Đi tìm chuyện tình nguyên mẫu của cô du kích trong bài thơ núi đôi

Cập nhật: 16/04/2014 Lượt xem: 4125

Bài thơ Núi Đôi được nhà thơ Vũ Cao sáng tác từ một chuyện tình có thật, bối cảnh có thật. Theo lời tác giả, trong bài thơ duy nhất chỉ có câu “Bảy năm về trước em mười bảy/Anh mới đôi mươi trẻ nhất làng” là chi tiết hư cấu. Người 17 tuổi đã trẻ nhất làng?

Nhà thơ Vũ Cao từng nói, nếu không có chất liệu cuộc sống hàng ngày thì ông không viết được. Ông kể rằng bài thơ được ông viết vào một ngày cuối năm 1956. Hồi đó ông về công tác ở sư đoàn 312, đóng quân ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội), cạnh đó có ngọn núi Đôi.

Một hôm, theo mấy người dân đi chợ, ông nghe họ kể chuyện tình của một cô gái du kích trong làng yêu một anh trai làng, rồi anh đi bộ đội. Khi anh trở về thì cô gái đã hy sinh.


Liệt sỹ Trần Thị Bắc, hình mẫu của nhân vật cô du kích trong bài thơ Núi Đôi.

Vũ Cao liền tìm đến thăm mộ người nữ liệt sỹ đó ở xóm Chùa, thôn Xuân Đoài (còn gọi là Xuân Dục - Đoài Đông), thuộc xã Phù Linh (còn gọi là Lạc Long). Đến tận nơi và nghe người dân kể lại câu chuyện tình giữa anh bộ đội và cô du kích, cảm hứng xuất hiện khiến ông đã chấp bút viết ra bài thơ Núi Đôi...Cả tên làng, tên chợ, tên người và quang cảnh đều hoàn toàn có thật. Mộ cô gái hiện vẫn còn. Chỉ có anh bộ đội là người yêu của cô du kích thì lúc ấy Vũ Cao không gặp được, không rõ còn sống hay đã mất.

Về lý do tại sao ngay trong hai câu thơ đầu, ông lại cho rằng đôi nam nữ, trong đó cô gái 17 tuổi và chàng trai đôi mươi là “trẻ nhất làng”?. Vũ Cao sau này nói rằng, ngay chính ông cũng... không hiểu vì sao ông lại viết như vậy. Ông kể: “Quả thật hồi đó trong làng còn có cả trẻ nhỏ và thanh thiếu niên cùng trang lứa với họ. Có lẽ tôi đã quá cảm động trước chuyện tình đẹp như mơ và cũng đầy tình tiết bi kịch của đôi lứa ấy mà “thậm xưng” lên như vậy. Tuy nhiên, nói trẻ nhất làng thì cũng có khía cạnh không ngoa. Người ta tiếc cho cuộc tình không thành ở lứa tuổi 17, lứa tuổi nhiều sức sống nhất, yêu tha thiết nhất, thế mà giặc Pháp xâm chiếm quê hương, giết cô du kích”.

Sự đồng cảm lạ kỳ giữa nhà thơ – hình mẫu

Hai ngọn núi Đôi bây giờ vẫn còn, người dân ở khu vực xã Phù Linh đều biết câu chuyện trong bài thơ cùng tên ngọn núi, hỏi ai cũng đều có thể nhận được câu trả lời: “Cô ấy chính là người làng này”.

Nhà thơ Vũ Cao (1922 – 2007) quê tại xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định (cùng quê với nhạc sĩ Văn Cao). Ông sinh trong một gia đình nho học và hoạt động văn học khá sớm. Vũ Cao được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001. Ông có hai người em trai đều là nhà văn: Vũ Ngọc Bình và Vũ Tú Nam.

Nhân vật nữ trong bài thơ chính là liệt sỹ Trần Thị Bắc, con gái đầu trong một gia đình có truyền thống yêu nước. Lớn lên trong thời kỳ giặc Pháp xâm lược, năm 15 tuổi Bắc đã tham gia các hoạt động đoàn thể. 17 tuổi cô vào đội du kích với nhiệm vụ làm giao thông liên lạc, tiếp tế cho đội du kích rồi được giao cả ba nhiệm vụ: quân báo, cứu thương và binh vận. Ngày 21/3/1954, dẫn một đoàn cán bộ đi công tác, khi trở về núi Đôi thì Bắc gặp ổ phục kích của địch. Cô giao liên dù bị địch bịt miệng nhưng vẫn kịp thời la lớn để cảnh báo những người trong đoàn cùng đi phía sau, giúp các cán bộ chạy thoát. Tức tối, địch tra hỏi nhưng không khai thác được thông tin gì từ cô du kích gan dạ này. Giặc Pháp xử bắn Bắc ngay tại chỗ. Khi đồng đội tìm đến nơi thì Bắc đã tắt thở. Đồng đội đắp mộ cho cô ở khu vực cầu Cốn, Vệ Sơn, xã Tân Minh.

Người ta cũng xác định được nhân vật “Anh đi bộ đội sao trên mũ" ấy cũng là một người có thật: ông Trịnh Khanh, người cùng xã Phù Linh. Theo lời ông Khanh kể lại, ông và cô Bắc quen nhau trong thời gian Bắc đang học y tá, và đơn vị của ông đóng quân gần đó. Là đồng hương nên có nhiều điều quý mến nhau, giữa đôi trai gái này đã hẹn ước với nhau trước khi cô Bắc học xong khóa y tá rồi quay về Phù Linh. Đầu năm 1953, ông Khanh và cô Bắc gặp lại nhau và hai người quyết định tổ chức đám cưới ngay tại đơn vị của chú rể. Đám cưới tổ chức đơn sơ, đại diện họ nhà trai là đồng đội cùng đơn vị, đại diện họ nhà gái là mẹ của Bắc. Vợ chồng sống với nhau được hai ngày thì chia tay, ông Khanh theo đơn vị chuyển quân đến địa điểm mới, chị Bắc trở về quê nhà Phù Linh. “Tôi không ngờ đó là cuộc chia ly vĩnh viễn", ông Khanh nhớ lại. Ba tháng sau ngày cưới, ông Khanh nhận được tin vợ mình đã hi sinh. Đau đớn nhưng không biết làm sao, ông tiếp tục theo đơn vị bước vào những trận đánh mới.

Xác lô cốt của giặc Pháp trên núi Đôi Sóc Sơn Hà Nội

Khi Hiệp định Genève được ký kết, một buổi chiều cuối năm 1954, người ta nhìn thấy một anh bộ đội vai đeo ba lô bước về, nhưng không vào làng ngay mà ngồi thẫn thờ bên ngôi mộ chi Bắc ven gò Cầu Cốn. Ông Khanh nghẹn ngào “Anh ngước nhìn lên hai dốc núi/ Hàng cây, bờ cỏ, con đường quen/ Nắng lụi bỗng dưng mờ bóng khói/ Núi vẫn đôi mà anh mất em”. “Không hiểu vì sao nhà thơ Vũ Cao lại có thể đồng cảm, hiểu tâm trạng của người trong cuộc đến như thế”, ông Khanh nói. Năm 1975, sau khi đất nước thống nhất, ông Khanh đã tới tìm gặp nhà thơ Vũ Cao, nhà thơ lúc đó mới bàng hoàng: "Thế Bắc có chồng rồi à?".

Theo nhà thơ Vũ Cao, khi mới bắt gặp câu chuyện, ông đã dự định sẽ viết một truyện ngắn về đề tài này chứ không phải là một bài thơ. “Không hiểu vì sao, sau khi đi thực tế, tứ thơ dâng lên và bài thơ ra đời”, ông kể lại. Hàng chục năm sau khi bài thơ ra đời, nhiều bạn đọc còn nhầm tưởng bối cảnh và tình huống trong bài thơ là của chính tác giả. Trong một lần nói chuyện với sinh viên Trường cao đẳng Sư phạm Hà Nội, thậm chí còn có một cô sinh viên nước mắt lưng tròng thầm thì với nhà thơ “Cháu thương bác quá”.

Một nhà thơ từng nói, Vũ Cao là nhà thơ hiền hiếm có. Rằng Vũ Cao nổi tiếng sau kháng chiến chống Pháp với bài thơ Núi Đôi bất tử, Vũ Cao lẽ ra có thể nhân thành công đó để đưa thơ mình lên. Nhưng ông lại cứ như người bộ hành chậm rãi, nhường đường cho người khác, cho các nhà thơ khác. Vũ Cao nói, ông làm thơ, mục đích cũng chỉ là để phục vụ bộ đội mà thôi.
Theo Xa lộ pháp luật

Núi đôi
Thơ Vũ Cao

Bảy năm về trước, em mười bảy
Anh mới đôi mươi, trẻ nhất làng
Xuân Dục, Đoài Đông hai cánh lúa
Bữa thì em tới, bữa anh sang

Lối ta đi giữa hai sườn núi
Đôi ngọn nên làng gọi núi Đôi
Em vẫn đùa anh: sao khéo thế
Núi chồng núi vợ đứng song đôi!

Bỗng cuối mùa chiêm quân giặc tới
Ngôi chùa cháy đỏ những thân cau
Mới ngỏ lời thôi, đành lỗi hẹn
Đâu ngờ từ đó bặt tin nhau.

Anh vào bộ đội, lên Đông Bắc
Chiến đấu quên mình năm lại năm
Mấy bận dân công về lại hỏi
Ai người Xuân Dục, núi Đôi chăng ?

Anh nghĩ, quê ta giặc chiếm rồi
Trăm nghìn căm uất bao giờ nguôi
Mỗi tin súng nổ vành đai địch
Sương trắng người đi lại nhớ người.

Đồng đội có nhau thường nhắc nhở
Trung du làng nước vẫn chờ trông
Núi Đôi bốt dựng kề ba xóm
Em vẫn đi về những bến sông ?

Náo nức bao nhiêu ngày trở lại
Lệnh trên ngừng bắn, anh về xuôi
Hành quân qua tắt đường sang huyện
Anh ghé thăm nhà, thăm núi Đôi.

Mới tới đầu ao, tin sét đánh
Giặt giết em rồi, dưới gốc thông
Giữa đêm bộ đội vây đồn Thửa
Em sống trung thành, chết thủy chung!

Anh ngước nhìn lên hai dốc núi
Hàng thông bờ có con đường quen.
Nắng lụi bỗng dưng mờ bóng khói
Núi vẫn đôi mà anh mất em!

Dân chợ Phù Linh ai cũng bảo:
Em còn trẻ lắm, nhất làng trong;
Mấy năm cô ấy làm du kích
Không hiểu vì sao chẳng lấy chồng ?

Từ núi qua thôn, dường nghẽn lối
Xuân Dục, Đoài Đông cỏ ngút đầy
Sân biến thành ao, nhà đổ cháy
Ngổn ngang bờ bụi cánh dơi bay

Cha mẹ đưa nhau về nhận đất
Tóc bạc thương từ mỗi gốc cau
Nứa gianh nửa mái lều che tạm
Sương nắng khuây dần chuyện xót đau.

Anh nghe có tiếng người qua chợ:
Ta gắng: mùa sau lúa sẽ nhiều
Ruộng thấm mồ hôi từng nhát cuốc
Làng ta rồi đẹp biết bao nhiêu!

Nhưng núi còn kia, anh vẫn nhớ.
Oán thù còn đó, anh còn đây
Ở đâu cô gái làng Xuân Dục
Đã chết vì dân giữa đất này!

Ai viết tên em thành liệt sĩ
Bên những hàng bia trắng giữa đồng
Nhớ nhau anh gọi em:đồng chí
Một tấm lòng trong vạn tấm lòng.

Anh đi bộ đội sao trên mũ
Mãi mãi là sao sáng dẫn đường
Em sẽ là hoa trên đỉnh núi
Bốn mùa thơm mãi cánh hoa thơm.


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Thơ của chủ bút

    Thơ sưu tầm

      SÁCH CỦA TÔI