Nhiệt trị liệu

Cập nhật: 07/06/2015 Lượt xem: 11023

NHIỆT TRỊ LIỆU

PGS. TS. Hà Hoàng Kiệm, BV 103

1. KHÁI NIỆM

1.1. Nhiệt độ

Nhiệt độ là đại lượng vật lý đặc trưng cho mức độ nóng lạnh của hệ vật chất. Đơn vị của nhiệt độ là độ.

1.2. Tác dụng sinh học của nhiệt độ

1.2.1. Ảnh hưởng của nhiệt độ lên năng lượng hoạt hóa, vận tốc của phản ứng hóa học trong cơ thể sống

Để một phản ứng xảy ra phải có hai điều kiện:

- Phải có sự va chạm của các hạt tham gia phản ứng.

- Các hạt tham gia phản ứng phải có năng lượng bằng hoặc lớn hơn năng lượng hoạt hoá.

Khi tăng nhiệt độ, động năng các phân tử tăng làm tăng xác suất va chạm giữa các phân tử. Các phân tử có động năng vượt năng lượng hoạt hóa cũng tăng lên làm vận tốc phản ứng tăng theo.

1.2.2. Tác động của nhiệt độ lên quá trình vận chuyển các chất qua màng tế bào

- Vận chuyển thụ động bao gồm:

+ Khuếch tán: là quá trình vận chuyển thụ động các chất qua màng theo hướng từ nơi có nồng độ cao tới nơi có nồng độ thấp do quá trình chuyển động của các phân tử. Tốc độ khuếch tán phụ thuộc vào hệ số khuếch tán, diện tích khuếch tán và gradien nồng độ. Hệ số khuếch tán phụ thuộc vào bản chất của chất khuếch tán và nhiệt độ. Trong tổ chức sống, bản chất của chất, diện tích khuếch tán thường ít thay đổi, nếu nồng độ chất khuếch tán không thay đổi thì tốc độ khuếch tán chỉ còn phụ thuộc vào nhiệt độ. Khi nhiệt độ tăng làm tăng tốc độ khuếch tán.

+ Thẩm thấu: là quá trình vận chuyển của các phân tử nước qua màng bán thấm từ nơi có nồng độ chất tan thấp tới nơi có nồng độ chất tan cao hơn. Hiện tượng thẩm thấu gây ra bởi áp xuất thẩm thấu. Áp suất thẩm thấu của các dung dịch lại phụ thuộc vào lượng chất tan và nhiệt độ của dung dịch. Khi nhiệt độ dung dịch tăng lên làm áp suất thẩm thấu của dung dịch giảm.

+ Siêu lọc: Các phân tử nước di chuyển từ nơi có áp suất thủy tĩnh cao đến nơi có áp suất thủy tĩnh thấp, được gọi là siêu lọc.

- Vận chuyển tích cực:

       Hiện tượng vận chuyển các chất có tính chất chọn lọc, ngược gradien nồng độ và gradien điện hóa đòi hỏi phải tiêu tốn năng lượng. Quá trình vận chuyển này được gọi là quá trình vận chuyển tích cực. Sự vận chuyển tích cực nhờ các "bơm" và các chất vận chuyển. Năng lượng dùng cho quá trình này được cung cấp bởi thủy phân các phân tử cao năng ATP. Khi tăng nhiệt độ cũng làm tăng tốc độ vận chuyển tích cực. Nhưng quá trình này có giới hạn, khi nhiệt độ vượt qua giới hạn nào đó sẽ làm hủy hoại cấu trúc enzym và làm chậm quá trình vận chuyển.

1.2.3. Tác động của nhiệt độ đối với quá trình viêm

Tăng nhiệt độ tại chỗ hoặc toàn thân có ý nghĩa bảo vệ: làm giãn mạch, tăng tính thấm của thành mạch, tăng lượng bạch cầu tới vùng viêm, tăng hoạt tính xuyên mạch và thực bào của bạch cầu... Điều trị nhiệt nóng tại chỗ có tác dụng làm tăng cường cơ chế bảo vệ của cơ thể để chống lại quá trình viêm.

1.2.4. Tác động của nhiệt độ lên tổ chức liên kết

Tổ chức liên kết được cấu tạo bởi các sợi collagen và chất nền elastin.

- Khi nhiệt độ của tổ chức liên kết tăng lên trên 37oC (điều trị bằng nhiệt nóng) thì các mối liên kết ngang giữa các sợi collagen trở nên yếu và dễ đứt dưới tác dụng của lực co giãn từ bên ngoài. Khi nhiệt độ của tổ chức liên kết giảm (điều trị bằng nhiệt lạnh) thì các mối liên kết ngang này trở nên bền chắc.

- Khi nhiệt độ của tổ chức liên kết tăng lên thì độ nhớt của chất nền elastin giảm, làm cho tổ chức liên kết trở nên mềm mại. Khi nhiệt độ của tổ chức liên kết giảm (điều trị bằng nhiệt lạnh) thì độ nhớt của chất nền elastin tăng làm tính đàn hồi của tổ chức liên kết giảm.

Nhờ các tính chất này của collagen mà người ta sử dụng nhiệt nóng trong điều trị để làm mềm sẹo, làm tăng khả năng vận động của khớp trước khi tập vận động phục hồi chức năng cho các khớp bị hạn chế vận động, làm giảm co cứng cơ.

1.2.5. tác động của nhiệt độ lên hệ thần kinh

Khi nhiệt độ tác động lên da, các thụ cảm thể nhận cảm nhiệt độ ở da bị kích thích phát ra các xung động dẫn truyền hướng tâm theo đường dẫn truyền cảm giác lên não gây ra cảm giác nhiệt. Từ não, các xung động thần kinh ly tâm gây ra các phản xạ tại chỗ nhiệt độ tác động. Các phản xạ tương tự cũng xảy ra ở các vùng được chi phối bởi cùng một đốt đoạn thần kinh với vùng bị nhiệt độ tác động. Nếu các phản xạ tại chỗ và phản xạ theo vùng chi phối của cùng đốt đoạn thần kinh không đủ để điều hòa nhiệt độ thì xảy ra phản ứng toàn thân.

Bảng 1: Tác động của nhiệt độ lên tổ chức cơ thể sống.

Tác động

Nhiệt nóng

Nhiệt lạnh

 

Tuần hoàn

Giãn mạch

Tăng dòng máu

Tăng phù nề

Co mạch

Giảm dòng máu

Giảm phù nề

Chuyển hoá

Tăng chuyển hóa

Giảm chuyển hóa

 

Mô liên kết

Giảm độ nhớt

Tăng khả năng đàn hồi

Giảm co cứng

Tăng độ nhớt

Giảm khả năng đàn hồi

Tăng co cứng

Đau

Giảm đau

Lúc đầu đau tăng, sau giảm đau

Thần kinh - cơ

Giảm co cứng cơ

Tăng co cứng cơ

2. TÁC DỤNG LÂM SÀNG CỦA NHIỆT TRỊ LIỆU

2.1. Nhiệt nóng

2.1.1. Chỉ định điều trị

- Chỉ định tại chỗ:

+ Cần tăng dinh dưỡng tại một vùng nào đó của cơ thể.

+ Làm tăng tái sinh tổ chức, nhanh liền vết thương hoặc vết loét, loại mau các tổ chức hoại tử.

+ Giảm đau, giảm co thắt cơ.

+ Tăng cường khả năng chống viêm tại chỗ.

+ Làm mềm sẹo.

- Chỉ định toàn thân:

+ Khi cần tăng thải mồ hôi để loại các chất cặn bã của chuyển hóa như sau khi bị sốt, giai đoạn hồi phục bệnh.

+ Giảm mệt mỏi, tăng sức khỏe sau lao động gắng sức (tắm hơi nước nóng).

+ Trường hợp lạnh cóng, dị ứng do lạnh.

2.1.2. Chống chỉ định điều trị bằng nhiệt nóng

- Các ổ viêm đã hóa mủ.

- Các khối u lành tính và u ác tính.

- Lao xương, lao khớp.

- Các vùng đang chảy máu hoặc đe doạ chảy máu.

- Chống chỉ định điều trị toàn thân với các bệnh nhân suy tim, bệnh gan, bệnh thận nặng...

2.2. Nhiệt lạnh

2.2.1. Tác động lạnh cục bộ

Nếu đắp lạnh diện hẹp, thời gian ngắn thì phản ứng chỉ xảy ra tại chỗ gồm co mạch, giảm tuần hoàn, giảm chuyển hóa. Nếu đắp lạnh rộng hơn và thời gian kéo dài hơn, ngoài phản ứng tại chỗ thì các phản ứng tương tự cũng xảy ra trong vùng được chi phối bởi cùng đốt đoạn thần kinh.

            Nếu đắp lạnh diện rộng và kéo dài thì các phản ứng tại chỗ và phản ứng theo đốt đoạn thần kinh không đủ để điều hòa nhiệt độ sẽ làm xuất hiện các phản ứng toàn thân như run cơ, tăng chuyển hóa, tăng tiêu thụ oxy để tăng tạo nhiệt độ.

            Đắp lạnh tại chỗ thời gian ngắn có tác dụng tăng hưng phấn thần kinh, lạnh kéo dài làm giảm hưng phấn thần kinh. Đắp lạnh tại chỗ gây co mạch, giảm tuần hoàn, giảm tính thấm thành mạch, do đó làm giảm phản ứng viêm cấp tính và giảm phù nề.

2.2.2. Hạ nhiệt độ toàn thân

Bằng phương pháp gây mê để cắt cơ chế điều hòa thân nhiệt độ, người ta có thể dùng nước đá để làm hạ nhiệt độ toàn thân, làm giảm chuyển hóa tế bào, giảm tiêu thụ oxy, tế bào có thể chịu đựng được tình trạng thiếu oxy tốt hơn và lâu hơn. Phương pháp này được ứng dụng trong mổ tim và các mổ lớn có sử dụng tuần hoàn ngoài cơ thể, để bảo quản các tạng ghép.

3. CÁC PHƯƠNG PHÁP NHIỆT TRỊ LIỆU THƯỜNG DÙNG

3.1. Nhiệt nóng

Để điều trị bằng nhiệt nóng, người ta cần dùng các chất trung gian truyền nhiệt. Chất trung gian truyền nhiệt được lựa chọn cần thỏa mãn điều kiện sau:

- Không gây độc và dị ứng khi tiếp xúc với da (là tiêu chuẩn bắt buộc).

- Giữ nhiệt độ lâu (có nhiệt độ dung lớn).

- Truyền nhiệt độ từ từ.

- Dễ sử dụng.

3.1.1. Paraffin

Paraffin là một hỗn hợp của các carbuahydro no (CnH2n+2), là sản phẩm của quá trình hóa dầu. Paraffin sử dụng trong y học có màu trắng, đã được lọc sạch tạp chất, không gây tác động hóa học.

- Đặc tính của paraffin:

+ Paraffin không độc: vì là hỗn hợp của các carbuahydro no nên paraffin không gây ra các tác động hóa học. Không độc khi đắp lên da và rất hiếm khi gây dị ứng.

+ Paraffin có nhiệt độ dung cao: đây là đặc tính quan trọng nhất. Để làm tăng nhiệt độ của 1g paraffin lên 1oC cần 0,7calo, 1g paraffin muốn chuyển từ thể rắn sang thể lỏng cần thêm 39calo. Khi nguội dần, paraffin cũng giải phóng ra một nhiệt lượng tương tự. Ví dụ: nhiệt độ paraffin đắp lên da là 56o C, khi nguội dần xuống 45oC thì 1g paraffin cung cấp cho cơ thể 11 ´ 0,7 = 7,7calo. Thêm nữa, khi chuyển từ thể lỏng 52 - 53oC (nhiệt nóng chảy của paraffin là 52 - 53oC) sang thể rắn, 1g paraffin giải phóng ra 39calo nữa, làm tổng số calo mà 1g paraffin truyền cho cơ thể là 46,7calo. Nếu so sánh với nước ở nhiệt độ da chịu được mà không gây bỏng là 42oC, khi nguội không còn tác dụng là 35oC thì 1g nước chỉ cung cấp 7calo.

+ Paraffin dẫn truyền nhiệt độ chậm: Khi lớp paraffin nóng ở bên ngoài tiếp xúc với da, nó bị nguội đi và đông lại tạo ra một lớp bảo vệ da khỏi bị quá nóng. Nhiệt độ từ lớp trong dẫn truyền chậm qua lớp paraffin đông đặc. Do vậy, đắp paraffin từ 55 - 56oC lên da vẫn chịu được mà không gây bỏng. Do đặc tính này mà số lượng nhiệt độ rất lớn được truyền vào cơ thể rất từ từ.

 + Paraffin sử dụng rất tiện lợi: Miếng paraffin đông đặc rất mềm dẻo, do đó có thể áp sát mọi vùng da lồi lõm và có thể có nhiều phương pháp sử dụng tiện lợi cho từng vùng cơ thể. Khi nguội dần, paraffin co lại và ép vào da nên mặc dù da tại vùng đắp paraffin xung huyết nhưng không bị ứ máu.

Với các đặc tính trên, paraffin được sử dụng làm chất trung gian truyền nhiệt rất phổ biến trong các khoa Vật lý trị liệu.

- Phương pháp điều trị bằng paraffin: Để sử dụng paraffin, người ta đun paraffin cách thủy cho nóng chảy. Đun cách thủy để paraffin không bị giòn và không bị cháy vàng hoặc đen (paraffin nóng chảy ở 52 - 53oC).

+ Đắp paraffin bằng miếng: Múc paraffin nóng chảy ra khay để độ dày paraffin từ 1,5 - 2cm. Khi nguội paraffin đông đặc lại, dùng dao cắt tách rời miếng paraffin ra khỏi khay, nhiệt độ bề mặt của miếng paraffin khoảng 45 - 47oC, trong ruột khoảng 52 - 55oC. Sau đó đắp miếng paraffin lên vùng điều trị, dùng nilon và chăn bọc kín bên ngoài để giữ nhiệt nóng được lâu hơn, thời gian đắp 20 - 30 phút.

 

Hình 1.8: Nồi đun cách thủy paraffin (trái), paraffin được múc ra khay (phải).

+ Túi paraffin: Người ta cho paraffin vào túi chất dẻo loại polysteren chịu được nhiệt độ cao 110oC. Mỗi túi có kích thước nhất định, bề dày paraffin khoảng 2 - 3cm, dồn hết không khí ra và dán kín. Khi sử dụng ngâm túi vào nước nóng 80oC, sau khi paraffin chảy, lấy ra để cho lớp ngoài nguội bớt rồi đắp lên chỗ cần điều trị. Phương pháp này sạch, tiện lợi, có thể sử dụng ngoài bệnh viện.

+ Nhúng paraffin: Khi paraffin ở thể lỏng bắt đầu chuyển sang thể đặc, nhiệt độ của paraffin lúc này khoảng 52 - 56oC, nhúng bộ phận cơ thể cần điều trị vào rồi rút ra, lặp lại nhiều lần như vậy cho đến khi lớp paraffin đạt độ dày 1,5 – 2 cm thì bọc lại.

+ Quét paraffin: Nhúng chổi lông vào paraffin nóng chảy đang đông đặc rồi quét lên da từng lớp một cho đến khi tạo được lớp paraffin có độ dày 1,5 - 2cm thì bọc lại bằng nilon và chăn.

3.1.2. Túi silicat

Túi khi còn mới có chứa silica khô (silicol dioxyd), khi ngâm vào nước thì mỗi phân tử silicol dioxyd có khả năng ngậm 17 phân tử nước, làm cho túi phồng lên và giữ hình thể như vậy cho đến khi túi khô. Vì vậy, nhiệt độ của túi có thể giữ xấp xỉ nhiệt độ của nước khi đun từ 65 - 900C. Nếu túi bị khô sẽ cứng lại và nứt ra, sau đó không thể dùng túi này nữa mà phải bỏ. Túi có thể mốc nếu để ra khỏi nước một thời gian quá lâu.

Phương pháp ngâm túi lần đầu: Đổ nước đầy 3/4 thùng, giữ ngăn túi nằm ngang, rung nhẹ để dàn đều bột silica khô rồi nhúng vào nước. Sau khi túi đã ngâm một vài giờ, silicat ngấm nước sẽ làm túi phồng cứng lên. Xoay túi để các ngăn đứng thẳng rồi nhúng vào nước đun nóng, phải chắc chắn túi ngập hết vào nước. Đợi đến khi nước có nhiệt độ 50o - 600C có thể lấy túi để dùng. Vì khi nhiệt độ > 450C thì có thể gây bỏng, do đó cần xếp một tấm khăn thành 6 lớp phủ lên da, đặt túi lên và bọc lại bằng chăn để giữ nhiệt độ. Sau 20 - 30 phút thì túi bị nguội, muốn dùng lại đặt túi vào thùng nước nóng.

Chú ý: Sau khi điều trị, treo túi lên cho ráo nước nhưng luôn giữ cho túi ẩm để dùng lại cho các lần điều trị sau, không để túi khô vì sẽ làm hỏng silicat.

3.1.3. Khay nhiệt điện

Khay nhiệt điện là một khay hình chữ nhật hoặc hình vuông được làm bằng nhôm, bên trong là một lớp cách điện và ở giữa là tấm nhiệt độ điện, khi có điện làm cho tấm nhiệt nóng lên và có thể duy trì ở một nhiệt độ nhất định. Khi điều trị, người ta đặt vùng cần điều trị lên trên bề mặt khay, có thể lót giữa khay nhiệt điện và da các loại lá thuốc đông y, bật công tắc điện để khay nóng lên. Thời gian một lần điều trị khoảng 20 - 30 phút.

3.1.4. Các phương pháp cổ truyền

Người ta thường dùng các biện pháp chườm nóng bằng muối rang nóng, cát rang nóng, túi nước nóng, các loại lá sao nóng như lá ngải cứu, lá cúc tần. Ưu điểm là nguyên liệu dễ kiếm, rẻ tiền nhưng giữ nhiệt của các chất trung gian truyền nhiệt này kém nên phải làm nóng lại nhiều lần trong một lần điều trị, dễ bị bỏng.

3.2.  Nhiệt lạnh

Điều trị nhiệt lạnh có tác dụng làm giảm tưới máu tại chỗ, giảm tính thấm thành mạch, giảm chuyển hóa, giảm tiêu thụ oxy, giảm phản ứng viêm cấp, giảm trương lực cơ. Vì vậy, điều trị nhiệt lạnh có tác dụng làm giảm phù nề, giảm đau và tê, tăng tầm vận động khớp ở bệnh nhân co cứng cơ, giảm co giật cơ. Chống chỉ định khi có biểu hiện thiếu nuôi dưỡng.

3.2.1. Túi nước đá

Dùng một khăn ngâm vào nước lạnh, vắt để khăn ẩm rồi đắp lên vùng da cần điều trị, sau đó dùng bao nhựa hoặc lọ cao su mềm đổ đầy nước đá đặt lên.

                

Hình 1.11: Chườm túi nước đá lên vùng khớp cổ chân và khớp gối

sau chấn thương mới.

3.2.2. Ngâm lạnh

Phương pháp này chỉ áp dụng với tay và chân. Cho bệnh nhân nhúng bộ phận cơ thể vào nước lạnh và hạ nhiệt độ nước xuống dần dần bằng cách cho thêm nước đá vào.

3.2.3. Xoa bóp với nước đá

     Xoa bóp vùng da cần điều trị với một cục nước đá hoặc một túi nước đá.

3.3. Điều trị bằng nhiệt nóng - lạnh xen kẽ

Điều trị nóng và lạnh xen kẽ có tác dụng gây co và giãn mạch máu, mạch bạch huyết, làm tăng lưu thông máu ở vùng cơ thể được điều trị và gây phản xạ toàn thân, giảm đau và mềm cơ khi có co cứng cơ, tăng chuyển hóa từng vùng cơ thể, giảm bớt sưng nề.

- Chỉ định khi có lưu thông máu chậm, co cứng cơ, cứng khớp và sưng nề sau bong gân, chấn thương...

- Chống chỉ khi có chảy máu, xuất huyết, bệnh mạch máu ngoại biên.

- Phương pháp điều trị: cần có hai thùng đựng nước, khăn, nhiệt kế, nước đá, nước nóng. Đổ đầy một thùng nước nóng 37,70C - 43,30C (100 - 1100F). Đổ đầy thùng khác với nước lạnh, dùng nước đá để hạ nhiệt độ xuống từ 18 - 100C (65 - 500F). Bệnh nhân nhúng phần chi cần điều trị vào thùng nước nóng 5 phút, sau đó chuyển sang nhúng vào nước lạnh 2 phút rồi lặp lại nước nóng, nước lạnh xen kẽ, thay đổi 5 lần, tổng số 19 phút. Chú ý: đo nhiệt độ nước sau mỗi lần nhúng, nếu cần thì thêm nước nóng hay nước đá để điều chỉnh nhiệt độ.

Nguồn: Hà Hoàng Kiệm. Vật lý trị liệu và Phục hồi chức năng.Giáo trình dùng cho đào tạo đại học. Bộ môn Phục hồi chức năng, HVQY. NXB QDND (2017). 

  

 

 

 


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bệnh thận - Tiết niệu

    Bệnh tim mạch

      Bệnh cơ-xương-khớp

        Bệnh nội tiết-chuyển hóa

          Bệnh tiêu hóa

            Bệnh phổi - phế quản

              Bệnh Thần kinh - Tâm thần

                Bệnh truyền nhiễm

                  Bệnh nhi khoa

                    Cận lâm sàng

                      Bệnh khác

                        Thuốc

                          Vật lý trị liệu

                            Phục hồi chức năng

                              Tư vấn và Chia sẻ thông tin

                                Sách đã xuất bản của Hà Hoàng Kiệm

                                  Bài báo khoa học

                                    SÁCH CỦA TÔI