Những lưu ý khi dùng thuốc cho trẻ em

Cập nhật: 28/05/2014 Lượt xem: 4289

 

PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm, BV 103

Bài đã đăng trên báo Sức khỏe và Đời sống (Bộ Y tế) số 76 (24-27/6/2006) trang 15.

Sinh lý trẻ em khác người lớn như thế nào?

Ở trẻ em, các cơ quan và hệ thần kinh đang phát triển, chưa hoàn thiện về mặt chức năng. Mặt khác, các thông số về thể lực như chiều cao, cân nặng, các hằng số sinh lý liên tục thay đổi từ khi sinh đến tuổi thành niên. Do đó việc hấp thu, chuyển hóa và thải trừ thuốc có khác ít nhiều so với người lớn. Phản ứng của cơ thể trẻ em với thuốc cũng khác.

Cụ thể trẻ mới sinh dạ dày chưa tiết acid, sau 1 tuần mới bắt đầu tiết dịch vị và sau 3 tuổi mới đạt mức bình thường. Lưu thông của các chất trong đường tiêu hóa của trẻ dưới hai tháng tuổi chậm hơn người lớn. Ống tiêu hóa của trẻ em dài hơn tương đối so với người lớn. Hệ men tiêu hóa, hệ vi sinh vật trong ống tiêu hóa chưa ổn định. Các đặc điểm đó ảnh hưởng lớn đến hấp thu thuốc theo đường uống.

Hệ thần kinh, kể cả thần kinh ngoại vi và thần kinh trung ương đang phát triển chưa hoàn thiện về mặt chức năng, do đó phản ứng với thuốc rất thay đổi, nhất là các thuốc tác động lên hệ thần kinh.

Chức năng gan, chức năng thận ở trẻ em chưa hoàn chỉnh và thay đổi theo lứa tuổi. Đây là hai cơ quan quan trọng nhất trong chuyển hóa và đào thải thuốc.

Khi sử dụng thuốc ở trẻ em cần lưu ý gì?

+ Liều lượng thuốc phải thích hợp với từng trẻ

+ Hạn chế dùng các thuốc tác động lên hệ thần kinh trung ương. Nếu cần dùng phải hết sức lưu ý nguy cơ ức chế hô hấp ở trẻ, như các thuốc ngủ, thuốc an thần, thuốc chống ho, giảm đau có nguồn gốc thuốc phiện như codein.

+ Tránh dùng các thuốc ảnh hưởng đến sự phát triển của sụn và xương như kháng sinh nhóm quinolon, cotrimazol, trimethoprim, hormon tăng trưởng…

+ Tránh dùng các thuốc ảnh hưởng đến sự phát triển và tổn thương chức năng các cơ quan như kháng sinh nhóm amynoglycozid (gentamycin, kanamycin, streptomycin…) gây điếc không hồi phục do tổn thương thần kinh thính giác, cloramphenicol gây hội chứng xám gây co giật và gây suy tủy xương, tetracyclin gây biến đổi men răng. Các thuốc kháng giáp tổng hợp gây suy chức năng tuyến giáp. Các corticosteroid gây nam tính hóa ở trẻ gái, làm cho trẻ trai dậy thì sớm và làm trẻ chậm phát triển. Các sulphamid tác dụng kéo dài có thể gây thiếu máu tan máu ở trẻ em.

+ Liều lượng thuốc ghi trên các bản hướng dẫn sử dụng thuốc kèm theo hộp thuốc thường là liều dùng cho người lớn châu Âu với trọng lượng trung bình 70kg, diện tích da cơ thể 1,73m2.  Vì thế cần phải tính liều lượng thuốc phù hợp cho từng trẻ. Có hai cách tính là dựa vào trọng lượng cơ thể, nhưng thích hợp hơn là dựa vào diện tích da của cơ thể trẻ.

- Cách tính liều lượng thuốc theo trọng lượng cơ thể trẻ:

Liều thuốc =Trọng lượng trẻ (kg) x Liều người lớn/70

- Cách tính liều lượng thuốc theo diện tích da cơ thể trẻ:

Liều thuốc = Diện tích da cơ thể trẻ x Liều người lớn/1,73

Diện tích da cơ thể trẻ xác định bằng cách đối chiếu chiều cao (cm) và cân nặng (kg) của trẻ lên bảng Dubois.


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bệnh thận - Tiết niệu

    Bệnh tim mạch

      Bệnh cơ-xương-khớp

        Bệnh nội tiết-chuyển hóa

          Bệnh tiêu hóa

            Bệnh phổi - phế quản

              Bệnh Thần kinh - Tâm thần

                Bệnh truyền nhiễm

                  Bệnh nhi khoa

                    Cận lâm sàng

                      Bệnh khác

                        Thuốc

                          Vật lý trị liệu

                            Phục hồi chức năng

                              Tư vấn và Chia sẻ thông tin

                                Sách đã xuất bản của Hà Hoàng Kiệm

                                  Bài báo khoa học

                                    SÁCH CỦA TÔI