Nang tuyến giáp và điều trị (ca lâm sàng)

Cập nhật: 11/05/2015 Lượt xem: 18935

 

Ca lâm sàng U nang tuyến giáp và điều trị

PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm, BV 103 

Nhân một trường hợp bệnh nhân Đỗ Thị H, nữ 51 tuổi phát hiện một u nang thùy phải tuyến giáp. Lâm sàng không có triệu chứng, khi cho bệnh nhân ngửa cổ thấy một khối nhỏ lồi lên bên thùy phải tuyến giáp, khi nuốt khối này di động theo nhịp nuốt. Sờ thấy một khối mềm ranh giới rõ, hình cầu, kích thước khoảng 2×2cm, di động theo nhịp nuốt. Da bên ngoài bình thường, không đau, không khó nuốt, không khó thở. Toàn thân bình thường, cân nặng không thay đổi, nhịp tim đều 86 nhịp/phút, tiếng tim bình thường.

Siêu âm tuyến giáp cho kết quả u nang tuyến giáp, kích thước 2,1 × 2.3cm, thành mỏng và nhẵn, dịch trong lòng nang đồng âm (xem hình dưới).

Khi đi khám ở bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh nhân được các bác sĩ khuyên phẫu thuật, bệnh nhân hết sức lo lắng. Khi gặp chúng tôi được nghe giải thích rõ bệnh nhân yên tâm và đồng ý điều trị theo phương pháp chọc hút.

Chẩn đoán U nang thùy phải tuyến giáp đơn thuần. Thể tích dịch trong nang ta có thể ước tính theo công thức tính thể tích hình cầu. Đường kính nang được tính trung bình sẽ là: (2,1+2,3)/2 = 2,2cm, bán kính trung bình của nang sẽ là 2,2/2=1,1cm. Thể tích nang sẽ là:

V = (4/3).pi.r^3= (4/3) × 3,14 × 1,13 = 5,57ml

Hình ảnh siêu âm U nang tuyến giáp đơn thuần, BN Đỗ Thị H 51 tuổi

Chúng tôi tiến hành chọc hút được 6ml dịch màu nâu đen sánh đặc, sau đó tiêm tetracycline để gây dính. Theo dõi sau 3 tháng, sáng nay bệnh nhân đến kiểm tra lại tuyến giáp bình thường, không còn nang.

Bàn luận:

Khi mô tuyến giáp phát triển thành một nang bên trong chứa đầy dịch lỏng thì được gọi là u nang tuyến giáp. Có hai loại u nang tuyến giáp:

- U nang giáp đơn là dạng u nang thực sự của tuyến giáp thường lành tính và chiếm tỉ lệ nhỏ khoảng 1% các nhân tuyến giáp. Loại u nang này có vách nang nhẵn, lòng nang chứa đầy dịch lỏng màu nâu đen. Trên siêu âm thấy vách nang mỏng, thành nhẵn, dịch trong lòng nang đồng âm. Xung quanh nang là tổ chức tuyến giáp bình thường.

- U nang giáp hỗn hợp không phải là dạng u nang thực sự, chúng là u giả nang. Loại u nang này được hình thành do hậu quả của quá trình chảy máu, thoái hóa, hoại tử trong các nhân ung thư hoặc các nhân đặc lành tính của tuyến giáp. Tùy từng giai đoạn thoái hóa mà dịch trong nang có thể là máu, dịch lẫn máu, hoặc dịch màu vàng chanh, có thể có những mảnh tuyến giáp vỡ hay hoại tử trong lòng nang, hoặc còn dính một phần vào vách nang, có thể có vôi hóa trong nang. U nang giáp hỗn hợp là dạng tổn thương khá phổ biến, chiếm khoảng 20-30% trong số các trường hợp nhân tuyến giáp. Hình ảnh siêu âm cho thấy thành nang dày, vách nang không nhẵn, dịch trong nang là hỗn hợp âm chỗ tăng âm, chỗ giảm âm.

U nang giáp hỗn hợp (một trường hợp carcinoma tuyến giáp)

Lâm sàng:

U nang tuyến giáp không có triệu chứng lâm sàng, thường được phát hiện tình cờ khi khám sức khỏe định kỳ hoặc nhìn thấy nếu u nang ở nông.  Nếu là u nang đơn thì thường là lành tính, nhưng u nang hỗn hợp thì chưa loại trừ hoàn toàn được nguy cơ ung thư. Trong trường hợp u nang hỗn hợp mà trong lòng nang có chứa thêm thành phần mô đặc thì tỷ lệ ung thư sẽ tăng cao hơn (tùy thuộc vào mức độ thành phần đặc trong nang).

Khoảng 15% nang giáp có thể biến mất tự nhiên. Qua một thời gian, nang tuyến giáp có thể thu nhỏ kích thước. Nếu nó không lớn lên và gây ra bất kỳ triệu chứng nào thì có thể không cần điều trị. Tuy nhiên, nó có thể gây ra biến chứng là chảy máu trong nang và làm cho nang lớn lên đột ngột gây đau, nuốt khó, gây lo lắng, khó thở, gia tăng nhịp tim. Nếu điều này xảy ra phải điều trị ngay.

Chẩn đoán:

Khi được chẩn đoán là nang tuyến giáp, cần siêu âm tuyến giáp để biết kích thước, hình dạng và thành phần trong nang, dựa vào đó để quyết định phương thức điều trị. Khi cần thiết có thể làm xét nghiệm xạ hình tuyến giáp để đánh giá tính chất của nang và mô tuyến giáp còn lại. Sinh thiết bằng kim nhỏ nang tuyến giáp dưới hướng dẫn của siêu âm được thực hiện khi nghi ngờ khả năng ung thư.

Điều trị:

- Có một tỉ lệ nhỏ nang tuyến giáp thu nhỏ rồi tiêu đi mà không cần điều trị. Nếu kích thước nang nhỏ, không gây triệu chứng lâm sàng thì chỉ theo dõi mà không cần điều trị.

- Với nang tuyến giáp đơn thuần, chọc hút dịch nang đơn thuần thì nang giáp có khuynh hướng tái phát, tỷ lệ tái phát là 10-80% phụ thuộc số lượng dịch được hút và thể tích nang. Ước lượng số lượng dịch trong nang có thể bằng siêu âm:  V =(4/3).pi.r^3

- Chọc hút hết dịch nang sau đó tiêm vào nang ethanol 900 hoặc tetracycline để gây dính đã mang lại kết quả tốt, tỉ lệ tái phát rất thấp. Đây là biện pháp điều trị tốt chúng tôi đã tiến hành thành công cho trên 100 bệnh nhân trong 3 năm vừa qua.

- Với nang tuyến giáp hỗn hợp kích thước lớn, hoặc mô bệnh học nghi ngờ ung thư cần tiến hành phẫu thuật.

PGS. TS. Hà Hoàng Kiệm

 

 

 


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bệnh thận - Tiết niệu

    Bệnh tim mạch

      Bệnh cơ-xương-khớp

        Bệnh nội tiết-chuyển hóa

          Bệnh tiêu hóa

            Bệnh phổi - phế quản

              Bệnh Thần kinh - Tâm thần

                Bệnh truyền nhiễm

                  Bệnh nhi khoa

                    Cận lâm sàng

                      Bệnh khác

                        Thuốc

                          Vật lý trị liệu

                            Phục hồi chức năng

                              Tư vấn và Chia sẻ thông tin

                                Sách đã xuất bản của Hà Hoàng Kiệm

                                  Bài báo khoa học

                                    SÁCH CỦA TÔI