Cách đọc phim MRI khớp vai

Cập nhật: 19/08/2022 Lượt xem: 8234

Cách đọc phim MRI khớp vai

PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm, BVQY 103, HVQY

1. Các mặt cắt cơ bản khi chụp MRI khớp vai

Khớp vai khi chụp MRI thường được cắt theo 3 mặt phẳng cơ bản:

               

Hình 1. Ba mặt cắt cơ bản của MRI khớp vai: Sagital- Oblique, Coronal-Oblique, Axial.

- Mặt cắt Sagital- Oblique: Mặt cắt theo chiều đứng trước sau (sagital) nhưng chếch (oblique). Mặt phẳng này nằm trên mặt phẳng của bờ ổ chảo khớp vai.

- Mặt cắt Coronal-Oblique: mặt cắt theo mặt phẳng trán (coronal) nhưng chếch (oblique). Mặt phẳng này cắt theo chiều đứng vuông góc với mặt phẳng sagital- oblique và cắt qua trục dọc cơ trên gai.

- Mặt cắt Axial: Mắt cắt nằm ngang vuông góc với trục xương cánh tay.

1.1. Mặt cắt Sagital - Oblique

Hình 2. Mặt cắt sagital-oblique qua bờ ổ chảo xương bả vai

Cắt song song với mặt cắt qua bờ ổ chảo xương bả vai, sử dụng xung T1w không fatsat (fatsat-FS: xóa mỡ).

(Ảnh T1w là ảnh giải phẫu, phân biệt các cấu trúc do đậm độ tín hiệu khác nhau. Không xóa mỡ để phân biệt cơ bị thoái hóa hay bình thường, nếu cơ bị thoái hóa sẽ tăng đậm độ do nhiễm mỡ).

Mặt cắt này cho phép khảo sát:

- Các cơ và gân cơ chóp xoay

- Bao khớp ổ chảo cánh tay

- Xương bả vai

- Chỏm xương và đầu trên xương cánh tay

1.2. Mặt cắt Coronal – Oblique

Hình 3. Mặt cắt coronal-oblique qua giữa trục cơ trên gai.

Cắt theo trục cơ trên gai, sử dụng xung T2w fatsat và PD fatsat, độ dày lát cắt 3-5mm, FOV 16 – 20cm.

(Ảnh T2w thì dịch tăng tín hiệu (có màu trắng), mỡ cũng có màu trắng. Để làm rõ tín hiệu dịch (phù) cần xóa mỡ (xung FS: Fatsat). Cách nhận biết ảnh có FS hay không FS thì xem lớp mỡ dưới da và tủy xương (tủy xương nhiều mỡ) nếu có màu trắng là không FS, nếu không có màu trắng là có FS).

Mặt cắt này cho phép khảo sát:

- Các gân cơ chóp xoay: gân cơ và cơ trên gai, gân cơ và cơ dưới gai, gân cơ và cơ dưới vai, gân cơ tròn bé.

- Khớp cùng đòn.

- Chỏm xương cánh tay

- Ổ chảo và sụn viền ổ chảo

- Bao hoạt dịch dưới mỏm cùng vai

- Bao khớp ổ chảo cánh tay, nếp gấp nách của bao khớp

- Gân dài cơ nhị đầu cánh tay theo chiều dọc gân

1.3. Mặt cắt Axial

Hình 4. Mặt cắt Axial ngang qua giữa chỏm xương cánh tay.

Cắt vuông góc với trục xương cánh tay, sử dụng xung T2w fatsat

Mặt cắt này cho phép khảo sát:

- Gân và bao gân dài cơ nhị đầu cánh tay (cắt ngang).

- Chỏm xương và đầu trên xương cánh tay

- Xương bả vai và ổ chảo xương bả.

- Sụn viền ổ chảo

- Bao khớp ổ chảo cánh tay

- Gân các cơ chóp xoay và các cơ chóp xoay

2. Giải phẫu MRI khớp vai

2.1. Mặt cắt Sagital – oblique

 

Hình 5. Hình trái: Mặt cắt sagital-oblique.

Hình phải: (1) đầu xa xương đòn, (2) mỏm cùng vai, (3) mỏm quạ, (4) ổ chảo, (5) cơ trên gai, (6) cơ dưới gai, (7) cơ tròn bé, (8) cơ dưới vai, (9) đầu ngắn gân cơ nhị đầu bám vào mỏm quạ.

  

Hình 6. Hình trái: Mặt cắt Sagital-oblique, cắt qua trục dọc xương cánh tay (1) đầu xa xương đòn, (2) mỏm cùng vai, (3) chỏm xương cánh tay, (4) cơ và gân cơ trên gai, (5) cơ dưới gai, (6) cơ tròn bé, (7) cơ và gân cơ dưới vai.

Hình phải: Mặt cắt Sagital-oblique, lát cắt qua xương bả vai.

Hình 7. Mặt cắt sagital-oblique qua giữa trục dọc xương cánh tay.

Hình 8. Mặt cắt sagital-oblique qua bờ ổ chảo xương bả vai.

Hình 9. Mặt cắt sagital-oblique qua thân xương bả vai.

2.2. Mặt cắt coronal – oblique

   

Hình 10. Hình trái: Mặt cắt Coronal-oblique

Hình phải: (1) ổ chảo, (2) mỏm cùng vai, (3) chỏm xương cánh tay, (4) cơ dưới vai, (5) cơ delta, (6) gân dài cơ nhị đầu, (7) cơ trên gai, (8) cơ thang, (9) gân cơ trên gai, (10) sụn viền trên.

 

Hình 11. Hình trái: (1) ổ chảo, (2) mỏm cùng vai, (3) chỏm xương cánh tay, (4) cơ dưới vai, (5) cơ delta, (6) gân dài cơ nhị đầu, (7) cơ trên gai, (8) cơ thang, (9) gân cơ trên gai, (10) sụn viền trên.

Hình phải: (1)ổ chảo, (2) mỏm cùng vai, (3) chỏm xương cánh tay, (4) cơ dưới gai, (5) cơ delta.

                  

Hình 12. Hình trái: (1) ổ chảo, (2) mỏm cùng vai, (3) chỏm xương cánh tay, (4) cơ dưới gai, (5) cơ delta.

Hình phải: Lát cắt dọc giữa gân cơ trên gai theo mặt phẳng coronal-oblique.

Hình 13. Mặt cắt Coronal-oblique tiếp tuyến với bờ trước chỏm xương cánh tay cho thấy gân cơ dưới vai có hình thang (mũi tên xanh).

Hình 14. Mặt cắt Coronal-oblique tiếp tuyến với bờ sau chỏm xương cánh tay cho thấy gân cơ dưới vai bám vào mấu động nhỏ (mũi tên xanh).

Hình 15. Hình trái A: Mặt phẳng coronal-oblique thấy đầu dài gân cơ nhị đầu đoạn trong khớp vai và cả đoạn dọc theo rãnh nhị đầu (mũi tên đen).

Hình phải B: Mặt phẳng Axial cắt ngang gân dài cơ nhị đầu đoạn trong khớp vai (mũi tên trắng). Chú ý tràn dịch khớp vai số lượng nhiều ở bệnh nhân gãy cổ phẫu thuật xương cánh tay.

2.3. Mặt cắt Axial

 

Hình 16. Hình trái: Mặt cắt Axial

Hình phải: (1) mỏm cùng vai, (2) đầu xa xương đòn, (3) cơ trên gai

 

Hình 17. Hình trái: (1) cơ trên gai, (2) cơ delta.

Hình Phải: (1) cơ dưới gai, (2) cơ delta, (3) chỏm xương cánh tay, (4) ổ chảo, (5) gân cơ trên gai, (6a,b) cơ và gân cơ dưới vai, (7a,b) sụn viền trước và sau, (8) cơ quạ cánh tay và đầu ngắn cơ nhị đầu.

 

Hình 18. Hình trái: (1) cơ dưới gai, (2) cơ tròn bé, (3) cơ delta, (4) chỏm xương cánh tay, (5) ổ chảo, (6) cơ dưới vai, (7a,b) sụn viền trước và sau, (8) gân cơ nhị đầu dài, (9) cơ quạ cánh tay và đầu ngắn cơ nhị đầu.

Hình phải: Lát cắt axial.

Hình 19. Lát cắt Axial, chuỗi xung PD fatsat thấy rõ sụn viền ổ chảo. Có dịch trong khớp ổ chảo cánh tay làm rõ thêm sụn viền, có ít dịch trong bao gân dài cơ nhị đầu cánh tay.

3. Một số hình ảnh bệnh lý khớp vai

Một số chú ý khi đọc phim MRI:

- Gân, dây chằng, có tín hiệu thấp (màu đen) trên tất cả các chuỗi xung.

- Cơ có tín hiệu thấp trung bình (màu xám)

- Mỡ có tín hiệu cao (màu trắng) ở cả T1W và T2W. Các xung xóa mỡ (STIR, FS: fatsat, SPIR,Wager Excitation, Dixon methoth: in and out of phase), thì các tổ chức mỡ sẽ không còn tăng tín hiệu mà có màu xám.

- Dịch có tín hiệu cao (màu trắng). Các xung xóa dịch (FLAIR) thì dịch không còn tăng tín hiệu mà có màu xám.

- Màng xương có tín hiệu thấp (màu đen)

- Sụn khớp có tín hiệu thấp (màu đen)

- Tủy xương: nếu tủy mỡ thì tăng tín hiệu nhưng không ra sát đầu xương, tủy đỏ có tín hiệu thấp.

3.1. Bất thường mỏm cùng vai

Hình 20. Các dạng mỏm cùng vai: type 1: nằm ngang, type 2: cong vòm, Type 3: quắp xuống, type 4: cong lên.

   

Hình 21. Từ trái sang phải Mỏm cùng dạng 1: bình thường; Mỏm cùng dạng 2: nằm thấp; Mỏm cùng dạng 3: nghiêng xuống dưới ngoài; Mỏm cùng dạng 4: dốc xuống phía trước.

Hình 22. Hình trái: mỏm cùng vai bình thường (1) mỏm cùng vai, (2) xương đòn, (3) cơ trên gai.

Hình phải: Os acromiale (OA) là vùng cốt hóa phụ của mỏm cùng vai, bình thường phải dính vào mỏm cùng vai ở tuổi 25, nhưng có khoảng 15% trường hợp vùng cốt hóa này không dính vào mỏm cùng vai, khi di động sẽ làm giảm khoảng cách của cung cùng quạ dẫn đến đè ép và cọ sát vào gân chóp xoay. (c) đầu ngoài xương đòn.

 3.2. Bệnh khớp cùng đòn

Hình 23. Hình trái A: phì đại khớp cùng đòn (mũi tên đen);

Hình phải B: Dịch trong khe khớp cùng đòn và trong bao hoạt dịch dưới cơ delta (mũi tên trắng).

 

Hình 24. Hình trái: Thoái hóa khớp cùng đòn: mặt khớp không đều, gai xương rìa khớp đè ép vào gân cơ trên gai gây tràn dịch bao hoạt dịch dưới mỏm cùng và tổn thương mặt khớp gân cơ trên gai.

Hình phải: Thoái hóa khớp cùng đòn, gai xương rìa khớp đè lên gân cơ trên gai (mũi tên)

3.3. Bệnh gân cơ chóp xoay

3.3.1. Thoái hóa và rách gân

Thoái hóa và rách gân cơ chóp xoay là thường gặp ở người trên 40 tuổi trong những bệnh nhân rách gân chóp xoay thì bệnh nhân trên 60 tuổi có 30% rách toàn phần, bệnh nhân dưới 60 tuổi chỉ gặp rách toàn phần 6%.

Biểu hiện của thoái hóa gân trên MRI là gân tăng tín hiệu nhưng tín hiệu thấp hơn tín hiệu dịch.

Biểu hiện của rách gân là gân tăng tín hiệu ngang tín tiệu dịch. có thể gặp các loại

- Rách xuyên gân: là rách toàn bộ chiều dày của gân, biểu hiện tăng tín hiệu dịch hết bề dày của gân.

- Đứt gân: Khi vết rách xuyên toàn bộ từ bờ nọ đến bờ kia của gân, hai đầu gân tách xa nhau là đứt gân.

- Rách gân bán phần, có thể gặp:

+ Rách nội gân: khi rách trong gân không liên quan đến bờ gân.

+ Rách bờ gân, ví dụ gân trên gai có thể rách bờ hoạt dịch gân (là bờ trên tiếp xúc với bao hoạt dịch dưới mỏm cùng vai) hoặc rách bờ khớp (là bờ dưới tiếp xúc với bao khớp ổ chảo cánh tay)

Gân cơ trên gai là gân thường bị tổn thương nhất trong nhóm gân cơ chóp xoay, sau đó là đến gân dưới gai.

Tổn thương rách phối hợp nhiều gân cũng thường gặp, hay gặp là phối hợp rách gân trên gai và gân dưới gai.

Hình 25. Mặt cắt coronal-oblique fatsat. Hình trái không thấy tín hiệu gân cơ trên gai tại vị trí của gân cơ trên gai (mũi tên đen).

Hình phải: Tăng tín hiệu toàn bộ gân cơ trên gai đoạn cách điểm bám mấu động lớn khoảng 1-1,5cm (mũi tên xanh), có dịch trong bao họat dịch dưới mỏm cùng vai (mũi tên trắng) và dịch trong khớp vai (mũi tên vàng) biểu hiện rách hoàn toàn gân cơ trên gai đoạn cách mấu động lớn 1,5cm.

Hình 26. Rách toàn bộ bề dày gân cơ trên gai làm thông ổ khớp với bao hoạt dịch dưới mỏm cùng vai, thuốc tiêm vào ổ khớp qua chỗ rách để vào khoang hoạt dịch dưới mỏm cùng vai.

 

Hình 27. MRI khớp vai có tiêm thuốc đối quang từ cho thấy rách toàn bộ chiều ngang gân cơ trên gai làm ổ khớp thông với khoang bao hoạt dịch dưới mỏm cùng vai, thuốc ngấm qua chỗ rách (mũi tên trắng) vào bao hoạt dịch tạo thành hình mũ lưỡi chai (mũi tên đen).

Hình 28. Rách bán phần gân cơ trên gai: Mặt cắt coronal-oblique T2w fatsat thấy tăng tín hiệu dịch ở bờ dưới gân cơ trên gai biểu hiện rách mặt khớp gân cơ trên gai.

Hình 29. Rách bán phần gân cơ trên gai ở mặt khớp, thuốc ngấm vào chỗ rách và ngấm theo vách dưới cơ dưới gai vào sâu phía sau tới khuyết trên vai.

 

Hình 30. Rách bán phần gân cơ trên gai ở mặt hoạt dịch thường gặp trong hội chứng hẹp khoang dưới mỏm cùng vai, ít gặp hơn rách bán phần mặt khớp. Trường hợp này thuốc tiêm vào khoang khớp không có tác dụng chẩn đoán vì thuốc không ngấm được vào vùng gân bị rách. Chẩn đoán chủ yếu dựa vào xung T2w fatsat thấy mặt hoạt dịch gân tưa không đều, dấu hiệu gián tiếp có độ nhạy cao nhưng độ đặc hiệu không cao đó là mất sự nguyên vẹn của đường mỡ dưới bao hoạt dịch dưới mỏm cùng vai và tăng tín hiệu dịch trong bao hoạt dịch dưới mỏm cùng vai trên ảnh T2w.

Hình 31. Hình trái: Rách mặt hoạt dịch gân cơ trên gai.

Hình phải: Rách mặt khớp và cả mặt hoạt dịch gân cơ trên gai.

 

Hình 32. Hình trái: viêm thoái hóa gân cơ trên gai.

Hình phải: Viêm thoái hóa gân cơ dưới gai. Gân bị viêm dày không đồng nhất và  tăng tín hiệu trên ảnh T2w và T2w fatsat, nhưng tín hiệu tăng không cao bằng tín hiệu dịch.

Hình 33. Rách gân cơ dưới gai (mũi tên xanh) và rách bán phần gân cơ trên gai (mũi tên trắng).

Hình 34. Đứt gân trên gai, gân dưới vai, gân dài cơ nhị đầu và tràn dịch khớp vai và túi hoạt dịch dưới mỏm cùng vai do nhiễm khuẩn khớp vai.

Mức độ gặp thoái hóa gân và rách gân: gân trên gai > gân dưới gai > tròn bé > gân dưới vai. Vôi hóa cũng có thể gặp ở các mô mềm quanh khớp (dây chằng, bao khớp, bao hoạt dịch) kích thước từ vài mm đến vài cm.

3.3.2. Vôi hóa gân

Hình 35. Viêm gân vôi hóa. Vôi hóa là hình giảm âm trên tất cả các xung (mũi tên xanh và mũi tên trắng) ở gân cơ trên gai, thường bao quanh bởi phù hay rách bán phần gân.

Hình 36. Hình trái: vôi hóa gân trên gai (mũi tên);

Hình phải: vôi hóa gân dưới gai (mũi tên).

Hình 37. Vôi hóa gân cơ dưới vai (mũi tên đỏ) gây phù nề rộng (mũi tên xanh).

3.4. Bệnh gân dài cơ nhị đầu cánh tay

Hình 38. Hình trái A: Đầu gân cơ nhị đầu nằm trong rãnh nhị đầu, bao hoạt dịch cơ nhị đầu tràn dịch nhiều (mũi tên đen) do viêm bao hoạt dịch hoặc do tràn dịch khớp ổ chảo cánh tay.

Hình phải B: Không thấy gân cơ nhị đầu trong rãnh nhị đầu (mũi tên trắng) trong rãnh nhị đầu chỉ thấy dịch trong bao hoạt dịch gân do gân bị đứt hai đầu gân co về hai phía.

 

Hình 39. Hình trái: Trật đầu dài gân cơ nhị đầu ra khỏi rãnh nhị đầu. Không thấy cấu trúc gân cơ nhị đầu trong rãnh nhị đầu (mũi tên đen) mà gân bị trật vào trong (mũi tên trắng).

Hình phải: bao hoạt dịch gân cơ nhị đầu chứa nhiều dịch, có hai khả năng xảy ra: viêm bao hoạt dịch gân dài cơ nhị đầu, hoặc tràn dịch khớp ổ chảo cánh tay làm dịch tràn vào bao hoạt dịch gân dài cơ nhị đầu.

3.5. Bệnh lý cơ

Teo cơ và thoái hóa mỡ cơ thường xảy ra thứ phát sau đứt gân hoặc tổn thương thần kinh. biểu hiện trên MRI:

- Cơ trên gai: ở lát cắt sagital qua xương vai có hình chữ Y, kẻ một đường nối đỉnh gai vai và đỉnh thân xương bả vai, nếu bờ trên cơ trên gai không vượt quá đường này là có teo cơ.

- Thoái hóa cơ: trên phim T1w không FS, thấy tăng tín hiệu trong cơ là cơ thoái hóa mỡ do có các dải mỡ hình thành trong cơ thay thế cho các sợi cơ bị teo. Thoái hóa mỡ được chia làm 5 mức độ theo Goutallier như sau:

+ Độ I: Không thoái hóa mỡ

+ Độ II: Có vài dải mỡ mảnh trong cơ

+ Độ III: Lượng mỡ < cơ

+ Độ IV: Lượng mỡ = lượng cơ

+ Độ V: Lượng mỡ > lượng cơ

 

Hình 40. Hình trái: Lát cắt sagital qua xương vai có hình chữ Y, kẻ một đường nối đỉnh gai vai và đỉnh thân xương bả vai, thấy bờ trên cơ trên gai vượt quá đường này là không có teo cơ.

Hình phải: Gân dưới gai teo và thoái hóa mỡ độ V (gân tăng tín hiệu và co nhỏ - mũi tên đỏ).

Với những cơ thoái hóa mỡ độ IV và độ V thì không còn chỉ định nối gân hay nối thần kinh nữa vì cơ không còn khả năng hồi phục.

3.6. Viêm bao hoạt dịch dưới mỏm cùng vai (bao hoạt dịch dưới cơ delta)

Hình 41. Viêm bao hoạt dịch dưới mỏm cùng vai gây tràn dịch nhiều trong bao hoạt dịch (mũi tên, ảnh T2w FS)

Hình 42. Viêm gân cơ trên gai và gân cơ dưới gai (gân dày và tăng tín hiệu-mũi tên rỗng). Tràn dịch bao họt dịch dưới mỏm cùng vai (mũi tên đen)

3.7. Viêm quanh khớp vai thể đông cứng (viêm dính khớp vai)

Hình 43. Hai dấu hiệu: thứ nhất dày và tăng tín hiệu bao khớp vai vùng nếp nách (mũi tên đen), thứ hai dày và tăng tín hiệu bao khớp vai vùng gian gân chóp xoay, phía trên gân dài cơ nhị đầu (mũi tên trắng) là đặc hiệu của viêm quanh khớp vai thể đông cứng (viêm dính khớp vai) ở các phim chụp MRI không tiêm thuốc đối quang từ vào khoang khớp vai.

Hình 44.  Viêm quanh khớp vai thể đông cứng, bao hoạt dịch nếp nách dày và tăng tín hiệu n(mũi tên đỏ)

 

Hình 45. Bao khớp vùng nếp gấp nách dày và tăng tín hiệu (mũi tên đỏ) trong viêm quanh khớp vai thể đông cứng (viêm dính khớp vai).

    

Hình 46. Bao khớp vùng gian gân chóp xoay (vùng bao khớp phủ phía trên gân dài cơ nhị đầu) dày và tăng tín hiệu (mũi tên) trong viêm quanh khớp vai thể đông cứng (viêm dính khớp vai).

Hình 47. Hình trái: Bao khớp vùng gian gân chóp xoay (vùng bao khớp phủ phía trên gân dài cơ nhị đầu) dày và tăng tín hiệu (mũi tên).

Hình phải: Bao khớp vùng nếp gấp nách dày và tăng tín hiệu (mũi tên đỏ). Đây là hai dấu hiệu chính trong viêm quanh khớp vai thể đông cứng (viêm dính khớp vai).  

 

Hình 48. Hình trái: tiêm thuốc đối quang từ vào khớp vai bình thường tiêm được lượng thuốc nhiều (10ml), thuốc ngấm vào các túi cùng như túi hoạt dịch dưới mỏm quạ, nếp gấp nách, bao hoạt dịch quanh gân dài cơ nhị đầu.

Hình Phải: Ở bệnh nhân viêm quanh khớp vai thể đông cứng do bao khớp bị dính bó cứng lấy khớp nên lượng thuốc bơm vào được rất ít (khoảng 1-2ml), thuốc không ngấm được vào các khoang ngách như túi hoạt dịch dưới mỏm quạ, nếp gấp nách, bao hoạt dịch quanh gân dài cơ nhị đầu.

3.8. Nang hoạt dịch

 

Hình 49. Hình trái: Nang (kén) họat dịch ở hố trên vai còn gọi là khuyết xương bả vai (mũi tên đen).

Hình phải: Nang bao hoạt dịch nằm ở trước gân cơ dưới gai.

Nang hoạt dịch thường gặp khi có tổn thương sụn viền ổ chảo. Nang ở khuyết trên vai thường đè ép vào bó mạch thần kinh trên gai.

 

Hình 50. Hình trái: Nang hoạt dịch ở vùng khuyết xương bả vai đè ép vào thần kinh trên gai gây teo cơ dưới gai (hình phải), cơ dưới gai bị thoái hóa mỡ thấy tăng tín hiệu trong cơ (mũi tên).

Hình phải: bờ trên trong sụn viền rách SLAP, kén hoạt dịch ở khuyết trên vai chèn ép thần kinh và mạch máu gây phù cơ trên gai và cơ dưới gai (cơ tăng tín hiệu, mũi tên đen).

 

Hình 51. Kén hoạt dịch ở khuyết trên vai (mũi tên) đè ép vào thần kinh trên vai gây teo cơ dưới gai  (hình phải).

3.9. Tổn thương xương và sụn khớp vai

Khi sai khớp vai, có hai tổn thương xảy ra là tổn thương Bankart và tổn thương Hill-Sachs:

- Tổn thương Bankart là tổn thương sụn và xương bờ trước ổ chảo, có hai nhóm:

+ Nhóm chỉ có tổn thương sụn kèm bong rách bao khớp

+ Nhóm có tổn thương mẻ xương kèm bong rách bao khớp, loại này sụn thường gắn với mảnh xương bị mẻ ra.

- Tổn thương Hill-Sachs là tổn thương bờ sau của chỏm xương cánh tay khi trật khớp vai ra trước và bờ trước của chỏm xương cánh tay khi trật khớp vai ra sau, do vùng này bị tì và cọ sát vào bờ ổ chảo, có hai dạng:

+ Phù nề tủy xương: thấy vùng tủy xương tăng tín hiệu khi sai khớp vai lần đầu.

+ Xương bị lõm khuyết khi bị sai khớp vai tái diễn.

Rách SLAP (Superior Labral Tear from Anterior to Posterior) là rách bờ viền sụn khớp từ phía trước ra phía sau ở bờ viền sụn khớp phía trên. Rách SLAP thường xảy ra trong chơi thể thao như bóng rố, bóng chày, đấy vật... Có 2 cơ chế gây ra rách SLAP, thứ nhất do gân dài cơ nhị đầu bị căng kéo với lực mạnh đột ngột, thứ hai do chỏm xương cánh tay bị đẩy lên phía trên làm gân cơ nhị đầu bị đẩy lên. Rách SLAP cũng chia làm 2 nhóm:

+ Nhóm chỉ có tổn thương sụn

+ Nhóm có tổn thương mẻ xương kèm sụn

Hình 52. Tổn thương Bankart (mũi tên đỏ) sụn và bao khớp vai bờ trước ổ chảo bị bong. Tổn thương Hill-Sachs (mũi tên xanh) biểu hiện phù nề tủy xương. Đây là hình ảnh MRI của bệnh nhân sau sai khớp vai lần đầu đã được nắn chỉnh.

Hình 53. Tổn thương Bankart và Hill - Sachs dễ dàng quan sát thấy trên phim chụp X-quang khớp vai thông thường ở bệnh nhân sai khớp vai tái diễn.

Hình 54. Hình minh họa tổn thương SLAP tear. Rách sụn khớp ổ chảo từ trước ra sau tại bờ trên ổ chảo nơi bám của gân dài cơ nhị đầu cánh tay.

Hình 55. Rách SLAP. Hình trái: rách viền sụn xơ. Hình phải: rách xương kèm sụn.

      

Hình 56. Hình trái: sụn viền bình thường giảm tín hiệu bám vào bờ ổ chảo.

Hình phải: Bong sụn viền mặt trước. Sụn viền màu đen (mũi tên đen) bị ngăn cách với bờ ổ chảo bởi lớp dịch (mũi tên trắng) xen vào chỗ bong tách.

Hình 57. Hình trái: sụn viền bình thường (mũi tên) bờ sụn trơn láng.

Hình phải: rách SLAP (mũi tên) bờ sụn tưa rách mất tính trơn láng.

Hình 58. Hình trái A: sụn viền trước dưới tách khỏi ổ chảo, bờ sụn trống (đầu mũi tên đen).

Hình phải B: sụn viền trước dưới tách khỏi màng xương và di chuyển ra trước vào trong (mũi tên trắng).

Hình 59. Tổn thương Hill-Sachs (khuyết vùng sau - ngoài chỏm xương cánh tay).

Tổn thương Hill - Sachs: là tổn thương đầu trên xương cánh tay do chỏm xương cánh tay bị cắm vào bờ ổ chảo khi trật khớp vai, gặp khoảng 80% trong trật khớp vai ra trước, 25% trong trật khớp vai ra sau và gặp 100% trong trật khớp vai tái diễn..

Tổn thương Hill-Sachs là một tổn thương lún xương của vùng sau trên chỏm xương cánh tay xảy ra khi khớp vai bị trật ra trước. Năm 1940, Hill và Sachs đã mô tả tổn thương này là một đường đậm trên X-quang vai tư thế xoay trong. Nguyên nhân gây ra đường này là do va chạm cơ học của chỏm xương cánh tay lên bờ trước của ổ chảo trong trật khớp vai trước tái diễn nhiều lần. Tỷ lệ mắc tổn thương này trong trật khớp vai là tương đối cao và có thể đến xấp xỉ 100% ở những người trật khớp vai trước tái diễn. Tổn thương mất xương ổ chảo thường đi kèm với tổn thương Hill-Sachs ở những bệnh nhân trật khớp vai trước tái diễn. Tổn thương Hill-Sachs thương hiếm khi xảy ra đơn độc. Chấn thương phổ biến nhất đi kèm với tổn thương Hill-Sachs là tổn thương sụn viền – bao khớp trước (ví dụ, tổn thương Bankart). Tổn thương mất xương ổ chảo trước dưới có thể đủ lớn khiến ổ chảo có hình quả lê ngược, biểu hiện này liên quan đến trật khớp vai trước.

Hình 60. Hình trái: tổn thương Bankart (mũi tên).

Hình phải: tổn thương Hill-Sachs (mũi tên).

Hình 61. Tổn thương Bankart và các biến thể của nó.

Tổn thương Bankart: là sự bóc tách của điểm bám dây chằng ổ chảo cánh tay, chủ yếu là dây chằng ổ chảo cánh tay giữa và dưới ra khỏi sụn viền ổ chảo. Ngoài ra còn có tổn thương Bankart xương, tức là gẫy (vỡ) miếng xương ổ chảo, rách hoặc mòn sụn viền ổ chảo do trật khớp vai tái diễn đa hướng. Tổn thương Bankart nếu không được phẫu thuật phục hồi giải phẫu thì gặp trật khớp tái diễn khoảng 67%.

Hình 62. Tổn thương Bankart (mũi tên): sụn viền dưới tách khỏi ổ chảo và di chuyển ra khỏi vị trí bình thường.

Hình 63. Biến thể của tổn thương Bankart: sụn viền và dây chằng ổ chảo - cánh tay dưới tách khỏi ổ chảo nhưng không di chuyển ra khỏi vị trí bình thường (mũi tên), màng xương ổ chảo còn nguyên vẹn.

Hình 64. Sụn viền trước tách khỏi ổ chảo nhưng không di chuyển ra khỏi vị trị bình thường, màng xương còn nguyên vẹn.

 

Hình 65. Một biến thể khác của tổn thương Bankart với đặc điểm sụn viền và dây chằng ổ chảo cánh tay dưới tách khỏi ổ chảo và di chuyển vào trong, xuống dưới.

Hình 66. Tổn thương GLAD (Glenoid Labrum Articular Disruption): rách một phần sụn viên ổ chảo phía trước và sụn khớp kế cận. Sụn viền không bị tách ra (mũi tên).

Hình 67. Tổn thương GLAD (mũi tên).

Hình 68. Tổn thương Hill-Sachs khuyết xương ở chỏm xương cánh tay (mũi tên xanh), bong sụn viền ổ chảo, không thấy sụn viền ổ chảo ở vị trị sụn (mũi tên đen) , mảnh sụn viền màu đen bị bật ra phía trước xương bả (mũi tên trắng), trong ổ khớp nhiều dịch làm rõ thêm các tổn thương. Tổn thương này thường sảy ra trong sai khớp vai.

Hình 69. Hình ảnh tổn thương Hill-Sachs trên phim MRI tiêm thuốc

 

Hình 70. Hình trái: Hình ảnh tổn thương Hill-Sachs trên phim cắt lớp vi tính dựng hình 3D (mũi tên).

Hình phải: rách sụn viền vai phải, tổn thương Bankart sụn (mũi tên).

3.10. Một số bệnh lý hiếm gặp

Hình 71. U sụn màng hoạt dịch khớp vai (Synovial Osteochondromatosis).

U sụn màng hoạt dịch khớp (Synovial Osteochondromatosis) là một bệnh hiếm gặp, nguyên nhân có thể tiên phát có thể thứ phát, thường gặp ở các khớp lớn như khớp vai, khớp gối, khớp háng. Chẩn đoán: X-quang thường quy thấy hình ảnh vôi hóa bao khớp và phần mềm quanh khớp trong khi xương và khớp bình thường, MRI thấy nhiều cấu trúc calci hóa khu vực quanh khớp trong khi xương và khớp bình thường.

 

Hình 72. U sụn màng hoạt dịch khớp vai (Synovial Osteochondromatosis). Hình trái: X-quang thường quy thấy các đám vôi hóa ở tổ chức phần mềm quanh khớp vai, vùng gân trên gai và dưới mỏm cùng vai (mũi tên), xương và khớp vai bình thường. Hình phải: MRI khớp vai thấy các đám vôi hóa giảm tín hiệu ở vùng gân trên gai và khoang dưới mỏm cùng vai trong bao hoạt dịch dưới mỏm cùng kèm theo phù nề tràn dịch bao hoạt dịch dưới mỏm cùng vai, xương và khớp vai bình thường. 

Tài liệu tham khảo: Bài viết có sử dụng một số hình ảnh trong bài giảng của các tác giả Phan Châu Hà, Nguyễn Thanh Thảo, Vương Thu Hà, và một số hình ảnh trong cuốn “Viêm quanh khớp vai, chẩn đoán và điều trị” Hà Hoàng Kiệm, NXB TTDTT (2015), một số hình ảnh MRI bệnh nhân của tác giả.

 


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bệnh thận - Tiết niệu

    Bệnh tim mạch

      Bệnh cơ-xương-khớp

        Bệnh nội tiết-chuyển hóa

          Bệnh tiêu hóa

            Bệnh phổi - phế quản

              Bệnh Thần kinh - Tâm thần

                Bệnh truyền nhiễm

                  Bệnh nhi khoa

                    Cận lâm sàng

                      Bệnh khác

                        Thuốc

                          Vật lý trị liệu

                            Phục hồi chức năng

                              Tư vấn và Chia sẻ thông tin

                                Sách đã xuất bản của Hà Hoàng Kiệm

                                  Bài báo khoa học

                                    SÁCH CỦA TÔI