Phục hồi chức năng ngôn ngữ

Cập nhật: 27/04/2014 Lượt xem: 56879

PHỤC HỒI CHỨC NĂNG NGÔN NGỮ

PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm, BV 103

1. ĐẠI CƯƠNG

1.1. Khái niệm về giao tiếp

          Giao tiếp là quá trình trao đổi thông tin, tình cảm giữa hai hay nhiều người bằng các hình thức khác nhau của ngôn ngữ.

          Quá trình giao tiếp có tính hai chiều, chiều truyền thông tin và chiều nhận thông tin giữa các đối tượng giao tiếp.

          Các hình thức giao tiếp gồm ngôn ngữ có lời nói và ngôn ngữ không lời nói. Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp được chuyển từ tư duy sang các tín hiệu giao tiếp và ngược lại.

Hình 1. Sơ đồ phương tiện giao tiếp

(NNKH: ngôn ngữ ký hiệu; KH: ký hiệu; NN: ngôn ngữ)

1.2. Các cơ quan tham gia chức năng giao tiếp

1.2.1. Cơ quan thính giác

+ Cấu trúc giải phẫu cơ quan thính giác là tai. Cấu trúc của tai bao gồm:

- Tai ngoài: Vành tai để hứng âm thanh, ống tai ngoài để thu nhận sóng âm.

- Tai giữa: Gồm màng nhĩ; hệ thống xương con gồm xương búa, xương đe, xương bàn đạp có chức năng dẫn truyền và khuyếch đại xung động âm thanh; hòm nhĩ; cửa sổ bầu dục.

- Tai trong: ống ốc tai và các vành bán khuyên.

Hình 2. Giải phẫu của tai

+ Chức năng của tai:

          Tai là cơ quan tiếp nhận âm thanh (tai ngoài và tai giữa), biến các xung động âm thành thành xung động thần kinh (tai trong) để dẫn truyền lên não.

          Các dao động âm thanh truyền tới màng nhĩ, làm rung động màng nhĩ, các rung động này được hệ thống dẫn truyền cơ học ở tai giữa khuyếch  đại và dẫn truyền tới cửa sổ bầu dục. Các xung động cơ học này làm rung động dịch trong ống ốc tai, các rung động này được các tế bào nhận cảm ốc tai (cơ quan corti) chuyển thành các xung động thần kinh và được dẫn truyền lên vùng Wernicke ở hồi trên của thùy thái dương.

          Vùng Wernicke giải mã các tín hiệu nhận được, giúp cho chúng ta hiểu được lời nói. Nghe và nói là hai quá trình gắn bó mật thiết với nhau. Nhờ có nghe được mà trẻ học nói được, một trẻ điếc bẩm sinh sẽ không nói được.

         Ngưỡng nghe là giới hạn tần số âm thanh mà tai người nghe được. Tai người nghe được dải tần số âm thanh 16Hz - 20 000Hz (Hertz). Cường độ âm thanh tai người nghe được khoảng từ 0 đến 125 dB (Decibel). Dưới 15 dB thì nghe rất khó còn trên 105 dB thì tai sẽ bị đau đớn và trên 115 dB trong khoảng thời gian dài thì sẽ bị điếc vĩnh viễn. Ngưỡng nghe là cường độ âm thanh nhỏ nhất mà tai người nghe được. Nếu ngưỡng nghe của một người trên 20dB được coi là bắt đầu bị điếc. Nghe kém hay còn gọi là giảm thính lực khi ngưỡng nghe của một người cao hơn so với bình thường.

          Phân loại mức độ điếc dựa vào ngưỡng nghe:

          25– 40 dB: Điếc nhẹ

          40 – 60 dB: Điếc vừa

          60 - 80 dB: Điếc nặng

          > 80dB: Điếc hoàn toàn

Hình 3. Thước đo cường độ âm thanh (Decibel) và mức cường độ âm tương ứng trong đời sống

          Điếc có thể do tổn thương của cơ quan dẫn truyền âm (điếc dẫn truyền), có thể do tổn thương của cơ quan tiếp nhận âm (điếc tiếp nhận).

1.2.2. Vùng não thực hiện chức năng ngôn ngữ

+ Vùng Wernicke nằm ở hồi trên của thùy thái dương, thường ở bên bán cầu não chiếm ưu thế (người thuận tay phải thì bán cầu não chiếm ưu thế ở bên trái, người thuận tay trái thì bán cầu não chiếm ưu thế ở bên phải). Vùng Wernicke có chức năng phân tích tín hiệu âm thanh nhận được, giúp chúng ta hiểu được lời nói, nên còn gọi là vùng hiểu lời. Khi tổn thương vùng Wernicke, chẳng hạn do tai biến mạch máu não), bệnh nhân nghe được người khác nói nhưng không hiểu được họ nói gì.

Hình 4. Vùng nhận cảm, phân tích âm thanh (Wirnicke) và vùng ngôn ngữ vận động (Broca) của não

+ Vùng Broca nằm ở hồi trán lên, phía trước rãnh Rolando. Vùng Broca có chức năng tạo tín hiệu ngôn ngữ, còn được gọi là vùng ngôn ngữ vận động. Nếu vùng Broca bị tổn thượng, bệnh nhân sẽ mất khả năng nói mặc dù khi nghe người khác nói vẫn hiểu được, nhưng khó khăn trong việc diễn đạt ý của mình muốn nói.

+ Hệ viền có chức năng lưu giữ trí nhớ.

1.2.3. Cơ quan phát âm

+ Thanh quản và dây thanh:

          Thanh quản nằm giữa họng ở phía trên và khí quản ở phía dưới. Thanh quản có cấu trúc hình nón. Thanh quản được nối với họng và khí quản bằng các cơ và dây chằng. Phía trên có nắp thanh quản hình lá có tác dụng điều hòa dòng khí qua thanh quản để tạo cường độ âm và âm sắc cho giọng nói. Dưới nắp thanh quản là hai dây thanh được tạo thành từ cơ giáp-phễu, phía trên có lớp niêm mạc phủ.

          Dây thanh được cấu tạo từ nhiều bó sợi. Tùy theo tần số âm mà toàn bộ hay một phần bó sợi rung động. Độ dài hay ngắn của dây thanh cũng thay đổi được để thay đổi âm sắc của giọng nói. Chiều dài của dây thanh ở nam trưởng thành khoảng 17mm, ở nữ trưởng thành khoảng 12mm. Dây thanh càng dài, giọng nói càng trầm, dây thanh càng ngắn giọng nói càng cao. Thần kinh chi phối thanh quản và dây thanh là đám rối họng tạo thành từ dây thần kinh thiệt hầu và dây thần kinh phế vị quặt ngược.

Hình 5. Thanh quản người

+ Các cơ quan tham gia tạo âm thanh:

         Để tạo ra âm thanh cần có sự tham gia phối hợp hoạt động của môi, lưỡi, vòm họng, các mô mềm trong khoang họng như lưỡi gà…

          Lưỡi là cơ quan quan trọng tham gia vào phát âm. Lưỡi được cấu tạo bởi các cơ như cơ cằm-lưỡi, cơ lưỡi-lưỡi, cơ trâm-lưỡi, cơ vòm lưỡi, và các cơ trong lưỡi như cơ ngang, cơ thẳng đứng, cơ dọc trên, cơ dọc dưới. Thần kinh chi phối cảm giác của lưỡi là dây thần kinh số VII và dây thiệt hầu. Thần kinh chi phối vận động của lưỡi là dây thần kinh dưới lưỡi. Khi phát âm, kích thước lưỡi thay đổi, làm thay đổi thể tích khoang miệng, dẫn đến thay đổi độ cộng hưởng của âm. Đặc biệt, lưỡi ảnh hưởng đến phát âm các nguyên âm.

          Môi có vai trò làm thay đổi độ lớn và hình dạng của cửa miệng, làm thay đổi thể tích khoang miệng. Môi có vai trò quan trong trong phát âm các nguyên âm và phụ môi như o, ô, m, b, p.

          Răng và vòm miệng tạo ra độ cộng hưởng âm. Khi bị hở vòm miệng, khuyết răng, sẽ bị ảnh hưởng đến việc phát âm.

+ Cơ quan cộng hưởng âm thanh:

Các khoang miệng, mũi, xoang hàm, tạo cộng hưởng âm thanh và ảnh hưởng đến giọng nói.

2. BỆNH LÝ NGÔN NGỮ VÀ LỜI NÓI

2.1. Bệnh lý ngôn ngữ

          Thất ngôn: Thất ngôn là tình trạng người bệnh mất khả năng hiểu lời nói, diễn đạt bằng lời nói và thể hiện các tín hiệu ngôn ngữ như đọc, viết, do tổn thương não. Khoảng 70- 80% bệnh nhân thất ngôn là do tai biến mạch máu não mà tổn thương não ở bên bán cầu trội, ngoài ra còn gặp trong chấn thương sọ não, u não. Thất ngôn chủ yếu gặp ở người lớn, những người đã biết nghe, nói, đọc, viết bình thường.

          Căn cứ vào lâm sàng người ta chia thất ngôn thành hai nhóm:

+ Thất ngôn trôi chảy: là khả năng hình thành âm thanh dễ dàng, người bệnh có thể nói dễ dàng.

+ Thất ngôn không trôi chảy: là loại thất ngôn có vấn đề khó khăn trong việc hình thành âm thanh.

          Nhiều bệnh nhân có tổn thương tại vùng não phụ trách ngôn ngữ và lời nói lại chỉ bị thiếu sót ngôn ngữ ở mức độ nhẹ.  

          Căn cứ vào vị trí tổn thương, người ta chia thất ngôn thành các loại:

+ Thất ngôn Broca (hay thất vận ngôn, thất ngôn vận động, thất ngôn biểu đạt, thất ngôn hành động):

           Thất ngôn Broca là loại thất ngôn mà khả năng hiểu ngôn ngữ viết và nói còn tốt, nhưng khả năng diễn đạt ngôn ngữ nói hoặc viết bị khó khăn. Người bệnh nói dễ, nói nhanh nhưng người khác không hiểu họ nói gì hay viết gì.

          Vùng bị tổn thương là vùng Broca ở bán cầu não trội. Nhữngbệnh nhân này, dễ bị đánh giá nhầm là thất ngôn hoàn toàn nếu thầy thuốc không khám kỹ khả năng hiểu lời nói và chữ viết của người bệnh. Thời gian đầu mới bị tổn thương, khó phân biệt với thất ngôn hoàn toàn, nhưng sau một thời gian, thất ngôn biểu đạt mới xuất hiện rõ ràng trong khi khả năng hiểu lời nói và chữ viết của bệnh nhân bình thường.

+ Thất ngôn Wernicke (hay mất khả năng hiểu lời, thất ngôn tiếp nhận, thất ngôn cảm giác)

          Thất ngôn Wernicke là tình trạng bệnh nhân nghe được người khác nói nhưng không hiểu được họ nói gì, bệnh nhân đọc được chữ viết nhưng không hiểu được người khác viết gì.

          Thất ngôn Wernicke thường xẩy ra khi có tổn thương của động mạch não giữa hoặc một trong các nhánh của nó. Vùng bị tổn thương là vùng Wernicke ở hồi thái dương sau, hồi đỉnh dưới, và hồi thái dương chẩm bên của bán cầu não chiếm ưu thế.

          Khác với các bệnh nhân thất ngôn Broca, các bệnh nhân thất ngôn Wernicke nói trôi chảy và có biểu cảm, nhưng họ bị rối loạn về ngôn ngữ, bao gồm cấu trúc âm thanh biến dạng, dùng sai từ và dùng sai các hình vị. Câu nói của họ trôi chảy nhưng thường thiếu các từ và ý chính. Bệnh nhân cũng có biểu hiện không thể lặp lại các từ và mất khả năng nhận thức ngôn ngữ viết.

+ Thất ngôn dẫn truyền:  

           Thất ngôn dẫn truyền được cho là do tổn thương đường dẫn truyền thần kinh của kết nối giữa vùng ngôn ngữ vận động (vùng Broca) và cùng ngôn ngữ cảm giác (vùng Wernicke) liên quan tới chức năng lời nói.

          Bệnh nhân có thất ngôn dẫn truyền thường khó lặp lại các từ và cụm từ không quen thuộc, và khả năng hiểu ngôn ngữ nói và viết tốt hơn bệnh nhân thất ngôn Wernicke. Các bệnh nhân thất ngôn dẫn truyền vẫn nhận biết được thiếu sót của mình và cố gắng tự sửa.

          Trên thực tế, các bệnh nhân thất ngôn dẫn truyền thường có 1 hoặc 2 ổ nhồi máu nông ở những bó thần kinh mới được phát hiện gần đây.

+ Thất ngôn toàn bộ:

          Thất ngôn toàn bộ là loại thất ngôn mà người bệnh mất khả năng hoặc khó khăn cả hiểu lời nói và chữ viết và khó khăn diễn đạt bằng lời nói và chữ viết.

           Những bệnh nhân này bị tổn thương cả ở vùng Wernicke và vùng Broca do nhiều ổ nhồi máu hoặc nhồi máu rộng bên bán cầu não trội.

+ Thất ngôn mất ngữ pháp (agrammatism):

           Thất ngôn mất ngữ pháp là tình trạng bệnh nhân sử dụng các câu ngắn, đôi khi chỉ vài từ, để hình thành một ý.

2.2. Bệnh lý lời nói

          Bệnh lời nói bao gồm nói ngọng, nói lắp. Nói ngọng được phân làm hai loại nói ngọng chức năng và nói ngọng do bệnh lý của cơ quan phát âm, củanão.

2.2.1. Nói ngọng

          Nói ngọng là khi nói, các âm thanh của lời nói không rõ ràng, không rõ tiếng, khiến người nghe khó hiểu. Nói ngọng thường gặp ở trẻ em, có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào, nhưng thường ở tuổi trước học đường và bậc tiểu học. Khi lớn lên những lỗi phát âm này sẽ được chỉnh sửa dần.

          Mỗi từ tiếng Việt là một âm tiết, âm tiết thường bắt đầu bằng phụ âm rồi nguyên âm, cuối âm tiết thường là phụ âm. Người nói ngọng thường nói thiếu phụ âm đầu hoặc phụ âm cuối, nói sai dấu, phụ âm đầu hoặc cuối bị thay đổi, ví dụ:

          “Sách” thành “ách” (mất phụ âm đầu)

          “Anh” thành “an” (mất phụ âm cuối)

          “Chuối” thành “chúi” (ngọng nguyên âm)

          “Làm” thành “nàm” (thay đổi phụ âm đầu)

          Nguyên nhân của nói ngọng có thể do tiếng địa phương; do thói quen; do dị tật của cơ quan phát âm như hãm lưỡi ngắn; cử động miệng kém ở trẻ bại não, ở người bị tổn thương thần kinh; do dị tật hở môi, hở vòm miệng; nghe kém do dị tật hoặc bệnh lý của tai giữa như viêm tai giữa, viêm tai xương chũm; cũng có thể không rõ nguyên nhân.

          Người ta chia nói ngọng ra làm hai loại:

+ Nói ngọng chức năng:

          Nói ngọng chức năng không phải do tổn thương thực thể ở cơ quan phát âm hoặc tổn thương não, mà là lỗi phát âm trong quá trình học và phát triển ngôn ngữ của trẻ.

          Trong quá trình học phát âm của trẻ, trẻ học theo ngôn ngữ mẹ đẻ, phát âm bằng cách bắt chước âm thanh. Trẻ có thể phát âm sai âm tiết như “táo” thành “áo”, “mượn” thành “mựn”, “đũa” thành ũa”… Lỗi phát âm này đều có ở trẻ bình thường khi mới bắt đầu học nói. Các lỗi này sẽ được điều chỉnh và sửa chữa dần, cho tới một giai đoạn phát triển nhất định trẻ sẽ phát âm đúng. Tuy nhiên một số trẻ vẫn giữ thói quen trở thành tật phát âm khi trưởng thành. Ngọng chức năng có thể sửa chữa được, nếu được tập luyện.

+ Nói ngọng do bệnh lý cơ quan phát âm:

- Rối loạn phát âm do khe hở miệng. Khe hở vòm miệng là do dị tật bẩm sinh, có thể gặp các loại sau:

          Khe hở vòm miệng mềm

          Khe hở vòm miệng không toàn bộ

          Khe hở vòm miệng toàn bộ

          Khe hở vòm miệng kết hợp khe hở môi

          Phẫu thuật sửa chữa khe hở vòm miệng để sửa chữa tật phát âm tốt nhất khi trẻ chưa học nói. Nếu phẫu thuật muộn, khi lời nói đã định hình, trẻ thường bị khiếm khuyết lời nói do thay đổi cộng hưởng, lỗi phát âm, giọng mũi hở.

- Rối loạn phát âm do bệnh lý cơ quan phát âm như liệt dây thanh do tổn thương dây thần kinh phế vị quặt ngược, liệt vận động lưỡi do tổn thương dây thần kinh thiệt hầu, do hạt xơ dây thanh, u nang dây thanh, viêm dây thanh, phù nề thanh quản… Các bệnh lý này thường gây ra các rối loạn về giọng nói như giọng nói khàn, mất tiếng, giọng gỗ…

Hình 6. U nang dây thanh bên trái

2.2.2. Nói lắp

          Nói lắp là rối loạn nhịp điệu nói, nói mất lưu loát. Những người nói lắp, trong khi nói có từ hoặc âm tiết trong câu lặp lại liên tiếp. Có các kiểu nói lắp sau:

          Lắp một âm của âm tiết, chẳng hạn “s..s..s..s.. sáng nay con ăn mì tôm”, “t..t..t..tôi đi”, “kh..kh..kh..không có”

          Lắp một âm tiết, chẳng hạn “sáng..sáng..sáng.. sáng nay con ăn mì tôm”, “không..không..không..không đi”

          Lắp một đoạn của câu, chẳng hạn “sáng nay..sáng nay..sáng nay con ăn mì tôm”, “không đủ..không đủ...không đủ tiền để mua”

          Xen vào một âm tiết hoặc một câu bất thường được lặp đi lặp lại, chẳng hạn các câu “thế là”, “coi như là”, chẳng hạn “sáng nay con.. thế là..ăn mì tôm”.

          Nguyên nhân của nói lắp: do thói quen từ thời kỳ học nói không được chỉnh sửa, mặc cảm tâm lý dẫn đến nói lắp để che lấp đi một số khó khăn về tư duy, một số bệnh lý của cơ quan phát âm.

3. PHỤC HỒI CHỨC NĂNG NGÔN NGỮ

3.1. Mục tiêu

+ Sử dụng các biện pháp y học nhằm điều trị cơ bản các tổn thương thực thể là nguyên nhân gây ra bệnh lý ngôn ngữ và lời nói

+ Giúp người bệnh sửa chữa các khiếm khuyết, bệnh lý về ngôn ngữ và lời nói để có ngôn ngữ và lời nói càng gần như người bình thường càng tốt.

+ Phát huy mọi khả năng, mọi hình thức giao tiếp cả bằng lời nói và ngôn ngữ không lời, cả việc sử dụng các dụng cụ trợ giúp thay thế như máy trợ âm hoặc các ký hiệu giao tiếp để người bệnh có thể giao tiếp được tốt nhất.

3.2. Phương pháp

3.2.1. Sử dụng các biện pháp y học phục hồi

          Sử dụng mọi biện pháp y học để sửa chữa các khiếm khuyết của cơ quan phát âm và các bệnh lý nguyên nhân gây ra rối loạn ngôn ngữ của người bệnh, như phẫu thuật vá sứt môi, hở hàm ếch; phẫu thuật cắt hạt xơ dây thanh; điều trị tổn thương thần kinh trung ương hoặc ngoại vi; điều trị viêm dây thanh…

3.2.2. Sử dụng các hình thức giao tiếp

          Sử dụng tổng hợp các hình thức giao tiếp để người có khó khăn về nói giao tiếp được tốt nhất.

+ Giao tiếp bằng ngôn ngữ có lời:

          Giao tiếp bằng ngôn ngữ có lời thường được sử dụng nhất vì tốc độ trao đổi thông tin nhanh, chính xác. Người có khó khăn về nói, để có thể giao tiếp bằng lời nói đạt hiệu quả cần được phục hồi chức năng bằng các bài tập phát âm, luyện giọng nói.

+ Giao tiếp bằng ngôn ngữ không lời, có bốn hình thức:

- Chữ viết: chữ viết là hình thức giao tiếp thường được sử dụng để bổ xung cho khiếm khuyết của giao tiếp có lời. Người có khó khăn giao tiếp bằng lời nói thường dùng hình thức giao tiếp bằng chữ viết để bổ xung.

- Hình vẽ: sử dụng hình vẽ cũng là hình thức giao tiếp thường được dùng ở người bình thường khi muốn diễn đạt một hình nào đó. Hình vẽ cũng thường là hình thức giao tiếp bổ xung, thay thế cho khiếm khuyết khi giao tiếp bằng lời nói. Các hình vẽ thường được tập hợp thành các bảng theo chủ đề, như tranh vẽ các món ăn, tranh vẽ đồ vật, tranh vẽ các hoạt động… Người câm hoặc khó khăn về nói có thể chỉ vào tranh để trả lời hoặc đưa ra yêu cầu.

- Ngôn ngữ cơ thể như ánh mắt, nét mặt, tư thế, giọng nói, cử động của đầu, là hình thức biểu cảm thường dùng trong giao tiếp.

- Dấu hiệu, cử chỉ là các kỹ năng ra hiệu bằng các cử động của tay, chẳng hạn “vẫy tay” ra hiệu “lại đây”, “vẫy tay” ra hiệu “ngồi xuống”… Những cử chỉ này không có quy ước, nhưng mọi người đều có thể hiểu và ứng dụng.  

          Trong trường hợp với người câm điếc hoàn toàn, người ta sử dụng bộ ký hiệu quy ước bằng các cử động của tay và hoàn chỉnh hệ thống dấu bằng cử động các ngón tay. Mỗi chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ số trong số đếm được mã hóa bằng các tư thế khác nhau của ngón tay và bàn tay. Bộ ký hiệu quy ước này có thể không hoàn toàn giống nhau ở các nước, phụ thuộc vào đặc điểm văn hóa, tập quán sinh hoạt… mà bộ ký hiệu quy ước ở các nước có sự khác biệt. Nhờ bộ ký hiệu quy ước mà người câm điếc có thể giao tiếp được về mọi chủ đề, kể cả các chủ đề phức tạp.

Hình 7. Bộ ký hiệu quy ước với bảng chữ cái tiếng Việt

Hình 8. Bộ ký hiệu quy ước với các số đếm.

3.2.3. Một số nguyên tắc giao tiếp khi phục hồi chức năng ngôn ngữ

+ Nguyên tắc theo ý thích và sự quan tâm của người đối thoại:

- Tìm hiểu xem người đối thoại thích nói về chủ đề gì. Khi chọn được chủ đề người đối thoại quan tâm sẽ tạo được hứng thú cho họ phối hợp với kỹ thuật viên để tập luyện. Kỹ thuật viên ngôn ngữ trị liệu khi biết được chủ đề người đối thoại quan tâm, cần tập trung nhiều về chủ đề đó. Có như vậy sẽ tạo được hứng thú cho người đối thoại và người đối thoại sẽ cố gắng chia sẻ, và kết quả phục hồi sẽ đạt tốt nhất.

- Khuyến khích và chờ đợi người đối thoại nói. Người khó khăn về nói thường nói chậm và phát âm khó khăn, vì vậy họ thường ngại nói. Đừng nói hộ và cần chờ đợi, chẳng hạn trẻ muốn đi nhưng không nói “đi” mà nắm tay ta kéo đi. Khi đó hãy yêu cầu trẻ nói “đi” cho đến khi nào gần đúng mới cho trẻ đi.

- Phải biết lắng nghe người đối thoại nói hoặc nghe xem họ phát ra âm thanh gì, sau đó phải nói mẫu rồi yêu cầu người đối thoại lặp lại cho đến khi họ nói gần đúng mới đáp ứng yêu cầu của họ. Chẳng hạn, người đối thoại muốn lấy cái bát, phải yêu cầu họ nói lại từ “bát” cho đến khi gần đúng mới đưa bát cho họ.

+ Nguyên tắc thích ứng:

          Kỹ thuật viên ngôn ngữ trị liệu hoặc người trong gia đình cần thay đổi cách thức và tốc độ giao tiếp thích ứng với người đối thoại. Điều này làm người có khó khăn về nói dễ hiểu hơn và giao tiếp được dễ hơn.

- Hãy ngồi xuống thấp hoặc đứng lên để mặt ta ngang với mặt người đối thoại. Như vậy, người có khó khăn về nói dễ dàng quan sát cử động của miệng, nét mặt khi ta phát âm.

- Tham gia trò chơi hoặc các hoạt động cùng với người giao tiếp. Chẳng hạn chơi các trò chơi cùng với trẻ hoặc chơi bài, chơi cờ cùng người khó khăn về nói, đồng thời yêu cầu họ nhắc lại các từ chúng ta nói mẫu cho đến khi gần đúng mới chơi tiếp.

- Nói chậm và rõ để người giao tiếp nghe và quan sát được cử động của miệng ta khi nói. Khi người hướng dẫn nói chậm, trẻ sẽ nói chậm theo, nếu nói nhanh, trẻ hoặc người khó khăn về nói khó tạo được âm đúng.

+ Thêm từ mới:

- Tăng thêm từ mới để người khó khăn về nói tập luyện, bắt đầu bằng các từ đơn. Khi người đối thoại nói được nhiều từ đơn thì dạy họ cách ghép từ thành câu ngắn, rồi câu dài. Tích cực nói truyện, kể truyện với người có khó khăn về nói và yêu cầu họ kể lại là cách tốt để họ nói được nhiều hơn. Thường xuyên đưa họ tham gia vào các trò chơi, các hoạt động tập thể, để họ hòa nhập và giao tiếp được nhiều.

- Nhắc đi nhắc lại các từ mà người giao tiếp đang học và đang tiến bộ. Nhắc lại nhiều lần sẽ tạo thói quen và cơ hội tập âm đó nhiều hơn.

- Luôn gọi tên các đồ vật, tên người xung quanh, và yêu cầu người đối thoại nhắc lại.

- Hãy nhận xét và bình luận các sự kiện diễn ra xung quanh và yêu cầu người đối thoại nhắc lại, chẳng hạn “cốc nước này nóng quá” yêu cầu người đối thoại nói “nóng quá”, “bông hoa này đẹp quá” yêu cầu người đối thoại nói “đẹp quá”…

+ Luôn phát huy tính tích cực, chủ động, trí tưởng tượng của người đối thoại:

Chẳng hạn, gấp một chiếc thuyền giấy, kể cho người đối thoại câu truyện về một chuyến đi biển, thỉnh thoảng yêu cầu người đối thoại nhắc lại một số từ trong câu truyện.

+ Sử dụng mọi hình thức giao tiếp không lời khác để hỗ trợ giao tiếp bằng lời nói:

Cần phát huy tối đa khả năng nói của người có khó khăn về nói. Dùng hình vẽ, chữ viết, cử chỉ, nét mặt, ký hiệu giao tiếp bằng tay, giao tiếp bằng ngôn ngữ cơ thể để người đối thoại hiểu được.

4. PHỤC HỒI CHỨC NĂNG CHO NGƯỜI THẤT NGÔN, NÓI NGỌNG, NÓI LẮP

4.1. Phục hồi chức năng cho người thất ngôn

+ Phát hiện người thất ngôn khó khăn về hiểu lời:

- Người bệnh kém hiểu từ, hiểu câu khi nghe người khác nói

- Người bệnh không chỉ ra được các bộ phân cơ thể, đồ vật, màu sắc khi được hỏi.

- Người bệnh không thực hiện được mệnh lệnh, ví dụ “đưa bút cho tôi”, đặt cốc lên bàn”…

- Bảo bệnh nhân đọc và làm theo chỉ dẫn ghi trong giấy, họ không thực hiện được.

+ Phát hiện người thất ngôn vận động:

- Người bệnh không thể trả lời được các câu hỏi đơn giản, mặc dù họ hiểu

- Người bệnh không nói được ra tên các đồ vật, con vật, màu sắc, khi được yêu cầu, mặc dù đó là các vật quen dùng.

- Khả năng viết kém, mặc dù trước đây đã biết viết bình thường

+ Phương pháp can thiệp:

- Nếu họ hiểu tốt, nhưng chưa nói được nhiều từ:

          Dùng tranh ảnh, hình vẽ hoặc các đồ vật hàng ngày để dạy. Giới thiệu tên từng vật rồi yêu cầu họ nhắc lại.

          Cất các đồ vật đi, rồi đưa từng vật ra để hỏi và yêu cầu họ nhắc lại.

          Nếu họ nói tên đồ vật khó, hướng dẫn họ dùng cử chỉ, dấu hiệu để diễn đạt.

          Dạy họ vừa nói vừa dùng dấu hiệu để giao tiếp

- Nếu họ nói được các từ đơn:

          Dạy họ ghép các từ đơn thành câu ngắn, rồi câu dài hơn

          Dùng tranh ảnh để họ nói theo tranh

          Khuyến khích họ kể lại các câu truyện ngắn vừa nghe

- Nếu họ hiểu kém:

          Dùng dấu hiệu, cử chỉ kết hợp với lời nói để gọi tên các đồ vật, hành động.

          Đặt hai đến ba đồ vật ra trước mặt, yêu cầu họ chỉ từng đồ vật khi nghe tên vật. Nếu họ chỉ sai, dùng dấu hiệu, cử chỉ để mô tả vật cho đến khi họ chỉ đúng.

          Khi họ hiểu nhiều, dạy họ nói từng từ đơn rồi câu ngắn.

4.2. Phục hồi chức năng ngôn ngữ cho người nói ngọng

+ Phát hiện nói ngọng:

          Dùng một bảng gồm các chữ đơn, yêu cầu người bệnh đọc, chẳng hạn:

          Bà, gà, bá, đĩa, dao, đủ, hải (phụ âm đầu âm tiết)

          Bàn, kính, sách, toàn, anh, mồm, dép (phụ âm cuối âm tiết)

          Con chó, cành hoa, cái thìa, đôi đũa (thanh điệu)

          Rau thìa là, là lượt, làm ruộng (thay đổi âm)

+ Phương pháp can thiệp:

- Dạy trẻ tập cử động miệng, lưỡi, cơ quan phát âm: há to miệng rồi ngậm lại. Đưa lưỡi dài ra,thụt lưỡi vào. Đưa lưỡi lên trên, xuống dưới, sang phải, sang trái. Tập thổi bong bóng xà phòng. Tập phát âm chữ x, càng ngân dài càng tốt.

- Dạy trẻ tạo âm, sửa các lỗi phát âm của trẻ. Nếu trẻ ngọng cả nguyên âm và phụ âm, dạy trẻ tạo các nguyên âm trước như a, o, u, i, e, ê, ô, ơ. Khi trẻ đã phát âm được các nguyên âm rồi mới chuyển sang tập phát âm các phụ âm.

- Dạy trẻ các phụ âm môi như  b, m, p. Khi trẻ đã phát âm được rõ rồi thì ghép với nguyên âm như mama, papa, măm măm,mimi, bêbê.

- Tiếp sau dạy trẻ nói các từ đơn như ba, má, bố, mẹ, bà, ông.

- Sau khi trẻ nói được nhiều từ đơn, ghép từ thành câu ngắn, rồi câu dài.

Kết hợp dạy nói với tranh ảnh, đồ vật và chơi đùa với trẻ, tạo cho trẻ hứng thú vừa chơi vừa học, chú ý sửa âm khi trẻ nói sai.

4.3. Phục hồi ngôn ngữ cho người nói lắp

+ Phát hiện trẻ nói lắp:

Việc phát hiện trẻ nói lắp thường dễ khi nghe trẻ nói truyện hoặc nói truyện với trẻ.

+ Phương pháp can thiệp:

- Tập thư dãn. Cùng với sửa tật nói lắp cần hướng dẫn trẻ thư dãn. Để trẻ thở sâu 3-5 nhịp. Động viên trẻ nói chậm. Những người xung quanh phải nói chậm khi giao tiếp với trẻ, chờ đợi trẻ nói, không thúc dục trẻ.

- Tập cho trẻ sửa các âm hay nói lắp, bắt đầu bằng các câu ngắn, sau là các câu dài và kể truyện.

Nguồn: Hà Hoàng Kiệm (2014). Vật l‎ trị liệu và Phục hồi chức năng. Giáo trình dùng cho sau đại học. Bộ môn VLTL – PHCN HVQY. NXB QĐND.

 


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bệnh thận - Tiết niệu

    Bệnh tim mạch

      Bệnh cơ-xương-khớp

        Bệnh nội tiết-chuyển hóa

          Bệnh tiêu hóa

            Bệnh phổi - phế quản

              Bệnh Thần kinh - Tâm thần

                Bệnh truyền nhiễm

                  Bệnh nhi khoa

                    Cận lâm sàng

                      Bệnh khác

                        Thuốc

                          Vật lý trị liệu

                            Phục hồi chức năng

                              Tư vấn và Chia sẻ thông tin

                                Sách đã xuất bản của Hà Hoàng Kiệm

                                  Bài báo khoa học

                                    SÁCH CỦA TÔI