Những điều có thể bạn chưa biết về phương pháp đo huyết áp

Cập nhật: 18/04/2014 Lượt xem: 22168

Only in my Website

PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm, BV 103

            Huyết áp là áp lực máu trong động mạch, là động lực để đưa máu tới các cơ quan trong cơ thể. Huyết áp là một thông số quan trọng đánh giá chức năng hệ tim mạch và là một trong 3 thông số (mạch, huyết áp, thở) đánh giá chức năng sống còn của người bệnh. Phương pháp đo huyết áp phổ thông hiện nay là phương pháp Korotkoff (dùng bao hơi). Korotkoff, cha đẻ của phương pháp đo huyết áp này là ai, các pha trong phương pháp đo huyết áp này và phương pháp đo huyết áp đúng như thế nào có thể bạn chưa biết. Người viết bài này sẽ cung cấp cho các bạn những thông tin cần thiết về vấn đề này. Chúng ta bắt đầu nhé.

Nikolai Sergeyevich Korotkov (1874-1920)
Tiểu sử:

          Nikolai Sergeyevich Korotkov sinh ngày 26 tháng 2 năm 1874, mất ngày 14 tháng ba 1920 (thọ 46 tuổi) là một bác sĩ phẫu thuật người Nga, một người tiên phong về phẫu thuật mạch máu thế kỷ 20, và là người phát minh kỹ thuật đo huyết áp bằng bao hơi. Nikolai Korotkov sinh ra trong một gia đình thương gia tại 40 phố Milenskaia, thành phố ở Kursk dưới thời đế chế Nga. Ông đã học ở trường trung học Kursk, sau đó vào khoa y của Đại học Kharkov năm 1893 về sau là Đại học Moscow (năm 1895), ông tốt nghiệp với bằng xuất sắc năm 1898. Ông được bổ nhiệm làm trợ giảng cho giáo sư Alexander Bobrov tại khoa phẫu thuật của trường đại học Moscow.

         Korotkov gia nhập lực lượng quân sự của Nga ở vùng Viễn Đông năm 1900. Ông làm việc trong Hội Chữ thập đỏ ở cộng đồng Iversh dưới sự chỉ huy của Tiến sĩ Aleksinski (một học trò của prof. Bobrov). Ông đã hành quân đến Viễn Đông bằng đường sắt xuyên Siberia, qua Irkutsk đến Vladivostok và ông trở về Moscow qua Nhật Bản , Singapore , Tích Lan và kênh đào Suez để đến Biển Đen và Feodosiya . Korotkov được Dòng Thánh Anna vinh danh do "lao động xuất sắc nhiệt thành trong việc giúp đỡ những người lính bị bệnh và bị thương".

            Khi trở về, Nikolai Korotkov dồn tâm trí của mình để theo đuổi học vấn và dịch cuốn sách chuyên khảo của Eduard Albert "Die Chirurgische Diagnostik" từ tiếng Đức sang tiếng Nga. Năm 1903, Tiến sĩ Sergei Federov được bổ nhiệm làm giáo sư phẫu thuật tại Học viện Quân y tại St Petersburg , và ông đã mời Korotkov làm trợ lý bác sĩ phẫu thuật cho mình. Trong chiến tranh Nga-Nhật Bản trong 1904-1905, Korotkov đã đến Cáp Nhĩ Tân vùng Mãn Châu là bác sĩ phẫu thuật cấp cao phụ trách đơn vị thứ hai của Hội Chữ thập đỏ St George. Ông quan tâm đến phẫu thuật mạch máu và bắt đầu thu thập các số liệu cho luận án tiến sĩ của mình, trong đó có 41/44 trường hợp bệnh nhân là kinh nghiệm trong chiến tranh của ông ở bệnh viện tại Cáp Nhĩ Tân.

              Ông trở về St Petersburg tháng 4 năm 1905 để chuẩn bị cho luận án của mình, Luận án được thuyết trình tại Học viện y tế Imperial quân sự vào năm 1905 đã mang lại cho ông danh tiếng lâu dài. Kỹ thuật đo huyết áp đã được báo cáo trong vòng chưa đầy một trang, chỉ có 281 từ, (Báo cáo của Viện Hàn lâm Y học Quân sự Hoàng gia):

           “Bao hơi được đặt trên 1/3 giữa cánh tay, áp lực trong bao hơi được bơm lên để chấm dứt lưu thông máu của động mạch cánh tay bên dưới bao hơi. Bao hơi được thông với cột thủy ngân của một áp kế, ống nghe được đặt trên đường động mạch cánh tay bên dưới bao hơi để nghe tiếng đập của động mạch. Lúc đầu không nghe được âm thanh. Xả bao hơi để cột thủy ngân trong áp kế xuống dần đến một độ cao nhất định, âm ngắn đầu tiên xuất hiện, xuất hiện của tiếng đập đầu tiên cho thấy một phần máu được lưu thông cùng sóng mạch dưới bao hơi. Con số áp lực trên cột thủy ngân ở tiếng đập đầu tiên nghe được tương ứng với áp lực tối đa. Áp lực giảm dần tiếp theo của cột thủy ngân trong áp kế, nghe được tiến đập êm dịu trong thì tâm thu (pha 2), Tiếp sau là tiếng đập mạnh lên (pha 3). Cuối cùng, tất cả các âm thanh biến mất. Thời điểm ngừng âm thanh cho thấy sóng mạch tự do truyền qua dưới bao hơi, nói cách khác tại thời điểm tiếng đập biến mất, bao hơi không còn cản trở sóng mạch. Áp lực đo được tại thời điểm này tương ứng với huyết áp tối thiểu”.

             Các ý kiến quan trọng của các đồng nghiệp của Korotkov giúp ông xử lý một cách khéo léo các thông số thực nghiệm, khi ông trở lại Học viện Quân sự Hoàng gia để thực nghiệm trên động vật thí nghiệm một tháng sau đó, để hoàn thiện lý thuyết các pha huyết áp đo bằng bao hơi. Ông đã giành được sự tán thành của giáo sư MV Yanovsky, người đã tuyên bố: "Korotkov đã rất thông minh sử dụng một hiện tượng mà nhiều nhà quan sát đã bỏ qua" Yanovsky và học trò của ông xác nhận tính chính xác của kỹ thuật và mô tả các giai đoạn của các âm thanh nghe được và kỹ thuật đo huyết áp bằng bao hơi một thời gian được gọi là phương pháp Korotkov-Yanovsky.

              Nikolai Korotkov, sau đó làm việc với tư cách là bác sĩ nghiên cứu ở khu khai thác mỏ của Vitimsko-Olekminsky ở Siberia, ông nhận bằng tiến sĩ vào năm 1910. Sau đó ông làm bác sĩ phẫu thuật cho người lao động của các mỏ vàng của Lensk. Tại đây ông đã chứng kiến sự tàn bạo của chế độ Sa Hoàng và bị ảnh hưởng sâu sắc bởi cái chết của người thợ mỏ không vũ trang dưới chế độ Sa Hoàng. Sau này Korotkov trở về St Petersburg và trong Thế chiến thứ nhất ông là bác sĩ phẫu thuật trong "Nhà thương từ thiện" ở Tsarskoe Selo . Ông hoan nghênh cuộc Cách mạng tháng Mười, sau đó ông là giám đốc Bệnh viện Mechnikov ở Petrograd cho đến khi ông qua đời vì bệnh lao phổi ngày 14 tháng 3, 1920.

Phương pháp đo huyết áp Korotkoff

Huyết áp kế thủy ngân đầu tiên của Korotkoff


            Đây là một kỹ thuật đo huyết áp không xâm lấn để xác định huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương. Phương pháp này đòi hỏi máy đo huyết áp gồm một bao hơi nối với một quả bóp để bơm và xả hơi, bao hơi được nối thông với một áp kế thủy ngân hoặc đồng hồ áp kế, và một ống nghe. Vì là kỹ thuật không xâm lấn, cho kết quả chính xác và kỹ thuật đo đơn giản nên nó được sử dụng phổ biến cho đến hiện nay. Kỹ thuật đo chính xác như sau:

+ Cuốn bao hơi lên cánh tay, bao hơi phải phù hợp với lứa tuổi (trẻ em hoặc người lớn). Mép dưới của bao hơi cách nếp gấp khuỷu 2cm về phía trên, điều này đảm bảo cho bao hơi ép đều lên đoạn động mạch đi thẳng ở cánh tay (động mạch cánh tay đi trong rãnh xương cánh tay ở mặt trong tới cách nếp gấp khuỷu khoảng 2 cm thì chạy chéo ra ngoài và ra trước tới nếp gấp khuỷu).

+ Ống nghe được đặt trên 1/2 trong của nếp gấp khuỷu dưới mép bao hơi (bao hơi không được đè lên ống nghe), điều này đảm bảo cho áp lực của bao hơi phản ánh đúng áp lực đè lên động mạch bên dưới. Nếu bao hơi đè lên ống nghe thì động mạch bị ống nghe đè ép làm áp lực trong bao hơi phản ánh không đúng áp lực ép lên động mạch. Đồng hồ áp lực hay áp kế có cột thủy ngân phải đặt ngang mức tim của bệnh nhân.

+ Vừa bơm bao hơi lên vừa bắt mạch quay, khi mất mạch quay bơm thêm 30mmHg nữa để đảm bảo không bỏ sót các trường hợp có khoảng trống huyết áp.

+ Xả hơi trong bao hơi từ từ với tốc độ 2-3mmHg nghe thấy một tiếng đập, vì sai số cho phép <5mmHg, nếu xả nhanh sẽ dẫn đến sai số.

+ Nghe thấy tiếng đập đầu tiên thì áp lực trên cột thủy ngân (hoặc đồng hồ) là huyết áp tâm thu (hay huyết áp tối đa), tiếng đập cuối cùng thì áp lực trên cột thủy ngân (hoặc đồng hồ) là huyết áp tâm trương (hay huyết áp tối thiểu). Một số trường hợp tiếng Korotkoff vẫn còn nghe được ngay cả khi xả túi hơi hoàn toàn như: thai nghén, dò động tĩnh mạch, xơ vữa động mạch, hở van động mạch chủ nặng….

Các pha trong huyết áp Korotkoff

          Tiếng đập mà ta nghe được qua ống nghe khi đo huyết áp theo phương pháp Korotkoff được tạo ra do sự kết hợp của dòng máu xoáy khi chảy qua đoạn động mạch bị hẹp và dao động thành động mạch tạo ra tiếng động, gồm các pha sau:

+ Pha 1: Tiếng đập đầu tiên nghe được, ứng với lúc sờ được mạch quay, là huyết áp tâm thu.
+ Pha 2: tiếng đập êm nhẹ.
+ Pha 3: tiếng đập lớn hơn và nghe sắc hơn, do tăng lượng máu qua vùng động mạch hẹp mạnh quá.
+ Pha 4: tiếng đập nhỏ lại như bị nghẹt.
+ Pha 5: tiếng nghe cuối cùng trước khi mất tiếng đập, ứng với huyết áp tâm trương.

Những sai lầm thường gặp khi đo huyết áp:

+ Cuốn bao hơi mà mép dưới ngang nếp gấp khuỷu (không cách nếp gấp khuỷu về phía trên 2cm) vì như thế bao hơi không hoàn toàn nằm trên đoạn động mạch đi thẳng gây đè ép không đều lên đoạn động mạch.

+ Đặt ống nghe luồn xuống dưới bao hơi, ống nghe sẽ ép mạnh lên động mạch bên dưới khi bơm bao hơi, làm áp lực bao hơi không phản ánh đúng huyết áp.

+ Khi không bắt được mạch quay, không bơm tiếp bao hơi thêm 30mmHg, như vậy sẽ bỏ sót các trường hợp có khoảng trống huyết áp và không phản ánh đúng huyết áp thực của bệnh nhân.

+ Xả hơi với tốc độ nhanh hơn 5mmHg sẽ bỏ sót tiếng đập đầu tiên làm huyết áp thấp hơn huyết áp thực của bệnh nhân.

+ Đồng hồ hay áp kế thủy ngân đặt không ngang mức tim của bệnh nhân khiến trọng lực có thể làm sai số huyết áp.

            Trên đây là những sai sót chúng tôi thấy gặp phổ biến trong thực hành lâm sàng mà không ai để ý. Rất mong được các đồng nghiệp điều chỉnh lại để đo huyết áp được chính xác.

Nếu bạn nào sao chép xin ghi nguồn sao chép, tác giả xin cảm ơn.


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bệnh thận - Tiết niệu

    Bệnh tim mạch

      Bệnh cơ-xương-khớp

        Bệnh nội tiết-chuyển hóa

          Bệnh tiêu hóa

            Bệnh phổi - phế quản

              Bệnh Thần kinh - Tâm thần

                Bệnh truyền nhiễm

                  Bệnh nhi khoa

                    Cận lâm sàng

                      Bệnh khác

                        Thuốc

                          Vật lý trị liệu

                            Phục hồi chức năng

                              Tư vấn và Chia sẻ thông tin

                                Sách đã xuất bản của Hà Hoàng Kiệm

                                  Bài báo khoa học

                                    SÁCH CỦA TÔI