Kỷ niệm sóng thần (11/3/2011)

Cập nhật: 17/04/2014 Lượt xem: 3315

Hôm nay 11/3/2013 kỷ niệm 2 năm ngày thảm họa kép của trận động đất 9 độ Richter, làm xuất hiện những cơn sóng thần cao 15-40m tràn vào vùng đông bắc Nhật Bản.

14h46 ngày thứ sáu 11/3/2011, một cơn địa chấn
mạnh 9 độ Richter xảy ra ở ngoài khơi bờ biển Nhật Bản


Khung cảnh đổ nát hoang tàn sau khi sóng thần đi qua tại thành phố Otsuchi, tỉnh Iwate. Ảnh: EPA/Asahi Shimbun

Thành phố Natori, tỉnh Iwate, bị sóng thần càn quét. Hậu quả sóng thần để lại tại vùng Đông Bắc của Nhật Bản rất nặng nề, với ước tính chi phí để xây dựng lại như cũ lên tới 10 nghìn tỷ Yên, tương đương khoảng 122 tỷ USD. Ảnh: Kyodo News/AP

Một cô gái sống sót ngồi khóc một mình trong cảnh đổ nát, hoang tàn ở thành phố Natori, tỉnh Miyagi. Cùng với bức ảnh của cô Yuko Sugimoto, tấm hình này cũng trở thành một trong những hình ảnh mang tính biểu tượng trong thảm họa kép Nhật Bản. Ảnh: Asahi Shimbun/EPA


Động đất và sóng thần còn làm hư hại lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima I, dẫn tới thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất thế giới kể từ sau thảm họa Chernobyl hồi năm 1986. Bức ảnh này ghi lại một góc nhà máy bị sóng thần tấn công hôm 11/3. Ảnh: TEPCO/AP


Quả cầu lửa cháy ngùn ngụt tại nhà máy lọc dầu Chiba thuộc tỉnh cùng tên hôm 11/3. Vụ hỏa hoạn này có nguồn gốc từ thiệt hại do động đất gây ra. Ảnh: EPA

Nhớ lại hình ảnh Người dân Nhật bản từ trẻ em đến người già đã chia sẻ, giúp đỡ nhau vượt qua cơn hoạn nạn đó. Tính cộng đồng và nhân văn của người Nhật khiến cả thế giới phải khâm phục. Đến bao giờ người dân Việt mới có được một xã hội như thế.

Tôi nhớ lại cách đây hơn 10 năm, khi đó gia đình tôi đang sống ở căn nhà trên mặt đường Nguyễn Trãi. Căn nhà chỉ nhỏ chưa đầy 25m2, một tầng và một tum, vì cuộc sống còn quá khó khăn chúng tôi dọn lên ở trên tum để tầng dưới cho thuê cửa hàng Bitis. Hôm đó là sáng chủ nhật, nghe tiếng choang ở ngoài đường. Nhìn ra thấy hai chiếc xe máy văng ra trên đường và 6 người, 4 người lớn và 2 trẻ em đang nằm sóng soài trên đường. Người đi đường dừng lại đứng nhìn. 4 người lớn đang cố gượng dậy, hai đứa trẻ một gái khoảng 8 tuổi, một trai khoảng 4 tuổi vẫn nằm trên đường. Tôi chạy ra thấy cháu bé 4 tuổi máu đang chảy xuống mặt và chân trái xước một mảng đang chảy máu. Cháu bé mặt tái xanh, bàng hoàng đến nỗi không khóc nổi nữa. Tôi bế cậu bé vào nhà, kiểm tra kỹ thấy cậu vẫn tỉnh chỉ bị rách da đầu và xây xát cẳng chân. Tôi làm sạch vết thương và băng bó lại cho cháu. Lúc đó hai người một đàn ông một đàn bà tập tễnh đi vào, tôi đoán là bố mẹ cháu. Người đàn bà vẫn còn đau ngồi xuống bên cạnh cháu bé, nhìn tôi với con mắt nghi ngờ. Người đàn ông cứ đi vào rồi lại đi ra nhìn lên cái biển cửa hàng Bitis và nhìn sang bên cạnh là một phòng khám da liễu, ánh mắt có vẻ ngờ vực. Tôi đoán là những người này đang nghĩ tôi là một kẻ cơ hội, nhân tai nạn của họ để định kiếm ít tiền chăng. Đoán thế, tôi nói với họ tôi là bác sĩ, tôi nói để họ yên tâm về cháu bé. Họ có vẻ vội muốn đi ngay, nhưng thấy cháu bé còn đau chưa thể ngồi xe máy được, tôi nói họ cứ để cháu ở đây, khi nào quay về đón cháu cũng được, chần chừ mãi có lẽ cũng không còn cách nào khác, họ đành gửi cháu bé lại. Đến chiều khi quay về thấy cháu tỉnh táo đang chơi cùng cậu con trai của tôi, họ mới kể lại tình cảnh của mình và hỏi tôi cần bao nhiêu tiền. Tôi nói với họ rằng tôi không lấy gì cả, tôi chỉ giúp cháu thôi. Lúc đó họ trở nên vui vẻ và nói thật ý nghĩ của họ rằng ban đầu cũng nghi ngờ tôi tranh thủ vụ tai nạn để kiếm ít tiền và họ thành thật xin lỗi. Lúc đó tôi thấy buồn quá, mãi cho đến bây giờ tôi vẫn chưa quên được ánh mắt nghi ngờ của họ. Cũng có thể hiểu và thông cảm được vì trong một xã hội mà quá nhiều sự lừa lọc, khiến người ta không thể tin vào bất cứ lòng tốt của ai cũng là lẽ thường tình.

Nhìn lại trận sóng thần ở Nhật Bản và một cách sống đầy nhân văn của xã hội Nhật Bản, khiến tôi nhớ lại câu truyện trên và thầm nghĩ đến bao giờ Việt Nam mới có được một xã hội như vậy, hay chí ít người ta cũng có thể tin vào lòng tốt của của những người khác. Sau hơn 10 năm, tình hình có vẻ còn tồi tệ hơn. Người ta dừng xe lại xem tai nạn trên đường một cách vô cảm, một số kẻ còn lợi dụng tai nạn để hôi của, người nhìn thấy thì không dám ngăn cản chờ khi chúng đi rồi mới dám thì thào nói ra. Người tự nguyện giúp đỡ người bị tai nạn thì ngày càng ít dần đi. Tại sao tính cộng đồng của người Việt lại là một biểu đồ đi xuống? Câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ.


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

SÁCH CỦA TÔI