Phục hồi chức năng cho trẻ em cong vẹo cột sống

Cập nhật: 16/06/2015 Lượt xem: 19542

Phục hồi chức năng cho trẻ em cong vẹo cột sống

PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm, BV 103

1. Đại cương

1.1. Khái niệm

1.1.1. Một số định luật về sự phát triển cột sống và xương khớp

- Định luật Julius Wolff: Xương là cấu trúc động, cấu trúc này sẽ thay đổi để đáp ứng với sự thay đổi của lực nén lên nó trong giai đoạn nào đó của cuộc sống hàng ngày. Sự đáp ứng này diễn ra một cách tích cực thông qua quá trình xâm thực và tái cấu trúc liên tục dẫn tới sự thay đổi cấu trúc bên trong của xương.

Định luật này cho chúng ta hiểu xương được phát triển cân đối khi lực tác động cân đối, nếu lực tác động lệch sẽ làm xương bị phát triển lệch vẹo. Để dự phòng cong vẹo cột sống cần giữa cho lực tác động lên xương hàng ngày được cân đối.

- Định luật Hueter - Volkmann: Tăng áp lực lên sụn đang tăng trưởng sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng của sụn. Khi áp lực lên sụn tăng trưởng giảm thì làm tăng tốc độ phát triển của sụn tăng trưởng về tốc độ bình thường.

Định luật này cho ta thấy nếu trẻ em thường xuyên phải mang một lực tác động tăng lên sụn đang phát triển sẽ hạn chế sự phát triển của sụn và là cơ sở cho phép chúng ta dùng áo nẹp để chỉnh cong vẹo cột sống, và áo nẹp chỉ còn tác dụng khi sụn còn tăng trưởng.

- Đánh giá mức độ trưởng thành của xương bằng dấu hiệu Risser: Năm 1948 Risser thấy sự phát triển của dải cốt hóa mào chậu tiến triển song song với sụn tăng trưởng của đốt sống và có thể dùng dấu hiệu này để đánh giá sự trưởng thành của xương, tức là khả năng phát triển về chiều cao của cột sống.

+ Risser độ 0: không có sự cốt hóa.

+ Risser độ 1: Cốt hóa 25% ngoài.

+ Risser độ 2: Cốt hóa 50% mào chậu.

+ Risser độ 3: Cốt hóa 75% mào chậu.

+ Risser độ 4: Cốt hóa hầu hết mào chậu chưa có hàn xương.

+ Risser độ 5: Sự hàn xương mào chậu cốt hóa với xương chậu.

  

Phân độ dấu hiệu Risser

Với Risser độ 4 sự phát triển của khung xương còn rất ít, tuy nhiên ở bé trai thì vẫn có thể lớn lên đáng kể khi Risser độ 4, Risser độ 5 thì khung xương hầu như không phát triển nữa. Dựa vào độ Risser có thể tiên lượng được tình trạng cong vẹo cột sống còn phát triển hay không và phát triển nhanh hay chậm.

1.1.2. Khái niệm cong vẹo cột sống

Cong vẹo cột sống là trình trạng cong của cột sống theo mặt phẳng trán và vẹo xoay của các thân đốt sống theo mặt phẳng ngang.

- Cong cột sống: Bình thường nhìn từ phía sau cột sống ở tư thế thẳng. Nếu đặt một dây dọi từ mỏm gai sau của đốt cổ 7, dây dọi sẽ đi qua khe mông tức là qua đỉnh của đốt xương cụt cuối cùng, các mỏm gai sau của thân đốt sống nằm thẳng trên dây dọi. Trẻ bị vẹo cột sống sẽ thấy các gai sau của thân đốt sống lệch khỏi dây dọi sang phía bên. Có thể cong ở đoạn cột sống lưng hoặc đoạn cột sống thắt lưng theo hình chữ C thuận hoặc hình chữ C nghịch. Có thể cong cả đoạn ngực và lưng theo hình chữ S thuận hoặc hình chữ S nghịch.

Hình 1. Cột sống bình thường (hình trái), vẹo cột sống ngực-thắt lưng hình chữ S nghịch (hình phải).

Để đo độ cong của cột sống người ta đo góc cong theo phương pháp Cobb như sau: Trên phim X-quang chụp cột sống thẳng, chọn hai thân đốt sống ở hai đầu đoạn cong có độ nghiêng lớn nhất. Vẽ hai đường thẳng, một qua mặt dưới của thân đốt sống phía dưới và một qua mặt trên của thân đốt sống phía trên, hai đường này cắt nhau tại một điểm, góc ở ¼ phải hoặc trái ở vị trí cắt này là góc vẹo cột sống (hình 2 bên trái). Cách thứ hai vẽ hai đường vuông góc với hai đường trên, hai đường vuông góc này sẽ cắt nhau, góc ở ¼ trên hoặc dưới của điểm cắt này là góc vẹo cột sống (hình 2 giữa).

               

Hình 2. Cách đo góc Cobb.

- Vẹo cột sống: Các thân đốt sống xoay theo mặt phẳng ngang. Bình thường khi cho người bệnh đứng khép hai chân, gối duỗi thẳng, cúi xuống để hai tay tự do hướng xuống mặt đất thì điểm cao nhất của cung sườn hai bên nằm trên mặt phẳng ngang. Trong trường hợp vẹo cột sống thì hai điểm này lệch nhau, một bên cao một bên thấp.

  

Hình 3. Cột sống bình thường (hình trái), vẹo cột sống (hình phải).

            Để đo độ vẹo cột sống người ta có thể dùng thước đo góc hai cành hoặc dùng thước đo Scoliometer.

+ Dùng thước đo góc hai cành: Cho người bệnh đứng khép hai chân, gối duỗi thẳng, cúi xuống để hai tay tự do hướng xuống đất. Đặt một cành của thước trên lưng người bệnh ngang qua cột sống chỗ sườn vồng cao nhất, cành kia chỉnh theo mặt phẳng ngang. Góc tạo bởi hai cành của thước là góc vẹo cột sống.

             

              

Hình 4. Cách đo góc vẹo cột sống bằng thước đo góc hai cành hoặc thước đo góc đồng hồ.

+ Dùng thước Scoliometer: Cho người bệnh đứng cúi ở tư thế trên, đặt thước ngang qua cột sống trên lưng người bệnh chỗ sườn vồng cao nhất, đọc kết quả trên thước.

 

    Hình 5. Thước đo Scoliometer và cách đo góc vẹo cột sống.

1.2. Nguyên nhân và phân loại

Cong vẹo cột sống được phân làm hai loại là cong vẹo không cấu trúc và cong vẹo cấu trúc.

1.2.1. Cong vẹo không cấu trúc

Cong vẹo không cấu trúc (vẹo chức năng) là cong vẹo cột sống mà các đốt sống không có biến dạng về giải phẫu, dễ dàng mất đi khi loại bỏ được tác nhân gây vẹo. Cong vẹo không cấu trúc gặp trong một số nguyên nhân sau:

- Vẹo tư thế: Cột sống vẹo khi đứng thẳng, khi cúi, khi nằm, khi được nhấc bổng lên nhưng bảo bệnh nhân đứng nghiêng về bên đường cong lồi thì hết vẹo. Loại cong vẹo này thường gặp do:

+ Ngồi sai tư thế.

+ Ghế ngồi không phù hợp với chiều cao của học sinh.

+ Phòng ốc thiếu ánh sáng.

+ Một vài thói quen xấu của học sinh.

+ Ngồi học quá lâu, ít thay đổi tư thế.

- Vẹo bù trừ: Bệnh nhân bị chân dài chân ngắn làm cột sống bị vẹo khi đứng thẳng. Nếu đi dép chỉnh hình để nâng đế ở chân thấp cho hai chân bằng nhau thì hết vẹo.

- Vẹo do thoát vị đĩa đệm cột sống: Do đĩa đệm bị thoát vị chèn ép rễ thần kinh gây đau thần kinh hông ở một bên. Để giảm đau bệnh nhân phải nghiêng cột sống. Thoát vị đĩa đệm thường gặp ở người lớn nhưng cũng có thể gặp ở trẻ em. Khi điều trị hết đau, cột sống trở lại bình thường không còn vẹo.

- Vẹo cột sống do viêm: Viêm cơ thắt lưng - chậu, bệnh nhân nghiêng cột sống về bên đau để làm chùng cơ và đỡ đau.

Như vậy cong vẹo cột sống không cấu trúc là cong vẹo cơ năng, khi giải quyết được nguyên nhân thì cột sống hết cong vẹo. Trong trường hợp này thì cột sống cong nhưng không vẹo và không bao giờ tiến triển trở thành cong vẹo cấu trúc.

Để phân biệt với cong vẹo cột sống không cấu trúc và cong vẹo cột sống cấu trúc làm nghiệm pháp cúi về trước (test Adams) như sau: cho bệnh nhân đứng cúi về trước nếu cong vẹo cột sống mất đi là cong vẹo cột sống không cấu trúc, nếu cong vẹo cột sống không mất đi là cong vẹo cột sống cấu trúc.

1.2.2. Cong vẹo cấu trúc

Cong vẹo cấu trúc là cong vẹo cột sống với các đốt sống bị biến dạng ở đường cong của cột sống. Có biến dạng nghiêng bên, hình nêm, xoay ở cột sống. Để phân biệt với cong vẹo cột sống không cấu trúc làm nghiệm pháp cúi về phía trước (test Adams).

- Trong hầu hết các trường hợp cong vẹo cấu trúc xuất hiện trước tuổi xương ngừng lớn kèm theo xoay (vẹo) và bao gồm bốn loại:

+ Cong vẹo bẩm sinh (Congentital scoliosis): Xuất hiện ở giai đoạn bào thai, thường do sự khiếm khuyết, biến dạng của thân dốt sống, khe khớp và đĩa đệm.

Hình 6. Một số dạng khiếm khuyết cấu trúc cột sống bẩm sinh.

Hemi-vertebra: thiểu sản nửa thân đốt sống, Fused Hemi-vertebra: dính nửa hai đốt sống. Block vertebra: dính khóa cứng nhiều đốt sống, Bar with hemi-vertebra: cầu nối nửa thân các đốt sống.

+ Cong vẹo tự phát: không rõ nguyên nhân (Idiopathic scoliosis), thường mang tính gia đình có thể xuất hiện ở trẻ nhỏ, thiếu nhi và tuổi dậy thì.

+ Cong vẹo do bệnh thần kinh cơ (Neuromuscular scoliosis): là các trình trạng vẹo cột sống gây ra bởi các bất thường của tổ chức thần kinh và cơ. Thường gặp ở bệnh nhân bại não, bại liệt, nhược cơ, và các trình trạng bệnh lý của cơ và thần kinh ngoại biên.

  

Hình 7. Cong vẹo cột sống ở trẻ bại não.

+ Cong vẹo trong một số bệnh khác (Miselanous): Những bất thường của hệ xương như hội chứng Marfan, bệnh u xơ thần kinh (Neurofibromatosis), rối loạn chuyển hóa xương, bệnh rỗng tuỷ sống, bệnh thoát vị tuỷ - màng tuỷ, bệnh lao xương sống.

- Một số trường hợp cong vẹo xuất hiện sau tuổi xương ngừng phát triển và không kèm xoay như: cong vẹo do gẫy lún một bên thân sống, lao cột sống gây lún một bên thân đốt sống, bệnh khớp thoái hoá, chứng loãng xương gây xẹp lún một bên thân đốt sống.

Để phân biệt với cong vẹo cột sống không cấu trúc và cong vẹo cột sống cấu trúc làm nghiệm pháp cúi về trước (test Adams) như sau: cho bệnh nhân đứng cúi về trước nếu cong vẹo cột sống mất đi là cong vẹo cột sống không cấu trúc, nếu cong vẹo cột sống không mất đi là cong vẹo cột sống cấu trúc.

1.3. Biến chứng của cong vẹo cột sống

- Thay đổi hình dáng cơ thể: gây mất thẩm mỹ, ảnh hưởng lớn đến tâm sinh lý, sức khỏe tinh thần của trẻ.

- Tổn thương phổi và tim: Trong trường hợp vẹo cột sống nặng, khung sườn bị biến dạng có thể đè ép vào phổi và tim làm cho trẻ khó thở, giảm sức co bóp của tim, ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Biến dạng khung chậu ở trẻ em nữ có thể ảnh hưởng đến sinh đẻ sau này.

- Vấn đề ở lưng: Bệnh nhân vẹo cột sống bị ảnh hưởng tới khả năng lao động và hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Họ thường bị đau lưng mạn tính nhiều hơn người bình thường.

2. Lâm sàng và cận lâm sàng

2.1. Lâm sàng

- Cho trẻ cởi áo đứng thẳng, quan sát từ phía sau thấy:

+ Một bên chỏm xương bả vai nhô cao.

+ Hai vai không đều, bên thấp bên cao.

+ Cột sống cong vẹo sang phía bên, có thể thấy đường con chữ S hoặc đường cong chữ C thuận hay nghịch.

+ Khung chậu bị nghiêng lệch và chênh.

- Cho trẻ đứng khép chân, thẳng gối, cúi xuống thả hai tay hướng xuống đất thấy: ụ gồ ở vùng lưng mà đỉnh ụ gồ trùng với đỉnh lồi của đường cong, đối diện ụ gồ là vùng lõm. 

- Có thể thấy các dị dạng khác như chân ngắn chân dài.

- Nghiệm pháp đánh giá bằng dây dọi: Bệnh nhân đứng thẳng, dùng dây dọi lấy mốc là mỏm gai sau của đốt sống cổ 7 ta thấy cột sống bị cong lệch khỏi dây dọi. Có các dạng cong khác nhau như sau:

+ Cột sống lưng: cong hình chữ C thuận hay C nghịch.

             

Hình 8. Cong vẹo cột sống lưng hình chữ C nghịch.

+ Cột sống thắt lưng: cong hình chữ C thuận hay nghịch.

            

Hình 9. Cong vẹo cột sống thắt lưng hình chữ C thuận.

+ Cột sống lưng - thắt lưng: cột sống cong hình chữ S thuận hay nghịch.

              

Hình 10. Cong vẹo cột sống lưng - thắt lưng hình chữ S nghịch.

2.2. Cận lâm sàng

- Chụp phim X-quang thường quy rất dễ phát hiện cong vẹo cột sống. 

+ Trên phim thẳng: Đo góc Cobb xác định mức độ cong của đoạn cột sống.

+ Chụp X-quang khung chậu và xương bả vai để đánh giá thêm độ lệch.

- Một số phương pháp khác như MRI, CTscan giúp thêm chẩn đoán xác định nguyên nhân như cong vẹo cột sống do tổn thương tuỷ sống, do dính một bên đốt sống, hay các dị dạng khác như u thần kinh…

2.3. Phân loại mức độ cong vẹo

- Vẹo độ 1: Khi đứng thẳng thì có lệch vẹo cột sống nhưng hình thể vẹo không thấy rõ ràng. Khó phát hiện bằng mắt thường, chưa ảnh hưởng đến chức năng hô hấp.

- Vẹo độ 2: Khi đứng thẳng, nhìn sau lưng đã thấy được hình dáng cong vẹo cột sống, thấy được ụ lồi sườn do đốt sống bị xoáy vặn. Bắt đầu có ảnh hưởng đến chức năng hô hấp.

- Vẹo độ 3: Nhìn thấy rõ tư thế lệch,  có thể gây biến dạng khung chậu. Cột sống bị cong ảnh hưởng rõ tới quá trình hô hấp.

3. Điều trị

3.1. Can thiệp sớm

3.1.1. Nguyên tắc

Can thiệp ngay khi phát hiện ra cong vẹo cột sống. Kỹ thuật can thiệp phụ thuộc vào độ cong vẹo cột sống.

+ Góc Cobb < 20 độ: tập các bài tập phục hồi chức năng và theo dõi mỗi 6 tháng một lần để đánh giá mức độ tiến triển.

+ Góc Cobb 20 - 45 độ: mang áo nẹp cột sống và theo dõi mỗi 6 tháng một lần.

+ Góc Cobb tiến triển xấu đi nhanh > 40 độ thì tiến hành phẫu thuật.

3.1.2. Mục tiêu của can thiệp

-  Nắn sửa các biến dạng vùng cột sống, khung chậu, lòng ngực.

-  Duy trì và tăng cường tầm vận động của cột sống.

- Phòng ngừa các biến dạng thứ phát của hệ vận động, hệ hô hấp và hệ tim mạch.

- Phòng ngừa sự tiến triển của các biến dạng thứ phát.

3.2. Một số kỹ thuật phục hồi chức năng

3.2.1. Một số bài tập phục hồi chức năng

Các bài tập phục hồi chức năng có mục tiêu kéo giãn các cơ, dây chằng phía cột sống cong lõm và làm mạnh các cơ phía cột sống cong lồi để điều chỉnh lại tư thế cột sống.

Các bài tập ở tư thế nằm ngửa:

- Bài tập 1: Trẻ nằm ngửa, hai tay trẻ đan các ngón vào nhau và đặt sau gáy. Kỹ thuật viên gập gối phải của trẻ, đưa gối và khuỷu tay bên đối diện chạm vào nhau rồi đổi bên. Gối phải chạm khuỷu tay trái, gối trái chạm khuỷu tay phải. Mỗi động tác lặp lại 10 lần.

- Bài tập 2: Trẻ nằm ngửa, co hai chân, tỳ gót và vai xuống giường nâng mông lên đưa mông sang phía cột sống cong lồi đặt xuống giường, rồi nâng mông đưa về vị trí ban đầu. Cứ đưa mông về phía cột sống cong lồi hai lần thì đưa mông về phía cột sống cong lõm một lần. Lặp lại động tác 10 lần.

- Bài tập 3: Trẻ nằm ngửa, gập gối, nâng mông lên cao hình cầu vồng giữ trong 5-10 giây rồi đặt mông xuống giường. Làm lại động tác 10 lần.

- Bài tập 4: Trẻ nằm ngửa, gập gối, nâng mông lên cao rồi đưa mông sang phải đặt xuống giường sau đó nâng mông đưa mông về bên trái. Lặp lại động tác 10 lần.

- Bài 5: Trẻ nằm ngửa, gập gối, các ngón tay của hai bàn tay đan vào nhau, duỗi thẳng tay, gập người về phía trước, đưa hai tay sang phải rồi nằm xuống, làm lại và đưa hai tay sang trái. Lặp lại mỗi động tác 10 lần.

 Các bài tập ở tư thế nằm nghiêng:

- Bài 6: Trẻ nằm nghiêng góc lõm cột sống ở phía dưới, góc lồi cột sống ở phía trên. Chống tay phía dưới đỡ bàn tay vào đầu trong khi người vẫn giữ ở tư thế thẳng, chân dưới duỗi, chân trên co, giữ 5 - 10 giây rồi nằm thẳng lại. Lặp lại động tác 10 lần.

- Bài 7: Trẻ nằm nghiêng như trên trong tư thế thân người thẳng. Kỹ thuật viên đứng trước mặt bệnh nhi dùng tay phía chân bệnh nhi luồn xuống trước dưới đỡ chân bệnh nhi bàn tay đặt vào đùi phía dưới của bệnh nhi, tay kia của kỹ thuật viên cố định bờ sườn phía trên của bệnh nhi rồi nâng chân bệnh nhi lên để kéo giãn cột sống phía lõm, giữ 5 giây rồi đặt về tư thế ban đầu. Lặp lại động tác 10 lần.

- Bài 8: Trẻ ở tư thế nằm nghiêng như trên, chân dưới duỗi, chân trên co, các ngón tay của hai bàn tay đan vào nhau và duỗi thẳng tay nâng đầu và nửa người trên lên khỏi giường rồi đặt xuống. Lặp lại động tác 10 lần. Kỹ thuật viên có thể hỗ trợ bệnh nhi bằng đỡ vai bệnh nhi nâng lên.

- Bài 9: Trẻ nằm nghiêng nhưng phía cột sống cong lồi ở dưới, đệm một gối vào chỗ cột sống lồi, chân dưới của trẻ duỗi, chân trên co, giữ tư thế này 15 giây.

Các bài tập ở tư thế nằm sấp:

- Bài 10: Trẻ nằm sấp, tay phía cột sống lõm giơ thẳng lên phía đầu, tay phía cột sống lồi duỗi thẳng với xuống gối cùng bên, đầu nghiêng nhìn theo tay, giữ 5 giây rồi nằm thẳng lại. Lặp lại động tác 10 lần.

- Bài 11: Trẻ nằm sấp, hai tay duỗi thẳng đặt hình chữ V lên phía đầu. Kỹ thuật viên dùng một tay đỡ hai chân trẻ bàn tay đặt mặt dưới đùi nâng khung chậu lên khỏi mặt giường, tay kia cố định bờ sườn phía cột sống lồi rồi đưa chân trẻ về phía lồi để kéo giãn bên lõm, giữ 5 giây rồi đưa về vị trí ban đầu. Cứ đưa chân trẻ về phía cột sống lồi hai lần thì về phía cột sống lõm một lần. Lặp lại động tác 10 lần.

- Bài 12: Trẻ nằm sấp, kỹ thuật viên đứng phía đầu trẻ nắm lấy hai cánh tay trẻ. Hai tay trẻ duỗi thẳng nắm lấy cánh tay kỹ thuật viên. Kỹ thuật viên nâng nhẹ nửa người trên của trẻ lên đưa sang bên lồi hai lần, đưa sang bên lõm một lần. Lặp lại động tác 10 lần.

Các bài tập hỗ trợ:

- Bơi thường xuyên.

- Đu xà đơn thường xuyên.

3.2.2. Kéo giãn cột sống

- Kéo bằng trọng lực của bệnh nhân trên bàn dốc:

  

Hình 11. Kéo giãn cột sống bằng trọng lực của bệnh nhân.

- Kéo giãn cột sống bằng tạ và máy kéo

Kết quả hình ảnh cho kéo dãn cột sống  Kết quả hình ảnh cho kéo dãn cột sống

Hình 12. Kéo giãn cột sống bằng tạ (ảnh trái) và máy kéo (ảnh phải).

          Mỗi ngày kéo giãn một đến hai lần, mỗi lần 20 phút. Lực kéo tùy thuộc trọng lượng trẻ nhưng không quá 2/3 trọng lượng cơ thể trẻ.

 3.2.3. Áo nẹp cột sống

Các loại áo nẹp đều có 3 điểm tì: điểm tì ở đốt sống đỉnh đường cong tạo lực đẩy ngược chiều với lực đẩy của của 2 điểm tì ở đốt sống đầu và cuối đường cong. Để tạo lực nắn chỉnh hiệu quả thì khoảng cách từ điểm tì ở đỉnh đường cong phải cách mỗi điểm tì kia khoảng 3 đốt sống.

Áo nẹp tạo sự giảm áp lực nén ở mặt lõm cột sống làm giảm áp lực nén lên sụn tăng trưởng của đốt sống phía này, đồng thời tăng lực nén lên sụn tăng trưởng phía bên lồi. Theo luật Hueter - Walkmann thì tốc độ tăng trưởng của sụn phía lõm của đường cong tăng lên và tốc độ phát triển của sụn phía lồi sẽ giảm đi giúp hình dạng giải phẫu của đốt sống được phục hồi tốt. Như vậy áo nẹp chỉ có tác dụng khi bệnh nhân còn phát triển về chiều cao dựa vào độ Risser. Theo Kenneth J. Nooman thì áo nẹp được chỉ định tốt nhất cho bệnh nhân chưa trưởng thành có độ Risser là 0 hoặc 1. Với bệnh nhân đã có độ Risser >2 hoặc đã có kinh nguyệt >6 tháng, chỉ định áo nẹp cần được cân nhắc cho từng bệnh nhân riêng biệt. Peter O. Nenton cho rằng áo nẹp được chỉ định khi trẻ còn Risser nhỏ hơn hoặc bằng 3. Green thì chọn tiêu chuẩn bệnh nhân có Risser nhỏ hơn hoặc bằng 2. 

- Chỉ định (theo Berg. U, Aaro SH. 1983):

+ Góc Cobb từ 15 độ - 20 độ, theo dõi thấy tăng nặng 10 độ.

+ Góc Cobb từ 20 độ - 30 độ, theo dõi thấy tăng nặng 5 độ

+ Góc Cobb <45 độ, có đường cong đơn.

+ Góc Cobb <50 độ, có đường cong đôi.

+ 8 độ < độ xoay của cột sống < 20 độ, nhưng độ cong tiến triển nhanh trong vòng 3 tháng.

- Các loại áo nẹp chỉnh hình: có thể chia lịch sử phát triển của áo nẹp ra hai giai đoạn: giai đoạn trước áo nẹp Milwaukee và sau áo nẹp Milwaukee. Aoa nẹp trước Milwaukee có cấu tạo bằng da, kim loại, ngoài ra còn bằng bột thạch cao. Thế hệ áo nẹp này chủ yếu dùng cho bệnh nhân sau mổ cột sống. Thế hệ áo nẹp từ Miwaukee về sau này chủ yếu làm bằng nhựa có nhiều ưu điểm hơn.

+ Áo nẹp Milwaukee: được Walter và Blount đưa ra năm 1946 để cố định cột sống sau mổ hàn đốt sống. Đến 1949 áo nẹp được sử dụng để điều trị bảo tồn vẹo cột sống.

+ Áo nẹp Boston:  được tạo ra ở bệnh viện nhi Boston vào thập niên 1970. Đây là loại áo nẹp TLSO (Áo nẹp chỉnh hình cột sống Ngực-Thắt lưng: Thoraco-Lumbar Spinal Orthosis – TLSO) làm bằng nhựa polypropylene với các điểm tựa trên cánh chậu và các điểm tỳ nắn lót bằng nhựa sốp polyetylene. Có trên 20 mẫu được làm sẵn thích hợp cho 95% bệnh nhân vẹo cột sống.

+ Áo nẹp Wilmington: (Wilmington Jacket) được đưa ra đầu thập niên 1970 ở bệnh viện nhi Wilmington. Áo được làm từ loại nhựa nóng chảy thấp (80 độ) là orthoplast được tạo hình trực tiếp trên bệnh nhân nằm kéo nắn trên bàn. Lực nắn ngang được thực hiện ngay lúc tạo hình nẹp. Loại nẹp này trông giống như áo jacket.

+ Áo nẹp Cheneau: được chế tạo năm 1975 bằng nhựa polypropylene có thể cử động đường cong xa khỏi miếng đệm tì phía mặt lõm giúp nắn chỉnh chủ động khi bệnh nhân tập trong nẹp và trợ giúp lưu thông không khí trong điều kiện khí nhậu nóng.

+ Áo nẹp Charleston: khi làm nẹp kỹ thuật viên ép lên đỉnh và áp dụng lực bẻ cong phía trên đường cong, miếng đệm xốp dặt ở vùng có lực ép. Vì mang nẹp trong tư thế nằm chỉnh nghiêng người nên các nhà sáng chế cho rằng nó coa tác dụng nắn chỉnh vượt trội và nẹp chỉ cần mang ban đêm.

+ Áo nẹp CAEN: xuất xứ từ vùng Caen nước Pháp và cũng là chữ viết tắt của cụm từ ``Corset à Appuis Electifs Nocturnes Segmentaires: Áo nẹp đệm với điểm tì chọn lọc từng đoạn). Áo tạo ra 3 mặt phẳng trong không gian. Sự chỉnh giảm từng đoạn biến dạng vẹo cột sống. Áo được làm bằng nhựa polypropylene dày 3 - 4mm. Đây là loại áo nẹp TLSO được chỉ định dùng cho vẹo cột sống có đốt đỉnh dưới T7.

      

Hinh 13. Các loại áo nẹp từ trái sang phải: Áo nẹp Milwaukee, áo nẹp Boston, áo nẹp Wilmington, áo nẹp Chenau, áo nẹp Charleston, áo nẹp CAEN.

   

Hình 14. Áo nẹp Cheneau: nguyên lí nắn chỉnh 3 điểm. Theo dõi 3 tháng khám lại một lần, 6 tháng chụp X-quang một lần.

Trẻ phải đeo áo nẹp 24/24 giờ trong ngày, chỉ tháo ra khi tập luyện, khi tắm. Cần vệ sinh áo nẹp thường xuyên và mỗi 3 tháng phải đưa trẻ đi khám để được thay áp nẹp phù hợp.

3.2.3. Phẫu thuật chỉnh hình

- Chỉ định:

+ Khi góc Cobb >20 độ cộng với tiến triển xấu đi.

+ Góc Cobb > 45 độ. 

+ Khi cong vẹo cột sống ảnh hưởng đến chức năng các cơ quan khác.

- Kỹ thuật:

+ Phẫu thuật mở, dùng nẹp kim loại bắt vít để nắn chỉnh cột sống.

      

Hình 15. Phẫu thuật dùng nẹp bắt vít để nắn chỉnh cột sống.

+ Cấy ghép hệ thống nắn chỉnh ApiFix. Đây là một kỹ thuật mới được giới thiệu trong năm 2012 bởi Uri Arnin, nhà sáng lập ApiFix đồng thời là kỹ sư thiết kế thiết bị y tế cùng với Yizhar Floman, một bác sỹ phẫu thuật cột sống của Israel. Công nghệ ApiFix với cơ chế bắt vít bánh lăn thu nhỏ cho phép nắn chỉnh cột sống từng nấc mỗi lần người bệnh nghiêng người về bên cột sống cong lồi. Khi cột sống được nắn chỉnh thẳng thì khóa bánh lăn để cố định cột sống. Với công nghệ ApiFix chỉ phải phẫu thuật với mức xâm lấn tối thiểu, giúp giảm thiểu rủi ro, giảm sẹo, giảm các biến chứng, giảm thời gian phục hồi và giảm giá thành. Phương pháp ApiFix chỉ sử dụng hai đinh vít để kết nối hai đầu đoạn cong của cột sống vào một thanh titan có thể giãn ra từng nấc, được đưa vào nhờ tiểu phẫu. Một cơ chế kiểm soát sẽ giúp các bác sỹ phẫu thuật khóa hoặc mở chốt vít nhờ kim để điều chỉnh.

Hình 16. Phương pháp phẫu thuật nắn chỉnh cột sống bằng công nghệ ApiFix.

4. Dự phòng

Để phòng ngừa cong vẹo cột sống trước hết cần phải nâng cao sức khỏe chung của cơ thể bằng cách rèn luyện thể dục thể thao thường xuyên, tăng cường sức mạnh khối cơ, các tổ chức liên kết, dây chằng, khớp, làm tăng sự dẻo dai bền bỉ và phát triển cân đối.

Cần phòng chống suy dinh dưỡng, còi xương ở trẻ nhỏ. Chế độ ăn cần có đủ protein, chất khoáng và vitamin.

Bàn ghế ngồi học phải phù hợp với lứa tuổi và tư thế ngồi học phải đúng, chú ý tư thế ngồi đúng.

Nơi học tập ở trường phải đảm bảo chiếu sáng tự nhiên và chiếu sáng nhân tạo. Ở nhà, ngoài hệ thống chiếu sáng chung, gia đình cũng cần trang bị đèn ở góc học tập cho các em học sinh để đảm bảo ánh sáng tốt hơn. Cần thực hiện giờ nghỉ giải lao giữa các tiết học.

Học sinh không mang cặp quá nặng, trọng lượng cặp sách không nên vượt quá 15% trọng lượng cơ thể. Cặp phải có hai quai, khi sử dụng học sinh đeo đều hai vai, tránh đeo lệch về một phía.

Học sinh cần được khám cột sống định kỳ nhằm phát hiện sớm các trường hợp cong vẹo cột sống để có thể có cách xử trí và điều trị kịp thời.

Tài liệu tham khảo:

1. Bệnh cong vẹo cột sống. bệnh viện chỉnh hình và phục hồi chức năng Đà Nẵng. www.chinhhinh.com.vn

2. Scoliosis. Wikipedia, the free encyclopedia. en.wikipedia.org/wiki/

3. Scoiosis. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/scoliosis/basics/definition/con

4. Per Trobisch, Olaf Suess, Frank Schwab; Suess; Schwab (December 2010). "Idiopathic Scoliosis". Disch Arztebi Int. 107 (49): 875–884. doi:10.3238/arztebl.2010.0875 (inactive 2015-01-09). PMC 3011182. PMID 21191550

5. McAviney, Jeb. "What is scoliosis". ScoliCare Australia. Retrieved 11 February 2014. 

6. McAviney, Jeb (9 February 2014). Never Miss or Misdiagnose a Scoliosis Again. Australia: Scolicare Chiropractors Assoc Australia. pp. 15–16. 

7. Weinstein, S. L.; Dolan, L. A.; Spratt, K.F.; Peterson, K. K.; Spoonamore, M. J.; Ponseti, I. V. (2003). "Health and Function of Patients With Untreated Idiopathic Scoliosis: A 50-Year Natural History Study". JAMA. 289 (5): 559–567. doi:10.1001/jama.289.5.559. PMID 12578488

8. Edery P., Margaritte-Jeannin P., Biot B., Labalme A., Bernard J., Chastang J., Kassai B., Plais M., Moldovan Fl., Clerget-Darpoux F. (2011). "New disease gene location and high genetic heterogeneity in idiopathic scoliosis". European Journal of Human Genetics 19: 865–869. doi:10.1038/ejhg.2011.31

9. Burwell, R.G. (2003). Aetiology of idiopathic scoliosis: current concepts. Pedriatric Rehabilitation, 6 (3-4), 137-170.

10. Gorman, Kristen Fay; Julien, Cédric; Moreau, Alain (14 June 2012). "The genetic epidemiology of idiopathic scoliosis". European Spine Journal 21 (10): 1905–1919. doi:10.1007/s00586-012-2389-6. PMID 22695700

11. Lovejoy OC (Jan 2005). "The natural history of human gait and posture: Part 1. Spine and pelvis." Gait & Posture 21 (1): 95-112.

12. Harcourt-Smith, William E (2007). Handbook of Paleoanthropology. Chapter 5: Springer Berlin Heidelberg. pp. 1483–1518. 

13. Hunt, Kevin D (March 1994). "The evolution of human bipedality: ecology and functional morphology". Journal of Human Evolution 26 (3): 182–202.

 

 


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bệnh thận - Tiết niệu

    Bệnh tim mạch

      Bệnh cơ-xương-khớp

        Bệnh nội tiết-chuyển hóa

          Bệnh tiêu hóa

            Bệnh phổi - phế quản

              Bệnh Thần kinh - Tâm thần

                Bệnh truyền nhiễm

                  Bệnh nhi khoa

                    Cận lâm sàng

                      Bệnh khác

                        Thuốc

                          Vật lý trị liệu

                            Phục hồi chức năng

                              Tư vấn và Chia sẻ thông tin

                                Sách đã xuất bản của Hà Hoàng Kiệm

                                  Bài báo khoa học

                                    SÁCH CỦA TÔI