Viêm xoang trên hình ảnh X-quang

Cập nhật: 09/08/2015 Lượt xem: 71720

Only in my Website Hà Hoàng Kiệm, Hospital 103

Viêm xoang trên hình ảnh X-quang

  1. Đại cương

                   

- Khái niệm xoang: Xoang là các hốc xương có kích thước khác nhau trong các xương của mặt và hộp xọ. Các xoang đều có lỗ thông với khoang mũi, niêm mạc lót trong các xoang liên tục với niêm mạc hốc mũi.

+ Xoang hàm là hốc nằm trong xương gò má.

+ Xoang trán là các hốc nằm trong xương trán.

+ Xoang chũm là các hốc như tổ ong nằm trong xương chũm.

+ Xoang sàng có xoang sàng trước và xương sàng sau nằm trong xương sàng.

+ Xoang bướm nằm trong xương bướm.

- Chức năng sinh lý của xoang:

+ Là hộp cộng hưởng âm thanh.

+ Làm giảm trọng lượng của hộp sọ.

+ Làm ấm và ẩm không khí thở.

+ Cung cấp oxy nuôi dưỡng hệ thống xương.

- Viêm mũi xoang: là viêm các niêm mạc nằm trong hốc xoang. Tuy nhiên vì các xoang đều có đường thông với mũi nên viêm xoang thường xảy ra sau viêm mũi họng do vi khuấn xâm từ mũi họng vào xoang, ngược lại khi viêm xoang dịch mủ và vi khuẩn chảy từ xoang xuống mũi họng lại gây viêm mũi họng nên ngày nay người ta dùng khái niệm viêm mũi xoang.

2. Các tư thế chụp xoang

2.1. Tư thế Blondeau (mũi - cằm - phim): Xoang hàm, xoang trán và hốc mũi.

- Bệnh nhân: nằm sấp, miệng há tối đa, mũi và cằm chạm phim. Tia đi từ sau ra trước.

- Phim phải cân đối 2 bên phải và trái. Hai bờ trên của xương đá phải đưa sát xuống nền của 2 xoang, làm cho xoang hàm không bị các xương đá che mờ. Vách ngăn mũi chiếu thẳng giữa 2 răng số 1 hàm trên.

- Bình thường: Hốc mũi có khoảng sáng của khe thở rõ. Các xoang hàm, trán sáng đều (so với ổ mắt), các thành xương đều rõ.

- Bệnh lý: Khe thở của hốc mũi bị mất, hẹp lại do khối u hay cuốn mũi quá phát. Các xoang hàm, trán bị mờ đều do niêm mạc phù nề, mờ đặc do mủ trong xoang, bờ dày, không đều do niêm mạc dày, thoái hoá. Thành xương có chỗ bị mất, không rõ: nghi u ác tính.

- Lưu ý: Khi nghi ngờ có dị vật trong xoang: cần chụp thêm tư thế sọ nghiêng để xác định vị trí cụ thể. Khi nghi ngờ có khối u, polype trong xoang hàm: cần bơm chất cản quang vào xoang để chụp phát hiện, làm rõ.

  

2.2. Tư thế Schuller (thái dương-nhĩ): Xoang chũm.

- Bệnh nhân: Nằm nghiêng theo kiểu chụp phim sọ nghiêng. Nguồn tia chính chếch 25- 30so với trục 2 tai, tức là tâm điểm của nguồn cách ống tai đối bên lên phía trên 7 cm và tia xuyên qua ống tai bên chụp. Vành tai bên chụp phải gập về phía trước để hình không trùm lên xương chũm.

- Ống tai ngoài và ống tai trong phải trùng khít lên nhau, ngang mức với khớp thái dương hàm. Vành tai gập về phía trước.

- Bình thường: thấy rõ các thông bào và vách ngăn của chúng.

- Bệnh lý:  Các thông bào mờ, các vách ngăn không rõ trong viêm xương chũm cấp tính. Các thông bào mờ, các vách ngăn mất trong viêm xương chũm mạn tính. Trên nền xương chũm mờ, có vùng sáng, xung quanh có bờ đậm nét, trong lởn vởn như mây nghĩ tới bệnh tích có cholesteatome trong viêm xương chũm mạn tính có cholesteatome.

Hình trái: tư thế chụp Schuller; Hình giữa: xoang chũm phải bình thường (mũi tên); hình phải: Viêm xoang chũm trái (mũi tên). 

2.3. Tư thế Hirtz (tư thế cằm-đỉnh phim): Xoang sàng trước, xoang sàng sau và xoang bướm.

- Bệnh nhân: nằm ngửa, đầu thả ra khỏi thành bàn, đỉnh đầu chạm phim, tia đi từ trên xuống dưới.

- Phim cân đối 2 bên phải và trái. Vách ngăn mũi chiếu thẳng giữa 2 răng số 1. Cung răng hàm trên và hàm dưới trùng với nhau thành một hình vòng cung. Hình chiếu hai xoang sàng trước và sau trên cùng một bình diện, mốc phân định là khe 2 răng hàm số 6 và 7.

- Bình thường: các xoang sàng trước và sau sáng đều, các vách ngăn của các tế bào sàng rõ.

- Bệnh lý: Các tế bào sàng mờ đều hay mờ đặc do có mủ, niêm mác dày, polyp trong xoang. Các vách ngăn sàng không rõ hay bị mất đi hoặc bị phá huỷ: nghi polyp mũi hoặc u ác tính.

      

1: Nhãn cầu; 2: Các xoang sàng; 3: Mỡ và các cơ ổ mắt; 4: Các xoang bướm; 5: Não; 6: Thần kinh thị giác (II); 7: Thành trpong ổ mắt; 8: Vách mũi; 9: Ổ mũi.

2.4. Tư thế Stenvers: Toàn bộ xương đá từ phần ngoài tới phần trong mỏm chũm của xương đá. Nghiên cứu các chấn thương sọ não gây vỡ xương đá theo đường ngang, viêm xương đá, các khối u ở góc cầu tiểu não (ví dụ hình ảnh gián tiếp của u dây thần kinh VIII).

- Bệnh nhân: nằm sấp, đầu tựa vào bàn theo bờ trên ổ mắt, xương gò má và mũi. Như vậy mặt phẳng dọc đứng của sọ tạo với đường thẳng đứng 450 cằm không chạm bàn. Trục tia chính theo hướng sau trước tập trung vào vùng chẩm đối bên. 

- Hai cạnh của ống bán khuyên đứng chồng nhau.

- Bình thường: Bộ phận tai trong, ốc tai, tiền đình, ống bán khuyên trên, ngoài nhìn thấy. Riêng ống bán khuyên sau không nhìn thấy. Thấy ống tai trong, mỏm xương đá.

- Bệnh lý: Vỡ xương đá: có đường rạn nứt xương. U dây thần kinh VIII: ống tai trong giãn ra.

Ngoài ra còn có các tư thế Meyer, Chausse III, được chỉ định trong những bệnh lý cụ thể.

3. Một số hình ảnh

 

 

Bất sản xoang hàm trái (hình trái), xoang trán (hình phải)

 

Viêm cấp xoang hàm hai bên, xoang mờ có mức dịch

Viêm xoang hàm mạn

  

Cholesteatoma tai phải (hình trái có chữ F), so sánh với xoang chũm bình thường bên tai trái (hình giữa có chữ T).

 

  

 


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bệnh thận - Tiết niệu

    Bệnh tim mạch

      Bệnh cơ-xương-khớp

        Bệnh nội tiết-chuyển hóa

          Bệnh tiêu hóa

            Bệnh phổi - phế quản

              Bệnh Thần kinh - Tâm thần

                Bệnh truyền nhiễm

                  Bệnh nhi khoa

                    Cận lâm sàng

                      Bệnh khác

                        Thuốc

                          Vật lý trị liệu

                            Phục hồi chức năng

                              Tư vấn và Chia sẻ thông tin

                                Sách đã xuất bản của Hà Hoàng Kiệm

                                  Bài báo khoa học

                                    SÁCH CỦA TÔI