Bệnh thận Shunt

Cập nhật: 17/04/2014 Lượt xem: 5177

BỆNH THẬN SHUNT

PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm, BV 103

(trích trong THẬN HỌC LÂM SÀNG. NXB YH. 2010. Của tác giả Hà Hoàng Kiệm)

1. Định nghĩa

       Viêm thận Shunt (Shunt nephritis) là bệnh viêm cầu thận qua trung gian phức hợp miễn dịch, xảy ra kết hợp với nhiễm khuẩn mạn tính ở shunt dẫn lưu dịch não tủy của não thất để điều trị não úng thủy.
Đây là một dạng viêm thận mới, cho đến 1996 có 115 ca trên thế giới được báo cáo.

2. Nguyên nhân

        Bệnh xảy ra ở những bệnh nhân bị bệnh não úng thủy được phẫu thuật làm ống thông não thất-tâm nhĩ (ventriculo-atrial) hoặc não thất-phúc mạc (ventriculo-peritoneal) để dẫn lưu dịch não tủy, xảy ra nhiễm khuẩn ống thông sau vài tháng hoặc nhiều năm. Vi khuẩn thường gặp là S. epidermidis. Viêm cầu thận là biến chứng xảy ra qua trung gian phức hợp miễn dịch.

3. Bệnh sinh

          Viêm cầu thận Shunt có cơ chế qua trung gian phức hợp miễn dịch. Người ta đã phát hiện được các phức hợp miễn dịch lưu hành trong máu bệnh nhân, và các lắng đọng miễn dịch ở cầu thận có chứa kháng nguyên vi khuẩn.
Bổ thể C3, C1, C2, C4, trong máu bệnh nhân trong giai đoạn tiến triển của bệnh giảm, và nồng độ bổ thể trong máu trở lại bình thường khi bệnh đáp ứng tốt với điều trị.

4. Hình ảnh mô bệnh học thận

            Có hai thể tổn thương mô bệnh học thận được báo cáo tùy thuộc vào bệnh cấp tính hay mạn tính.

+ Các trường hợp viêm thận cấp, tổn thương mô bệnh học thận là viêm cầu thận tăng sinh nội mao mạch, một số trường hợp thấy tạo thành hình liềm ngoài búi mao mạch cầu thận.

+ Các trường hợp viêm thận mạn tính, tổn thương mô bệnh học là viêm cầu thận màng tăng sinh, một số trường hợp cũng thấy tạo thành hình liềm ngoài búi mao mạch cầu thận.

5. Triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng

        Bệnh nhân có shunt dẫn lưu dịch não tủy từ não thất, sau vài tháng hoặc vài năm xuất hiện hội chứng nhiễm khuẩn và hội chứng viêm thận.

+ Hội chứng nhiễm khuẩn: biểu hiện sốt kéo dài, mệt mỏi, lưỡi bẩn, gan to, lách to, số lượng bạch cầu trong máu tăng, tốc độ lắng máu tăng.

+ Hội chứng viêm thận: biểu hiện đái ra máu đại thể hoặc vi thể, protein niệu, phù, tăng huyết áp, suy thận, đái ít có thể vô niệu, nồng độ ure, creatinin máu tăng.

+ Cấy máu và cấy dịch não tủy dương tính, thường là vi khuẩn S. epidermidis.

+ Xét nghiệm bổ thể trong máu giảm, đặc biệt C3.

+ Sinh thiết thận: hình ảnh tổn thương là viêm cầu thận tăng sinh nội mao mạch hoặc viêm cầu thận màng tăng sinh, có thể có tạo thành hình liềm ngoài mao mạch cầu thận.

5. Điều trị

+ Sử dụng kháng sinh theo kháng sinh đồ, nên phối hợp kháng sinh truyền tĩnh mạch.

+ Phẫu thuật lấy bỏ shunt nhiễm khuẩn, thay thế đường dẫn lưu khác.

+ Nếu suy thận cấp, vô niệu, có thể phải lọc máu

6. Tiên lượng

        Viêm thận Shunt có tiên lượng tốt nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, chức năng thận có thể hồi phục hoàn toàn. Bệnh nhân có thể tử vong do nhiễm khuẩn huyết. Bệnh thận có thể tiến triển gây viêm cầu thận mạn và dẫn đến suy thận giai đoạn cuối.
Những bệnh nhân có shunt dẫn lưu dịch não tủy từ não thất, cần được theo dõi thường xuyên để phát hiện sớm triệu chứng nhiễm khuẩn và điều trị kịp thời.

Nguồn: Hà Hoàng Kiệm. THẬN HỌC LÂM SÀNG. NXB YH. 2010.

 


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bệnh thận - Tiết niệu

    Bệnh tim mạch

      Bệnh cơ-xương-khớp

        Bệnh nội tiết-chuyển hóa

          Bệnh tiêu hóa

            Bệnh phổi - phế quản

              Bệnh Thần kinh - Tâm thần

                Bệnh truyền nhiễm

                  Bệnh nhi khoa

                    Cận lâm sàng

                      Bệnh khác

                        Thuốc

                          Vật lý trị liệu

                            Phục hồi chức năng

                              Tư vấn và Chia sẻ thông tin

                                Sách đã xuất bản của Hà Hoàng Kiệm

                                  Bài báo khoa học

                                    SÁCH CỦA TÔI