Các thuốc điều trị ung thư

Cập nhật: 17/04/2014 Lượt xem: 4528

PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm, BV 103 

Đây là bài viết về các thuốc điều trị ung thư của DS. Hà Thúy Phước. Tuy nhiên để làm rõ hơn cơ chế của nhóm thuốc alkin hóa, chúng tôi bổ xung thêm một số nội dung như sau:

Trong hóa học, Alkin là một hydrocacbon không no mạch thẳng chứa ít nhất một liên kết ba giữa các nguyên tử cacbon - cacbon. Những alkin đơn giản nhất, chỉ với một liên kết ba, tạo thành một dãy đồng đẳng, dãy alkin với công thức tổng quát CnH2n-2 và có công thức cấu tạo chung RC≡CR' trong đó R và R' là 2 nhóm hydrocacbon giống hoặc khác nhau. Hợp chất Ankin đơn giản nhất là H-C≡C-H (axetilen), C2H2. Tiếp theo axetilen trong dãy đồng đẳng alkin là các hợp chất: propin C3H4, butin C4H6, pentin C5H8.

Các thuốc nhóm alkin hóa là các thuốc khi sử dụng nó gắn vào AND, Chúng phản ứng và liên kết đồng hóa trị tạo thành gốc alkin với những phân tử guanin trên DNA, tạo thành liên kết chéo giữa hai dải DNA. Nhờ alkyl hóa DNA, thuốc có tác dụng ngăn chặn sự sao chép và phiên mã DNA. Tác dụng mạnh nhất của chúng là tác dụng ức chế chu kỳ tế bào trong các giai đoạn G2 và S. Thuốc ức chế chung sự phân chia của tất cả các tế bào đang tăng sinh, vì vậy gây ra những tác dụng không mong muốn trên nhiều cơ quan và mô. Có thể sử dụng kết hợp thuốc alkin hóa với xạ trị và các thuốc hóa trị liệu chống ung thư khác.

Các thuốc điều trị ung thư

Thuốc điều trị ung thư có tác dụng làm chết hoặc ngăn chặn sự xâm lấn, di căn của tế bào ung thư. Khoa học ngày nay đã biết được một phần quá trình sống, lan tỏa của ung thư ở cấp độ tế bào nên bên cạnh thuốc cổ điển còn có nhiều thuốc mới đã được ra đời...

1. Các thuốc làm "chết" tế bào ung thư cổ điển
1.1. Nhóm tác động đến AND (ức chế tổng hợp AND), gồm nhiều phân nhóm:

- Ankyl hóa: Dùng trong ung thư dạ dày, đại tràng, tụy, vú gồm có: ametycin, caryolysine, endoxan, estracyt, holoxan...

- Nitroso-ure (belustine, bicnu, deticene, hexastat, muphoran, zanosar): Hòa tan trong lipid, qua được hàng rào máu - não dùng điều trị các u não nguyên phát, thứ phát, u ở da, ở tủy, u lympho, u hắc tố.

- Các platin (cisplatin, carboplatin, oxaliplatin): Dùng trong ung thư tinh hoàn, buồng trứng, cổ và màng trong tử cung, rau thai; u tiền liệt, bàng quang, vòm mũi họng, phổi, xương, mô mềm, dạ dày, tuyến giáp.

1.2. Nhóm kháng chất chuyển hóa (ức chế tổng hợp acid nucleic), gồm các phân nhóm:

- Kháng acid folic (methotrexat): Dùng trong ung thư tuyến vú, buồng trứng, trị liệu bệnh bạch cầu cấp tính nguyên bào lympho (ở trẻ em), ung thư tế bào lympho ác tính (không phải Hodgkin), sarcoma xương.

- Kháng puric và pirimidic (fluorouracyl, florafur, cytarabin), dùng trong ung thư dạ dày, tụy, ruột kết, buồng trứng, bàng quang, da (bôi tại chỗ).

1.3. Nhóm ức chế tosoisomerase:

Do ức chế tosoisomerase nên ức chế tổng hợp ADN bao gồm:

- Kháng sinh dòng anthracyclin (adriblatina, cerubidin, doxorubicin, farmorubicin, theprubicin, zavedos), dùng trong carcinom vú, sarcom xương và các phầm mềm, u lympho, u đặc trẻ em, ung thư phổi, bàng quang, dạ dày, buồng trứng.

- Epidophyloltoxin (etoposide, vehem, sandoz,vepeside) dùng trong ung thư tinh hoàn, ung thư phổi.

2. Các thuốc làm “chết” tế bào ung thư “nhắm tới phân tử đích”

Cuối thế kỷ 20, các nhà khoa học biết được một số "phân tử đặc hiệu" quyết định sự dẫn truyền tín hiệu tăng trưởng, sinh mạch, điều hòa chu trình lập và chết theo lập trình của tế bào ung thư, coi các phân tử này như một cái "đích". Tấn công vào "đích" này thì sẽ ngăn chặn hay loại trừ được ung thư. Gồm các phân nhóm: thuốc khóa thụ thể HER2, thuốc làm ngừng chu trình tế bào, thuốc ức chế telomezaz, thuốc là các oncogen...

3. Các thuốc kìm sự phát triển lan tỏa ung thư

Nhóm ức chế sinh mạch: Khối u tự hình thành ra mạch máu chuyên chở các chất nuôi dưỡng đến gọi là sinh mạch. Thuốc ức chế sinh mạch làm cho khối u bị "bỏ đói" không phát triển được, gồm có: angiostatin, endostatin, avastatin.

Nhóm kháng di căn: Các tế bào ung thư tràn vào máu di căn ra các vùng. Dùng các enzym ngăn chặn bằng cách bịt các lỗ ở thành mao mạch sẽ chống được di căn.

4. Các thuốc kìm sự phát triền ung thư theo “liệu pháp hormon”

Một số hormon khi tăng cao sẽ làm phát triển ung thư. Dùng các chất chống lại sự tăng hormon đó gọi là "liệu pháp hormon trị ung thư". Ví dụ: estrogen gắn vào các thụ thể estrogen (ER+). Các thụ thể này nhận biết, chuyển tín hiệu tăng trưởng DNA đến các vùng khác, làm cho ung thư vú phát triển.Trường hợp này gọi là ung thư vú lệ thuộc vào thụ thể estrogen (ER+). Dùng một thuốc kháng estrogen làm giảm tiết estrogen hoặc không cho tác động lên (ER+) thì hạn chế sự phát triển tế bào ung thư vú. Có các phân nhóm: kháng estrogen (tamoxifen, raloxifen, fulvestran), làm giảm sản xuất estrogen, các chất tương tự LH, RH (là dạng "giả", gắn vào thụ thể ở tuyến yên, chiếm chỗ, không cho LH, RH "thật" hoạt động làm sụt giảm estrogen), progestin (được chọn dùng trong ung thư vú ở giai đoạn tiến xa (bước 2 hay 3 sau khi dùng hai nhóm thuốc trên không đáp ứng).

Tương tự như thế có một số thuốc dùng trong ung thư tuyến tiền liệt như: thuốc đồng vận với LH, RH như leuprolin, buserelin, goserelin; thuốc kháng androgen như cyproteron, flutamid, bicallutamid, nilutamid.

5. Các thuốc biến đổi đáp ứng miễn dịch

các thuốc này thúc đẩy sự trưởng thành của tế bào T từ các lypmho bào ở máu ngoại vi, làm tăng interferon (alpha, gama), inteulekin-2 và 3 tăng số thụ thể lymphokin trên tế bào T dùng trong ung thư biểu mô tế bào gan nguyên phát, ung thư phổi không phải tế bào nhỏ, u tế bào hắc tố.

Độc tính của thuốc ung thư và cách hạn chế:

+ Với loại thuốc cổ điển:

Thuốc cổ điển tấn công vào tế bào ung thư đồng thời tấn công vào tế bào lành, gây độc. Mặt khác, chúng gây viêm màng nhày, tiêu chảy, nôn mửa làm cho người bệnh khổ sở, nhất là trong những ngày đầu dùng thuốc. Mỗi thuốc có tính độc riêng cần có cách dùng, theo dõi thích hợp để giảm độc.

Để giảm độc, chỉ dùng thuốc với liều mà thể trạng có thể chịu đựng được. Nếu thể trạng suy yếu lại dùng liều mạnh có khi không chết vì ung thư mà chết vì độc tính của thuốc. Xen kẽ đợt dùng và nghỉ thuốc thích hợp. Dùng thuốc để củng cố hiệu lực. Nghỉ thuốc để phục hồi sức khỏe, tránh thuốc tích liều, gây độc. Làm đủ và đúng định kỳ các xét nghiệm. Khi chỉ số các xét nghiệm vượt giới hạn thầy thuốc có thể điều chỉnh (liều lượng hay đổi thuốc).

Hầu hết thuốc gây độc cho thai, không dùng cho người có thai, cho con bú. Một số thuốc gây quái thai, cần có biện pháp tránh thai khi dùng thuốc. Nâng cao thể trạng của người bệnh bằng chế độ ăn uống thích hợp.

+ Với các thuốc mới

Những thuốc mới thường đi đến phân tử đích hay các cơ quan nhất định, có tính đặc hiệu, ít độc hơn loại cổ điển. Nhưng cũng không phải vô hại. Ví dụ:

- Trong liệu pháp nội tiết, chỉ dùng hỗ trợ trong điều trị ung thư vú có lệ thuộc vào (ER+) ở giai đoạn sớm hay cho người mãn kinh ở giai đoạn tiến xa nhưng chưa đe dọa tính mạng. Dùng không đúng chỉ định hay quá liều sẽ bị các hội chứng giống như hội chứng giảm estrogen trong thời kỳ mãn kinh.

- Trong liệu pháp nhằm trúng đích phân tử: Chỉ dùng herceptin khóa HER2 khi xác định người đó thuộc diện sản xuất thái quá HER2. Có thể bị một số phản ứng khi truyền lần đầu, những lần sau ít gặp, các phản ứng thường nhẹ, có thể xử lý được. Herceptin không gây ra rụng tóc, ức chế tủy xương, lở miệng như hóa trị liệu. Nếu dùng với nhóm anthracyclin có thể gây nguy cơ rối loạn chức năng tim.

Cần dùng các thuốc mới đúng chỉ định, đúng liều để tránh sự rối loạn do dùng sai hay thái quá.

DS. Hà Thủy Phước, Theo suckhoedoisong.vn


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bệnh thận - Tiết niệu

    Bệnh tim mạch

      Bệnh cơ-xương-khớp

        Bệnh nội tiết-chuyển hóa

          Bệnh tiêu hóa

            Bệnh phổi - phế quản

              Bệnh Thần kinh - Tâm thần

                Bệnh truyền nhiễm

                  Bệnh nhi khoa

                    Cận lâm sàng

                      Bệnh khác

                        Thuốc

                          Vật lý trị liệu

                            Phục hồi chức năng

                              Tư vấn và Chia sẻ thông tin

                                Sách đã xuất bản của Hà Hoàng Kiệm

                                  Bài báo khoa học

                                    SÁCH CỦA TÔI