Đa niệu (đái tháo), tại sao?

Cập nhật: 26/05/2014 Lượt xem: 14121

 

PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm, BV 103

Bài đã đăng trên tạp chí Sức khỏe và Đời sống (bộ Y tế ) số 38 (2/2007), trang 6.

 

               Đa niệu hay đái tháo, là tình trạng người bệnh đi đái nhiều lần trong ngày. Mỗi lần đi đái có số lượng nước tiểu nhiều, tổng lượng nước tiểu trong ngày (24 giờ) lớn hơn hai lít. Cần phân biệt đa niệu sinh lý và đa niệu bệnh lý.

               Đa niệu sinh lý là do lượng nước trong ngày đưa vào cơ thể nhiều, như do uống nhiều nước, truyền nhiều dịch. Vì cơ thể luôn duy trì một lượng dịch cân bằng, do đó lượng nước dư thừa sẽ được thận đào thải gây ra đa niệu. Khi giảm lượng nước đưa vào, đa niệu sẽ hết. Nếu là đa niệu sinh lý, xét nghiệm nước tiểu thấy bình thường, không có đường (glucose) trong nước tiểu, tỉ trọng nước tiểu trên 1,005.

               Đa niệu bệnh lý thường gặp trong các trường hợp sau:

Đái tháo đường

              Đây là bệnh lý gây đa niệu hay gặp nhất, là tình trạng glucose trong máu lúc đói tăng thường xuyên. Tam chứng kinh điển của đái tháo đường là ăn nhiều, uống nhiều, đái nhiều nhưng  gầy xút cân. Chẩn đoán đái tháo đường khi có 1 trong 4 tiêu chuẩn sau:

- Xét nghiệm đường máu lúc đói hai lần (sáng sớm, cách bữa ăn ít nhất 8 giờ) vào các ngày khác nhau. Các lần xét nghiệm đường máu phải lớn hơn hoặc bằng 7 mmol/l.

- Xét nghiệm vào thời gian bất kỳ trong ngày, đường máu lớn hơn hoặc bằng 11,1 mmol/l kèm theo triệu chứng của đái tháo đường

- Sau 2 giờ làm nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống, đường máu lớn hơn hoặc bằng 11,1 mmol/l.

- Nồng độ HbA1C lớn hơn hoặc bằng 6,5% với điều kiện bệnh nhân không bị thiếu máu.

                Đái tháo đường có nhiều týp:

+ Týp 1: thường gặp ở người trẻ, do di truyền, trong gia đình có nhiều người bị đái tháo đường. Triệu chứng của đái tháo đường týp này thường rầm rộ. Nguyên nhân do tuyến tụy không sản xuất đủ insulin, thiếu insulin làm tế bào ngoại vi không sử dụng được glucose để chuyển hóa.

+ Týp 2: thường  gặp ở người lớn trên 30 tuổi, thể tạng béo. Nguyên nhân do kháng insulin của các mô ngoại vi trong khi tụy vẫn tiết đủ insulin. Đái tháo đường týp này triệu chứng ít rầm rộ, nên người bệnh thường không phát hiện được bệnh cho đến khi có các biến chứng xuất hiện. Nếu một người trên 30 tuổi thấy xuất hiện đi tiểu nhiều, người mệt thì cần đi khám để được xét nghiệm glucose máu.

+ Týp đái tháo đường trong thai kỳ là phát hiện đái tháo đường khi có thai, sau khi sinh 6 tháng sẽ được phân týp lại, nếu đái tháo đường giảm dần rồi khỏi là ĐTĐ trong thai kỳ, nếu ĐTĐ vẫn tồn tại là bệnh ĐTĐ mà khởi phát trùng vào thời kỳ có thai hoặc đã bị ĐTĐ từ trước khi có thai nhưng không được phát hiện, đến khi có thai mới được phát hiện. Hai trường hợp sau không phải ĐTĐ thai kỳ.

+ Các týp khác của đái tháo đường có thể gặp là đái tháo đường do thuốc chẳng hạn do dùng corticoid, do viêm tụy cấp, do xơ hóa tụy sau nhiều lần bị viêm tụy cấp …

                Triệu chứng điển hình của đái tháo đường là ăn nhiều, luôn có cảm giác đói, thèm ăn, thích ăn đồ ngọt, uống nhiều, luôn có cảm giác khát, người gầy xút cân, mệt mỏi. Đái nhiều lần, cả ban đêm, số lượng nước tiểu một lần nhiều, tổng lượng nước tiểu một ngày trên 2 lít. Có thể thấy ruồi bâu hoặc kiến đậu quanh bãi nước tiểu. Khi có biến chứng có thể thấy tê bì, giảm hoặc mất cảm giác hai bàn chân, viêm chân răng, mụn nhọt ngoài da, các vết rách da thường lâu liền, thị lực giảm… Khi có các triệu chứng trên cần đi khám để được chẩn đoán xác định, được điều trị và hướng dẫn chế độ ăn, chế độ sinh hoạt thích hợp.

Đái tháo nhạt

                Đái tháo nhạt là tình trạng đái nhiều, trên 2 lít một ngày, khát và uống nhiều, cân nặng ít bị ảnh hưởng. Xét nghiệm đường máu bình thường.  Nước tiểu không có đường, tỉ trọng nước tiểu giảm dưới 1,005. Giảm lượng nước uống đa niệu không giảm và có thể gây tình trạng mất nước nguy hiểm.

                Có hai loại đái tháo nhạt:

+ Đái tháo nhạt trung ương là do tổn thương vùng dưới đồi thị hoặc thùy sau tuyến yên trong não, gây thiếu hormon kháng lợi niệu (ADH) hay còn gọi là vasopressin, nên thận không tái hấp thu nước đầy đủ gây ra đái tháo nhạt. Loại đái tháo nhạt này sẽ giảm nếu bệnh nhân được sử dụng vasopressin. Để điều trị tiệt căn cần tìm nguyên nhân chẳng hạn u vùng dưới đồi thị, u thùy sau tuyến yên cần phẫu thuật loại bỏ khối u.

+ Đái tháo nhạt ngoại vi, loại này ít gặp hơn đái tháo nhạt trung ương. Nguyên nhân do khiếm khuyết ở ống thận, làm ống thận không có khả năng cô đặc nước tiểu, mặc dù hormon kháng lợi niệu vẫn đầy đủ. Loại đa niệu này tiêm vasopressin đa niệu không giảm.

Đa niệu sau một số bệnh lý cấp tính

               Giai đoạn hồi phục của một số bệnh lý cấp tính có thể có đa niệu như sau viêm gan cấp, giai đoạn đa niệu của suy thận cấp, giai đoạn đầu sau ghép thận… loại đa niệu này tỉ trọng nước tiểu vẫn trên 1,005 và đa niệu giảm dần và trở lại bình thường khi bệnh chính được điều trị khỏi.

Đa niệu do yếu tố tâm thần

               Do rối loạn tâm thần, người bệnh uống nhiều gây ra đái nhiều, nhưng tỉ trọng nước tiểu vẫn trên 1,005. Khi hạn chế uống nước thì đa niệu sẽ giảm.

               Khi có triệu chứng đái nhiều và khát kéo dài bạn cần đi khám để xác định chẩn đoán và được điều trị thích hợp. Tuyệt đối không được nhịn uống vì sợ đái nhiều, có thể dẫn đến mất nước nặng và hôn mê nguy hiểm đến tính mạng.

 


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bệnh thận - Tiết niệu

    Bệnh tim mạch

      Bệnh cơ-xương-khớp

        Bệnh nội tiết-chuyển hóa

          Bệnh tiêu hóa

            Bệnh phổi - phế quản

              Bệnh Thần kinh - Tâm thần

                Bệnh truyền nhiễm

                  Bệnh nhi khoa

                    Cận lâm sàng

                      Bệnh khác

                        Thuốc

                          Vật lý trị liệu

                            Phục hồi chức năng

                              Tư vấn và Chia sẻ thông tin

                                Sách đã xuất bản của Hà Hoàng Kiệm

                                  Bài báo khoa học

                                    SÁCH CỦA TÔI