- Nguồn gốc.
- Kinh Thánh Cựu Ước.
- Tiểu sử Thánh Môi-se.
Hình 1: Vị trí của nước Israen (màu đỏ)
1. Nguồn gốc
Do Thái giáo là tôn giáo của người Do Thái ở vùng Trung Cận Đông. Vùng Trung Cận Đông là vùng đất nằm tiếp giáp giữa 3 Châu lục: Á Châu, Âu Châu và Phi Châu, nên là giao điểm của các nền văn minh cổ.
Nước Do Thái, ngày nay được gọi là nước Israel. Khoảng 1000 năm trước Tây lịch, quốc gia Do Thái được thành lập với vị vua anh hùng nổi tiếng là vua David. Quốc gia Do Thái trải qua nhiều lần hưng vong, đặc biệt vào thế kỷ thứ 6 trước Tây lịch, Do Thái bị nhiều nước tấn công xâu xé, người Do Thái phải lưu tán sang các nước khác, một số lớn bị bắt làm nô lệ, xem như quốc gia Do Thái đã bị diệt vong.
Người Do Thái ở phương xa luôn luôn nhớ về Tổ quốc của họ với một quá khứ oai hùng. Các nhà trí thức Do Thái lưu vong đã viết lịch sử của Do Thái từ những ngày đầu lập quốc, nhiều chi tiết được thần thánh hóa và sách này trở thành Thánh Kinh của đạo Do Thái. Ngày nay quyển Thánh Kinh này được gọi là Kinh Thánh Cựu Ước (Ancien Testament).
Người Do Thái rất tôn trọng và tín ngưỡng quyển Thánh Kinh này, nên họ vẫn giữ được những nét đặc thù của dân tộc họ, mặc dù họ đang sống lưu vong nơi nước khác.
Năm 1948, quốc gia Do Thái được tái lập, gọi là nước Israel. Người Do Thái ở các nơi trên thế giới qui tụ về thành lập nhà nước Do Thái, và năm 1949, nước Do Thái được Liên Hiệp Quốc nhìn nhận.
Đạo Do Thái xuất phát từ tộc trưởng ABRAHAM (ông Tổ của người Do Thái) và nhà Tiên tri MÔI-SE (người giải phóng dân tộc Do Thái khỏi ách nô lệ của nước Ai Cập và đưa dân tộc Do Thái đến vùng Đất Hứa) vào khoảng năm 1850 trước Tây lịch.
Hình 2: Mose đưa dân tộc Do Thái từ Ai cập trở về Israen
Theo kinh Cựu ước, dân tộc Do Thái được Đấng Thượng Đế Jehovah ân sủng lựa chọn, và Kinh Thánh Cựu Ước là sơ sở Giáo lý và Triết lý của Do Thái giáo. Điều cơ bản mà Đạo Do Thái khẳng định là chỉ có một Thượng Đế Jehovah mà thôi. Do đó, Đạo Do Thái là tôn giáo cổ độc Thần.
Trong lịch sử cổ đại phương Tây và Trung Cận Đông, Đạo Do Thái là tôn giáo duy nhất cấm tạc tượng và vẽ hình Thần. Do Thái giáo là quốc giáo của nước Do Thái. Đạo này qui định nhiều lễ nghi và tục lệ bao gồm hầu hết các lĩnh vực sinh hoạt của các tín đồ như: Lễ cắt bao qui đầu của con trai, Lễ hàng ngày cầu kinh bằng tiếng Do Thái cổ, Lễ nghỉ hàng tuần ngày Sa-bát tính từ tối ngày thứ 6 đến tối ngày thứ 7.
2. Kinh Thánh Cựu Ước
Như trên đã nói, Kinh Thánh Cựu Ước của Đạo Do Thái do các nhà bác học và tiên tri của nước Do Thái viết ra. Họ viết lại lịch sử oai hùng hình thành dân tộc Do Thái và quá trình dựng nước của họ có những phần được thần thánh hóa như sự ân sủng của Đấng Thượng Đế đối với dân tộc Do Thái mà Đấng Thượng Đế lựa chọn.
Kinh Thánh Cựu Ước được các tôn giáo khác như: Công giáo, Chính Thống giáo, Tin Lành, tin tưởng và tôn thờ, xem đó là đầu mối của Thiên Chúa giáo. (Nhưng Do Thái giáo thì không tôn thờ Đức Chúa Jésus và không nhìn nhận Kinh Thánh Tân Ước của Thiên Chúa giáo).
Trong Kinh Thánh Cựu Ước có luật pháp ghi thành văn dưới hình thức Thượng Đế truyền báo cho Ông Môi-se trên núi Sinai. Có lẽ đây là ý đồ của những nhà thông thái để dân chúng dễ tuân thuận. Sau đó, còn có nhiều điều luật truyền miệng để giải thích thêm, do những vị Thánh và những bác học ghi chép lại trong cuốn KINH TALMUD, hoàn thành vào cuối thế kỷ thứ 5 sau Tây lịch. Kinh Talmud là cẩm nang để các Pháp sư Do Thái giáo thực hành việc giáo dục trong các cộng đồng tín đồ.
2.1. Các phần của Kinh Thánh Cựu Ước
Kinh thánh Cựu ước gồm có 4 phần, trong mỗi phần có chia làm nhiều đoạn, chép ra sau đây :
- Phần thứ nhất: Năm quyển sách của Môi-se
+ Sáng thế ký.
+ Xuất Ê-dip-tô ký. (*)
+ Lê-vi ký.
+ Dân số ký.
+ Phục truyền luật lệ ký.
- Phần thứ hai: Các sách về lịch sử :
+ Giô-suê + II Các vua
+ Các quan xét + I Sử ký
+ Ru tơ + II Sử ký
+ I Sa-mu-ên + E-xơ-ra
+ II Sa-mu-ên + Nê-hê-mi
+ I Các vua + Ê-xơ-tê
(*) Ê-dip-tô là nước Ai Cập (Égypte).
- Phần thứ ba: Các sách văn thơ:
+ Gióp + Truyền đạo
+ Thi Thiên + Nhã ca
+ Châm ngôn
- Phần thứ tư: Các sách Tiên tri:
+ Ê-sai + Giô-na
+ Giê-rê-mi + Mi-chê
+ Ca thương + Na-hum
+ Ê-xê-chi-ên + Ha-ba-cúc
+ Đa-ni-ên + Sô-phô-ni
+ Ô-sê + A-ghê
+ Giô-ên + Xa-cha-ri
+ A-mốt + Ma-la-chi.
+ Ap-đia
Trong Phần thứ nhất, 5 quyển sách của Môi-se có 2 quyển quan trọng nhất là: Sáng Thế ký và Ê-dip-tô ký.
2.2. Sáng Thế ký
Trong quyển Sáng Thế ký, Môi-se cho biết Đức Chúa Trời (Đấng Thượng Đế) tạo thành Trời Đất, các loài sinh vật và loài người trong 6 ngày: (Đức Chúa Trời viết tắt là ĐCT)
Ngày thứ 1: ĐCT tạo ra sự sáng và sự tối, tức ngày và đêm.
Ngày thứ 2: ĐCT tạo ra bầu Trời.
Ngày thứ 3: ĐCT tạo ra đất, biển, thảo mộc.
Ngày thứ 4: ĐCT tạo ra mặt trời, mặt trăng, các vì sao.
Ngày thứ 5: ĐCT tạo ra loài cá, loài chim.
Ngày thứ 6: ĐCT tạo ra các loài thú trên mặt đất gồm thú rừng, súc vật và côn trùng.
Trong ngày thứ 6 nầy, ĐCT còn tạo ra loài người giống như hình tượng của ĐCT, đặng quản trị tất cả các loài sinh vật. Ngài dựng nên người Nam và người Nữ và ra lệnh: “Hãy sinh sản thêm nhiều, làm cho đầy dẫy đất, hãy làm cho đất phục tùng, hãy quản trị loài cá dưới biển, loài chim trên trời, cùng các vật sống hành động trên mặt đất”.
Đức Chúa Trời ban cho loài người thức ăn là các thứ cỏ có hạt mọc khắp mặt đất và các loài cây sinh quả.
Ngày thứ 7: ĐCT đã dựng xong Trời Đất, loài người và muôn vật trong 6 ngày là xong. Ngày thứ 7, ĐCT nghỉ các công việc và đặt tên là ngày Thánh (Chúng ta thường gọi ngày ấy là Chúa Nhật).
Sau đó, Đức Chúa Trời lập ra một vườn cảnh Eden (Ê-đen), rồi lấy bụi đất nặn nên hình người, hà sinh khí vào lỗ mũi thì người bằng đất sống dậy, đặt tên là Adam (A-đam), để trồng cây và giữ vườn Eden. Đức Chúa Trời phán cùng Adam: “Ngươi được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn, nhưng về cây biết điều thiện điều ác thì không được ăn đến, vì nếu ngươi ăn, ngươi sẽ chết”.
Đức Chúa Trời nhận thấy chẳng có ai giúp đỡ Adam, nên Ngài làm cho Adam ngủ mê, lấy ra một cái xương sườn của Adam, để tạo thành một người nữ theo giúp đỡ Adam. Adam gọi người nữ là Eve (Ê-va). Adam và Eve, cả hai đều trần truồng mà không biết hổ thẹn.
Trong các loài thú do Đức Chúa Trời tạo ra, có con rắn là giống quỉ quyệt hơn hết, nói với Eve rằng: “Tại sao Đức Chúa Trời cấm hai ngươi ăn trái của cây biết điều thiện điều ác, hai ngươi có biết không? Là tại vì khi hai ngươi ăn trái cấm đó thì trí khôn mở ra, sẽ như Đức Chúa Trời, biết điều thiện điều ác”.
Eve thấy trái cấm đó có vẻ ngon, lại nghe lời rắn nói ăn vào được mở trí khôn, quên lời cấm của Đức Chúa Trời, liền hái ăn, rồi trao cho Adam ăn nữa.
Sau khi ăn xong, hai người biết mình lõa lồ, bèn lấy lá cây đóng khố che thân.
Đức Chúa Trời biết được, liền hành phạt và đày đọa rắn: Rắn phải bò bằng bụng, ăn bụi đất, và bị loài người ghét bỏ. Còn Adam và Eve bị đuổi ra khỏi vườn Eden, phải chịu khổ nhọc cày ruộng làm ra thức ăn là rau của đồng ruộng.
Việc Bà Eve và Ông Adam ăn trái cấm, không nghe lời dạy của Đức Chúa Trời (ĐCT) nên bị ĐCT quở phạt. Tội đó gọi là TỘI TỔ TÔNG, vì 2 vị ấy là Tổ tông của loài người.
Nhân loại do Thủy tổ Adam và Eve sanh ra càng lúc càng nhiều, và qua nhiều thế hệ thì càng thâm nhiễm những ô trược của cõi trần, nên say mê theo đường vật dục, xa lìa đạo đức, gây nhiều tội lỗi với ĐCT. ĐCT bèn gây ra một cuộc Đại Tận Thế với trận Đại Hồng Thủy, tiêu diệt hết những người hung ác, chỉ chừa lại gia đình Ông Nô-ê và vợ, con trai và dâu, vì biết đạo đức, công bình, kính trọng ĐCT.
Vợ chồng Ông Nô-ê trở thành thủy tổ của loài người sau này.
Loài người từ đó được sinh ra càng lúc càng nhiều, và qua nhiều thời kỳ, nhân loại cũng dần dần tiêm nhiễm vật chất, xa đường đạo đức. Đặc biệt loài người lại kiêu ngạo, định xây Tháp Babel thật cao để đi vào nước Trời. ĐCT giận dữ vì hành động quá lắm này, nên khiến cho loài người chia ra làm nhiều thứ tiếng nói khác nhau, để sự bất đồng ngôn ngữ ấy mà loài người không thể xây dựng được Tháp Babel.
Mỗi nhóm người có một thứ tiếng nói riêng, phân tán đi khắp các nơi trên Địa cầu để tìm đất sống, và sinh sôi nẩy nở càng nhiều, tạo thành nhiều dân tộc khắp mặt Địa cầu.
Dân tộc Do Thái (Israel) là dân tộc được ĐCT chọn, đang bị bắt làm nô lệ cho các vua Pharaon của nước Ai Cập.
Đoạn nầy trong sách “SÁNG THẾ KÝ” là cơ sở của Vũ trụ quan và Nhân sinh quan của Do Thái giáo, và cũng là của Thiên Chúa giáo sau này.
2.3. Xuất Ê-dip-tô ký
Trong quyển sách này, phần đầu viết về sự ra đời của Ông Môi-se. Đức Chúa Trời chọn Môi-se làm người hướng đạo cho dân Israel (Y-sơ-ra-ên), dẫn dắt dân Israel ra khỏi xứ Ai Cập (Égypte, phiên âm là Ê-dip-tô) để tránh sự đày đọa khắc nghiệt của các Pharaon (Pha-ra-ôn) vua Ai Cập.
Đức Chúa Trời hiện ra trên đỉnh núi Sinai, rồi gọi Môi-se lên ở cùng Đức Chúa Trời (Thượng Đế Jehovah) trong 40 ngày đêm, không ăn bánh, cũng không uống nước. Đức Chúa Trời ban 2 tấm bảng đá, trên đó chép 10 ĐIỀU RĂN, để Môi-se đem xuống núi dạy dân Do Thái tuân theo.
MƯỜI ĐIỀU RĂN của Đức Chúa Trời là giao ước của Đức Chúa Trời với dân Israel, mà cũng là với nhân loại.
Trong 10 Điều Răn này, trong đó có 3 điều nói về Đức Chúa Trời, và 7 điều nói về Người, được chép ra sau đây:
1. Kính trọng Đức Chúa Trời trên hết mọi sự.
2. Chớ lấy tên Đức Chúa Trời mà thề dối.
3. Giữ ngày Chúa nhật, nghỉ hết các công việc để kính thờ Đức Chúa Trời.
4. Thảo kính cha mẹ.
5. Chớ giết người.
6. Chớ làm Tà dâm.
7. Chớ ăn trộm cướp.
8. Chớ bỏ vạ cho người (Chớ làm chứng gian hại người).
9. Chớ muốn vợ chồng người.
10. Chớ tham của người.
Mười Điều Răn này được Đức Chúa Trời gọi là Giao Ước của Jehovah với dân Do Thái, có nghĩa là: Ai giữ trọn được 10 Điều Răn thì được Đức Chúa Trời ban phước, rước về Thiên đường sống hạnh phúc bên cạnh Đức Chúa Trời, còn ai không tuân 10 Điều Răn này thì bị đọa vào Địa ngục.
Mười Điều Răn này được xem là Đệ Nhứt Thiên Nhơn Hòa Ước giữa Thượng Đế và Nhân loại.
Đức Chúa Trời chọn và ban phước cho dân tộc Do Thái, một dân tộc nhỏ nhoi đang chịu nô lệ dưới sự áp bức của Ai Cập, nên Đức Chúa Trời sai Ông Môi-se giáng trần làm người Do Thái, mở ra Đạo Thánh với 10 Điều Răn, để dẫn dắt dân tộc Do Thái khỏi vòng nô lệ của Ai Cập, và lập ra một nước Do Thái độc lập và hùng cường.
3. Tiểu sử Thánh Môi-se
Hình 3: Thánh Moses
Dân Do Thái thuở xưa được gọi là dân Hébreu (Hê-bơ-rơ), bị nước Ai Cập (Égypte, phiên âm là Ê-dip-tô) đô hộ và bị bắt làm nô lệ. Các vua Ai Cập được gọi là Pharaon muốn tiêu diệt dân Do Thái nên ra lệnh: “Phàm con trai của dân Hébreu mới sinh thì liệng xuống sông, còn con gái thì để cho sống”.
Một gia đình Hébreu vừa sinh đứa con trai, thấy con ngộ nên mẹ nó đem đi giấu trong 3 tháng, nhưng giấu lâu hơn nữa không được. Người mẹ lấy một cái rương mây, trát chai thật kín, đặt con vào đó, rồi thả trong đám sậy dựa mé sông. Chị của đứa bé đứng xa nơi đó đặng dòm chừng cho biết số phận của đứa em trai ấy ra sao.
Một Công Chúa của Pharaon ra tắm sông, thấy cái rương giữa đám sậy, bèn sai kẻ hầu vớt lên. Công Chúa mở rương thấy một đứa bé trai đang khóc, bèn động lòng thương xót, nói: “ Đây là một con trai của người Hébreu”. Chị của đứa bé đến gần nói: Công Chúa nên kêu một người vú trong bọn đàn bà Hébreu đặng cho nó bú chớ? Công Chúa bảo: Hãy đi kêu đi. Chị đứa bé liền chạy đi kêu mẹ của nó đến. Công Chúa nói: “Hãy đem đứa trẻ nầy về nuôi bú cho ta, ta sẽ trả tiền công cho”.
Hình 4: Công chúa Ai cập phát hiện Moses trong cái rương ở khóm sậy
Khi đứa bé lớn khôn, người vú dẫn nó vào gặp Công Chúa, được Công Chúa nhận làm con, và đặt tên nó là Môi-se (Môi-se có nghĩa là: được cứu khỏi nước).
Môi-se lớn lên là một tráng niên vạm vỡ, thấy một người Ai Cập đánh đập một người Hébreu, Môi-se nổi giận đến bênh vực và giết chết tên Ai Cập đó, rồi trốn đi.
Môi-se dừng chân tại xứ Ma-đi-an, ngồi gần một giếng nước. Thầy Tế lễ xứ Ma-đi-an có 7 con gái, các nàng đến giếng xách nước đổ đầy máng cho bầy chiên của cha mình uống, nhưng các nàng bị các kẻ chăn chiên đuổi đi. Môi-se thấy vậy, bênh vực các nàng. Nhờ vậy, Môi-se được cha của các nàng nhận làm rể. Nàng Sê-phô-ra, vợ của Môi-se, sinh đặng một đứa con trai, đặt tên là Ghẹt-sôn.
Ngày kia, Môi-se dẫn bầy chiên của nhạc gia qua phía bên kia đồng vắng để cho ăn cỏ. Môi-se bỗng thấy Đức Chúa Trời hiện ra bảo: “TA đã nghe thấu tiếng kêu rên đau đớn của dân Do Thái, Môi-se ngươi hãy lại đây, đặng TA sai ngươi đi dẫn dân Do Thái ra khỏi tay người Ai Cập, để đi đến một xứ kia đẹp đẽ, rộng rãi, đượm sữa và mật.”
Môi-se bèn thưa rằng: Tôi là ai mà dám đi đến gặp Pharaon để dẫn dân Do Thái ra khỏi Ai Cập?
Đức Chúa Trời phán: Ta sẽ ở cùng ngươi. Hãy nói cho dân Do Thái như vầy: Đấng Tự Hữu Hằng Hữu sai ta đến cùng các ngươi.
Môi-se thưa rằng: Tôi vẫn chẳng phải là một tay nói giỏi vì miệng và lưỡi tôi hay ngập ngừng.
Đức Chúa Trời liền phán: Có phải A-rôn, người Lê-vi là anh của ngươi chăng? Ta biết người đó có tài nói giỏi, người đó sẽ đi theo ngươi và nói thế cho ngươi.
Môi-se và A-rôn trở về xứ Ai Cập, đến tâu cùng Pharaon rằng: Đức Chúa Trời kêu tôi đến yêu cầu Pharaon (Pha-ra-ôn) phóng thích dân Israel.
Môi-se và A-rôn nhiều lần đến yêu cầu như thế, nhưng Pharaon nhất định không chịu, lại bắt dân Israel khổ dịch hơn. Đức Chúa Trời nổi giận làm cho dân Ai Cập bị 10 tai vạ khổ sở, cuối cùng, Pharaon chịu không nổi, phải phóng thích dân Israel, chấm dứt thời kỳ nô lệ của dân Israel. (Dân Israel làm nô lệ cho Ai Cập suốt thời gian 430 năm).
Môi-se hướng dẫn dân Israel ra đi, qua rất nhiều gian truân vất vả, họ đến được cánh đồng vắng đối diện núi Si-Nai, và họ được Đức Chúa Trời cho lập quốc tại đó.
Đức Chúa Trời hiện ra trên đỉnh núi Sinai, gọi Môi-se lên ở cùng Ngài trong 40 ngày đêm, rồi qua trung gian của Môi-se, Ngài ban cho dân Do Thái (Israel) 10 Điều Răn, coi đó là Giao Ước của Đức Chúa Trời với dân Do Thái, để dân Do Thái hưởng được những điều tốt lành do Đức Chúa Trời ban cho. Ngoài ra, Đức Chúa Trời còn ban cho nhiều điều luật khác về việc xây dựng Đền Thờ, thiết lập Thầy Tế lễ, lập ngày Sa-bát, cấm việc đúc hình tượng để thờ, vv . . .
Vả lúc đó Môi-se đã già, Đức Chúa Trời phán cùng Môi-se rằng: Hãy lên trên núi A-ba-rim này và nhìn xem xứ mà TA đã ban cho dân Israel. Ngươi sẽ nhìn xem xứ đó, rồi ngươi cũng sẽ được trở về cùng Tổ phụ ngươi, cũng như A-rôn, anh của ngươi, đã được về trước đây vậy. Hãy chọn lấy Giô-suê, con trai của Nun, người có Thần cảm động, thay thế cho ngươi, phải đặt tay của ngươi trên mình Giô-suê, rồi đem Giô-suê ra mắt các Thầy Tế lễ và cả hội chúng, và trao phần vinh hiển cho Giô-suê, hầu cho cả hội chúng nghe theo người.
Môi-se qua đời
Theo như lệnh của Đức Chúa Trời, Môi-se qua đời tại đồng bằng Mô-áp, và Đức Chúa Trời chôn Môi-se trong trũng của xứ Mô-áp. Môi-se thọ 120 tuổi, mắt người không mờ, sức người không giảm. Dân Israel chịu tang và khóc Môi-se trong 30 ngày tại đồng bằng Mô-áp.
Giô-suê, con trai của Nun, được đầy dẫy thần khôn ngoan, vì Môi-se đã đặt tay trên mình người. Dân Israel bèn vâng lời người và làm theo điều Đức Chúa Trời Giê-hô-va đã phán dặn Môi-se.
Về sau, trong dân Israel, không còn dấy lên nhà Tiên tri nào giống như Môi-se mà Đức Chúa Trời đã biết giáp mặt.
Hình 5: Nước Israen từ 1947 đến nay
*
* *
Tìm Hiểu Do Thái Giáo
Do Thái Giáo là một tôn giáo lâu đời nhất thờ độc thần, tức là chỉ thờ phụng một Đức Chúa Trời duy nhất, thánh danh của Ngài bằng tiếng Hê-bơ-rơ là Yahweh (Gia-vê) hay Yehôwâh (Giê-hô-va). Căn cứ vào Thánh Kinh Cựu Ước người ta được biết Do Thái Giáo tin rằng Yahweh hay Yehôwâh là Đấng Tạo Hóa tự hữu hằng hữu, vô sở bất tại, toàn năng, toàn tri đang cai quản vũ trụ và muôn loài vạn vật trên thế gian này.
Kinh Thánh Cựu Ước cho biết Đức Chúa Trời đã dùng Áp-ram hay Áp-ra-ham sáng lập ra Do Thái Giáo vào khoảng thế kỷ XX (TCN). Áp-ra-ham ra đời vào khoảng năm 2166 TCN, tại U-rơ, xứ Canh-đê (I-rắc). Áp-ra-ham thuộc giống dân A-ram, cùng vợ là Sa-rai theo cha mình rời U-rơ, để đi đến Cha-ran kiều ngụ. Tại Cha-ran Đức Chúa Trời hiện ra bảo Áp-ra-ham rời bỏ Cha-ran để đi đến Ca-na-an, tức là Palestine ngày nay. Đức Chúa Trời hứa sẽ ban phước và sẽ làm cho dòng dõi của Áp-ra-ham trở thành một dân tộc lớn. Dân tộc này sẽ đem phước hạnh đến cho toàn thể nhân loại, như Kinh Thánh Cựu Ước ghi: “Vả, Đức Giê-hô-va có phán cùng Áp-ram rằng: Ngươi hãy ra khỏi quê hương, dẫn bà con và nhà cha ngươi, mà đi đến xứ ta sẽ chỉ cho. Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân lớn; ta sẽ ban phước cho ngươi” (Sáng 12:1-2). “Vâng theo lời Chúa gọi, Áp-ra-ham cùng vợ là Sa-rai và cháu là Lót đi đến Ca-na-an. Tại Ca-na-an, Đức Chúa Trời hiện ra, ban cho Áp-ra-ham và dòng dõi người vùng đất này. Áp-ra-ham liền lập một bàn thờ để thờ phụng Đấng đã hiện đến cùng mình” (Sáng 12:1-7).
Hai mươi lăm năm sau, khi Áp-ra-ham được 100 tuổi, người sanh ra Y-sác. Đến năm Y-sác 60 tuổi, Y-sác sanh ra Ê-sau và Gia-cốp. Đến năm 1991 TCN, Áp-ra-ham qua đời, hưởng thọ được 175 tuổi.
Năm 1876 TCN, vùng đất Ca-na-an gặp cơn đói kém, nên Gia-cốp cũng gọi là Y-sơ-ra-ên, cùng gia đình của các người con, gồm có khoảng 70 người, di cư qua Ai-cập sinh sống. Sau 430 năm sống bên Ai-cập, con cháu của Gia-cốp sinh sôi nảy nở trở thành dân tộc Do Thái, cũng gọi dân Y-sơ-ra-ên, có dân số vào khoảng 2.000.000 người.
|
Năm 1446 TCN, Đức Chúa Trời dấy lên tiên tri Môi-se để đưa dẫn dân Do Thái từ Ai-cập trở về đất hứa Ca-na-an. Dưới quyền lãnh đạo của Môi-se, dân Do Thái vượt Biển Đỏ như đi trên đất khô tiến về Ca-na-an. Khi đến được vùng núi Si-nai, Môi-se lên núi Si-nai kiến diện Đức Chúa Trời để nhận 10 điều răn mà Đức Chúa Trời ban cho dân Do Thái tuân giữ. Mười điều răn này đòi hỏi dân Do Thái thực thi trách nhiệm của họ đối với Đức Chúa Trời và người đồng loại của mình. Tại nơi này, Môi-se tái xác nhận với người Do Thái là dân tộc họ đã được Đức Chúa Trời tuyển chọn để thờ phụng Ngài, như lời Môi-se nói,“Ngài đã chọn ngươi trong muôn dân trên mặt đất, đặng làm một dân thuộc riêng về Ngài” (Phục 7:6).
Trong thời gian bốn mươi năm sống lưu lạc trong đồng vắng, Môi-se dựng Đền Tạm (đền thờ tạm) để thờ phụng Đức Chúa Trời. Khi chiếm được đất Ca-na-an, dân Do Thái tiếp tục thờ phụng Đức Chúa Trời trong Đền Tạm cho đến khi vua Sa-lô-môn xây được một đền thờ thực thụ tại Giê-ru-sa-lem vào năm 966 TCN.
Đến năm 66 SCN, người Do Thái nổi dậy chống quyền đô hộ của La Mã. Hoàng đế La Mã đưa quân đến dẹp tan cuộc nổi dậy vào năm 70. Để trả thù cho cuộc nổi dậy này, quân La Mã phá hủy đền thờ và thành Giê-ru-sa-lem; bắt người Do Thái phải sống lưu vong. Dầu phải sống lưu vong, người Do Thái vẫn tiếp tục duy trì sinh hoạt tôn giáo của mình trong các nhà hội cho đến ngày nay. Năm 1948, Liên Hiệp Quốc cho người Do Thái lưu vong trở về lập lại quốc gia Do Thái (Y-sơ-ra-ên) trên đất Ca-na-an xưa, nay gọi là Palestine. Sau khi đã thành lập được quốc gia cho mình rồi, điều kế tiếp họ dự định là xây cất lại đền thờ ở Giê-ru-sa-lem để có nơi dâng sinh tế chuộc tội và cử hành các nghi lễ thờ phụng Thiên Chúa như ngày xưa.
|
Do Thái Giáo tin rằng Đức Chúa Trời Yahweh (Giê-hô-va) là chân thần thực hữu duy nhất, vô hình, vô thể, là Đấng Tạo Hóa đã tạo dựng nên loài người và vũ trụ. Chỉ có Ngài mới đáng để loài người tôn thờ. Ngài biết ý tưởng và việc làm của từng người. Ngài sẽ thưởng cho người làm điều lành và hành phạt kẻ làm điều ác. Người Do Thái tin có các thần khác, nhưng đều là tà thần không đáng được tôn vinh và thờ phụng.
Do Thái Giáo tin rằng Đức Chúa Trời đã tạo dựng loài người bình đẳng theo “ảnh tượng” Ngài, nghĩa là loài người có phần tâm linh, tâm hồn, trí phán đoán và sự thông minh. Ngài cho con người có tự do làm điều mình muốn nhưng phải chịu trách nhiệm những việc mình làm.
Do Thái Giáo không tin có thuyết luân hồi, nhưng tin có sự sống lại của kẻ chết, tin con người có một đời để sống, rồi sau khi chết sẽ bị xét đoán để được thưởng hay bị hành phạt tùy theo việc mình làm lúc còn trong xác thịt.
Người Do Thái cho rằng Đức Chúa Trời có lập giao ước với tổ phụ họ, ban bố luật pháp cho dân tộc họ để làm tuyển dân cho Đức Chúa Trời. Họ tin rằng Đấng Mê-si hay Đấng Christ (Đấng chịu xức dầu) sẽ là một người sinh ra từ dòng dõi của vua Đa-vít, thuộc chi phái Giu-đa của dân tộc Do Thái. Đấng Mê-si sẽ đến làm vua cai trị thế gian này và Ngài sẽ đem các nước lại để cùng nhau sống trong hòa bình. Quốc gia Do Thái sẽ trở thành “nước của thầy tế lễ” làm trung gian giữa Đức Chúa Trời và các quốc gia trên thế giới.
Hiện nay, Do Thái Giáo chia ra làm ba môn phái như sau:
Chính Thống: Người Do Thái theo môn phái Chính Thống cố làm đúng theo các giáo lý đã có từ lúc ban đầu; họ cẩn thận làm theo các luật kiêng cữ về thức ăn, và thận trọng giữ ngày sa-bát.
Bảo Thủ: Người Do Thái theo môn phái Bảo Thủ làm theo các luật lệ của Kinh Talmud. Họ thi hành các nghi lễ tôn giáo theo truyền thống, nhưng uyển chuyển để thích hợp cho từng thế hệ.
Cải Cách: Người Do Thái theo môn phái Cải Cách không coi trọng các luật lệ truyền khẩu của Kinh Talmud, nhưng chú trọng nhiều đến việc giáo dục đạo đức cho tín hữu.
|
Đến cuối thế kỷ thứ 20, dân số Do Thái trên thế giới có khoảng từ 13 đến 14 triệu người. Trong số này, có khoảng 5-6 triệu ở Hoa Kỳ, 5-6 triệu ở Do Thái, 2 triệu ở Âu Châu, 400.000 ở Châu Mỹ La-Tinh, 350.000 ở Gia Nã Đại, 100.000 ở Phi Châu, 100.000 ở Úc Châu và 50.000 ở Á Châu (không kể nước Do Thái).
Trích từ www.cdnvn.com
*
* *
Lịch sử hình thành kinh cựu ước
Thánh Kinh Cựu Ước đã hình thành từ dọc dài 1.000 năm theo các chặng chính sau đây:
1. Dưới thời vương quốc Giêrusalem (vua Đavít 1010-970, và vua Salomon 972-933 trước công nguyên)
Vua Salomon đã thừa hưởng được từ vua Đavít một vương quốc rộng lớn, hùng mạnh và thịnh vượng chưa từng thấy trong lịch sử dân Israel. Nhà vua tổ chức triều chính theo kiểu tổ chức của Pharaông Ai Cập với giới ký lục có bổn phận biên chép mọi sự. Bầu khí hòa bình và sự thịnh vượng chính trị, kinh tế cũng giúp cho nền văn hóa nở hoa. Người ta bắt đầu biên soạn các truyền thống. Thánh Kinh Cựu Ước ghi lại hai tác phẩm bị mất: ”Sách của người công chính”, và ”Sách các cuộc chiến của Giavê”.
Dưới thời vua Salomon người ta cũng biên soạn: lịch sử Hòm Bia Thánh (1 Sm 2-5) lịch sử kể vị vua Đavít (2 Sm 9-20). Thế rồi người ta cũng thu thập các bài thơ như Thánh thi của Hòm Bia và Điếu văn khóc Abner, chắc chắn là do chính vua Đavít biên soạn (2 Sm 1; 3). Có lẽ vài thánh vịnh và các câu nói, sau này sẽ được gom lại trong sách các Châm Ngôn, cũng đã được sáng tác trong thời này.
Nhưng nhất là người ta biên soạn Lịch sử thánh của vương quốc Giuđa miền Nam, cũng gọi là Truyền Thống Giavít (viết tắt là J).
2. Trong thời vương quốc miền Bắc (935-721)
Sau khi vua Salomon băng hà, vương quốc thống nhất bị chia đôi thành vương quốc Israel miền Bắc, và vương quốc Giuđa miền Nam. Năm 722 trước công nguyên Vương quốc miền Bắc bị vua Sargon II của đế quốc Assiria đánh chiếm. Thủ đô Samaria bị phá hủy và thiêu rụi hoàn toàn.
Vào thế kỷ thứ IX người ta biên soạn các truyền thống liên quan tới ngôn sứ Elia (1 V 17-19; 21; 2 V 1-2); và vào khoảng năm 750 ”Hạnh ngôn sứ Elidêô” (2 V 3-9) hay các trang đẹp của lịch sử như trình thuật cuộc cách mạng của ông Giêhu (2 V 9-10).
Một vài lời sấm của ngôn sứ Amos và Hosê cũng được ghi chép. Chắc hẳn vào năm 750 người ta cũng biên soạn Lịch sử vương quốc miềm Bắc, mà chúng ta gọi là Truyền thống Êlôhít (viết tắt là E).
Sau cùng người ta cũng thu thập các luật lệ để thích ứng luật cũ với tình trạng mới của xã hội. Chúng mang nặng ảnh hưởng sứ điệp của các ngôn sứ, nhất là của ngôn sứ Hosê. Các tập luật lệ này được gọi là Truyền Thống Đệ Nhị Luật (viết tắt là D) và sẽ là nhân tố của sách Đệ Nhị Luật.
3. Trong thời vương quốc Giuđa (721-587)
Trước khi vương quốc Israel miền Bắc bị đế quốc Assiria xâm lăng và tàn phá vào năm 722 trước công nguyên, một số thầy Lêvi chạy trốn về Giêrusalem, đem theo các tác phẩm văn chương biên soạn tại miềm Bắc như Lịch sử miền Bắc, tức Truyền Thống Êlôhít, các sưu tập luật lệ, sấm ngôn của các ngôn sứ đã rao giảng tại vương quốc miền Bắc vv… Các Luật Lệ xem ra quá in dấu tinh thần miền Bắc, vì thế chúng bị ”kỳ thị” và lãng quên trong một thế kỷ, vì bị để nằm mốc meo trong thư viện của Đền Thờ. Năm 622 trước công nguyên, tình cờ trong một lần tu sửa Đền Thờ vua Giosia khám phá ra các Luật Lệ này và dựa trên đó để phát động cuộc canh cải tôn giáo. Một số các ký lục bắt đầu trộn lẫn hai tài liệu với nhau: Lịch sử miềm Nam hay Truyền Thống Giavít và Lịch sử miền Bắc hay Truyền Thống Êlôhít, và làm thành một tài liệu thứ ba gọi là Truyền Thống Giêhôvít (viết tắt là JE). Việc hòa nhập hai truyền thống khéo đến độ khó có thể phân biệt được chúng trong văn bản Giêhôvít. Nó là gia tài chung của các chi tộc miền Bắc và miền Nam.
Cuộc cải các tôn giáo do vua Giôsia phát động sẽ đưa ra ánh sáng các Luật Lệ bắt nguồn từ miền Bắc. Chúng sẽ được bổ túc và trở thành sách Đệ Nhị Luật.
Dưới ánh sáng giáo huấn của sách Đệ Nhị Luật người ta bắt đầu tổ chức các truyền thống liên quan tới Giôsuê, các Thủ Lãnh, Samuel và các Vua. Được biên soạn lại các sách này sẽ trở thành một minh giải bằng hình những gì soạn giả Đệ Nhị Luật tìm diễn tả bằng các diễn văn.
Sau cùng người ta cũng biên chép ra các sấm ngôn của các ngôn sứ: Xôphônia, Nakhum, Habakkúc, Giêrêmia. Nhiều Thánh Vịnh chắc chắn đã được sáng tác trong thời gian này, trong khi các nhà khôn ngoan tiếp tục các suy tư của họ liên quan tới nhiều vấn đề cuộc sống, đặc biệt về cái chết của vua Giôsia.
4. Trong thời lưu đầy bên Babilonia (587-538)
Năm 587 trước công nguyên Nabucodonosor vua Babilonia thống lãnh đại binh tiến đánh vương quốc Giuđa, triệt hạ Giêrusalem và đốt phá bình địa Đền Thờ và thành thánh. Dân Do thái mất hết mọi sự bị đầy sang Babilonia và chỉ còn lại các Truyền Thống. Vì thế họ đọc lại các Truyền Thống đó với tất cả sự đam mê. Hai ngôn sứ Êdêkien và Isaia II đã rao giảng trong thời gian này, một vị vào ban đầu vị kia vào cuối thời lưu đầy.
Các tư tế thu thập các luật lệ đã biên soạn tại Giêrusalem vào cuối thời vương quốc Giuđa: Luật lệ sự thánh thiện (Lv 17-26). Được khai triển sau thời lưu đầy nó sẽ trở thành sách Lêvi.
Để nâng đỡ niềm tin và lòng hy vọng của dân Israel, một lần nữa các tư tế tìm dẫn đưa họ trở về nguồn. Việc đọc lại lịch sử này được gọi là Truyền Thống Tư Tế và là truyền thống thứ 4 làm thành chất liệu của Bộ Ngũ Thư hay Ngũ Kinh, tức 5 cuốn sách đầu tiên của Thánh Kinh Cựu Ước. Như thế các yếu tố của Bộ Ngữ Thư đã sẵn sàng, chỉ cần thu thập chúng vào một tác phẩm duy nhất. Điều này sẽ được thực hiện vào năm 400 trước công nguyên.
Các tai ương, khổ đau khốn khó phải chịu cũng như việc tiếp xúc trước hết với tư tưởng Babilonia và sau đó với tư tưởng Ba Tư, sẽ dẫn đưa các nhà khôn ngoan tới chỗ đào sâu suy tư về các vấn đề cuộc sống con người. Sự kiện này sẽ dẫn đưa tới chỗ biên soạn các tác phẩm như sách ông Gióp trong các thế kỷ sau thời lưu đầy.
Một cách dễ dàng người ta cũng có thể tưởng tượng được rằng lời cầu nguyện của các tín hữu cũng sẽ có một giọng điệu khác. Một Thánh Vịnh, chẳng hạn thánh vịnh 137 hay 44; 80; 89 có thể nảy sinh ra như lời kêu cầu lên Thiên Chúa tín trung. Tại Giêrusalem, một số tín hữu Do thái không bị đi đầy đã than van khóc lóc với các lời được thu góp trong sách Ai Ca, được gán một cách sai lầm cho ngôn sứ Giêrêmia.
5. Trong thời thống trị của đế quốc Ba Tư (538-333)
Năm 538 vua Ciro ký sắc lệnh cho dân Do thái hồi hương chấm dứt 50 năm lưu đầy bên Babilonia. Trong thời gian này có nhiều ngôn sứ đã rao giảng như: Khácgai, Dacaria, Malakhi, Ôvađia, và nhất là Isaia III.
Nhưng nhất là thời đại này bị ảnh hưởng của các ký lục và các nhà khôn ngoan. Các ký lục như Étra đọc lại các tác phẩm và thu thập chúng lại như bộ Ngũ Thư, hay bổ túc chúng như các sách Sử Biên, Étra, Nơkhêmia.
Các nhà khôn ngoan cũng thu thập các suy tư đã có từ trước và bắt đầu biên soạn các tác phẩm lớn như sách Rút, Giôna, Châm Ngôn, Gióp.
Các Thánh Vịnh bắt đầu được hiệp nhất thành các tập và mau chóng trở thành sách Thánh Vịnh.
6. Dưới thời đô hộ của Người Hy Lạp (333-63) và của người Roma (từ sau năm 63 trước công nguyên)
Năm 333 Alếchxăng Đại đế bắt đầu đánh chiếm khắp nơi và thành lập một đế chế rộng mênh mông trải đài từ Ai Cập sang toàn vùng Medopotamia cho tới sát biên giới Ấn Độ. Năm 63 trước công nguyên Pompeo thống lĩnh đạo binh Roma đánh chiếm Palestina. Sau khi nằm đưới ách thống trị của đế quốc Hy Lạp, nước Palestina rơi vào tay đế quốc Roma.
Trong thời gian này có ngôn sứ Dacaria II rao giảng. Tiến trình Hy Lạp hóa Palestina khơi dậy các phản ứng khác nhau phò hay chống. Các tác phẩm của nền văn chương khôn ngoan được sáng tác trong thời gian này như các sách: Giảng Viên (Qohelet), Huấn Ca (Ben Sira), Tobia, Diễm Ca, Barúc, Khôn Ngoan. Thánh Kinh Do thái được dịch ra tiếng Hy Lạp tại Alessandria bên Ai Cập, gọi là bản dịch Hy Lạp Bảy Mươi (viết tắt LXX).
Các cuộc bức hại người Do thái do vua Antioco IV Epifane phát động năm 167 trước công nguyên làm nảy sinh ra nền văn chương kháng chiến với các tác phẩm như: sách Étte, Giuđitha, Macabê I-II. Nó cũng khiến cho một trào lưu văn chương, thần học phát triển với một loại văn thể đặc biệt là trào lưu khải huyền. Tác phẩm điển hình nhất là sách ngôn sứ Đanien.
Các Thánh Vịnh cuối cùng được sáng tác và làm thành sách Thánh Vịnh.
Trong lịch sử hình thành kéo dài 1.000 năm đó tác phẩm cuối cùng của Thánh Kinh Cựu Ước là sách Khôn Ngoan, được biên soạn ra vào năm 50 trước công nguyên.
Tuy nhiên, nhiều chất liệu của Thánh Kinh Cựu Ước đã có từ nhiều thế kỷ trước và đã hiện hữu trong truyền thống truyền miệng và các anh hùng ca. Các biến cố, các câu chuyện hay giai thoại được kể lại từ thế hệ này sang thế hệ khác trong các chi tộc. Chẳng hạn như cuộc đời của các tổ phụ (St 12-50), hay biến cố xuất hành, cuộc giải phóng dân Israel khỏi kiếp sống nô lệ bên Ai Cập, lịch sử đánh chiếm Đất Hứa, những chuyện xảy ra thời các thủ lãnh, các luật lệ vv… Tất cả là các chất liệu đã có từ thế kỷ XIX tới thế kỷ XI trước công nguyên, đa số trong hình thái truyền miệng, và nói chung đã được biên soạn ra sau đó, bắt đầu từ thời quân chủ, đặc biệt dưới triều đại của vua Salomon.
Các văn thể trong thánh kinh
Để kể lại lịch sử hay miêu tả các kinh nghiệm của Israel dân được tuyển chọn, các soạn giả kinh thánh dùng nhiều văn thể khác nhau.
Văn thể là các kiểu diễn tả khác nhau nhằm kể lại các biến cố hay miêu tả các thực tại. Chẳng hạn khi kể lại bệnh tình của một người thân cho một bác sĩ hay cho một nhân viên của văn phòng bảo hiểm sức khỏe, chúng ta dùng các giọng văn khác nhau. Và khi kể, chúng ta cũng dùng các giọng điệu khác nhau tùy theo mức độ thân quen với vị bác sĩ hay nhân viên bảo hiểm sức khỏe. Thế rồi việc kể lại đó cũng còn tùy thuộc tình trạng của người bệnh đang giở sống giở chết hay đã khỏi bệnh nữa vv…
Tiến sâu hơn một chút, các kiểu trình bầy sự vật hay các văn thể tương ứng với các nhu cầu khác nhau trong cuộc sống của một nhóm người. Mỗi nhóm xã hội đều có một số văn bản nào đó. Thí dụ một hiệp hội câu cá có nội quy riêng đưa ra các điều luật của hội mà mọi thành viên đều phải tuân giữ (nội quy là văn bản có tính cách luật pháp). Thế rồi hội cũng có các khẩu hiệu hay các câu ngắn gọn đánh động tiêu biểu (Hãy di nghỉ hè và câu cá!”), các giai thoại câu cá hi hữu, được thêm mắm thêm muối, thêu thùa, phóng đại trở thành một loại ”anh hùng ca” của hội, trong đó người ta kể lại vụ câu một con kình ngư, hay một con cá mập, hoặc vụ đuổi theo một con cá gươm, như là một cuộc mạo hiểm với các tình tiết nguy hiểm, kỳ bí hấp dẫn đến độ mọi người ta phải há miệng ra mà nghe vv… Ngoài ra, hội còn tổ chức các buổi tranh giải, các lễ kỷ niệm, các buổi gặp gỡ, các bữa tiệc vui vv…
Như thế, để hiện hữu, mỗi xã hội, mỗi hiệp hội đều tạo ra một nền văn chương riêng. Một dân tộc có các luật lệ, các biến cố và trình thuật lich sử, các buổi lễ, các kỷ niệm, các anh hùng ca, các bài thơ phú, cũng như các bài hát riêng của mình.
1. Các câu chuyện
Cần phải nhớ lại quá khứ và trao ban cho mọi người một tâm thức chung. Chính khi nghe các bô lão kể chuyện mà người ta ý thức được mình thuộc về một gia đình, một chi tộc, một chủng tộc, một vùng miền, một quốc gia. Các câu chuyện kể lại cuộc đời các tổ phụ trong sách Sáng Thế thuộc loại này.
2. Anh hùng ca
Anh hùng ca cũng là một văn thể kể lại những chuyện quá khứ, nhưng với mục đích khơi dậy lòng hăng say, hãnh diện và ca ngợi các vị anh hùng của dân tộc, vì thế chúng thường được thêu dệt bằng nhiều chi tiết đặc biệt hay đẹp, đáng khâm phục. Nhiều trang trong sách Xuất Hành và đặc biệt sách Thủ Lãnh thuộc loại này.
3. Các luật lệ
Các luật lệ giúp tổ chức cuộc sống chung của một dân tộc. Tất cả các văn bản nói về luật lệ trong sách Xuất Hành, Lêvi, đặc biệt là Đệ Nhị Luật đều thuộc loại văn thể này.
4. Phụng vụ, các việc cử hành, các lễ nghi
Chúng diễn tả cuộc sống chung của một dân tộc, chẳng hạn các hiến tế, các bữa ăn trong một ngày lễ nối kết và gắn chặt các liên hệ trong gia tộc. Như là các hành động tôn giáo chúng biểu lộ tương quan của con người với Thiên Chúa. Sách Lêvi và sách Đệ Nhị Luật thuộc loại này.
5. Các bài thơ, các thánh thi và thánh vịnh
Chúng diễn tả các tâm tình đức tin của dân Chúa. Tín hữu cầu nguyện với Thiên Chúa, giải bầy các ưu tư, lo lắng, phiền muộn, khổ đau, hay nỗi vui sướng, hạnh phúc, hoặc tâm tình tri ân cảm mến đối với Thiên Chúa, hay sự uất ức trước các bất công tàn ác ủa con người, và đôi khi cả lời nguyền rủa thù địch và giao phó chúng cho sự công thẳng của Thiên Chúa.
6. Các sấm ngôn
Đây là văn thể các ngôn sứ thường dùng. Chúng là các lời phán trang trọng của Thiên Chúa nhằm tố cáo các tội lỗi và cung cách sống phản bội của dân Israel, mời gọi họ bỏ đường tội lỗi để ăn năn hoán cải, trở về với Ngài, hay những lời đe dọa đánh phạt tội lỗi của họ, hoặc các khích lệ họ sống thánh thiện tốt lành.
7. Giáo huấn
Đây là văn thể thông thường của các ngôn sứ, của hàng tư tế. Nó thường được trình bầy trong hình thái dậy dỗ, nhưng cả trong các trình thuật và các câu chuyện hay các dụ ngôn nữa.
8. Các suy tư khôn ngoan
Các suy tư khôn ngoan liên quan tới các vấn nạn ngàn đời của con người như: tại sao có sự sống, cái chết, sự dữ và khổ đau vv… Đây là các đề tài được các sách khôn ngoan của Thánh Kinh nói tới.
9. Huyền thoại
Huyền thoại là một văn thể có tính cách khôn ngoan, đặc biệt phong phú và sâu sắc. Nó không phải là sản phẩm của óc tượng tượng, chống đối tôn giáo hay phản lịch sử, mà nó là một khả năng nắm bắt được một cách trực giác các thực tại tôn giáo, vô hình và siêu việt.
Mười một chương đầu sách Sáng Thế chứa đựng rất nhiều yếu tố huyền thoại là kiểu diễn tả chung của các dân tộc vùng Trung Đông Cổ ngày xưa như hình ảnh cặp vợ chồng Adam Eva, vườn Eden hay vườn Địa Đàng, con Rắn, lụt hồng thủy, tháp Babel vv… Các soạn giả kinh thánh lấy lại các hình ảnh biểu tượng, các kiểu diễn tả chung của các dân tộc khác và sử dụng chúng cho các trình thuật của mình, nhưng thanh tẩy chúng khỏi quan niệm đa thần và trao ban cho chúng sứ điệp thần học.
Mỗi kiểu diễn tả, mỗi loại văn thể, có sự thật của nó. Chúng ta không thể trách chuyện bằng hình Asterix là không chính xác như một cuốn sách lịch sử. Cũng thế, không được đọc trình thuật tạo dựng trong chương 1 và chương 2 sách Sáng Thế như một khảo luận khoa học nhằm giải thích nguồn gốc vũ trụ và nguồn gốc con người. Chương 1 là một bai thơ phụng vụ. Chương 2 là một câu chuyện. Cũng không được đọc trình thuật dân Do thái vượt qua Biển Đỏ sách Xuất Hành chương 14 như là một bài phóng sự trực tiếp biến cố xảy ra, vì nó là một anh hùng ca.
Như thế, mỗi lần có thể, đều phải hỏi xem văn bản chúng ta đang đọc có văn thể nào và đâu là loại sự thật mà nó muốn nhắn gửi chúng ta.♥
Linh mục Giuse Linh Tiến Khải
Thiên chúa hiện lên ở đỉnh núi Si-Nai để gặp Moses
Phỏng theo: Đạo cao đài và các tôn giáo khác. http://www.daotam.info/tusachdd.htm