Cơn “ngất” (ca lâm sàng)

Cập nhật: 31/05/2019 Lượt xem: 2487

Ca lâm sàng: cơn “ngất”

Hà Hoàng Kiệm, BV103, HVQY

Bệnh nhân Nguyễn Viết Ch. Sinh 1988 (21 tuổi) than phiền cách đây 2 năm khi đang là bộ đội, trong lúc đang đi thì thấy đau nhói ở đầu và ngã vật xuống ngất đi không biết gì, chỉ loáng thoáng biết các đồng đội khiêng vào bệnh xá, sau đó trở lại khỏe mạnh bình thường. Cơn thứ hai xuất hiện cách đây khoảng gần 1 năm, trong lúc đang ngồi nhặt rau cùng đồng đội bỗng thấy đau nhói ở đầu và ngã vật ra ngất đi không biết gì. Bệnh nhân đã ra quân được 3 tháng nay khi hết nghĩa vụ quân sự, đang học tiếng Nhật và dự định đi xuất khẩu lao động ở Nhật. Tối qua bệnh nhân trằn trọc mãi không ngủ được đến khoảng 2 giờ sáng bỗng thấy đau nhói ở đầu sau đó chân tay vặn vẹo rồi ngất đi không biết gì, sáng tỉnh dậy thấy chảy máu mũi đã đông và thái dương bên trái có máu làm dính bết tóc lại.

Tiền sử: Cách đây 3 năm (trước khi bị cơn ngất thứ nhất khoảng hơn 1 năm) bệnh nhân bị một vật cứng đánh vào đầu vùng thái dương trái (do bị đánh), có bị bất tỉnh nhưng không rõ bao lâu, sau đó bình thường cũng không đi viện. 

Khám thể trạng trung bình, tỉnh táo, vùng thái dương trái bình thường, không có sẹo, xương sọ bình thường. Kết quả xét nghiệm huyết học, sinh hóa, điện tim, chụp tim phổi đều trong giới hạn bình thường. Dưới đây là hình ảnh điện não và CTscan sọ não của bệnh nhân.

 

 

 

Đến đây, bạn chẩn đoán bệnh nhân bị bệnh gì? Kèm theo biện luận nhé. Để khẳng định chẩn đoán của mình thì bạn đề xuất cần làm gì? Và bạn là bác sĩ của bệnh nhân thì cách xử trí của bạn như thế nào?

Với các dữ liệu trên tôi chẩn đoán bệnh nhân bị động kinh cơn toàn thể do di chứng tổn thương não vùng thái dương đỉnh trái.

Tại sao tôi chẩn đoán bệnh nhân bị động kinh: Để chẩn đoán chắc chắn động kinh thì có hai yếu tố quyết định, chỉ cần một trong hai yếu tố đó là được. Thứ nhất điện não trong cơn có gai nhọn-sóng hoặc đa gai nhọn - sóng. Thứ hai thầy thuốc chứng kiến được cơn động kinh của bệnh nhân. Ở đây tôi không có cả hai, điện não không thấy gai nhọn-sóng hoặc đa gai nhọn - sóng vì làm ngoài cơn. Tôi cũng không được chứng kiến cơn của bệnh nhân mà chỉ nghe kể lại. Tôi vẫn chẩn đoán bệnh nhân bị cơn động kinh toàn thể vì:

- Bệnh nhân có tiền sử chấn thương sọ não trước cơn thứ nhất hơn một năm. CTscan sọ não cho thấy tổn thương ổ khuyết ở vùng thái dương đỉnh trái đã hình thành sẹo. Tổn thương này không phải u vì không có hội chứng khối phát triển (không đè đẩy), tổn thương thông với não thất và không có phù nề quanh tổn thương, có tăng ngấm thuốc xung quang chứng tỏ tổn thương cũ. Không nghĩ tới nang sán vì CT không thuốc không thấy hình nang, nếu là nang sán thì nang thường có vỏ dày.

- Cơn ngất như bệnh nhân nói xảy ra đột ngột (mặc dù có dấu hiệu ngay trước đó là đau nhói ở đầu), cơn thứ ba bệnh nhân có lơ mơ biết chân tay vặn vẹo (có thể đó là cơn co giật) có lẽ vì co giật nên mặc dù bệnh nhân đang nằm trên giường, không bị ngã vẫn bị chảy máu mũi (có thể đập tay hoặc đập mũi xuống gường trong lúc co giật mà bệnh nhân không biết). Sau đó đều ngủ sâu trước khi tỉnh dậy, do nằm nghiêng máu từ mũi chảy xuống thái dương trái gây bết tóc vùng này như bệnh nhân kể. Ngoài cơn bệnh nhân hoàn toàn bình thường. Cả 3 cơn đều có đặc điểm:  Cơn xuất hiện đột ngột, Cơn lặp lại giống nhau, các biểu hiện phù hợp với cơn động kinh toàn thể, trong cơn có rối loạn ý thức, có một cơn xuất hiện trong đêm.

- Điện não không tìm thấy hình ảnh gai nhọn-sóng hoặc đa gai nhọn - sóng vì làm ngoài cơn. Thực tế hầu như không thể ghi được điện não trong cơn với các bệnh nhân ở phòng khám hoặc điều trị ngoại trú, trừ khi cơn xảy ra khi bệnh nhân đang nằm viện và cơ sở ở đó có sẵn máy điện não chuẩn bị sẵn sàng.

Có một cách để khẳng định chẩn đoán là dùng thuốc điều trị động kinh, nếu kiểm soát được cơn không xảy ra nữa thì chắc chắn là động kinh. Tôi đã kê thuốc cho bệnh nhân như sau:

Depakin 200mg: tuần đầu uống 2 viên/ngày chia hai lần. Từ tuần thứ hai uống 3 viên/ngày chia đều 3 lần trong ngày. Tuyệt đối không được ngừng thuốc đột ngột, sau mỗi tháng tới khám lại hoặc liên hệ qua điện thoại để điều chỉnh thuốc. Căn dặn bệnh nhân không làm việc gần lửa, gần nước, không chèo cao, không đi xe máy, xe đạp một mình. Đến nay bệnh nhân đã điều trị được 3 tháng không thấy cơn xuất hiện. Dự kiến duy trì liều thuốc trên 2 năm sau đó giảm liều dần từng viên để thăm dò, nếu không xuất hiện cơn thì có thể ngừng thuốc.

Mời các bạn tham khảo thêm bài viết sau:

http://hahoangkiem.com/benh-than-kinh-tam-than/benh-dong-kinh-chan-doan-va-dieu-tri-1485.html

 


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bệnh thận - Tiết niệu

    Bệnh tim mạch

      Bệnh cơ-xương-khớp

        Bệnh nội tiết-chuyển hóa

          Bệnh tiêu hóa

            Bệnh phổi - phế quản

              Bệnh Thần kinh - Tâm thần

                Bệnh truyền nhiễm

                  Bệnh nhi khoa

                    Cận lâm sàng

                      Bệnh khác

                        Thuốc

                          Vật lý trị liệu

                            Phục hồi chức năng

                              Tư vấn và Chia sẻ thông tin

                                Sách đã xuất bản của Hà Hoàng Kiệm

                                  Bài báo khoa học

                                    SÁCH CỦA TÔI