Điều trị sỏi tiết niệu bằng vật lí trị liệu
PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm, BV 103
1. Đặc điểm cần lưu ý
Sỏi tiết niệu nếu có đường kính <5mm thì có thể lọt được qua đường tiết niệu để được đái ra ngoài. Tuy nhiên để tống được sỏi ra khỏi đường tiết niệu cần hiểu biết một số vấn đề sau:
- Sỏi ở đài, bể thận có thể vẫn bị dính vào thành đài thận, bể thận hoặc nằm ở chỗ trũng của đài thận, bể thận.
- Nếu sỏi nằm ở nhóm đài dưới thì giống như nằm ở đáy chén, khó bật lên bể thận. Vì vậy cần làm động tác trồng cây chuối hoặc nằm sấp đầu dốc trên 70 độ kết hợp vỗ hố thận để sỏi lọt xuống bể thận.
- Sỏi ở niệu quản sẽ gây kích thích làm niệu quản co thắt và cản trở sỏi lọt xuống dưới.
- Sỏi bị vướng ở những chỗ hẹp của đường niệu như chỗ đài thận đổ vào bể thận hoặc chỗ niệu quản chui qua thành bàng quang để đổ vào bàng quang cần có lực tác động để sỏi lọt qua.
- Áp lực nước tiểu thấp không đủ để đẩy sỏi vượt qua chướng ngại nên cần tăng lượng nước tiểu.
- Vận động đúng cách tạo thêm lực cơ học giúp sỏi di chuyển xuống dưới.
2. Chương trình tập
Để tống được sỏi lọt qua đường niệu ra ngoài theo nước tiểu cần áp dụng phối hợp và theo tuần tự các bước sau:
1. Nếu sỏi ở nhóm đài dưới của thận cần dùng biện pháp trồng cây chuối hoặc nằm sấp tư thế đầu dốc trên 70 độ kết hợp vỗ hố lưng vùng thận, mỗi ngày hai lần để sỏi bong ra và lọt xuống bể thận. Nếu sỏi ở nhóm đài giữa cần vỗ hố thắt lưng ở tư thể bệnh nhân nằm nghiêng, bên thận có sỏi ở phía trên. Nếu sỏi ở nhóm đài trên cần vỗ hố thắt lưng ở tư thể bệnh nhân đứng hoặc ngồi trên ghế. Mỗi lần vỗ 10 phút trước khi thực hiện bước hai. Chú ý kỹ thuật vỗ: khum lòng bàn tay tạo một đệm không khí, khi vỗ chỉ lắc cổ tay và vỗ luân phiên đều hai tay, có thể lót một lớp vải hoặc vỗ ngoài áo để không làm rát da.
2. Sau khi vỗ vùng hố thận cho bệnh nhân nghỉ 10 phút rồi cho uống 500ml nước trong vòng 1-2 phút để thận tạo nhiều nước tiểu.
3. Sau uống nước 10 phút, uống 2 viên nospa 40mg hoặc spasmaverin 40mg để làm giãn cơ trơn đường niệu.
4. Sau uống nospa 10 phút thì nhảy dây, nhảy càng cao càng lâu càng tốt.
Thực hiện chương trình tập trên 2 lần mỗi ngày và hàng ngày nhớ uống nhiều nước (2 lít/ngày). Khi đi tiểu chú ý đi vào chậu để theo dõi sỏi đã lọt ra chưa. Định kỳ làm siêu âm thận để theo dõi vị trí của sỏi hoặc sỏi đã được tống ra chưa.
3. Luận giải
- Động tác vỗ hố thắt lưng giúp sỏi bong ra khỏi vị trí ban đầu và lọt xuống bể thận hoặc niệu quản.
- Uống nhanh một lượng lớn nước làm thận đào thải nhiều nước tiểu tạo dòng nước tiểu lớn để tạo áp lực đẩy sỏi di chuyển xuống dưới.
- Thuốc giãn cơ trơn làm mở rộng đường niệu giúp sỏi di chuyển dễ hơn.
- Nhảy dây là biện pháp vận động vừa làm tăng lượng nước tiểu do tim tăng hoạt động đồng thời tạo lực cơ học để tống sỏi lọt xuống.
Các biện pháp trên phải được phối hợp tuần tự đúng thời gian vì thận bắt đầu tiết nước tiểu tăng sau uống nước 10 phút, và thuốc giãn cơ đường uống được hấp thu tối đa sau uống 10 phút. Chương trình tập này không áp dụng cho những người đang có cơn đau quặn thận hoặc đang đau hố thắt lưng do sỏi và những người có sỏi kích thước >7mm.
Là người vừa làm chuyên ngành Thận - Tiết niệu vừa làm chuyên ngành Vật lý trị liệu – Phục hồi chức năng, tôi đã kết hợp hai chuyên ngành để thiết kế chương trình tập trên. Thật lý thú, khi áp dụng đã đạt được kết quả mỹ mãn, chưa có trường hợp nào thất bại, chỉ có nhanh hay chậm mà thôi. Nhưng các bạn lưu ý chỉ những viên sỏi có đường kính dưới 5mm thôi nhé, những viên sỏi lớn hơn thì kết quả không chắc chắn. Tặng các bạn chương trình tập trên và chúc các bạn thành công.