Hiệu quả và tính an toàn của kỹ thuật "Bóc tách viêm dính khớp vai dưới gây tê thần kinh trên vai"

Cập nhật: 13/01/2018 Lượt xem: 3035

Nghiên cứu hiệu quả và tính an toàn của kỹ thuật “Kéo bóc tách viêm dính khớp vai dưới gây tê thần kinh trên vai” kết hợp vật lý trị liệu để điều trị viêm quanh khớp vai thể đông cứng

Hà Hoàng Kiệm, Hoàng Tiến Ưng, Bùi Văn Tuấn, Hoàng Văn Thắng (BVQY 103)

Tóm tắt

Đặt vấn đề: Viêm quanh khớp vai thể đông cứng (VQKVĐC) là thể bệnh hay gặp, các phương pháp điều trị bảo tồn chỉ giúp chống viêm giảm đau nhưng hạn chế tầm vận động khớp rất ít được cải thiện do bao khớp bị viêm dính, nhiều trường hợp phải phẫu thuật nội soi để bóc tách dính bao khớp. Kỹ thuật “kéo bóc tách viêm dính khớp vai dưới gây tê thần kinh trên vai” là sáng kiến của Bộ môn – Khoa Phục hồi chức năng BV 103, HVQY (tác giả Hà Hoàng Kiệm) rất có hiệu quả lại đơn giản rẻ tiền đã được Hội đồng Khoa học và Y đức BV 103 cho phép thực hiện trong lâm sàng. Mục tiêu: Đánh giá hiệu quả giảm đau và phục hồi tầm vận động khớp vai của kỹ thuật “kéo bóc tách viêm dính khớp vai dưới gây tê thần kinh trên vai” kết hợp vật lý trị liệu để điều trị viêm quanh khớp vai thể đông cứng và đánh giá tác dụng không mong muốn của kỹ thuật trên. Đối tượng và phương pháp: 64 BN VQKVĐC giai đoạn 2 được nghiên cứu. Điều trị nền Mobic 7,5mg × 2viên/ngày, VLTL 1 lần/ngày trong 1 tuần rồi tiến hành thủ thuật, sau thủ thuật điều trị tiếp phác đồ trên 1 tuần. Đánh giá kết quả gồm mức độ đau theo thang điểm VAS, tầm vận động khớp đo bằng thước đo góc hai cành, phân loại mức độ hạn chế vận động theo McHill-McRomi. Đánh giá tại 3 thời điểm ngay trước và sau thủ thuật, sau thủ thuật 1 tuần. Kết quả và kết luận: Ngay sau thủ thuật mức độ giảm đau không khác biệt so với trước thủ thuật nhưng sau 1 tuần giảm đau rất tốt, không còn BN nào đau vừa và nặng, còn 89,06% BN đau nhẹ. Tầm vận động dạng khớp vai thụ động trở về bình thường (180 độ) 98,44%% ngay sau thủ thuật, sau 1 tuần về bình thường 100% BN. Không gặp tác dụng không mong muốn nào sau thủ thuật.

Từ khóa: Viêm quanh khớp vai, gây tê thần kinh trên vai, bóc tách viêm dính khớp vai

Summary

Study of effectivness and side effects of “capsular release technic of adhesive capsulitis of the shoulder under suprascapular nerve block” and physical therapy to treat frozen shoulder

Ha hoang kiem, Hoang tien ung, Bui Van Tuan, Hoang Van Thang (Military Hospital 103)

Background: Frozen shoulder is comon disease that treatment is still dificult. The conservative treatment may be decreased of pain but range of motion of shoulder is not progressive, somtime must to have arthroscopic capsular release. “Capsular release technic of adhesive capsulitis of the shoulder under suprascapular nerve block” was technical innovation of PhD.D Ha Hoang Kiem in Military hospital 103 which may be capsular release of adhesive capsulitis of the shoulder well. Objective: Evaluation of effectivness and side effects of technic “Capsular release of adhesive capsulitis of the shoulder under suprascapular nerve block” and physiotherapy to treat frozen shoulder. Method: 64 patients with frozen shoulder in stage 2 were studied. The patients were treated with Mobic 7,5mg × 2tab/day, physical therapy 1 time/day in 1week, then making technic, afer technic the patients were continued treating the same befor. Evaluation of pain according to VAS scale. Evaluation of range of motion of the shoulder according to classification of McHill-McRomi. Evaluation at 3 times: at time befor and after technic and after technic 1 week. Result and conclution: There were the pain relief well 1 week after technic, only 89,06% slight pain, no longer patients with average and severe pain. At time after technic and after 1 week, range of motion of shoulder were become normal. There were not any side effects after technic.

Key words: Frozen shoulder, suprascapular nerve block, Capsular release of adhevive capsulitis.

Đặt vấn đề

Viêm quanh khớp vai là thuật ngữ dùng để chỉ các trường hợp viêm, đau khớp vai do tổn thương phần mềm (gân, cơ, dây chằng, bao khớp, bao hoạt dịch) mà không có tổn thương ở sụn và xương khớp vai, không do nhiễm khuẩn và không do chấn thương mới. Viêm quanh khớp vai được chia làm 3 thể: Viêm quanh khớp vai đơn thuần; viêm quanh khớp vai thể đông cứng còn được gọi là viêm dính khớp vai; hội chứng vai tay còn được gọi là hội chứng loạn dưỡng thần kinh giao cảm phản xạ. Trong ba thể bệnh trên, viêm quanh khớp vai thể đông cứng (VQKVĐC) là thể bệnh hay gặp, đặc trưng lâm sàng là đau và hạn chế tầm vận động khớp vai, việc điều trị còn gặp nhiều khó khăn. Các biện pháp điều trị bảo tồn chỉ có tác dụng giảm đau chống viêm mà rất ít cải thiện tầm vận động khớp vai, khi ngừng điều trị thì đau khớp vai lại trở lại và việc điều trị thường phải kéo dài hàng năm hoặc hơn. Nhiều trường hợp phải phẫu thuật nội soi khớp vai hoặc kéo bóc tách viêm dính khớp vai dưới gây mê, các kỹ thuật này chỉ thực hiện được ở các bệnh viện lớn và tốn kém.

Xuất phát từ cơ chế bệnh sinh của VQKVĐC là viêm màng hoạt dịch và dính bao khớp ở nếp gấp nách gây bó cứng khớp vai. Vì vậy điều trị cần giải quyết hai vấn đề là chống viêm và bóc tách được dính bao khớp để trả lại tầm vận động của khớp vai. Bộ môn-Khoa Phục hồi chức năng BV 103 đã đề xuất kỹ thuật “kéo bóc tách viêm dính khớp vai dưới gây tê thần kinh trên vai” để điều trị viêm quanh khớp vai thể đông cứng. Kỹ thuật đã được Hội đồng khoa học và Y đức bệnh viện 103 thông qua và chấp nhận cho thực hiện trong lâm sàng ngày 22/4/2016, được công nhận sáng kiến cấp Học viện Quân y (tác giả: Hà Hoàng Kiệm, Hoàng Tiến Ưng, Bùi Văn Tuấn, Hoàng Văn Thắng) hiện nay đã trở thành kỹ thuật thường quy tại khoa Phục hồi chức năng BV 103. Để đánh giá hiệu quả và tính an toàn của kỹ thuật chúng tôi tiến hành đề tài này với hai mục tiêu:

- Đánh giá hiệu quả giảm đau và phục hồi tầm vận động khớp vai của kỹ thuật “kéo bóc tách viêm dính khớp vai dưới gây tê thần kinh trên vai” kết hợp vật lý trị liệu để điều trị viêm quanh khớp vai thể đông cứng.

- Đánh giá tác dụng không mong muốn của kỹ thuật trên.

1. Tổng quan

Viêm quanh khớp vai (VQKV) là hội chứng thường gặp. Theo Trần Ngọc Ân, trong hai năm (1993-1995) số BN VQKV chiếm 4% tổng số BN đến khám tại phòng khám cơ-xương-khớp bệnh viện Bạch Mai. Trong 10 năm (1991-2000) số BN VQKV điều trị nội trú tại khoa cơ-xương-khớp BV Bạch mai là 12,23%. VQKVĐC là thể bệnh hay gặp, đứng thứ hai sau thể VQKV đơn thuần. Đặc trưng lâm sàng là đau và hạn chế vận động cả chủ động và thụ động khớp vai. Tổn thương chủ yếu là viêm loét màng hoạt dịch bao khớp ổ chảo-cánh tay và dính bao khớp ở nếp nách làm bao khớp bó cứng khớp gây hạn chế vận động khớp. Vì vậy việc điều trị cần giải quyết hai vấn đề là chống viêm và bóc tách được dính bao khớp để trả lại tầm vận động của khớp vai.

 

Hình 1. Hình trái: hình ảnh nội soi khớp vai bình thường, màng hoạt dịch khớp trơn bóng; hình giữa: hình ảnh nội soi của bệnh nhân viêm VQKVĐC, màng hoạt dịch khớp ổ chảo-cánh tay viêm loét. Hình phải: nếp gấp nách là nơi bị dính làm bao khớp bó cứng lấy khớp gây hạn chế tầm vận động khớp vai trong VQKVĐC.

Điều trị bảo tồn VQKVĐC bao gồm nhiều biện pháp dùng thuốc chống viêm giảm đau, vật lý trị liệu, y học cổ truyền, có thể phối hợp các phương pháp. Nhưng điều trị bảo tồn chỉ giúp giảm viêm giảm đau, tầm vận động khớp vai hầu như cải thiện rất ít. Khi ngừng điều trị thì đau khớp vai lại trở lại và việc điều trị thường phải kéo dài hàng năm hoặc hơn. Nhiều trường hợp phải phẫu thuật nội soi khớp vai hoặc kéo bóc tách viêm dính khớp vai dưới gây mê, các kỹ thuật này chỉ thực hiện được ở các bệnh viện lớn và tốn kém.

Kỹ thuật “kéo bóc tách viêm dính khớp vai dưới gây tê thần kinh trên vai” để điều trị viêm quanh khớp vai thể đông cứng là kỹ thuật đơn giản, rẻ tiền, không xâm lấn, giúp bóc tách thành công viêm dính khớp vai, có thể thay thế hoàn toàn cho hai phương pháp can thiệp trước đây là kéo bóc tách dưới gây mê và phẫu thuật nội soi khớp vai.

2. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu

64 BN được chẩn đoán xác định VQKVĐC giai đoạn 2 được điều trị tại khoa Phục hồi chức năng BV 103 từ 4/2016 đến 11/2016, tự nguyện tham gia nghiên cứu. Tiêu chuẩn chẩn đoán: theo định nghĩa VQKVĐC giai đoạn 2 theo Codman EA. Tiêu chuẩn loại trừ: BN có tổn thương xương khớp vai (Xquang), loãng xương vừa và nặng, mắc các bệnh nặng như suy tim, suy gan, suy thận, rối loạn nhịp tim…, BN đang có tăng HA, sốt, BN dị ứng với lidocain.

Phương pháp nghiên cứu: tiến cứu, can thiệp theo dõi dọc 2 tuần.

Cách thức tiến hành: Bệnh nhân được điều trị nội khoa 1 tuần trước khi tiến hành kỹ thuật (Mobic 7,5mg × 2viên/ngày, VLTL (Điện xung, paraffin, sóng ngắn, tập vận động khớp vai) 1 lần/ngày để giảm đau, sau đó tiến hành kỹ thuật, sau kỹ thuật điều trị tiếp 1 tuần phác đồ như trước khi làm kỹ thuật.

Các bước tiến hành kỹ thuật: gây tê thần kinh trên vai bằng lidocain 40mg × 2 ống (thử phản ứng trước). Gây tê bổ xung vào bao khớp vai tại hai vị trí: phía trên ngoài và phía trước mỗi vị trí 1 ống lidocain 40mg. Sau gây tê 5-10 phút tiến hành kéo bóc tách: thì 1 BN nằm ngửa trên giường kỹ thuật, thì 2 một KTV dùng tay cố định xương bả vai của BN, thì 3 người thực hiện thủ thuật một tay nắm bàn tay BN, một tay nắm cánh tay BN, thì 4 người thực hiện kỹ thuật ngả người dùng trọng lực (không dùng sức) kéo xuôi theo người bệnh nhân rồi từ từ dạng và đưa cánh tay BN lên trên kết hợp xoay ngửa bàn tay BN, khi cánh ntay BN đạt 180độ thì dừng lại đưa tay BN xuôi theo người, cho BN nghỉ 5-10 phút rồi dậy. Đo mạch, huyết áp trước và ngay sau thủ thuật.

    

Hình 2. Vị trí phong bế thần kinh trên vai (hai hình trái) và bao khớp vai (hai hình phải).

Các thông số được thu thập tại 3 thời điểm ngay trước và sau kỹ thuật, sau kỹ thuật 1 tuần: Đánh giá chức năng khớp vai dựa vào 2 triệu chứng đau và hạn chế vận động: Đau đánh giá theo thang điểm VAS (0 điểm: không đau, đau nhẹ: 1-<5 điểm, đau vừa: 5-<8 điểm, đau nặng: 8-10 điểm). Tầm vận động khớp vai đo bằng thước đo góc hai cành theo phương pháp zero, đánh giá mức độ hạn chế vận động dạng khớp vai theo McHill-McRomi 2005 chia 4 độ: không hạn chế 180 độ, hạn chế nhẹ >150 độ, hạn chế vừa: 50-150độ, hạn chế nặng 0 - <50 độ.

3. Kết quả nghiên cứu

3.1. Đặc điểm BN nghiên cứu

Bảng 3.1. Tuổi và giới (n=64)

Thông số

n

%

p

 

 

Tuổi

< 41

5

7,81

 

< 0,05

(Anova)

41 – 50

23

35,94

51 – 60

31

48,44

> 60

5

7.81

 

Giới

Nam

42

65,62

<0,05

Nữ

22

34,38

Độ tuổi hay gặp nhất 51-60 tuổi, nam gặp nhiều hơn nữ, tỉ lệ nam/nữ = 1,9.

Bảng 3.2. Thời gian mắc bệnh và vị trí vai bệnh (n = 64)

Thông số

n

%

p

 

Thời gian mắc bệnh

(tháng)

< 1

10

15,62

 

< 0,05

(Anova)

1 – 3

23

35,94

> 3

31

48,44

 

Vị trí

Vai phải

35

54,69

> 0,05

Vai trái

29

45,31

BN đến điều trị muộn trên 3 tháng gặp nhiều nhất, vai phải gặp nhiều hơn vai trái nhưng chưa thấy sự khác biệt (p>0,05).

Bảng 3.3. Các biện pháp đã được điều trị trước khi đến viện (n = 64)

Thông số

n

%

Điều trị bằng thuốc non-steroid đơn thuần hoặc có kết hợp tiêm corticoid vào khớp

15

23,44

VLTL đơn thuần

10

15,63

Kết hợp thuốc và VLTL

39

60,93

Kết hợp giữa dùng thuốc và VLTL gặp nhiều nhất 60,93%.

3.2. Kết quả điều trị

3.2.1. Mức độ đau khớp vai

Bảng 3.4. Mức độ đau (VAS)

Mức độ đau

Trước thủ thuật. n (%) (1)

Ngay sau thủ thuật. n (%) (2)

Sau thủ thuật 1 tuần. n (%) (1)

p

Nhẹ

22 (34,38)

15 (23,44)

57 (89,06)

2&1 >0,05; 3&1 <0,01

Trung bình

31 (48,44)

27 (42,18)

7 (10,94)

2&1 >0,05; 3&1 <0,05

Nặng

11 (17,18)

22 (34,38)

0

2&1 >0,05; 3&1 <0,01

Điểm (x ± SD)

7,53 ± 1,2

7,49 ± 1,2

1.87 ± 0,5

2&1 >0,05; 3&1 <0,01

Ngay sau thủ thuật mức độ đau không khác biệt so với trước thủ thuật, sau thủ thuật 1 tuần giảm đau rõ, không còn BN nào đau nặng, chỉ còn 89,06% bệnh nhân đau nhẹ (p<0,01).

3.2.2. Tầm vận động khớp vai

Bảng 3.5. Dạng khớp vai và đưa lên trên (theo phân loại McHill-McRomi)

Thời điểm

Mức độ hạn chế

Chủ động

n (%)

P (so với trước TT)

Thụ động

n (%)

P (so với trước TT)

 

Ngay trước thủ thuật

Không hạn chế

0

 

0

 

Hạn chế nhẹ

5 (7,81)

6 (9,37)

Hạn chế vừa

49 (76,56)

50 (78,12)

Hạn chế nặng

10 (15,63

8 (12,5)

 

Ngay sau thủ thuật

Không hạn chế

49 (76,56)

 

<0,001

 

63 (98,44)

 

<0,00

Hạn chế nhẹ

10 (15,63)

1 (1,56)

Hạn chế vừa

5 (7,81)

0

Hạn chế nặng

0

0

 

Sau thủ thuật 1 tuần

Không hạn chế

63 (98,43)

 

<0,001

64 (100)

 

<0,00

Hạn chế nhẹ

1 (1,57)

0

Hạn chế vừa

0

0

Hạn chế nặng

0

0

Ngay sau thủ thuật tầm vận động dạng khớp vai và đưa cánh tay lên trên chủ động đã trở về gần bình thường (do còn đau), nhưng tầm vận động thụ động đã trở về bình thường 98,44%, sau 1 tuần tầm vận động cả chủ động và thụ động đã trở về bình thường 100%.

Bảng 3.6. Xoay trong khớp vai (theo phân loại McHill-McRomi)

Thời điểm

Mức độ hạn chế

Chủ động

n (%)

P (so với trước TT)

Thụ động

n (%)

P (so với trước TT)

 

Ngay trước thủ thuật

Không hạn chế

0

 

0

 

Hạn chế nhẹ

21 (32,81)

21 (32,81)

Hạn chế vừa

36 (56,25)

37 (57,81)

Hạn chế nặng

7 (10,94)

6 (9,38)

 

Ngay sau thủ thuật

Không hạn chế

36 (56,25)

 

<0,001

 

56 (87,5)

 

<0,001

Hạn chế nhẹ

21 (32,81)

8 (12,5)

Hạn chế vừa

7 (10,94)

0

Hạn chế nặng

0

0

 

Sau thủ thuật 1 tuần

Không hạn chế

63 (98,43)

 

<0,001

64 (100)

 

<0,00

Hạn chế nhẹ

1 (1,57)

0

Hạn chế vừa

0

0

Hạn chế nặng

0

0

Ngay sau thủ thuật động tác xoay trong chủ động về bình thường 56,25%, số còn lại do đau. Động tác thụ động về bình thường 87,5%. Sau 1 tuần 98,43% vận động chủ động về bình thường,  100% vận động thụ động về bình thường.

Bảng 3.7. Xoay ngoài khớp vai (theo phân loại McHill-McRomi)

Thời điểm

Mức độ hạn chế

Chủ động

n (%)

P (so với trước TT)

Thụ động

n (%)

P (so với trước TT)

 

Ngay trước thủ thuật

Không hạn chế

0

 

0

 

Hạn chế nhẹ

10 (15,63)

11 (17,19)

Hạn chế vừa

46 (71,87)

48 (75,0)

Hạn chế nặng

8 (12,15)

5 (7,8)

 

Ngay sau thủ thuật

Không hạn chế

46 (71,87)

 

<0,001

 

58 (90,63)

 

<0,001

Hạn chế nhẹ

10 (15,63)

6 (9,37)

Hạn chế vừa

8 (12,15)

0

Hạn chế nặng

0

0

 

Sau thủ thuật 1 tuần

Không hạn chế

62 (96,88)

 

<0,001

64 (100)

 

<0,00

Hạn chế nhẹ

2 (3,12

0

Hạn chế vừa

0

0

Hạn chế nặng

0

0

Ngay sau thủ thuật xoay ngoài thụ động về bình thường 90,63%, sau 1 tuần xoay ngoài thụ động trở về bình thường 100%.

3.3.3. Tính an toàn của kỹ thuật

Theo dõi các tác dụng không mong muốn gồm: Chảy máu khớp, rách bao khớp, gãy xương, choáng ngất, dị ứng thuốc, nhiễm khuẩn chỗ tiêm, chúng tôi không gặp trường hợp nào.

4. Bàn luận

Viêm quanh khớp vai thể đông cứng là thể bệnh hay gặp, việc điều trị theo các phương pháp kinh điển thường kéo dài nhiều tháng có khi hàng năm hoặc hơn và tốn kém. Kỹ thuật kéo bóc tách viêm dính khớp vai dưới gây tê thần kinh trên vai là kỹ thuật đơn giản rẻ tiền, có thể tiến hành được ở mọi cơ sở y tế giúp bóc tách viêm dính bao khớp vai nhanh chóng, hiệu quả và an toàn kết hợp với vật lý trị liệu (VLTL) để chống viêm cho kết quả điều trị rất tốt. Mặc dù đã được điều trị thuốc chống viêm giảm đau non-steroid kết hợp VLTL 1 tuần nhưng không có bệnh nhân nào hết đau, đau mức độ trung bình và nặng vẫn chiếm tói 65,62%, tầm vận động dạng thụ động khớp vai vẫn hạn chế mức độ vừa và nặng 90,27%. Ngay sau kỹ thuật tầm vận động thụ động đã trở về bình thường (180 độ) 98,44%, chỉ còn 1BN còn hạn chế nhẹ. Tiếp tục điều trị thuốc chống viêm giảm đau và VLTL sau thủ thuật 1 tuần mức độ đau giảm nhiều chỉ còn đau nhẹ 89,06%, không còn BN nào đau nặng. Tầm vận động dạng khớp vai chủ động và thụ động đã trở về bình thường 100%. Chúng tôi không gặp bất kỳ tác dụng không mong muốn nào của kỹ thuật. Có thể nói kỹ thuật kéo bóc tách viêm dính khớp vai dưới gây tê thần kinh trên vai nếu làm đúng chỉ định và đúng kỹ thuật là an toàn và có thể thay thế hoàn toàn cho các phương pháp can thiệp kinh điển là bóc tách dưới gây mê và mổ nội soi khớp vai.

Kết luận

Kỹ thuật kéo bóc tách viêm dính khớp vai dưới gây tê thần kinh trên vai kết hợp VLTL đạt hiệu quả rất tốt trong điều trị viêm quanh khớp vai thể đông cứng. Tầm vận động thụ động khớp vai ngay sau thủ thuật đã trở về bình thường 98,44%, sau thủ thuật 1 tuần về bình thường 100%. Mức độ giảm đau sau 1 tuần rất tốt, chỉ còn đau nhẹ 89,06%, không còn bệnh nhân nào đau trung bình hoặc nặng, bệnh nhân trở lại sinh hoạt và lao động gần bình thường.

Thực hiện đúng chỉ định và đúng kỹ thuật thì kỹ thuật kéo bóc tách viêm dính khớp vai dưới gây tê thần kinh trên vai rất an toàn và hiệu quả, chúng tôi không gặp bất kỳ tác dụng không mong muốn nào trong nghiên cứu.

Tài liệu tham khảo

1. Trần Ngọc Ân (2002): “Viêm quanh khớp vai”; Bệnh thấp khớp, Nhà xuất bản y học; trang 364- 374 

2. Hà Hoàng Kiệm (2015). "Viêm quanh khớp vai, chẩn đoán và điều trị. NXBYH.

3. Cinar M, Akpinar S, Derincek A, Circi E, Uysal M. (2010): Comparison of arthroscopic capsular release in diabetic and idiopathic frozen shoulder patients. Arch Orthop Trauma Surg; 130: 401-406.

4. De Winter AF, Jans MP, Scholten RJ, Deville W, van Schaardenburg D, Bouter LM (1999): “Diagnostic classification of shoulder disorders: interobserver agreement and determinants of disagreement”; Ann Rheum Dis, p58: 272-7 

Phụ lục: một số hình ảnh minh họa

  

BN. Nguyễn Thị C. 57 tuổi, Lạng sơn. Viêm quanh khớp vai trái thể đông cứng đã 8 tháng, đã điều trị nhiều bệnh viện, đến với chúng tôi ngày 12.5.2017. Tầm vận động dạng và đưa lên trên trở về bình thường ngay sau thủ thuật.

   

BN Trần Thị Ng. 55 tuổi Việt kiều Úc. Bị viêm quanh khớp vai trái 6 tháng, đã điều trị nhiều lần ở Úc, khi về Hà Nội thăm người thân đã được giới thiệu đến với chúng tôi 14.7.2017. Ngay sau kỹ thuật tầm vận động khớp vai đã trở về bình thường. Nụ cười của bệnh nhân đã nói lên tất cả.

  

BN Nguyễn Thị Ch.68 tuổi, 301 Quang Trung, Hà Đông, HN. Viêm quanh khớp vai trái 6 tháng đã được một bệnh viện lớn ở HN hẹn chuẩn bị 60 tr. đồng để vào mổ nội soi. BN đã được giới thiệu đến với chúng tôi ngày 25.11.2016. Ngay sau kỹ thuật, tầm vận động khớp vai đã trở lại bình thường.

 


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bệnh thận - Tiết niệu

    Bệnh tim mạch

      Bệnh cơ-xương-khớp

        Bệnh nội tiết-chuyển hóa

          Bệnh tiêu hóa

            Bệnh phổi - phế quản

              Bệnh Thần kinh - Tâm thần

                Bệnh truyền nhiễm

                  Bệnh nhi khoa

                    Cận lâm sàng

                      Bệnh khác

                        Thuốc

                          Vật lý trị liệu

                            Phục hồi chức năng

                              Tư vấn và Chia sẻ thông tin

                                Sách đã xuất bản của Hà Hoàng Kiệm

                                  Bài báo khoa học

                                    SÁCH CỦA TÔI