê giấc mộng công danh, thầy Hoàng Chiêm nhìn mặt Minh Hiếu nói leo lẻo mạng của Minh Hiếu là dương liễu mộc, mộc sinh hỏa, tướng mệnh phụ. Nếu hai tuổi “đại nhân” và “mệnh phụ” mà thành vợ chồng thì công danh phú quý của Vĩnh Lộc sẽ lên đến tột đỉnh, không chỉ là “vua một cõi” mà còn “ra khỏi cõi”.
Vĩnh Lộc đã mở cờ trong bụng, giờ chỉ muốn bay lên chín tầng mây khi được thầy bói xủ quẻ đại cát liền trọng thưởng cho Hoàng Chiêm và… thực hiện ngay lời phán của thầy. Thế là ca sĩ Minh Hiếu một bước nhảy lên làm “bà tướng” vùng, bỏ lại sau lưng mối tình với anh lính ca sĩ Nhật Trường-Trần Thiện Thanh, nên sau này hận đời, hận tình Trần Thiện Thanh mới sáng tác bài “Hoa trinh nữ”.
Bài hát lập tức được phổ biến sâu rộng, được nhiều ca sĩ cả nam và nữ hát. Có thể người ngoài không hiểu ẩn tình sâu kín trong nội dung bài hát, nhưng người trong cuộc chắc chắn biết nhạc sĩ Trần Thiện Thanh muốn thông qua bài hát Hoa trinh nữ để nói hộ lòng mình, một chuyện tình quá cay đắng, sự than thân trách phận qua những ca từ, sự trải lòng qua những giai điệu và sự thù hận tuy biến thành bài hát, khéo léo ví von về một loài hoa nhưng rất rõ nỗi chua cay mà hơn ai hết Minh Hiếu là người hiểu ẩn ý này. Có lẽ vì thế mà bài hát Hoa trinh nữ tuy được phổ biến bởi các ca sĩ khác trên đài phát thanh, phòng trà, vũ trường, tụ điểm ca nhạc, thu âm rầm rộ nhưng chính ca sĩ Minh Hiếu lại không hát bài này.
Ngày giải phóng 30.4.1975 ca sĩ Minh Hiếu theo ông tướng bại trận Vĩnh Lộc chạy ra nước ngoài. Những năm sau đó Minh Hiếu xuất hiện, đi hát trở lại nhiều nơi trên đất Mỹ nhưng trong số những bài hát ruột một thời ở Sài Gòn như: Quen nhau trên đường về, Nỗi buồn gác trọ, Cho tôi tìm lại một mùa xuân… nhưng tuyệt nhiên vẫn không thấy Minh Hiếu hát bài “Hoa trinh nữ” của Trần Thiện Thanh, kể cả khi nhạc sĩ Trần Thiện Thanh tức ca sĩ Nhật Trường đã chết. Minh Hiếu không muốn nhắc lại kỷ niệm xưa chăng?
Hết.
Nguồn: Từ Kế Tường, https://www.baomoi.com/bi-an-bai-hat-hoa-trinh-nu-ky-1/c/15936872.epi
Bài hát: HOA TRINH NỮ
Sáng tác: Trần Thiện Thanh
Qua một rừng hoang gió núi theo sang rũ bụi đường trên vai
Hái cây hoa dại lẻ loi bên đường gọi hoa trinh nữ
Hoa trinh nữ không nặn mà bằng nàng hồng kiêu sa
Hoa đâu dám khoe màu cùng một nàng cúc vàng tươi
Hoa không bán hương thơm như nàng dạ lý trong vườn
Nhưng hoa trinh nữ đẹp tựa chuyện tình hai chúng ta
Xưa thật là xưa nhớ mấy cho vừa nhớ mẹ kể đêm mưa
Có ông vua trẻ xuất binh qua rừng dẹp quân xâm lấn
Khi vua kéo quân về trình cờ gặp một gia nhân
Vua xao xuyến tâm hồn vời nàng về chốn hoàng cung
Truyền cho khắp nhân gian đem lụa là đến cho nàng
Trên ngôi cao chín tầng hoàng hậu đẹp hơn ánh sao
Tôi không phải là vua nên mộng ước thật bình thường
Như yêu một loài hoa trên vùng đá sỏi buồn phiền
Loài hoa không hương không sắc mầu
Nhưng loài hoa biết khép lá ngây thơ
Tôi không phải là vua nên nào biết đến xa hoa
Không ngọc ngà kiệu hoa không nệm gấm không cung son
Tôi chỉ là người lính xa nhà
Thấy hoa nhớ người yêu rất xa
Nâng nhẹ một cây lá xếp trong tay lá ngủ thật mê say
Ngỡ đôi mi gầy khép đêm trăng đầy cài then cung ái
Tôi nghe thoáng qua hồn mình vừa thành một quân vương
Quân vương giữa hoa rừng lòng bàng hoàng nhớ người thương
Và mong ước mai sau khi tan giặc rước vua về
Cho gia nhân ngóng đợi chỉ một cành trinh nữ thôi......