Ký sự phượt xuyên Việt - Episode 5 (Dốc Lết Vân Phong Khánh Hòa – Mũi Né Phan Thiết)

Cập nhật: 03/04/2020 Lượt xem: 2983

Ký sự phượt xuyên Việt                             

Episode 5 - Ngày thứ năm (Dốc Lết Vân Phong Khánh Hòa – Mũi Né Phan Thiết)

Google Map đã  tự động ghi lại lịch trình trong ngày của chúng tôi

Ngày thứ năm của chuyến hành trình là chủ nhật, ngày 5 tháng 1 năm 2020. Từ khách sạn Light Hotel, đường Hà Huy Tập, bãi biển Dốc Lết, Ninh Hải, Ninh Hòa, đặc khu kinh tế Vân Phong, Khánh Hòa, chúng tôi có một cung đường ven biển tuyệt đẹp để vào Mũi Né, Phan Thiết. Có những cung đường chúng tôi đi chậm đến mức cô bé Google tưởng chúng tôi đi bộ, có chỗ cô lại tưởng chúng tôi đi xe máy nên cô ghi lại như sau: Đi auto 290km với thời gian18 giờ 0 phút, đi bộ 4,0km với thời gian 46 phút, đi xe máy 17,9km với thời gian 33 phút. Như vậy tổng quãng đường chúng tôi di chuyển trong ngày là 311,9km với thời gian là 19 giờ 19 phút.

Sáu giờ sáng, mặt trời chưa nhô lên mặt biển, chúng tôi đã dậy và chân trần đi bộ dọc theo bãi biển, bãi biển vẫn còn hoang sơ chưa có khách du lịch mà chỉ có dân địa phương, xuống cuối bãi thì chúng tôi lên khu dân cư bên bờ. Ở đây vẫn là khu dân cư tự phát chưa có đường ven biển. Nhà dân còn rất nghèo, mỗi nhà chỉ vài chục mét vuông lợp tôn đơn giản. Có một chợ nhỏ của khu dân cư với vài hàng ăn kiểu nông thôn như nồi tráng bánh cuốn, bánh bột lọc. Chúng tôi chọn một quán bán thứ bánh là lạ để ăn sáng. Chúng tôi đi xuyên qua khu làng sang phía bên kia đồi và đi gần mép một khu đầm cạn, trước đây là các ruộng muối nay để không, qua một nhà thờ công giáo đến một khu đất khác. Ở đây các bãi đất đã được xây tường ngăn thành các lô to nhỏ khác nhau. Nói chuyện với một người dân ở đây chị cho biết, ngay tháng trước, việc mua bán đất ở đây diễn ra sôi sùng sục, người và xe ở đâu kéo đến ùn ùn suốt cả vài tháng như đi chợ. Mảnh đất này đã được chuyển qua 4 chủ rồi. Hiện tại thì khu kinh tế đang được tạm dừng để xin điều chỉnh quy hoạch, thế là đám đông mua bán đất lại tan như bọt biển, không còn thấy ai nữa. Trở về khách sạn thì đã 9 giờ sáng, thu dọn đồ đạc và tiếp tục lên đường.

Chúng tôi chạy dọc đường Trần Phú thành phố Nha Trang để theo con đường ven biển tới Cam Ranh. Chúng tôi không dừng lại Nha trang vì đây là nơi vài năm chúng tôi lại trở lại một lần, mảnh đất này đã quá quen thuộc với chúng tôi mà cũng là nơi tôi lưu giữa nhiều kỷ niệm nhất thời trai trẻ.

Đó là tháng 4 năm 1975, đội điều trị 14 của chúng tôi đang đóng trên một sườn núi của dãy Trường sơn, chúng tôi cũng chẳng biết nơi ấy thuộc tỉnh Quảng Ngãi hay Phú Yên thì được lệnh thu dọn toàn bộ đồ đạc rời khỏi doanh trại, chỉ để lại một số y tá, y sĩ và vài người trong tổ hậu cần đủ chăm sóc số thương binh còn lại. Hôm rời đi, các anh chị ở lại không ai bảo ai tự đứng thành hàng dọc trên đường ôm tiễn biệt chúng tôi. Chúng tôi chất tất cả đồ đạc lên những chiếc xe tải, đó là những chiếc xe GAT Liên Xô cũ kỹ do Quân khu điều đến, rồi ngồi lên trên và xe chạy trên các đoạn đường núi. Gọi là đường cho sang chứ thực ra là các lối mòn được san cho bớt dốc, chênh vênh trên sườn núi giấu mình dưới tán rừng già. Chúng tôi cũng chẳng biết mình đi đâu, bộ đội mà mọi thứ đều bí mật, lệnh là đi. Xe chạy mãi chúng tôi bị lắc bên này, lắc bên kia nếu không bám vào thành xe chắc bị hất tung xuống đất. Nhưng sao chỉ thấy xuống dốc, đến ngày thứ hai thì ra khỏi rừng xuống tới vùng địa hình tương đối bằng phẳng, đến chiều thì thấy nhà dân hai bên đường và rồi xe chạy trên con đường nhựa phẳng lỳ êm như ru, người ta bảo đấy là đường số 1. Buổi tối xe chúng tôi dừng lại bên đoạn đường vắng nhà dân và được lệnh xuống nghỉ tối. Ở đây hai bên đường chỉ là các bãi đất trống, cát và các bụi cây lúp xúp, không có cây cho chúng tôi mắc võng như trên rừng. Mỗi tiểu đội chọn một chỗ tương đối bằng phẳng trải những tấm vải vốn làm chăn xuống để nằm rồi cắt cử nhau bồng súng đứng gác. Nhìn lại mấy chiếc xe tải bị phủ kín bụi đỏ, phía cuối xe là những chiếc lồng chứa những con gà mà chúng tôi đang nuôi cũng phải mang theo, chúng cũng bám đầy bụi đất, đang dừng bên vệ đường. Nhóm lính nhà bếp dỡ soong nồi lỉnh kỉnh đỏ au bụi đất xuống để nấu cơm tối. Lúc này chúng tôi mới biết quân ta đã thần tốc giải phóng đến Xuân Lộc, Đồng Nai và đang bao vây Sài Gòn.

Chúng tôi đang dừng chân trên bãi biển Sa Huỳnh, Quảng Ngãi, nơi mà chỉ mới vài ngày trước vẫn là đất của Việt Nam cộng hòa. Sáng sớm tinh mơ, khác với trên rừng trời đã khá sáng, mấy cậu lính chúng tôi lúc đó mới chỉ 21 - 22 tuổi dắt nhau băng qua bãi cát tới bờ biển, nơi những người dân chài vừa cập thuyền đánh cá đêm. Chúng tôi mua một con cá bằng tiền Sài Gòn hồi đó, cũng chẳng biết tên là cá gì rất to và dài, có lẽ lần đầu tiên được nhìn thấy những con cá biển lớn như vậy. Ba chú lính khệ nệ khiêng về cho nhà bếp nấu thì gặp một bà má. Má hỏi các chú mua con cá này bao nhiêu tiền? dạ, 800 ngàn ạ. Má kéo tay chúng tôi lôi đi và nói: đi theo má và chỉ cho má ai bán con cá này cho các chú. Chúng tôi theo má quay lại bãi biển, má mắng người phụ nữ đã bán con cá này cho chúng tôi: Tại sao lại bán đắt cho bộ đội giải phóng vậy, con cá này chỉ 500 ngàn, trả lại cho các chú 300 ngàn. Đây là vùng vừa mới được giải phóng 3 hoặc 4 ngày gì đó nên người dân còn rất sợ bộ đội giải phóng mà từ trước tới nay vẫn được chính quyền gọi là Cộng Sản và lính Mỹ thì gọi là Vi-Ci (Việt Cộng). Bà má vừa giúp chúng tôi lấy lại 300 ngàn có lẽ là cơ sở của quân giải phóng.

Bãi biển Sa Huỳnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Cái bãi cỏ bên bờ biển sát cạnh đường quốc lộ 1 nơi chúng tôi nghỉ đêm 4.1975 nay đã mọc lên nhiều hàng quán bên đường

Ăn sáng xong chúng tôi lại chèo lên những chiếc xe tải đỏ au bụi đất tiếp tục chạy dọc đường số 1 vào phía nam. Lần đầu tiên được đi trên con đường phẳng mà không bị xe lắc bên này lắc bên kia như muốn hất văng xuống vực khiến chúng tôi rất phấn chấn. Ngày hôm sau chúng tôi tiếp quản một bệnh viện của quân đội Sài Gòn bên đường Trần Phú thành phố Nha Trang. Đó là bệnh viện không quân của sân bay Nha Trang thuộc quân lực Việt Nam cộng hòa (hiện nay là Bệnh viện 87). Nha Trang vốn là thành phố du lịch, không phải khu quân sự, ở đây chỉ có sân bay Nha Trang là một sân bay dân sự. Nha Trang chỉ cách Cam Ranh 40km mà Cam Ranh là một khu quân cảng lớn của Mỹ, sau khi quân Mỹ rút là của quân lực Việt Nam cộng hòa. Cả hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, Nha trang không hề có một tiếng súng, có lẽ chiến tranh không có mặt ở đây, thành phố vẫn nguyên vẹn mà không hề bị tàn phá. Trước khi quân giải phóng vào tiếp quản một tuần, chính quyền Việt Nam Cộng hòa ở đây đã tan rã và một tuần đó không có chính quyền cai quản, bọn cướp nổi lên hoành hành và chúng đã đốt cháy chợ Đầm là một khu chợ lớn nhất và đẹp nhất Nha Trang. Bệnh viện không quân chúng tôi tiếp quản có cổng nhìn thẳng ra đường bờ biển sau này gọi là đường Trần Phú, chỉ cách bờ biển khoảng 300m, giáp phia trong là sân bay Nha Trang, khi đó lực lượng không quân của ta cũng chưa kịp tiếp quản, sân bay vẫn không có chủ. Một ngày sau thì đội điều trị 16 cũng tới nhập vào đội điều trị 14 của chúng tôi thành Bệnh viện 15 của Quân khu V. Lúc này quân giải phóng đang bao vây Xuân Lộc, cửa ngõ vào Sài Gòn từ phía Đông Bắc. Vì chúng tôi là lính của Quân Khu V, nên đến đây là hết địa phận của Quân Khu, không tiến vào sâu hơn nữa. Một tháng sau thì Sài Gòn được giải phóng, đó là ngày 30 tháng 4 năm 1975, hôm đó anh em chúng tôi vui mừng như những đứa trẻ chạy dọc bờ biển hô vang giải phóng Sài Gòn rồi.

Đến tháng 10 năm đó tôi được ra Bắc để về Đại học Quân y học. Vì tôi đã là sinh viên đại học năm thứ nhất của Đại học Kinh tế Kế hoạch khóa 14 (nay là Đại học Kinh tế Quốc dân) được gọi nhập ngũ năm 1972 trong đợt động viên sinh viên các trường đại học nhập ngũ, nên theo chế độ tôi không phải dự thi tuyển mà vào thẳng khóa sau. Hồi đó sau khi nhập ngũ, tôi được huấn luyện 3 tháng thì lên đường vào chiến trường. Khi vào tới Quảng Bình, chúng tôi vượt đỉnh Trường Sơn, vượt Dốc 3 thang nổi tiếng, vượt qua Cổng Trời để sang sườn Tây Trường Sơn bên Lào, rồi đi dọc sườn Tây để tránh bị ném bom, qua các tỉnh xa-va-na-khẹt, Tà-ven-ọp, khăm-muộn để vào miền Trung Việt Nam. Dọc đường tôi bị sốt rét nặng và đơn vị gửi tôi vào Bệnh viện 49 của đường 559 trên đất Lào điều trị. Sau 1 tháng hết sốt, tôi cùng anh Thực là y tá của một đơn vị, anh Đỗ là trung đội trưởng của một đơn vị, hai anh đều quê ở Phú Thọ cũng bị sốt rét và điều trị ở đây ra viện. Ba anh em cùng nhau đi theo đường giao liên là những con đường mòn dưới tán rừng già của dãy Trường Sơn tiếp tục đi vào. Mỗi ngày tới một trạm giao liên, dừng lại nghỉ tối rồi hôm sau lại đi tiếp. Dọc đường đôi lần gặp một tốp thương binh đi ngược ra bắc, đây là cơ hội để anh em chúng tôi nhờ các bạn chuyển giúp thư ra Bắc cho gia đình. Khoảng gần 1 tháng như vậy chúng tôi tới một trạm Thu Dung. Đây là một trạm giao liên trên đường Trường sơn có nhiệm vụ thu dung tất cả những quân nhân lạc đơn vị hoặc rời đơn vị để điều trị, về tập trung ở đây để bổ xung cho các đơn vị về lấy quân. Ở trạm Thu dung được hai ngày thì có cán bộ của Đội Điều trị 14 Quân khu V lên nhận ba anh em chúng tôi về. Thế là chúng tôi trở thành lính địa phương quân. Ở đây chúng tôi hoàn toàn không còn cách nào để gửi thư ra Bắc cho bố mẹ. Không nhận được tin gì của tôi nữa, bố mẹ tôi tưởng tôi đã hy sinh. Sau 6 tháng, chúng tôi được chính Đội Điều trị đào tạo thành y tá. Thực ra cả Đội điều trị chỉ có 4 bác sĩ, một là bác sĩ Nguyễn Tấn Bốn đội trưởng, một phó là bác sĩ Nguyễn Văn Chất, đều là người Quảng Nam, và hai bác sĩ trẻ một là bác sĩ Nguyễn Văn Tứ học khóa 1 Đại học Quân y mới ra trường người Hà Tĩnh, được bổ xung vào làm trưởng ban nội, bác sĩ Nguyễn Như Cẩm người Bình định làm trưởng ban ngoại. Mỗi ban có thêm một hai y sĩ và một vài y tá. Đội Điều trị còn có ban dược và ban hậu cần. Đội điều trị có nhiệm vụ phục vụ các chiến dịch trong địa bàn Quân khu, thu dung và điều trị các thương bệnh binh của các đơn vị hoạt động trong địa bàn Quân khu, tổ chức các đội phẫu thuật phục vụ các chiến dịch. Tôi trở thành y tá và làm ở ban nội cho đến khi đơn vị hành quân theo chiến dịch Hồ Chí Minh và vào tiếp quản bệnh viện không quân của quân lực Việt Nam cộng hòa ở Nha Trang, và rồi từ Nha Trang ra học ở Đại học Quân y, sau này là Học viện Quân y. Đã vài lần quay trở lại Nha Trang, tới Bệnh viện 87 tôi còn gặp lại được một số đồng đội cùng trong Đội Điều trị 14 năm xưa đã nghỉ hưu đang ở khu gia đình của bệnh viện ngay phía ngoài cổng viện. Có anh Nhàn y sĩ quê ở Nam Hà, sau này lấy bạn Thảo y tá quê ở Hoài Ân Bình Định cùng ban nội, bạn Hà y tá, bạn Cúc y tá cả hai bạn đều quê ở Quảng Nam cùng ban nội. Phải nói Nha Trang là nơi tôi gắn bó thân thiết và mang nhiều kỷ niệm nhất thời trai trẻ.

Bản đồ hành chính miền Việt Nam

Quãng đường ven biển từ Nha Trang vào Mũi Né, Phan Thiết là quãng đường được ca ngợi là đẹp nhất phía nam. Cung đường này đi qua tỉnh Ninh Thuận có thành phố Phan Rang với các tháp Chàm nổi tiếng, rồi vào Bình Thuận. Mũi Né thuộc thành phố Phan Thiết tỉnh Bình thuận. Con đường một bên là biển với các resort nghỉ dưỡng đẹp đến mê hồn, một bên là đồi núi thoai thoải phủ cỏ xanh rì giống như cung đường trên dãy núi Alps (al - phơ) của Thụy Sĩ. Đằng kia là những cột chong chóng điện gió trên quả đồi ven biển. Chỗ này là cánh đồng nho với những chùm quả trĩu nặng tím ngắt. Chúng tôi dừng lại ven đường, cạnh đó là một ruộng nho mà người chủ đặt một bàn nhỏ dưới một tán cây, bày trên đó là các chai rượu nho, mật nho, nước nho tự chế đựng trong các chai Lavie. Chúng tôi được tự do vào ruộng nho, đi dưới dàn quả chĩu chịt, chọn những chùm nho chín lấy kéo cắt về cân và trả tiền. Chúng tôi mua thêm một chai mật nho để pha nước uống dọc đường.

Trong vườn nho Ninh Thuận

Phan Rang là thành phố tỉnh lỵ của tỉnh Ninh Thuận, một thành phố đẹp bên bờ biển nằm ở trung tâm theo đường biển của tỉnh Ninh Thuận. Tên Phan Rang được phiên âm Việt hóa của Panduranga hoặc Parang. Tên Tháp Chàm được đặt theo cụm tháp Poklong Garai phía bắc thành phố. Vùng đất này từng là kinh đô Panduranga của Vương quốc Chăm Pa cổ xưa. Xin mời các bạn đọc bài “Có một Vương quốc Cham Pa đã từng tồn tại” http://hahoangkiem.com/khoa-hoc/co-mot-vuong-quoc-cham-pa-da-tung-ton-tai-3619.html).

Thị xã Phan Rang được thành lập theo đạo dụ của vua Khải Định ban hành năm 1917. Trước năm 1976, Phan Rang là tỉnh lỵ của tỉnh Ninh Thuận. Từ năm 1976 đến năm 1991, khi tỉnh Ninh Thuận hợp nhất với tỉnh Bình Thuận kể cả tỉnh Bình Tuy của Việt Nam Cộng hòa thành tỉnh Thuận Hải thì thị xã Phan Rang không còn là tỉnh lỵ. Đến 1977, thị xã Phan Rang giải thể. Năm 1981, thị xã Phan Rang được tái lập với tên mới là thị xã Phan Rang - Tháp Chàm. Năm 1992, tỉnh Ninh Thuận được tái lập, thị xã Phan Rang - Tháp Chàm trở lại là tỉnh lỵ tỉnh Ninh Thuận.

 

Thành phố Phan Rang – Tháp Chàm.

Trước khi tới bãi biển Cà Ná, tỉnh Ninh Thuận, có một con dốc mà bên phải là núi đá, nổi lên trên nền trời chiều hoàng hôn là một hòn đá có dáng mẹ bồng con rất đẹp, tôi phải dừng xe để ghi lại hình ảnh của địa danh này. Tuy nhiên ảnh ngược sáng không được đẹp lắm.

  

Bãi biển Cà Ná nằm bên đường quốc lộ 1A và đường sắt Thống Nhất, tạo thành một “cung đường biển gọi” với sóng xanh, gió biển, cát trắng và núi đồi, xứng đáng là một trong các bãi biển đẹp nhất của Việt Nam. Chúng tôi dừng lại bên bãi biển Cà Ná, vào một quán ven biển uống nước, đón gió biển và ngắm nhìn bãi biển đẹp đến nao lòng.

 

Bãi biển Cà Ná

Bãi biển Cà Ná nằm tại huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, cách thành phố Phan Rang – Tháp Chàm 32km về phía Nam. Không thể không dừng chân ở đây để thưởng thức cảnh đẹp thiên nhiên hiếm có này. Với tổng chiều dài lên đến 3km, bãi biển Cà Ná được thiên nhiên ban tặng cho một vị trí rất đẹp. Đây là xứ sở của nắng, gió, cát trắng, biển xanh và núi đồi hoang dã. Nước biển trong xanh với những bãi cát trải dài quanh co uốn lượn khiến cho phong cảnh Cà Ná đẹp đến mê hồn. Nước biển Cà Ná xanh thẳm, có độ mặn cao hơn các vùng khác từ 3 - 4 độ. Muối Cà Ná nổi tiếng cả nước với hạt muối to mặn và trong suốt như một tinh thể lớn.

Từ quốc lộ 1, chúng tôi rẽ vào đường tỉnh 719 để tới ngọn Hải đăng Kê Gà còn gọi là Khe Gà ở mũi Kê Gà, thuộc xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Đây là một ngọn hải đăng định hướng cho tàu thuyền giao thông trong khu vực, và đã được trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác nhận là ngọn hải đăng cao nhất và cổ xưa nhất Việt Nam. Sở dĩ có tên gọi Khe Gà hay còn gọi là Kê Gà vì mũi đất có khe giống đầu mỏ của một con gà. Một lý giải khác: Đây là một phần đất tách rời từ núi Cẩm Kê mà trong sách Đại Nam nhất thống trí ghi là Kê Dữ, tức "Đảo Gà", là vì nơi đây có đàn gà rừng với màu lông sặc sỡ sống bên khe suối có dòng nước ngọt chảy ra biển. Trong văn bản hành chính thường viết là Kê Gà, nhưng có ý kiến cho rằng, viết đúng phải là Khe Gà. Hiện nay, hòn đảo Khe Gà và ngọn Hải đăng đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn với mọi người khi đến thăm tỉnh Bình Thuận.

  

Hải đăng Khe Gà còn là một di tích kiến trúc độc đáo. Theo lịch sử hàng hải ở khu vực này, mũi Khe Gà được coi là một vị trí cực kỳ hiểm yếu của vùng biển từ Phan Rang đi Vũng Tàu. Ngay từ các thế kỷ trước đã có rất nhiều thuyền buôn qua lại nơi đây và bị đắm do không xác định được tọa độ, vị trí. Để đáp ứng nhu cầu vận tải của quân đội Pháp cũng như tàu buôn của nước ngoài qua đây, người Pháp đã nghiên cứu và cho xây dựng ngọn hải đăng Khe Gà. Trong thời gian xây dựng hải đăng, có nhiều người thiệt mạng do tai nạn xây cất. Hiện nay, ở đây vẫn còn nghĩa địa nơi yên nghỉ của những người đã chết khi xây dựng công trình này. Bên trong hải đăng có 183 bậc thang xoáy trôn ốc bằng thép dẫn đến đỉnh hải đăng cùng hàng chục bậc tam cấp dẫn lên đến đỉnh đèn. Xung quanh chân Hải đăng có hai hàng hoa sứ dọc theo lối đi do người Pháp trồng từ cuối thế kỷ trước đến nay còn nguyên, toả bóng mát quanh năm. Vật liệu xây cất được đưa từ Pháp sang, kể cả ngọn đèn trên đỉnh và máy phát điện.

 

Ngọn Hải đăng Kê Gà

Bãi đá ở mũi Kê Gà còn được gọi là bãi đá vàng, đá ở đây có màu vàng chồng chất từng tảng lớn xen lẫn màu xanh của những bụi dứa dại làm phong cảnh thật hùng vĩ. Người ta đang tạo dựng gần bãi đá những phòng nghỉ hòa lẫn vào phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp.

Rời Hải Đăng Kê Gà chúng tôi đi tiếp vào tới Mũi Né, chọn một khách sạn để nghỉ tối. Mũi Né là một địa điểm du lịch nổi tiếng với các resort đẹp, bãi cỏ xanh dưới rừng dừa trĩu nặng trái. Ở đây có đồi cát trắng và đồi cát hồng, có dòng suối tiên tuyệt đẹp mà tôi đã có một ký sự ảnh: Suối tiên, Đồi cát (http://hahoangkiem.com/van-hoc/suoi-tien-doi-cat-1588.html).

Mời các bạn xem tiếp Episode 6:

https://hahoangkiem.com/van-hoc/ky-su-phuot-xuyen-viet-episode-6-mui-ne-phan-thiet-thanh-pho-vung-tau-3852.html


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bài về chủ bút

    Tinh hoa nhân loại

      Khoa học

        Văn học

          SÁCH CỦA TÔI