Lịch sử hình thành lãnh thổ hình chữ S của Việt Nam qua từng thời kỳ
Lãnh thổ Việt Nam qua từng thời kỳ là sự biến đổi không gian sinh tồn của người Việt, thể hiện bởi các triều đại chính thống được công nhận. Nó mang tính chất phức tạp, lúc bị mất lãnh thổ về các nhà nước khác, lúc xâm chiếm chinh phục được lãnh thổ mới.
Tựu chung lại vùng lãnh thổ cốt lõi phát sinh ra người Việt hiện đại là vùng châu thổ sông Hồng, sau các thế kỷ chinh phục, đồng hóa, khai khẩn mà lãnh thổ trải dài đến đồng bằng sông Cửu Long ngày nay.
Thời Hồng Bàng (*)
Hình 1. Phỏng ước lãnh thổ hai nước Văn Lang (màu vàng) của các vua Hùng và xứ Nam Cương (màu xanh lục) của Thục Phán, sau này hợp nhất thành nước Âu Lạc vào khoảng thế kỷ thứ 3 TCN.
Hình 2. Bản đồ phỏng ước lãnh thổ nước Âu Lạc của An Dương Vương - Thục Phán vào khoảng thế kỷ 3 TCN.
Một số sử liệu và huyền thoại cho rằng vào đầu thời kỳ Hồng Bàng, bộ tộc Việt có lãnh thổ rộng lớn từ phía nam sông Dương Tử (Trung Quốc) đến vùng Thanh Hóa. Thực chất các bộ tộc Việt phía Nam sông Trường Giang không cùng sắc tộc, chủng tộc và ngôn ngữ. Cái tên Bách Việt là chỉ chung cho các bộ tộc, nhà nước phía Nam của Trung Nguyên.
Văn Lang
Nước Văn Lang của bộ tộc Lạc Việt hình thành trên vùng bình nguyên bao gồm đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Mã và đồng bằng Sông Lam.
Âu Lạc
Thục Phán sau khi chiếm được Văn Lang đã sáp nhập vào đất của mình, nước Âu Lạc có lãnh thổ từ phía nam sông Tả Giang (Quảng Tây - Trung Quốc) kéo xuống dãy Hoành Sơn (Hà Tĩnh).
Thời Bắc thuộc
Nước Nam Việt phía Tây giáp Dạ Lang và Câu Đinh, phía Đông giáp Mân Việt, phía Nam giáp với dãy Hoành Sơn, phía Bắc giáp phong quốc Trường Sa nhà Hán.
Nếu coi nhà Triệu (207 - 111 TCN) là một phần của hệ thống phân chia lịch sử thời kỳ Bắc thuộc lần 1 thì lãnh thổ Việt Nam thuộc nước Nam Việt của 5 đời vua Triệu.
Năm 111 TCN, nhà Triệu mất nước về tay nhà Hán. Sau đó lãnh thổ Nam Việt cũ bị chia thành 6 quận, đồng thời xác lập thêm đất 3 quận mới là Nhật Nam, Chu Nhai, Đạm Nhĩ:
Hình 3. Lãnh thổ nhà Hán thời Hán Vũ Đế (theo biên tập của người Hán).
Nam Hải (nay là tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc)
Thương Ngô (nay thuộc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc)
Uất Lâm (nay thuộc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc)
Hợp Phố (nam Quảng Tây và tây nam Quảng Đông ngày nay)
Chu Nhai (thuộc đảo Hải Nam ngày nay)
Đạm Nhĩ (thuộc đảo Hải Nam ngày nay)
Giao Chỉ (nay là miền Bắc Việt Nam và phía đông Quảng Tây)
Cửu Chân (nay là ba tỉnh Thanh Hoá-Nghệ An-Hà Tĩnh)
Nhật Nam (từ Đèo Ngang đến Quảng Nam)
Hình 4. Nước Nam Việt phía Tây giáp Dạ Lang và Câu Đinh, phía Đông giáp Mân Việt, phía Nam giáp với dãy Hoành Sơn, phía Bắc giáp phong quốc Trường Sa nhà Hán
Lãnh thổ của dân tộc Việt thời kỳ này, trong sự cai quản của chính quyền trung ương các triều đại Trung Hoa, tiến về phía nam đến vùng Hà Tĩnh hiện nay, thỉnh thoảng các quan cai trị Giao Chỉ (hoặc Giao Châu) tiến xuống phía nam đánh Chiêm Thành và đưa thêm vùng đất từ đèo Ngang đến đèo Hải Vân vào cai trị nhưng không giữ được lâu vì sau đó Chiêm Thành thường lấy lại được.
Hán thư ghi nhận quận Nam Hải gồm có 6 huyện: Phiên Ngung, Trung Túc, Bác La, Long Xuyên, Tứ Hội, Yết Dương.
Quận Uất Lâm gồm có 12 huyện: Bố Sơn, An Quảng, Hà Lâm, Quảng Đô, Trung Lưu, Quế Lâm, Đàm Trung, Lâm Trần, Định Chu, Lĩnh Phương, Tăng Thực, Ung Kê.
Quận Thương Ngô gồm có 10 huyện: Quảng Tín, Tạ Mộc, Cao Yếu, Phong Dương, Lâm Hạ, Đoan Khê, Phùng Thừa, Phú Xuyên, Lệ Phổ, Mãnh Lăng.
Quận Hợp Phố gồm có 5 huyện: Từ Văn, Cao Lương, Hợp Phố, Lâm Doãn, Chu Lô.
Quận Giao Chỉ gồm có 10 huyện: Liên Lâu, An Định, Câu Lậu, Mê Linh, Khúc Dương, Bắc Đái. Kê Tử, Tây Vu, Long Biên, Chu Diên.
Quận Cửu Chân gồm có 7 huyện: Tư Phố, Cư Phong, Đô Lung, Dư Phát, Hàm Hoan, Vô Thiết (hay Vô Biên), Vô Biên.
Quận Nhật Nam do nhà Hán mới đặt sau khi đánh chiếm Nam Việt, gồm có 5 huyện: Chu Ngô, Tây Quyển, Lô Dung, Ty Ảnh và Tượng Lâm. Thời nhà Tân, Vương Mãng đổi gọi là Nhật Nam đình.
Bốn quận Nam Hải, Uất Lâm, Thương Ngô và Hợp Phố cũng thuộc nước Nam Việt thời nhà Triệu và trực thuộc bộ Giao Chỉ thời Tây Hán nhưng lãnh thổ đều nằm bên ngoài Việt Nam hiện nay.
Hình 5. Bản đồ Lĩnh Nam thời Trưng Vương (40-43 sau Công nguyên)
Năm 40 sau Công nguyên, Thái thú Giao Chỉ tên là Tô Định cai trị hà khắc dẫn tới việc Hai Bà Trưng khởi binh chống lại nhà Đông Hán. Các quận Nam Hải, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều hưởng ứng. Hai bà lấy được 65 thành ở vùng Lĩnh Nam.
Tuy nhiên cuộc khởi nghĩa nhanh chóng bị dập tắt bởi tướng Mã Viện năm 43 CN.
Thời phong kiến tự chủ
Hình 6. Lãnh thổ thời Khúc Thừa Dụ giành được tự chủ cho Tĩnh Hải quân đến những năm đầu thời nhà Ngô.
Sau khi Khúc Thừa Dụ tự xưng là Tiết độ sứ của Tĩnh Hải quân năm 905, Việt Nam bắt đầu thời kỳ độc lập tự chủ. lãnh thổ Tĩnh Hải quân gồm 12 châu là:
Giao; Lục; Phúc Lộc; Phong; Thang; Trường; Chi; Vũ Nga; Vũ An; Ái; Hoan; Diễn.
Việt Nam chính thức vào kỷ nguyên độc lập từ khi Ngô Quyền đánh bại nhà Nam Hán vào năm 938. Tuy nhiên lãnh thổ bị co lại chỉ còn 8 châu: Giao, Lục, Phúc Lộc, Phong, Trường, Ái, Hoan, Diễn. 4 châu bị nhà Nam Hán chiếm là Thang, Chi, Vũ Nga và Vũ An.
Năm 968, Đinh Tiên Hoàng đặt quốc hiệu trở lại sau hơn 400 năm, là Đại Cồ Việt, sau đó Lý Thái Tổ đổi tên nước là Đại Việt năm 1054.
Lãnh thổ Việt Nam thời kỳ đầu độc lập bao gồm khu vực Bắc Bộ và 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, tương đương với lãnh thổ truyền thuyết nước Văn Lang của các vua Hùng
Sáp nhập Tây-Bắc
Hình 7. Lãnh thổ Đại Việt khoảng năm 1100 dưới thời nhà Lý.
Năm 1014, tướng nước Đại Lý là Đoàn Kính Chí đem quân vào chiếm đóng châu Vị Long và châu Đô Kim (nay thuộc Tuyên Quang), vua Lý Thái Tổ sai con là Dực Thánh Vương đi đánh dẹp, quân Đại Lý đại bại, nhân cơ hội đó nhà Lý sáp nhập luôn khu vực ngày nay là Hà Giang vào Đại Việt.
Năm 1159, nhân khi nước Đại Lý suy yếu, vua Lý Anh Tông và Tô Hiến Thành đã tiến hành thu phục vùng đất của các tù trưởng dân tộc thiểu số người Thái ở bắc Yên Bái, nam Lào Cai vào lãnh thổ Đại Việt.
Năm 1478, vua Lê Thánh Tông, sau khi thu phục tiểu vương quốc Bồn Man đã sáp nhập vùng Sơn La, các huyện phía tây Thanh Hóa, Nghệ An và tỉnh Hủa Phăn của Lào ngày nay vào đất Đại Việt.
Quá trình Nam tiến
Hình 8. Các triều đại phong kiến của Việt Nam liên tục mở rộng lãnh thổ xuống phía Nam.
Năm 1069, Lý Thánh Tông nam chinh đánh Chiêm Thành và bắt được vua Chiêm là Chế Củ (Jaya Rudravarman), đem về Thăng Long. Để được tha vua Chiêm đã cắt vùng đất phía bắc Chiêm Thành gồm ba châu Bố Chính, Ma Linh, Địa Lý cho Đại Việt. Những châu ấy nay ở địa hạt các huyện Quảng Ninh, Quảng Trạch, Bố Trạch, Tuyên Hoá, Lệ Thuỷ tỉnh Quảng Bình và huyện Bến Hải tỉnh Quảng Trị.
Năm 1306 vua Chế Mân (Jaya Simhavarman) của Chiêm Thành cắt đất hai châu Ô và Rí cho vua Trần Anh Tông để làm sính lễ cưới công chúa Huyền Trân của Đại Việt, vùng đất mà ngày nay là nam Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế. Biên giới phía nam của Đại Việt lúc này tiến đến đèo Hải Vân.
Năm 1471 vua Lê Thánh Tông đưa 20 vạn quân tiến đánh vào kinh đô Vijaya (Bình Định) của Chiêm Thành, kinh đô Vijaya bị thất thủ. Lê Thánh Tông đã sáp nhập vùng đất bắc Chiêm Thành vào Đại Việt (ngày nay là 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định).
Phần đất còn lại của Chiêm Thành vua Lê Thánh Tông đã chia làm 3 vương quốc và giao cho tướng, hoàng thân còn lại của Chiêm Thành trấn giữ và có nghĩa vụ triều cống Đại Việt. Đến năm 1471 lãnh thổ phía nam của Đại Việt tiến đến đèo Cù Mông (ranh giới giữa Bình Định và Phú Yên ngày nay).
Thời kỳ Trịnh, Nguyễn phân tranh
Do áp lực tấn công của các chúa Trịnh ở Đàng Ngoài và nhu cầu đất đai, các chúa Nguyễn đã tiến hành những đợt nam tiến, mở rộng lãnh thổ Đại Việt chưa từng thấy.
Năm 1611, chúa Nguyễn Hoàng tiến chiếm vùng đất của Chiêm Thành mà ngày nay là Phú Yên.
Năm 1623, chúa Nguyễn Phúc Nguyên được vua Chân Lạp là Chey Chettha II chấp thuận nhượng vùng đất Mô Xoài, lập 2 thương điểm (đồn thu thuế) là Kas Krobei và Prei Nokor để tiến hành thu thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho cư dân Việt phát triển.
Năm 1653, chúa Nguyễn Phúc Tần tiến chiếm vùng Khánh Hòa của Chiêm Thành. Lấy sông Phan Rang làm ranh giới. Vùng phía Đông sông đến địa đầu Phú Yên (vùng Kauthara) đặt dinh Thái Khang. Phần phía Tây sông (vùng Panduranga) vẫn thuộc về Chăm Pa.
Năm 1693, thời chúa Nguyễn Phúc Chu, tướng Nguyễn Hữu Cảnh tiến chiếm và chính thức sáp nhập phần còn lại của vương quốc Chiêm Thành lập trấn Thuận Thành; là Bình Thuận, Ninh Thuận ngày nay, tuy nhiên chính quyền Đàng Trong vẫn dành cho người Chăm chế độ tự trị ở đây cho đến năm 1832.
Năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh lấy đất Nông Nại đặt làm phủ Gia Định, lập đất Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng nên dinh Trấn Biên (lỵ sở nay là thôn Phước Lư), lập xứ Sài Côn làm huyện Tân Bình, lập dinh Phiên Trấn (quận sở nay gần Tân Đồn). Chính thức đưa khu vực các tỉnh miền Đông Nam Bộ của Chân Lạp vào lãnh thổ Đàng Trong.
Năm 1708, Mạc Cửu (thương nhân người Hoa) người khai phá vùng đất Hà Tiên, Kiên Giang (của Chân Lạp) xin nội thuộc chúa Nguyễn, chúa Nguyễn phong chức Tổng binh cai quản.
Từ năm 1736-1739, Mạc Thiên Tứ (con Mạc Cửu) khai phá thêm vùng đất Cà Mau, Bạc Liêu, Cần Thơ (của Chân Lạp) đưa vào lãnh thổ Đàng Trong.
Năm 1732, chúa Nguyễn Phúc Chú nhận đất dâng từ vua Chân Lạp là Satha (Nặc Tha), hai vùng đất là Peam Mesar (Mỹ Tho) và Longhôr (Vĩnh Long).
Năm 1756, vua Chân Lạp là Nặc Nguyên (Ang Tong) sau khi bị chúa Nguyễn Phúc Khoát đánh bại đã dâng vùng đất Tân An, Gò Công để cầu hòa.
Năm 1757, vua Nặc Nguyên chết, chú là Nặc Nhuận dâng 2 xứ Preah Trapeang và Basac (vùng đất Trà Vinh và Sóc Trăng) để được chúa Nguyễn Phúc Khoát phong làm vua Chân Lạp. Sau khi Nặc Nhuận chết, chúa Nguyễn Phúc Khoát đã hỗ trợ Nặc Tôn (Outey II) lên ngôi và bảo vệ trước sự tấn công của Xiêm La, vua Nặc Tôn đã dâng vùng đất ngày nay là Châu Đốc, Sa Đéc cho chúa Nguyễn.
Riêng Mạc Thiên Tứ được Nặc Tôn dâng năm phủ Hương Úc, Cần Bột, Trực Sâm, Sài Mạt và Lình Quỳnh để đền ơn giúp đỡ. Mạc Thiên Tứ đem hết đất ấy dâng cho Chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn cho sảt nhập vào Hà Tiên trấn, giao cho họ Mạc cai quản.
Cùng với việc mở rộng lãnh thổ trên đất liền, chính quyền Đàng Trong lần lượt đưa người ra khai thác và kiểm soát các hòn đảo lớn và quần đảo trên biển Đông và vịnh Thái Lan. Quần đảo Hoàng Sa được khai thác và kiểm soát từ đầu thế kỷ 17, Côn Đảo từ năm 1704, Phú Quốc từ năm 1708 và quần đảo Trường Sa từ năm 1711.
Năm 1816, vua Gia Long chính thức cho cắm cờ, xác lập chủ quyền, giao đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải thay mặt quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trước đó khoảng 200 năm các chúa Nguyễn cũng đã lập đội Hoàng Sa hằng năm đi ra các đảo tìm kiếm sản vật
Năm 1830, vua Minh Mạng sáp nhập vùng Tây Nguyên vào lãnh thổ Việt Nam, tuy nhiên các bộ tộc người Thượng vẫn được quyền tự trị của mình cho tới năm 1898 khi người Pháp trực tiếp tổ chức cai trị ở đây.
Thời Pháp đô hộ
Hòa ước Nhâm Tuất (1862) buộc triều đình nhà Nguyễn nhượng 3 tỉnh Nam Kỳ là Biên Hòa, Gia Định, Mỹ Tho cho Pháp. Tiếp sau đó tỉnh Hà Tiên, An Giang, Vĩnh Long cũng bị sát nhập nốt vào lãnh thổ bảo hộ của Pháp.
Năm 1870, Pháp ký với Campuchia hiệp định phân định biên giới.
Năm 1873, Pháp tiếp tục ký với Campuchia 1 bản thỏa thuận. Thiết lập ranh giới giữa Hà Tiên và dòng Tonle Tru.
Năm 1874, Pháp ký với triều đình Huế Hòa ước Giáp Tuất (1874) công nhận sự thống trị của Pháp với toàn Nam Kỳ.
Năm 1893, hiệp ước Pháp-Xiêm (1893) theo đó nhượng toàn bộ vùng lãnh thổ phía Đông sông Mê Kông cho Pháp, gạt bỏ lực lượng quân sự và những ảnh hưởng của Xiêm tại vùng cao nguyên thượng sông Sêrêpôk. Vùng đất nhượng lại này bao gồm cả tỉnh Stung Treng, năm 1899 địa khu Đăk Lăk được thành lập từ Stung Treng. Năm 1904, Đăk Lăk được sáp nhập vào Việt Nam.
Năm 1899, phần lớn tỉnh Stung Treng chuyển giao lại cho Campuchia từ Lào. Phần lãnh thổ bên phải sông Đăk Đăm (prek Dak Dam) chuyển về cho Việt Nam.
Năm 1939, Toàn quyền Pháp Jules Brévié đã thông qua đường Brévié phân chia quản lý hành chính tại vịnh Thái Lan, trong khi vẫn bảo lưu nguyên trạng về chủ quyền lãnh thổ các bên.
Thực dân Pháp thành lập Liên bang Đông Dương bao gồm:
Lào (Laos).
Cao Miên (Cambodge).
Bắc kỳ (Tonkin), từ Ninh Bình trở ra.
Trung kỳ (Annam), từ Thanh Hóa vào tới Bình Thuận.
Nam kỳ (Cochinchine), từ Đồng Nai tới Cà Mau.
Hình 9. Mũi Bạch Long (Paklung) và khu vực phía bắc sông Bắc Luân trên bản đồ 1888 bị cắt nhường cho nhà Thanh năm 1887.
Người Pháp đã có những tranh chấp với nhà Thanh (Trung Quốc) ở phía bắc về lãnh thổ. Tới năm 1895, từ công ước Pháp - Thanh 1895 đã đưa về phần lớn vùng đất Lai Châu, Điện Biên và một phần Lào Cai ngày nay thuộc về xứ Bắc Kỳ còn một phần đất ở bắc sông Bắc Luân thuộc về nhà Thanh. Sầm Châu (Huaphanh) và Xiêng Khoảng bị cắt cho Lào.
Tại Nam Kỳ theo Thống đốc Marie Jules Dupré ghi nhận năm 1874 cũng bao gồm một số hải đảo trong Vịnh Xiêm La phụ thuộc Hà Tiên mà sau đó Toàn quyền Đông Dương Joseph Jules Brévié ra nghị quyết năm 1939 ấn định lằn ranh Brévié trao cho Cam Bốt quản lý vì lý do địa lý, nhưng không có nghĩa là Nam Kỳ khước bỏ chủ quyền. Những đảo này là:
Hòn Dừa (tiếng Pháp: Ile de la Baie),
Hòn Năng Trong (Ile du Milieu),
Hòn Năng Ngoài (Ile à l'Eau),
Hòn Tre Nấm (Archipel des Pirates Nord),
Hòn Tai (Ile du Pic),
Hòn Kiến Vàng (Ile des Fourmis), và
Hòn Keo Ngựa (Ile du Cheval).
Chiến tranh Việt Nam
Từ 1954 đến 1975, Việt Nam tạm thời bị chia thành 2 vùng tập kết quân sự với giới tuyến tạm thời tại vĩ tuyến 17:
Miền Bắc là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Miền Nam là Việt Nam Cộng hòa và Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Việt Nam Cộng hòa tiếp tục tuyên bố chủ quyền với những hòn đảo trong Vịnh Xiêm La như:
Hòn Dừa (tiếng Pháp: Ile de la Baie), bị Cam Bốt chiếm năm 1938
Hòn Năng Trong (Ile du Milieu), chiếm năm 1956.
Hòn Năng Ngoài (Ile à l'Eau), chiếm năm 1956.
Hòn Tre Nấm (Archipel des Pirates Nord), chiếm năm 1958.
Hòn Tai (Ile du Pic), chiếm năm 1958.
Hòn Kiến Vàng (Ile des Fourmis), chiếm năm 1960.
Hòn Keo Ngựa (Ile du Cheval), chiếm năm 1960.
Việt Nam Cộng hòa cũng tiếp thu quần đảo Hoàng Sa (nhóm Trăng Khuyết), bị Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chiếm năm 1974; và Quần đảo Trường Sa.
Lãnh thổ không còn kiểm soát
Vùng đất mất về Trung Hoa
Hình 10. Biên giới Việt Nam-Trung Quốc vào đầu nhà Thanh Trung Quốc (khoảng 1650), trong đó đoạn phía tây là biên giới giữa xứ Hưng Hóa Đại Việt với tỉnh Vân Nam Đại Thanh (khu vực Việt Nam mất nhiều đất cho Trung Quốc), so với biên giới Việt Nam - Trung Quốc ngày nay.
Hình 11. Đất Tụ Long mất năm 1887 và 1895.
Vùng đất xưa thuộc Cao Bằng
Thời Lý mấy châu Quảng Nguyên, Vật Dương, và Vật Ác bị nhà Tống chiếm đoạt. Sau triều đình lấy lại được Quảng Nguyên (với mỏ bạc Tụ Long) nhưng Vật Dương và Vật Ác mất hẳn.
Vùng đất xưa thuộc Hà Giang
Đất Tụ Long đến thời nhà Nguyễn mạt thuộc trấn Tuyên Quang. Theo Công ước Pháp - Thanh 1887 thì Pháp nhường 3/4 đất tổng Tụ Long gồm cả các xã Tụ Long, Bình Di và một phần xã Phấn Vũ thuộc tỉnh Hà Giang, Bắc Kỳ cho tỉnh Vân Nam thuộc nhà Thanh với diện tích khoảng 750 km2.
Vùng đất xưa thuộc Quảng Yên
Hình 12. Biên giới Việt - Hoa năm 1879 đặt ở sông Dương Hà, tức An Nam Giang.
Thời nhà Mạc, Mạc Đăng Dung nộp 6 động của châu Vĩnh An, trấn Yên Bang cho nhà Minh.
Năm 1887 người Pháp nhân danh nước Bảo hộ triều đình Huế ký Hiệp ước Pháp - Thanh nhường thêm một dải đất duyên hải cho nhà Thanh. Sông Dương Hà (sông An Nam Giang) trước kia là đường biên giới nay lùi biên giới xuống phía nam, lấy cửa sông Bắc Luân ở Hải Ninh (Móng Cái) làm địa giới.
Vùng đất thuộc và giáp với Điện Biên, Lai Châu ngày nay
Đời Cảnh Hưng nhà Hậu Lê, các châu Tung Lăng, Lễ Tuyền, Hoàng Nham, Hợp Phì, Tuy Phụ, và Khiêm của phủ An Tây, trấn Hưng Hóa bị mất về tay nhà Thanh, nhập vào tỉnh Vân Nam.
Theo Lê Quý Đôn: Châu Tuy Phụ thổ âm gọi là Mường Tè có 2 động là: Nậm Mạ và Nậm Lân. Châu Hoàng Nham thổ âm gọi là Mường Tông (Mường Toong), có 2 động là: Ngà và Mỏ Sạch. Động Ngà có mỏ Vàng còn Mỏ Sạch là đất mỏ sắt. Châu Tung Lăng thổ âm gọi là Phù Phang, có 3 động là: Cống Võng, Nậm Cảm và Suối Vàng. Châu Khiêm thổ âm gọi là Mường Tinh (Nay không rõ ở đâu, nhưng có thể là Mường Teun (khoảng Lão Tập Trại huyện Kim Bình tỉnh Vân Nam. Cũng có thể là M.Boum (nay khoảng xã Bum Nưa, Bum Tở huyện Mường Tè nằm giữa xã Mường Toong (Hoàng Nham xưa) và thị xã Mường Lay (Mường Lễ xưa), theo đoạn viết về sông Đà bên dưới). Châu Lễ Tuyền thổ âm gọi là Mường Bẩm (có thể là mường Boum (M.Boum), nhưng cũng có thể là địa danh M.Léo (gần Ki Ma Pa trong bản đồ Bắc Kỳ năm 1902 mà nay là khoảng hương Bán Pha huyện Lục Xuân châu Hồng Hà tỉnh Vân Nam Trung Quốc). Châu Hợp Phì thổ âm gọi là Mường Mày (có thể là Mường Mì hay Xiềng My, nay là hương Giả Mễ, Zhe-mi-xiang) huyện Kim Bình châu Hồng Hà tỉnh Vân Nam). Châu Quảng Lăng, (khác với Tung Lăng), thổ âm gọi là Mường La (nay là hương Mường Lạp, Meng-la-xiāng huyện Kim Bình châu Hồng Hà tỉnh Vân Nam Trung Quốc), có 3 phố người Hoa là: Hồ Quảng, Quảng Tây và Khai Hóa, nằm bên dưới 6 châu kể trên và bên trên châu Chiêu Tấn. (Quan niệm trên dưới của Lê Quý Đôn có lẽ là theo hướng đường bộ đi từ Mường Thu (Chiêu Tấn) qua Quảng Lăng mới đến 6 châu kể trên.) Cả 7 châu này đến thời Lê Quý Đôn đều mất về Trung Quốc. Riêng về châu Quảng Lăng, Lê Quý Đôn viết: "Châu Quảng Lăng thổ âm là Mường La, bên trái sông Kim Tử (Trung Quốc) và ở phía trên châu Chiêu Tấn, đi từ Mường Thu phải 2 ngày, từ Văn Bàn phải 6 ngày, từ Kinh ra đi phải 26 ngày. Trước châu này bị viên huyện Kiến Thủy (Trung Quốc) chiếm riêng, đến nay (năm Đinh Dậu niên hiệu Cảnh Hưng) đã 93 năm, ..."
Mặt khác, Lê Quý Đôn viết về sông Đà như sau:"... Sông Đà ở về bên trái sông Mã, phát nguyên từ châu Ninh Viễn tỉnh Vân Nam Trung Quốc, chảy đến bên phải chỗ ngã ba thuộc huyện Kiến Thủy, ... (Đoạn này Quý Đôn nói về sông Mê Kông và nhầm 2 sông thông với nhau) ..., về đường chính có một chi chảy xuống làm thành sông Hắc Thủy, chảy qua Tuy Phụ (Mường Tè), Hoàng Nham (Mường Tông), Khiêm Châu đến Mường Lễ thuộc Lai Châu nước ta. Về bên trái là sông Na, từ sông Kim Tử (Kim Thủy Hà châu Quảng Lăng, Meng La chảy đến hội tụ, đấy là sông Đà, nước sông trong suốt, chảy xuống các động Phù Tây, Hảo Tế thuộc châu Quỳnh Nhai, ..."
Theo Phạm Thận Duật: Châu Lai (Lai (châu) tiếp giáp châu Quỳnh Nhai và châu Luân ở phía Đông, phía Nam giáp châu Ninh Biên và nước Ai Lao, phía Tây giáp huyện Kiến Thủy phủ Lâm An tỉnh Vân Nam Trung Quốc thời nhà Thanh và sông Cửu Long (theo Hưng Hóa kỷ lược), phía Bắc giáp châu Quảng Lăng của Trung Quốc và sông Kim Tử thuộc châu Chiêu Tấn. (Sông Kim Tử là Kim Thủy Hà nay thuộc Vân Nam Trung Quốc. Sông Cửu Long ở đây có lẽ là sông Nam Ou chi lưu của Mekong ở bắc Lào.)
Hình 13. Các địa danh vùng biên giới tây bắc giữa tỉnh Hưng Hóa (Việt Nam) với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) vào đầu thế kỷ 20, được cho là 7 châu (trừ Chiêu Tấn) Việt Nam mất về Trung Quốc: Mường La-Quảng Lăng, Mường Tè-Tuy Phụ, Mường Tong-Hoàng Nham, Phong Thổ-Chiêu Tấn, Mường Boum hoặc M.Léo-Lễ Tuyền, Tché My (Xiềng My)-Hợp Phì, Khiêm Châu - Mường Tinh (M.Tía), Tung Lăng - Phù Phang (Pou Fang gần Mường Nhé (M.Nhié)) hoặc Quảng Lăng (Ta Leng Po).
Khoảng 03 châu hạ lưu sông Đà kể từ châu Tuy Phụ trở xuống là: Tuy Phụ (tức Mường Tè), Hoàng Nham (tức Mường Tông, Mường Nhé) và có thể là Khiềm Châu, đến Công ước Pháp-Thanh năm 1895 thời Pháp thuộc, người Pháp đã thương lượng lấy lại được về thuộc Bắc Kỳ, nhưng đổi lại cắt thêm các vùng đất còn lại của Tụ Long tỉnh Hà Giang cho nhà Thanh.
Vùng đất mất về Lào
Hình 14. Các Trấn của Việt Nam nay thuộc lãnh thổ Lào.
Vùng đất xưa thuộc Thanh Hóa
Đời nhà Nguyễn huyện Sầm Nưa, phủ Trấn Biên, Thanh Hóa thuộc Việt Nam năm 1827, sau bị nhập vào nước Lào.
Vùng đất xưa thuộc Nghệ An
Trấn Ninh bị mất một phần về tay Xiêm La sau cuộc chiến Việt Xiêm (1833-1834). Năm 1893, lúc này Pháp đã thành lập liên bang Đông Dương, đã dựa theo địa hình và cắt tỉnh Huaphanh (Hủa Phăn), Xiêng Khoảng giao về lãnh thổ Lào (Ai Lao).
Ba huyện Cam Môn, Cam Cát, và Cam Linh, phủ Trấn Định, Nghệ An, thuộc Việt Nam năm 1827, mất về tay người Lào năm 1840.
Phủ Trấn Ninh gồm bảy huyện Khám Liên, Quảng, Khang, Cát, Xuy, Mộc, và Liêm cũng nhập vào nước Lào, nay là Xiêng Khoảng của Lào.
Phủ Lạc Biên, nội thuộc Việt Nam năm 1828 sau tách theo Lào, nay là Savannakhet.
Vùng đất xưa thuộc Quảng Trị
Tám châu Mang Vanh, Na Bôn, Thượng Kế, Tá Bang, Xương Thịnh, Tầm Bồn, Ba Lan, Mang Bổng, và Làng Thìn thuộc Việt Nam năm 1827, sau tách nhập về Lào.
Vùng đất mất về Campuchia
Trấn Tây Thành
Hình 15. Vùng đất Cao Miên do Đại Nam bảo hộ (tô màu hồng). Phần gạch sọc là phần đất lập trấn Tây Thành.
Trấn Tây Thành là một Trấn của nước Đại Nam nhà Nguyễn giai đoạn 1835 đến 1841. Đây là vùng lãnh thổ thuộc Đông Nam Campuchia ngày nay.
Vùng đất xưa thuộc Hà Tiên
Năm phủ Vũng Thơm, Cần Bọt, Chân Sum, Sài Mạt, và Linh Quỳnh đến triều Tự Đức thì quan quân nhà Nguyễn rút bỏ, trả về Campuchia.
Đối với những hải đảo trong Vịnh Xiêm La như Hòn Dừa, bị Cam Bốt chiếm năm 1938; Hòn Năng Trong, chiếm năm 1956; Hòn Năng Ngoài, chiếm năm 1956; Hòn Tre Nấm, chiếm năm 1958; Hòn Tai, chiếm năm 1958; Hòn Kiến Vàng, chiếm năm 1960; Hòn Keo Ngựa, chiếm năm 1960 thì Việt Nam Cộng hòa vẫn không thay đổi lập trường chủ quyền với những đảo trên. Trong khi đó Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chấp nhận những yêu sách trên của Cam Bốt năm 1967 công nhận sự chiếm đóng.
Năm 1966 Campuchia lại đòi chủ quyền với Hòn Trọc nhưng Hải quân Việt Nam Cộng hòa vẫn kiểm soát đảo này cho đến năm 1975. Ngày 17 tháng 4 năm 1975, Khmer Đỏ tấn công và chiếm được đảo Hòn Trọc. Ngày 04 tháng 06 năm 1975, Hải quân nhân dân Việt Nam xuất phát từ bờ để tấn công chiếm lại Hòn Trọc. Cuộc giao tranh giữa Hải quân nhân dân Việt Nam và quân Khmer Đỏ diễn ra từ ngày 05. Tới ngày 13 tháng 06 năm 1975, Hải quân Nhân dân Việt Nam hoàn toàn làm chủ đảo Hòn Trọc.
Năm 1976 Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam chính thức nhường Hòn Trọc cho Campuchia.
Việt Nam ngày nay
Hình 16. Lãnh thổ Việt Nam ngày nay có hình chữ S chạy dài theo hướng Đông Nam của bán đảo Đông Dương, từ Hà Giang tới Cà Mau.
Diện tích khoảng 331.690 km²
Khoảng cách từ bắc tới nam là khoảng 1.650 km
Đường bờ biển dài 3.260 km
Lãnh hải rộng lớn (Việt Nam tuyên bố 12 hải lý ranh giới lãnh hải, thêm 12 hải lý tiếp giáp nữa theo thông lệ và vùng an ninh, và 200 hải lý làm vùng đặc quyền kinh tế). Hai quần đảo lớn là Trường Sa, Hoàng Sa. Đảo lớn nhất là Phú Quốc và rất nhiều các hòn đảo nhỏ khác.
Quần đảo Hoàng Sa
Việt Nam tuyên bố chủ quyền đối với Quần đảo Hoàng Sa, hiện tại đang bị Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chiếm đóng từ sau Hải chiến Hoàng Sa, 1974.
Quần đảo Trường Sa
Hiện tại Quần đảo Trường Sa đang bị nhiều quốc gia trong khu vực tranh chấp do có tiềm năng lớn về dầu khí và nguồn cá dồi dào. Việt Nam là quốc gia nắm giữ nhiều đảo nhất. Các quốc gia đang tranh chấp chủ quyền gồm: Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Malaysia, Brunei.
Chỉ dẫn
^ Tại phần phía đông xã Xa Dung huyện Điện Biên Đông có vùng gọi là Mường Tinh, là một thung lũng gần với xã Mường Bám của huyện Thuận Châu, Sơn La.
Chú thích
^ a ă Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lương Ninh, sách đã dẫn, tr 158
^ Vùng đất Mô Xoài bao gồm phần lớn đất đai của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ngày nay.
^ Nay là khu vực cột cờ Thủ Ngữ, quận 1, tp. HCM. Nằm bên bờ sông Bến Nghé
^ Nay là vùng Chợ Lớn. Nằm bên bờ rạch Bến Nghé (hay kênh Tàu Hủ, gọi là rạch Sài Gòn - khu Chợ Lớn từ năm 1859).
^ Đại Nam thực lục, Quốc sử quán triều Nguyễn
^ "International Boundary Study"
^ a ă Trương Đình Bạch Hồng. Tr 68-69
^ "Biên giới Việt Nam và Trung Quốc qua các triều đại quân chủ Việt Nam"
^ Vấn đề biên giới tiếp giáp giữa Tây Bắc Việt Nam và Trung Quốc, Phạm Văn Lực, Biên phòng Việt Nam, ngày 06 tháng 8 năm 2015.
^ Động Tê Phù, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát, An Lương, La Phù
^ Đào Duy Anh. Tr 183
^ Đào Duy Anh. Tr 188-90
^ Vấn đề biên giới tiếp giáp giữa Tây Bắc Việt Nam và Trung Quốc, Phạm Văn Lực, báo Biên phòng Việt Nam, 06 Tháng 8 năm 2015.
^ Kiến văn tiểu lục, Lê Quý Đôn, trang 312-313.
^ Kiến văn tiểu lục, Lê Quý Đôn, trang 297-298.
^ Phạm Thận Duật toàn tập, Hưng Hóa kỷ lược, cương vực, trang 147.
^ Đào Duy Anh. Tr 193
^ Đào Duy Anh. Tr 196
^ Đào Duy Anh. Tr 196-7
^ Đào Duy Anh. Tr 199
^ Đào Duy Anh. Tr 238
^ Bộ Tư lệnh hải quân. Lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam (1955-2005). Nhà xuất bản Quân đội nhân dân. Hà Nội. 2005. trang 322.
^ https://tvnews.vanderbilt.edu/broadcasts/240473
^ "Lịch sử vùng biển Việt Nam - Campuchia"
Đào Duy Anh. Đất nước Việt Nam qua các đời. Huế: nxb Thuận Hóa, 1996.
Trương Đình Bạch Hồng. Quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam Cộng hòa và Cambodge trong giai đoạn 1954-1970. Charleston, SC: Hồng Trương Books, 2014.
(*):Truyền thuyết Kinh Dương vương
- Kinh Dương vương là một nhân vật truyền thuyết, ông nội Hùng Vương thứ nhất, thuộc dòng dõi Vua Thần Nông vốn được suy tôn làm thủy tổ của người Bách Việt. Dã sử chép Kinh Dương vương tên húy là Lộc Tục, là người hình thành nhà nước sơ khai đầu tiên vào năm Nhâm Tuất (khoảng 2879 Tr.CN), đặt quốc hiệu là Xích Quỷ, Lãnh thổ của quốc gia dưới thời Kinh Dương vương rộng lớn, phía bắc tới sông Dương Tử (cả vùng hồ Động Đình), phía nam tới nước Hồ Tôn (Chiêm Thành), phía đông là Đông Hải (một phần của Thái Bình Dương), phía tây là Ba Thục (Tứ Xuyên, Trung Hoa ngày nay). Kinh Dương vương truyền ngôi cho con là Lạc Long Quân.
Kinh Dương vương có thể là danh hiệu đời sau truy tặng cho một tù trưởng bộ lạc đã góp công vào việc thống nhất tộc người Lạc Việt, có thể là tù trưởng bộ lạc Văn Lang trước Hùng Vương. Sự nghiệp của ông được tiếp nối bởi Lạc Long Quân và Hùng Vương đời thứ nhất. Niên đại của Kinh Dương vương là trước thế kỷ 7 TCN bởi theo các bằng chứng khảo cổ học thì nhà nước đầu tiên Văn Lang được thành lập vào thế kỷ VII TCN.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, một quyển sách theo quan điểm Nho giáo thì Kinh Dương vương có nguồn gốc từ phương Bắc: Nguyên Đế Minh là cháu bốn đời của vua Thần Nông, đi tuần thú phương Nam đến núi Ngũ Lĩnh (Hồ Nam, Trung Quốc) đóng lại đó rồi cưới Vụ tiên nữ, sau đó sinh được một người con trai tư chất thông minh đặt tên Lộc Tục.
Sau Đế Minh truyền ngôi cho con trưởng là Đế Nghi, làm vua phương Bắc và phong cho Lộc Tục làm vua phương Nam xưng là Kinh Dương vương. Theo Đại Việt Sử ký toàn thư thì Kinh Dương vương làm vua và cai trị từ khoảng năm 2879 TCN trở đi. Địa bàn của quốc gia dưới thời vua Kinh Dương rộng lớn, phía bắc tới sông Dương Tử (cả vùng hồ Động Đình), phía nam tới nước Hồ Tôn (Chiêm Thành), phía đông là Đông Hải (một phần của Thái Bình Dương), phía tây là Ba Thục (Tứ Xuyên, Trung Quốc ngày nay). Lĩnh Nam chích quái ghi lại truyền thuyết vua đánh đuổi thần Xương Cuồng dũng mãnh, trừ hại cho dân.
Ông lấy con gái vua hồ Động Đình tên là Thần Long, sinh được một con trai đặt tên là Sùng Lãm, nối ngôi làm vua xưng là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân sau lấy Âu Cơ - con gái của Đế Lai, sinh ra trăm con trai, 50 con lên rừng, 50 con xuống bể. Vị con trưởng được nối ngôi cha, phong là Hùng Vương. Sử gia Ngô Sĩ Liên thế kỷ XV bình luận đoạn này như sau: “Con cháu Thần Nông thị là Đế Minh lấy con gái Vụ Tiên mà sinh Kinh Dương Vương, tức là thủy tổ của Bách Việt. Vương lấy con gái Thần Long sinh ra Lạc Long Quân, Lạc Long Quân lấy con gái Đế Lai mà có phúc lành sinh trăm con trai. Đó chẳng phải là cái đã gây nên cơ nghiệp của nước Việt ta hay sao?”
Đến thế kỷ XVII, Kinh Dương Vương đã chính thức được văn hóa dân gian đưa vào thờ làm vị thủy tổ trong đền ở thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh (ngày nay). Năm 1840, đền cho dựng bia đá “Kinh Dương Vương lăng”. Năm 1940, đời vua Bảo Đại, đền làm thêm hai đại tự “Nam Tổ miếu” và “Thần truyền thánh kế“. Ngày nay, người trang Phúc Khang, bộ Vũ Ninh (Bắc Ninh ngày nay) hay tổ chức Lễ hội tưởng nhớ Kinh Dương vương vào ngày 18/1 âm lịch hằng năm.
Lăng Kinh Dương Vương bên bờ sông Đuống, ở thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, Thuận Thành, Bắc Ninh. Lăng và Đền thờ Kinh Dương vương ở Bắc Ninh từ lâu đã được các triều đại Phong kiến Việt Nam xếp vào loại miếu thờ các bậc Đế vương, mỗi lần Quốc lễ đều cho quân đến tế lễ, dân thờ phụng trang trọng.
Việc thờ cúng Kinh Dương Vương ở Việt Nam không phổ biến bằng tín ngưỡng thờ cúng Thần Nông, vị thần là cụ thủy tổ của Hùng Vương đồng thời là vị thần rất được sùng bái trong tín ngưỡng nông nghiệp ở Việt Nam; được các triều đại phong kiến lập Đàn Xã Tắc để tế lễ hàng năm.
- Từ nhân vật của truyện truyền kỳ Trung Hoa?
Kinh Dương Vương chưa chắc đã là nhân vật lịch sử có thật. Chứng cớ nào đề chúng tôi có thể đi đến nghi ngờ như vậy?
Chứng cứ nằm ngay trong Toàn thư, sau khi viết về lai lịch, cuộc đời của Kinh Dương Vương, Ngô Sĩ Liên đã viết: “Xét Đường kỷ chép: thời Kinh Dương có người đàn bà chăn dê, tự xưng là con gái út của Động Đình Quân, lấy con thứ của Kinh Xuyên, bị bỏ, viết thư nhờ Liễu Nghị tâu với Động Đình Quân. Thế thì Kinh Xuyên và Động Đình đời đời làm thông gia với nhau đã từ lâu rồi”.
Chúng ta còn thấy chuyện này được chép trong sách Lĩnh Nam chích quái của Trần Thế Pháp (thế kỷ XIV?), rồi sau đó lại được sao chép nguyên vẹn vào trong thần tích của Mẫu Thoải tại Tuyên Quang.
Cần nhắc lại ở đây ghi chép về nguồn Đường kỷ của Ngô Sĩ Liên là một gợi ý hữu ích cho những người nghiên cứu các đời sau. Từ gợi ý đó, một số học giả đã tìm ra cả chục văn bản văn học Trung Quốc chép câu chuyện này. Lần xa hơn nữa, các học giả đều thống nhất cho rằng, truyện Kinh Dương Vương có sự sao chép từ tiểu thuyết Liễu Nghị truyện do Lý Triều Uy sáng tác vào đời Đường. Truyện có thể tóm tắt như sau: Liễu Nghị là một nho sinh thi trượt, trên đường gặp một thiếu phụ chăn dê xinh đẹp nhưng dáng vẻ tiều tụy. Người phụ nữ ấy nói rằng mình là con gái của Long Vương ở hồ Động Đình, vốn lấy con trai thứ của Kinh Xuyên, nhưng bị bạc đãi, bắt đi chăn dê, nên muốn nhờ Liễu Nghị chuyển thư đến cho cha để báo tình cảnh của mình. Liễu Nghị đem thư xuống Long cung. Em trai Long Vương là Tiền Đường giận quá nên giết con trai của Kinh Xuyên, cứu cháu về, rồi định gả cho Liễu Nghị. Nghị từ chối, xin về, được Long vương ban cho nhiều vàng bạc châu báu. Sau Liễu Nghị lấy vợ, lần nào lấy xong vợ cũng chết. Con gái Long Vương thấy vậy bèn nhớ lại duyên cũ, muốn báo đáp bèn hóa làm người con gái xinh đẹp mà lấy Liễu Nghị làm chồng. Sau hai vợ chồng đều thành tiên.
Liễu Nghị truyện được coi là một truyện truyền kỳ sớm nhất của Trung Quốc. Từ cuối đời Đường, truyện đã được lưu hành rộng rãi trong dân gian. Đến thời Tống, truyện được Thượng Trọng Hiền chuyển thể sang kịch bản tạp kịch với tên “Động Đình hồ Liễu Nghị truyền thư”. Liễu Nghị trở thành tích truyện rất được ưa thích trong văn hóa diễn xướng của người Trung Quốc. Hàng loạt các tác phẩm nổi tiếng ra đời, như nhà Tống có “Liễu Nghị đại thánh nhạc”; nhà Kim có “Liễu Nghị truyền thư”; triều Nguyên có “Liễu Nghị Động Đình long nữ”; thời Minh Thanh có “Quất bồ ký”, “Long tiêu ký”, “Long cao ký”, “Thẩn trung lâu”, “Thừa long giai thoại”. Trong đó, cho đến nay, “Liễu Nghị truyền thư” (còn có tên “Thủy tinh cung”, “Liễu Nghị kỳ duyên”) vẫn được người Trung Quốc coi như là một kịch mục kinh điển của hý kịch Trung Hoa. Từ năm 1952, vở kịch đã nhiều lần được dàn dựng bởi các đạo diễn khác nhau, số lần trình diễn hiện chưa thể thống kê hết được. Không những thế, tích truyện này còn trở thành đề tài làm tranh khắc ván và thư họa truyền thống (thủy mặc). Ngày 17/7/2004, Bưu cục Quốc gia Trung Quốc đã phát hành bộ tem “Dân gian truyền thuyết - Liễu Nghị truyền thư”, gồm bốn con tem với bốn hoạt cảnh: “Long nữ gửi thư”, “Thư gửi Động Đình”, “Cốt nhục đoàn tụ”, và “Nghĩa trọng tình thâm”.
Những nhận định của sử gia đời sau
Đến đây có thể nhận định về nguồn gốc của các mô-típ, các nhân vật, cũng như địa danh trong truyện Kinh Dương Vương được chép trong Toàn thư. Ngô Sĩ Liên đã tình cờ đem một số chi tiết của truyện Liễu Nghị để ghép với các huyền thoại khác như Lạc Long Quân - Âu Cơ, và coi đó như nguồn gốc khởi đầu cho sự xuất hiện của Hùng Vương - triều đại mà người Việt ngày nay coi như lịch sử đích thực của mình.
Các nhà Nho Việt Nam trong nhiều thế kỷ hẳn phải biết đến một tác phẩm có ảnh hưởng lớn như truyện Liễu Nghị. Bằng chứng là nhà thơ nổi tiếng Thái Thuận (Tiến sĩ 1475) cũng đã sáng tác bài thơ “Liễu Nghị truyền thư”. Nhưng đó là chuyện của văn học.
Còn với tư cách người viết sử, không ít sử gia thời Trung Đại đã phản đối cách lắp ghép của Ngô Sĩ Liên. Đầu tiên, phải kể đến những nhận định của Ngô Thì Sĩ trong Đại Việt sử kí Tiền biên. Ông viết: “Nay xét phần Ngoại kỉ chép: Năm Nhâm Tuất thì bắt đầu Giáp Tí là năm nào? Ghi chép tên húy Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân sao riêng lược bỏ Hùng Vương? Thời Ngũ Đế trở về trước thì chưa từng gọi là vương. Xích Quỷ là tên nào, mà lại để làm tên nước. Một loạt hoang đường càn rỡ đều là đáng bỏ đi. Cái lỗi ấy lại tại kẻ hiếu sự thấy trong Liễu Nghị truyền thư. Trong truyện nói con gái vua Động Đình gả cho con thứ của Kinh Xuyên Vương, tưởng càn Kinh Xuyên là Kinh Dương. Đã có vợ chồng thì có cha con, vua tôi, nhân đó mà thêu dệt thành văn, cốt cho đủ số đời vua, nhà làm sử theo đó mà chọn dùng, và cho đó là sự thực. Phàm những chuyện lấy từ Lĩnh Nam chích quái, Việt điện u linh, cũng như Bắc sử lấy ở Kinh Nam Hoa và thiên Hồng Liệt đấy.”
Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (1856 - 1883) viết: “Vâng tra sử cũ, danh xưng Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân trong ‘Kỉ họ Hồng Bàng, vốn từ thời Thượng cổ, thuộc thuở hồng hoang, tác giả căn cứ vào cái không và làm ra có, sợ rằng không đủ độ tin cậy, lại phụ hội với Liễu Nghị truyện của nhà viết tiểu thuyết đời Đường, lấy đó làm chứng cứ”. Chuẩn tâu những lời của sử quan, vua Tự Đức đã nhận định đây là những “câu truyện đề cập đến ma trâu, thần rắn, hoang đường không có chuẩn tắc” và kiên quyết loại Kinh Dương và Lạc Long ra khỏi chính sử bằng cách đưa xuống phụ chú dưới niên kỷ Hùng Vương, để “cho hợp với cái nghĩa lấy nghi truyền nghi”.
Qua những trình bày ở trên, độc giả đã phần nào mường tượng ra con đường thu nhận biến đổi tích truyện từ truyện Liễu Nghị đến truyện Kinh Dương. Đây sẽ là những tư liệu thú vị để nghiên cứu về tiếp xúc văn học văn hóa giữa Việt Nam và Trung Hoa. Đồng thời cũng là “mẫu sử liệu” thú vị cho giới nghiên cứu khám nghiệm và giám định.
Đến đây, chúng tôi xin mượn lời của giáo sư Liam Christopher Kelley (Đại học Hawaii) để kết thúc bài viết này: Trải qua nhiều thế kỷ, những truyền thống mà họ [các sử gia] sáng tạo đã trở thành cái tự nhiên thứ hai (second nature). Thực tế, trong nửa thế kỷ qua, dưới ảnh hưởng của chủ nghĩa dân tộc, những truyền thống được sáng tạo ấy (invented traditions) đã và đang trở thành những sự thực không thể thay đổi.
- Huyền thoại Âu Cơ sinh trăm con trai, bắt nguồn từ một sự thật là vùng đất sinh ra người con gái xinh đẹp hiền hòa làm vợ Lạc Long Quân thuộc địa phận quận Ích Dương thời xưa có nhánh sông Âu Giang, nơi sinh sản giống chim Âu, có hàng đàn chim Âu bay lượn trên trời. Nhân dân lấy tên chim Âu đặt tên cho nàng.
Chim Âu đẻ trứng. Người đời sau lấy việc đẻ trứng của chim Âu làm hình ảnh triết học để tả vị quốc mẫu Âu Cơ đã sinh ra các thế hệ “trăm họ” về sau mang tên “Bách Việt”. Cứ theo truyền thuyết trên thì vua Hùng đầu tiên là cháu nội của Kinh Dương Vương. (theo các tác giả Lê Quang Châu, Hoàng Tuấn, Nguyễn Thế Bình).
Nguồn:
https://vi.wikipedia.org/wiki/Kinh_D%C6%B0%C6%A1ng_V%C6%B0%C6%A1ng
http://tiasang.com.vn/-van-hoa/kinh-duong-vuong-ong-la-ai-6723
http://hoduongvietnam.com.vn/di-tim-mo-to-kinh-duong-vuong-p1337