Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân

Cập nhật: 18/04/2014 Lượt xem: 11779

22.12.1944. Ngày thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân

 

          Buổi lễ thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng Quân; Võ Nguyên Giáp (bìa trái), Hoàng Văn Thái cầm cờ (là người đội mũ)

          Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân là tên của đội quân chủ lực của Mặt trận Việt Minh từ tháng 12 năm 1944 đến tháng 5 năm 1945. Đây là tổ chức quân sự được xem là tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ngày thành lập Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, 22 tháng 12, sau này đã được chọn làm ngày truyền thống của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Hình thành

          Giữa năm 1944, chính quyền Mặt trận Việt Minh phát triển mạnh ở vùng Cao Bắc Lạng, tận dụng lợi thế do Pháp Nhật chú ý gìm nhau ở Đông Dương, chủ yếu ở các vùng đô thị quan trọng, nên chưa thể thực hiện trấn áp ở vùng núi biên giới. Tuy vậy, dù đã có những đội du kích vũ trang, nhưng hoạt động tuyên truyền chính trị của cán bộ Việt Minh vẫn chưa hoàn toàn kết hợp được với hoạt động vũ trang, khi đó vẫn mang nặng tính địa phương, thiếu thống nhất, nên chưa phát huy tác dụng gây dựng cơ sở lan rộng, nhất là với những vùng vẫn còn nằm trong vùng kiểm soát, dù là lỏng lẻo, của người Pháp.

          Trong bối cảnh đó, lãnh tụ Việt Minh Hồ Chí Minh nhận định nếu chỉ có tuyên truyền chính trị sẽ khó thành công, vì vậy ông đã ra chỉ thị về việc thành lập một lực lượng vũ trang chủ lực, nòng cốt lấy từ các cán bộ chính trị, đội viên du kích năng nổ. Ông chỉ định ông Võ Nguyên Giáp đảm nhiệm công việc thành lập lực lượng vũ trang tập trung. Sau khi được ông Võ Nguyên Giáp và Lê Quảng Ba thông báo kế hoạch thành lập tổ chức vũ trang lấy tên "Đội Việt Nam Giải phóng quân" ông đã thêm hai từ "Tuyên truyền" để thành tên gọi hoàn chỉnh "Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân".

          Trên cơ sở đó, tháng 9 năm 1944, một số cán bộ chính trị và đội viên du kích của Việt Minh, tập hợp thành 3 đội vũ trang tập trung của Tam Kim, Hoa Thám, Chí Kiên, đã được triệu tập dự lớp huấn luyện 20 ngày tại rừng Khuổi Cọ (cách đèo Cao Bắc khoảng 6 km) do các ông Võ Nguyên Giáp và Hoàng Sâm làm giảng viên. Giữa tháng 12 năm 1944, một chỉ thị viết tay, để trong vỏ bao thuốc lá, của lãnh tụ Hồ Chí Minh gửi cho ông Võ Nguyên Giáp.

Thành lập

           Đội được thành lập ngày 22 tháng 12 năm 1944 tại khu rừng nằm giữa hai tổng Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám (nay thuộc tỉnh Cao Bằng). Quân số ban đầu được chia thành 3 tiểu đội, trong đó Võ Nguyên Giáp chỉ huy chung; Hoàng Sâm được chọn làm đội trưởng; Xích Thắng, tức Dương Mạc Thạch, làm chính trị viên, Hoàng Văn Thái phụ trách tình báo và kế hoạch tác chiến; Lâm Cẩm Như, tức Lâm Kính, phụ trách công tác chính trị; Lộc Văn Lùng tức Văn Tiên làm quản lý. Vũ khí ban đầu có 2 súng thập (súng ngắn 10 viên), 17 súng trường, 14 súng kíp.

Hoạt động

          Sau khi thành lập đội đã đánh thắng hai trận đầu tiên ở Phai Khắt và Nà Ngần (Cao Bằng). Sau 2 trận này, quân số tăng lên thành đại đội, Hoàng Sâm làm đại đội trưởng, còn Xích Thắng làm chính trị viên.

          Đội đã tạo ra một khu vực có cơ sở cách mạng rộng lớn ở Hòa An, Nguyên Bình (Cao Bằng), Ngân Sơn, Chợ Rã (Bắc Kạn)...
Sau khi Nhật đảo chính Pháp ngày 9 tháng 3 năm 1945, Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân chia thành nhiều mũi, có mũi thọc xuống phía nam đánh chiếm Ngân Sơn, Chợ Rã, Phủ Thông, Chợ Đồn, Na Rì (Bắc Kạn), Chiêm Hóa (Tuyên Quang), có mũi tiến công Thất Khê, Bình Gia (Lạng Sơn), lại có mũi ngược lên biên giới Việt - Trung hạ một loạt đồn trại từ Trùng Khánh đến Bảo Lạc rồi phát triển sang phía Hà Giang. Cuối tháng 3, đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã gặp Cứu quốc quân ở Chợ Chu (Thái Nguyên).

           Ngày 15 tháng 5 năm 1945, tại Chợ Chu, Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân hợp nhất với Cứu quốc quân và một số đơn vị du kích thành lực lượng quân sự thống nhất, lấy tên là Việt Nam Giải phóng quân.

Mười lời thề danh dự của đội viên Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân

           Chúng tôi đội viên Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, xin lấy danh dự của một người chiến sỹ cứu quốc mà thề dưới lá cờ đỏ sao vàng năm cánh. Xin thề:

1. Hy sinh tất cả vì tổ quốc Việt Nam, chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để tiêu diệt bọn phát xít Nhật-Pháp và bọn Việt gian phản quốc, làm cho nước Việt Nam trở nên một nước độc lập và dân chủ ngang hàng với các nước dân chủ trên thế giới.
2. Tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh của cấp chỉ huy, khi nhận được mệnh lệnh gì sẽ tận tâm, tận lực thi hành cho nhanh chóng và chính xác.
3. Bao giờ cũng kiên quyết chiến đấu, dù gian lao khổ sở cũng không phàn nàn, vào sống ra chết cũng không sờn chí, khi ra trận quyết chí xung phong, dù đầu rơi máu chảy cũng không lùi bước.
4. Lúc nào cũng khẩn trương hoạt bát, hết sức học tập để tự rèn luyện thành một quân nhân cách mạng, xứng đáng là một người chiến sỹ tiên phong giết giặc cứu nước.

5. Tuyệt đối giữ bí mật cho bộ đội về nội dung tổ chức, về các cấp chỉ huy, tuyệt đối giữ bí mật cho tất cả các đoàn thể cứu quốc.
6. Khi ra trận nếu bị quân địch bắt được, thì dù cực hình tàn khốc thế nào cũng cương quyết một lòng trung thành với sự nghiệp giải phóng của toàn dân, không bao giờ cung khai phản bội.
7. Hết sức ái hộ bạn chiến đấu cũng như bản thân, hết lòng giúp đỡ nhau lúc thường cũng như lúc ra trận.
8. Hết sức giữ gìn vũ khí, không bao giờ để vũ khí hư hỏng, hay rơi vào tay quân thù.
9. Khi tiếp xúc với dân sẽ làm đúng ba điều răn: "không lấy của dân" – "không dọa nạt dân"- "không quấy nhiễu dân" và ba điều nên: "kính trọng dân" – "giúp đỡ dân" – "bảo vệ dân", để gây lòng tin cậy đối với dân chúng, thực hiện quân dân nhất trí giết giặc cứu nước.
10. Bao giờ cũng nêu cao tinh thần tự phê bình, giữ tư cách cá nhân mô phạm, không làm điều gì hại đến thanh danh Giải phóng quân và Quốc thể của Việt Nam.

Danh sách các đội viên đầu tiên

          34 đội viên đầu tiên của lực lượng Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân

          Trong số 34 cán bộ, chiến sĩ của đội có 29 người là dân tộc thiểu số. Cụ thể, dân tộc Tày: 19, dân tộc Nùng: 8, dân tộc Mông: 1, dân tộc Dao: 1; còn lại 5 người dân tộc Kinh.

           STT: Tên - Bí danh - Dân tộc - Quê quán

1. Trần Văn Kỳ - Hoàng Sâm - Kinh - Tuyên Hoá, Quảng Bình.
2. Dương Mạc Thạch - Xích Thắn - Tày - Nguyên Bình, Cao Bằng.
3. Hoàng Văn Xiêm - Hoàng Văn - Thái - Kinh - Tiền Hải, Thái Bình.
4. Hoàng Thế An - Thế Hậu - Tày - Hà Quảng, Cao Bằng.
5. Bế Bằng  - Kim Anh - Tày - Hoà An, Cao Bằng.
6. Nông Văn Bát - Đàm Quốc Chưng - Tày - Hoà An, Cao Bằng.
7. Bế Văn Bồn - Bế Văn Sắt - Tày - Hoà An, Cao Bằng.
8. Tô Văn Cắm -Tiến Lực - Tày - Nguyên Bình, Cao Bằng.
9. Nguyễn Văn Càng - Thu Sơn - Tày - Hoà An, Cao Bằng.
10. Nguyễn Văn Cơ  - Đức Cường - Kinh - Hoà An, Cao Bằng.
11. Trần Văn Cù - Trương Đắc - Tày - Nguyên Bình, Cao Bằng.
12. Hoàng Văn Củn - Quyền Thịnh - Tày Võ Nhai, Thái Nguyên.
13. Võ Văn Dảnh - Luân Kinh - Tuyên Hoá, Quảng Bình.
14. Tô Vũ Dâu - Thịnh Nguyên - Tày - Hoà An, Cao Bằng.
15. Dương Văn Dấu - Đại Long - Nùng - Hà Quảng, Cao Bằng.
16. Chu Văn Đế - Nam - Tày - Nguyên Bình, Cao Bằng.
17. Nông Văn Kiếm - Liên - Tày - Nguyên Bình, Cao Bằng.
18. Đinh Văn Kính - Đinh Trung Lương - Tày - Hạch An, Cao Bằng.
19. Hà Hưng Long - Tày - Hoà An, Cao Bằng.
20. Lộc Văn Lùng - Văn Tiên - Tày Cao Lộc, Lạng Sơn.
21. Hoàng Văn Lường - Kính Phát - Nùng - Ngân Sơn, Bắc Kạn.
22. Hầu A Lý - Hồng Cô - Mông - Nguyên Bình, Cao Bằng.
23. Long Văn Mần - Ngọc Trình - Nùng - Hoà An, Cao Bằng.
24. Bế Ích Nhân - Bế Ích Vạn - Tày - Ngân Sơn, Bắc Kạn.
25. Lâm Cẩm Như - Lâm Kính - Kinh - Thạch An, Cao Bằng.
26. Hoàng Văn Nhủng - Xuân Trường - Tày - Hà Quảng, Cao Bằng.
27. Hoàng Văn Minh - Thái Sơn - Nùng - Ngân Sơn, Bắc Kạn.
28. Giáp Ngọc Páng - Nông Văn Bê - Nùng - Hoà An, Cao Bằng.
29. Nguyễn Văn Phán - Kế Hoạch - Tày - Hoà An, Cao Bằng.
30. Ma Văn Phiêu - Bắc Hợp - Tày - Nguyên Bình, Cao Bằng.
31. Đặng Tuần Quý - Dao Nguyên Bình - Cao Bằng.
32. Lương Quý Sâm - Lương Văn Ích - Nùng - Hà Quảng, Cao Bằng.
33. Hoàng Văn Súng - La Thanh - Nùng - Hà Quảng, Cao Bằng.
34. Mông Văn Vẩy - Mông Phúc Thơ - Nùng - Võ Nhai, Thái Nguyên.

          Trong 34 chiến sĩ đầu tiên, sau 70 năm (22.12.2014) chỉ còn cụ Tô Văn Cắm đã 93 tuổi là người vẫn sống và khỏe mạnh.

Ông Tô Văn Cắm hiện sống tại Đạ Tẻh Lâm Đồng.

Chỉ thị của Bác Hồ thành lập đội việt nam tuyên truyền giải phóng quân

          Thứ bảy, 09 Tháng 1 2010 00:34

          Đêm ấy trời giá lạnh. Trong căn lều không có ánh đèn, sau khi nghe đồng chí Võ Nguyên Giáp và Vũ Anh báo cáo tình hình phong trào cách mạng ba tỉnh Cao - Bắc - Lạng và chỉ định Võ Nguyễn Giáp đảm nhiệm công việc thành lập lực lượng vũ trang tập trung, lãnh tụ Hồ Chí Minh cùng hai học trò nằm bên nhau, trao đổi tâm tình mãi đến 2-3 giờ sáng. Mỗi người gối đầu trên một khúc gỗ cứng, nhưng trí óc hầu như đều hướng về một mục tiêu. Chiều hôm sau, khi gặp Võ Nguyên Giáp và Lê Quảng Ba thông báo kế hoạch thành lập lực lượng vũ trang tập trung, Người thêm hai từ "Tuyên truyền" vào sau "Đội Việt Nam..." thành tên gọi hoàn chỉnh "Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân". Lúc tiễn chân Võ Nguyên Giáp trở về tổng Hoàng Hoa Thám để triển khai thành lập đội, Người dặn: "Nhớ bí mật, ta ở Đông, địch tưởng là ta ở Tây. Lai vô ảnh, khứ vô hình".


          Gần nửa tháng sau, khoảng giữa tháng 12-1944, Võ Nguyễn Giáp nhận được thư Bác. Thư xếp gọn trong bao thuốc lá. Đó là bản Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân lịch sử - Nội dung chỉ thị gồm:

1. Tên: Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền. "Đội" có nhiệm vụ dìu dắt cán bộ vũ trang các địa phương; giúp đỡ huấn luyện, giúp đỡ vũ khí nếu có thể được làm cho các đội này trưởng thành mãi lên. Nguyên tắc tổ chức lực lượng là "sẽ chọn lọc trong hàng ngũ du kích Cao - Bắc - Lạng số cán bộ, đội viên kiên quyết, hăng hái nhất là sẽ tập trung một phần lớn vũ khí để lập ta đội chủ lực..."

2. Đối với các đội vũ trang địa phương: Tập trung huấn luyện các cán bộ địa phương rồi đưa về huấn luyện ở các địa phương, trao đổi kinh nghiệm, liên lạc thông suốt, phối hợp tác chiến.

3. Về chiến thuật: "Vận dụng lối đánh du kích, bí mật nhanh chóng, tích cực, nay Đông, mai Tây, lai vô ảnh, khứ vô tung".

           Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam.

Như lịch sử đã diễn ra: Ngày 22-12-1944 thực hiện Chỉ thị của Bác, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã được thành lập tại khu rừng Sâm Cao (còn gọi là Trần Hưng Đạo) thuộc huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng.

           Vượt lên muôn trùng thử thách, lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam đã trở thành đội quân hùng hậu, bao gồm ba thứ quân. Đội quân ấy đã là lực lượng nòng cốt trong cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện; trong cuộc chiến tranh nhân dân và nền quốc phòng toàn dân. Dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, LLVTND góp phần đánh thắng quân phát xít Nhật giành chính quyền về tay nhân dân; góp phần đánh thắng 2 đế quốc to là Pháp và Mỹ, hoàn thành nhiệm vụ giải phóng Tổ quốc, thống nhất đất nước; làm tròn nghĩa vụ quốc tế và đánh thắng trong 2 cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

          Biết bao bài học thấm thía mà thời gian càng lùi xa, càng sâu sắc: Từ tên gọi cho đến nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức đội "quân đàn anh" khởi điểm của Giải phóng quân, cho đến mối quan hệ giữa "đội" với các đội vũ trang địa phương và chiến thuật, tiền đồ, triển vọng phát triển... đều được gói gọn trong bức thư nhỏ! Đâu chỉ là sự dồn nén, tinh lọc tư duy trong thời gian hơn nửa tháng đó. Nếu chúng ta đọc lại từ "Đường cách mệnh" cho đến những "Thư từ Trung Quốc" và các bài viết đúc kết của Bác về cách đánh du kích, cách tiến công tập kích, phục kích, phòng ngự, phá hoại, hành quân, xây dựng căn cứ địa mà Bác đã soạn thảo cũng như các bản nghiên cứu về Binh pháp xưa (trong đó có Tôn Tử) cùng với quá trình gieo ươm, đào luyện hạt giống cách mạng (trong đó có nguồn cán bộ quân sự) thì ta càng nhận rõ sự kết tinh lý luận - thực tiễn được chưng cất trong mấy trăm từ của Bản Chỉ thị chính trị trọng hơn quân sự đâu chỉ là ý nghĩa nhất thời! Nhất là hiện nay khi những mưu toan thâm độc "phi chính hóa LLVT", "phi chính hóa quân đội cách mạng" đang được các thế lực thù địch, phản động ra sức phỉnh nịnh, trát tô, tung hỏa mù. Bí mật nhanh chóng, lai vô ảnh khứ vô tung đâu chỉ với trước đây hoặc chỉ lúc đánh du kích! Đội quân chủ lực phải có trách nhiệm đối với địa phương là trách nhiệm LLVT địa phương, quan hệ phối hợp, trao đổi kinh nghiệm... đâu chỉ đúng là tác dụng với quá khứ? Lại càng nhớ câu Bác Viết: ..."Nếu người ngoài trông thấy bước đầu của Giái phóng quân thì chắc họ sẽ cho rằng đó là công việc của mấy người "không tưởng"; chắc họ sẽ mỉa mai rằng: "Vài chục thằng thanh niên, học trò là dân cày, Thổ có, Nùng có, Trại có, Kinh có. Với vài khẩu súng quèn, mười con dao mã tấu mà cũng dám tự gọi là quân, cũng dám gánh cái trách nhiệm giải phóng cho dân tộc". - Lòng lại dặn lòng: "Kính thưa Bác bây giờ thì chỉ kẻ bất bình thường mới nghĩ trò chơi của trẻ con". Song không vì thế mà các thế hệ LLVTND được phép thỏa mãn, lơ là, mất cảnh giác.

PHAN XUYẾN


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bài về chủ bút

    Tinh hoa nhân loại

      Khoa học

        Văn học

          SÁCH CỦA TÔI