Thảm họa thuốc Thalidomid (Thalidomid Disaster)

Cập nhật: 09/08/2021 Lượt xem: 3247

Thảm họa thuốc Thalidomid (Thalidomid Disaster)

Thalidomide, tên thương mại là Thalomid (ở Mỹ), Contergan (ở châu Âu) hay Softnon ở Australia, là một loại biệt dược giảm đau, an thần, hỗ trợ giấc ngủ. Thuốc này do Công ty dược Gruenenthal của Đức sản xuất và lưu hành từ cuối thập niên 50 đến đầu thập niên 60 thế kỷ XX. Thuốc do bác sĩ Heinrich Mueckter, chủ trì việc nghiên cứu phát minh, chế tạo.

Mueckter là một bác sĩ, nhà nghiên cứu giỏi của Đức thời bấy giờ. Trong Chiến tranh thế giới lần II, ông được Hitler giao cho phụ trách Viện Nghiên cứu virus và bệnh sốt Rickettsia ở Krakow để bào chế vaccine phòng bệnh này.

Ngày 1/10/1957, sau một thời gian nghiên cứu, thử nghiệm, biệt dược thalidomide chính thức được lưu hành trên thị trường y dược. Thời gian đầu, thalidomide đã chứng tỏ năng lực giảm đau, an thần vô cùng hiệu quả và còn được xưng tụng là "thần dược" trong điều trị các chứng bệnh như mất ngủ, ho, cảm lạnh và nhức đầu, được phát hiện có hiệu lực rất tốt với chứng "nôn mửa buổi sáng" của thai phụ thời kỳ "ốm nghén".

Thảm họa ngoài ý muốn

Sau Đức, nước Anh cấp phép cho lưu hành thuốc thalidomide vào năm 1958. Và sau đó thalidomide có mặt tại hàng loạt quốc gia trên thế giới, kể cả có phép và không phép. Ở Mỹ, mặc dù chưa bao giờ được Cơ quan Quản lý Dược – Thực phẩm (FDA) cấp phép, nhưng thalidomide vẫn được bán và người bệnh vẫn vô tư sử dụng. Các đại lý thuốc tân dược ở Anh thông qua khối Thịnh vượng chung (Commonwealth) phân phối thalidomide đến nhiều nước khác, kể cả Australia xa xôi.

Chỉ trong một thời gian ngắn lưu hành, từ tháng 10/1957 đến đầu năm 1962, thalidomide đã được tiêu thụ tại ít nhất 46 quốc gia trên thế giới, với con số người sử dụng lên đến hàng chục ngàn người, chưa kể khoảng 20.000 người bệnh ở Mỹ đã sử dụng thuốc thalidomide khi chưa được phép của FDA.

Một thời gian ngắn sau khi thuốc thalidomide được lưu hành, ở châu Âu và nhiều nước bắt đầu xuất hiện những ca sinh non và sinh con dị tật. Chỉ trong 3 năm, số nạn nhân dị tật do dùng thuốc thalidomide gia tăng chóng mặt, và thalidomide đã biến thành thảm họa lớn nhất trong lịch sử ngành y dược thế giới.

Tổng cộng trên toàn thế giới đã có khoảng từ 10.000 đến 20.000 trẻ em sinh ra bị dị tật, khiếm khuyết tay, chân, không tay không chân hoặc bị co rút ngón tay, ngón chân,… Tay và chân của những đứa trẻ này trông giống như tay hải cẩu nên còn được gọi là “hội chứng tay hải cẩu”. Đức là quốc gia đầu tiên lưu hành thalidomide nên có số nạn nhân cao nhất thế giới, với ít nhất là 3.000 người, kế đến là Anh - quốc gia "đại lý" thuốc thalidomide, với ít nhất 2.000 nạn nhân. Trong khi Mỹ, Brazil,… có vài trăm nạn nhân mỗi nước.

Nhưng, việc quy trách nhiệm cho thuốc thalidomide gây ra các dị tật bẩm sinh này là điều không dễ dàng, vì với kiến thức khoa học hạn hẹp thời đó, giới khoa học không tin rằng có một loại thuốc nào có thể vượt qua được bức thành nhau thai để gây hại cho sự phát triển của thai nhi.

Rốt cuộc, các nghiên cứu y khoa trong những năm sau khi xuất hiện trẻ sơ sinh dị tật đã chứng minh là do tác hại của thalidomide. Năm 1961, bác sĩ sản khoa William McBride và bác sĩ nhi khoa Widukind Lenz, người Australia, đã chứng minh được mối liên hệ giữa thalidomide với các khuyết tật ở trẻ sơ sinh.

Từ kết quả nghiên cứu của 2 bác sĩ McBride và Lenz, các nước bắt đầu cấm lưu hành thalidomide vào năm 1961. Canada là quốc gia cuối cùng cấm lưu hành thalidomide vào đầu năm 1962. Về sau, bác sĩ McBride đã được Viện Đời sống (L'Institut de la Vie) danh tiếng ở Paris tặng thưởng nhiều giải thưởng do công trình nghiên cứu của mình.

Thảm họa thalidomide được coi là thảm họa đen tối nhất của ngành y - dược thế giới. Mỗi khi nói tới tác dụng không mong muốn của thuốc, người ta không thể không nhắc tới thảm họa này.

50 năm cho một lời xin lỗi

Mặc dù giới khoa học đã chứng minh được có sự liên quan giữa thuốc thalidomide với các dị tật thai nhi, nhưng điều đó không có nghĩa là Công ty Gruenenthal chịu nhận trách nhiệm ngay. Đại diện Gruenenthal luôn cho rằng mình đã làm hết sức, đã nghiên cứu thật kỹ càng và tuân thủ đúng các nguyên tắc khoa học trong việc nghiên cứu chế tạo thuốc thalidomide.

Thời gian đầu, khi mới xảy tình trạng sinh con dị tật, ở CHDC Đức đã nổ ra một cuộc tranh luận gay gắt xung quanh "thủ phạm" chính gây ra dị tật co rút tay chân. Năm 1958, trước tình trạng trẻ sơ sinh dị tật co rút tay chân ngày càng tăng mạnh, Cơ quan Quản lý y dược CHDC Đức nghi ngờ thalidomide là thủ phạm, nhưng ở phía khác, một số bác sĩ chuyên khoa nhi lại quy trách nhiệm cho phóng xạ hạt nhân trong chiến tranh.

Trong khi đó ở Tây Đức, giới khoa học và chính quyền đều rất thờ ơ với các nạn nhân dị tật do thalidomide. Phải mất một thời gian dài cho đến sau năm 1962, khi Bộ Y tế CHLB Đức ra đời thì vấn đề mới được quan tâm.

Cuộc chiến đòi công bằng của nạn nhân thalidomide đã dẫn đến sự ra đời của nhiều tổ chức, hội hoạt động vì các nạn nhân thalidomide. Kết quả là vào năm 1970, gần 10 năm sau khi thalidomide chính thức bị cấm lưu hành, theo đơn kiện của Hiệp hội Nạn nhân Contergan cùng nhiều tổ chức khác đại diện cho nạn nhân thalidomide, một phiên tòa đã được mở, dẫn đến sự dàn xếp thành lập một quỹ trị giá 150 triệu mác để trợ giúp cho khoảng 3.000 nạn nhân ở Đức. Tuy nhiên, cách dàn xếp này được cho là chưa thỏa đáng, vì chừng ấy tiền cho 3.000 nạn nhân trong khoảng thời gian sống ít nhất 70 năm là không đủ.

Năm 1972, lại thêm một phiên tòa nữa được mở, và với sự chứng minh không thể chối cãi của giới khoa học về một cơ chế gây ra quái thai không tay không chân và co rút tay chân, Công ty Gruenenthal đành phải thừa nhận trước tòa án rằng: “Thalidomide là thủ phạm gây quái thai, sinh con dị tật và "lấy làm tiếc" cho các nạn nhân bị ảnh hưởng bởi thuốc thalidomide”. Mãi đến năm 2009, công ty mới tiếp tục có thêm động thái tích cực là hứa sẽ dành ra một quỹ trị giá 50 triệu euro để hỗ trợ nạn nhân thalidomide.

Tháng 7/2012, một phụ nữ Australia sinh ra không tay không chân sau khi mẹ của bà dùng thuốc thalidomide, đã thắng kiện một nhà phân phối Anh và buộc nhà phân phối này phải bồi thường nhiều triệu USD. Còn khoảng 100 nạn nhân người Australia và New Zealand khác cũng đang đâm đơn kiện và hy vọng sẽ được bồi thường. Tuy nhiên, Công ty Gruenenthal vẫn tiếp tục từ chối bồi thường.

Rốt cuộc, vào ngày 31/8/2012, Tổng giám đốc Harald Stock đã đại diện Công ty Gruenenthal chính thức đưa ra lời xin lỗi muộn màng đối với các nạn nhân thalidomide trên toàn thế giới. Tuy nhiên, trong lời xin lỗi, ông Stock cũng biện minh rằng: "Tác dụng phụ ngoài ý muốn xảy ra trong một thế giới hoàn toàn khác ngày nay", ám chỉ kiến thức khoa học còn hạn chế. Điều đó khiến các nạn nhân còn sống của thảm họa năm xưa không hài lòng.

Feddie Astbury, nạn nhân 52 tuổi của thalidomide, Chủ tịch Hội Thalidomide UK, cho rằng: "Thật là xấu hổ khi phải mất 50 năm để đưa ra một lời xin lỗi như thế". Phần đông nạn nhân còn lại đều cho rằng, việc Công ty Gruenenthal "xin lỗi" như thế là "vừa chậm trễ vừa không đủ", là sáo rỗng và không có ý nghĩa gì.

Điều mà nhiều nạn nhân thalidomide cần nhất bây giờ không chỉ là lời xin lỗi, mà quan trọng hơn là thái độ nhận trách nhiệm nghiêm túc và kèm theo là một khoản bồi thường xứng đáng để bù đắp những mất mát, thiệt thòi mà các nạn nhân thalidomide đã phải gánh chịu suốt hơn 50 năm qua.

Người ta yêu cầu Công ty Gruenenthal phải thực hiện nhiều hơn lời hứa lập quỹ 50 triệu euro năm 2009, hoặc chí ít các đại lý phân phối thuốc thalidomide cho Gruenenthal cũng phải thể hiện trách nhiệm của mình bằng những khoản bồi thường tương xứng.

Hậu quả "tích cực" của thảm họa thalidomide

Hậu quả "tích cực" của thảm họa thalidomide đối với ngành y dược thế giới là nó làm cho nhiều nước phải siết chặt các quy định quản lý ngành dược. Chẳng hạn, vào năm 1962, Quốc hội Mỹ đã thông qua luật bắt buộc phải thử nghiệm độ an toàn dành cho thai phụ trước khi cho phép lưu hành bất kỳ loại thuốc tân dược nào. Sau Mỹ, nhiều nước khác trên thế giới cũng có quy định tương tự.

Nguồn: https://antg.cand.com.vn/Ho-so-mat/Thalidomide---Tham-hoa-den-toi-nhat-lich-su-y-duoc-the-gioi-i305022/

           

 


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bệnh thận - Tiết niệu

    Bệnh tim mạch

      Bệnh cơ-xương-khớp

        Bệnh nội tiết-chuyển hóa

          Bệnh tiêu hóa

            Bệnh phổi - phế quản

              Bệnh Thần kinh - Tâm thần

                Bệnh truyền nhiễm

                  Bệnh nhi khoa

                    Cận lâm sàng

                      Bệnh khác

                        Thuốc

                          Vật lý trị liệu

                            Phục hồi chức năng

                              Tư vấn và Chia sẻ thông tin

                                Sách đã xuất bản của Hà Hoàng Kiệm

                                  Bài báo khoa học

                                    SÁCH CỦA TÔI