Văn hóa làm việc của Bác sĩ

Cập nhật: 21/10/2017 Lượt xem: 2936

Trong một cuộc hội nghị thường niên của Hội đồng Quản lý lâm sàng Quốc tế, Giám đốc nhà xuất bản Đại học y học Hiệp Hòa (TQ) Viên Chung đã có bài tham luận với tiêu đề "Văn hóa làm việc của bác sĩ" với giọng điệu vô cùng chân thành, khắc sâu vào tâm trí người nghe, khiến cho cả hội trường hơn 300 người nín lặng.

Bài phát biểu này sau đó được đăng tải lên truyền thông, gây ra làn sóng chia sẻ mạnh mẽ từ cộng đồng vì sự đồng cảm với từng lời nói sâu cay, thấm thía.

VĂN HÓA LÀM VIỆC CỦA BÁC SĨ

Khi một người tìm đến bác sĩ để khám bệnh, họ sẽ chia sẻ hết tất cả sự riêng tư cho bạn, cởi hết quần áo ra trần truồng cho bạn khám, nói hết tất cả những đau đớn mà họ đang phải chịu, gửi cả tính mạng cho bạn. Trong tình huống này, bạn đang là người đứng thứ 2 chỉ sau Thiên Chúa. Bạn không còn là người bình thường nữa.

Vì có tình yêu, mới có bệnh viện và bác sĩ, mới có công việc điều trị. Nếu bạn không có một tinh thần để làm việc với tất cả tình yêu thương đặc biệt với bệnh nhân, thì công việc đó chỉ nên gọi là một sự giao dịch, mua bán, một công việc kinh doanh. Một công việc không bắt buộc nhất định phải có phẩm cách.…

Trong những lần lên lớp giảng bài, sinh viên thường hỏi tôi, học thêm môn Y học nhân văn thì có tác dụng gì? Tôi thường phân tích ở 2 góc độ chính, một là về giá trị quan, hai là về kiến thức xã hội và trí tuệ con người. Trong đó, giá trị quan chính là Đạo (y đức), còn nhân văn trí tuệ chính là Thuật (chuyên môn). Nó giống như là khái niệm Y Đức và Y Thuật, 2 thứ phải song hành cùng nhau.

Trước hết, tôi muốn nói về vấn đề "Đạo" (Y đức). Tôi thường nghe một số lãnh đạo Bệnh viện mỗi lần kết thúc hội nghị, tổng kết lại với những câu nói kiểu như: "Trong năm qua, sau những nỗ lực không ngừng của đội ngũ nhân viên, tỉ lệ bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú tăng 20%, bệnh nhân ngoại trú tăng 30%, thu nhập của chúng ta tăng 10 %". Thử hỏi, nghe câu nói này bạn có cảm thấy có vấn đề gì không. Có lẽ nào các bác sĩ, các cấp lãnh đạo bệnh viện cảm thấy đó là điều tự nhiên, bình thường?

Kỳ thực, tôi xin nói với mọi người, đây thực sự không phải là lời nên nói của một vị lãnh đạo bệnh viện. Đó là lời nói của một giám đốc doanh nghiệp thì đúng hơn.
Nếu là lãnh đạo bệnh viện, chúng ta nên nói gì? Chúng ta nên nói rằng, chúng ta đã điều trị khỏi được cho bao nhiêu bệnh nhân, chúng ta đã giúp đỡ được cho bao nhiêu người.

Chúng ta đã quên đi rằng thế nào được gọi là Bệnh viện, đó là một vấn đề liên quan đến giá trị quan (y đức). Cũng có bác sĩ từng nói với tôi rằng, bản thân họ làm nghề bác sĩ là do mục đích muốn kiếm tiền. Điều này thực tế không có gì sai, nhưng tôi muốn nói với bạn rằng, nếu chỉ vì lý do muốn kiếm tiền không thôi, thì tuyệt đối đừng có làm nghề bác sĩ. Trong xã hội này, có nhiều nghề có khả năng kiếm tiền nhiều hơn nghề bác sĩ, ví dụ như bất động sản, khai khoáng, thương mại tài chính, công nghệ thông tin… Nhưng thực sự, Trong xã hội ta chỉ có 2 ngành nghề, vừa có thể kiếm tiền, vừa được tôn trọng, đó chính là làm bác sĩ và làm giáo viên.

Ngay cả ở Nhật Bản, cũng chỉ có hai nghề nghiệp được gọi với từ "tiên sinh" (thầy), đó là bác sĩ và giáo viên.

Tôi có một người bạn, là Giám đốc sở nghiên cứu khoa học thuộc Bệnh viện Hiệp Hòa Bắc Kinh (TQ). Ông là người dân tộc Duy Ngô Nhĩ, ông ấy từng kể cho tôi nghe một câu chuyện, rằng người Duy Ngô Nhĩ quan niệm, khi người ta chết đi, có thể sẽ lên thiên đường. Nhưng không phải tất cả mọi người đều có cơ hội lên thiên đường, mà phải thông qua một cuộc "bình bầu, bỏ phiếu" trước tập thể. Những quan chức tham nhũng, cảnh sát tồi, quản lý thành phố xấu xa… thì phải đi vào địa ngục. Một điều đặc biệt là, chỉ có 2 ngành nghề không phải trải qua cuộc "bình chọn" tư cách sau khi chết, mà họ được trực tiếp lên thiên đường, đó chính là bác sĩ và giáo viên.

Khái niệm phẩm giá nghĩa là gì? Tôi cũng là bác sĩ, tôi có kinh nghiệm và hiểu rõ về khái niệm này. Nếu bác sĩ không lo khám bệnh và làm nhiệm vụ của mình cho thật tốt, mà chỉ chăm chăm nhìn vào túi của bệnh nhân, thì bệnh nhân sẽ vô cùng căm hận bạn.

Đạo thiên chúa coi trọng 2 điều, thứ nhất là quan niệm về đức tin, thứ hai là tinh thần bác ái, yêu thương đồng loại. Quan niệm đức tin hiểu ở góc độ, khuyên chúng ta coi bác sĩ là một nhóm người ưu tú trong xã hội. Ngài Chủ tịch Hiệp hội Bác sĩ Trung Quốc từng nói với tôi, trong một lần ông đến Nhật Bản công tác, được người Nhật cử ra một người chuyên chăm sóc các bác sĩ trong đoàn một cách chu đáo, cẩn thận. Điều này khiến cho các bác sĩ Trung Quốc cảm thấy vô cùng kỳ lạ.

Họ cho rằng họ không phải là phái đoàn chính trị, cũng không phải là tập đoàn kinh tế, càng không phải là quan chức ngoại giao, họ chỉ là bác sĩ bình thường. Không hiểu sao lại được phía Nhật đón tiếp trọng thị như vậy. Sau đó, các bác sĩ được nghe một người Nhật làm phục vụ ở đó nói rằng, ông ấy cả đời mong muốn được trở thành bác sĩ, nhưng thi không đỗ. Ông vô cùng tôn trọng nghề bác sĩ".

Một trường hợp khác, giáo sư Lý Bích Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Bệnh viện Hòa Mục Gia, Bắc Kinh (TQ) là một người Do Thái, bà từng nói với chúng tôi rằng, người Do Thái thường thông minh và thành công hơn các dân tộc khác, thực tế là vì người Do Thái có đức tin thần thánh. Họ cho rằng họ là những con chiên của Thượng đế, vì vậy họ luôn nỗ lực, cần cù hơn các dân tộc khác, từ đó mà họ nhanh chóng chạm tay tới thành công.

Tương tự như vậy, làm nghề bác sĩ, phải có niềm tin về sự thánh thiện. Hãy luôn tin mình là một người ưu tú nổi bật hơn trong nhóm người bình thường. Không kể bạn xuất thân từ đâu, nhưng khi bạn khoác áo bác sĩ, bạn nghiễm nhiên được người khác xem là lớp người ưu tú, được kính trọng.

Một bác sĩ làm việc tại một địa bàn nào đó, họ không đơn thuần chỉ là bác sĩ, họ giống như một thủ lĩnh. Một bác sĩ tốt không chỉ là người có kỹ thuật tay nghề giỏi, mà còn là người có nhân phẩm, tư cách đặc biệt, được người khác thừa nhận.
Nhưng mọi người đều hiểu rất rõ rằng, xã hội mà chúng ta đang sống hôm nay đã xuất hiện quá nhiều vấn đề. Đơn cử như một sinh viên Học viện y học ở Thượng Hải, đầu độc bạn học cùng phòng ở ký túc xá đến chết, sau đó còn nói rằng, tôi là người trống rỗng, không có giá trị gì. Thản nhiên với tội ác.
Tôi không biết mọi người có nghĩ đến điều này không, vì sao cậu sinh viên đó lại trở thành một người "trống rỗng", không nhìn thấy giá trị của chính mình? Hãy thử nghĩ thêm về những vụ sinh viên trở thành kẻ giết người xuất hiện trong những năm gần đây.

Thời đại này, chúng ta đã có sự phát triển vượt bậc về những tài sản vật chất, nhưng chúng ta có sở hữu tài sản lớn về tinh thần hay không? Mọi người hãy tự hỏi bản thân mình trước xem. Đất nước chúng ta đã từng có rất nhiều những bản sắc, tinh thần dân tộc và giá trị nhân văn tốt đẹp như lòng yêu tổ quốc, yêu gia đình, yêu quê hương, hiếu thuận với cha mẹ, sự cần cù chăm chỉ, lấy đức độ phục vụ con người, lấy phục vụ nhân dân làm công trạng, bản thân rèn dũa tâm tính, thái độ sống chuẩn mực được coi trọng, lấy Lễ - Nghĩa – Nhân – Trí - Tín làm đầu. Nhưng ngày nay, điều này có còn hay không?

Chúng ta đã đến lúc thật sự cần phải biết phản biện. Có lần tôi và đồng nghiệp về Vũ Hán làm việc, người ta hỏi tôi: Nghề bác sĩ hiện nay thế nào. Tôi liền lập tức nói rằng, đừng vội hỏi về ngành Y ra sao, mà hãy xem lại những quảng cáo giả dối trên truyền hình.

Có thể nói rằng, cả dòng sông đều đã bị ô nhiễm, thì không thể có con cá nào có thể thoát khỏi sự ô nhiễm. Cách xử lý ô nhiễm dòng sông, phải xử lý và kiểm soát từ thượng nguồn.

Có một bác sĩ kể với tôi, ngày đầu tiên anh ấy làm việc ở khoa tiêu hóa. Công việc được giao của anh đã không thể hoàn thành, đến cuối giờ chuẩn bị về thì có một bệnh nhân nông dân bị bệnh tim bước vào. Người bệnh nhân này nói rằng ông đã lấy phiếu chờ khám nhầm chỗ nên đành tìm vào đây (ý nói người ở quê ra không thông thạo, đi nhầm khoa).

Đúng lúc cả ngày không có bệnh nhân, nhưng vì để hoàn thành chỉ tiêu công việc, vị bác sĩ này đã nhận khám và kê đơn thuốc, dù biết đó là việc trái với lương tâm của mình. Sau khi mua thuốc xong, bác nông dân quay lại hỏi bác sĩ thêm lần nữa, đó là lúc anh ấy cảm thấy có sự hối lỗi vô cùng lớn. Sau đó, vị bác sĩ tiếp tục hướng dẫn bệnh nhân nông dân này xếp số để làm thêm về huyết quản. Lúc này, bệnh nhân bỗng nhiên bật khóc và nói rằng đã tiêu hết số tiền mang đi. Sau lần đó, vị bác sĩ ấy cảm thấy vô cùng tồi tệ, rồi quyết định nói lời chia tay bệnh viện, không làm nghề bác sĩ nữa.

Chúng ta đang làm bác sĩ, làm giám đốc bệnh viện hay làm cán bộ bệnh viện, khi ban hành các chính sách, thì tuyệt đối đừng đặt lợi ích của mình lên trên. Nếu làm những điều thiện tâm, thì mới gặt hái được những quyền lợi chính đáng.

Đồng lương của bác sĩ nếu xứng đáng được nhận là 10 ngàn, thì lại trả cho anh ta chỉ 2 ngàn, bắt anh ta phải tự kiếm thêm 8 ngàn, điều này trong ngành Y chính là tội ác.

Y liệu (khám chữa bệnh) là gì? Nguồn gốc của khái niệm khám chữa bệnh bắt đầu từ lòng tốt, con người ta đáng quý là ở chỗ lòng từ bi. Từ buổi đầu sơ khai, con người vì nhìn thấy người khác đau khổ hoạn nạn, trong người có bệnh nên đã ra tay giúp đỡ, dần dần gọi là y liệu.

Thế nào gọi là Bệnh viện? Vào thời trung cổ, có nhiều người phải tha phương cầu thực, người nghèo không có ai quản lý. Vì họ không có một trụ sở để giải quyết những khó khăn, bệnh tật, dần dần những nơi công cộng được lập ra để giúp đỡ người bệnh đã trở thành nơi gọi là bệnh viện.

Điều đó nói lên rằng, vì tình yêu của con người mà hình thành nên khái niệm khám chữa bệnh và bệnh viện (y liệu và y viện). Nếu đánh mất tinh thần chính này, thì nơi đây sẽ không được gọi là bệnh viện nữa, hành động khám bệnh cứu người không được gọi là y liệu nữa, mà hãy gọi là nơi kinh doanh buôn bán, đó không phải là nơi được tôn kính, không phải là người có phẩm giá phụ trách.

Chúng ta gần như đã biến bệnh viện thành doanh nghiệp. Lãnh đạo bệnh viện mỗi lần khai mạc cuộc họp đều thích nói những câu kiểu như Bệnh viện chúng ta là những bệnh viện triệu đô hay tỉ đô. Tôi nghĩ rằng nhân văn của bệnh viện là phải làm điều này, xây dựng lại giá trị của bác sĩ.

Đó là lý do tại sao Giám đốc và Trưởng khoa sản Bệnh viện Hiệp Hòa Bắc Kinh (TQ) đã yêu cầu các bác sĩ rằng, ngoài việc đọc sách chuyên ngành hàng tuần, còn phải đọc sách về các lĩnh vực khác, để mở rộng kiến thức.

Các bác sĩ nên học tập cách để sống chung và đối đãi tốt với người khác, chúng ta không chỉ chú tâm vào việc giỏi chữa bệnh là xong.

Làm công việc của một bác sĩ, tức là chữa bệnh chút ít, giúp đỡ nhiều hơn, an ủi và xoa dịu ở mức cao nhất. Làm cái nghề phải đi xoa dịu nỗi đau của người khác, nhưng chúng ta đã biết cách để làm tốt việc đó chưa? Đây chính là điều mà ngành Y cần nhìn thấy để thay đổi, bồi đắp.

Sự khác biệt giữa bác sĩ "ta" và bác sĩ "Tây" là gì? Đó là bác sĩ của chúng ta rất giỏi các kinh nghiệm lâm sàng, ca bệnh phong phú, vì chúng ta làm rất nhiều ca phẫu thuật. Nhưng khi so sánh giữa bác sĩ ta và bác sĩ Tây, chúng ta thua xa họ về tình yêu dành cho bệnh nhân.

Các bác sĩ Mỹ chẳng hạn, họ làm cho bệnh nhân cảm thấy được sự yêu thương, nhưng bác sĩ của chúng ta, thì đã không làm cho bệnh nhân cảm nhận được điều đó.

Làm thế nào để trở thành một bác sĩ tốt?

Thứ nhất, tôi không muốn nói mọi người phải nên học các tấm gương điển hình nổi tiếng vĩ đại (ở Trung Quốc hay thế giới) như Lôi Phong hay Norman Bethune, tôi chỉ muốn nói với các chuyên gia kỳ cựu và các thầy giáo dạy y rằng, các bạn hãy thử nghĩ rằng đến khi các bạn già đi, rồi mình rơi vào tay một bác sĩ như thế nào.
Bạn phải làm một bác sĩ tốt trước, thì các học trò của bạn, những bác sĩ tương lai mới có thể trở thành một bác sĩ tốt.

Chờ đến khi bạn già đi, những bác sĩ đó sẽ là người trực tiếp chăm sóc các bạn. Nếu bây giờ bạn không lo làm một bác sĩ tốt, thì đến khi bạn già đi, các học trò của bạn hôm nay sẽ lại dùng lại chính phương pháp của bạn hôm nay để chữa bệnh cho chính bạn.

Thứ hai, hãy vì thế hệ trẻ mà làm một người tốt. Có rất nhiều việc, chúng ta chỉ thực sự làm tốt khi vì những đứa con của mình, vì chúng mà thay đổi.

Tôi thường xuyên nói đến việc cai thuốc lá. Chúng ta đã học cách của người nước ngoài là in những hình ảnh sợ hãi hoặc lá phổi đen sì ở vỏ bao thuốc lá, nhưng rất nhiều người hầu như không muốn cai thuốc.

Phải làm thế nào để mọi người có thể cai thuốc đây? Chỉ có cách là viết lên vỏ bao thuốc rằng "Hút thuốc sẽ làm cho con của bạn bị quái dị" thì lúc đó may ra chúng ta mới bỏ thuốc.

Thứ ba, chúng ta sinh ra trong cuộc đời này để làm gì? Nếu bạn có cơ hội đến tận những sa mạc đầy cát ở Tân Cương (TQ) xem tận mắt thì sẽ thấy, nếu có một vũng nước nhỏ, lập tức sẽ có cỏ. Nơi có cỏ, sẽ có những con cừu. Nơi có cừu, sẽ có con người sinh sống. Con người đứng ở vị trí cuối, sau lưng chúng ta không có đối tượng ăn thịt nữa.

Giá trị của cỏ là giúp con cừu có thể sống. Giá trị của con cừu là giúp con người có thể sống. Và giá trị của con người chính là giúp vạn vật xung quan sống tốt.
Xã hội này có bạn sẽ trở nên đẹp đẽ vô cùng. Đừng có bao giờ vì có thêm bạn, mà xã hội mà chúng ta đang sống trở nên thêm phần đau khổ hay xấu đi.

VIÊN CHUNG (Giám đốc nhà xuất bản Đại học y học Hiệp Hòa, TQ)

Nguồn: http://soha.vn/bai-phat-bieu-chan-dong-tq-hay-kham-cho-tot-chu-dung-nhin-cham-cham-vao-tui-benh-nhan-20171016101610231.htm


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

SÁCH CỦA TÔI