PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm. Bước ngoặt giữa hành trình

Cập nhật: 16/04/2014 Lượt xem: 13083

Đây là bài viết của tác giả Bùi Nguyên Trong cuốn "Những nhà khoa học ngành y. Chân lý và những điều giản đơn" tập II. Do Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam. NXB Văn hóa Thông tin xuất bản 4/2014. Trang 190-201.

những nhà khoa học ngành y

chân lý và những điều giản đơn

 

PGS.TS.ĐẠI TÁ HÀ HOÀNG KIỆM

BƯỚC NGOẶT GIỮA HÀNH TRÌNH!

                 Cuộc đời là một cuộc hành trình để rồi mỗi một bước đi chúng ta chiêm nghiệm, rút ra những bài học và giá trị cuộc sống. Trải qua những thăng trầm, dường như mỗi người mới nhận ra con đường “định mệnh” của mình. Cuộc đời và cơ duyên đối với y học của PGS.TS Hà Hoàng Kiệm là một trong những minh chứng rõ nét cho điều ấy. Sau nhiều thời gian, thử thách cuộc sống, kinh qua cả những bom đạn chiến trường, ông đã vươn lên trở thành một bác sĩ, một nhà khoa học ngành y tiêu biểu, có nhiều cống hiến và đóng góp cho y học nước nhà.

Quãng đời nhiều gian khó

                 PGS.TS Hà Hoàng Kiệm sinh năm 1954 ở một vùng quê trung du thuộc xã Vân Trục, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Thuở nhỏ, vùng quê ông rất nghèo, lương thực chủ yếu là sắn và khoai. Gia đình ông có 8 anh chị em, 4 trai và 4 gái, ông là con thứ hai trong gia đình. Cuộc sống kinh tế rất vất vả nhưng bố mẹ luôn động viên các con học tập, vì thế anh chị em trong gia đình ai ai cũng chăm chỉ học hành và đạt kết quả học tập rất cao.

                  Hồi ấy, cả huyện chỉ có một trường cấp III, trường cấp III Ngô Gia Tự, trường cách nhà ông chừng 5 km. Vì thấy con đi bộ vất vả nên bố mẹ ông đã dành dụm và mua cho ông một chiếc xe đạp cũ. Ông đã vui mừng và lấy đó làm niềm vui, động lực vô cùng to lớn. Thế rồi, cứ sáng sáng ông đi học, chiều về lại chăn bò, kiếm củi giúp bố mẹ, đến buổi tối thì mẹ ông không cho các con giúp đỡ mà muốn các con phải tranh thủ thời gian học hành, ôn bài vở để đi học. Vì thế cứ khi mẹ nấu cơm thì ông và anh chị em ngồi học, ăn xong lại tiếp tục học tiếp. Thời đấy, khối lớp 10 cuối cấp có 6 lớp với gần 400 học sinh, nhưng chỉ 5 người thi đỗ đại học, thật may mắn trong đó có ông. Vì thế, ông nhanh chóng rời quê hương để đi nhập học, ông học trường Đại học Kinh tế Kế Hoạch (nay là Đại học Kinh tế Quốc Dân) năm 1971, trong lòng ngập tràn niềm vui, ông háo hức mơ tới một ngày sẽ trở thành một cán bộ khoa học. Kỷ niệm ấy đến giờ PGS.TS Hà Hoàng Kiệm vẫn không nguôi thương nhớ:

“Lớn nhờ củ sắn, đọt dưa

Bàn tay cha mẹ sớm trưa nhọc nhằn”.

 

                        Và rồi, hình ảnh trìu mến, ký ức cứ vọng về:

 

"Nhớ ngày giỏ dắt sau lưng

Mò cua dưới ruộng, tát bưng trưa hè

Trèo cây ổi, hái búp chè

Dắt em ra đón mẹ về buổi trưa

 

Những khi ngồi học đến khuya

Râm ran gà gáy bên kia đồi chè

Mẹ đến bên, khẽ vỗ về

Thôi con đi ngủ kẻo khuya lắm rồi…”

              Mỗi một kỷ niệm là biết mấy thân thương, thế nhưng mỗi con người dù gắn bó với nghĩa tình xứ sở đến đâu cũng đến lúc phải bước vào cuộc hành trình mới, để lại sau lưng những hồi ức. Đến mãi sau này, khi bước trên con đường mới, nhiều lựa chọn và những đổi thay, ông vẫn luôn nặng lòng trăn trở “Quê hương ai nỡ biệt ly/ Dù khoai dù sắn dù gì vẫn quê”. Tình nghĩa ấy chính là điều mà mỗi người không bao giờ có thể nguôi quên.

                Những năm đó, chiến tranh diễn ra rất ác liệt, máy bay Mỹ ném bom miền Bắc một cách tàn khốc, lớp lớp thanh niên lớn lên chứng kiến cảnh nước mất nhà tan, đăng ký tham gia nhập ngũ. Năm 1972, sinh viên các trường đại học được động viên tòng quân, ông cũng nhanh chóng lên đường năm đó. Sau ba tháng huấn luyện quân sự, đơn vị ông đã lên đường bổ sung vào chiến trường miền Nam. Sau ba tháng hành quân vượt Trường Sơn ông được bổ sung vào đội điều trị 14 của quân khu V, được đào tạo làm y tá. Quãng thời gian làm y tá trên chiến trường, chứng kiến biết bao tang thương, máu và nước mắt. Qua những lần phục vụ chiến dịch ông càng nhận rõ hơn rằng: căn bệnh sốt rét tàn phá sức chiến đấu của bộ đội cũng không kém gì bom đạn. Nhiều đồng đội đã hy sinh trên chiến trường hoang lạnh không phải vì khói lửa đạn bom mà chịu sự hành hạ của bệnh tật. Sự vật vã, đau đớn, mê sảng của những đồng đội không ít lần ứa nước mắt, nghẹn lòng để rồi bùng cháy trong lòng một quyết tâm, một mong muốn làm sao mình có kiến thức nhiều hơn để giúp đỡ họ. Thế nhưng, một người y tá chiến trường được đào tạo vội vàng như ông, biết làm thế nào đây? Làm thế nào để giúp được đồng đội của mình đang cận kề giữa cái sống và cái chết. Sinh tử thật mong manh, những ai trải qua điều ấy mới hiểu hết được thiêng liêng của tình đồng đội, đồng chí!

                  Và rồi, một kỷ niệm, một hồi ức không bao giờ ông quên, đó cũng chính là nỗi đau, một lần biến động khiến ông càng nung nấu ước mơ học về ngành y hơn bao giờ hết. Trong một lần tại chiến dịch Mộ Đức, Quảng Ngãi. Khi ông chăm sóc cho một thương binh xong, ông quay sang để phục vụ cho một thương binh khác. Thế rồi, khi quay lại ông đã thấy anh thương binh đánh đổ cả cốc nước lên bụng, nơi vết mổ vẫn quấn băng đỏ máu. Ông đã vội vàng thay băng cho người thương binh và anh nói như xin lỗi, thế nhưng người thương binh lại nhanh chóng rơi vào tình trạng lơ mơ ngủ. Đến khuya thì anh ngủ hẳn, hôn mê, đánh thức không tỉnh, đến hôm sau thì người thương binh ấy tử vong. Một dấu hỏi đặt ra trong ông: tại sao người thương binh lại đi vào ngủ gà rồi hôn mê. Mãi đến sau này, ông mới hiểu người thương binh ấy đã bị suy thận cấp, anh ta ngủ gà rồi hôn mê do ure máu cao. Kể từ đó, ông có mơ ước quyết tâm được học về ngành y. Những gì đã qua, ông đã quyết định sau này khi chiến tranh kết thúc ông sẽ không tiếp tục học ngành kinh tế mà theo đuổi Y học.

Ghế kéo gấp khớp gối và kéo giãn cột sống cổ

Sáng kiến cấp Bộ Quốc phòng 2012

Bước ngoặt cuộc đời và con đường nghiên cứu Y học

                          Đúng như tâm niệm của mình, khi chiến tranh kết thúc, năm 1976 Hà Hoàng Kiệm đã được đơn vị cho ra Bắc để theo học đại học Quân Y (nay là Học Viện Quân Y). Sáu năm trời vất vả, phấn đấu, tìm hiểu và suy ngẫm, học để hiểu sâu hơn, học để rồi chữa bệnh. Năm 1982 ông đã tốt nghiệp với thành tích 3 năm liền học sinh giỏi, 2 năm được bầu làm chiến sĩ thi đua, ông đã được giữ lại trường và về công tác tại Bệnh viện 103, bệnh viện thực hành của Nhà trường. Từ đó về sau, con đường học tập, nghiên cứu, điều trị, giảng dạy luôn song hành trong cuộc đời ông. Mỗi một quãng đường ông đều có nhiều suy nghĩ, cảm nhận để luôn trau dồi chuyên môn, gìn giữ y đức, tấm lòng người thầy thuốc. Thiết nghĩ, lúc gian khó người ta có động lực để vươn lên, đến khi cuộc sống ổn định hơn, thì càng phải nghiêm khắc với bản thân để rồi quyết tâm hơn nữa. Vì thế, ông vẫn tiếp tục giảng dạy kết hợp học tập các khóa sau đại học. Không lâu sau ông tốt nghiệp Bác sĩ chuyên khoa cấp I nội chung năm 1987, thạc sĩ Y khoa Nội chung năm 1994, bác sĩ chuyên khoa cấp II nội chung năm 1995, Tiến sĩ Y học chuyên ngành Thận – Tiết niệu năm 1998. Nhanh chóng sau đó ông trở thành phó giáo sư chuyên ngành Thận tiết niệu năm 2004. Trải qua những năm tháng tuổi trẻ, thay đổi cuộc sống và con đường sự nghiệp, PGS.TS Hà Hoàng Kiệm cảm thấy rằng: theo đuổi ngành Y chính là định mệnh của ông. Ông còn nhớ hồi năm 1992 trong ca ghép thận đầu tiên ở Việt Nam tại Học Viện Quân Y, Bệnh viện 103 thực hiện thành công. Từ năm 1994, ông là thành viên của tổ tuyển chọn và chuẩn bị các cặp người cho – người nhận thận để ghép thận ở tại bệnh viện 103 và những năm sau là người đóng góp vai trò chính trong tuyển chọn và chuẩn bị các cặp người cho – người nhận ở Bệnh viện 103. Trong giai đoạn đầu của sự nghiệp ghép tạng ở Việt Nam, Bộ Y tế thành lập Hội đồng Tư vấn chuyên môn ghép tạng do GS.TSKH Lê Thế Trung làm chủ tịch hội đồng, các ủy viên trong Hội đồng là các giáo sư chuyên gia đầu ngành về các lĩnh vực y học trong nước như ngoại khoa, nội khoa, ngoại thận tiết niệu, Sinh hóa, miễn dịch, giải phẫu bệnh… như thầy Nguyễn Kim Sơn, thầy Tôn Thất Bách, thầy Phạm Khuê, thầy Nguyễn Bửu Triều, thầy Nguyễn Văn Xang, thầy Lương Tấn Thành… Mỗi lần tuyển chọn và chuẩn bị xong một cặp, ông lại báo cáo trước Hội đồng để Hội đồng quyết định có đủ điều kiện ghép hay không, lường trước những khó khăn gặp phải sau khi ghép và cách giải quyết, lựa chọn phương pháp phẫu thuật thích hợp… nhờ đó ông học được nhiều từ các thầy về phương pháp tư duy lâm sàng, tác phong cẩn thận chính xác cần thiết của người làm khoa học cũng như các kiến thức sâu rộng đa ngành, điều đó sẽ giúp ích cho ông nhiều trong công tác nghiên cứu và giảng dạy sau này.

PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm (thứ hai từ trái sang) trong đoàn chủ tịch điều khiển hội thảo khoa học tại bệnh viện Chợ Rẫy, TP Hồ Chí Minh

PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm (thứ nhất từ bên trái) trong đoàn chủ tịch điều khiển hội thảo khoa học tại bệnh viện Việt Tiệp, Hải Phòng

                         Cho đến năm 2006, bộ môn Phục hồi chức năng của Học viện Quân Y được thành lập, ông được Học viện điều chuyển từ bộ môn – khoa nội (Tim mạch – Thận – Khớp – Nội tiết) nơi ông đang công tác sang xây dựng và làm chủ nhiệm bộ môn Phục hồi chức năng cho đến nay. Ở vị trí công tác mới, ông đã xây dựng bộ môn ngày càng phát triển và hoàn thiện cả về đội ngũ giảng viên, giáo trình giảng dạy, các nghiên cứu khoa học chuyên ngành. Đến thời điểm hiện tại, bộ môn đã có 6 giảng viên, 2 PGS.TS các giảng viên còn lại đều là thạc sĩ và bác sĩ chuyên khoa cấp II, đảm nhiệm tốt công tác đào tạo chuyên ngành cho đại học và sau đại học. Tuy non trẻ nhưng bộ môn đã hoàn thành một đề tài nhánh cấp Nhà nước, 3 đề tài cấp Bộ, 2 đề tài cấp cơ sở. Ngoài các công việc bộ môn, ông vẫn tham gia giảng dạy đại học và sau đại học chuyên ngành thận tại bộ môn nội Tim mạch – Thận – Khớp – Nội tiết của Học viện Quân Y và một số trường Đại học Y khu vực phía Bắc và miền Trung.

Thiết bị cung cấp nước cao cấp cho máy thận nhân tạo. Giải nhất VIFOTECH 2010

PGS.TS.Hà Hoàng Kiệm (ngồi thứ nhất từ bên trái) trong Hội đồng chấm luận án tiến sĩ cấp Nhà nước tại trường Đại học Y Hà Nội

             Vừa chăm lo công tác điều trị, giảng dạy nhưng PGS.TS Hà Hoàng Kiệm vẫn không ngừng nghiên cứu, đóng góp thành tựu y học với 10 đề tài nghiên cứu trong đó có một đề tài cấp Nhà nước, 7 đề tài cấp Bộ và nhánh cấp Nhà nước, 2 đề tài cấp cơ sở. Đặc biệt như, ông là chủ nhiệm đề tài nhánh Cấp Nhà nước  “Đánh giá tính an toàn và tác dụng lâm sàng của Omegaka hỗ trợ điều trị viêm khớp dạng thấp bằng phương pháp siêu âm dẫn thuốc” Đề tài hợp tác cùng Viện hóa học các hợp chất thiên nhiên Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Đề tài góp phần phát triển một thuốc mới từ nguồn nguyên liệu sinh vật biển của Việt Nam; đồng chủ nhiệm đề tài cấp tỉnh “Thực trạng và kết quả điều trị bệnh lý thoái hóa cột sống ở bệnh viện Y học cổ truyền Vĩnh Phúc. Đánh giá tác dụng của Golsamine trên bệnh nhân thoái hóa cột sống”; chủ nhiệm đề tài cấp cơ sở “Nghiên cứu hiệu quả điều trị thoái hóa cột sống cổ bằng phương pháp kéo giãn”, “Kết quả lâm sàng điều trị viêm khớp dạng thấp bằng siêu âm dẫn chế phẩm Omegaka”… Ngoài ra, ông còn có trên 60 bài báo khoa học đã đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành. Một công trình báo cáo tại Hội nghị Khoa học Quốc tế Châu Á – Thái Bình Dương, tác giả của 30 bài báo đăng trên các báo và tạp chí tuyên truyền, đồng tác giả giải nhất VIFOTECH 2010, tác giả của một sáng kiến cấp Bộ, 2 sáng kiến cấp cơ sở đang được ứng dụng trong lâm sàng. Ông chia sẻ, nhiều những nghiên cứu được ứng dụng như: nghiên cứu ứng dụng nghiệm pháp đo độ thẩm thấu nước tiểu mẫu sáng sớm để đánh giá khả năng cô đặc nước tiểu của thận. Đây cũng là nghiên cứu đầu tiên ở Việt Nam được Hội đồng chấm luận án cấp Nhà nước đánh giá cao. Từ đó, phương pháp này đã được ứng dụng trong tuyển chọn các cặp người cho – người nhận để ghép thận tại Bệnh viện 103. Ông còn là đồng tác giả đề tài  “Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ chế tạo hệ thống thiết bị cung cấp nước cao cấp cho các máy thận nhân tạo”. Hiện nay, hệ thống cung cấp nước cao cấp này đã được nhiều khoa thận nhân tạo của các bệnh viện trong cả nước lắp đặt với giá thành rẻ hơn nhập ngoại và đạt hiệu quả tốt. Ngoài ra, những sáng kiến chế tạo dụng cụ kéo gấp khớp gối và kéo giãn cột sống cổ của ông cũng đã được công nhận là sáng kiến cấp Bộ Quốc Phòng năm 2002 cũng đã và đang được sử dụng điều trị có hiệu quả cho bệnh nhân tại khoa Vật lý trị liệu Bệnh viện 103 và được nhiều cơ sở y tế ứng dụng tốt.

         Phải chăng, ngẫm lại tất cả dường như đã có quá nhiều sự kiện đã diễn ra. Thời gian, đời người đến và đi thật nhanh, mới ngày nào ông còn đang nung nấu quyết tâm theo học ngành Y để chữa bệnh giúp đời, thì đến nay ông đã giảng dạy, đào tạo cho nhiều thế hệ học trò tiếp bước con đường mà ông đã đi. Ông đã hướng dẫn chính 7 luận án tiến sĩ chuyên ngành Nội thận – Tiết niệu; 21 luận văn thạc sĩ y học; chủ biên nhiều giáo trình đại học và sau đại học, sách tham khảo, sách chuyên khảo... Đến nay ông đã xuất bản 12 đầu sách, trong đó bộ sách Thận học gồm 2 cuốn: "Thận học lâm sàng" và "ATLAS mô bệnh học các bệnh cầu thận và bệnh ống - kẽ thận" tạo thành một bộ sách hoàn chỉnh về Thận học được các thầy và các đồng nghiệp đánh giá cao.

                  Nào ai biết trước được tương lai sẽ như thế nào, chính cuộc sống tôi luyện bản lĩnh và ý chí để rồi những người có tài năng, tâm đức và quyết tâm sẽ vươn lên thành đạt. Nhìn lại chặng đường đã qua, PGS.TS Hà Hoàng Kiệm cảm thấy thật nhẹ nhõm, cuộc đời mình ông đã làm tất cả để rồi hy vọng cống hiến thật nhiều cho đời, cho người. Để rồi, ông càng thấm thía hơn: con đường ông đã chọn là một con đường sáng, xứng đáng để tiếp tục các thế hệ tiếp nối, noi theo.

 

 

   

 


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bài về chủ bút

    Tinh hoa nhân loại

      Khoa học

        Văn học

          SÁCH CỦA TÔI