Người bệnh cần lưu ý gì khi sử dụng corticoid để điều trị hội chứng thận hư

Cập nhật: 28/05/2014 Lượt xem: 3745

 

PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm

Bài đã được đăng trên báo Sức khỏe và Đời sống (Bộ Y tế ) số 128 (22-25/10/2005, trang 1 và 14.

 

Thận hư là một hội chứng bệnh lý cầu thận thường gặp, biểu hiện bằng phù to toàn thân, có thể có tràn dịch màng bụng, tràn dịch màng phổi, đái ra nhiều protein (lớn hơn hoặc bằng 3.5g protein trong nước tiểu/24 giờ), protein trong máu giảm dưới 60g/l, albumin trong máu giảm dưới 30g/l, lipid máu tăng. Nếu không được điều trị đúng thì sẽ tiến triển đến suy thận mạn rồi suy thận giai đoạn cuối.

Thuốc điều trị chủ yếu đối với hội chứng thận hư là corticoid (prednisolon). Prednisolon phải được dùng liều cao đủ nồng độ ức chế miễn dịch (đối với người lớn 1-1,5mg/kg thể trọng/24 giờ, trẻ em 2mg/kg thể trọng/24 giờ). Chẳng hạn một người lớn nặng 50kg, nếu dùng liều 1,5mg/kg/24 giờ thì phải uống 75mg prednisolon/ngày (15 viên prednisolon  loại 5mg). Một trẻ nặng 30kg thì phải uống 60mg prednisolon/ngày (12 viên prednisolon loại 5mg). Đây là liều tấn công phải dùng liên tục ít nhất hai tháng, có thể phải 3-4 tháng. Sau đó mới giảm dần xuống liều duy trì bằng một nửa liều tấn công, thời gian duy trì 6 tháng rồi mới giảm dần liều xuống 10mg/ngày trong 12-24 tháng nữa.

Vì phải sử dụng corticoid liều cao và kéo dài như vậy, người bệnh phải hết sức chú ý những điểm sau:

+ Phải uống đủ liều, đủ thời gian theo đơn của bác sĩ. Nếu uống không đủ liều hoặc không đủ thời gian, bệnh sẽ không giảm hoặc dễ tái phát.

+ Cách uống: uống một lần vào khoảng 8 giờ sáng sau khi ăn. Không nên chia thuốc uống làm nhiều lần trọng ngày, vì như vậy sẽ dẫn đến tác dụng phụ là suy tuyến thượng thận mạn.

+ Tuyệt đối không được ngừng thuốc đột ngột, nếu phải ngừng thuốc vì lý do nào đó, cần giảm liều dần trong 2-4 tuần và tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị. Nếu ngừng thuốc đột ngột, nồng độ corticoid trong máu giảm đột ngột do tuyến thượng thận chưa hồi phục tiết corticoid kịp, có thể gây ra triệu chứng suy tuyến thượng thận cấp rất nguy hiểm (bệnh nhân vô lực, mệt, tụt huyết áp, hôn mê, có thể tử vong).

+ Để giảm bớt tác dụng phụ trên đường tiêu hóa cần chú ý uống thuốc sau khi ăn, có thể cần phối hợp thêm các thuốc kháng tiết acid dạ dày. Những người đã có loét dạ dày, hành tá tràng, hoặc có tiền sử chảy máu đường tiêu hóa thì không được dùng thuốc mà phải thay bằng các thuốc ức chế miễn dịch khác.

+ Cần bổ xung thêm calci trong chế độ ăn hoặc dùng thuốc để đề phòng loãng xương, đồng thời người bệnh có hội chứng thận hư thường có giảm calci máu cũng cần bổ xung thêm viên calci.

+ Nếu chưa có suy thận (nồng độ ure và creatinin máu chưa tăng, mức lọc cầu thận còn trên 60ml/ph), cần bổ xung nhiều đạm trong chế độ ăn. Lượng đạm cần ăn trong ngày có thể ước tính như sau: 1g/kg trọng lượng cơ thể + lượng đạm mất qua nước tiểu trong 24 giờ. Chẳng hạn, người bệnh nặng 50kg, đái ra 6g protein/24 giờ, lượng đạm cần cung cấp trong một ngày là 1x50+6=65g (một lạng thịt lợn nạc hoặc thịt bò có 16-20g đạm). Nếu nồng độ protein trong máu quá thấp, cần bổ xung thêm lượng đạm bằng đường truyền tĩnh mạch. Cung cấp đủ các vitamin bằng hoa quả tươi hoặc uống vi tamin. Tăng cường các thực phẩm giàu calci như xương hầm, cua, tôm, giảm natri (muối, mì chính, nước mắm, bột canh) nếu có phù. Những thức ăn mà bệnh nhân bị dị ứng cần tránh.

Thông thường sau khi dùng thuốc liều tấn công 1-2 tháng, sẽ xuất hiện hội chứng Curshing (mặt tròn, ửng đỏ, nhiều trứng cá ở mặt và lưng, da vùng bụng, ngực, đùi xuất hiện các vết rạn như bụng phụ nữ chửa…). Đây là tác dụng phụ khó tránh khỏi khi dùng corticoid liều cao kéo dài, nhưng không nguy hiểm và các triệu chứng trên sẽ giảm dần và hết khi kết thúc điều trị.

Vì thuốc gây ức chế miễn dịch nên bệnh nhân sẽ dễ bị nhiễm khuẩn, khi bị nhiễm khuẩn thì hội chứng thận hư sẽ nặng lên hoặc dễ tái phát. Vì vậy trước khi điều trị bác sĩ cần cho xét nghiệm kiểm tra xem có nhiễm virus viêm gan, hoặc nhiễm lao… không. Cần giữ vệ sinh răng miệng, vệ sinh da, vệ sinh ăn uống và tránh bị nhiễm lạnh. Khi có triệu chứng nhiễm khuẩn, chẳng hạn như viêm họng, viêm amydal, mụn nhọt… cần điều trị sớm và tích cực, tránh dùng các kháng sinh độc với thận.

Cần định kỳ ít nhất một tháng một lần đi khám lại để nhận được lời khuyên của bác sĩ.  Corticoid liều cao và kéo dài, nhất là nhóm methyl prednisolon hay gây ra đái tháo đường do thuốc, cần định kỳ kiểm tra đường máu để phát hiện tác dụng không mong muốn này. Nếu quá trình dùng thuốc, thấy xuất hiện thêm triệu chứng gì, cần gặp bác sĩ ngay để có được các lời khuyên thích hợp. Điều trị hội chứng thận hư là một vấn đề khó khăn, bệnh nhân nên được một bác sĩ chuyên ngành thận điều trị và theo dõi để tránh dẫn đến suy thận mạn.

 


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bệnh thận - Tiết niệu

    Bệnh tim mạch

      Bệnh cơ-xương-khớp

        Bệnh nội tiết-chuyển hóa

          Bệnh tiêu hóa

            Bệnh phổi - phế quản

              Bệnh Thần kinh - Tâm thần

                Bệnh truyền nhiễm

                  Bệnh nhi khoa

                    Cận lâm sàng

                      Bệnh khác

                        Thuốc

                          Vật lý trị liệu

                            Phục hồi chức năng

                              Tư vấn và Chia sẻ thông tin

                                Sách đã xuất bản của Hà Hoàng Kiệm

                                  Bài báo khoa học

                                    SÁCH CỦA TÔI