Nước tiểu đục, vì sao?

Cập nhật: 26/05/2014 Lượt xem: 11305

 

PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm, BV 103

Bài đã đăng trên báo Sức khỏe và Đời sống (Bộ Y tế) số 27 (9/2003) trang 4.

 

          Nước tiểu bình thường thì trong, không màu. Khi nước tiểu được cô đặc (ra nhiều mồ hôi mà uống không đủ nước, sau lao động…) thì nước tiểu có màu vàng là hiện tượng bình thường. Khi đi tiểu thấy nước tiểu đục thì có thể do các nguyên nhân sau:

Nước tiểu có mủ

          Do nhiễm khuẩn ở đường tiết niệu như nhiễm khuẩn niệu đạo, nhiễm khuẩn bàng quang, nhiễm khuẩn bể thận (viên thận-bể thận cấp hoặc mạn tính), áp-xe thận mà ổ áp-xe thông với đường tiết niệu. Trường hợp này nếu bạn đựng nước tiểu vào một ống thủy tinh sạch, để vài giờ sẽ thấy lắng cặn mủ đục bẩn, mủ đục lắng xuống đáy, bề mặt có váng, lớp giữa có các dây mủ lởn vởn. Nếu xét nghiệm sẽ thấy nước tiểu có nhiều bạch cầu và tế bào mủ (tế bào bạch cầu đa nhân thoái hóa). Trường hợp nhiễm khuẩn nhẹ thì không thấy nước tiểu đục mà chỉ xét nghiệm mới thấy có nhiều bạch cầu trong nước tiểu. Xét nghiệm căn Addis thấy số lượng bạch cầu trên 5000 BC/ml nước tiểu, nếu 2000- <5000 BC/ml nước tiểu thì nghi ngờ có nhiễm khuẩn, nếu < hoặc= 2000BC/ml nước tiểu là bình thường.

          Khi nhiễm khuẩn đường tiết niệu, bệnh nhân thường thấy các triệu chứng kèm theo như đái buốt, đái rắt, đau tức vùng trên xương mu (nhiễm khuẩn bàng quang), đau vùng hố thắt lưng một hoặc cả hai bên (viêm thận-bể thận). Nếu nhiễm khuẩn nặng, nhất là viêm thận-bể thận cấp hoặc đợt cấp của viêm thận-bể thận mạn. Bệnh nhân có thể có sốt gai rét hoặc có cơn rét run giống như sốt rét. Bạn cần phải đi khám để cấy vi khuẩn nước tiểu và làm kháng sinh đồ để chọn kháng sinh điều trị thích hợp.

Đái ra dưỡng chấp

          Dưỡng chấp là chất dịch trong hệ bạch huyết. Thành phần chủ yếu của dưỡng chấp là lipid (triglycerid, cholesterol…) và protein. Vì một nguyên nhân nào đó như do viêm nhiễm, chấn thương, giun chỉ… đã tạo ra một đường thông giữa hệ thống bạch huyết và đường tiết niệu làm dịch bạch huyết chảy vào đường tiết niệu sẽ gây đái ra dưỡng chấp. Người ta có thể phát hiện đường thông này bằng chụp hệ bạch mạch hoặc chụp bể thận ngược dòng có bơm thuốc cản quang.

          Nước tiểu có dưỡng chấp có màu đục như nước vo gạo hoặc nước bột sắn loãng, khi để lâu trong ống thủy tinh không thấy lắng cặn. Nếu nhỏ vào ống nước tiểu vài giọt ether thì dưỡng chấp tan và nước tiểu trở nên trong. Nếu lượng dưỡng chấp nhiều thì khi để ống nước tiểu lâu, nước tiểu sẽ đông lại giống như thạch có màu trong. Nhiều trường hợp đái ra dưỡng chấp lẫn máu, làm nước tiểu có màu cà phê sữa.

          Đái ra dưỡng chấp thường không có triệu chứng gì, ngoài nước tiểu đục. Sau các bữa ăn, nhất là các bữa ăn có nhiều dầu mỡ thì đái ra dưỡng chấp tăng lên, xa bữa ăn thì nước tiểu ít đục hơn. Bệnh tuy không nguy hiểm, sau một thời gian một số trường hợp tự khỏi khi đường thông bạch mạch và đường niệu đóng kín, nhưng cũng có thể tái phát. Nếu đái ra dưỡng chấp kéo dài, sẽ có nguy cơ nhiễm khuẩn đường tiết niệu và suy dinh dưỡng. Bạn cần đi khám để xác định bệnh và được điều trị.

Đái ra cặn phosphat

          Đây là trường hợp hay gặp, bình thường trong nước tiểu có một lượng nhỏ phosphat (24-62 mmol/24 giờ, hay 1,36+/-0,6g/24 giờ). Lượng phosphat này ở dạng hòa tan trong nước tiểu nên nước tiểu trong, không đục. Khi lượng phosphat tăng hoặc uống không đủ nước làm nước tiểu cô đặc, nếu pH nước tiểu kiềm, phosphat sẽ kết tinh thành tinh thể. Khi ống nước tiểu để lâu sẽ thấy cặn phosphat lắng xuống đáy có màu đục hoặc đi tiểu đến cuối bãi mới thấy nước tiểu đục do cặn phosphat lắng trong bàng quang. Nếu đun nóng ống nước tiểu sẽ không thấy căn phosphat tan, nhưng nhỏ vào ống nước tiểu và giọt acid và lắc đều, cặn sẽ tan và nước tiểu trở nên trong.

          Đái ra cặn phosphat thì bệnh nhân không có triệu chứng gì ngoài nước tiểu đục cuối bãi. Xét nghiệm nước tiểu sẽ thấy nhiều cặn phosphat. Nếu cặn phosphat nhiều trong nước tiểu sẽ có nguy cơ gây sỏi đường tiết niệu. Do đó bạn cần uống nhiều nước (khoảng 2 lít/ngày) và hạn chế thức ăn có nhiều phosphat, calci, oxalat nư xương, sụn, tôm, cua…Không nên uống vitamin C vì thoái biến vitamin C tạo ra nhiều oxalat.

Đái ra cặn acid uric

          Bình thường trong nước tiểu có một lượng nhỏ acid uric (3-4,8 mmol/24 giờ, hay 0,55-0,8 g/24 giờ), nhưng lượng acid uric này ở dạng hòa tan, nên nước tiểu trong. Khi nồng độ acid uric trong nước tiểu cao, nếu pH nước tiểu acid. Thì acid uric sẽ kết tinh thành dạng tinh thể. Khi ống nước tiểu để lâu, các tinh thể urat sẽ lắng xuống đáy. Nếu đem đun nóng nước tiểu hoặc nhỏ vào ống nước tiểu vài giọt dung dịch kiềm, lắc đều thì cặn sẽ tan và nước tiểu trở nên trong. Xét nghiệm nước tiểu sẽ thấy nhiều cặn acid uric.

          Những người đái ra cặn acid uric, thường là bệnh nhân bị bệnh gút, hoặc người có tăng acid uric máu. Nếu có nhiều cặn acid uric trong nước tiểu thì có nguy cơ gây sỏi urat trong đường tiết niệu (sỏi không cản quang). Để ngăn cản tạo sỏi bạn cần uống nhiều nước (khoảng 2 lít/ngày), kiềm hóa nước tiểu bằng uống nabica và hạn chế ăn nhiều thịt, bia là những chất có nhiều purin. Nếu acid uric trong máu cao có thể cần uống allopurinol để  hạn chế tạo acid uric.

Hình 1: Hình trên trái là tinh thể calci oxalat, hình trên phải là tinh thể cystin, hình dưới trái là tinh thể acid uric, hình dưới phải là tinh thể phosphat.


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bệnh thận - Tiết niệu

    Bệnh tim mạch

      Bệnh cơ-xương-khớp

        Bệnh nội tiết-chuyển hóa

          Bệnh tiêu hóa

            Bệnh phổi - phế quản

              Bệnh Thần kinh - Tâm thần

                Bệnh truyền nhiễm

                  Bệnh nhi khoa

                    Cận lâm sàng

                      Bệnh khác

                        Thuốc

                          Vật lý trị liệu

                            Phục hồi chức năng

                              Tư vấn và Chia sẻ thông tin

                                Sách đã xuất bản của Hà Hoàng Kiệm

                                  Bài báo khoa học

                                    SÁCH CỦA TÔI