Các marker chẩn đoán và theo dõi chu chuyển xương

Cập nhật: 17/04/2014 Lượt xem: 7310

PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm BV 103, Học viện Quân y

1. Các marker chu chuyển xương thường được sử dụng hiện nay
1.1. Markers tạo xương

1.1.1. Sản phẩm phụ của sự tổng hợp collagen
+ Procollagen typ 1 C – Terminal
+ propeptid huyết thanh (PICP)
+ Procollagen typs 1 N – terminal
+ propeptid huyết thanh (PINP)

1.1.2. Protein mạng lưới xương
+ Osteocalcin huyết thanh

1.1.3. Enzyme tế bào tạo xương
+ Tổng lượng phosphataze kiềm huyết thanh
+ Phosphataze kiềm đặc hiệu của xương trong huyết thanh.

1.2. Markers hủy xương
1.2.1. Sản phẩm thoái giáng của collagen

+ Hydroxyproline niệu
+ Pyridinoline niệu và huyết thanh
+ Deoxypyridinoline niệu và huyết thanh

1.2.2. Đoạn nối telopeptid của typ I collagen
+ Đoạn nối telopeptid có đầu tận N niệu và huyết thanh
+ Đoạn nối telopeptid có đầu tận C niệu và huyết thanh (CTX: C-Telopeptid)
+ Đoạn nối telopeptid có đầu tận C được sản xuất từ mạng lưới metalloproteinases huyết thanh (CTX - MMP)
+ Enzyme tế bào hủy xương
+ Tartrate-resitant acid phosphatase huyết thanh
+ Cathepsin K huyết thanh.

2. Hai marker thường được áp dụng
2.1. Osteocancin

2.1.1. Nguồn gốc và chức năng
Osteocalcin còn được gọi là bone gamma-carboxyglutamic acid-containing protein (BGLAP), là protein không collagen ở xương và răng. Ở người osteocancin được mã hóa bởi gen BGLAP.

Hình 1. Cấu trúc phân tử của osteocancin

Osteocancin chỉ được tế bào tạo xương osteoblast là tế bào duy nhất bài tiết có vai trò điều hòa chuyển hóa khoáng của cơ thể, nó có vai trò làm lắng đọng chất khoáng trong xương. Osteocancin hoạt động như một hormone trong cơ thể, nó kích thích tế bào beta tụy đảo giải phóng insulin, đồng thời kích thích tế bào mỡ giải phóng hormone adiponectin là chất làm tăng nhậy cảm với insulin.


Các nghiên cứu gần đây gợi ý osteocancin có vai trò làm tăng khả năng sinh sản ở đàn ông. Các nghiên cứu từ đại học y Columbia gợi ý osteocancin làm tăng tổng hợp testosterone. Mặc dù các nghiên cứu này mới chỉ là các nghiên cứu ban đầu và đơn trung tâm, nhưng hai nhóm nghiên cứu khác độc lập cũng gợi ý vai trò của osteocancin kích thích giải phóng insulin.

2.1.2. Vai trò lâm sàng
Osteocancin được tế bào tạo xương tiết ra, do đó nó được dùng như một marker đánh giá quá trình tạo xương. Tăng nồng độ osteocancin huyết thanh có tương quan thuận chặt với tăng mật độ khoáng xương (BMD: bone mineral density) ở những bệnh nhân loãng xương được điều trị bằng các thuốc tăng tạo xương như là alendronate (Fosamax). Trong nhiều nghiên cứu, osteocancin được sử dụng làm một marker để theo dõi hiệu quả của thuốc lên qúa trình tạo xương khi điều trị loãng xương và nồng độ osteocancin huyết thanh được dùng như thước đo hoạt động của tế bào tạo xương osteoblast.

2.1.3 Nồng độ bình thường trong huyết thanh
Kết quả xét nghiệm phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi, giới, tiền sử bệnh tật, phương pháp xét nghiệm và nhiều yếu tố khác. Các giá trị bình thường được nêu bên dưới mang tính tham khảo, nếu kết quả xét nghiệm khác với số liệu bên dưới không có nghĩa là có bệnh mà phải kết hợp xem xét nó trong tổng thể chu chuyển xương, chẳng hạn osteocancin thấp kết hợp với mật độ xương thấp nói lên hoạt động của tạo cốt bào suy giảm hay quá trình tạo xương giảm, hoặc phải xem xét nồng độ của nó biến thiên theo hướng tăng hay giảm theo thời gian.
- Đàn ông trưởng thành: 3-13 nanograms/mL (3-13 micrograms/L)
- Phụ nữ trưởng thành chưa mãn kinh: 0.4-8.2 nanograms/mL (0.4-8.2 micrograms/L)
- Phụ nữ sau mãn kinh: 1.5-11 nanograms/mL (1.5-11 micrograms/L)
- Trẻ em 2 tới 17 tuổi: 2.8-41 nanograms/mL (2.8-41 micrograms/L)
- Trẻ em dưới 2 tuổi: 20-40 nanograms/L (20-40 micrograms/L)
Ở đàn ông trưởng thành, kết quả xét nghiệm thay đổi trong ngày từ 5-10 nanograms/mL, nồng độ đạt đỉnh vào buổi trưa và thấp nhất vào cuối buổi chiều. Không có các hằng số chuẩn về nồng độ osteocancin huyết thanh ở người bình thường vì các phương pháp xét nghiệm khác nhau sẽ định lượng các đoạn phân tử osteocancin khác nhau, và có tới 4 đoạn phân tử osteocancin khác nhau.

2.1.4. Những yếu tố ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm
+ Kết quả tăng ở:
- Tuổi đang lớn (tăng khoảng 40-80ng/ml)
- Suy thận mạn
- Cường chức năng tuyến giáp
+ Kết quả giảm ở:
- Người có thai
- Bệnh nhân sơ gan

2.2. C-telopeptide (CTX)
2.2.1. Nguồn gốc và chức năng

Collagen typ I là thành phần cơ bản của xương, nó quyết định khung xương và độ vững chắc của xương, nơi mà các chất khoáng lắng đọng để tạo nên độ cứng của xương. Collagen typ I có các đoạn nối telopeptid tận cùng khác nhau như đoạn có đầu tận N, đoạn có đầu tận C, đoạn có đầu tận C được sản xuất từ mạng lưới metalloproteinase. Khi collagen typ I bị phân hủy sẽ giải phóng ra các đoạn nối telopeptid. Trong cuộc sống xương luôn luôn có quá trình hủy xương và tạo xương mới thay thế, quá trình này được duy trì cân bằng để đảm bảo cho xương luôn được đổi mới nhưng vẫn duy trì được độ bền, và sức mạnh ổn định. Định lượng nồng độ các telopeptid trong huyết thanh được coi là marker đánh giá và theo dõi mức độ hủy xương. Xét nghiệm C-telopeptid (CTX) trong huyết thanh là xét nghiệm định lượng nồng độ C-telopeptid của collagen typ I. Xét nghiệm không cần phải lấy máu lúc đói.

2.2.2. Giá trị bình thường
+ Dưới 18 years: chưa được xác định
+ 18-30 tuổi: 155-873 pg/mL
+ 31-50 tuổi: 93-630 pg/mL
+ 51-70 tuổi: 35-836 pg/mL
+ Trên 70 tuổi: chưa được xác định
Giá trị bình thường trên cũng mang tính tham khảo.


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bệnh thận - Tiết niệu

    Bệnh tim mạch

      Bệnh cơ-xương-khớp

        Bệnh nội tiết-chuyển hóa

          Bệnh tiêu hóa

            Bệnh phổi - phế quản

              Bệnh Thần kinh - Tâm thần

                Bệnh truyền nhiễm

                  Bệnh nhi khoa

                    Cận lâm sàng

                      Bệnh khác

                        Thuốc

                          Vật lý trị liệu

                            Phục hồi chức năng

                              Tư vấn và Chia sẻ thông tin

                                Sách đã xuất bản của Hà Hoàng Kiệm

                                  Bài báo khoa học

                                    SÁCH CỦA TÔI