Cùng một thủ phạm

Cập nhật: 17/04/2014 Lượt xem: 3972

PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm, BV 103

          Bạn có biết bệnh thấp tim và bệnh viêm cầu thận cấp ở trẻ em là do cùng một thủ phạm gây ra không? Hai bệnh nguy hiểm cho trẻ em như vậy mà lại do cùng một kẻ gây ra, kẻ đó là gì vậy, liệu có loại trừ được nó không? Đấy là vấn đề mà bài viết này muốn chuyển tải đến các bạn.

           Bệnh thấp tim là một bệnh thường xảy ra ở tuổi thiếu niên, trẻ bị bệnh vừa bị viêm khớp vừa bị viêm màng trong tim, đôi khi cả viêm cơ tim nữa. Viêm khớp thường chỉ thoáng qua, biểu hiện đau các khớp lớn như khớp gối, khớp khuỷu, khớp cổ chân, khớp cổ tay. Không thấy viêm ở các khớp nhỏ như khớp đốt ngón, khớp bàn ngón tay và chân. Đau viêm một khớp khoảng vài ngày tới một tuần thì giảm đau và chuyển sang khớp khác. Đôi khi chỉ mỏi khớp mà không thấy đau và viêm rõ. Viêm khớp chỉ thoáng qua rồi hết, không để lại di chứng gì, tổn thương tim mới là vấn đề quan trọng. Khi chỉ thấy viêm khớp mà chưa có biểu hiện tổn thương tim, người ta gọi là thấp khớp cấp. Khi viêm khớp kèm theo biểu hiện tổn thương ở tim người ta gọi là thấp tim. Triệu chứng tổn thương tim trong thấp tim lại thường mờ nhạt, có thể thấy đoạn PQ kéo dài trên điện tim, nhịp tim nhanh khi có viêm cơ tim. Thực chất tổn thương tim đang tiến triển, thường là viêm tạo thành các ổ loét ở màng trong tim, các van tim, nhất là van hai lá và van động mạch chủ. Các ổ loét này gây dính các mép van làm hẹp lỗ van. Khi ổ loét liền sẹo làm lá van dày, cứng, xoắn vặn, gây hở van. Nếu thấp tim tái phát càng nhiều lần thì tổn thương van tim càng nặng. Tổn thương van tim không hồi phục được, đến tuổi thanh niên hoặc trung niên, tổn thương van tim gây ra suy tim nặng dần, đe dọa tính mạng người bệnh. Phần lớn các bệnh van tim mắc phải ở người lớn trong nước ta là bệnh van tim hậu thấp tim.


Van hai lá có các tổn thương loét sùi do thấp tim

           Bệnh viêm cầu thận cấp ở trẻ em cũng là một bệnh nguy hiểm. Biểu hiện sáng ngủ dậy thấy trẻ bị phù ở mi mắt, những ngày sau phù tăng dần toàn thân. Trẻ đái ít, có khoảng 30% trẻ đái ra máu đại thể, nước tiểu đỏ đục như nước rửa thịt. Huyết áp tăng, trường hợp tăng quá cao có thể gây ra phù phổi cấp và tử vong. Trường hợp nặng trẻ có thể bị suy thận cấp, vô niệu, nếu không được điều trị tích cực (có thể phải điều trị bằng lọc máu thay thế thận) trẻ có thể bị tử vong. Nếu điều trị sớm và đúng có thể khỏi hoàn toàn, nhưng có một tỉ lệ bệnh tiến triển âm thầm đến tuổi thanh niên hoặc trung niên mới xuất hiện suy thận mạn. Khi đã suy thận mạn thì không thể điều trị khỏi được mà bệnh tiến triển dần đến suy thận giai đoạn cuối, người bệnh sẽ tử vong nếu không được điều trị thay thế thận.

            Thủ phạm gây ra hai bệnh trên chỉ là một, đó là vi khuẩn có tên là liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A. Tuy nhiên liên cầu khuẩn chỉ gây ra viêm họng hoặc viêm da mà không trực tiếp tấn công màng hoạt dịch khớp hay màng trong tim. Vậy tại sao khớp và tim lại bị tổn thương? Đó là do hệ miễn dịch của cơ thể con người đã tấn công nhầm. Ở màng tế bào liên cầu khuẩn có loại protein M, protein này là một kháng nguyên, đã kích thích cơ thể sản xuất ra kháng thể kháng lại liên cầu khuẩn để tiêu diệt liên cầu khuẩn. Nhưng ở màng hoạt dịch khớp và màng trong tim cũng có loại protein M này, nên kháng thể cũng đánh nhầm cả vào màng hoạt dịch khớp và màng trong tim, chẳng khác nào “pháo của ta lại nã đạn nhầm cả vào quân ta”. Nếu nhiễm liên cầu khuẩn tái phát nhiều lần thì tổn thương màng trong tim cũng như tổn thương thận càng nặng.

          Liên cầu khuẩn được Billroth phát hiện năm 1874, được Fehleisen phân lập 1883, và được Rosebach đặt tên là Streptococcus pyogenes 1884. 1903 được Schottmueller và Brown J.H. phân chia thành ba nhóm dựa trên hình ảnh làm tan máu của vi khuẩn là alpha, beta, và gamma. Về sau, Lancefield phát hiện thành phần protein M ở thành vi khuẩn có vai trò quan trọng gây bệnh, và dựa trên protein M, tác giả phân chia liên cầu khuẩn beta tan huyết ra các phân nhóm A, B, C.


Vi khuẩn có hình cầu, chúng liên kết với nhau tạo thành từng chuỗi nên được gọi là liên cầu khuẩn (Streptococcus pyogenes)

           Các nghiên cứu vào giữa những năm 1900 phát hiện ra mối liên quan giữa nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A với thấp khớp cấp và viêm cầu thận. Thành của liên cầu khuẩn là một cấu trúc phức tạp có chứa các chất kháng nguyên khác nhau. Nhóm A của liên cầu khuẩn có hai protein mang tính kháng nguyên là kháng nguyên M và kháng nguyên T. Tác nhân gây bệnh chủ yếu của liên cầu khuẩn là protein M. Protein M kháng lại quá trình thực bào và giúp vi khuẩn xâm nhập nhanh vào mô. Kháng thể đặc hiệu kháng lại kháng nguyên M làm bất hoạt protein M, miễn dịch có tính đặc hiệu týp và tồn tại kéo dài. Liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A tiết ra hai ngoại độc tố là streptolysin O và streptolysin S, trong đó chỉ có streptolysin O có tính kháng nguyên, streptolysin O là protein chuỗi đơn còn streptolysin S là một polypeptid. Các streptolysin gây độc cho nhiều tế bào, bao gồm cả bạch cầu đa nhân, tiểu cầu, và các tế bào của mô. Đo nồng độ kháng thể kháng streptolysin O trong huyết thanh, nếu tăng cao là một chỉ điểm cho biết bệnh nhân có nhiễm liên cầu khuẩn. Liên cầu khuẩn còn giải phóng ra một số sản phẩm khác như deoxyribonuclease A, B, C, D, là các tác nhân gây sốt làm phát ban. Liên cầu khuẩn còn tiết ra nhiều enzym, có hai enzym quan trọng là streptokinase có tác dụng hoạt hóa plasminogen và hyaluronidase làm thủy phân acid hyaluronic của tổ chức liên kết. Hai enzym này có tính kháng nguyên, phát hiện các kháng thể kháng các enzym trong máu cũng là một chỉ điểm cho biết bệnh nhân có nhiễm liên cầu khuẩn. Ngoài ra liên cầu khuẩn còn tiết ra các enzym proteinase, nicotinamide adenine dinucleotidase, adenosine triphosphatase, neuraminidase, lipoproteinase và cardiohepatic toxin, trong đó enzym neuraminidase (còn gọi là sialidase) có tác dụng tách acid sialic ra khỏi phân tử protein, có vai trò quan trọng trong bệnh sinh của viêm cầu thận cấp sau nhiễm liên cầu khuẩn.


Viêm họng và amydal mủ


Viêm họng do liên cầu khuẩn

        Tất cả các týp liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A đều có thể gây thấp tim, nhưng chỉ có một số týp gây ra viêm cầu thận cấp, đó là các týp 1, 2, 4, 12, 18, 25, 49, 55, 57 và 60. Týp 12 hay gây viêm họng vào mùa đông, týp 49 hay gây viêm da vào mùa hè.

Viêm da do liên cầu khuẩn

           Để dự phòng thấp tim và viêm cầu thận cấp cho trẻ em phải giữ cho trẻ tránh bị nhiễm liên cầu khuẩn bằng giữ vệ sinh răng miệng và da thường xuyên. Khi bị viêm họng hoặc da do liên cầu phải điều trị tích cực bằng kháng sinh. Các kháng sinh vẫn còn nhậy cảm với liên cầu và vẫn được ưa dùng là nhóm penicillin, nếu dị ứng với penicillin có thể dùng nhóm erythromycin. Khi bị thấp tim hặc viêm cầu thận cấp vẫn phải dùng kháng sinh chống liên cầu sớm và tích cực. Những trẻ đã bị thấp tim hoặc viêm cầu thận cấp cần dự phòng tái phát bằng tiêm penicillin chậm mỗi tháng tiêm bắp 1 lần 1200 đơn vị cho đến năm 25 tuổi.

          Hy vọng những kiến thức trên giúp cho mọi người giữ được cho con em mình tránh được hai bệnh nguy hiểm trên.


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bệnh thận - Tiết niệu

    Bệnh tim mạch

      Bệnh cơ-xương-khớp

        Bệnh nội tiết-chuyển hóa

          Bệnh tiêu hóa

            Bệnh phổi - phế quản

              Bệnh Thần kinh - Tâm thần

                Bệnh truyền nhiễm

                  Bệnh nhi khoa

                    Cận lâm sàng

                      Bệnh khác

                        Thuốc

                          Vật lý trị liệu

                            Phục hồi chức năng

                              Tư vấn và Chia sẻ thông tin

                                Sách đã xuất bản của Hà Hoàng Kiệm

                                  Bài báo khoa học

                                    SÁCH CỦA TÔI