CẤP CỨU ĐỘT QUỴ CHẢY MÁU NÃO DO TĂNG HUYẾT ÁP
Trớch từ cuốn “Thực hành cấp cứu và điều trị bệnh nội khoa”. PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm. NXB YH 2013. Tr 255 -257.
1. CHẨN ĐOÁN
+ Khởi phát đột ngột mất các chức năng của não
+ Huyết áp tăng cao khi xẩy ra đột quỵ não, cần chú ý khi đột quỵ não cũng gây ra tăng huyết áp phản ứng, cần khai thác tiền sử tăng huyết áp.
+ Có tổn thương thần kinh khu trú:
- Liệt hoặc bại nửa người, liệt dây thần kinh số VII trung ương
- Có hoặc không có rối loạn cơ vòng
- Có hoặc không có rối loạn ngôn ngữ
Nếu không có tổn thương vỏ não vùng vận động hoặc đường dẫn truyền vận động thì không có tổn thương thần kinh khu trú.
- Có hoặc không có hội chứng màng não
- Có rối loạn ý thức, triệu chứng này rất có ý nghĩa khi không có tổn thương thần kinh khư trú: ý thức xấu đi đột ngột có thể ngủ gà, lú lẫn, thờ ơ, đờ đẫn hoặc hôn mê.
+ Cần soi đáy mắt, chọc dịch não tuỷ (dịch não tuỷ có máu)
+ Chụp CT scan sọ não cho chẩn đoán xác định (vùng chảy máu tăng tỉ trọng)
2. ĐIỀU TRỊ CẤP CỨU
2.1. Nguyên tắc
+ Bất động, giữ thông đường thở, thở oxy
+ Duy trì các chức năng sống: theo quy tắc A, B, C
+ Hạ huyết áp
+ Chống phù não
+ Thuốc cầm máu
+ Can thiệp mạch hoặc phẫu thuật (nếu có điều kiện)
+ Xét nghiệm cần làm ngay: soi đáy mắt, chọc dịch não tuỷ, CT scan sọ não.
2.2. Sử dụng thuốc
2.2.1. Điều chỉnh huyết áp
Cần hạ huyết áp xuống càng nhanh càng tốt nhưng không hạ huyết áp xuống tới mức bình thường. Nên duy trì huyết áp tâm thu ở mức 160 - 180 mmHg, vì tưới máu não phụ thuộc vào chênh lệch áp lực giữa huyết áp và áp lực nội sọ, khi xuất huyết não ổ xuất huyết cùng với phù não sẽ làm tăng áp lực nội sọ, vì vậy nếu hạ huyết áp xuống mức bình thường có thể gây thiếu máu não. Cần chú ý: khi xuất huyết não thường có tăng huyết áp phản ứng, do đó cần đề phòng tụt huyết áp khi dùng thuốc hạ huyết áp.
+ Furosemid ống 20 mg tiêm tĩnh mạch chậm 1 ống
+ Adalat gel 10 mg nhỏ dưới lưỡi 3 - 5 giọt, cứ 15 phút đo lại huyết áp một lần, nếu huyết áp tâm thu còn > 180 mmHg nhỏ tiếp 3 giọt cho xuống 180 mmHg.
+ Sau đó cho thuốc hạ huyết áp tác dụng chậm: niphedipin 10 mg, uống 1viên/24giờ hoặc amlor viên 5 mg, uống 1 viên/24 giờ hoặc madiplod 10 mg, uống 1 viên/24giờ hoặc coversyl viên 4 mg, uống 1 viên/24giờ.
2.2.2. Chống phù não
+ Manitol dung dịch 20%, truyền tĩnh mạch nhanh hết tốc độ 250 ml trong 30 phút, truyền 1 lần/ngày nếu lượng nước tiểu còn > 40 ml/giờ, chỉ dùng trong 48 giờ đầu. Manitol là thuốc tốt nhất điều trị phù não nhưng cần chú ý thuốc gây tăng thể tích tuần hoàn, do đó trong trường hợp suy tim cần thận trọng, nếu có suy tim nên thay bằng furosemid.
+ Magie sulphat ống 5 ml dung dịch 15%, tiêm bắp thịt 2 ống/24giờ. Không được tiêm tĩnh mạch vì tiêm tĩnh mạch có thể gây rối loạn nhịp tim nguy hiểm.
2.2.3. Thuốc chống đông
Sử dụng trong 3 ngày đầu của đột quỵ chảy máu não. Có thể sử dụng hemocaprol hoặc transamin, ống 5ml tiêm tĩnh mạch 1-2 ống/ngày.
2.2.4. Tăng tuần hoàn não
+ Chống co thắt mạch máu não thứ phát: nimotop (nimodipin) thuốc chẹn dòng calci có tác dụng chọn lọc trên mô não, chống co thắt mạch não thứ phát, lọ 50 ml pha với glucose 5% truyền tĩnh mạch chậm trong 10 giờ (0,25 mg/kg cân nặng/phút tương ứng 5 ml/giờ), truyền càng sớm càng tốt sau xuất huyết não hoặc nghẽn mạch não thời gian 5 - 15 ngày đầu. Chống chỉ định khi có tăng áp lực nội sọ, phù não, huyết áp tâm thu < 90mmHg.
+ Các thuốc làm giãn mạch máu não: theo quan niệm hiện nay, trong vòng 1 tuần đầu của tai biến mạch máu não người ta không khuyến cáo sử dụng các thuốc này, vì tổ chức não bị tổn thương và vùng lân cận phù nề, các mạch máu của vùng này không giãn được dưới tác dụng của thuốc do phù nề chèn ép, trong khi mạch máu của vùng não lành giãn gây hiện tượng “cướp máu” của vùng não tổn thương. Các thuốc này chỉ nên dùng sau tai biến mạch máu não 1 tuần.
- Pervincamin ống 15 mg, tiêm tĩnh mạch hoặc bắp thịt 1 ống/ngày
- Cavinton ống 10 mg, viên 10 mg. Tiêm tĩnh mạch hoặc bắp thịt 2 ống/ngày hoặc uống 2 - 4 viên/ngày.
- Stugerol viên 250 mg, uống 2 - 4 viên/ngày
- Lucidril ống 250 mg, viên 250 mg. Tiêm tĩnh mạch hay bắp thịt 1 ống/ngày hoặc uống 2 - 4 viên/ngày.
3. CAN THIỆP CẦM MÁU
+ Can thiệp mạch qua da để nút phình mạch hoặc nút dị dạng mạch máu não bằng coin
+ Phẫu thuật lấy khối máu tụ và làm giảm áp nội sọ
4. ĐIỀU DƯỠNG
+ Cho kháng sinh đề phòng bội nhiễm, cho một trong các loại sau:
- Lincomycin ống 600 mg, tiêm bắp thịt 2 ống/24 giờ, hoặc
- Gentamycin ống 80 mg, tiêm bắp thịt 1 ống/24giờ, hoặc
- Claforan lọ 1g, tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch 1 ống/24 giờ
+ Chăm sóc:
- Lưu thông đường thở, hút đờm dãi, chống tụt lưỡi, hô hấp viện trợ
- Trợ tim: ouabain ống 1/4 mg, tiêm tĩnh mạch chậm 1 ống
- Nếu bệnh nhân vật vã, co giật, cho sedusen ống 10 mg, tiêm tĩnh mạch hoặc bắp thịt 1/2 - 1 ống.
- Nếu hôn mê: nuôi dưỡng qua sond dạ dày