Truyền thuyết Ông Hoàng Mười; Ông Hoàng Bảy

Cập nhật: 02/01/2017 Lượt xem: 26200

Truyền thuyết Ông Hoàng Mười; Ông Hoàng Bảy trong tín ngưỡng thờ mẫu 

1. Ông Hoàng Mười

1.1. Theo sưu tầm của Quách Văn

Trong số Thập vị Quan Hoàng, chỉ có Thánh ôngở Việt Nam Hoàng Mười và Thánh ông Hoàng Bảy là hay về ngự đồng. Khi ngự đồng, Thánh ông Hoàng Mười thường diện long phục, thêu chữ “thọ”, đầu đội khăn xếp, thắt dây vàng, trâm cài tóc màu vàng. Khi ngự đồng, có khi ông lấy quạt làm sách, lấy bút làm trâm, vừa đi vừa ngâm thơ hoặc giả động tác của dân lao động...

Trong số Thập vị quan Hoàng, Thánh ông Hoàng Mười là một trong những vị tồn tại nhiều dị bản về thân thế. Nhưng khác với truyền thuyết về ông Hoàng Bảy, Thánh ông Hoàng Mười được gắn với các nhân vật có thật trong sử sách. Tuy nhiên, đáng tiếc là đến nay, giới nghiên cứu vẫn chưa thể bóc tách từng giả thuyết để trả lời cho câu hỏi. Ông Hoàng Mười là ai?

Truyền thuyết ông Hoàng Mười:

- Ông Hoàng Mười là con của Đức vua cha Bát Hải Động Đình(*)

Một số câu chuyện ghi lại rằng: Thánh ông Hoàng Mười là con của Đức vua cha Bát Hải Động Đình đầu thai thành vị tướng tên Lê Khôi dưới triều Lê, giúp Lê Lợi đánh tan giặc Minh. Khi đất nước thái bình, theo lệnh vua cha, ông hóa thân về trời. Từ đó, người dân vùng Nghệ An gọi ông là “Đức thánh minh”, lập nên đền thờ để hậu thế đời đời tưởng nhớ.

Trong sách “Đạo mẫu Việt Nam”, GS Ngô Đức Thịnh chủ biên, Nhà nghiên cứu Phạm Văn Khiêm cũng đã liệt kê được trên 80 câu thơ về nhân vật lịch sử này. Đây cũng đồng thời là bài hát khi hầu giá ông Hoàng Mười. Điểm đặc biệt trong nội dung lời hầu giá lại chính là lai lịch, sở thích của vị tướng quân có công giết giặc giữ nước trùng với giả thuyết cho rằng, ông Hoàng Mười thực ra là vị tướng Lê Khôi.

Lời hầu giá rằng: “Cánh hồng thấp thoáng trăng thanh/ Nghệ An có đức thánh minh ra đời (Hoàng Mười)/ Gươm thiêng chống đất chỉ trời/ Đánh Đông dẹp Bắc việc ngoài binh nhung/ Thanh xuân một đấng anh hùng/ Tài danh nổi tiếng khắp vùng trời Nam”... Nội dung bài hầu giá ngoài việc ca ngợi vị tướng Lê Khôi, tức đức thánh minh không chỉ có tài kiếm cung, thao lược mà ông cũng rất phong lưu, đào hoa. Khi rảnh rỗi, ông thường cưỡi ngựa đi ngắm cảnh, làm thơ, bên cạnh lúc nào cũng năm, ba thiếu nữ theo hầu...

Lời hát khi hầu giá ông Hoàng Mười mà Nhà nghiên cứu Phạm Văn Khiêm đưa vào sách “Đạo Mẫu Việt Nam” chỉ là một trong số nhiều bài hát hầu giá khác cùng tồn tại. Điều đó nói lên sự phức tạp và có nhiều dị bản khác nhau về ông Hoàng Mười.

 (*) Chú thích: Vua cha Bát Hải Động Đình là ai?

Tục truyền, vào đời Vua Hùng Vương thứ 18, nước nhà bị ngoại bang xâm lấn, Long Cung Hoàng Thái Tử (Giao Long - con của Lạc Long Quân và người thiếp Ngọc Nữ) đầu thai vào một gia đình vùng cửa sông Vĩnh thuộc Trang Hoa Đào, đất Việt (An Lễ, Quỳnh Phụ bây giờ), giúp vua đánh giặc. Ngài cùng 2 em, 10 tướng (Quan Lớn thượng, Quan Đệ Tam, Quan Đệ Tứ…Quan Điều Thất (Hoàng Mười ), quân sư quê ở Nuồi (Tứ Kỳ - Hải Dương), 28 vị nội tướng và binh sĩ, chỉ trong 3 ngày xuất quân đã đánh tan giặc trên 8 cửa biển nước Nam. Từ đó, ngài có tên là Vĩnh Công (Trọng nhân phát tích trên sông Vĩnh).

Sau chiến thắng, Hùng Duệ Vương triệu Vĩnh Công về triều phong là "Vĩnh Công Nhạc phủ Thượng đẳng thần". Ngài xin về quê trông nom thân mẫu, khai khẩn vùng duyên hải, chiêu dân lập ấp, giúp vua Hùng giữ yên 8 cửa biển Lạc Việt. 10 tướng theo Ngài về Hoa Đào Trang. Riêng Quan Điều Thất về trời ngay sau khi thắng giặc. Vĩnh Công thương xót cho lập bàn thờ ngay tại Dinh Công Đồng là nơi ngài cùng chư tướng bàn việc (đó chính là Đền thờ quan Điều Thất ngày nay, thường gọi là Đền Công Đồng). Quan lớn Đệ Tam được phân công giữ yên vùng duyên hải từ sông Cái lên hết biên giới phía Bắc Lạc Việt. Quan lớn Đệ thập được tỵ nhậm tại Cửu Chân, Quan Đệ tứ được phân công khai khẩn vùng Bắc Sơn Nam…

Có 5 vị nội tướng được Vĩnh Công sai khai khẩn chăn dân, lập ấp tại Hoa Đào trang (sau chính là 5 vị thành hoàng nổi tiếng linh ứng, đã có công âm phù Trưng Vương đánh thắng quân Tô Định)…Vua Hùng trao Vĩnh Công quản lý miền duyên hải Lạc Việt lấy tên là Tây Đô. Định kỳ hàng năm, nhân ngày đại thắng quân phương Bắc trên 8 cửa biển, Vĩnh công triệu chư tướng về tề tựu tại Hoa Đào trang (đất An Lễ bây giờ) tổ chức thi đấu vật, thi võ, bơi thuyền, giữa đội thuyền bản hạt và thuyền của các tướng, thuyền của quân sư Nuồi, để ôn lại chiến thắng, tập dượt phòng thủ và luyện quân sẵn sàng ứng phó mọi biến cố... (lệ thi bơi trải có từ đó).

Ngày 25 tháng 8 âm lịch, năm Bính Dần, Vĩnh Công thác về trời. Để ghi nhớ công ơn ngài, người dân trong vùng tôn ngài là “Vua cha - Bát Hải Đại Vương”, coi ngài như cha mẹ của dân. Vua Hùng thương xót, ban phong mỹ hiệu: "Trấn Tây An Tam kỳ linh ứng Đại Vương" cho tu sửa dinh thất của Vĩnh công thành miếu điện thờ tự hương hoả cho Vĩnh công mãi mãi... Từ đó, nhân ngày giỗ Vĩnh Công, các tướng lại tề tựu tại Hoa Đào trang, dâng hương và tổ chức các hình thức kỷ niệm ngày đại thắng như trước đây ... Lâu dần thành lệ Hội tháng 8 âm lịch mà truyền đến ngày nay.

Các tướng của Vĩnh Công sau khi mất đều được lập đền thờ, được các triều đại sau sắc phong tôn vinh, kính trọng. Tại đất Đào Động có Đền thờ Quan lớn Thượng, Quan lớn đệ Nhị, Quan lớn Đệ Tam, Quan lớn Điều Thất, Quan lớn Đệ Bát, tĩnh Quan lớn Thượng, tĩnh Quan Đệ Tứ, đều được tái tạo dựng trên nền cổ tự. Quan Đệ Ngũ thờ tại Đình Giới Phúc, tĩnh Quan Đệ Lục (Miếu Giáp Nhị) đã bị thực dân Pháp phá huỷ. Quan Đệ Tam còn được thờ ở Đền Lảnh Giang (Hưng Yên), Quan Đệ Tứ đền thờ chính ở Vĩnh Bảo - Hải Phòng. Quan Đệ Ngũ có đền thờ ở bến đò Chanh - Hải Dương, Quan Điều Thất có Đền ở Bảo Hà - Lào Cai. Quan Đệ Cửu xưa có Đền ở Thanh Hoá, Quan Đệ Thập (Hoàng Mười) có đền ở Nghệ An ...

Đền thờ Vĩnh công Đại Vương Bát Hải Động Đình từ xa xưa đã nổi tiếng linh ứng. Các triều đại sau này như Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, Nguyễn... đều tái sắc phong cho ngài. Vĩnh Công được coi là Thượng Đẳng Thần của đất Lạc Việt, Hội tháng 8 âm lịch tại Đền, hội tụ muôn phương dân Việt về chiêm bái lễ cầu. Câu thành ngữ dân gian: Tháng 8 giỗ Cha, tháng 3 giỗ Mẹ chính là để chỉ Hội tháng 8 ở Đền Đồng Bằng. Đây được coi là nơi "đi trình về tạ" của các bản Hội tín ngưỡng trong toàn quốc từ xa xưa.

- Ông Hoàng Mười chính là Uy Minh Vương Lý Nhật Quang

Giả thuyết thứ hai cho rằng rằng: Ông Hoàng Mười chính là Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, con trai của Lý Công Uẩn, cai quản châu Nghệ An. Tuy nhiên, cho đến nay giới nghiên cứu vẫn chưa tìm ra tư liệu hay bằng chứng nào để chứng minh cho giả thuyết này. Nhưng dẫu sao thì truyền thuyết vẫn tồn tại trong một bộ phận dân chúng, người ta vẫn coi ông Hoàng Mười là con trai đức vua cha Bát Hải Động Đình và dĩ nhiên, trong bài hầu giá của mình, người ta vẫn coi ông là Uy Minh Vương Lý Nhật Quang.

- Ông Hoàng Mười là Nguyễn Xí?

Trong nhiều truyền thuyết về xuất thân Thánh ông Hoàng Mười, nhiều người nghiêng về giả thuyết, ông Hoàng Mười chính là Nguyễn Xí, sống ở thời Hậu Lê.

Nguyễn Xí xuất thân tại xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc, Nghệ An ngày nay. Ông là bậc đại công thần, là võ tướng, chính trị gia lỗi lạc giúp Lê Lợi chiến đấu chống giặc Minh xâm lược. Nguyễn Xí là vị quan phò tá qua 4 đời vua Lê gồm. Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Hiến Tông và Lê Túc Tông. Đây là giai đoạn cực thịnh của nhà Lê. Sự hưng thịnh đã đi vào ca dao rằng: “Đời vua Thái Tổ, Thái Tông/ Lúa chất đầy đồng trâu chẳng buồn ăn”, hay “Đời vua Thái Tổ, Thái Tông/ Con bế, con dắt, con bồng, con mang”...

Sinh thời, Nguyễn Xí không chỉ là một bậc quan khai quốc công thần, tài hoa lỗi lạc mà ông còn giúp nhân dân xóa đói giảm nghèo. Sau khi đánh tan giặc Minh xâm lược, ông được Lê Lợi phân công cai quản đất Nghệ An, Hà Tĩnh. Tại đây, ông đã dạy dân trồng lúa nước, đắp đê ngăn lũ, thủy lợi nội đồng... Tương truyền, trong một lần gió lớn, mưa to, nhà cửa, cây cối của người dân bị bẻ sập, Nguyễn Xí đốc thúc quân lính và đích thân lên rừng đốn gỗ về dựng lại nhà cửa cho dân, sai người mở kho lương thực cứu tế kịp thời. Nhờ đó mà nhiều người đã thoát khỏi đói rét, chết chóc vì bão lũ... Vì vậy được dân chúng khắp nơi tôn sùng, coi như hiền thánh. Sự hưng thịnh của các đời vua Lê có dấu ấn quan trọng của Nguyễn Xí và bộ máy quan đại thần hạ triều.

Sự hóa thân từ bậc khai Quốc công thần đến Thánh Hoàng Mười cũng thật ly kỳ. Chuyện kể rằng: Một lần Nguyễn Xí dạo thuyền trên sông Lam, đoạn qua núi Hồng Lĩnh thì bỗng có đợt sóng to, gió lớn nổi lên, thuyền của ông bị thủy triều, phong ba cuốn đi mất. Dân chúng biết tin liền đến bên đôi bờ Lam giang mà tỏ lòng thương tiếc, người người khóc thương vị quan hết lòng vì dân. Đúng lúc đó, bầu trời đang cuồng phong bão táp bỗng tan biến, bầu trời nổi áng mây vàng, thi thể của ông nổi lên mặt nước, sắc mặt hồng hào như người nằm ngủ. Khi dạt vào bờ, đất xung quanh bỗng bao bọc lấy di quan. Cùng lúc, trên nền trời bỗng xuất hiện mây ngũ sắc, kết thành xích mã và thiên binh đưa ông về trời.

Sau khi ông mất, người dân Nghệ An lập đền thờ ông. Bách tính suy tôn ông là Thánh ông Hoàng Mười. Việc suy tôn này mang ý nghĩa ông là con của Đức vua cha Long Hải Đại Đình đầu thai vào Nguyễn Xí mà giúp dân dẹp giặc, xây dựng cuộc sống phồn vinh...

Theo nhận định của một số nhà nghiên cứu văn hóa thì giả thuyết ông Hoàng Mười chính là Nguyễn Xí có sức nặng hơn cả. Bởi xét về lịch sử ngôi đền được xây dựng vào năm 1634, tức cùng thời của Nguyễn Xí. Hơn nữa, Nguyễn Xí lại là quan đại thần, là bậc khai Quốc công thần dưới thời Lê, có công phò vua đánh tan giặc Minh xâm lược, khi thiên hạ thái bình, ông lại cùng ăn, cùng ở với dân, giúp bách tính vượt qua khổ ải vươn đến phú quý, hưng thịnh. Xét trên công lao đó, dân chúng chí tôn ông là Thánh Hoàng Mười là điều hiển nhiên và cũng hợp với ý nguyện của muôn dân vùng Nghệ An, Hà Tĩnh.

1.2. Theo sưu tầm của Giang Anh

Ông Hoàng Mười hay còn gọi là Ông Mười Nghệ An. Ông là con của Vua Cha Bát Hải Động Đình, vốn là thiên quan trên Đế Đình, thần tiên trong chốn Đào Nguyên. Theo lệnh ông giáng trần để giúp dân phù đời. Về thân thế của ông khi hạ phàm thì có rất nhiều dị bản.

Theo như ở vùng Nghệ Tĩnh thì ông được coi là Lê Khôi, vị tướng tài, cháu ruột và là người theo Lê Lợi chinh chiến trong mười năm kháng chiến chống quân Minh, sau làm đến nguyên thần tam triều Lê gia, phong đến chức Khâm Sai Tiết Chế Thủy Lục Chư Dinh Hộ Vệ Thượng Tướng Quân. Lại có một dị bản khác cho rằng ông giáng xuống trần là Uy Minh Vương Lí Nhật Quang, con trai Vua Lí Thái Tổ, cai quản châu Nghệ An. ngoài ra còn có sự tích ông Mười giáng sinh thành Nguyễn Xí, một tướng giỏi dưới thời vua Lê Thái Tổ.

- Sự tích Quan Hoàng Mười ở Chợ Củi – Hà Tĩnh

Nhưng sự tích được lưu truyền nhiều nhất có lẽ là câu chuyện: Ông Mười giáng sinh thành Nguyễn Xí, một tướng giỏi dưới thời Vua Lê Thái Tổ, có công giúp vua dẹp giặc Minh, sau được giao cho trấn giữ đất Nghệ An, Hà Tĩnh (cũng chính là nơi quê nhà). Tại đây ông luôn một lòng chăm lo đến đời sống của nhân dân, truyện kể rằng có một lần xảy ra cơn cuồng phong làm đổ hết nhà cửa, ông liền sai quân lên rừng đốn gỗ về làm nhà cho dân, rồi mở kho lương cứu tế. Trong một lần đi thuyền trên sông, đến đoạn chân núi Hồng Lĩnh, thì lại có đợt phong ba nổi lên, nhấn chìm thuyền của ông và ông đã hóa ngay trên sông Lam. Trong khi mọi người đang thương tiếc cử hành tang lễ, thì trời quang đãng, nổi áng mây vàng, bỗng thấy thi thể của ông nổi trên mặt nước nhẹ tựa như không, sắc mặt vẫn hồng hào tươi tắn như người đang nằm ngủ, khi vào đến bờ, đột nhiên đất xung quanh ùn ùn bao bọc, che lấy di quan của ông. Lúc đó trên trời bỗng nổi mây ngũ sắc, kết thành hình xích mã (có bản nói là xích điểu) và có các thiên binh thiên tướng xuống để rước ông về trời.

Sau này khi hiển ứng, ông được giao cho trấn thủ đất Nghệ Tĩnh, ngự trong phủ Nghệ An. Nhân dân suy tôn ông là Ông Hoàng Mười (hay còn gọi là Ông Mười Củi) không chỉ vì ông là con trai thứ mười của Vua Cha (như một số sách đã nói) mà còn vì ông là người tài đức vẹn toàn, văn võ song toàn (“mười” mang ý nghĩa tròn đầy, viên mãn), không những ông xông pha chinh chiến nơi trận mạc, mà ông còn là người rất hào hoa phong nhã, giỏi thơ phú văn chương, không chỉ nơi trần thế mà các bạn tiên trên Thiên Giới ai cũng mến phục, các nàng tiên nữ thì thầm thương trộm nhớ. Sau các triều đại đã sắc tặng Ông Mười tất cả là 21 sắc phong (tất cả đều còn lưu giữ trong đền thờ ông).

Cùng với Ông Hoàng Bảy, Ông Hoàng Mười cũng là một trong hai vị Ông Hoàng luôn về ngự đồng, cũng bởi vì ông còn được coi là người được Vua Mẫu giao cho đi chấm lính nhận đồng (khác với Ông Bảy, những người nào mà sát căn Ông Mười thì thường hay hào hoa phong nhã, giỏi thi phú văn chương). Khi ngự về đồng Ông Mười thường mặc áo vàng (có thêu rồng kết uốn thành hình chữ thọ), đầu đội khăn xếp có thắt lét vàng, cài chiếc kim lệch màu vàng kim. Ông ngự về tấu hương rồi khai quang, có khi ông múa cờ xông pha chinh chiến, có khi lại lấy quạt làm quyển thư, lấy bút gài đầu để đi bách bộ vịnh phú ngâm thơ, có khi ông lại cầm dải lụa vàng như đang cùng người dân lao động kéo lưới trên sông Lam (quan niệm cho rằng đó cũng là ông kéo tài kéo lộc về cho bản đền) và ông cũng cầm hèo lên ngựa đi chấm đồng như Ông Bảy, người ta cũng thường dâng tờ tiền 10.000đ màu đỏ vàng để làm lá cờ, cài lên đầu ông. Khi ông ngự vui, thường có dâng đọi chè xanh, miếng trầu vàng cau đậu, thuốc lá (là những đặc sản của quê hương ông) rồi cung văn tấu những điệu Hò Xứ Nghệ rất mượt mà êm tai.

Theo một số đền thờ vùng Nghệ Tĩnh thì ông được coi là Lê Khôi, vị tướng tài, cháu ruột và là người theo Lê Lợi chinh chiến trong mười năm kháng chiến chống quân Minh. Vì thế, ông Hoàng Mười còn được nhân dân xứ Nghệ tôn vinh là “Đức thánh minh”, là một vị quan nằm trong hệ thống điện thần thờ mẫu tứ phủ ở Việt Nam. Nơi nào có điện thờ mẫu là nơi đó có tượng hoặc bàn thờ ông Hoàng Mười.

Đền thờ Ông Hoàng Mười là Đền Chợ Củi, chính là nơi năm xưa di quan ông trôi về và hóa, qua cây cầu Bến Thủy, bên sông Lam, núi Hồng Lĩnh, thuộc xã Nam Đàn, tỉnh Nghệ An (cũng chính là nơi quê nhà của Ông Mười). Ngày ông giáng sinh 10/10 âm lịch được coi là ngày tiệc chính của ông, vào ngày này, du khách thập phương nô nức đến chiêm bái cửa đền ông thật là tấp nập, trải dải đến tận đôi bờ sông Lam, người ta dâng ông: cờ quạt bút sách … để cầu tài cầu lộc cũng là cầu mong cho con em được đỗ đạt khoa cử, thành tài để làm rạng danh tổ tông.

- Sự tích đền ông Hoàng Mười – Hưng Thịnh – Nghệ An

Ngôi đền được xây dựng năm 1634 từ thời hậu Lê trên diện tích hơn 1 ha ở làng Xuân Am, xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên. Trải qua nhiều lần tu bổ, đến nay, đền có 3 toà chính: Thượng điện, Trung điện và Hạ điện, nhân vật chính được thờ là Bình chương quân quốc trọng sự Thái uý Vị Quốc công (Lê Khôi); Phúc Quận công; Đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân (Nguyễn Duy Lạc); Song Đồng Ngọc Nữ.

Đền cả, còn gọi là Dinh Đô Quan Hoàng Mười: theo sắc phong bảo lưu thì Dinh Đô được xây dựng vào năm 1060 thời nhà Lý (Sắc phong của vua Lý Thánh Tông).

Về sau được trùng tu bởi thời nhà Lê bởi (Sắc phong vua Lê Ý Tông 1726) và đến triều nhà Nguyễn 1427 trùng tu toạ lạc vùng Mỏ Hạc Linh Từ, là ngã ba giao nhau giữa sông Minh Giang (xưa là kênh nhà Lê),sông La và sông Lam.

Dinh Đô Quan Hoàng Mười hiện nay gần như bị phế tích hoàn toàn ‘Đền Cả – Dinh đô Quan Hoàng Mười (tại tỉnh Hà Tĩnh) còn có tên gọi là Mỏ Hạc Linh Từ; đền có niên đại khá sớm, quy mô kiến trúc đồ sộ. Vị thần được thờ chính là ông Hoàng Mười. Hiện nay, ngôi mộ (ý niệm mộ vọng) của ông Hoàng Mười nằm trong quần thể di tích của đền. (Ông là một bậc Thiên Thần hiển linh tái thế Nhân thần theo truyền thuyết nên không có mộ). Đền ông Hoàng Mười là ngôi đền thờ vọng theo ý niệm sinh hoạt văn hoá tâm linh của nhân dân nổi tiếng ở Nghệ An thờ đạo Mẫu Tứ phủ, vị thần được thờ chính là ông Hoàng Mười, con thá mười của Vua cha Bát Hải Động Đình (theo truyền thuyết dân gian là một vị thiên thần).

Nhiều nhà nghiên cứu hiện nay khảo sát thần tích gần 50 đền thờ cho rằng ông giáng xuống trần thành Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, con trai Vua Lý Thái Tổ, cai quản châu Nghệ An, thời Lý.

- Lễ hội đền Ông Hoàng Mười

Hàng năm cứ vào dịp tháng 9, tháng 10 âm lịch, nhân dân, du khách thập phương trong Nam, ngoài Bắc lại nô nức về lễ đền Ông Hoàng Mười xã Hưng Thịnh - Hưng Nguyên. Đây được coi là mùa tạ lễ quan trọng nhất trong năm.

Ông Hoàng Mười là một "Đức Thánh Minh" trong hàng các ông quan Hoàng của tín ngưỡng Đạo Mẫu, được nhiều người ngưỡng mộ và được thờ ở nhiều địa phương trong nước. Ông được giao cai quản về tâm linh trấn giữ một vùng non nước dọc sông Lam, nên những nơi thờ Tứ Phủ theo Đạo mẫu Nghệ An đều thờ ông, nhưng chỉ là phối thờ. Còn đền thờ chính Ông Hoàng Mười ở xã Hưng Thịnh - Hưng Nguyên, đền có tên là đền Xuân Am (theo địa danh làng Xuân Am) hay Mỏ Hạc Linh Từ (theo địa hình thế đất núi sông của thuyết phong thủy). 

Đền nằm ở vị trí cảnh quan đẹp với phong cảnh non xanh nước biếc thật hữu tình. Trước mặt đền (hướng Nam) là dòng Lam giang như một dải lụa xanh trải rộng, thuyền bè tấp nập ngược xuôi sông Cồn Mộc quanh co, uốn khúc ôm ấp quanh đền, đôi bờ là những đồng lúa bát ngát, xanh tươi. Phía sau, bên kia sông Cồn Mộc là núi Kỳ Lân, núi Dũng Quyết và Phượng Hoàng Trung Đô với những dấu tích lịch sử, những rừng thông, bạch đàn bạt ngàn tươi tốt. Ngoài cảnh đẹp kỳ thú, từ lâu, đền đã nổi tiếng linh thiêng vì ở đây ngoài thờ Quan Hoàng Mười theo tín ngưỡng Đạo Mẫu, còn phối thờ các vị Song Đồng Ngọc Nữ, vị Quốc Công Thái Bảo Phúc Quận Công, Phụ Quốc Thượng Tướng quân Nguyễn Duy Lạc.

Lễ hội đền Ông Hoàng Mười diễn ra từ mùng 8 đến 10/10 ÂL, nhưng trước đó, trong suốt tháng 9, tháng 10 ÂL, trung bình mỗi ngày đền đã đón khoảng hàng trăm lượt du khách về làm lễ. Đông nhất vẫn là khách đến từ các tỉnh phía Bắc như Hà Nội, Cao Bằng, Lạng Sơn, Ninh Bình... Nhiều du khách do ở xa chờ làm lễ nên phải thuê phòng trọ ngay trước đền.

Lễ hội đền Ông Hoàng Mười gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm lễ khai quang, lễ rước bài vị, đạo sắc từ làng Xuân Am về đền, lễ yết cáo, lễ đại tế và cuối cùng là lễ tạ. Phần hội gồm các trò chơi dân gian diễn ra trong hai ngày mùng 9 và mùng 10 thu hút nhân dân trong huyện Hưng Nguyên tham gia như giải bóng chuyền các xã, trò chơi nhảy bao bố, kéo co, chọi gà, giao lưu văn nghệ … 

2. Ông Hoàng Bảy

2.1. Vị tướng Hoàng Bảy

Đền Bảo Hà, hay còn gọi là đền Hoàng Bảy thuộc xã Bảo Hà, Bảo Yên, Lào Cai. Khu di tích lịch sử văn hóa quốc gia cổ kính, hoành tráng này nằm dưới chân đồi Cấm, ngay cạnh dòng sông Hồng cuộn đỏ. Nhìn từ xa, đền Bảo Hà rất uy nghi, tĩnh mặc. Phong cảnh trên bến, dưới thuyền, núi rừng bao bọc xanh ngắt, thâm u.

Truyền thuyết chính thống nhất được sử dụng kể về ông Hoàng Bảy như sau: Trong lịch sử phong kiến Việt Nam, Bảo Hà có một vị trí quan trọng phòng thủ biên giới, là cửa trạm của phòng tuyến sông Hồng phía Tây Bắc.

Từ đời nhà Trần đã đặt hai cửa trấn ải là cửa quan Bảo Thắng và Bảo Hà, trong đó Bảo Hà là hậu cứ của Bảo Thắng. Tại đây có đài hỏa hiệu, trạm liên lạc thông tin cho các châu huyện phía dưới.

Giữa niên hiệu Cảnh Hưng, Bảo Hà là trung tâm Châu Văn Bàn. Trong thời Cảnh Hưng (1740 – 1786), bọn giặc phương Bắc thường hay tràn sang quấy nhiễu, cướp bóc. Xã Khấu Bàn, châu Văn Bàn đã phải xây dựng các thành luỹ chống giặc.

Trước cảnh đau thương tang tóc, lại có nguy cơ bị xâm lược, tướng Nguyễn Hoàng Bảy được triều đình giao trọng trách khởi binh dẹp loạn vùng biên ải.

Đội quân của ông tiến dọc sông Hồng đánh đuổi quân giặc, giải phóng châu Văn Bàn và củng cố xây dựng Bảo Hà thành căn cứ lớn. Tại đây, danh tướng đã tổ chức các thổ ty, tù trưởng luyện tập binh sỹ… Sau đó thống lĩnh quân thủy và quân bộ tiến đánh giặc ở Lào Cai, giải phóng các châu thuộc phủ Quy Hóa (Yên Bái, Lào Cai ngày nay).

Quân giặc phương Bắc do tên tướng Tả Tủ Vàng Pẹt đưa quân sang xâm lược bờ cõi, danh tướng Hoàng Bảy lại dẫn quân lên tham chiến. Song, do trận chiến không cân sức, ông đã anh dũng hy sinh. Giặc vứt xác ông xuống sông Hồng, và trôi đến Bảo Hà. Nhân dân trong vùng do ông Lư Văn Cù đứng ra tổ chức vớt xác ông lên chôn cất và lập miếu thờ.

Để ghi nhớ công lao của ông, các vua triều Nguyễn như Minh Mệnh, Thiệu Trị đã tặng ông danh hiệu “Trấn an hiển liệt” và đền thờ ông cũng được các vua triều Nguyễn cấp sắc phong là “Thần Vệ Quốc”. Còn đồng bào các dân tộc Kinh, Tày, Dao… thì tôn thờ ông là vị nhân thần. Ông đi vào cõi tâm linh các dân tộc và hiện thân trong các lễ hội xuống đồng vào ngày Thìn tháng giêng.

2.2. Theo Laocai.gov.vn

Đền Bảo Hà – khu di tích lịch sử văn hóa quốc gia, được xây dựng dưới chân đồi Cấm, bên cạnh dòng sông Hồng chảy vào miền đất Việt, thuộc xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai; cách Tp. Lào Cai khoảng 60km về phía nam; cách ga xe lửa Bảo Hà khoảng 800m. Đền thờ thần vệ quốc Hoàng Bảy, một anh hùng miền sơn cước đánh giặc phương Bắc bảo vệ bản làng. Đây là địa chỉ thu hút du khách thập phương đông nhất của huyện Bảo Yên.

Nhìn từ xa, đền Bảo Hà rất uy nghi, tĩnh mặc. Phong cảnh thiên nhiên nơi đây cũng thật hữu tình: trên bến, dưới thuyền, xung quanh là núi rừng bao la, rộng lớn xanh mướt một màu.

Đền Bảo Hà có lưng tựa vào núi, mặt hướng theo dòng nước sông Hồng và nơi đây còn có sự kết hợp hài hoà giữa cảnh quan thiên nhiên với kiến trúc văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam theo thuyết phong thủy.

Hội chính đền Bảo Hà được tổ chức vào ngày 17 tháng 7 âm lịch hàng năm (ngày giỗ tướng Hoàng Bảy), thu hút đông đảo du khách trong và ngoài vùng đến dự. Trong lễ hội có tổ chức rước kiệu, tế thần, dâng hương tưởng niệm, cùng các hoạt động văn hoá – thể thao khác. Ngoài những ngày lễ hội, những ngày thường (đặc biệt là vào mùa xuân) khách thập phương trong cả nước vẫn thường xuyên tụ họp tại đây để thắp hương tưởng niệm, cầu an, cầu lộc.

Ông Hoàng Bảy hay thường gọi là Ông Bảy Bảo Hà. Ông là con Đức Vua Cha. Theo lệnh vua, ông giáng phàm trần, trở thành con trai thứ bảy trong danh tộc họ Nguyễn, cuối thời Lê. Vào triều Lê Cảnh Hưng, có giặc Trung Quốc từ Vân Nam tràn sang cướp bóc, đốt phá. Triều đình bèn cử ông, dọc theo sông Hồng, lên đánh đuổi quân giặc và trấn giữ vùng biên ải nơi Bảo Hà, Lào Cai. Tại đất Bảo Hà, ông thống lĩnh lục thủy, đánh đuổi quân giặc về vùng Vân Nam, sau đó ông chiêu dụ các thổ hào địa phương đón người Dao, người Thổ, người Nùng lên khẩn điền lập ấp. Sau này trong một trận chiến đấu không cân sức, Ông Bảy bị giặc bắt, chúng tra khảo hành hạ dã man, nhưng ông vẫn một lòng kiên trung, quyết không đầu hàng, cuối cùng, không làm gì được, chúng sát hại ông rồi mang thi thể vứt xuống dòng sông. Kì lạ thay, di quan của ông dọc theo sông Hồng, trôi đến phà Trái Hút, Bảo Hà, Lào Cai thì dừng lại. Còn một điều kì lạ nữa là khi ông bị giặc sát hại, thì trời bỗng chuyển gió, mây vần vũ, kết lại thành hình thần mã (ngựa), từ thi thể ông phát ra một đạo hào quang, phi lên thân ngựa, đến Bảo Hà thì dừng lại, trời bỗng quang đãng, mây ngũ sắc kết thành hình tứ linh chầu hội. Sau này khi hiển linh ông được giao quyền cho trấn giữ đất Lào Cai, ngự trong dinh Bảo Hà, đến lúc này ông nổi tiếng là một Ông Hoàng không chỉ giỏi kiếm cung mà còn rất ăn chơi, phong lưu: khi thanh nhàn ông ngả bàn đèn, uống trà mạn Long Tỉnh, ngồi chơi tổ tôm, tam cúc, xóc đĩa… lúc nào cũng có thập nhị tiên nàng hầu cận, ông cũng luôn khuyên bảo nhân dân phải ăn ở có nhân có đức, tu dưỡng bản thân để lưu phúc cho con cháu. Triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị sắc tặng ông danh hiệu “Trấn An Hiển Liệt” và các triều vua nhà Nguyễn khác tôn ông danh hiệu: “Thần Vệ Quốc - Ông Hoàng Bảy Bảo Hà”.

Ông Bảy là Ông Hoàng hay ngự về đồng nhất, cũng bởi vì trong hàng Tứ Phủ Ông Hoàng, ông rất hay chấm lính bắt đồng (có quan niệm cho rằng, những người nào mà sát căn Ông Bảy thì thường thích uống trà tàu, hay đánh tổ tôm, xóc đĩa…). Khi ngự về đồng, ông thường mặc áo lam hoặc tím chàm (thêu rồng kết uốn thành hình chữ thọ), đầu đội khăn xếp có thắt lét lam, cài chiếc kim lệch màu ngọc thạch. Ông ngự về tấu hương, khai quang rồi cầm đôi hèo, cưỡi ngựa đi chấm đồng. Đến giá Ông Bảy về ngự, nếu ông ném cây hèo vào người nào thì coi như ông đã chấm đồng người đó. Lúc ông giá ngự, thường dâng ông ba tuần trà tàu rồi thuốc lá có tẩm thuốc phiện.

Đền thờ Ông Hoàng Bảy được lập tại nơi năm xưa di hài của ông lưu lại là Đền Bảo Hà, nằm ở chân đồi Cấm, bên bờ thượng lưu sông Hồng, ở bên bến phà Trái Hút, thuộc xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai (Vì thú chơi phong lưu của ông nên nơi ông ngự còn được mệnh danh là Trái Hút Bảo Hà). Ngày tiệc chính của ông là ngày 17/7 âm lịch, vào ngày này, ở đền ông tập nập du khách thập phương đến dâng ông ngựa xám, bàn đèn, thuốc cống, kẹo xìu (kẹo lạc)… để cầu tài cầu lộc. Khi thỉnh ông về ngự, văn thường hát rằng:

    “Bảo Hà đất ấy phong quang
    Thỉnh Ông Hoàng Bảy xe loan ngự về
    [...] Bắc Nam đôi sứ vào ra
    Đồn rằng Ông Bảy Bảo Hà tối linh”
    Khi nói về sự tích của ông, văn hát:
    “Con ngôi Thượng Đế Đức Vua Cha
    Giáng tại Sơn Lâm, trấn Bảo Hà
    Diện mạo hồng hào so vẻ ngọc
    Dung nghi tươi tốt khác nhường hoa”
    Hay khi ông ngự vui, văn thường hát để ông ban thưởng:
    “Ai lên Trái Hút Bảo Hà
    Nếm mùi phong nguyệt ấy là cảnh tiên
    [...] Cỏ cây hoa lá tần ngần
    Hoa đào năm ngoái mười phần kém xa
    [...] Ba gian tòa đá phủ rêu
    Ai người có phúc được theo Ông Hoàng
    [...] Dang tay mở khóa động đào
    Ai người dày phúc đưa vào quần tiên
    [...] Lâng lâng rũ sạch bụi trần
    Một ngày bắc ghế nên duyên nợ nhiều”
    Hay có cả những đoạn rất hay, độc đáo nói về các thú ăn chơi của Ông Bảy như xóc đĩa, tam cúc, tổ tôm…:
    “Đĩa vàng bát ngọc bày ra
    Bạn tiên trải chiếu long hoa tức thì
    Phàm tâm tả hữu hồ kì
    Ông Bảy xóc đĩa bốn bề xôn xao”
    “Khi thanh nhàn Ông Hoàng giá ngự
    Ngự về đồng dự hội tổ tôm
    Màn hoa chắn gió đông nồm
    Hiên loan bóng quế chiều hôm đánh bài
    Ông Bảy ngồi khoan thai cách điệu
    Sập công đồng trải chiếu long lân
    Hương xông gấm vóc áo quần
    Dang tay châu báu kim ngân đánh bài”
    “Cuộc cờ xóa xóa bày bày
    Ván bài tam cúc xưa nay tức cười
    [...] Pháo kia nổi hiệu lôi oanh
    Tốt không bảo vệ giữ mình được sao
    Người nay đợi lệnh Thiên tào
    Giữ xe pháo mã điều vào giáp công
    [...] Xưa nay việc nước việc nhà
    Giữ bền sĩ tốt ấy là thành công”
    Và có hẳn một đoạn nói về thập nhị tiên nàng hầu cận ông:
    “Lệnh sai thập nhị tiên nàng
    Cô nào việc ấy sửa sang đứng hầu
    Cô Cả pha nước trà tàu
    Nhấp vào vừa ý gật đầu ban khen
    Cô Đôi dâng bộ khay đèn
    Xe ngà diện sứ móc tiêm nạm vàng
    [...] Cô Mười Hai trải chiếu chia bài
    Tổ tôm chắn cạ nào ai dám bì
    [...] Thoi xanh vượt suối băng ngàn
    Mười hai tiên nữ rước hoàng về dinh”.

Nguồn:

Quách Văn, http://kienthuc.net.vn/tham-cung/di-tim-su-tich-thanh-ong-hoang-muoi-642437.html

Giang Anh, https://gianganh.net/quan-hoang-muoi-la-ai-327.html

VTC News, http://vietnamnet.vn/vn/doi-song/di-tim-su-that-quai-go-o-den-ong-hoang-bay-163284.html

 


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

SÁCH CỦA TÔI