Ký sự phượt xuyên Việt - Episode 13 (Đà Lạt Lâm Đồng – Qui Nhơn Bình Định)

Cập nhật: 02/04/2020 Lượt xem: 3978

Phượt xuyên Việt ký                      

Episode 13 - Ngày thứ mười ba (Đà Lạt Lâm Đồng – Qui Nhơn Bình Định)

Ảnh Google tự cập nhật lịch trình trong ngày

Đà Lạt có độ cao 1500m so với mực nước biển, do đó đường từ Đà Lạt về Nha Trang là đường dốc xuống một chiều. Có hai tuyến đường có thể lựa chọn để đi từ Đà Lạt về Nha Trang, đường thứ nhất theo quốc lộ 27C ngắn hơn, đi auto hết khoảng 3 giờ. Con đường thứ hai là quốc lộ 20 rồi sang quốc lộ 27B để tới quốc lộ 1A về Cam Ranh rồi về Nha Trang thì xa hơn, khoảng 4 giờ đi auto. Cung đường theo quốc lộ 27C được ca ngợi là cung đường có cảnh quan đẹp nhất, dân phượt rất thích con đường này, nó còn được gọi bằng cái tên “đường nối biển và hoa”. Đèo Khánh Lê là ranh giới hai tỉnh Khánh Hòa và Lâm Đồng trên cung đường này. Đây là con đèo dài thứ hai ở Việt Nam, dài 33km tính cả chân đèo, đứng sau đèo Ô Quý Hồ là đèo dài gần 50km, trên đường 4D cắt ngang dãy Hoàng Liên Sơn nằm trên ranh giới hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu. Đèo Khánh Lê là con đèo hiểm trở, có những khúc cua tử thần, nhiều vụ tai nạn ở đây đã lấy đi tính mạng của nhiều hành khách. Điển hình là vụ tai nạn xe khách đâm đầu vào vách núi khiến 7 người chết và 17 người tử vong, một vụ khác cũng xe khách đâm vào vách núi xảy ra tháng 5 năm 2018 làm 3 người chết 18 người bị thương. Vì là con đèo mới được hoàn thành năm 2007, mặc dù đã có nhiều tai nạn nhưng chưa thấy có truyện ma xuất hiện ở đây. Nói như vậy để mọi người lái xe cẩn thận khi đi trên con đèo này.

 

Một số vụ tai nạn xe khách trên đèo Khánh Lê. Tai nạn chủ yếu là các xe khách, có lẽ các bác lái xe khách thấy đường đẹp nên chủ quan phóng nhanh, vượt ẩu. Điều tệ hại nhất là các bác chỉ lo tranh giành khách mà không nghĩ rằng tính mạng của mấy chục con người trên xe đang nằm trong tay họ.

Nhưng đây cũng là con đèo đẹp được các phượt thủ đặt cho cái tên mỹ miều là đèo Omega vì nhiều khúc cua gấp ngoằn ngoèo như chữ Omega. Phượt thì phải chọn cung đường này thôi, cũng vì lý do đó mà chúng tôi chọn đường lên từ phía Biên Hòa vì đường thoải hơn, còn đi xuống thì phải chọn con đường nối hoa (Đà Lạt) và biển (Nha Trang).

Rời khách sạn Ngàn phố Hotel 150 đường nhà trung, phường 3, thành phố Đà Lạt lúc 7 giờ sáng, đi theo quốc lộ 27C qua huyện Lạc Dương của tỉnh Lâm Đồng xuống đèo Khánh Lê thuộc địa phận huyện Khánh Vĩnh tỉnh Khánh Hòa nên đèo còn được người dân ở đây gọi là đèo Khánh Vĩnh, dân phượt gọi là đèo Omega, về đường Cao Bá Quát, tới đầu đường Võ Nguyên Giáp của thành phố Nha Trang thì rẽ theo đường Quốc lộ 1 qua Ninh Hòa rồi tới Qui Nhơn. Cô bé Google đã ghi lại nhật ký quãng đường chúng tôi đi được trong ngày là 312km với tổng thời gian 9 giờ 42 phút. Chúng tôi dừng chân ở khách sạn Vi Vu 110 Xuân Diệu, Hải cảng, thành phố Qui Nhơn Bình Định lúc 5 giờ chiều.

Quốc lộ 27C (Trước đây là đường nối của hai con đường tỉnh là Đường tỉnh 652 thuộc tỉnh Khánh Hòa và Đường tỉnh 723 thuộc tỉnh Lâm Đồng), là tên gọi của con đường nối thành phố Nha Trang tỉnh Khánh Hòa với thành phố Đà Lạt tỉnh Lâm Đồng. Quốc lộ 27C nối đoạn cuối của quốc lộ 20 ở Đà Lạt với phần quốc lộ 1 đi qua Diên Khánh, Khánh Hòa, liên thông vùng biển miền Trung với Cao nguyên Lâm Viên, nên được gọi là Con đường nối Biển và Hoa.

Tháng 4 năm 2004, khởi công quốc lộ 27C, dài 121 km là đường đi từ Đà Lạt đến huyện Lạc Dương rồi huyện Khánh Vĩnh và Diên Khánh của tỉnh Khánh Hòa. Đoạn qua đèo Khánh Lê cao 1700m, dài 33 km là đèo dài thứ hai của Việt Nam, sau Ô Quý Hồ 50 km. Đường có nhiều khúc quanh qua các khe núi hiểm trở, với nhiều khúc cua gấp, vách đá cao và vực sâu đến 300m tạo nên phong cảnh hùng vĩ hai bên, nhưng cũng rất nguy hiểm. Tuyến đường này còn đi ngang qua Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà, vườn quốc gia có tài nguyên sinh học đa dạng bậc nhất tại Việt Nam. Thú vị hơn nếu được tắm mình trong làn sương mờ mờ ảo ảo của buổi chiều tà hoặc vào những tháng mùa mưa. Ở đây mỗi sáng ra, đến tám giờ sương mù vẫn còn bao phủ. Và chiều lại, khoảng ba, bốn giờ chiều trở đi, những đám sương mù phiêu lãng đó lại tràn qua các khe núi sà xuống con đường.

Tháng 7, 2007 chính thức hoàn thành giai đoạn 1, nâng cấp đường tỉnh 652 đoạn từ Khánh Vĩnh thuộc Khánh Hòa đến Lạc Dương thuộc Lâm Đồng. Đoạn từ Đà Lạt đến Lạc Dương khi đó còn chưa thi công xong. Đây là là tuyến đường quan trọng và có ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của hai tỉnh Lâm Đồng và Khánh Hòa. Ngoài ra tuyến đường này còn thu hút nhiều khách du lịch đến với vùng Cao nguyên. Đó sẽ là điều kiện thuận lợi để phát huy những tiềm năng du lịch của vùng cao nguyên - vùng biển nói chung và Khánh Hòa - Lâm Đồng nói riêng.

Tháng 6 năm 2015, hoàn thành giai đoạn 2 nâng cấp đường tỉnh 723 thuộc Lâm Đồng đoạn từ Đà Lạt đến Lạc Dương, nối với đường tỉnh 652 thuộc Khánh Hòa thành quốc lộ với tên gọi mới là Quốc lộ 27C, hiện nay toàn bộ các cột cây số trên tuyến đường thuộc địa phận cả hai tỉnh đã được đổi tên và màu sắc cột đúng với quy chuẩn của quốc lộ và được thống nhất trên toàn tuyến là quốc lộ 27C.

Tháng 2 năm 2018, tỉnh Khánh Hòa cho thông xe đường Võ Nguyên Giáp với chiều dài 10 km, lộ giới 60m nối điểm đầu của quốc lộ 27C với trung tâm thành phố Nha Trang. Các phương tiện không còn phải đi vòng sang thị trấn Diên Khánh để vào trung tâm thành phố, từ đó rút ngắn thời gian di chuyển, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông.

Chiều dài từ trung tâm thành phố Đà Lạt đến Nha Trang là 140km, đường hai chiều với hai làn xe cơ giới ngược nhau, cảnh quan thuộc dạng đẹp nhất Việt Nam. Khi ra khỏi Đà Lạt, đoạn đi qua huyện Lạc Dương, con đường luồn lách giữa hai bên là rừng thông già ngút ngàn đẹp đến mê hồn, có những đoạn có thể ngắm nhìn những ngọn thác đổ từ vách đá cao hàng trăm mét xuống bên đường. Dọc đường chỉ có đoạn đi qua vườn quốc gia Bidoup, thỉnh thoảng có một vài nhà dân, họ trồng hoa, cây cảnh và nuôi gà, còn lại chỉ có rừng và vách núi. Đoạn Đạsar cách Đà Lạt khoảng 30km, đường rất đẹp, hai bên là rừng thông, nhưng nhớ đừng vì thế mà kéo hết ga nhé. Một đoạn nữa là từ Khánh Vĩnh ra quốc lộ 1, đoạn này tương đối thẳng, đường rộng có vạch vàng ở giữa cho phép chạy 60km/h.

Khúc cua này nằm giữa rừng quốc gia Bidoup Núi Bà, ngôi nhà kia là trạm kiểm lâm của rừng quốc gia.

Cung đường từ Đà Lạt qua địa phận huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng dốc xuống vừa phải, đường ít lượn gấp, hai bên đường là rừng thông già. Tuy nhiên đường chỉ có hai làn ngược chiều, mỗi chiều chỉ có một làn xe cơ giới nên khá hẹp, một bên là sườn núi, một bên là sườn vực, cảm giác rất thú vị nhưng phải làm chủ được tốc độ và bám làn đường của mình để giữ an toàn.

Cung đường Đà Lạt – Nha Trang qua ảnh vệ tinh.

Đèo Khánh Lê lảng bảng trong sương chiều

Đèo Khánh Lê, còn gọi là đèo Khánh Vĩnh hay đèo Omega, dài 29km, nếu tính cả chân đèo thì đèo dài 33km, là con đèo dài thứ hai của Việt Nam sau đèo Ô Quý Hồ (50km). Đèo nằm trên Quốc lộ 27C nối thành phố Nha Trang của tỉnh Khánh Hòa và thành phố Đà Lạt của tỉnh Lâm Đồng. Đây là con đường được xem là huyết mạch của 2 thành phố nổi tiếng về du lịch hiện nay. Đỉnh đèo cũng chính là đầu phía trên của đèo, là gianh giới phân chia hai tỉnh Khánh Hòa và Lâm Đồng, như vậy toàn bộ đèo thuộc huyện Khánh Vĩnh tỉnh Khánh Hòa và dốc theo một chiều từ phía Lâm Đồng xuống Khánh Hòa. Lượng phương tiện di chuyển qua lại tuyến đèo rất cao trong khi đèo với nhiều khúc cua tay áo, độ dốc lớn nên thường xảy ra tai nạn. đèo có độ cao tối đa 1.700 m. Đường đèo này rất nguy hiểm nhất là hai đầu của đèo, do đường chạy gấp khúc qua nhiều vách núi, có khúc cua gấp, nhiều đoạn một bên là vách đá cao một bên là vực sâu. Đèo Khánh Lê được dân phượt hay những người thích khám phá trải nghiệm đặt cho nhiều cái tên độc đáo: Đèo Long Lanh, đèo Omega. Đèo chỉ có một sườn với sườn phía Khánh Hòa chiếm đại bộ phận chiều dài con đèo và sườn phía Lạc Dương thoai thoải từ độ cao 1700m xuống 1500m. Đèo tựa như một con dốc vĩ đại, cũng chính là sườn đông của Trường Sơn Nam.

Con đường ra đời rút ngắn khoảng cách từ Nha Trang đến Đà Lạt gần 80km, chỉ còn gần 140km so với con đường vượt đèo Ninh Thuận dài 220km trước đây. Ngoài tên gọi của dân phượt là đèo Omega thì người dân Khánh Hòa còn gọi là đèo Khánh Vĩnh vì đèo nằm trên huyện Khánh Vĩnh. Người dân Lâm Đồng gọi đèo BiĐoup, theo tên đỉnh núi BiĐoup cao 2287m của cao nguyên Lang Biang mà con đèo cắt ngang gần đó. Cũng có người gọi là đèo Hòn Giao theo tên dãy núi Hòn Giao nằm ở phía Bắc con đèo. Tên chính thức được ghi trên biển báo giao thông là đèo Khánh Lê. Dù là tên gì thì con đèo vẫn là con đường du lịch đầy chất thơ và cảm xúc. Khách đi đường vừa ngẩn ngơ vì vẻ đẹp lẫn lo ngại vì sự cheo leo nguy hiểm bậc nhất Việt Nam.

Ở độ cao trên 1.700m ở vùng đỉnh đèo, nơi giáp ranh giữa hai tỉnh Lâm Đồng và Khánh Hòa, là nơi có lượng mưa lớn và nhiều nhất so với Nha Trang và Đà Lạt, đặc biệt là buổi chiều. Thậm chí vào mùa hè, tại Nha Trang và Đà Lạt không có mưa nhưng tại khu vực này vẫn có lượng mưa lớn, bất chấp thời tiết tốt hoặc nắng gắt vào buổi sáng. Vì vậy những ai có nhã ý băng qua con đèo này vào buổi chiều cần phải trang bị áo mưa cẩn thận để đề phòng. Ngoài ra, vào mùa thu và mùa đông, sương mù khá dày xuất hiện trên đèo Khánh Lê vào buổi chiều khoảng tầm 2 giờ chiều trở đi.

Đèo Khánh Lê còn là một bảo tàng thiên nhiên vĩ đại về cảnh quan, đất đá, và đa dạng sinh học. Thiên nhiên kỳ thú và con người nhân hậu, cảm giác hứng thú và sợ hãi khi đi trên con đèo hiểm trở ẩn hiện trong mây, những khao khát được trải nghiệm, được hiểu biết, …đã tạo ra sức hấp dẫn rất lớn đối với du khách cả trong nước và nhất là khách nước ngoài. Cảnh quan dọc theo đèo Khánh Lê rất đẹp. Những khoảng không gian xanh kỳ vỹ của cánh rừng bao bọc lấy những con dốc dài. Đường đèo quanh co uốn lượn, hai bên đường cỏ lau mọc dày buông mình đong đưa theo gió đẹp lung linh và cũng rất hoang sơ. Một điểm rất đặc trưng tại khu vực này chính là thường xuất hiện sương mù dày đặc. Vì thế, khách có thể dễ dàng bắt gặp những dải sương dày phủ trước mắt, hay những bức màn mưa nặng hạt khi vượt đèo. Đây sẽ là những trải nghiệm đặc biệt khó quên về sự thử thách của thiên nhiên.

Một khúc cua ở đèo Khánh Lê.

Một đoạn đường đèo Khánh lê.

Từ Khánh Hòa tới Phú Yên chúng tôi vượt qua một con đèo nữa, đó là đèo cả. Đèo Cả là một trong những con đèo lớn và hiểm trở tạị miền trung. Đèo cao 333m, dài 12km, cắt ngang qua dãy núi Đại Lãnh ở chỗ giáp ranh của huyện Vạn Ninh tỉnh Khánh Hòa và huyện Đông Hòa tỉnh Phú Yên, trên quốc lộ 1A. Hiện nay đã có hầm đường bộ Đèo Cả thay thế cho việc phải leo đèo, toàn bộ đường dẫn và 2 hầm chính dài 13,5 km. Trong chiều đi vào, chúng tôi đã qua hầm và để dành phần leo đèo cho chiều về.

Trong lịch sử, đèo Cả là ranh giới giữa Đại Việt và Chiêm Thành từ năm 1471 đến 1653. Trong cuộc nam tiến của Đại Việt, địa thế hiểm trở của khu vực đã khiến vua Lê Thánh Tông dừng chân tại đây năm 1471. Sau đó, vua Lê Thánh Tông đã tạo một tiểu vương quốc tại Phú Yên làm vùng đệm tên là Hoa Anh. Vì là vị trí ranh giới, nhiều cuộc xung đột giữa Đại Việt và Chiêm Thành đã xảy ra tại đây. Vào những năm 1771 - 1802, nhiều cuộc giao chiến giữa chúa Nguyễn Ánh và anh em nhà Tây Sơn cũng đã xảy ra tại đây. Trong tháng 1 năm 1947, đèo Cả trở thành chiến trường giữa quân Pháp và Việt Minh.

Tên "Đèo Cả" có từ khi Pháp đang xây dựng quốc lộ 1A. Trước đó đường Thiên Lý nằm ở phía tây của đường Đèo Cả. Nơi đây, trên đèo Cả thời Pháp thuộc có một trạm Phú Hoà do Nam triều xây dựng như một trạm dịch để lưu chuyển văn thư, vận tải lương thực, cáng, võng các quan chức hành chính địa phương mỗi khi có công vụ. Sau này Pháp cho xây một bốt có tên Poste Petitte (Bót Bê Tí) để kiểm soát về mặt quân sự. Năm 1997 ranh giới giữa hai tỉnh Phú Yên - Khánh Hoà được phân chia từ chân Đá Đen kéo dài theo đường phân thuỷ đến đỉnh Hòn Nưa. Và Vũng Rô thuộc địa phận Phú Yên. Thời tiết ở đèo Cả nhiều mưa và nhiều mây, tạo ra nhiều thực vật đặc biệt. Trước kia, khu này là một nơi sản xuất trầm hương và kỳ nam nổi tiếng. Nay vẫn còn nhiều cây quý mọc tại đây như cẩm, thị, sao, chò, dầu, kền kền và đát. Cây đát được dùng trong món chè trái cây nổi tiếng ở Nha Trang.

  

Đèo Cả, ranh giới phân chia hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Trong lịch sử đèo cả từng là ranh giới giữa nước Đại Việt và Chiêm Thành, khi vua Lê tiến vào Nam đã phải dừng chân tại Đèo Cả vì địa hình hiểm trở không cho phép đi tiếp. Ông dựng một cứ địa ở tại Phú Yên đặt tên là Hoa Anh. Trong suốt thời gian từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 16 nơi đây là điểm nóng xảy ra nhiều cuộc giao tranh giữa quân Đại Việt và Chiêm Thành.

Một khúc cua trên đường đèo Cả

Đường lên đèo Cả uốn lượn như dải lụa giữa màu xanh của núi rừng, có những khúc quanh tưởng chừng như không thể bẻ tay lái. Đi qua những khối đá cao dựng đứng sừng sững có cảm giác thiên nhiên thật hùng vĩ lớn lao. Cái hiểm trở của đèo Cả như muốn nuốt trửng bất kỳ ai muốn đi qua. Đâu chỉ có những cảnh hùng vĩ hiểm trở, đèo Cả cũng rất thơ mộng với không gian một gam màu xanh tràn đầy sức sống, nền trời trong không một gợn mây, gió luồn qua từng kẽ tay mang đến sự trong lành và tươi mới. Thiên nhiên cảnh đẹp như muốn níu bước chân người lữ hành, cảnh sinh tình, người mê cảnh.

Con đường uốn lượn quanh co của đèo Cả

Vùng đất này cũng có nhiều món đặc sản như bánh ướt chả bò, cháo hàu, cá nục hấp, bò một nắng, cua huynh đệ … Đây là những đặc sản ngon đặc biệt, nếu có dịp qua đèo Cả nên thưởng thức một lần.

Từ đèo Cả về trung tâm thành phố Tuy Hòa khoảng 32 km và mất khoảng 1 giờ đồng hồ để di chuyển tới trung tâm thành phố. Tuy hòa là một thành phố biển, thủ phủ của tỉnh Phú Yên, thành phố hiện đang thuộc đô thị loại 2. Với chiều dài bờ biển trên 30km Địa hình thành phố chủ yếu là đồng bằng phù sa do hạ lưu Sông Ba, tên khác là sông Đà Rằng, bồi đắp. Có 2 ngọn núi Chóp Chài và núi Nhạn nằm ngay ở trung tâm thành phố. Và cầu Đà Rằng - cây cầu dài nhất miền Trung nằm trên Quốc lộ 1 nối trung tâm thành phố với các tỉnh phía Nam. Bãi biển Tuy Hòa là một bãi ngang trải dài, thơ mộng với bãi cát trắng, là điểm du lịch nổi tiếng của thành phố. Do tỉnh Phú Yên là tỉnh kết nghĩa với tỉnh Hải Dương nên nhiều tuyến phố của thành phố Tuy Hòa nói riêng và tỉnh Phú Yên nói chung mang tên các địa điểm của tỉnh Hải Dương.

Phải nói năm tỉnh miền trung gồm Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa với tôi có rất nhiều kỷ niệm. Trước đây trong thời kỳ chiến tranh, đơn vị của tôi đóng trên rừng Trường Sơn khi thì thuộc tỉnh Phú Yên, khi thì thuộc tỉnh Quảng Ngãi, có lúc lại ở Quảng Nam. Trong đơn vị có nhiều đồng đội là người Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên, nhưng hồi đó chỉ đứng trên núi để ước mơ một ngày nào đó mình sẽ được đặt chân tới vùng ven biển này. Tết Mậu Tuất 2018, cả nhà tôi cùng hai gia đình nữa cũng đã đón tết ở dọc tuyến ven biển miền Trung từ Qui Nhơn qua Tuy Hòa vào Nha Trang và đi thăm một số danh thắng của ba tỉnh mền trung này. Ở Phú Yên chúng tôi đã đến nhiều địa điểm.

Cách Trung tâm thành phố Tuy Hòa khoảng 10km về phía bắc có “Trung tâm điều dưỡng Bộ đội Tàu ngầm” mà tháng 7 năm 2014 tôi được giao làm trưởng đoàn một đoàn cán bộ chuyên gia gồm các giáo sư và phó giáo sư một số chuyên ngành, vào đây công tác 2 tuần để hỗ trợ đào tạo chuyên môn cho các cán bộ ở đây trong giai đoạn đầu mới thành lập. Vì thế Tuy Hòa với tôi cũng rất quen thuộc.

Ảnh chụp Đoàn chuyên gia (Trưởng đoàn Hà Hoàng Kiệm, đứng thứ 3 từ trái sang) cùng Ban Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng Bộ đội Tàu Ngầm (BS Cường Giám Đốc, người thứ hai từ bên trái) và Chủ nhiệm Quân y Quân chủng Hải Quân (BS Chữ, người thứ nhất bên trái) 2014.

Vũng Rô là một vịnh nhỏ thuộc xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, nằm ngay sát rìa dãy núi Đèo Cả. Vịnh cũng là ranh giới tự nhiên trên biển giữa Phú Yên với Khánh Hòa. Từ đỉnh của đèo Cả nhìn về phía Đông, vịnh Vũng Rô rất đẹp với một vùng núi và biển hòa quyện vào nhau nên thơ và hùng vĩ. Thời gian lý tưởng để đến Vũng Rô là vào dịp hè, mùa của tôm cá, mùa của cái nắng như đổ lửa, nhưng như vậy mới cảm nhận hết được vẻ đẹp của một vùng hoang sơ và trong vắt của vịnh biển này.

Vịnh vũng Rô

Vũng Rô còn ghi dấu tích của con tàu không số và con đường Hồ Chí Minh trên biển. Khu di tích lịch sử tàu không số Vũng Rô được xây dựng ở Bãi Chùa, thôn Vũng Rô, xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. 

Vào năm 1959, khi phong trào cách mạng tại miền Nam đang có nhiều diễn biến khởi sắc, nhiều cuộc đấu tranh vũ trang được lan rộng ra rất nhiều nơi, cùng với nó là nhu cầu về vũ khí chiến đấu ngày càng cấp bách. Vì thế khoảng đầu tháng 5/1959, Bộ Chính trị chủ trương nghiên cứu và quyết định mở đường giao liên vận tải trên bộ để có thể đưa người, vũ khí và hàng hóa cần thiết nhất vào giúp chiến trường miền Nam. Đoàn 559 được thành lập để mở đường Trường Sơn, sau này gọi là đường mòn Hồ Chí Minh và Đoàn tàu 759 vận tải biển hay chính là “Đoàn tàu không số” cũng được thành lập. Các số 5 hay 7 là tháng, số 59 là năm 1959, nghĩa là lấy tháng và năm đặt tên cho các đoàn này.

Hình ảnh về con tàu lịch sử được ghi lại trong những năm 1960 (chụp lại ảnh trong Nhà Lưu niệm Vũng Rô).

Tiếp theo những năm 1962-1964, những con tàu nhỏ bé không số chở đầy vũ khí từ ngoài Bắc, vượt qua những quãng đường dài trên biển và những hàng rào ngăn chặn, phong tỏa cũng như máy bay trinh sát của quân địch để chi viện được cho chiến trường miền Nam. Thời điểm đó, những đoàn tàu không số ở Vũng Rô phải đi qua cứ điểm quan trọng ở nơi đây để bốc dỡ hàng hóa. Do có lợi thế nằm sát quốc lộ 1A, có mặt nước rộng và độ sâu hoàn hảo, ba phía đều là núi che chở nên trong vịnh sóng êm đềm quanh năm, không sợ dông bão lớn làm lật tàu nên Vũng Rô với nhiều bãi nhỏ trở thành điểm tiếp nhận hàng hóa ở Bãi Chính, Bãi Lau, Bãi Chùa,… Do có địa hình núi non rất hiểm trở nên nơi này thuận tiện trong việc cất giữ, bảo quản vũ khí trong rừng cũng như hang động, có cả con đường độc đạo để vận chuyển vũ khí về những căn cứ quân sự trong tỉnh một cách thuận lợi. Đã có những chuyến tàu trót lọt chở được vũ khí, hàng hóa cập bến như tàu 41 thuộc Đoàn 125 chở hơn 60 tấn vũ khí, thuốc men rời cảng Hải Phòng do thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh chỉ huy vào ngày 16/11/1964, và đến 1 giờ sáng ngày 28/11/1964, tàu không số Phú Yên đầu tiên đã an toàn cập bến ở Vũng Rô. Chuyến tàu thứ 2 là vào ngày 25/12/1964 và ngày 1/1/1965, chuyến tàu thứ ba cũng cập bến. Với 3 chuyến tàu trong hơn 2 tháng, đã vận chuyển được hơn 200 tấn vũ khí và thuốc men, chi viện kịp thời cho tỉnh Khánh Hòa, Đắk Lắk để xây dựng, phát triển và đẩy mạnh tác chiến tập trung, liên tục mở ra nhiều đợt tiến công nhằm tiêu diệt quân địch. Phú Yên cũng nhận được hơn 10.000 khẩu súng các loại, 10 tấn đạn dược, thuốc men và 1 tấn thuốc tân dược.

Nơi tàu không số bị phá bỏ.

Đến ngày 1/2/1965 (tức mồng 1 Tết Ất Tỵ), tàu 143 chở 63 tấn hàng do thuyền trưởng Lê Văn Thêm và Chính trị viên Phan Bá Bảng chỉ huy cập bến tàu vào ngày 15/2/1965 nhưng do sự cố tàu tới bến trễ, nên sau khi bốc dỡ hàng hóa thì trời cũng sáng, không thể trở ra biển vì sẽ bị địch phát hiện, tàu đã ngụy trang bằng lá cây rừng ở gần Bãi Chùa nhưng không may bị máy bay địch phát hiện nên tàu bị bắn phá cùng với tàu chiến của địch phong tỏa 4 phía vô cùng nghiêm ngặt. Trong thời điểm nguy cấp ấy, cấp trên chỉ huy bằng mọi giá cũng không để địch cướp tàu nên trong đêm 17/2/1965, ta đã dùng thuốc nổ phá tàu nhưng chỉ phá nát được khoang mũi do chưa có nhiều kinh nghiệm. Ta tiếp tục phá bộ khoang máy và khoang lái vào đêm 18/2/1965 và phá hủy các kho tạm và lộ thiên để cho địch không thể chiếm tàu cũng như vũ khí, hàng hóa. Địch quyết liệt dùng bộ binh, xe bọc thép 113 cùng lực lượng hải quân đánh phá ác liệt ở những cứ điểm Bãi Xép, Bùng Binh, Hang Vàng và cả những làng ở khu vực lân cận trong nhiều ngày liền nhưng ta vẫn giữ vững được, hậu cứ của ta vẫn an toàn. Chiến tranh ác liệt như thế nhưng đêm đêm những dân công ở các xã Hòa Hiệp, Hòa Xuân tiếp tục vận chuyển vũ khí, thuốc men về căn cứ. Tất cả những khẩu súng, những viên đạn dược, thuốc men ở Vũng Rô đều nhuốm không biết bao nhiêu xương máu, mồ hôi của chiến sĩ, đồng chí, đồng bào nơi đây và gây cho địch sự kinh hoàng tột độ.

 

Khu tưởng niệm đoàn tàu không số ở Vũng Rô

Nếu đến Phú Yên, các bạn nên đến Vũng Rô, nằm dưới chân đèo Cả, cách thành phố Tuy Hòa khoảng 35km về phía Nam, thắp nén hương tưởng niệm các chiến sĩ đã dũng cảm hy sinh cho sự thống nhất của tổ quốc. Khu di tích lịch sử tàu không số Vũng Rô được xây dựng ở Bãi Chùa, thôn Vũng Rô, xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, được chính thức gắn biển là điểm đến tham quan cho du khách vào ngày 25/3/2011. Với diện tích 1 ha rộng lớn, tượng đài hình những chuyến tàu không số được thiết kế xây dựng và trở thành công trình có yếu tố thẩm mỹ cao cùng ý nghĩa lịch sử vô cùng đặc biệt với tổng kinh phí xây dựng di tích là 12,5 tỷ đồng.

Nhà thờ Mằng Lăng là một nhà thờ công giáo nằm trên địa phận huyện Tuy An tỉnh Phú Yên. Đây là nhà thờ thuộc Giáo xứ Mằng Lăng, Được xây dựng từ năm 1892, nhà thờ Mằng Lăng được coi nhà thờ cổ nhất của Phú Yên và là một trong những nhà thờ lâu đời nhất của Việt Nam. Vào đời Lê Thánh Tông, niên hiệu Hồng Đức thứ sáu 1475, mở đến đất Phú Yên lấy núi Thạch Bi, có tảng đá bia, làm biên giới với nước Chăm. Triều Nguyễn đời Chúa Tiên năm Mậu Dần 1578, vua ủy nhiệm ông Lương Văn Chánh làm Trấn Biên Quan nhưng mãi đến năm Kỷ Tỵ 1629, Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên mới cho lập Dinh Trấn Biên và giao cho người con rể là Nguyễn Phúc Vinh làm Quan Trấn Ải. Bản đồ của Cha Đắc Lộ năm 1651 ghi Dinh Trấn Biên là Dinh Phoan, phía trước Dinh có một dòng sông. Ngày nay Dinh Trấn Biên được dân địa phương gọi là Thành Cũ thuộc thôn Hội Phú, xã An Ninh Tây, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Dinh Trấn Biên nay đã chìm sâu dưới dòng Sông Cái.

Vợ Quan Trấn Thủ là Công chúa Ngọc Liên, trưởng nữ của Chúa Sãi đã lãnh nhận bí tích rửa tội năm 1636 với tên thánh là Maria Mađalena. Sau đó, bà lập nhà nguyện trong Dinh Trấn Biên, và truyền giáo đến mọi người. Tại Trại Thủy gần cửa biển Tiên Châu, có vợ chồng quan coi cửa biển mang tên thánh là Biển Đức giữ đạo sốt sắng. Từ đó, nhóm giáo hữu đầu tiên đã hình thành. Năm 1892, linh mục Joseph de La Cassagne, thường gọi là Cố Xuân, khởi công xây dựng nhà thờ Mằng Lăng. Ông là linh mục Chánh xứ đầu tiên của giáo xứ này.

Nhà thờ Mằng Lăng được xây dựng trong khuôn viên rộng hơn 5.000m2, theo kiến trúc Gothic với nhiều hoa văn trang trí. Hai bên nhà thờ có hai lầu chuông, chính giữa là thập tự giá. Tất cả sơn màu xanh xám giản dị, hòa đồng với khung cảnh ruộng vườn cây lá. Nhà thờ nhỏ nhưng có khuôn viên thoáng mát rợp cây xanh.

Trước sân còn có một khu hầm nhỏ, được xây dựng khá kỳ công trong lòng một quả đồi giả. Bên trong hầm có nhiều điêu khắc chạm trổ kể lại những câu chuyện về thánh Anre Phú Yên. Điểm đặc biệt là hiện nay trong hầm còn lưu giữa cuốn sách được in bằng tiếng Việt đầu tiên. Đây là quyển giáo lý Phép giảng tám ngày của Linh mục Alexandre Rhodes (người dân địa phương gọi là cha Đắc Lộ), người đã khai sinh ra chữ quốc ngữ ở Việt Nam. Cuốn sách được giữ trang trọng một cách đặc biệt trong một hộp kính, sách được in năm vào năm 1651 tại Roma, Italia.

Khu hầm nhỏ ở sân nhà thờ Mằng Lăng, thuộc địa phận huyện Tuy An tỉnh Phú Yên, nơi lưu giữa cuốn sách được in bằng tiếng Việt đầu tiên của Linh mục Alexandre Rhodes, người đã khai sinh ra chữ quốc ngữ ở Việt Nam .

 

 Cuốn sách: Phép giảng tám ngày của Linh mục Alexandre Rhodes là cuốn sách đầu tiên được in bằng tiếng Việt được lưu giữ trang trọng trong một tủ kính đặt trong căn hầm trước nhà thờ Mằng Lăng,

          

Giáo sĩ Alexandre de Rhodes và trang đầu của cuốn sách Phép giảng tám ngày in song ngữ bên trái là chữ Latinh, bên phải là chữ Quốc ngữ.

 Theo các bậc cao niên ở An Thạch, cách đây hơn 100 năm, khu vực An Thạch rất ít dân cư, phủ kín cây rừng, trong đó có một loại cây mọc rất nhiều, tán phủ rộng, lá cây hình bầu dục, hoa mọc chùm nở ra màu tím hồng gọi là mằng lăng. Hiện dấu vết khu rừng mằng lăng ấy không còn, nhưng ngôi nhà thờ vào thời điểm ấy đã được đặt tên theo loại cây quý này. Thực tế, trong nhà thờ ngày nay còn giữ một bàn gỗ mặt tròn làm bằng gỗ mằng lăng từ thuở vừa xây dựng, có đường kính đến 1,7m.

  

Nhà thờ Mằng Lăng

Cao nguyên Vân Hòa được ví như Đà Lạt của Phú Yên, cao nguyên Vân Hòa thuộc huyện Sơn Hòa, gồm các xã Sơn Xuân, Sơn Long và Sơn Định. Nằm ở độ cao 400m, cao nguyên đầy nắng, gió và cả sương mù. Điều thú vị ở nơi này là vào mùa thu khí hậu luôn thấp hơn ở Tuy Hòa, mỗi buổi sáng sương mù giăng, cảm giác như đang ở Đà Lạt. Nhìn ra xa thấy núi Nhạn giống như núi Phú Sĩ của Nhật Bản. Ở đây có nhà thờ  Bác Hồ được xây dựng để kỷ niệm nơi Quân và dân Phú Yên làm lễ tưởng nhớ Bác trong ngày Bác mất năm 1969 giữa vòng vây của địch. Nơi đây còn nổi tiếng với đặc sản thơm (dứa), mít và mắm làm từ 2 loại trái này.

 

Quan sát núi Nhạn từ cao nguyên Vân Hòa (hình trái), Nhà thờ Bác Hồ ở cao nguyên Vân Hòa, Phú Yên (hình phải).

Chúng tôi lên cao nguyên Vân Hòa vào những ngày giáp tết Mậu Tuất 2018 theo lời mời của một người bạn, anh là Bình trưởng công an Huyện Sơn Hòa, Tuy Hòa, Phú Yên. Sau khi thăm nhà thờ Bác Hồ, ngắm cảnh cao nguyên, ghi mấy bức hình làm kỷ niệm, anh dẫn chúng tôi vào một nhà sàn ven suối với một con lợn bản cắp nách quay và một vò rượu cần, sau đó chúng tôi về thăm cơ quan anh uống trà trong không khí chuẩn bị đón xuân.

 

Từ Tuy Hòa, đi theo quốc lộ 1A về hướng Bắc khoảng 30km, khi nhìn thấy biển báo thị trấn Chí Thạnh thì rẽ phải, đi thêm hơn 10km nữa là đến Gành Đá Đĩa ở xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Gành  rộng khoảng 50m và dài hơn 200m, vươn mình ra biển. Gành đá đĩa còn được gọi là gành đá dĩa. Đây là thắng cảnh nổi tiếng nhất của Phú Yên và cũng là gành đá đĩa độc nhất vô nhị ở Việt Nam và là một trong bốn gành Đá Đĩa hiếm hoi trên thế giới. Tên gành Đá Đĩa là do kết cấu địa chất đặc biệt, gồm muôn vàn các hòn đá với đủ loại hình dạng như tròn, ngũ giác, đa giác … được xếp chồng lên nhau, hoặc dựng đứng thành hình cột như những chồng đĩa lớn. Bãi đá tại Phú Yên thuộc loại đá bazan có màu đen huyền và vàng sáng trải rộng ra biển

Để lý giải hiện tượng địa chất đặc biệt này, có nhiều huyền thoại được truyền tụng nhuốm màu sắc thần thoại, rằng những hòn đá này là do một ông thần khổng lồ đặt, giống như xếp gạch để nối liền hai phần đất với nhau. Có người lại nói khác đi, rằng bãi đá này ngày trước là một kho báu lộ thiên, nhưng vì không muốn bị ai lấy mất, chúng đã tự biến mình thành đá để ở đây mãi mãi. Giải thích theo khoa học thì hàng triệu năm trước, khi núi lửa hoạt động, dung nham nóng chảy phun trào từ miệng núi lửa và chảy dần qua phần lục địa, đến khi chạm đến phần nước biển, dung nham lập tức bị nước biển làm lạnh nên đông cứng lại. Nếu chỉ có vậy vẫn chưa đủ điều kiện để hình thành gành đá dĩa, mà phải kết hợp với hiện tượng di ứng lực, khiến các khối nham thạch bị đông cứng rạn nứt đa chiều một cách tự nhiên nhưng lại vô cùng hoàn hảo. Trên cả hành tinh, ngoài Phú Yên chỉ có ba nơi khác có hiện tượng này, đó là gành đá đĩa Giant's Causeway ở Ireland, gành đá đĩa Los Órganos ở Tây Ban Nha, và cuối cùng là gành đá đĩa ở hang động Fingal ở Scotland.

Nhìn từ xa, gành Đá Đĩa như một tổ ong khổng lồ rộng khoảng 50m, dài 200m với những khối đá hình lăng trụ xếp liền nhau, ngay ngắn cùng vươn mình ra biển. Bãi đá với hàng nghìn, hàng nghìn những phiến đá hình lục lăng, óng lên màu đen huyền bí nổi bật giữa nước biển xanh ngắt và những con sóng vỗ trắng xóa. Cách gành Đá Đĩa không xa là gành Đèn với ít người lui tới nhưng khung cảnh cũng kỳ vĩ không kém làm say lòng biết bao người khi đã từng chiêm ngưỡng.

 

Gành Đá Dĩa, Phú Yên

Ngay trong thành phố Tuy Hòa, có một ngọn núi có tên là núi Nhạn, trên núi có một tháp Chăm gọi là Tháp Nhạn. Tháp được người Chăm sinh sống ở lưu vực châu thổ sông Ba xây dựng vào khoảng thế kỉ 12. Tháp có hình tứ giác với 4 tầng, càng lên cao càng thu nhỏ lại so với tầng dưới, nhưng vẫn theo phong cách tầng dưới. Tháp cao 23,5m. Phần bên trong là một am nhỏ thờ bà Thượng Đỉnh Chúa Thiết A Na Diễn Ngọc Phi được xây dựng từ thời hậu Lê. Tháp Nhạn nằm trên núi Nhạn, soi bóng trên dòng sông Đà Rằng hùng vĩ tạo nên bức tranh sơn thủy hữu tình: Núi Nhạn – Sông Đà Rằng.

 

Ảnh chụp bên Tháp Nhạn 2018. Hà Hoàng Kiệm đứng ở hàng trước thứ hai từ phải sang trái, người mặc áo kẻ màu xanh quần âu màu trắng, đội mũ vải màu trắng.

Bạn nào đã từng xem bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” khá nổi tiếng, chắc chắn sẽ rất thích phong cảnh một bãi cỏ bên bờ biển mà bọn trẻ thả diều, đó là Bãi Xép. Bãi Xép nằm ở phía Bắc thành phố Tuy Hòa, dài khoảng 500m, đẹp hoang dã với hai bãi đá đen bao bọc hai đầu bãi biển. Bãi xép được bộ phim nổi tiếng “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” ghi hình ở đây. Từ đó Bãi Xép được nhiều khách du lịch lui tới. Khung cảnh bao la trong phân đoạn thả diều của những nhân vật nhí trong bộ phim đã thu hút rất nhiều khách du lịch ghé đến để chụp ảnh.

  

Bãi Xép hoang sơ, nơi quay cảnh những đứa trẻ thả diều trong bộ phim "Hoa vàng trên cỏ xanh", hai cậu con trai của chúng tôi đang chụp hình dịp tết 2018.

Đi về phía nam thành phố Tuy Hòa sẽ nhìn thấy một ngọn núi cao mà trên đỉnh có một tảng đá lớn dựng đứng giống như một tấm bia được gọi là Núi Đá Bia. Tên chữ của ngọn núi là Thạch Bi Sơn, dân gian gọi là Núi Ông, là ngọn núi cao nhất trong khối núi Đại Lãnh thuộc dãy núi Đèo Cả. Núi nổi tiếng vì tảng đá bia khổng lồ cao khoảng 80m trên đỉnh núi mà cách xa vẫn có thể nhìn thấy. Trên đỉnh núi mây thường xuyên che lấp khối đá Bia tạo nên cảnh quan hùng vĩ, ấn tượng. Từ đây có thể nhìn bao quát vùng biển xung quanh, thấy Vũng Rô của Phú Yên ở ngay chân núi phía Nam hay vịnh Vân Phong của Khánh Hòa. Vào những ngày trời nắng đẹp còn có thể thấy thành phố Nha Trang. Tôi đã có bài ký sự về hòn núi này: http://hahoangkiem.com/van-hoc/nui-da-bia-phu-yen-3616.html

  

Ở Phú Yên còn có đầm Ô Loan, đầm nằm dưới chân đèo Quán Cau sát quốc lộ 1A. Chạy xe trên quốc lộ 1A, cách thành phố Tuy Hòa 22km về phía Bắc, chúng ta sẽ nhìn thấy đầm này. Đầm Ô Loan có diện tích 1570km, nổi danh là một đầm nước lợ nằm sát cửa biển với vẻ đẹp bình dị, mộc mạc và yên bình. Toạ lạc sát chân đèo Quán Cau. Từ trên đèo nhìn xuống, đầm có hình dáng như một con chim phượng hoàng đang dang đôi cánh phủ rợp cả vùng. Đây là địa điểm tuyệt đẹp để ngắm ánh mặt trời vào lúc bình minh. Để ngắm toàn cảnh đầm cần leo lên đỉnh đèo Quán Cau với khung cảnh mặt hồ rộng, từng làn sóng gợn lăn tăn theo gió, những dải đồi thấp thoai thoải với những ruộng mía xanh ngắt. Du ngoạn đầm Ô Loan, nên thưởng thức đặc sản sò huyết nổi tiếng ở đây.

 

Đầm Ô Loan bên cạnh đường quốc lộ 1A, thuộc huyện Tuy An, Phú Yên.

Gắn với đầm Ô Loan là những câu chuyện huyền bí liên quan với tích “Cao Biền Dậy Non” và một cồn cát tự nhiên nổi trên đầm được dân gian xem như “mồ chôn Cao Biền”. Chuyện kể rằng: Cao Biền là một thầy địa lý rất giỏi, có tài hô thần tróc quỷ. Sau khi được hoàng đế Trung Quốc gợi ý ban thưởng vì tìm được cho vua một ngôi đất xây dựng lăng tẩm, Cao Biền không nhận vàng bạc chỉ xin một cây bút thần trong kho tàng nhà vua. Có được bút, ông liền vẽ thử một con rồng lên mặt tường, chừa hai con mắt. Đến khi điểm nhãn, rồng tự nhiên cuộn mình, tách ra khỏi bức tường và  bay vụt lên trời, biến vào đám mây. Ông vẽ thêm nhiều con vật nữa, tất cả đều hoạt động không khác gì những con vật có thực. Sau cùng ông vẽ một con diều rất lớn, dùng bút thần nhúng mực điểm mắt cho diều. Diều đập cánh, lập tức ông cưỡi lên lưng, diều đưa vút lên trên không, vượt qua muôn trùng núi sông sang đến nước Nam. Ở trên cao, ông nhìn xuống tìm thấy một huyệt đất phát đế vương, đó là một cái hàm con rồng khuất dưới nước, nếu táng hài cốt cha vào đó thì con một nghìn ngày sau sẽ phát đế vương. Nghĩ mình đã già lại không có con trai, ông tính sẽ nhường cho con rể. Ông trở về Trung Quốc bảo con rể đào lấy hài cốt cha y đem sang nước Nam để cải táng. Ông bàn chuyện riêng chỉ với một học trò tín cẩn, người này đào luôn hài cốt cha mình và mang sang nước Nam cùng với hài cốt cha của con rể thầy. Bấy giờ hàm rồng đang thời kỳ há miệng. Khi được thầy bảo lặn xuống ném gói xương vào giữa miệng rồng, người học trò đem gói xương của cha mình đánh tráo vào, còn gói xương kia thì bỏ ở một bên mép. Xong, Cao Biền bảo rể mang đến huyệt hàm rồng năm cái thúng, mỗi thúng một giống lúa, chôn vào chỗ vai rồng thành năm cái huyệt, lấp lại thành năm ngôi mộ. Ông giao cho rể một ngàn nén hương, dặn mỗi ngày thắp một nén, đúng hai năm chín tháng mười ngày thì tự khắc quân gia dưới huyệt sẽ nhất tề dậy cả. Dặn đâu đấy, ông trở về Trung Quốc. Lúc chỉ còn mười ngày nữa là hết hạn nghìn ngày thì tự nhiên con gái Cao Biền ở nước Nam đẻ luôn một lúc ba bé trai, mặt mũi dị kỳ. Vừa mới lọt lòng cả ba đã biết đi biết nói; một mặt đỏ tay cầm ấn, một mặt màu thiếc, một mặt màu xanh, đều cầm dao sáng quắc. Cả ba tót lên bàn thờ ngồi, đòi đem quân thu phục thiên hạ. Người nhà ai nấy xanh mặt. Tiếng đồn rầm lên. Thiên hạ đổ tới xem như đám hội. Người rể Cao Biền sợ quá, cho rằng vợ mình đẻ ra ma ra quỷ, bèn chém chết cả ba. Quá bối rối nên y đốt luôn một lúc hết thảy những nén hương còn lại. Bỗng dưng mặt đất chuyển động. Chỗ năm ngôi mộ có tiếng rầm rầm mỗi lúc một lớn rồi nắp mộ bật tung, quân gia lớp lớp từ dưới đó nhảy lên; vì còn non ngày nên sức yếu, đứng chưa vững, người nào người ấy đi lại bổ nghiêng bổ ngửa, cuối cùng đều chết sạch cả… Theo sách thượng dẫn thì Cao Biền rấm lúa, nhưng một số nguồn khác lại cho rằng ông rấm đậu, như thành ngữ “tản đậu thành binh” (rấm đậu thành binh). Khi cần quân, Cao Biền rấm đậu vào đất, đủ thời gian thì đọc thần chú, mỗi hạt đậu hóa thành một người lính. Có lần chưa đến hạn mà ông đã đọc thần chú, những hạt đậu cũng thành binh nhưng còn non, chưa đủ sức nên đi lẩy bẩy. Từ chuyện Cao Biền, dân gian có thành ngữ “Lẩy bẩy như Cao Biền dậy non” để chỉ những người sức yếu, tay chân cử động run rẩy, hoặc hàm ý nếu nóng nẩy vội vàng sẽ thiếu chu đáo, dễ dẫn đến thất bại.

Thế nhưng, truyền thuyết nổi tiếng nhất vẫn là chuyện về nàng tiên nữ tên Loan. Tương truyền ngày xưa có một nàng tiên nữ với sắc đẹp tuyệt trần, vì bản tính ham chơi, nghịch ngơm nên đã cưỡi Ô Thước bay xuống trần gian du ngoạn khắp mọi miền. Đến vùng đất Tuy An, chim mỏi cánh nên hạ xuống đây, khiến người và chim hoá thành một đầm nước. Từ đó nhân dân lấy tên nàng ghép với tên Ô Thước, gọi tắt là Ô Loan để đặt tên cho đầm này.

Đến Phú Yên cũng đừng quên ra mũi Đại Lãnh còn gọi là mũi Điện, nơi được coi là cực Đông của Việt Nam, ở đây còn có ngọn hải đăng Đại Lãnh. Mũi Đại Lãnh là điểm cực đông của tổ quốc, thuộc địa phận thôn Đồng Bé, xã Hoà Tâm, huyện Đông Hoà, cách thành phố Tuy Hoà khoảng 35 km về phía Đông Nam. Đại Lãnh tuyệt đẹp với bãi Môn trong veo, những triền cát trải dài nhấp nhô. Thú vị nhất là men theo đường mòn, lên ngọn hải đăng, ngắm vùng biển bao la xanh ngát, những đoàn tàu chậm chậm trôi, những núi đá hình dáng kỳ lạ, hay trở thành một trong những người đón ngày mới sớm nhất tại “ngọn hải đăng cực Đông” của Tổ quốc.

  

Hải đăng, Mũi Điện Đại Lãnh

Một địa điểm tuyệt đẹp khác của biển Phú Yên đó là Kè chắn sóng Xóm Rớ thuộc phường Phú Đông, Tuy Hòa, Phú Yên. Kè được làm bằng các khối bê tông, lâu ngày một làn rêu xanh mướt phủ kín các khối bê tông tạo ra một khung cảnh thật huyền diệu.

  

Kè chắn sóng Xóm Rớ phường Phú Đông, Tuy Hòa, Phú Yên.

Từ Phú Yên sang Bình Định đi theo đường quốc lộ 1A phải vượt qua đèo cù mông. Đèo Cù Mông là một trong những con đèo nổi tiếng ở Việt Nam bởi vẻ đẹp hoang sơ hùng vĩ, là ranh giới giữa hai tỉnh Phú Yên và Bình Định. Chân đèo phía Nam thuộc xã Xuân Lộc, huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Chân đèo phía Bắc thuộc địa bàn phường Bùi Thị Xuân, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Đèo nằm trên núi cũng có tên là Cù Mông, một phần của dãy Trường Sơn Nam, hay còn gọi là dãy Nam Sơn. Trước đây khi chưa có tuyến đường Quy Nhơn – Sông Cầu thì đèo là con đường chính để qua lại giữa Bình Định và Phú Yên và đi vào các tỉnh miền Nam Trung Bộ.

 

Đèo Cù Mông ranh giới phân chia giữa hai tỉnh Bình Định và Phú Yên

Đèo Cù Mông có chiều dài ngắn nhất trong các đèo ở Việt Nam với chiều dài 7km, đỉnh cao 245m so với mực nước biển, với độ dốc hiểm trở 9%, có nhiều khúc cua, hai bên là sườn núi cao. Đây là đèo có độ nguy hiểm và hiểm trở nhất nhì ở nước ta. Theo một vài tư liệu, đèo Cù Mông chính là ranh giới của hai nước Đại Việt và Chiêm Thành ở gần cuối thế kỷ thứ 15. Ngọn núi bên cạnh Đèo Cù Mông có thế hình con rồng nằm ngủ vục đầu bên ngọn núi. Đuôi vươn mình níu giữ chân núi Ngọc Linh.

Đèo Cù Mông mang trong mình bao giai thoại và các câu chuyện từ xa xưa vọng về. Dân địa phương vẫn truyền nhau câu ca: “Tiếng ai than khóc nỉ non, Vợ chàng lính thú bên hòn Cù Mông”. Gốc tích của câu ca dao này có người nói rằng đó là một câu chuyện tình cảm động của người vợ tiễn chồng vào nam đi lính đánh giặc. Họ chia tay nhau bên đèo Cù Mông. Tiếng khóc nỉ non của người phụ nữ phải xa chồng réo rắt mà ai oán. Cũng có người kể lại rằng đây là tiếng khóc của những người phụ nữ trong cuộc hành trình “Nam tiến”. thời bấy giờ núi non còn hiểm trở chưa có giao thông như bây giờ đi lại còn khó khăn vất vả. Muốn đến được miền nam phải trèo đèo lội suối. Thời bất giờ ở Đèo Cù Mông núi non hiểm trở, dốc cao, hai bên là vách núi, nhiều thú dữ, hầu như khi qua đây những người phụ nữ đều kinh hãi, một phần vì bệnh tật, một phần bỏ mạng vì đường gian nan nguy hiểm. thế nên ở đây đã xuất hiện những tiếng khóc ai oán. Nhiều đêm thanh tịnh ở đây xuất hiện những tiếng nỉ non, réo rắt theo tiếng gió nơi núi rừng heo hút càng bay xa khiến cho những tiều phu gan dạ nhất cũng không giám ở lại núi đèo này vào buổi đêm. Để cho các linh hồn yên nghỉ người dân ở bên kia đèo (dân Bình Định) đã xây dựng một cái am gọi là am cô hồn. Từ đó về sau người ta hầu như không còn nghe thấy những tiếng khóc nỉ non này nữa.

Đèo Cù Mông chạy dọc theo vách núi, phía bên kia là một thung lũng đứt gãy địa chất khá thẳng. Thế nên có thể nói đây là một con đèo thẳng nhất Việt Nam. Tuy cũng khá nguy hiểm nhưng con đèo này có vẻ đẹp hoang sơ hùng vĩ. Dọc hai bên đường đèo là núi rừng đại ngàn xanh mát. Mùi hoa rừng tỏa hương thơm ngào ngạt thanh mát, bầu không khí thoáng đãng trong lành, tiếng chim hót véo von, thanh bình, mộc mạc khác xa với sự ồn ào, tấp nập nơi phố thị. Cung đường đèo rất đẹp, có những đoạn quanh co khúc khuỷu có chút nguy hiểm nhưng đây lại là địa điểm selfie lý tưởng cho dân đi phượt. Đừng chân trên đèo Cù Mông có thể ngắm nhìn những bãi biển với triền cát trắng mênh mông, cảm nhận hơi gió biển cuộn theo gió núi rừng đại ngàn mang một hương vị rất riêng, rất thú vị. Ngay trên ngọn đèo ấy là cổng trại phong Tuy Hòa, nơi được hình thành cách đây hơn 80 năm. Ở đây có khu vườn hoa Hàn Mặc Tử, nơi nhà thơ nổi tiếng Hàn mặc Tử đã từng sống những ngày cuối đời. Vườn hoa cũng đẹp như những vần thơ của ông. Đèo Cù Mông đẹp một cách thú vị, không khí trong lành thoáng đãng cuốn hút.

Vượt qua đèo Cù Mông, chúng tôi tới Qui Nhơn Bình Định và nghỉ tại khách sạn vi vu 110 xuân diệu, hải cảng, quy nhơn. Khách sạn nằm ngay trên đường Xuân Diệu, chạy dọc bãi biển Qui Nhơn.

Mời các bạn xem tiếp Episode 14:

https://hahoangkiem.com/van-hoc/ky-su-phuot-xuyen-viet-episode-14-quy-nhon-binh-dinh-thanh-pho-da-nang-3844.html

 


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bài về chủ bút

    Tinh hoa nhân loại

      Khoa học

        Văn học

          SÁCH CỦA TÔI