Viêm màng não do virus (viêm màng não nước trong)

Cập nhật: 09/03/2016 Lượt xem: 18776

 Viêm màng não do virus (viêm màng não nước trong)

PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm, BV 103 

1. Đại cương

1.1. Khái niệm

Viêm màng não do virus là tình trạng viêm ở màng não và màng tủy do virus gây ra. Viêm màng não do virus là nguyên nhân thường gặp nhất của viêm màng não.

Viêm màng não do virus còn được gọi là viêm màng não nước trong (vì dịch não tủy trong). Tuy nhiên viêm màng não nước trong còn gặp do một số vi sinh vật khác không phải virus như kí‎ sinh trùng, nấm, thuốc hoặc hóa chất hoặc viêm màng não mủ mất đầu, nhưng các loại này hiếm gặp nên khi nói viêm màng não nước trong thường ám chỉ viêm màng não do virus.  

Khác với viêm màng não do virus, viêm màng não do vi khuẩn thì dịch não tủy đục nên còn được gọi là viêm màng não mủ, là nguyên nhân đứng hàng thứ hai sau viêm màng não do virus.

Viêm màng não do virus thì nghiêm trọng nhưng hiếm khi gây tử vong ở những người có hệ miễn dịch bình thường. Thông thường, triệu chứng kéo dài 7 đến 10 ngày và bệnh nhân khỏi hoàn toàn. Trái lại, viêm màng não do vi khuẩn có thể rất nghiêm trọng và có thể gây nên khuyết tật hoặc tử vong nếu không được điều trị sớm.

Thông thường, triệu chứng lâm sàng của viêm màng não do virus và viêm màng não do vi khuẩn là giống nhau. Vì đặc điểm này, bệnh nhân nghi viêm màng não cần đi khám bệnh càng sớm càng tốt. Xét nghiệm dịch não tủy, xét nghiệm nồng độ procalcitonin, xét nghiệm vi sinh vật giúp cho chẩn đoán phân biệt giữa hai loại viêm màng não này.

1.2. Nguyên nhân

Nhiễm các loại virus khác nhau có thể đưa đến viêm màng não do virus. Nhưng hầu hết các trường hợp ở Hoa kỳ, đặc biệt là trong những tháng mùa hè và mùa thu, là do Enterovirus gây nên (bao gồm Enterovirus, Coxsakieviruses, và Echoviruses). Hầu hết người bị nhiễm Enterovirus hoặc không có triệu chứng hoặc chỉ bị cảm lạnh, nổi mẩn, hoặc là đau họng với sốt nhẹ - vừa. Và, chỉ có 1 số nhỏ người nhiễm Enterovirus bị viêm màng não.

Những nhiễm virus khác có thể đưa đến viêm màng não bao gồm quai bị, Herpesvirus ( như là Epstein- Barr virus, Herpex simple virus, và Varicella -zoster virus- gây nên thủy đậu và zona), sởi và cúm.

Arbovirus (virus hại cây gỗ), muỗi và các côn trùng khác lây lan, cũng có thể gây nhiễm mà có thể đưa đến viêm màng não virus. Và, lymphocytic choriomeningi (viêm màng não do virus lây từ chuột nhà sang), lây lan qua gặm nhấm, thì hiếm khi gây nên viêm màng não virus.

Bảng 1. Các loại virus có thể gây viêm màng não

Họ virus

Loại virus

Enterovirus

Poliovirus
Echovirus
Coxsackievirus A
Coxsackievirus B
Enterovirus 68-71

Herpesvirus

HSV-1 và HSV-2
Virus thuỷ đậu-giời leo
EBV
CMV
HHV-6 (Human Herpes virus)
HHV-7

Paramyxovirus

Virus quai bị
Virus sởi
Togavirus
Rubella virus

Flavivirus

Virus viêm não Nhật Bản
Virus viêm não St. Louis

Bunyavirus

Virus viêm não California
Virus viêm não La Crosse

Alphavirus

Virus viêm não ngựa miền đông
Virus viêm não ngựa miền tây
Virus viêm não Venezuela

Reovirus

Reovirus

Virus sốt ve Colorado

Arenavirus
LCM virus
Rhabdovirus
Virus dại
Retrovirus

HIV

HIV

 

1.3. Đường lây

Các virus khác nhau gây viêm màng não thì lây lan qua những con đường khác nhau. Enterovirus, nguyên nhân thường gặp của viêm màng não virus, thường lây qua tiếp xúc trực tiếp với phân của người bị nhiễm, đây là con đường chủ yếu đối với những trẻ nhỏ chưa được tập cho thói quen rửa tay sau khi đi vệ sinh. Nó cũng có thể lây bằng con đường này ở người lớn khi thay tã cho trẻ bị nhiễm.

Enterovirus và những virus khác (như virus quai bị và thủy đậu) cũng có thể lây qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với dịch hô hấp (như nước bọt, đờm hoặc là dịch mũi) của người bị nhiễm. Điều này thường xảy ra qua việc hôn hít hoặc bắt tay với người nhiễm hoặc là đụng vào vật nào đó mà đã được người nhiễm cầm, nắm và rồi sau đó chà (sờ) vào mũi hoặc miệng.

 Virus cũng có thể đọng lại trên mặt phẳng vài ngày và có thể lây lan tử các vật dụng.

Virus cũng có thể lây lan trực tiếp khi người nhiễm ho hoặc hắt hơi và bắn những giọt chứa virus vào trong không khí thở.

Thời gian tử khi một người bị nhiễm đến khi biểu hiện triệu chứng (thời kỳ ủ bệnh) thường là khoảng 3- 7 ngày đối với enterovirus.

Một người nhiễm thì thường lây từ lúc họ có triệu chứng cho đến khi triệu chứng biến mất. Trẻ nhỏ và người bị suy yếu miễn dịch có thể lây nhiễm thậm chí là sau khi triệu chứng đã được giải quyết.

Người có nguy cơ lây nhiễm là những người ở gần với người bị viêm màng não siêu vi. Nhưng khi đã bị nhiễm virus thì nguy cơ bị viêm màng não cũng rất thấp.

2. Lâm sàng và cận lâm sàng

2.1. Triệu chứng lâm sàng

Triệu chứng có thể xuất hiện nhanh chóng hoặc cũng có thể vài ngày sau khi bị nhiễm virus, thường là sau khi bị cảm lạnh hoặc là chảy mũi, tiêu chảy, nôn ói, hoặc những dấu hiệu khác của lây nhiễm. Triệu chứng ở người lớn có thể khác với triệu chứng ở trẻ em:

- Ở trẻ nhũ nhi:

+ Sốt

+ Bức rứt

+ Ăn , bú kém

+ Khó đánh thức

- Ở trẻ lớn và người lớn:

+ Sốt cao

+ Đau đầu nhiều

+ Cứng gáy

+ Nhạy cảm với ánh sáng

+ Buồn ngủ hoặc khó đánh thức

+ Không muốn ăn uống

2.2. Cận lâm sàng

- Xét nghiệm dịch não tủy:

Viêm màng não do virus thường được chẩn đoán bằng xét nghiệm dịch não tủy của bệnh nhân. Xét nghiệm có thể cho biết là bệnh nhân bị nhiễm virus hoặc là vi trùng. Nếu viêm màng não do virus thì dịch não tủy trong (do vi khuẩn thì đục), áp lực tăng nhẹ thường < 200mmH2O (do vi khuẩn thì tăng cao >200mmH20),  số lượng bạch cầu tăng nhẹ thường <300 BC/µl chủ yếu là lympho (do vi khuẩn thì tăng cao, thường >300 BC/µl chủ yếu là bạch cầu đa nhân trung tính), nồng độ glucosse và protein bình thường (do vi khuẩn thì glucosse thấp <2,2mmol/l, protein tăng >1,0g/l), Vi sinh vật xác định mầm bệnh là virus hay vi khuẩn.

Bảng 2. Dịch não tuỷ của viêm màng não do vi khuẩn và viêm màng não do virus

Căn nguyên

Áp lực (mm H2O)

Số bạch cầu/µl

Glucose (mmol/l)

Protein (g/L)

Vi sinh

Viêm màng não mủ

200-300

100-5000; >80% BCĐNTT

<2,2

>1,0

Xác định mầm bệnh đặc hiệu 60% với nhuộm Gram và 80% với nuôi cấy

Viêm màng não virus

90-200

10-300; Chủ yếu BC lympho

Bình thường, giảm trong LCM và quai bị

Bình thường, có thể tăng nhẹ

Phân lập virus, PCR

Các giá trị bình thường

80-200

0-5; Chủ yếu BC lympho

2,8-4,2

0,15-0,40

Âm tính

- Xét nghiệm nồng độ Procalcitonin huyết thanh hoặc dịch não tủy cũng giúp chẩn đoán phân biệt viêm màng não do vi khuẩn hay do virus: Nếu viêm màng não do vi khuẩn thì nồng độ Procalcitonin tăng 0,5ng/ml hoặc hơn (độ nhạy 99%, độ đặc hiệu 83%). Viêm mànd não do virus thì nồng độ Procalcitonon không tăng hoặc tăng nhẹ.

Triệu chứng của viêm màng não virus giống như của viêm màng não do vi khuẩn. Viêm màng não do vi khuẩn là loại thường nặng hơn và có thể tử vong, vì vậy xét nghiệm để chẩn đoán phân biệt giữa viêm màng não do virus và viêm màng não do vi khuẩn để có biện pháp điều trị thích hợp là rất quan trọng. Việc nhập viện có thể cần thiết ở những trường hợp nặng hoặc là ở những người có hệ miễn dịch suy yếu.

Nguyên nhân chính xác của viêm màng não virus có thể tìm được qua xét nghiệm vi sinh vật, tuy nhiên tỷ lệ thành công không cao. Nó chỉ ra loại virus nào đã bị nhiễm, nhưng nhận dạng chính xác loại virus gây nên viêm màng não là khó.

3. Điều trị

Không có điều trị đặc hiệu đối với viêm màng não virus. Hầu hết bệnh nhân khỏi hoàn toàn trong vòng 2 tuần.

Kháng sinh không có tác dụng với nhiễm virus, vì vậy không có ích trong điều trị viêm màng não do virus. Bệnh nhân thường được khuyến cáo nghỉ ngơi tại giường, uống nước đầy đủ, và dùng thuốc để giảm đau và hạ sốt.

Nhập viện chỉ cần thiết trong những trường hợp nặng hoặc ở những người có hệ miễn dịch suy yếu.

 

Phỏng theo: Liên Kim (theo CDC Hoa Kỳ). http://www.benhviennhi.org.vn/news/detail/78/viem-mang-nao-do-sieu-vi.html 


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bệnh thận - Tiết niệu

    Bệnh tim mạch

      Bệnh cơ-xương-khớp

        Bệnh nội tiết-chuyển hóa

          Bệnh tiêu hóa

            Bệnh phổi - phế quản

              Bệnh Thần kinh - Tâm thần

                Bệnh truyền nhiễm

                  Bệnh nhi khoa

                    Cận lâm sàng

                      Bệnh khác

                        Thuốc

                          Vật lý trị liệu

                            Phục hồi chức năng

                              Tư vấn và Chia sẻ thông tin

                                Sách đã xuất bản của Hà Hoàng Kiệm

                                  Bài báo khoa học

                                    SÁCH CỦA TÔI