Đại danh y Tuệ Tĩnh

Cập nhật: 16/11/2016 Lượt xem: 5639

Tuệ Tĩnh

Kết quả hình ảnh cho tuệ tĩnh

Tuệ Tĩnh Thiền sư (1330 - 1400) là một lang y sống ở giai đoạn cuối thời Trần. Ông được hậu thế suy tôn là tiên thánh của ngành thuốc Nam. Tại Hải Dương, còn đền thờ ông ở xã Cẩm Văn, Cẩm Vũ, ở chùa Hải Triều làng Yên Trung, nay là chùa Giám, xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Giàng, Và khu B trường Đại học kỹ thuật y tế Hải Dương có tượng Tuệ Tĩnh. Câu đối thờ ông ở đền Bia viết, dịch nghĩa như sau:

Mở rộng phương Tiên, công tế thế cao bằng Thái lĩnh

Sống nhờ cửa Phật, ơn cứu người rộng tựa Cẩm giang

Tiểu sử

Tuệ Tĩnh vốn có nguyên danh là Nguyễn Bá Tĩnh, tự Linh Đàm, hiệu Tráng Tử Vô Dật, Hồng Nghĩa, quán tại hương Xưa, tổng Văn Thai, huyện Cẩm Giàng, phủ Thượng Hồng (nay là thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương).

Mồ côi cha mẹ từ lúc 6 tuổi, Nguyễn Bá Tĩnh được các nhà sư chùa Hải Triều và chùa Giao Thủy nuôi cho ăn học. Năm 22 tuổi, ông đậu Thái học sinh dưới triều vua Trần Dụ Tông, nhưng không ra làm quan mà ở lại chùa đi tu lấy pháp hiệu là Tuệ Tĩnh. Những ngày đi tu cũng là những ngày ông chuyên học thuốc, làm thuốc, chữa bệnh cứu người.

Năm 55 tuổi (1385), với trí tuệ uyên bác trong ngành y thuật của mình, Tuệ Tĩnh bị đưa đi cống cho triều đình nhà Minh. Sang Trung Quốc, ông vẫn làm thuốc, nổi tiếng, được vua Minh phong là Đại y Thiền sư, ông qua đời tại Giang Nam, Trung Quốc nhưng không rõ năm nào.

Tuệ tĩnh xót thương cho số phận của mình và luôn đau đáu nỗi niềm một ngày được quay lại quê hương, thoát khỏi cảnh đất khách quê người thể hiện qua việc ông đã khóc trong lễ nhậm chức của mình tại triều đình nhà Minh và cho tới ngày nay, trên bia mộ của ông vẫn còn dòng chữ "Ai về nước Nam cho tôi về với".

Năm 1690 tiến sĩ Nguyễn Danh Nho đi sứ sang Trung Hoa, tình cờ thấy mộ Tuệ Tĩnh, nhận ra là người cùng làng. Cảm động với lời nhắn gửi thiết tha của vị danh y, tiến sĩ Nguyễn Danh Nho đã sao chép bia mộ và tạc khắc bia đá mang về quê Hải Dương bây giờ.

Công trình y dược

Những năm ở trong nước, Tuệ Tĩnh đã chăm chú nghề thuốc: trồng cây thuốc, sưu tầm kinh nghiệm chữa bệnh trong dân gian, huấn luyện y học cho các tăng đồ. Ông đã tổng hợp y dược dân tộc cổ truyền trong bộ sách giá trị là bộ Nam dược thần hiệu chia làm 10 khoa. Đặc biệt, ông có bộ Hồng Nghĩa giác tư y thư (2 quyển) biên soạn bằng quốc âm, trong đó có bản thảo 500 vị thuốc nam, viết bằng thơ Nôm Đường luật, và bài "Phú thuốc Nam" 630 vị cũng bằng chữ Nôm. Thơ văn Nôm đời Trần rất hiếm, nếu quả thực đó là tác phẩm của Tuệ Tĩnh thì chúng không chỉ giá trị trong y học mà còn là tác phẩm quan trọng trong lịch sử văn học bởi vì đây là các tác phẩm ở thời kì đầu của văn học chữ Nôm.

Từ bao đời nay, giới y học Việt Nam và nhân dân đều công nhận Tuệ Tĩnh có công lao to lớn trong việc xây dựng một quan điểm y học độc lập, tự chủ, sát với thực tế Việt Nam. Câu nói của ông: "Nam dược trị Nam nhân" thể hiện quan điểm đầy biện chứng về mối quan hệ mật thiết giữa con người với môi trường sống xung quanh. Quan điểm ấy dẫn dắt ông lên ngôi vị cao nhất của nền y học cổ truyền Việt Nam: Ông Thánh thuốc Nam! Trong trước tác của mình, ông không rập khuôn theo các trước tác của các đời trước, Ông không đưa kim, mộc, thủy, hỏa, thổ lên đầu mà xếp các cây cỏ trước tiên! Ông cũng phê phán tư tưởng dị đoan của những người chỉ tin vào phù chú mà không tin thuốc. Ông đã nêu ra nhiều phương pháp khác nhau để chữa bệnh như: châm, chích, chườm, bóp, xoa, ăn, uống, hơ, xông, v.v.

Tuệ Tĩnh đã không dừng lại ở vị trí một thầy thuốc chữa bệnh, ông còn tự mình truyền bá phương pháp vệ sinh, tổ chức cơ sở chữa bệnh trong nhà chùa và trong làng xóm. Có tài liệu cho biết, trong 30 năm hoạt động ở nông thôn, Tuệ Tĩnh đã xây dựng 24 ngôi chùa, biến các chùa này thành y xá chữa bệnh. Ông tập hợp nhiều y án: 182 chứng bệnh được chữa bằng 3.873 phương thuốc. Ông cũng luôn luôn nhắc nhở mọi người chú ý nguyên nhân gây bệnh, tìm biện pháp phòng bệnh tích cực. Tuệ Tĩnh nhấn mạnh tác dụng việc rèn luyện thân thể và sinh hoạt điều độ. Ông nêu phương pháp dưỡng sinh tóm tắt trong 14 chữ:

Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần

Thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình

Tuệ Tĩnh còn tập hợp những bài thuốc chữa bệnh cho gia súc. Có thể nói, ông đã góp phần đặt cơ sở cho ngành thú y dân tộc của Việt Nam.

Nguồn: Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.

Tiểu sử của Tuệ Tĩnh

Theo truyền thuyết ở địa phương, ông sinh trưởng dưới triều Trần Dụ Tông ( thế kỷ XIV), lúc lên 6 tuổi, cha mẹ đều mất. Ông được nhà sư chùa hải Triều ở Yên Trang gần đấy đưa về nuôi cho ǎn học (chùa Hải Triều sau gọi là chùa Nghiêm Quang tức chùa Giám ở xã Cẩm Sơn, vì bị đất lở, đã dời đến xã Tân Sơn cùng huyện Cẩm Bình). Đến 10 tuổi, Bá Tĩnh lại được sư cụ chùa Giao Thủy ở Sơn Nam (Nam Đình) đưa về cho ở học với nhà sư chùa Dũng Nhuệ trong huyện. ở đây, ông được gọi là Tiểu Huệ, nên có biệt danh là Huệ Tĩnh. Ông được học vǎn và học thuốc để giúp việc chữa bệnh ở chùa.

Đến 22 tuổi, ông đi thi hương trúng bảng, nhưng vẫn ở chùa đi tu lấy pháp hiệu là Tuệ Tĩnh. ông tiếp tục việc chữa bệnh giúp dân ở chùa này và phát triển thêm một số cơ sở chữa bệnh ở các chùa lân cận, như chùa Hộ Xá (Nghĩa Xá). Nǎm 30 tuổi, ông trở về trụ trì chùa Yên Trang. Ông đã tu bổ lại chùa này với một số chùa khác (24 ngôi) ở hạt Sơn Nam và quê hương, huấn luyện y học cho các tǎng ni để mở rộng việc chữa bệnh làm phúc.

Nǎm 45 tuổi, ông thi đình. đậu Hoàng giáp. Nǎm 55 tuổi ông bị bắt đi sứ sang Trung Quốc. Ông được nhà Minh giữ lại làm việc ở Viện Thái y, rồi mất ở bên ấy, không rõ nǎm nào.

Sự nghiệp trước tác: về phật học, ông đã giải nghĩa bằng chữ nôm 3 sách Thiền tông khóa hư lục của vua Trần Thái Tông soạn.

Về y học ông đã soạn các sách Dược tính chỉ nam và Thập tam phương gia giảm (theo Hải Dương phong vật chí), nhưng phần nguyên tác của Tuệ Tĩnh không còn trọn vẹn do binh hỏa, cụ thể các thư tịch của ta đã bị quân nhà Minh phá hủy hồi đầu thế kỷ XV khi chúng sang xâm chiếm nước ta. Những tác phẩm còn lại đến nay đều do người đời sau biên tập lại với tài liệu thu thập trong nhân dân. Hiện có:

1. Bộ Nam dược thần hiệu: do Hòa thượng Bản Lai ở chùa Hồng Phúc ở Trung Đô (phố Hòe Nhai, dốc Hàng Than, Hà Nội ngày nay) biên tập, bổ sung và in lại nǎm 1761, gồm Bản thảo dược tính 499 vị, (bằng thơ) và 10 khoa chữa bệnh, với 3932 phương thuốc nam ứng trị 184 loại bệnh, kèm theo môn thuốc chữa gia súc.

2. Nam dược chính bản: do triều Lê Dụ Tông đổi tên là Hồng nghĩa giác tư y thư và in lại nǎm 1717, quyển thượng gồm: Nam dược quốc ngữ phú (danh từ được học 590 vị thuốc nam). Trực giải chỉ nam dược tính phú (220 vị thuốc nam và một thiên Y luận về lý luận cơ bản, âm dương ngũ hành, tạng phủ, kinh mạch (thiên này xuất hiện ở bản in lại nǎm 1723: AB. 288)

3. Thập tam phương gia giảm: phụ Bổ âm đơn và Dược tính phú (242 vị.) bằng chữ Hán, gồm 13 cổ phương đông y và phương Bổ âm đơn do tác giả sáng chế cùng phương pháp.

Tuệ Tĩnh đã xây dựng nền móng của y học nước nhà với truyền thống chữa bệnh bằng thuốc nam, theo phương châm "Thuốc nam Việt chữa người Nam Việt ". Ông đã gây phong trào trồng thuốc ở gia đình, vườn đền chùa và thu trữ thuốc theo thời vụ để có sẵn thuốc chữa bệnh kịp thời. Truyền thống của Tuệ Tĩnh đã được đời sau thừa kế và phát huy rạng rỡ trong việc bảo vệ sức khoẻ nhân dân và phát triến y học dân tộc:

- Hoàng Đôn Hòa, Lương dược hầu dưới triều Lê Thế Tông, quê ở Đa Sĩ (xã Kiến Hưng, tỉnh Hà Tây) đã chữa bệnh rộng rãi và cứu cho nhân dân qua khỏi vụ dịch nǎm 1533 với thuốc nam trồng kiếm tại địa phương, và chữa cho quân đội triều Lê khỏi dịch sốt rét và thồ tả ở Thái Nguyên nǎm 1574 với thuốc Tam hoàng hoàn gồm Hoàng nàn, Hoàng lực do Tuệ Tĩnh đã phát hiện ở Nam dược thần hiệu và Hùng hoàng đã được dùng chống khí độc lam chướng ở Thập tam phương gia giảm. Đường lối dưỡng sinh của Tuệ Tĩnh nói ở Bổ âm đơn về phòng bệnh hư lao, đã được Hoàng Đôn Hòa cụ thể bằng thuyết "Thanh tâm tiết dục" với phép "Tịnh công hô hấp" ở sách Hoạt nhân toát yếu.

- Hải Thượng Lãn Ông (thế kỷ XVIII) đã thừa kế 496 bài thơ dược tính của Nam dược thần hiệu chép vào sách Lĩnh nam bản thảo, với nhiều phương thuốc nam của Tuệ Tĩnh chép vào các tập Hành giản trân nhu và Bách gia trân tàng. Đường hướng dưỡng sinh của Tuệ Tĩnh về giữ gìn tinh khí thần để sống lâu cũng được Lãn Ông phụ họa thêm ở thiên Khởi cư của tập "Vệ sinh yếu quyệt ".

- Đặc biệt truyền thống thuốc nam của Tuệ Tĩnh đã để lại tập quán trong nhân dân: trồng một số cây ở vườn đền chùa vừa làm cảnh vừa làm thuốc, và ở gia đình, mọi người ít nhiều đều biết dùng một số cây gia vị, rau quả hay các vị thuốc thường có quanh mình, cùng các phép xông hơi, chườm nóng, xoa bóp... để chữa một số bệnh ban đầu, khi mới xảy ra, rất tiện lợi.

Truyền thống y học của Tuệ Tĩnh đã phục vụ đắc lực sức khỏe nhân dân từ bao đời nay, sự nghiệp trước tác của ông đã giữ một vị tri trọng đại nhất trong lịch sử y học Việt Nam. Vì vậy, nhân dân ta đã lập đền thờ ông: Đền Thánh thuốc nam ở quê hương thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, đền Bia ở thôn Vǎn Thai, xã Cẩm Vǎn, miếu Nghè ở chùa Giám, xã Tân Sơn, huyện Cẩm Bình, tinh Hải Hưng. Ngoài ra, ông còn được thờ là Thành hoàng ở xã Yên Lư, huyện Thủy Nguyên, ngoại thành Hải Phòng (có sắc phong là Thượng thượng đẳng phúc thần nǎm 1572, theo thần phả do Nguyễn .Bính, Đông các đại học sĩ ở Viện Cơ mật triều Lê soạn).

Ngày nay, các di tích nói trên đã được Bộ Vǎn hóa xếp hạng là di tích lịch sử để tưởng nhớ công đức của vị Đại danh y Tuệ Tĩnh đối với sự nghiệp bảo vệ sức khỏe của dân tộc ta.

Nguồn: http://trungtamvietydao.com/index.php/thong-tin-m-i/129-ti-u-s-c-a-tu-tinh

Chuyện về tấm bia khắc di nguyện của Đại danh y Tuệ Tĩnh

http://www.hoalinhthoai.com/img-news/24_da1bd.jpg

Đền Bia là một trong ba địa danh ở thôn Văn Thai, xã Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng- Hải Dương thờ Đại y Thiền sư Tuệ Tĩnh.

 "Nam dược trị Nam nhân".

Tuệ Tĩnh chính tên là Nguyễn Bá Tĩnh, biệt hiệu là Hồng Nghĩa, pháp hiệu (theo tên gọi của nhà chùa) là Tuệ Tĩnh (1330-1400), Ông sinh ra ở làng Nghĩa Phú (tục gọi là làng Xưa), thuộc tổng Văn Thai, huyện Cẩm Giàng (gần Kẻ Sặt), phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương - nay là thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Tuệ Tĩnh là một nhà sư thông minh lỗi lạc, thi đậu Ðệ nhị giáp tiến sĩ, tức Hoàng giáp và lại giỏi thuốc trị bệnh nên nhiều thế kỷ qua, Tuệ Tĩnh được tôn là vị thánh thuốc Nam. Từ bao đời nay, giới y học Việt Nam và nhân dân đều công nhận Tuệ Tĩnh có công lao to lớn trong việc xây dựng một quan điểm y học độc lập, tự chủ, sát với thực tế Việt Nam. Câu nói của ông: "Nam dược trị Nam nhân" thể hiện quan điểm đầy biện chứng về mối quan hệ mật thiết giữa con người với môi trường sống xung quanh. Quan điểm ấy đã đưa ông lên ngôi vị cao nhất của nền y học cổ truyền Việt Nam: Ông Thánh thuốc Nam.

 Trải qua hàng trăm năm cùng với bao nhiêu biến cố của lịch sử, tấm bia đá khắc di nguyện của danh y Tuệ Tĩnh vẫn tồn tại cùng với thời gian.

Đền Bia được xây dựng từ thời Lê, trùng tu vào năm 1936, năm 2007 trùng tu một lần nữa. Di tích đền Bia còn nhiều cổ vật có giá trị từ các triều đại phong kiến như bệ đá thời Nguyễn chạm khắc tứ linh, tứ quý, cỗ khám sơn son thiếp vàng, tượng Tuệ Tĩnh. Trước khi có Đền Bia, nơi đây chỉ là một đống đất cao, nhưng vì khu đất có hình con dao cầu nên nhân dân vẫn thường tự đến cắm hương lễ bái. Sau khi tấm bia được dựng lên thì mới dựng đền thờ tấm bia, ban đầu đền làm bằng tranh, tre, nhưng năm nào cũng bị cháy, vì thế dân làng mới cho lập một ngôi đền gọi là Đền Trung ở gần vị trí làng Văn Thai để thờ vọng lên đền Bia, sau đó mới xây dựng đền Bia bằng vật liệu gạch, gỗ lim chắc chắn hơn. Từ đó dân làng gọi là đền Trung và đền Thượng.

Đền Bia nằm phía trong chân đê sông Thái Bình, thuộc thôn Văn Thai, xã Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Ngôi đền này được xây dựng gồm ba tòa; Tiền tế, Nhị đệ và Hậu cung theo lối kiến trúc tiền nhất hậu đinh. Đây là một không gian thờ tự rộng rãi khang trang. Trong khuôn viên, cùng với những cây cổ thụ toả bóng còn có những vườn thuốc Nam xanh tươi.

Ở Hậu cung, trong khám thờ tượng Tuệ Tĩnh, đó là một bức tượng đúc bằng đồng ngồi trên ngai nhỏ, đầu đội khay, mắt sáng, râu dài, hai tay chắp trước ngực, mặc áo thêu hình rồng. Theo sử sách trong chùa viết lại thì bức tượng này do nhân dân trong làng Văn Thai tự tay đúc để thờ từ những ngày đầu xây dựng đền.

Từ lâu, bức tượng thờ Đại y Tuệ Tĩnh bằng đồng là một tuyệt tác thể hiện sự điêu luyện trong điêu khắc của người nông dân vốn chỉ quen với ruộng đồng. Tuy nhiên, đem lại sự nổi tiếng cho đền Bia không chỉ có bức tượng đồng này mà còn bởi tấm bia đá cũ kỹ được đặt phía sau cùng của gian hậu cung. Tấm bia như một cột đá nhỏ, cao khoảng 80cm rộng khoảng 20cm đầu được mài nhọn.

 Theo năm tháng, tấm bia đã xuống màu cùng thời gian. Những dòng chữ ở trên bia đã bị đục nham nhở, rất khó đọc. Theo Ban quản lý Đền Bia: Bia đá này có xuất xứ từ Trung Quốc. Nội dung tấm bia đá đó được khắc lại di nguyện của Thiền sư Tuệ Tĩnh trước khi ông mất ở nơi đất khách quê người: "Về sau có ai bên nước nhà sang, nhớ cho hài cốt tôi về với".

Nói về xuất xứ cũng như số phận "nổi trôi" của tấm bia, ông Trần Văn Hiếu- Cán bộ của Ban quản lý đền Bia chia sẻ: " Tấm bia này tồn tại được đến ngày hôm nay quả là sự kỳ diệu, khó lòng mà tin được ".

 http://giadinh.vcmedia.vn/6JDnYG1u7Ulo8W6LkDM87YS4rtW4P7/Image/2012/04/24b_f1a5d.jpg

Tấm bia hiện không còn chữ nào nguyên vẹn nữa nhưng vẫn được cất đặt cẩn thận phía sau Hậu cung đền Bia.

 
 

 Ngược dòng lịch sử: Năm 1385, lúc đó danh y Tuệ Tĩnh đang là một thầy thuốc lỗi lạc. 55 tuổi, danh y bị đưa đi cống cho triều đình nhà Minh.

Sang Trung Quốc, ông vẫn dồn tâm sức cho việc làm thuốc, được vua Minh phong là Đại y Thiền sư sau khi cứu sống Hoàng Hậu nhà Minh lúc đó. Từ ngày sang phương Bắc, ông không một lần được quay lại quê hương. Sống ở nơi đất khách quê người nên hậu thế không ai biết chính xác ông mất năm nào.

Hơn 200 năm sau, tiến sĩ Nguyễn Danh Nho là người cùng làng với Tuệ Tĩnh soạn khắc lại ước nguyện của người thầy thuốc tài ba khi ông đi sứ Trung Quốc đã đến viếng mộ Tuệ Tĩnh tại Giang Nam, đọc mặt sau tấm bia trên mộ thấy có ghi chữ : "Về sau có ai bên nước sang, nhớ cho hài cốt tôi về với", Nguyễn Danh Nho vô cùng xúc động trước tình cảm luôn hướng về quê hương đất nước của Tuệ Tĩnh. Tiến sĩ Nguyễn Danh Nho đã thuê thợ làm lại tấm bia và mang về quê hương.

Khi đó cả vùng quê thôn Nghĩa Phú xã Cẩm Vũ của ông bị ngập nước. Xuôi thuyền gần đến nơi thì thuyền bị lật, tấm bia rơi xuống nước không lấy lên được. Những tưởng công sức bị bỏ sông bỏ biển thì không lâu sau khi nước sông cạn, nhân dân lại tìm thấy bia. Thấy doi đất ở đây có hình con dao cầu (dao thái thuốc Nam) người dân đã dựng miếu thờ bia. Ngôi miếu đơn sơ dựng thờ tấm bia đá chỉ cách quê hương Tuệ Tĩnh khoảng hơn 1km.

Dân gian kể lại: Từ ngày dựng bia, người dân khắp nơi kéo về lấy thuốc, hái lá và xin nước ở đền Bia chữa bệnh. Mỗi ngày có hàng nghìn người đến đền xin thuốc. Năm 1846, vua Thiệu Trị đã hạ chiếu cấm việc cúng bái và xin thuốc mang màu sắc mê tín. Nhà vua đã sai lính mang tấm bia cất giữ trong kho. Đến năm 1936, có một người làng Văn Thai làm chức thủ kho đã lấy lại tấm bia bí mật đem về đền. Từ đó người dân tứ xứ lại trở lại đền xin thuốc. Tin đồn lại đến tai vua, nhà vua sai lính đục hết chữ khắc tạc trên tấm bia làm cho không ai còn đọc được nữa.

Theo các cụ cao niên trong làng: Để cất giấu tấm bia đá này, người dân làng Văn Thai đã đặt trong tường chùa Văn Thai rồi xây kín lại. Nhờ đó mà tấm bia tồn tại được cho đến ngày hôm nay.

Người dân ở đây tin rằng: Chính cái doi đất hình lưỡi dao cầu (dao cắt thuốc) mà thiên nhiên tạo nên là vùng đất đắc địa cũng là nơi Đại y Thiền sư Tuệ Tĩnh muốn tấm bia khắc di nguyện của mình dừng chân.

Ông Hiếu cho hay, từ lâu người dân ở đây đã có ý sang Trung Quốc tìm cách đưa hài cốt Thiền sư Tuệ Tĩnh về quê theo di nguyện của ông. "Cũng đã có nhiều chuyến đi sang Giang Nam nhưng vì lý do này lý do khác mà vẫn chưa làm thỏa nguyện của người xưa- Đó cũng là nỗi niềm đau đáu của người dân nơi đây".

 Nguồn: Nguyễn Quang Thành. http://www.hoalinhthoai.com/news/detail/news-3976/Chuyen-ve-tam-bia-khac-di-nguyen-cua-Dai-danh-y-Tue-Tinh.html

 


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bài về chủ bút

    Tinh hoa nhân loại

      Khoa học

        Văn học

          SÁCH CỦA TÔI