Vĩnh Phúc, nơi an vị tượng phật ngọc nguyên khối lớn nhất Việt Nam

Cập nhật: 28/04/2014 Lượt xem: 3471

Vĩnh Phúc: Nơi an vị tượng Phật ngọc nguyên khối lớn nhất Việt Nam

Hình thành cách đây hơn 1.000 năm, làng Thổ Tang xưa nay là thị trấn Thổ Tang thuộc huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc đã nổi tiếng là vùng đất nhiều nghề, giỏi giao thương buôn bán và cũng là vùng đất học. Cũng tại nơi đây, có ngôi chùa cổ Tùng Vân được xây dựng vào thời Hậu Lê (cuối thế kỷ XVII). Chùa còn lưu giữ nguyên vẹn nhiều bảo vật như: chuông đồng, khánh đồng...và một số pho tượng bằng đất nung, trong đó có pho tượng Phật Thích Ca Mầu Ni có niên đại cách đây gần 300 năm. Chùa Tùng Vân được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích lịch sử quốc gia năm 1992, năm 2008 chùa được tôn tạo lại với quy mô lớn và khánh thành năm 2010. Năm 2011 chùa xây dựng thêm được một hạng mục nữa đó là lầu Quan Âm bằng gỗ lim và đá xanh Thanh Hóa.

Với lòng thiện tâm của mình dành cho chùa, nhân dân thị trấn Thổ Tang đã tìm kiếm được khối ngọc xanh nặng gần 20 tấn từ vùng Văn Chấn – Yên Bái, tạc nên hai bức tượng phật ngọc lớn nhất Việt Nam tại chùa Tùng Vân. Sau hơn 1 năm gửi hồ sơ đăng ký để xác lập kỷ lục, đến ngày 16/ 09/ 2011, dưới sự chứng kiến của lãnh đạo huyện, xã và các phật tử gần xa về chiêm bái, tại trị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường – Vĩnh Phúc đã diễn ra lễ công nhận tượng Đức Phật Thích Ca Mầu Ni trong chùa Tùng Vân là tượng Phật ngọc nguyên khối lớn nhất Việt Nam (sách kỷ lục Guinness Việt Nam xác lập). Ông Phạm Đan Quế - Thường trực Hội đồng biên tập Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam công bố và trao giấy chứng nhận, huy hiệu kỷ lục Việt Nam cho Đại đức Thích Nguyên Cao, trụ trì chùa Tùng Vân.

Khối đá ngọc xanh được tìm thấy ở Yên Bái (vốn là vùng đất nổi tiếng về các loại đá quý) được vận chuyển về chùa Tùng Vân vào đầu năm 2010. Việc phát hiện ra một khối ngọc xanh có trọng lượng lớn đến hàng chục tấn và rất ít tì vết đã gây ra sự ngạc nhiên cho giới nghiên cứu và kinh doanh đá quý trong nước. Theo lời của Đại đức Thích Nguyên Cao, trụ trì chùa Tùng Vân thì việc cưa, xẻ, đục, chạm khối ngọc được giám sát tỉ mỉ và làm kỳ công, phức tạp, mỗi chi tiết mỹ thuật chạm khắc đều phải thể hiện được thần sắc của Đức Phật (phần lộ ra bên ngoài) đúng với mô tả về 32 tướng tuyệt hảo trong kinh nhà Phật. Tượng mang vẻ đẹp sáng bóng dịu mát của màu xanh rất gần gũi với tâm nguyện hàng ngày mỗi người dân Việt Nam, hướng tới sự hòa bình. Sau hơn 5 tháng chế tác, tượng Phật Thích Ca Mầu Ni đã được hoàn thành gồm: pháp tòa và đài sen, cao 2.1m, dày 1,2m, nặng 4 tấn, được tạc liền khối dựa theo nguyên mẫu của pho tượng Phật Thích Ca Mầu Ni bằng đất nung có niên đại cách đây gần 300 năm và hiện đang được tôn thờ tại chùa Tùng Vân. Với sự tỉ mẩn kết tụ tinh hoa, tâm huyết của các nghệ nhân Viêt Nam đã giúp phật tử cảm nhận được cái “thần” khi chiêm bái.

Trước khi đưa quay trở lại chùa Tùng Vân làm lễ an vị, pho tượng Phật ngọc đã được rước đến Hội thảo Hoằng pháp trung ương năm 2010 và Đại lễ Phật đản tỉnh Thái Nguyên vào tháng 5 năm 2011 cho khách thập phương gần xa chiêm bài./. 

 Kim Dung – XTDL


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bài về chủ bút

    Tinh hoa nhân loại

      Khoa học

        Văn học

          SÁCH CỦA TÔI