Con về Pác Bó
Con về Pác Bó một chiều thu
Núi Mác, suối Lê, Khuổi Nậm u
Như bước chân Người còn in dấu
“Cháo bẹ, canh măng” dựng cơ đồ
Bếp lửa còn đây hang Cốc Bó
Đầu nguồn bàn đá vẫn còn đây
Con lặng ngắm nhìn ngôi lán nhỏ
Non sông có được tự nơi này
HHK 7.10.2020
Ghi chú:
Pác Bó là tên một bản người tày thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, nằm cách thành phố Cao Bằng 55 km về phía tây bắc. "Pác Bó" theo tiếng của người Tày có nghĩa là "đầu nguồn nước", nơi đây là đầu nguồn con suối Giàng được Bác đặt tên là suối Lê - Nin. Suối Lê - nin chảy ra từ một khe lớn, dưới chân ngọn núi cao. Hai bên suối là rừng nghiến với núi đá cao sừng sững. Nước chảy ra trong vắt nhìn thấy từng con cá, viên đá, hòn sỏi dưới đáy. Suối Lê Nin trước đây được người dân gọi là suối Giàng. Giàng là trời, bởi dân gian cho rằng, xưa suối Giàng có các nàng tiên xuống hát ca, thả cá, ăn trái đào trên núi. Có hơi ấm, tiếng cười của các nàng tiên nên suối mùa đông luôn ấm, mùa hè nước mát, đàn cá tung tăng bơi lội, quanh năm nước xanh trong vắt.
Pác Bó nằm giáp biên giới với Trung Quốc và có cột mốc số 108, nơi Bác Hồ đặt bước chân đầu tiên khi về trở về tổ quốc Việt Nam ngày 28 - 1 - 1941 (đúng mùng 2 tết nguyên đán năm Tân Tỵ) để trực tiếp lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam sau hơn 30 năm đi tìm con đường cứu nước. Sau khi về nước, Bác đã sống ở nhà ông Lý Quốc Súng sau đó chuyển vào hang Cốc Bó, Bác rời về ở trong hang là 8-2-1941, tức đúng 12 ngày sau ngày về nước, người chọn nơi này vì giáp với Trung Quốc nên có thể chạy sang Trung Quốc khi bị quân Pháp truy bắt.
Theo tiếng dân tộc tày: khuổi là khe, nậm là nước. Khuổi nậm là khe nước chảy ra từ núi, nơi có lán Khuổi Nậm mà Bác Hồ đã sống và làm việc những năm đầu về nước. Nước khe Khuổi Nậm chảy vào suối Lê Nin. Cốc là đầu nguồn, bó là hang. Cốc Bó là hang ở gần đầu nguồn nước. Đây là hang ở đầu nguồn nước của con suối Giàng về sau được Bác đặt tên là suối Lê Nin. “Cháo bẹ, canh măng” là câu trích trong bài thơ "Tức cảnh Pác Bó" của Bác: “Sáng ra bờ suối, tối vào hang; Cháo bẹ, canh măng vẫn sẵn sàng; Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng; cuộc đời cách mạng thế mà sang”. Bàn đá, nơi bác ngồi làm việc được kê giữa một khe nước chảy ra từ núi để đổ vào suối Lê Nin. Lán Khuổi Nậm, nơi Bác đã ở và làm việc được dựng ở đầu nguồn một khe nước chảy ra suối Lê Nin. Từ ngày 10 đến 19-5-1941, tại lán Khuổi Nậm, Hội nghị T.Ư 8 được triệu tập, dưới sự chủ trì của Bác, đã quyết định nhiều vấn đề trọng đại, như thành lập tổ chức Việt Minh. Chỉ hơn bốn năm sau, ngày 2-9-1945, sơn hà của Tổ quốc đã được thu về một mối, từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau. Bác trở thành vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Và mùa Xuân độc lập đầu tiên, Xuân Bính Tuất năm 1946 đã trở về trên toàn cõi đất nước ta.
Hang Pác Bó, giường Bác Hồ nằm trong hang Pác Bó, Bếp lửa của bác trong hang Pác Bó
Bàn đá nơi Bác ngồi làm việc ở đầu nguồn suối Lê Nin, Lán Khuổi Nậm, suối Lê Nin núi Các Mác