Bệnh viêm gan (Hepatitis)

Cập nhật: 24/04/2019 Lượt xem: 2396

Bệnh viêm gan (Hepatitis)

1. Đại cương

1.1. Dịch tễ

Viêm gan là tình trạng tổn thương nhu mô gan, đặc trưng bởi sự hiện diện của các tế bào viêm, nguyên nhân do nhiễm khuẩn, nhiễm độc hay quá trình tự miễn của cơ thể. Mọi đối tượng kể cả người già hay trẻ em đều có thể mắc bệnh viêm gan.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh viêm gan do virus là nguyên nhân thứ 7 gây tử vong trên toàn cầu. Ở nước ta, viêm gan do virus đứng thứ ba trong số các nguyên nhân gây tử vong. Việt Nam cũng là quốc gia tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á, đứng thứ 3 châu Á  - một thói quen lớn nhất trực tiếp gây tổn thương trầm trọng cho gan.

Việt Nam là quốc gia nằm trong vùng dịch tễ có tỷ lệ mắc viêm gan virus cao, mức độ tiêu thụ rượu bia gia tăng cùng với tình trạng thực phẩm “bẩn” báo động như hiện nay, uớc tính trung bình mỗi năm cả nước có trên 10.000 ca ung thư gan mới phát hiện, tỷ lệ này cao nhất thế giới.

Có những loại viêm gan cấp tính có thể tự khỏi hoặc nặng có thể gây tử vong nhưng có những loại viêm gan chuyển thành mạn tính và tiếp tục tiến triển thành xơ gan và ung thư gan. Nếu không được phát hiện, phòng ngừa và điều trị kịp thời, viêm gan để lại gánh nặng chi phí cho gia đình, ngành y tế và toàn xã hội. 

1.2. Định nghĩa

Viêm gan được định nghĩa là tình trạng tổn thương nhu mô gan, đặc trưng bởi sự hiện diện của các tế bào viêm, do nhiều nguyên nhân gây nên.

Viêm gan cấp được đặc trưng bởi sự phá huỷ tế bào gan và sự hiện diện tế bào viêm trong mô gan kéo dài dưới 6 tháng. Phần lớn người bị viêm gan cấp tính thường tự phục hồi. 

Viêm gan mạn tính là bệnh gan có tổn thương hoại tử và viêm diễn ra trong thời gian trên 6 tháng. Viêm gan mạn tính thường là hậu quả của viêm gan cấp tính.

1.3. Nguyên nhân

Có ba nhóm nguyên nhân chính gây viêm gan là viêm gan do nhiễm khuẩn, viêm gan do nhiễm độc và viêm gan tự miễn.

- Viêm gan do nhiễm khuẩn: virus, vi khuẩn, ký sinh trùng.

+ Viêm gan do nhiễm virus: Hiện có 6 loại virus viêm gan được phát hiện (A, B, C, D, E, G). Ngoài ra các virus CMV, EBV, Rubella cũng có thể gây viêm gan.

Hai loại virus viêm gan A và viêm gan E lây truyền qua đường tiêu hóa, các loại virus viêm gan còn lại lây truyền qua đường máu. Viêm gan D chỉ xảy ra khi đã nhiễm viêm gan B và sẽ làm cho tình trạng bệnh viêm gan B trầm trọng hơn.

Tất cả các siêu vi này đều gây nên bệnh viêm gan cấp tính. Ngoài ra, siêu vi viêm gan B, C, D, G còn diễn tiến thành viêm gan mạn tính và đưa đến các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng như xơ gan, suy gan và ung thư gan. Hiện nay, mới chỉ có vaccine ngừa virus viêm gan A và viêm gan B.

+ Viêm gan do nhiễm vi khuẩn: Leptospira, thương hàn.

+ Viêm gan do nhiễm ký sinh trùng: Ký sinh trùng sốt rét, Amip, Sán lá gan…

Trong chu kỳ phát triển của ký sinh trùng sốt rét, Plasmodium falciparum từng có thời gian sống ký sinh tại gan cũng là một nguyên nhân làm cho gan bị ảnh hưởng. Trong bệnh cảnh này, gan thường sưng to. Các vai trò quan trọng của gan như chống độc, dự trữ... đều bị thương tổn. Nếu được điều trị tốt, sau từ 2 - 3 tuần gan có thể khôi phục trở lại bình thường. Nhưng nếu việc điều trị không đạt hiệu quả, bệnh nhân có thể bị viêm gan, nặng hơn nữa là xơ gan.

Ngoài ra, việc mắc một số loại amip cũng có thể gây viêm gan amip. Ở giai đoạn viêm gan, bệnh nhân thường sốt cao, có thể kèm rét run 39 - 40 độ C, có thể kèm buồn nôn hoặc nôn, đau nhiều hạ sườn phải. Đau gia tăng khi thở sâu, ho, khám thấy gan to.

- Viêm gan do chất độc: rượu, thuốc (acetaminophen, thuốc kháng lao, thuốc gây mê), các chất độc trong môi trường. 

Viêm gan do rượu bia là tình trạng viêm và hoại tử tế bào gan với các triệu chứng như chán ăn, buồn nôn, nôn, đau bụng, sốt, vàng da, thỉnh thoảng có rối loạn tâm thần. Viêm gan do rượu bia là tình trạng tiến triển của bệnh gan nhiễm mỡ do rượu bia và có thể diễn biến thành xơ gan do rượu bia.

Viêm gan do thuốc là một vấn đề khá phổ biến hiện nay do thói quen lạm dụng thuốc dẫn đến quá liều, tự ý kéo dài lộ trình thuốc điều trị dẫn đến quá liều, thói quen tự dùng thuốc. Những thói quen này chính là nguyên nhân chính góp phần làm cho tổn thương gan do thuốc xảy ra ngày càng nhiều.

-  Viêm gan tự miễn:

Viêm gan tự miễn là tình trạng viêm ở gan xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể tự tấn công gan. Mặc dù nguyên nhân của bệnh viêm gan tự miễn chưa được biết rõ ràng, nhưng người ta nhận thấy rằng một số bệnh, chất độc và các loại thuốc có thể gây ra viêm gan tự miễn ở những người nhạy cảm, đặc biệt là phụ nữ. Nếu không điều trị viêm gan tự miễn có thể dẫn đến xơ gan. Tuy nhiên, viêm gan tự miễn là bệnh rất hiếm gặp, tỉ lệ lưu hành bệnh khoảng 1,9/100 000.

2. Lâm sàng của viêm gan cấp

Các biểu hiện lâm sàng điển hình gợi ý đến viêm gan bao gồm: vàng da, vàng mắt, đau hạ sườn phải, nước tiểu sậm màu, bụng chướng to... Tuy nhiên, những triệu chứng điển hình này chỉ xảy ra khoảng 25% trường hợp và thường xuất hiện ở giai đoạn muộn.

- Giai đoạn tiền vàng da: Mệt mỏi, sốt nhẹ, buồn nôn, chán ăn, đau hạ sườn phải, đau cơ khớp, nổi ban ở da.

- Giai đoạn vàng da:

+ Sốt: Thường chỉ sốt nhẹ, thoáng qua, có thể không có sốt.

+ Mệt mỏi: Người bệnh rất mệt, không muốn vận động, mức độ mệt nặng không tương ứng với các biểu hiện triệu chứng nhẹ khác.

+ Đau đầu.

+ Chán ăn, khó tiêu, đặc biệt không thích ăn mỡ.

+ Sút cân.

+ Đau âm ỉ vùng gan.

+ Nước tiểu sẫm màu.

+ Vàng mắt, vàng niêm mạc, vàng da.

+ Phân bạc màu.

- Giai đoạn phục hồi: vàng da giảm dần, bệnh nhân đi tiểu nhiều, đỡ mệt, cảm giác khỏe và ăn ngon hơn. Đôi khi mệt, vàng da kéo dài vài tuần.

3. Tiến triển

4. Các loại virus viêm gan

Virus viêm gan gồm có 6 loại chính, đó là: A, B, C, D, E, G. Xét về tính lây lan thì cả 6 loại virus này đều có khả năng gây bệnh cho tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi, không phân biệt giới tính và cũng không giới hạn khả năng lây lan.

4.1. Virus viêm gan A (HAV)

Virus viêm gan A (HAV – Hepatitis A Virus) là loại virus lây truyềnqua đường tiêu hóa, chủ yếu qua nguồn nước hay thực phẩm bị nhiễm virus, những người nhiễm loại virus này trong phân họ cũng sẽ có virus. Bên cạnh đó, quan hệ tình dục không an toàn cũng có thể là nguyên nhân lây truyền virus viêm gan A.

Virus viêm gan A

Bệnh viêm gan A thường nhẹ, thường thì sau khi mắc bệnh cơ thể bệnh nhân sẽ tự sản sinh ra kháng thể chống lại virus và tự chữa khỏi, sau đó hoàn toàn miễn dịch đối với bệnh. Chỉ một số rất ít các trường hợp bệnh có thể trở nặng và ảnh hưởng tới tính mạng người bệnh.

Hiện nay trên thế giới đã có vaccine phòng chống virus viêm gan A.

4.2. Virus viêm gan B (HBV)

Virus viêm gan B (HBV – Hepatitis B Virus) là loại virus duy nhất có cấu trúc AND và có khả năng lây truyền qua 3 con đường: đường máu, đường tình dục và lây truyền mẹ truyền sang con khi mang thai. Virus viêm gan B có khả năng lây lan mạnh gấp 100 lần virus HIV. Do đó, chỉ cần một xây xát nhỏ trên da và niêm mạc khi tiếp xúc với máu người nhiễm virus cũng là “con đường” cho virus này xâm nhập vào cơ thể.

Virus viêm gan B

Các triệu chứng của bệnh viêm gan B rất mờ nhạt và khó phân biệt. Bệnh nhân ở giai đoạn cấp tính sẽ có một số dấu hiệu như: chán ăn, mệt mỏi, vàng da… trong khi bệnh nhân giai đoạn mạn tính không có dấu hiệu điển hình nào. Tuy vậy, nếu không sớm phát hiện và điều trị virus viêm gan B rất có thể dẫn đến những biến chứng nguy hại cho gan như xơ gan, suy gan thậm chí ung thư gan.

Viêm gan virus B hiện đã có vaccine phòng bệnh an toàn và hiệu quả nhưng chưa có thuốc đặc trị cho căn bệnh này.

4.3. Virus viêm gan C (HCV)

Virus viêm gan C (HCV – Hepatitis C Virus) lây truyền từ người mang virus sang người lành theo 3 con đường: đường máu, đường tình dục và mẹ truyền cho con qua nhau thai khi sinh, trong đó đường máu là con đường chủ yếu. Bên cạnh đó, các báo cáo cũng có ghi nhân một tỷ lệ khoảng từ 30 - 40% trường hợp bị nhiễm virus viêm gan C nhưng không rõ nguyên nhân lây nhiễm.

Virus viêm gan C 

Virus viêm gan C không nguy hiểm bằng virus viêm gan B nhưng đây cũng là một trong những virus dẫn đến những biến chứng như xơ gan và ung thư gan. Có tới 85% bệnh nhân nhiễm virus viêm gan C cấp tính chuyển thành mạn tính.

Hiện nay chưa có vaccine phòng chống virus viêm gan C.

4.4. Viêm gan virus D (HDV)

HDV còn gọi là virus delta có hình cầu, đường kính 35 – 37nm. Axit nhân là một sợi ARN nhỏ khoảng nửa triệu Dalton. HDV chỉ có phần nhân ARN còn phần vỏ bọc là HBsAg của HBV (hoặc một Hepadnavirus khác). Do vậy HDV muốn nhân lên phải có HBsAg để làm vỏ mới thành được virus hoàn chỉnh. Chính vì thể mà không bao giờ HDV lại có thể độc lập gây bệnh được. Nhiễm virus viêm gan D (HDV - Hepatitis D Virus) chỉ xảy ra ở người đã nhiễm virus viêm gan B. Người bệnh nhiễm cả 2 virus này sẽ khiến cho bệnh tình trở nên nặng và khó điều trị hơn. May mắn là vaccine tiêm phòng viêm gan B cũng có tác dụng phòng tránh virus viêm gan D.

4.5. Viêm gan virus E (HEV)

Virus viêm gan E (HEV - Hepatitis E Virus) là loại virus viêm gan ít phổ biến hơn cả và con đường lây truyền của nó cũng giống với virus viêm gan A là lây qua đường thức ăn, nước uống và quan hệ tình dục.

4.6. Virus viêm gan G (HGV)

Là một thành viên thuộc họ Flaviviridae, trong thành phần có 25% sự đồng nhất với HCV nhưng vai trò gây bệnh chưa rõ ràng. Thường trên 70% trường hợp nhiễm HGV không có biểu hiện lâm sàng.

Tài liệu tham khảo:

https://text.123doc.org/document/2362222-bai-giang-ve-viem-gan-cap.htm

https://www.hoanmyminhhai.com/tim-hieu-ve-cac-loai-benh-viem-gan-cap-tinh-man-tinh.html

 


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bệnh thận - Tiết niệu

    Bệnh tim mạch

      Bệnh cơ-xương-khớp

        Bệnh nội tiết-chuyển hóa

          Bệnh tiêu hóa

            Bệnh phổi - phế quản

              Bệnh Thần kinh - Tâm thần

                Bệnh truyền nhiễm

                  Bệnh nhi khoa

                    Cận lâm sàng

                      Bệnh khác

                        Thuốc

                          Vật lý trị liệu

                            Phục hồi chức năng

                              Tư vấn và Chia sẻ thông tin

                                Sách đã xuất bản của Hà Hoàng Kiệm

                                  Bài báo khoa học

                                    SÁCH CỦA TÔI