Cập nhật bệnh thoái hóa khớp, chẩn đoán, điều trị và dự phòng

Cập nhật: 02/04/2018 Lượt xem: 6346

Cập nhật bệnh thoái hóa khớp, chẩn đoán, điều trị và dự phòng

(Trích trong cuốn “Bệnh thoái hóa khớp, chẩn đoán, điều trị và dự phòng” Hà Hoàng Kiệm, NXB TT và DL 2019)

1. Đại cương

1.1. Sơ lược giải phẫu chức năng khớp

Khớp xương là chỗ tiếp giáp của hai đầu xương hoặc nhiều mặt xương với nhau. Dựa vào mức độ vận động, khớp được chia làm 3 loại:

- Khớp bất động:

Các khớp loại này không hoạt động trong suốt quá trình sinh trưởng và phát triển của cơ thể. Các xương nối với nhau bằng tổ chức liên kết sụn hoặc sợi, không có khoang khớp, ví dụ các khớp xương sọ. Trong đó có hai loại là khớp bất động sụn ở các xương nền sọ và khớp bất động sợi ở các xương vòm sọ và mặt. Các khớp có nhiều loại hình thể khác nhau như khớp răng cưa (xương nọ mắc vào xương kia như răng cưa), khớp vây, khớp vành…

         

Hình 1. Các khớp bất động vùng sọ và sọ mặt.

- Khớp bán động:

Khớp bán động là loại khớp trung gian, không có bao khớp và khoang khớp, chỉ hoạt động trong những thời kỳ nhất định của quá trình phát triển và một số hoạt động sống của cơ thể. Ví dụ: khớp mu, khớp cùng chậu, chỉ hoạt động khi phụ nữ sinh đẻ.

   

Hình 2. Khớp cùng - chậu và khớp mu là các khớp bán động.

- Khớp động hay còn gọi là khớp hoạt dịch:

Khớp động là khớp cử động thường xuyên, có ổ khớp chứa chất hoạt dịch làm trơn khớp cho phép khớp hoạt động tự do, khớp này phổ biến ở các chi như khớp gối, khớp háng, khớp vai... Một khớp động được cấu tạo gồm các thành phần sau:

+ Diện khớp:

Diện khớp gồm hai hay nhiều đầu xương tiếp giáp với nhau, mỗi đầu xương được bao bọc bởi một lớp sụn mỏng trơn bóng gọi là sụn mặt khớp, các đầu xương thường có hình thể đối chiếu nhau và áp sát vào nhau (lồi cầu - ổ chảo, lồi cầu - ổ cối).

+ Sụn khớp bổ trợ: Để hai xương khớp khít vào nhau, đôi khi giữa chúng còn có các sụn bổ trợ, gồm sụn chêm (sụn chêm chặt giữa hai đầu xương, dày mỏng tùy theo khớp và di chuyển theo động tác của khớp như ở, khớp gối, khớp thái dương hàm, khớp cùng đòn) và sụn viền (tổ chức sụn của một đầu khớp có tác dụng làm sâu mặt khớp để cho hai mặt khớp ôm chặt nhau như sụn viền ở ổ cối khớp háng). Tùy theo chiều cử động mà ở các vị trí khác nhau, độ dày mỏng của sụn khác nhau.

+ Phương tiện nối khớp: bao khớp, các dây chằng.

Bao khớp: hình túi, bao quanh khớp, bám vào đầu xương quanh viền ổ khớp, nối hai đầu xương và các sụn bổ trợ. Bao khớp gồm hai lớp. Lớp ngoài là màng sợi dày có nhiệm vụ bảo vệ do có chứa các sợi collagen. Trong lớp này có các dây thần kinh cảm giác, xúc giác, mạch máu nuôi dưỡng. Lớp trong là màng hoạt dịch, là mô liên kết sợi xốp, giàu mạch máu và sợi đàn hồi, có các tế bào tiết dịch để tiết ra dịch khớp.

Dây chằng: là những bó sợi keo đàn hồi nối hai đầu xương với nhau. Dây chằng cùng với bao khớp giữ cho hai diện khớp luôn tiếp giáp với nhau và giúp cho khớp hoạt động được. Dây chằng có hai loại gồm dây chằng ngoại biên (là dây chằng nằm trong hoặc ngoài vách sợi của bao khớp) và dây chằng gian khớp (nằm trong khoang khớp, bám nối giữa hai mặt khớp, nằm bên trong màng hoạt dịch, như dây chằng chéo ở khớp gối).

+ Khoang khớp: Là khoảng trống bao quanh hai đầu xương và các sụn khớp được giới hạn bởi bao hoạt dịch và chứa đầy chất hoạt dịch (dịch khớp). Dịch khớp trong suốt màu vàng nhạt, nhờn, không dính, có tác dụng bôi trơn bề mặt khớp làm giảm ma sát mặt khớp và dinh dưỡng cho sụn khớp.

 

Hình 3.  Khớp vai là một khớp hoạt dịch.

(1). Sụn khớp   (2).  Khoang khớp    (3).  Bao hoạt dịch    (4).  Bao khớp.

1.2. Định nghĩa thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp là tình trạng tổn thương mạn tính ở sụn khớp và mô xương dưới sụn, kèm theo phản ứng viêm và lượng dịch khớp giảm. Biểu hiện lâm sàng là đau khớp mạn tính, không có biểu hiện viêm. Tổn thương cơ bản của bệnh là tình trạng thoái hóa của sụn khớp, kèm theo những thay đổi của phần xương dưới sụn và màng hoạt dịch. Nguyên nhân chính của bệnh là quá trình lão hóa và tình trạng chịu áp lực quá tải kéo dài của sụn khớp.

1.3. Dịch tễ

Thuật ngữ “thoái hóa khớp” được sử dụng lần đầu vào năm 1886 bời bác sĩ J.K. Spender (Osteoarthritis hoặc Degenerative joint disease hoặc Degenerative arthritis). Thoái hóa khớp là bệnh lý thường gặp nhất trong các bệnh lý xương khớp, liên quan chặt chẽ với tuổi và là nguyên nhân chính gây đau, mất khả năng vận động, giảm chất lượng cuộc sống và gây khuyết tật ở người cao tuổi, gây tổn hại đến kinh tế gia đình người bệnh và tạo gánh nặng cho chi phí y tế.

Thống kê của WHO cho thấy có 0,3 - 0,5% dân số bị bệnh lý về  khớp. Trong số đó có 20% bị thoái hóa khớp. Ở Mỹ có 80% người trên 55 tuổi bị thoái hóa khớp. Ở Pháp, thoái hóa khớp chiếm 28% số bệnh nhân về xương khớp. Ở Việt Nam, thoái hóa khớp chiếm 10,41% các bệnh về xương khớp.

Thoái hóa khớp thường gặp ở những người trên 40 tuổi. Thoái hóa khớp thường chỉ xảy ra ở các khớp động. Loại khớp bị thoái hóa tỉ lệ thuận với mức độ và thời gian chịu tải trọng của khớp. Các khớp thường bị thoái hóa là:

- Cột sống thắt lưng:                    31,12%

- Cột sống cổ:                               13,96%

- Khớp gối:                                    12,57%

- Khớp háng:                                 8,23%

- Các khớp ngón tay:                    3,13%

- Riêng khớp ngón tay cái:           2,52%

- Các khớp khác:                          1,87%

1.4. Nguyên nhân

Thoái hóa khớp xảy ra là do mất cân bằng giữa hai quá trình tái tạo và phá hủy của sụn khớp và xương dưới sụn, quá trình phá hủy chiếm ưu thế khiến sụn khớp và xương dưới sụn bị tổn thương. Một số nguên nhân dẫn đến thoái hóa khớp:

- Nguyên nhân nguyên phát:

+ Lão hóa: Thoái hóa khớp thường bắt đầu xuất hiện từ sau tuổi 40. Tuổi càng cao thì tỉ lệ mắc bệnh càng tăng. Sự lão hóa (thoái hóa khớp nguyên phát) có liên quan chặt chẽ với tuổi:

15 – 44 tuổi: tỉ lệ thoái hóa khớp là 5%.

45 – 64 tuổi: tỉ lệ thoái hóa khớp là 25 – 30%.

65 tuổi trở lên: tỉ lệ thoái hóa khớp là 60 – 90%.

Khi tuổi còn trẻ các tế bào sụn liên tục được sinh ra, nhưng khi trưởng thành các tế bào sụn giảm dần khả năng sinh sản và tái tạo. Khi tuổi càng cao, cùng với sự lão hóa của cơ thể, các tế bào sụn cũng giảm dần về số lượng và giảm khả năng tổng hợp chất tạo nên sợi colagen và mucopolysacarit, làm cho chất lượng sụn kém dần nhất là tính đàn hồi và khả năng chịu lực. Sụn khớp được nuối dưỡng bởi dịch thấm từ các mạch máu ở phần xương dưới sụn. Loãng xương cùng với các thương tổn mạch máu ở người cao tuổi làm cho dĩnh dưỡng sụn khớp bị suy giảm. Các yếu tố trên làm cho sụn khớp bị thoái hóa, mỏng đi, kém tính bền chắc và trở nên mủn dễ bị dập vỡ dưới tác dụng của lực cơ học.

Thoái hóa khớp là quy luật tự nhiên, tuy nhiên, tùy vào cơ địa, thói quen sinh hoạt, chất lượng cuộc sống mà quá trình thoái hóa đến sớm hay muộn, tiến triển nhanh hay chậm.

Hình 4. Mô hình minh họa tổn thương do thoái hóa khớp gối.

+ Gen di truyền: Một số bệnh khớp có liên quan đến gen di truyền, những người này thường có khiếm khuyết ở gen tổng hợp collagen và proteogycan là các thành phần cấu tạo chính của sụn. Ngoài ra những người có cơ địa già sớm cũng xuất hiện thoái hóa khớp sớm.

- Nguyên nhân thứ phát:

+ Béo phì: Người béo phì làm khớp gối, khớp háng và cột sống thắt lưng thường xuyên quá tải, thêm nữa mô mỡ giải phóng ra các cytokin viêm tác động lên mô sụn gây tổn thương sụn. Nghiên cứu của chúng tôi cũng cho kết quả tương tự với các tác giả nước ngoài và trong nước cho thấy người béo phì có tỉ lệ thoái hóa khớp gối và khớp háng cao hơn người không béo phì ở cùng độ tuổi gấp 2,3 lần.

+ Tăng tải trọng lên khớp: Tăng tải trọng lên khớp do nghề nghiệp, những người thường xuyên phải mang vác nặng như công nhân khuân vác, thợ xây dựng... thì cột sống, khớp gối, khớp háng bị thoái hóa sớm. Những bộ tộc có thói quen đội các vật nặng lên đầu để vận chuyển thường bị thoái hóa cột sống cổ sớm ...

+ Dị dạng bẩm sinh xương khớp: Các dị dạng bẩm sinh hệ xương khớp làm thay đổi diện tỳ nén bình thường của khớp và cột sống, vùng diện khớp bị tì nén nhiều hơn thì sụn khớp bị tổn thương sớm, làm khớp bị thoái hóa sớm hơn. Người có bất thường hệ xương khớp bẩm sinh hoặc xảy ra lúc trẻ sẽ dẫn đến thoái hóa khớp sớm và trầm trọng hơn bình thường.

+ Tổn thương cơ học: Các khớp có tiền sử bị bị tổn thương do các chấn thương cơ học hoặc hoạt động quá mức như chơi thể thao, lao động mang vác nặng. Các biến dạng thứ phát sau chấn thương, u, loạn sản, làm thay đổi mối tương quan của lực cơ học tác động lên diện khớp, hình thái của khớp và cột sống, dẫn đến thoái hóa khớp sớm hơn các khớp khác.

+ Nội tiết: tuổi mãn kinh, đái tháo đường, loãng xương do nội tiết.

+ Bệnh chuyển hóa: bệnh gút, bệnh da sạm màu nâu.

1.5. Tổn thương mô bệnh học

- Đại thể: Khe khớp hẹp do sụn mặt khớp mỏng đi, bề mặt sụn khớp không còn phẳng trơn bóng mà có màu đục, gồ gề, nham nhở, có chỗ sụn bị phá hủy để lộ lớp xương dưới sụn. Phần xương ở chu vi khớp chỗ gianh giới gữa sụn và xương cũng là nơi bám của bao khớp và dây chằng xuất hiện các nhú xương,  gai xương. Dịch khớp ít và có lẫn các mảnh sụn hoại tử bong ra.

- Vi thể: Các tế bào sụn thưa thớt, teo nhỏ. Tổ chức sụn mủn.

   

Hình 5. Nhìn đại thể bề mặt sụn khớp gối bình thường trơn bóng (hình trái), ở khớp thoái hóa (hình phải) bề mặt sụn khớp đục, bở, loét, có nhiều chỗ lộ lớp xương dưới sụn.

1.6. Bệnh sinh

Sụn khớp được nuôi dưỡng bởi dịch khớp và các dịch thấm từ mô xương dưới sụn. Khi tuổi càng cao, cùng với sự lão hóa các mô của toàn bộ cơ thể thì tổ chức sụn cũng như màng hoạt dịch, bao khớp, gân cơ dây chằng quanh khớp cũng bị lão hóa, nuôi dưỡng kém. Chất lượng dịch khớp cũng như các mạch máu nuôi dưỡng xương dưới sụn giảm làm lớp sụn bề mặt khớp bị thiểu dưỡng, tế bào sụn thưa thớt, các sợi colagen trong tổ chức sụn có chất lượng kém trở nên mủn, kém tính bền chắc, giảm sức chịu lực, dễ bị tổn thương dưới tác động của các lực cơ học, ngay cả các lực yếu.

Thêm nữa, bề mặt sụn khớp phải chịu tác động của các lực cơ học do trọng lượng cơ thể, trọng lượng gia tăng khi lao động, các chấn thương do lao động, thể thao làm cho sụn khớp bị tổn thương cùng với dinh dưỡng kém kéo dài dẫn đến thoái hóa khớp nhanh hơn. Các nghiên cứu của chúng tôi cho thấy chỉ các khớp động mới bị thoái hóa và loại khớp thoái hóa tỉ lệ thuận với mức độ tác động của tải trọng và thời gian chịu tải trọng của khớp, cho thấy vai trò quan trọng của lực cơ học tác động lên khớp. Nghiên cứu của nhiều tác giả chỉ ra rằng thoái hóa cột sống chỉ thấy ở các động vật có tư thế đứng thẳng như chim cánh cụt, vượn và loài người mà không thấy ở các động vật đi bốn chân. Điều đó chứng tỏ cột sống của động vật có tư thế đứng thẳng ngoài lão hóa theo tuổi còn phải chịu tải trọng của cơ thể suốt cuộc đời, cùng với tải trọng tăng thêm do lao động, hoạt động thể thao… đã gây ra thoái hóa cột sống, trong khi động vật đi bốn chân chỉ thấy lão hóa cột sống mà không thấy thoái hóa cột sống theo tuổi. Theo nghiên cứu của chúng tôi, những người béo phì có tỉ lệ thoái hóa khớp gối cao hơn những người có trọng lượng cơ thể bình thường ở cùng lứa tuổi cũng chứng minh cho vai trò của tải trọng cơ học tác động lên khớp gây ra thoái hóa khớp.

Một số bệnh lý chuyển hóa như đái tháo đường, bệnh lý mạn tính của hệ xương khớp như viêm khớp dạng thấp, gút, gây tổn thương khớp sớm. Các vấn đề trên thúc đẩy quá trình thoái hóa khớp nhanh hơn.

Theo thời gian, lớp sụn khớp bị thoái hóa nặng dần, trở nên xù xì và mỏng đi khiến cho khớp không thể vận động tốt. Đối với trường hợp nặng, sụn bị loét có thể mỏng đến mức không thể che phủ toàn bộ đầu xương. Khi vận động, xương dưới sụn bị cọ xát vào nhau, thậm chí bào mòn lẫn nhau khiến người bệnh cảm thấy vô cùng đau đớn mỗi khi vận động khớp.

Phần xương dưới sụn cũng thay đổi cấu trúc và hình dạng đồng thời với tổn thương sụn, bị xơ hóa, mật độ khoáng và sự bền chắc giảm sút rõ rệt, xuất hiện các vết nứt nhỏ. Quá trình bù đắp xương tăng nhưng không đều, chủ yếu ở rìa khớp là nơi chịu tác dụng của lực cơ học thấp hơn vùng trung tâm, làm xuất hiện các chồi xương ở quanh viền sụn khớp, nơi mà các dây chằng và bao khớp bám vào xương, để hình thành các gai xương.

                             

Hình 6. Mô hình thoái hóa khớp gối (hai hình trái) và hình ảnh X-quang khớp gối bị thoái hóa giai đoạn 4 (hình phải) thấy khe khớp hẹp, bề mặt khớp không đều và đậm đặc do lớp xương dưới sụn bị phá hủy và tăng bù đắp, xuất hiện chồi xương ở rìa khớp.

2. Triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng

2.1. Lâm sàng

2.1.1. Triệu chứng lâm sàng

-  Đau nhức trong khớp:

Triệu chứng chính của thoái hóa khớp là đau nhức khớp. Đau có tính chất cơ học, nghĩa là đau tăng khi vận động khớp, nhất là khi làm tăng tải trọng lên khớp như đau khớp gối tăng khi lên cầu thang, khi đứng lên ngồi xuống. Đau giảm đi khi được nghỉ ngơi.

Đau đôi khi kèm theo cảm giác cứng khớp, khớp có cảm giác bị cứng lại sau khi nghỉ ngơi, nhưng thường là sẽ giảm sau một vài phút vận động. Dấu hiệu cứng khớp buổi sáng thường nhẹ và ngắn dưới 30 phút, trong khi dấu hiệu cứng khớp trong viêm khớp dạng thấp thường kéo dài trên 30 phút.

Thoái hóa khớp càng nặng thì cảm giác đau hoặc cứng khớp càng dai dẳng hơn. Khớp có thể bị sưng, đôi khi tràn dịch khớp. Các cơ xung quanh trở nên teo nhỏ hoặc yếu đi gây khó khăn cho vận động. Đau sẽ trở nên nặng hơn khi thời tiết thay đổi, đặc biệt khi thời tiết ẩm, nhất là khi kèm với áp suất không khí giảm.

Mặc dù đau khớp có thể trầm trọng nhưng không bao giờ thấy biểu hiện của phản ứng viêm tại khớp, không thấy sưng (trừ khi có tràn dịch khớp), nóng, đỏ tại khớp. Số lượng bạch cầu trong máu không tăng, tốc độ máu lắng không tăng.

- Hạn chế vận động khớp:

Các động tác của khớp bị hạn chế ở các mức độ khác nhau do đau, khiến hoạt động của cơ thể gặp nhiều khó khăn.

- Biến dạng khớp:

Khớp xương biến dạng do các gai xương hình thành và phát triển ở đầu xương, cột sống mất đường cong sinh lý, gù, vẹo, ngón tay trở nên gồ ghề và đôi khi cong nhẹ…

        

Hình 7. Mất đường cong sinh lý và biến dạng cột sống cổ (hình trái) và cột sống thắt lưng (hình phải) do thoái hóa cột sống.

- Các dấu hiệu khác:

+ Teo cơ: các cơ lân cận khớp bị thoái hóa, teo nhỏ do giảm vận động.

+ Có tiếng lạo xạo khi cử động khớp.

+ Tràn dịch khớp: làm vùng khớp bị tổn thương sưng to, thường hay gặp ở khớp gối.

2.1.2. Đặc điểm lâm sàng của các loại khớp bị thoái hóa

- Thoái hóa cột sống thắt lưng:

Thoái hóa cột sống thắt lưng là loại tổn thương cột sống thường gặp nhất, bao gồm: thoái hóa đĩa đệm, thoái hóa sụn thân đốt sống và thoái hóa khớp cung sau. Thoái hóa đĩa đệm làm đĩa đệm mỏng đi, giảm tỉ lệ nước, vòng sợi trở nên yếu và xuất hiện các vết nứt rách, nhân nhầy khô hơn và bở, kém tính đàn hồi và dễ vỡ có thể gây ra thoát vị đĩa đệm. Sụn thân đốt sống và mô xương dưới sụn thoái hóa có thể nứt lún loãng xương kèm với tăng phản ứng tạo xương bù đắp gây ra các mỏ xương ở rìa thân đốt sống. Các khớp đốt sống ở cung sau thân đốt bị thoái hóa phát triển các trồi xương và đau khi vận động. Các trồi xương ở mặt sau bên thân đốt và các mỏ xương khớp đốt sống có thể phát triển vào lỗ gian đốt sống gây chèn ép và kích thích các rễ thần kinh tương ứng. Cả thoát vị đĩa đệm và mỏ xương khi phát triển về phía sau nhất là sau bên thường gây chèn ép rễ thần kinh hông to gây ra hội chứng thắt lưng hông.

Giai đoạn đầu, bệnh nhân thấy đau cột sống thắt lưng khi ngồi lâu khi lao động nặng. Sau đó, cơn đau xuất hiện thường xuyên hơn, âm ỉ kéo dài và thỉnh thoảng tăng lên khi người bệnh làm việc nhiều, nhất là khi ngồi lâu, ngồi lệch vẹo, mang vác nặng. Về lâm sàng thoái hóa cột sống thắt lưng có thể gặp 3 hội chứng:

+ Hội chứng cột sống: Đau tại cột sống, có điểm đau cột sống, co cứng cơ cạnh sống, lệch vẹo cột sống thắt lưng.

+ Hội chứng chèn ép rễ thần kinh: Điểm đau cạnh sống, dấu hiện bấm chuông dương tính, rối loạn cảm giác kiểu rễ, giảm hoặc mất phản xạ tương ứng rễ thần kinh bị chèn ép.

Nếu rễ L5 bị chèn ép thì đau lan từ cột sống thắt lưng xuống mặt sau đùi rồi xuống mặt ngoài cẳng chân. Tê bì mặt sau đùi, mặt ngoài cẳng chân xuống mu chân và mặt mu ngón chân cái. Bệnh nhân không đứng gót chân và nhấc mũi chân lên được.

Nếu rễ S1 bị chèn ép thì đau lan từ cột sống thắt lưng xuống mặt sau đùi rồi xuống mặt sau cẳng chân, xuống gan bàn chân. Tê bì mặt sau đùi, mặt sau cẳng chân xuống mặt mu ngón út. Bệnh nhân không đứng mũi chân và nhấc gót chân lên được. Phản xạ gân gót giảm hoặc mất.

           

Hình 8. Thoái hóa cột sống thắt lưng ở một phụ nữ 55 tuổi (hình trái), gai xương thấy ở tất cả các đốt sống thắt lưng, khe gian đốt hẹp và không đều. Hình phải là phân vùng rối loạn cảm giác của các rễ thần kinh thắt lưng khi bị tổn thương.  

+ Hội chứng đuôi ngựa: Hội chứng đuôi ngựa chỉ xảy ra trong trường hợp thoát vị đĩa đệm ra sau rất nặng. Bệnh nhân tê bì, rối loạn cảm giác vùng quanh hậu môn và tầng sinh môn trong phạm vi yên ngựa tiếp xúc với hông. Rối loạn cơ tròn như không nhịn được tiểu, tiểu són, tiểu dầm. Không nhịn được đại tiện, đại tiện không tự chủ.

- Thoái hóa cột sống cổ:

Đoạn cột sống cổ có cử động linh hoạt, cũng là đoạn cột sống thường bị thoái hóa, đứng vị trí thứ hai sau thoái hóa cột sống thắt lưng. Thoái hóa cột sống cổ cũng bao gồm tổn thương thoái hóa đĩa đệm, thoái hóa sụn thân đốt sống và mô xương dưới sụn, thoái hóa khớp đốt sống. Trong xương cột sống cổ còn có lỗ động mạch đốt sống để cho hai động mạch đốt sống cổ bên phải và bên trái đi lên thân não để tạo thành động mạch đốt sống thân nền. Vùng cột sống cổ còn rất giàu các hạch thần kinh giao cảm và cả mạng lưới thần kinh giao cảm quanh các động mạch. Khi thoái hóa cột sống cổ các cấu trúc này có thể bị ảnh hưởng gây ra các triệu chứng lâm sàng phong phú. Thoái hóa cột sống cổ có thể gặp 5 hội chứng lâm sàng sau:

+ Hội chứng cột sống cổ: Đau cột sống cổ, có điểm đau cột sống nhưng thường ít rõ ràng so với cột sống thắt lưng, co cứng cơ cạnh sống, lệch vẹo cột sống cổ. Có thể gặp hội chứng cột sống cổ cấp với đau cấp tính cột sống cổ, co cứng cơ cạnh cột sống mạnh khiến bệnh nhân bị lệch cổ về một bên và không quay được cổ sang bên đối diện.

+ Hội chứng chèn ép rễ thần kinh cổ: có hai hội chứng thành phần là hội chứng cổ gáy khi các rễ C1 đến C3 bị chèn ép và hội chứng cổ vai cánh tay khi các rễ C4 đến C8 bị chèn ép. 

       

Hình 9. Hình trái: thoái hóa cột sống cổ, mỏ xương các mỏm móc của khớp đốt sống gây hẹp lỗ ghép C3-C4 và C4-C5. Hình phải: Vùng phân bố cảm giác của các rễ thần kinh cổ. 

+ Hội chứng chèn ép tủy cổ: Khi có thoát vị đĩa đệm cột sống cổ ra sau hoặc các gai xương từ thân đốt sống phát triển về phía sau có thể gây chèn ép tủy cổ. Người bệnh bị yếu, bại, rối loạn cảm giác tứ chi không đều tùy theo vùng tủy bị chèn ép.

+ Hội chứng thiếu máu não mạn tính hệ động mạch đốt sống thân nền: Các mỏ xương có thể gây hẹp lỗ động mạch đốt sống gây thiếu máu não vùng thân não, vùng não sau và tiểu não do động mạch thân nền và động mạch não sau chi phối. Biểu hiện: đau đầu vùng gáy, chóng mặt, ù tai, tiếng ve kêu trong tai, cơn sụp đổ (drop attack).

     

Hình 10. Phim MRI cho thấy lỗ động mạch đốt sống cổ bên phải bị hẹp do thoái hóa cột sống cổ (hình trái). Gai xương thân đốt sống cổ gây hẹp lỗ ghép C3-C4 (hình giữa). Gai xương mỏm móc đốt sống cổ gây hẹp lỗ ghép C3-C4 (hình phải).

+ Hội chứng rối loạn thần kinh thực vật: Người bệnh có những cơn nóng bừng mặt, cơn vã mồ hôi giống như cơn tăng huyết áp nhưng huyết áp không tăng, nhịp tim nhanh hoặc chậm, có cơn đau ngực dễ nhầm với đau thắt ngực…

- Thoái hóa khớp gối:

Thoái hóa khớp gối là một bệnh thường gặp, đứng hàng thứ ba trong bệnh thoái hóa xương khớp, đứng thứ hai gây khuyết tật cho người cao tuổi, với tỷ lệ khuyết tật lên đến 25%. Nghĩa là cứ 4 người bị bệnh thoái hóa khớp gối thì có 1 người hoàn toàn không thể tự đi lại được.

Bệnh thoái hóa khớp gối phổ biến vì khớp gối thường xuyên phải gánh chịu một trọng lực rất lớn để giữ cơ thể đứng vững, xoay và di chuyển, đặc biệt là những người béo phì, những người lao động thường xuyên phải mang vác nặng, các vận động viên thể thao.

Triệu chứng thường gặp: Khởi đầu nhười bệnh lên cầu thang cảm giác gối yếu và đau nhẹ ở phía trước và bên cạnh đầu gối. Đau gối tăng dần sau nhiều năm. Đau có tính cơ học rõ như đau tăng khi đi lại, nhất là khi lên cầu thang, khi đứng lên ngồi xuống và giảm khi nghỉ. Có tiếng lạo xạo khi vận động khớp. Khớp yếu đi khiến đầu gối khuỵu xuống khi phải chịu sức nặng. Có thể có tràn dịch khớp. Trường hợp thoái hóa khớp nặng, bệnh nhân đi lại rất khó khăn, có thể không thể tự đi lại được. Chụp X-qung khớp gối thấy khe khớp hẹp, tăng đạm xương dưới sụn và bề mặt không đều, có các chồi xương hoặc gai xương ở rìa khớp.

 

Hình 11. Hình trái: khớp gối bị thoái hóa, lớp sụn khớp bị phá hủy, bở, loát, có chỗ lộ xương. Hình giữa X-quang khớp gối bình thường, khe khớp rộng đều, bề mặt khớp nhẵn. Hình phải: khớp gối thoái hóa, khe khớp hẹp, đặc xương dưới sụn, bề mặt khớp không đều, mỏ xương vùng rìa khớp.

- Thoái hóa khớp háng: có thể xảy ra ở một hoặc cả hai bên.

Triệu chứng thường gặp: cảm giác đau sâu bên trong phía trước háng, tăng khi đi lại, cũng có thể đau ở bên cạnh hoặc phía trước đùi, ở sau mông và lan xuống đầu gối. Đau tăng khi đi lại, khi lên cầu thang, khi đứng lên ngồi xuống, giảm khi nghỉ ngơi. Gấp, duỗi và xoay khớp háng thấy đau. Dấu hiệu Patric dương tính. X-quang khớp háng thấy khe khớp hẹp, đặc xương dưới sụn, có thể thấy mỏ xương ở rìa ổ cối hoặc rìa lồi cầu xương đùi.

Hình 12. Khớp háng bình thường, khe khớp rộng đều (hình trái). Khớp háng thoái hóa, khe khớp hẹp, dày đậm xương dưới sụn.

- Thoái hóa khớp cổ chân và bàn chân:

Thoái hóa khớp ở cổ chân thường là khớp sên chày, bệnh nhân đau ở khớp cổ chân khi đi lại. Thoái hóa khớp bàn chân thường xảy ra ở gốc của ngón cái, có thể làm ngón này bị cứng lại hoặc cong vẹo, khiến cho việc đi đứng trở nên khó khăn và đau đớn. X-quang thấy khe khớp hẹp, dày đậm xương dưới sụn.

            

Hình 13. Thoái hóa khớp sen chày, khe khớp hẹp, dày đậm xương dưới sụn, bề mặt khớp không đều (hình trái và hình giữa). Thoái hóa khớp bàn ngón 1 chân phải, khe khớp hẹp, dày đậm xương dưới sụn, gai xương (hình phải).

- Thoái hóa khớp xương gót chân:

Thoái hóa khớp ở gót chân thường làm bệnh nhân có cảm giác bị đau ở gót vào buổi sáng, khi bước chân xuống giường và đi vài bước đầu tiên. X-quang có gai xương ở xương gót.

- Thoái hóa khớp bàn ngón, đốt ngón tay:

Bệnh thường tác động lên vùng gốc của ngón cái và các khớp ngón tay. Các khớp đau khi cử động, trường hợp nặng các khớp bị lệch trục do gai xương phát triển. Sau đó, các khớp thoái hóa khiến ngón tay có thể hình thành các nốt cứng, trở nên gồ ghề và cong nhẹ.

 

Hình 14. Thoái hóa khớp bàn ngón 2, 3 và các đốt ngón tay phải, khe khớp hẹp, giai xương, biến dạng khớp. 

2.2. Triệu chứng cận lâm sàng

2.2.1. Chụp X-quang khớp thường quy:

- Có 3 dấu hiệu cơ bản:

+ Hẹp khe khớp: khe khớp hẹp không đồng đều, không hoàn toàn.

+ Đặc xương dưới sụn: xương dưới sụn viền đậm không đều.

+ Gai xương: gai xương ở phần rìa đầu xương, nơi tiếp giáp giữa xương và sụn.

- Phân loại giai đoạn thoái hóa khớp trên X- quang: theo Kellgren và Lawrence (1987):

+ Giai đoạn 1: Nhú xương nhỏ hoặc nghi ngờ có gai xương.

+ Giai đoạn 2: Mọc gai xương rõ.

+ Giai đoạn 3: Hẹp khe khớp vừa.

+ Giai đoạn 4: Hẹp khe khớp nhiều kèm đặc xương dưới sụn.

        

Hình 15. Hình trái: khớp gối bình thường. Hình giữa: Khớp gối thoái hóa. Hình Phải Phim chụp MRI cùng khớp hình giữa.

2.2.2. Siêu âm khớp

Siêu âm khớp cho phép đánh giá tình trạng hẹp khe khớp, gai xương, tràn dịch khớp, đo độ dày sụn khớp, màng hoạt dịch khớp, phát hiện các mảnh sụn thoái hóa bong vào trong ổ khớp và tình trạng gân xương cạnh khớp.

2.2.3. Chụp cắt lớp vi tính khớp (CT scanner)

Phim chụp cắt lớp vi tính cho phép chẩn đoán chính xác hơn những tổn thương rất nhỏ của sụn khớp và phần xương dưới sụn mà trên phim X-quang thường quy có thể không phát hiện thấy.

2.2.4. Nội soi khớp

Phương pháp này có thể quan sát trực tiếp những tổn thương thoái hoá của sụn khớp ở các mức độ khác nhau, đồng thời có thể kết hợp điều trị phẫu thuật qua nội soi.

Phân độ  tổn thương sụn khớp theo Outerbridge:

- Độ 0: Sụn khớp bình thường.
- Độ 1: Sụn khớp vùng thoái hóa trở nên mềm hơn, phù nề và có thể đổi màu vàng.
- Độ 2: Khuyết một phần bề dày của sụn hoặc xuất hiện các vết nứt trên bề mặt sụn khớp.
- Độ 3: Vết nứt của sụn sâu hơn nhưng ngang mức dưới sụn.
- Độ 4: Mất hoàn toàn bề dày của sụn, lộ xương dưới sụn.

2.2.5. Các xét nghiệm khác

– Xét nghiệm máu và sinh hoá: hầu như không có gì thay đổi. Số lượng bạch cầu và máu lắng có thể tăng nhẹ khi thoái hóa khớp có phản ứng viêm.

– Dịch khớp: bình thường có màu vàng, độ nhớt bình thường hoặc giảm nhẹ, có 100-200 tế bào/1mm3 (<1000 tế bào/1mm3), 50% là bạch cầu đa nhân trung tính, không có tế bào hình nho, lượng protein, mucin và bổ thể bình thường. Phản ứng tìm yếu tố dạng thấp, tinh thể u rát âm tính.

Tóm lại các xét nghiệm cơ bản phải bình thường. Nếu có bất thường phải tìm nguyên nhân khác. Chẩn đoán thoái hoá khớp dựa vào dịch khớp là chẩn đoán loại trừ.

2.3. Chẩn đoán

2.3.1 Chẩn đoán thoái hóa cột sống thắt lưng

- (1) Có hội chứng cột sống thắt lưng.

- (2) Tuổi >=40.

- (3) Có hội chứng chèn ép rễ thần kinh.

- (4) X-quang cột sống thắt lưng có dấu hiệu thoái hóa.

             Chẩn đoán khi có dấu hiệu 1+2+4 hoặc 2+3+4.

2.3.2. Chẩn đoán thoái hóa cột sống cổ

- (1) Có hội chứng cột sống cổ.

- (2) Tuổi >=40.

- (3) Có tiếng lạo xạo khi vận động cột sống cổ.

- (4) X-quang cột sống cổ có dấu hiệu thoái hóa.

              Chẩn đoán khi có 1+2+4 hoặc 2+3+4.

2.3.3. Chẩn đoán xác định thoái hóa khớp gối

Bảng 1. Chẩn đoán thoái hóa khớp gối theo ACR 1991 (ACR: American College of Rheumatology).

Lâm sàng, X-quang và xét nghiệm

Lâm sàng đơn thuần

1. Đau khớp gối trong 1 tháng gần đây

2. Gai xương ở rìa khớp trên X-quang

3. Dịch khớp là dịch thoái hóa

4. Tuổi >= 40

5. Cứng khớp <30 phút

6. Lạo xạo khớp khi cử động

Chẩn đoán khi có:

          + Yếu tố 1+2 hoặc

          + Yếu tố 1+3+5+6 hoặc

          + Yếu tố 1+4+5+6

1. Đau khớp

2. Lạo xạo khớp khi vận động

3. Cứng khớp dưới 30 phút

4. Tuổi >= 38

5. Sờ thấy phì đại xương

 

Chẩn đoán khi có:

             + Yếu tố 1+2+3+4 hoặc

             + Yếu tố 1+2+5 hoặc

             + Yếu tố 1+4+5

 

2.3.4. Chẩn đoán thoái hóa khớp háng theo ACR (1986)

Bảng 2. Chẩn đoán thoái hóa khớp háng theo ACR (1986)

1. Đau khớp háng (hầu như đau cả ngày)

2. Tốc độ lắng máu giờ đầu (<20mm)

3. X-quang có gai xương ở chỏm xương đùi hoặc ổ cối

4. Hẹp khe khớp háng

               Chẩn đoán khi có: yếu tố 1+2+3 hoặc 1+2+4 hoặc 1+3+4.

2.4. Chẩn đoán phân biệt: 

Cần phân biệt thoái hóa khớp với các vấn đề xương khớp sau:

- Các bệnh lý viêm khớp: viêm khớp dạng thấp, viêm khớp Gout, viêm cột sống dính khớp, viêm khớp phản ứng, lao khớp, viêm khớp không đặc hiệu khác.

- Các bệnh lý của cột sống: loãng xương, gãy lún thân đốt sống, dày dây chằng vàng hoặc viêm thân đốt sống đĩa đệm, đa u tủy xương, ung thư di căn cột sống.

3. Biến chứng của thoái hóa khớp

3.1. Biến dạng khớp

Thoái hóa khớp mức độ trung bình và nặng thường gây ra biến dạng khớp, do sự xuất hiện  của các gai xương ở rìa khớp, hay do lệch trục khớp, thoát vị màng hoạt dịch. Biến dạng khớp thấy rõ nhất ở thoái hóa khớp gối, khớp gối thoái hóa bị vẹo ra ngoài hoặc vào trong, khiến cho người bệnh có cảm giác mình bước thấp bước cao. Biến dạng trong thoái hoá cột sống thấy lệch vẹo cột sống, giả trượt thân đốt sống do các gai xương thân đốt.

 Khi khớp bị biến dạng, bệnh nhân sẽ rất khó khăn trong di chuyển, vận động. Biến chứng nặng của thoái hóa khớp háng còn gây ra  cong vẹo cột sống, trượt đốt sống.

3.2. Hạn chế vận động, khuyết tật, bại liệt

Thoái hóa xương khớp thường xảy ra đồng thời ở nhiều khớp. Các khớp thoái hóa ở các giai đoạn khác nhau, người bệnh luôn cảm thấy đau mỏi bất cứ khi nào vận động, dẫn đến tâm lý lười vận động, và chỉ muốn nằm nghỉ. Tình trạng như vậy lâu ngày, các khớp cứng dần, cơ co lại, giảm khả năng linh hoạt, giảm vận động.

Cùng với hạn chế vận động là teo cơ, các cơ tham gia vận động khớp thoái hóa teo dần và sức cơ giảm dần. Vì vậy tỷ lệ người thoái hóa khớp bị khuyết tật vận động rất cao, kèm theo là các hội chứng chèn ép rễ thần kinh và tủy sống khi thoái hóa cột sống gây ra khuyết tật nặng.

3.3. Các bệnh lý thứ phát khác

-  Thoát vị đĩa đệm cột sống: thoái hóa đĩa đệm dẫn tới thoát vị đĩa đệm rất thường gặp ở cột sống thắt lưng và cột sống cổ. Có thể nói khi có thoát vị đĩa đệm ở người >40 tuổi bao giờ cũng có thoái hóa đĩa đệm đi trước.

- Vôi hóa cột sống, vôi hóa các dây chằng và các gân cơ cạnh khớp.

- Ung thư xương.

- Các bệnh nhiễm khuẩn xương khớp.

4. Điều trị

4.1. Nguyên tắc chung

Không có thuốc điều trị khỏi được thoái hóa, chỉ có thể điều trị triệu chứng, làm chậm quá trình thoái hóa, phục hồi chức năng khớp và phòng bệnh bằng cách ngăn ngừa, hạn chế các tác động cơ học quá mức lên khớp và cột sống.

- Làm giảm triệu chứng đau.

- Duy trì, hoặc làm phục hồi chức năng của các khớp.

- Hạn chế tối đa khuyết tật.

- Tránh các tác dụng độc do dùng thuốc.

4.2. Điều trị bảo tồn

4.2.1. Thuốc chống viêm giảm đau

- Thuốc chống viêm không steroid:

Các loại thuốc chống viêm không steroid có thời gian bán hủy nhanh thường được lựa chọn hơn loại chậm và nên bắt đầu ở liều thấp, nhất là ở người cao tuổi, thận trọng ở người có suy thận, suy gan và bệnh tim mạch.

Cần theo dõi cẩn thận trong quá trình điều trị, phát hiện sớm các tác dụng phụ như viêm dạ dày, suy gan, suy thận, biến đổi các thành phần máu như giảm bạch cầu. Hạn chế tác dụng phụ trên đường tiêu hóa bằng thuốc ức chế bơm proton như Omeprazole hoặc ức chế thụ thể H1 (cimetidin, famotidin).

- Các thuốc giảm đau:

Thuốc giảm đau có vai trò khá quan trọng trong điều trị thoái hóa khớp. Các thuốc này ít độc cho thận và dạ dày hơn so với các thuốc chống viêm không steroid. Khi sử dụng cần tuân thủ sơ đồ bậc thang của Tổ chức Y tế thế giới như sau:

Bậc 1: thuốc không có morphin (paracetamol, floctafenin)

Bậc 2: Thuốc có morphin yếu (dextropropoxyphene, codein, tramadol)

Bậc 3: Thuốc có morphin mạnh.

Có thể dùng đơn độc các thuốc giảm đau trên hoặc phối hợp với các thuốc kháng viêm không steroid liều thấp. Phối hợp với các thuốc giảm đau thần kinh (Neurontin, Gabapentin, Pregabalin, viên 300mg) trong trường hợp có chèn ép rễ hoặc dây thần kinh như trong hội chứng thắt lưng hông, hội chứng chèn ép đám rối thần kinh cánh tay và dùng thuốc chống trầm cảm ba vòng trong các trường hợp đau mạn tính như Amitriptylin (Amitriptylin, Elavil: viên 10 mg, 25 mg, 50 mg, 75 mg, 100 mg, 150 mg).

- Corticoid:

Chống chỉ định sử dụng corticoid đường toàn thân. Tiêm corticoid vào khoang khớp thường rất có hiệu quả đối với các triệu chứng đau của thoái hóa khớp nhưng không nên tiêm quá 2 đợt/năm. Thường dùng:

+ Hydrocortison acetate: mỗi đợt 2 - 3 mũi, tiêm cách nhau 5 - 7 ngày. Không tiêm > 4 mũi/đợt.

+ Các chế phẩm có tác dụng trung bình và dài như Diprospan, Depomedrol: 1 - 2 mũi, cách nhau 6 - 8 tuần.

4.2.2. Thuốc chống thoái hóa khớp (tác dụng chậm)

Thuốc chống thoái hóa khớp tác dụng chậm (SySADOA: Symptom-Slow-Acting Drugs for Osteoarthritis) thường tác dụng sau khi dùng ít nhất một tháng và duy trì sau ngưng thuốc 2-3 tháng. Liều trình dùng thuốc nên kéo dài nhiều tháng đến nhiều năm nếu muốn bảo tồn sụn khớp. Thuốc dung nạp tốt và chưa thấy có tác dụng phụ nào đáng kể. Một số loại thuốc này như sau:

- Glucosamin sulfat: liều 1-1,5g/ngày.

Glucosamin cần cho sinh tổng hợp và kích thích tế bào sụn tổng hợp proteoglycan, làm tăng độ cứng của mô sụn, làm giảm quá trình thoái hóa và chấn thương sụn.

Glucosamin còn ức chế các enzyme hủy sụn khớp và các interleukin nên cũng góp phần làm giảm thoái hóa khớp theo cơ chế bệnh sinh.

- Diacerein (Artrodar, ART 50®): viên nang 50mg, uống 100mg/ngày (trong ít nhất 3 tháng).

Thuốc có tác dụng bảo vệ sụn do làm giảm sản sinh các cytokin, NO, MMP (Matrix-degrading metalloproteinases) là các chất gây hủy hoại tế bào sụn, đồng thời kích thích tế bào sụn tăng sinh, tăng tổng hợp proteoglycan, acid hyaluronic, góp phần phục hồi tính chất sinh lý của dịch khớp.

- Chondroitin sulfat: chế phẩm viên nang 450mg hoặc gói 250mg, uống 1g/ngày.

Thuốc có tác dụng ức chế enzyme tiêu sụn như metalloprotease.

- Jex max peptan:  uống 2 viên/ngày, trong 3 - 6 tháng.

Mô xương dưới sụn có vai trò rất quan trọng trong dinh dưỡng và tái tạo sụn khớp, nó được ví như nền móng của một con đường, nền móng có vững thì mặt đường mới bền và phẳng. Vì vậy nuôi dưỡng và bảo vệ mô xương dưới sụn tốt sẽ làm giảm thoái hóa khớp và giúp phục hồi sụn khớp bị tổn thương. Peptan là một peptid cung cấp nhiều loại acid amin quý, khi có mặt trong mô liên kết tại sụn và xương dưới sụn sẽ kích thích các tế bào sụn tổng hợp Collagen và Aggrecan, tăng cường tái tạo sụn khớp và xương dưới sụn, giảm thiểu tình trạng hủy xương, cân bằng quá trình hủy hoại và tái tạo sụn khớp, giúp cải thiện mật độ khoáng của xương, ngăn ngừa sự mất xương và loãng xương, tăng độ bền và dẻo dai cho khớp, phục hồi và bảo vệ sụn và xương dưới sụn.

- Kháng sinh:

 Nhóm Cycline như Tetracycline, Doxycycline… có tác dụng ức chế các enzyme tiêu hủy sụn trong bệnh lý thoái hóa khớp, đã được một số tác giả dùng trong điều trị đạt một số kết quả khi dùng liều thấp kéo dài. Tuy nhiên, việc sử dụng các thuốc này còn cần những nghiên cứu dài hơn và cần những bằng chứng thuyết phục hơn.

- Thuốc y học cổ truyền:

Sử dụng các bài thuốc đông y chữa thoái hóa khớp có thành phần từ các cây dược liệu. Các bài thuốc cổ phương hoặc các bài thuốc dân gian điều trị thoái hóa khớp có tác dụng lâm sàng tương đối tốt.

4.2.3. Tiêm acid hyaluronic vào khoang khớp

Acid hyaluronic (Go-on®, Ostenil®, Hyruan®): Chế phẩm Ostenil 10mg, Hyruan 20mg. Dùng tiêm vào khoang khớp 1 mũi/tuần, một liệu trình 3-6 mũi (ít nhất 3 mũi) để bổ sung dịch khớp làm giảm ma sát của khớp. Thuốc rất hiệu quả, có thể làm giảm đau và cải thiện vận động ngay sau mũi tiêm đầu tiên, thường dùng cho thoái hóa khớp gối.

4.2.4. Tiêm Huyết tương giàu tiểu cầu tự thân vào khớp

Huyết tương giàu tiểu cầu tự thân (PRP: Platelet Rich Plasma) là huyết tương có nồng độ tiểu cầu cao gấp nhiều lần so với huyết tương trong máu bình thường được tách chiết từ máu của chính bệnh nhân. Cần một nồng độ lớn tiểu cầu trong liệu pháp PRP vì khi tiểu cầu được hoạt hóa sẽ dẫn đến quá trình ly giải các hạt α chứa bên trong tiểu cầu, từ đó giải phóng ra nhiều loại protein là các cytokine chống viêm và hàng chục các yếu tố tăng trưởng (growth factor) có vai trò quan trọng đối với quá trình làm lành vết thương. Các protein trên sẽ gắn vào các thụ thể (receptor) của các tế bào đích tương ứng như tế bào nguồn gốc trung mô, nguyên bào xương, nguyên bào sợi, tế bào biểu mô, tế bào nội mô… Sự gắn kết này sẽ hoạt hóa một loại protein dẫn truyền tín hiệu nội bào để truyền thông tin tới gen đặc hiệu tương ứng, kết quả là tạo nên sự tăng sinh tế bào, hình thành chất căn bản, các sản phẩm dạng xương, sụn, tổng hợp collagen… tham gia vào quá trình sửa chữa, tái tạo tổ chức tổn thương sụn, xương, phần mềm… Liệu pháp PRP tự thân được sử dụng để điều trị bệnh thoái hóa khớp gối, chấn thương thể thao, viêm gân và các điểm bám tận, kích thích lành vết thương phần mềm cũng như làm nhanh liền xương sau phẫu thuật.

Hình 16. Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu tự thân vào khớp gối.

Liệu pháp PRP được thực hiện bằng cách lấy khoảng 20-50ml máu từ chính người bệnh, sau đó tiến hành ly tâm máu ba lần trong khoảng 15 phút để loại bỏ hồng cầu, bạch cầu, thu về lượng huyết tương có nồng độ tiểu cầu gấp bốn-tám lần so với huyết tương bình thường.

Liệu trình tiêm PRP gồm ba lần tiêm. Mỗi lần tiêm cách nhau hai tuần. Lưu ý, đa số các trường hợp, sau một, hai lần tiêm không có sự chuyển biến nhiều mà cần thêm một khoảng thời gian sau khi tiêm đủ liều tổn thương mới có sự thuyên giảm. Thời gian phục hồi có thể là hai tuần hoặc kéo dài đến vài tháng sau một liệu trình điều trị, tùy mức độ tổn thương và tùy từng trường hợp cụ thể. Ngay sau khi tiêm, vùng tổn thương sẽ có phản ứng sưng, căng, đau hơn. Tuy nhiên, triệu chứng này thuyên giảm và hết sau vài ngày. Những bệnh nhân bị rối loạn đông máu thì chống chỉ định điều trị bằng liệu pháp PRP. Nếu bị nhiễm trùng da tại vị trí tiêm, cần điều trị dứt điểm mới được tiêm PRP. Những trường hợp mắc bệnh mạn tính, tuổi cao… có hiệu quả điều trị kém.

4.2.5. Điều trị bằng cấy ghép tế bào gốc

Tế bào gốc được  tách ra từ mô mỡ của chính người bệnh, được bơm vào khoang khớp là phương pháp điều trị mới, hiệu quả và an toàn. Các tế bào gốc khi được tiêm vào khớp sẽ biệt hóa thành tế bào sụn, phục hồi lại sụn khớp bị tổn thương. Đây là phương pháp mới cần có nhiều nghiên cứu thêm nữa.

4.2.6. Điều trị không dùng thuốc

- Cần tránh cho khớp và cột sống bị quá tải bởi vận động và trọng lượng, có thể dùng nạng một hoặc hai bên khi cần đối với thoái hóa khớp chi dưới, giảm cân khi thừa cân.

- Các biện pháp vật lý trị liệu rất hữu ích trong điều trị thoái hóa khớp, như điều trị bằng nhiệt nóng, bức xạ hồng ngoại, sóng điện từ trường cao tần (sóng ngắn, sóng cực ngắn, vi sóng), tắm bùn khoáng, nước khoáng nóng…  có tác dụng giảm đau, duy trì dinh dưỡng mô mềm cạnh khớp, điều chỉnh tư thế. Các bài tập thể dục như đi bộ, bơi lội, đạp xe đạp chỉ nên thực hiện khi chưa có tổn thương khớp trên X quang.

- Các biện pháp y học cổ truyền như châm, cứu, xoa bóp, bấm huyệt cũng giúp giảm đau, phục hồi chức năng khớp.

Có thể sử dụng các biện pháp không dùng thuốc đơn độc với các trường hợp thoái hóa khớp nhẹ, nhưng phối hợp cả dùng thuốc và không dùng thuốc thường mang lại kết quả tốt hơn.

4.3. Điều trị ngoại khoa

Các biện pháp điều trị ngoại khoa được chỉ định khi điều trị nội khoa không còn tác dụng, người bệnh bị hạn chế vận động nặng, khe khớp hẹp nặng, khớp bị biến dạng gây ra khuyết tật trung bình và nặng thì điều trị ngoại khoa sẽ được cân nhắc. Tùy vào tình trạng của người bệnh để chọn các biện pháp ngoại khoa khác nhau như: nội soi khớp, đục xương chỉnh trục hoặc thay một phần hoặc toàn bộ khớp gối.

- Điều trị dưới nội soi khớp: rửa khớp, lấy bỏ các dị vật như mẩu sụn khớp bị bong, cắt bỏ sụn chêm bị tổn thương, gọt giũa bề mặt không đều của sụn,…kết quả thường tốt đối với khớp gối và khớp vai.

- Phẫu thuật đục xương, chỉnh trục, chêm lại khớp, gọt giũa xương (osteotomy), làm cứng khớp. Trong đó, gọt giũa xương và chỉnh trục có hiệu quả khi có biến chứng lệch trục và như thế sẽ làm giảm đau khớp.

- Phẫu thuật thay một phần hoặc toàn bộ khớp bằng khớp nhân tạo, thường chỉ định cho khớp háng, khớp gối và khớp vai.

      

Hình 17. Khớp gối thoái hóa và thay khớp gối nhân tạo toàn phần có xi măng.

5. Dự phòng thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp là tình trạng gần như không thể tránh khỏi. Tuy vậy, vẫn có thể phòng ngừa và làm chậm quá trình này bằng cách xây dựng một chế độ sinh hoạt, tập luyện, dinh dưỡng hợp lý, đặc biệt là từ sau tuổi 40.

Khi lao động và sinh hoạt, cần tránh các tư thế không phù hợp hay các động tác quá mạnh và đột ngột. Hạn chế tình trạng tăng cân, béo phì để giảm áp lực lên các khớp xương…

     

Hình 18. Các động tác sai và đúng khi sinh hoạt và lao động.

Tình trạng dinh dưỡng sụn khớp và mô xương dưới sụn kém kéo dài và các tổn thương sụn và xương dưới sụn dưới tác dụng của lực cơ học chính là nguồn gốc của thoái hóa khớp. Do vậy, cơ thể cần được cung cấp những dưỡng chất cần thiết để nuôi dưỡng sụn và xương dưới sụn, cân bằng lại quá trình hủy hoại và tái tạo của các tế bào tại đây, từ đó giúp tạo chất nhờn, tăng độ bền và dẻo dai cho khớp, tăng sức mạnh liên kết cơ - gân - sụn khớp.

5.1. Thay đổi lối sống

Duy trì BMI ở mức bình thường (18,5 - 23 kg/m2 theo tiêu chuẩn dành cho người châu Á), tránh béo phì.

Nên tập đặt cho mình lịch nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý sau thời gian làm việc (mắt nhắm nhẹ, hoàn toàn không suy nghĩ tới công việc, thả lỏng cơ thể, hít sâu vào, thở chậm ra, hạn chế tiếp xúc với các thiết bị điện tử như smartphone, vi tính, tivi…).

Suy nghĩ lạc quan, tích cực về cuộc sống, hạn chế các stress tiêu cực hoặc đặt ra áp lực cho bản thân, tránh tiếp xúc với những thông tin tiêu cực (không liên quan) làm ảnh hưởng không tốt cho trí não…

Tránh mang vác vật nặng quá sức hoặc vận động mạnh đột ngột tạo áp lực cơ học quá mức lên khớp. Biết liệu sức khỏe và bệnh của mình để tránh làm bệnh nặng thêm.

Giữ ấm khi thay đổi thời tiết đặc biệt khi trời chuyển lạnh.

Một số bài luyện tập dành cho người bị thoái hóa khớp gối:

- Đi bộ nhẹ nhàng hoặc đi bộ dưới nước, bơi trong nước ấm là những biện pháp luyện tập được khuyến cáo áp dụng thường xuyên.

- Đi xe đạp: Đi xe đạp được xem là một trong những bài tập “vàng” của khớp gối. Đi xe đạp thường xuyên không chỉ giúp tăng sức mạnh cơ, giảm các gánh nặng trên khớp mà còn giúp khớp vận hành linh hoạt và thoải mái hơn.

- Bơi lội: Tất cả các tư thế bơi lội đều rất tốt cho bệnh thoái hóa khớp gối. Các bệnh nhân có thể tập các bài nhẹ nhàng như: Đi bộ dưới nước, đứng nước, đá nước, khua chân, bơi…

Hình 19. Bài tập cho cột sống thắt lưng.

  

Hình 20. Bài tập cột sống cổ.

Hình 21. Tư thể ngủ đúng.

5.2. Chế độ ăn uống

Xây dựng chế độ ăn nhiều rau xanh, củ quả, các loại thức ăn có hàm lượng canxi cao như: súp lơ, cải xanh, hải sản, tôm, cua, xương heo…

Nên hạn chế tối đa ăn các loại thịt đỏ (thịt bò, thịt chó, thịt cừu…) là những loại thịt làm sản sinh lượng axit rất cao (axit làm tăng cơn đau nhiều hơn). Nên thực hiện giảm dần dần.

Không nên ăn các loại thực phẩm như: các loại cà (cà ghém, cà pháo, cà chua), ngọn sắn non muối chua, các loại rau muối chua… đây là những thực phẩm không tốt cho hệ xương khớp nói chung và người bị thoái hóa khớp nói riêng vì nó gây tăng axit.

- Những thực phẩm nên ăn:

+ Các loại cá nước lạnh: Cá hồi, cá ngừ, cá thu, cá trích là những thực phẩm có chứa nhiều axit béo Omega 3 có tác dụng kháng viêm hiệu quả. Nên ăn ít nhất  3 bữa cá một tuần.

+ Nước hầm xương ống: Các loại nước hầm từ xương ống hay sụn sườn bò, bê cung cấp rất nhiều glucosamin và chonroitin, là những hợp chất cấu thành sụn ngoài ra còn bổ sung lượng canxi dồi dào, tốt cho xương khớp.

+ Về thực vật: Người bị thoái hóa khớp gối nên ăn đầy đủ các loại ngũ cốc. Ngoài ra, một số thực vật như đậu nành, rau xanh, hạt mầm có đặc tính chống bệnh tật, tăng cường hệ miễn dịch, kháng oxy hóa.

- Những thực phẩm hạn chế ăn:

+ Người bị thoái hóa khớp gồi không nên ăn các loại thực phẩm giàu mỡ, thức ăn chế biến sẵn như đồ ăn KFC, đồ chiên rán hoặc nướng. Không ăn các loại thức ăn quá ngọt hoặc quá mặn.

+ Không uống các loại đồ uống có cồn như rượu bia, không hút thuốc lá…

5.3. Bổ xung các thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị xương khớp

Một số thực phẩm chức năng được chiết xuất hoàn toàn từ thảo dược thiên nhiên, và được các hãng uy tín trên thế giới chứng minh có hiệu quả hỗ trợ điều trị các bệnh xương khớp, là lựa chọn cho những người chưa và đang mắc các bệnh thoái hóa khớp (tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng lâu dài).

Ngoài ra cần khám sức khỏe định kỳ để theo dõi tình trạng sức khỏe toàn thân. Bệnh thoái hóa khớp có thể xuất hiện từ tuổi trung niên và nhiều nhất là ở người lớn tuổi nên cần được phòng ngừa từ sớm.

 (Trích trong cuốn “Bệnh thoái hóa khớp, chẩn đoán, điều trị và dự phòng” Hà Hoàng Kiệm 2019). Các bạn có thể tìm hiểu bệnh thoái hóa của từng loại khớp trong cuốn sách này. Sách có bán rộng rãi ở các nhà sách trên thị trường và được các nhà sách bán online. Các bạn có thể bấm vào một trong các trang sau để đặt mua, sách được chuyển đến tay mới trả tiền, mua online giá thường được giảm tới 40%.

https://tiki.vn/benh-thoai-hoa-khop-chan-doan-dieu-tri-va-du-phong-p10187469.html?spid=10187470&utm_source=google&utm_medium=cpc&utm_campaign=SEA_NBR_GGL_PLA_DAP_ALL_VN_MB_UNK_UNK_C.ALL_X.1057274772_Y.54169762056_V.10187470_W.c_A.&gclid=Cj0KCQjwkIzlBRDzARIsABgXqV9rDUnJ4OeIl588d2-YbJTJz6T44zYuKG7FpnQ-TgBVmKv-gtt7RK8aAoVuEALw_wcB

https://shopee.vn/S%C3%A1ch-B%E1%BB%87nh-Tho%C3%A1i-H%C3%B3a-Kh%E1%BB%9Bp-Ch%E1%BA%A9n-%C4%90o%C3%A1n-%C4%90i%E1%BB%81u-Tr%E1%BB%8B-V%C3%A0-D%E1%BB%B1-Ph%C3%B2ng-i.62069215.1960162258

https://sachdayroi.com/benh-thoai-hoa-khop-chan-doan-dieu-tri-va-du-phong-nti10187469.html

https://www.beecost.com/S%C3%A1ch-B%E1%BB%87nh-Tho%C3%A1i-H%C3%B3a-Kh%E1%BB%9Bp-Ch%E1%BA%A9n-%C4%90o%C3%A1n-%C4%90i%E1%BB%81u-Tr%E1%BB%8B-V%C3%A0-D%E1%BB%B1-Ph%C3%B2ng-i.62069215.1960162258

https://giasieure.click/san-pham/S%C3%A1ch-B%E1%BB%87nh-Tho%C3%A1i-H%C3%B3a-Kh%E1%BB%9Bp-Ch%E1%BA%A9n-%C4%90o%C3%A1n-%C4%90i%E1%BB%81u-Tr%E1%BB%8B-V%C3%A0-D%E1%BB%B1-i.104288726.2223090172

Tài liệu tham khảo:

1. https://vi.wikipedia.org/wiki/Tho%C3%A1i_h%C3%B3a_kh%E1%BB%9Bp

2. https://bacsinoitru.vn/f27/thoai-hoa-khop-la-gi-nguyen-nhan-trieu-chung-phong-ngua-va-cach-dieu-tri-20769.html

3. https://bnc-medipharm.com/thoai-hoa-khop-la-gi-nguyen-nhan-trieu-chung-phong-ngua-va-cach-dieu-tri

4. http://benhvexuongkhop.net/tieu-chuan-chan-doan-thoai-hoa-khop-goi/

5. http://benhgout.net/news/chuyen-de-ve-thoai-hoa-khop-364.html

6. http://phauthuatxuongkhop.com/chan-thuong-benh-ly-khop-goi/benh-thoai-hoa-khop-goi/

7. http://hih.vn/phuong-phap-moi-cuu-tinh-cho-nguoi-thoai-hoa-khop-goi.html

8. http://daitinpharma.vn/dieu-tri-thoai-hoa-khop.html

9. http://benhvienvanhanh.com/te-bao-goc-trong-thoai-hoa-khop-goi/sp-188lvi.html

10. https://www.dieutri.vn/giaiphaunguoi/dai-cuong-ve-giai-phau-xuong-khop/

 


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bệnh thận - Tiết niệu

    Bệnh tim mạch

      Bệnh cơ-xương-khớp

        Bệnh nội tiết-chuyển hóa

          Bệnh tiêu hóa

            Bệnh phổi - phế quản

              Bệnh Thần kinh - Tâm thần

                Bệnh truyền nhiễm

                  Bệnh nhi khoa

                    Cận lâm sàng

                      Bệnh khác

                        Thuốc

                          Vật lý trị liệu

                            Phục hồi chức năng

                              Tư vấn và Chia sẻ thông tin

                                Sách đã xuất bản của Hà Hoàng Kiệm

                                  Bài báo khoa học

                                    SÁCH CỦA TÔI