Ký sự phượt xuyên Việt - Episode 17 (thành phố Hà Tĩnh – Hà Đông Hà Nội)

Cập nhật: 02/04/2020 Lượt xem: 2891

 

Phượt xuyên Việt ký                       

Episode 17 - Ngày thứ mười bảy (thành phố Hà Tĩnh – Hà Đông Hà Nội)

Bản đồ Google tự động ghi lại lịch trình trong ngày

Chúng tôi đến thành phố Hà Tĩnh khoảng 6 giờ tối ngày 16 tháng 1. 2020 là ngày 22 tháng chạp năm 2019 (ngày mai là này ông Công ông Táo năm Kỷ Hợi), các cột đèn đường được trang trí những bông hoa kết bằng các bóng đèn đủ màu sắc khiến con đường trở nên lung linh. Sắp tết mà, trước cửa một số gia đình hay các cửa hàng đã có các chậu hoa đào, chậu quất, nhà nào chơi sang thì có một cây bưởi trĩu quả trồng trong một chiếc chậu lớn. Chúng tôi dừng lại ở một khách sạn trông khá bề thế nằm trên phố Trần Phú, khách sạn Ngân Hà số 158, cô tiếp tân niềm nở chào đón chúng tôi. Chúng tôi ngạc nhiên là một khách sạn 4 sao với hơn 100 phòng mà mới chỉ có 6 phòng có khách, chúng tôi thoải mái chọn phòng. Đương nhiên khách sạn trong thành phố lại ở bên con phố lớn thì phòng càng cao càng tốt. Chúng tôi chọn một phòng có ban công nhìn ra mặt trước, có thể quan sát được cả một vùng thành phố rộng lớn trên tầng 11, thế mà chỉ có giá 400K.

Xem nào hôm nay chúng tôi đã đi được bao nhiêu kilometer, cô bé Google vẫn ghi lại một cách chi tiết quãng đường đi auto là 421km với tổng thời gian 10 giờ 55 phút. Hôm nay đã là ngày 23 tháng chạp năm kỷ hợi, ngày ông Công, ông Táo, chuẩn bị tiễn năm Kỷ Hợi đón năm Canh Tý, trong lúc mọi người đang bận bịu với việc tiễn ông Công ông Táo và thả cá chép cho các ông lên trầu Ngọc Hoàng thì chúng tôi ung dung thả mình trên giường ở một thành phố miền trung, thành phố Hà Tĩnh.

Thành phố Hà Tĩnh là một thành phố trực thuộc tỉnh. Thành phố nằm giữa sông Cày và sống rào Cái, nằm về phía nam Cửa Sót, có Quốc lộ 1A chạy qua, cách thành phố Vinh 50 km và cách thủ đô Hà Nội 340 km về phía nam.

Năm 1831, vua Minh Mạng nhà Nguyễn chia trấn Nghệ An thành 2 tỉnh là Nghệ An ở phía bắc sông Lam và Hà Tĩnh ở phía nam sông Lam. Năm 1886 Pháp nổ súng chiếm Thành Sen. Năm 1924 Toàn quyền Đông Dương thành lập thị xã Hà Tĩnh. Cho đến năm 1942 thị xã chỉ là một tỉnh lỵ nhỏ bé với diện tích 247 ha và 4.400 dân. Năm 1946, thị xã Hà Tĩnh được nâng lên thành đơn vị hành chính ngang huyện, trực thuộc tỉnh có diện tích 1,2 km² và dân số khoảng dưới 5.000 người. Năm 1960, thị xã Hà Tĩnh được công nhận là đơn vị hành chính tương đương cấp huyện. Năm 1991, thị xã Hà Tĩnh là tỉnh lỵ của tỉnh Hà Tĩnh mới tái lập. Năm 2007, thị xã Hà Tĩnh nâng cấp thành thành phố Hà Tĩnh.

Bản đồ hành chính tỉnh Hà Tĩnh

Tỉnh Hà Tĩnh trước đây cùng với Nghệ An là một miền đất có cùng tên chung là Hoan Châu vào trước thời Nhà Lý, Nghệ An châu ở thời Lý - Trần, xứ Nghệ đời vua Lê Thánh Tông, rồi trấn Nghệ An. Năm 1831 vua Minh Mạng chia Trấn Nghệ An thành hai tỉnh, Nghệ An ở bắc sông Lam và Hà Tĩnh nam sông Lam. Lãnh thổ tỉnh Hà Tĩnh chạy dài theo hướng tây bắc - đông nam và bị chia cắt mạnh bởi các sông suối nhỏ của dãy Trường Sơn với nhiều dạng địa hình chuyển tiếp, xen kẽ lẫn nhau. Sườn Đông của dãy Trường Sơn nằm ở phía tây của tỉnh, có độ cao trung bình 1500m, đỉnh Rào Cọ cao 2.235m, phía dưới là vùng đồi thấp giống bát úp, tiếp nữa là dải đồng bằng nhỏ hẹp chạy ra biển có độ cao trung bình 5m và sau cùng là dãy cát ven biển bị nhiều cửa lạch chia cắt. Phía tây có các huyện Hương Sơn, Vũ Quang, Hương Khê giáp với các tỉnh của Lào là  Borikhamxay, Khammua. Phía đông là Biển Đông.  Tỉnh Hà Tĩnh được chia làm bốn loại địa hình cơ bản gồm: Vùng núi cao nằm ở phía Đông của dãy Trường Sơn, địa hình dốc bị chia cắt mạnh, tạo thành những thung lũng nhỏ hẹp chạy dọc theo các triền sông lớn của hệ thống sông Ngàn Phố, Ngàn Sâu và Rào Trổ. Vùng trung du và bán sơn địa là vùng chuyển từ vùng núi cao xuống vùng đồng bằng, chạy dọc phía tây nam đường Hồ Chí Minh, địa hình có dạng xen lẫn giữa các đồi trung bình và thấp với đất ruộng. Vùng đồng bằng chạy dọc hai bên Quốc lộ 1A theo chân núi Trà Sơn và dải ven biển với địa hình tương đối bằng phẳng do quá trình bồi phụ phù sa của các sông, phù sa biển trên các vỏ phong hoá Feralit hay trầm tích biển. Vùng ven biển nằm ở phía Đông đường Quốc lộ 1A, địa hình vùng này chủ yếu là những đụn cát, ở những vùng trũng được lấp đầy bởi những trầm tích, đầm phá hay phù sa. Ngoài ra, vùng này còn xuất hiện các dãy đồi núi chạy dọc ven biển và nhiều bãi ngập mặn được tạo ra từ nhiều cửa sông.

Năm Minh Mạng 21 (1840), 2 huyện trước đây của vương quốc Viêng Chăn, vương quốc này về sau bị diệt vong bởi Xiêm La, là Cam Cát, tức Khamkheuth tỉnh Borikhamxay và Cam Môn là vùng đất phía Đông Bắc tỉnh Khammuane ngày nay, và các huyện Hương Khê, Vũ Quang, từng nhập vào phủ Trấn Định thuộc xứ Nghệ của Đại Nam, đến lúc đó Minh Mạng cho nhập vào phủ Đức Thọ của tỉnh Hà Tĩnh. Đến thời Pháp thuộc, tỉnh Hà Tĩnh thuộc xứ Trung kỳ nằm trong Liên bang Đông Dương của Pháp. Các phủ huyện là đất các tỉnh Khammuane, Borikhamxay thuộc Lào ngày nay, tức là đất các phủ Trấn Định, Trấn Tĩnh, Lạc Biên, bị Pháp cắt về xứ Lào thuộc Pháp, và từ đó không thuộc Việt Nam nữa. Năm 1976 tỉnh Hà Tĩnh sát nhập với tỉnh Nghệ An gọi là tỉnh Nghệ Tĩnh. Năm 1991 tỉnh Nghệ Tĩnh lại tách ra thành Nghệ An và Hà Tĩnh như ngày nay.

Hà Tĩnh là một vùng đất nằm trên dải đất miền Trung, phía nam sông Lam, thiên nhiên không mấy ưu đãi, nhưng lại được coi là nơi "địa linh nhân kiệt". Nhiều làng quê ở Hà Tĩnh nổi tiếng văn chương, khoa bảng và kiên cường. Nhiều anh hùng, danh nhân Việt Nam xuất thân từ Hà Tĩnh. Núi Hồng Lĩnh với 99 ngọn cùng sông Ngàn Phố, Sông Ngàn Sâu và sông La, sông Lam là nguồn cảm hứng cho các thế hệ thi nhân, nhạc sĩ. Núi Hồng Lĩnh là một trong số các địa danh được khắc vào Bách khoa thư cửu đỉnh hiện đang đặt tại cố đô Huế. Phía đông Hồng Lĩnh là làng Tiên Điền của đại thi hào Nguyễn Du, tác giả của Truyện Kiều. Phía tây nam núi Hồng lĩnh là làng "Bát cảnh Trường Lưu" của dòng họ Nguyễn Huy. Hai làng văn hiến ở hai sườn đông và tây núi Hồng Lĩnh ấy đã tạo nên một Hồng Sơn văn phái với những tác phẩm tiêu biểu như Hoa Tiên của Nguyễn Huy Tự, Mai Đình mộng ký của Nguyễn Huy Hổ, Truyện Kiều của Nguyễn Du.

Hà Tĩnh còn có nhiều làng văn nghệ nổi tiếng trong vùng như làng hát ca trù Cổ Đạm, chèo Kiều Xuân Liên, hát ví phường vải Trương Lưu, hò ví dặm Đan Du, Phong Phú... Các làng truyền thống với những giọng hò nổi tiếng quanh núi Hồng Lĩnh, ven dòng sông Lam, sông La, sông Ngàn Sâu, sông Ngàn Phố đã để lại nhiều thơ văn và trước tác. Hà Tĩnh còn có Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc. Khu lưu niệm đại thi hào Nguyễn Du. Khu di tích đại danh y Hải Thượng Lãn Ông. Khu lưu niệm Trần Phú thuộc xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ. Khu lưu niệm Tổng bí thư Hà Huy Tập.

 

Những cung đường tuyệt đẹp đi qua các đồi cát ven biển miền trung

Chúng tôi rời khách sạn Ngân Hà, 158 Trần Phú, Hà Tĩnh lúc 6 giờ sáng, vượt qua thành phố Vinh, nghệ An, rồi lên kilometer số 0 đường Hồ Chí Minh ở ngã ba thị trấn Lạt, huyện Tân Kỳ, Nghệ An. Chúng tôi muốn đến đây vì ở cái tuổi mười chín đôi mươi, tôi đã khoác ba lô cùng đồng đội đi trên con đường này để vào chiến trường. Ngày thì nghỉ trong nhà dân, được người dân nhường chỗ, chăm lo mà không sợ chứa bộ đội sẽ trở thành mục tiêu ném bom của địch, ban đêm mới đeo ba lô lên đường để tránh bị ném bom. Mặc dù đi đêm, trên lưng nặng trĩu chiếc ba lô khoảng chừng 40kg, nhưng tuyệt đối không được có một chút ánh sáng để tránh bị máy bay trinh sát của địch phát hiện, với câu khẩu hiệu “Đi không dấu, nấu không khói”, cứ dò dẫm mà đi, không ít lần trượt chân, khớp cổ chân sưng vù mà vẫn tập tễnh đi. Chúng tôi còn nợ người dân, nợ những địa danh này nhiều lắm.

Dọc con đường Trường Sơn này, chúng tôi đã ba lần bị kẻ địch phát hiện và ném bom. Lần thứ nhất sau khi ra khỏi binh trạm Cự Nẫm huyện Bố Trạch Quảng Bình, lần thứ hai ở bến đò sông Son, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch Quảng Bình (hiện nay bến đò vẫn có bia di tích ở cạnh bến thuyền du lịch tham quan động Phong Nha – Kẻ Bàng). Cả hai trận ném bom trên đều do các tốp máy bay thần sấm F105 (F-105 Thunderchief) của Mỹ trút xuống. Mỗi tốp 4 chiếc máy bay, chúng thay nhau bổ nhào và cắt bom hai trái mỗi lần. Nhưng do bị lực lượng phòng không, lúc đó chủ yếu là pháo 12,7mm, chúng tôi thường gọi là pháo 12 ly bảy,  bắn chặn mỗi lần máy bay trúc xuống cắt bom, làm chúng vội vã ngóc lên nên các trái bom đều rớt ra ngoài mục tiêu (Mời các bạn xem thêm bài Bến phà xưa http://hahoangkiem.com/van-hoc/ben-pha-xua-1481.html)

Máy bay thần sấm F105, át chủ bài của không quân Mỹ những năm 1965 -1966.Thiếu tá ko quân Mỹ Giêm Catslơ, anh hùng không quân Mỹ trong chiến tranh Triều tiên đã lái con này đánh phá Bắc Việt nam và bị bắn rơi, bị bắt sống. Phi công Trần Hanh cũng đã bắn hạ một chiếc trên bầu trời Hàm rồng tháng 4 năm 1965.

 

Dòng sông Son đoạn chảy qua xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, chỗ đổ vào sông Gianh, con sông này còn được người bản địa gọi với một cái tên hết sức dân dã: sông Tróc. Đây là một chi lưu của sông Gianh và chảy hoàn toàn trên địa phận tỉnh Quảng Bình. Một phần thượng nguồn của sông dài 7.729m, chảy ngầm trong các núi đá vôi ở vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng và chảy ra từ cửa động Phong Nha nằm trên đất làng Phong Nha xã Sơn Trạch huyện Bố Trạch. Nó hợp lưu với sông Gianh tại gần thị trấn Ba Đồn.

 

Bia di tích bến đò Xuân Sơn trên dòng sông Son xã Sơn Trạch huyện Bố Trạch tỉnh Quảng Bình. 

Trận thứ ba là bom B52 rải thảm trong rừng Trường Sơn nơi có bãi trú quân buổi tối. Hôm đó giao liên không đưa binh đoàn vào bãi tập kết cũ mà tạt sang một cánh rừng mới bên kia suối, cách bãi tập kết quân cũ khoảng 1km. Ban đêm trong rừng tối thui không thể nhìn thấy gì, không ai được sử dụng ánh sáng, chỉ nhìn lân tinh của các lá mục dưới đất để biết lối đi. Đoàn quân vừa dừng lại, mọi người đang dò tìm các gốc cây để mắc võng thì thấy chớp sáng và các tiếng nổ chói tai như sấm rền, vang lên liên tiếp từng loạt. Sau mỗi loạt như thế thì có tiếng vo vo như đàn ong đang bay tới và những mảnh bom nung đỏ, soi sáng đất cắm phập, phập xung quanh người. Ai tìm được mỏm đá nào thì tự núp để tránh. Bị bom ban ngày thì chỉ nhìn thấy đất đá tung lên và tiếng nổ chói tai cùng tiếng rít của mảnh bom, lần đầu tiên bị ném bom ban đêm thấy mảnh bom đỏ lừ bay chíu chíu, cái cảm giác sợ tăng lên gấp nhiều lần. Sau ba loạt bom rải thảm thì mọi việc trở lại yên ắng, các tiểu đội kiểm tra lại quân số, rất may không ai bị thương. Mọi người tự tìm các mỏm đá có hốc và mắc võng bên cạnh đề phòng các loạt bom tiếp theo, nhưng rất may cả đêm yên ắng. 

     

Sáng hôm sau khi hành quân qua bãi tập kết quân của những lần trước thì thấy toàn bộ bãi đã bị các loạt bom B52 rải theo kiểu cuốn chiếu tối qua sới tung, cây rừng đổ ngổn ngang. Mọi người thở phào và đi thật nhanh qua bãi bom, có lẽ đã có thông tin tình báo về trận ném bom nên giao liên được lệnh không đưa đoàn quân vào bãi tập kết cũ. Đến bây giờ đọc lại câu chuyện của các cán bộ tình báo mới thấy phải cảm ơn các anh rất nhiều.

  

Bản đồ đường Hồ Chí Minh và cột mốc số 0 đường Trường Sơn tại thị trấn Lạt, huyện Tân Kỳ, Nghệ An. Khuôn viên Km 0 có diện tích 600m2, có nhà truyền thống trưng bày các hiện vật của thời chiến tranh.

Trước yêu cầu cấp bách của lịch sử, năm 1959, Bộ Chính trị và Quân ủy T.Ư quyết định tổ chức tuyến vận tải quân sự dọc Trường Sơn, mang tên đường Hồ Chí Minh. Nhiệm vụ của con đường là phục vụ việc vận chuyển hàng quân sự chi viện miền Nam và tổ chức đưa, đón cán bộ, bộ đội, chuyển công văn, tài liệu từ Bắc vào Nam và ngược lại. Thượng tá Võ Bẩm, quê ở huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi, nguyên Cục phó Cục Nông trường là một trong những người được giao nhiệm vụ tổ chức “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” làm nhiệm vụ mở đường. Ngày 9/9/1964, trên một bãi đất hẹp dưới chân núi Dong ở ngã ba thị trấn Lạt, bên dòng sông Con thuộc huyện Tân Kỳ, Trung đoàn 98 công binh do đồng chí Phan Quang Tiệp trung đoàn trưởng đã bổ nhát cuốc đầu tiên tại điểm xuất phát “Km số 0” đường Hồ Chí Minh. Tại đây, những người mở đường đã dùng một cây gỗ lớn và khắc thành cột mốc “Km số 0” để xác lập điểm khởi đầu của con đường huyền thoại. Tiếp nối là hàng chục nghìn công binh, thanh niên xung phong, nhân dân các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình tập trung làm đoạn đường Hồ Chí Minh qua địa bàn các tỉnh Bắc Trung Bộ.

Đến ngày 27/11/1972, cán bộ chiến sĩ Đoàn 559 khởi công xây dựng tuyến đường cơ giới Đông Trường Sơn. Đường cơ giới chiến lược Hồ Chí Minh được mở từ giữa ra 2 đầu và đến huyện Tân Kỳ (Nghệ An) năm 1972. Từ Km số 0 nối đến tận Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước là tuyến mạch máu cung cấp hậu cần, góp phần để quân và dân cả nước làm nên chiến thắng lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

 

Ảnh Lịch sử đặt cột mốc số 0 xây dựng đường Trường Sơn và con đường Trường Sơn hiện nay nhìn từ cột mốc số 0.

Tân Kỳ được chọn làm điểm khởi đầu của tuyến đường huyền thoại là vì nơi đây có đường giao thông chiến lược 15A, 15B chạy qua và các cao điểm quan trọng, như: 886 ở Lèn Rỏi, 159 ở dãy Bồ Bồ, 722 ở Bù Loi... Nhiều đơn vị chủ lực của bộ đội ta đã tập kết ở đây trước khi tiến vào nam như các sư đoàn 316, 224, 304, 312... Tân Kỳ trở thành trọng điểm đánh phá ác liệt của địch. Nằm giữa núi rừng hoang vu, giữa những hố bom nhưng Tân Kỳ vẫn vững vàng với vai trò “hậu phương lớn” của “tiền tuyến lớn”. Thanh niên ở các xã trong huyện cùng dân công, thanh niên xung phong ngày đêm đào hầm, chặt lá rừng để ngụy trang, bảo vệ các đoàn xe vận tải Trường Sơn, kể cả xe kéo tên lửa Zin 131 chiều dài tới 20m… Đây còn là nơi sơ tán của nhiều cơ quan, xí nghiệp, trường học. Từ năm 1968 đến 1973, hơn hai mươi nghìn người dân Tân Kỳ đã đùm bọc hơn 30 nghìn đồng bào Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ thuộc tỉnh Quảng Trị sơ tán lâu dài. Trên trời máy bay quần đảo, ném bom, dưới đất bà con vừa chiến đấu vừa sản xuất, “bát cơm sẻ nửa, hạt muối cắn đôi” - nhường đất, nhường ruộng, giúp cây con giống… cho đồng bào sơ tán sớm hòa nhập, ổn định chỗ ở, ổn định sản xuất.

Từ Km số 0, đường chiến lược Hồ Chí Minh kéo dài từ bắc vào nam với tổng 17.000 km, riêng ở đông Trường Sơn là 1.920 km với năm hệ thống đường dọc và 21 trục ngang nối liền các chiến trường. Từ ngày thành lập đến khi kết thúc chiến tranh, trên con đường huyền thoại, bộ đội Trường Sơn đã vận chuyển gần 455 triệu tấn vũ khí, lương thực, đạn dược và gần 58 triệu tấn xăng dầu chi viện miền nam… góp phần làm nên chiến thắng lịch sử mùa xuân 1975.

Trời âm u, mưa phùn, có từng đợt mưa nặng hạt. chúng tôi vào một quán ăn trên đường gần cột mốc để ăn trưa, rồi rời cột mốc số 0 khoảng 11 giờ trưa và tiếp tục đi theo đường Hồ Chí Minh về phía Bắc. Đường vắng xe, mặt đường trải nhựa phẳng, hai bên đường có đoạn là đồng ruộng, có đoạn là các cánh rừng rất đẹp, Những bông hoa lau trắng trải dài dọc đường tạo nên một cảm giác thật lãng mạn và thú vị.

Đây rồi, bên trái chúng tôi là một cánh đồng hoa Hướng Dương vàng óng trải rộng tít tắp, đẹp đến mê hồn. Hiện giờ là tháng 1, đang thời kỳ hoa nở rộ, một cảnh tượng mà chúng tôi đã nhiều lần được nghe từ nhiều người cất công từ Hà Nội vượt hơn 300km vào để ngắm cảnh và chụp ảnh thuật lại.

Cánh đồng hoa Hướng dương Nghệ An nằm bên cạnh đường mòn Hồ Chí Minh, kéo dài gần 1km từ xóm Yên Khang đến xóm Làng Lầm, xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghê An. Hướng dương là một loài cây có vòng đời 1 năm, luôn vươn mình về phía ánh nắng Mặt Trời. Hướng dương nở rộ vào khoảng tháng 5 nhưng có nơi trồng trái mùa nên sẽ nở vào khoảng tháng 12, 1.

 

Cánh đồng hoa hướng dương của công ty TH True Milk ở nông trường 19/5,  Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An.

Ở Nghĩa Đàn, công ty TH True Milk trồng hoa hướng dương với mục đích chăn nuôi bò sữa nên hướng dương ở đây cũng không quá lớn và thường sau 2-3 tuần là công ty sẽ thu hoạch. Cứ sau 2 vụ ngô và cao lương, các kỹ sư nông nghiệp ở Trang trại TH lại trồng hướng dương với mục đích luân canh cây trồng để giảm các nguy cơ tích lũy bệnh, cỏ dại thay vì dùng cây họ đậu như dân gian quen làm, bởi lẽ hướng dương cho năng suất rất cao, chịu hạn, chịu lạnh tốt hơn nhiều. Đặc biệt, khi toàn bộ cây hướng dương, bao gồm cả thân cây, là và hạt, được nghiền nhỏ và ủ chua làm thức ăn cho bò sữa thì lại trở thành một món ngon độc đáo, bổ sung tinh dầu OMEGA3, không chỉ lạ miệng “khoái khẩu” giúp bò cho nhiều sữa hơn mà giá trị protein trong khẩu phần ăn cũng tăng từ 6 đến 16% so với ngô. Và đó cũng là một trong những “bí quyết” để đàn bò TH cho dòng sữa tươi, sạch, hội tụ những gì tinh túy nhất của thiên nhiên định vị nên thương hiệu TH true MILK.

Từ chỗ chỉ trồng để làm để làm thức ăn bổ sung dinh dưỡng cho đàn bò của công ty TH năm 2010, đến nay cứ vào dịp tháng 12 hàng năm, hoa hướng dương bạt ngàn nở rộ với màu vàng rực rỡ tạo nên vẻ đẹp lôi cuốn, thu hút hàng vạn du khách. Hoa hướng dương ở Nghĩa Đàn đã trở thành một điểm nhấn quan trọng trong phát triển du lịch, thu hút du khách trong và ngoài nước, góp phần quảng bá về danh lam thắng cảnh và những giá trị văn hóa đặc sắc của Nghệ An. Vẻ đẹp của cánh đồng hoa đã nhanh chóng được lan truyền trên Facebook, được cộng đồng mạng chia sẻ. Gần 100 ha hoa hướng dương năm nay được trồng ở các cánh đồng dọc đường Hồ Chí Minh, quanh trang trại 1 - 3 dọc bờ sông Sào, thuộc xóm Trung Chính xã Nghĩa Lâm.

Khi chúng tôi tới thì lễ hội Hoa Hướng dương đã kết thúc, chỉ còn sót lại các băng, cờ, khẩu hiệu. Khách thăm cũng rất thưa thớt vì hôm nay đã là ngày ông Công, ông Táo rồi, có ai còn đi lang thang như chúng tôi nữa chứ. Các Hàng quán bên đường vẫn còn đầy ắp đặc sản địa phương để phục vụ những khách đến thăm muộn màng như chúng tôi. Người dân ở đây cho biết công ty TH True Milk không chủ trương thu tiền dịch vụ khách du lịch vào thăm cánh đồng hoa. Chúng tôi cũng không thấy có trạm soát vé hay phòng bán vé.

Dãy hàng quán ven đường bày bán các đặc sản của địa phương bên quốc lộ1A, cạnh cánh đồng hoa hướng dương.

Lướt qua một vòng chúng tôi thấy một số đặc sản như sau:

Cháo lươn là một trong những đặc sản của Nghệ An nổi tiếng khắp cả nước, được rất nhiều người ưa thích. Sức hấp dẫn của bát cháo với thịt lươn vàng óng, mềm ngọt và vị thơm cay nồng đặc trưng khiến ai đã một lần thưởng thức thì khó có thể bỏ qua được.

Bánh mướt ở Nghệ An, nhìn thoáng qua thì trông khá giống với bánh cuốn ở ngoài Bắc. Tuy nhiên, hương vị của bánh mướt lại hoàn toàn khác với bánh cuốn. Bánh mướt có vị thơm ngon rất riêng, ăn lúc nguội có vị mềm và mát rất dễ chịu.

Bánh Hoa là một đặc sản riêng biệt của Miền Tây Xứ Nghệ. Bánh hoa rất thơm, giòn và có hương vị rất đặc trưng, ăn một lần sẽ không thể nào quên.

Kẹo Cu đơ là kẹo lạc với đường mật mía kẹp giữa gai chiếc bánh đa có hương vị thơm giòn, vừa ăn vừa uống với trà đá, chè xanh, ngồi ngắm cánh đồng hoa khoe sắc sẽ là một lựa chọn tuyệt vời, và đó cũng là món quà quê hợp lý để mua về.

Các loại hoa quả mang hương vị đặc trưng của vùng đất Phủ Quỳ như Cam Vinh, ổi 19/5, bưởi hồng Quang Tiến... mà hương vị riêng biệt của nó sẽ làm người dã từng ăn sẽ không thể quên.

Chúng tôi rời cánh đồng hoa, tiếp tục theo đường Hồ Chí Minh, đi thêm khoảng 5 kilomet nữa là nhìn thấy một cánh đồng cỏ với màu xanh ngút ngát, không thể không ngừng xe lại ngắm cảnh đồi cỏ trên núi Alper tại Việt Nam.

Cánh đồng cỏ rộng 2000 ha nằm dọc theo đường Hồ Chí Minh thuộc huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An cũng thuộc sự quản lý của Công ty sữa TH True Milk. Cả cánh đồng bát ngát trồng loại cỏ Mombasa Ghine, cỏ mulato… cao gần bằng đầu người khiến khu vực này trông như một đồng cỏ ở Châu Âu. Đây là nguồn cung cấp thức ăn cho hơn 45.000 cô bò tại trang trại kỷ lục châu Á của TH.

Cánh đồng cỏ thuộc huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An

Trên tuyến đường này, chúng tôi còn một mục tiêu nữa là đến thăm suối cá thần Cẩm Lương, Thanh Hóa trước khi trở về Hà Nội.

Đi dọc đường Hồ Chí Minh đến thị trấn Ngọc Lặc. Từ thị trấn Ngọc Lặc, chúng tôi rẽ sang tỉnh lộ 519 đến thị trấn Cẩm Thủy để vào suối Cá thần Cẩm Lương. Khi chúng tôi tới thì cây cầu bê tông bắc qua sông Mã dẫn vào suối cá đã làm xong, xe có thể đi qua được, cầu đang được hoàn thiện.

Thanh Hóa là tỉnh sở hữu ba suối cá tự nhiên kỳ lạ. Suối cá thứ nhất nằm ở thôn Lương Ngọc, xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy; suối cá thứ hai cũng ở huyện Cẩm Thủy nhưng ở thôn Dùng, xã Cẩm Liên; suối thứ ba ở thôn Chiềng Ban, Văn Nho, Bá Thước.

 

Đây là suối cá thần ở thôn Lương Ngọc, xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy, tỉnh thanh Hóa

Suối cá thần Cẩm Lương nằm ngay chân núi Trường Sinh, nước suối trong vắt, dài tầm hai mươi mét, rộng khoảng 3m, chảy từ trong núi ra từ một cửa hang rộng với mực nước thường sâu khoảng 30 đến 50cm. Suối cá ở thôn Lương Ngọc là nơi cư ngụ của hàng nghìn con cá lớn nhỏ, nặng 2-8 kg, đặc biệt có con nặng tới 30 kg được gọi là cá chúa. Cá ở đây chỉ bơi quanh quẩn tại một đoạn suối dài hơn 100m và không bơi ra xa hơn. Chiều tối, chúng lại rủ nhau về hang trú ẩn. Ngoài ăn lá cây rơi rụng từ trên cao, đàn cá còn được đội bảo vệ nơi đây cho ăn rau muống 1 hoặc 2 lần/tuần. Người dân bán quán hai bên suối cá cũng bán rau muống, mỗi bó 10 ngàn để khách cho cá ăn dụ cá tới. Chúng tôi vê bánh quy bơ thả xuống nhưng hình như các con cá không thích bánh quy bằng rau muống, có lẽ chúng thuộc họ cá trắm cỏ.

Theo người dân địa phương, đàn cá ở suối Cẩm Lương là cá giốc, còn được gọi là cá dốc, thuộc bộ cá chép và có tên trong sách đỏ Việt Nam. Có tài liệu cho rằng loài cá thần ở các suối cá nêu trên chính là cá Bỗng, tên khoa học là Spinibarbus denticulatus (Oshima, 1926). Theo Tiến sĩ Nguyễn Kiêm Sơn, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, cá sống ở suối “cá thần” Thanh Hóa là cá Bỗng miền núi, hoàn toàn có thể ăn được và không gây độc. Giống cá màu xanh thẫm này có hai bên mép đỏ tươi, mỗi khi bơi phát ra những luồng ánh sáng lấp lánh như ánh ngọc đẹp mắt. Người dân trong vùng tin rằng đây là giống cá thần hiếm có và sự sung túc của đàn cá sẽ đem lại bình yên no ấm cho cuộc sống của người dân địa phương. Người dân ở đây nói rằng, điểm đặc biệt của những con “cá thần” này là chúng không đi xa khỏi khúc suối, chúng chỉ quanh quẩn trong khoảng 100 - 200m và đến tối thì lại chui vào hang. Những lần mưa nhiều, nước suối dâng cao, một số con cá lạc ra xa, người dân lại bắt và nâng niu đưa về thả lại suối.

Chúng tôi cho cá ăn bánh quy bơ, nhưng hình như chúng không thích bằng rau muống

Người dân ở đây kể rằng nguồn gốc của loài cá bắt đầu từ một truyền thuyết về thần rắn. Theo đó, ngày xưa có đôi một vợ chồng tuổi đã cao vẫn chưa có con. Một hôm người vợ đi xúc cá vô tình xúc được một quả trứng lạ. Bà mang về, vợ chồng bàn nhau đem cho gà ấp thử. Một hôm thấy gà cục tác, bà ra xem thì thấy trứng nở ra một con rắn. Sợ quá, hai vợ chồng mang rắn ra suối Ngọc để thả. Kỳ lạ thay, cứ thả thì tối lại thấy rắn về nhà. Như một cơ duyên, hai vợ chồng quyết định nuôi rắn. Từ khi có rắn trong nhà, ruộng đồng có đủ nước cấy cày, cảnh hạn hán kéo dài trong vùng không còn. Chàng rắn sống với gia đình và bản làng người Mường trong cảnh thanh bình, no ấm... Bỗng một đêm trời mưa to, sấm chớp ầm ầm, sáng ra dân làng thấy xác chàng rắn nằm chết dạt vào chân núi Trường Sinh. Thương tiếc rắn, dân làng chôn chàng ngay dưới chân núi và lập đền thờ ngay trên mộ chàng. Sau đó dân làng được thần linh báo mộng cho biết, chàng đã đánh nhau với thủy quái về phá hoại bản làng và được Thượng đế phong thần hiệu "Tứ phủ Long Vương"... Cũng từ đó, suối Ngọc trước cửa đền thờ có đàn cá cả ngàn con ngày đêm về chầu và người dân trong vùng không bao giờ ăn cá suối Ngọc.

Đến thờ Rắn nằm ngay cạnh cửa hang suối cá Cẩm Lương.

Một câu chuyện kể lại rằng: Có một đôi vợ chồng làng khác vì đói quá nên đã đến suối bắt "cá thần" về nấu ăn. Nhưng khi nấu lên không thấy cá đâu mà chỉ thấy một nồi nước trong veo, vợ chồng họ hoảng sợ nên mang lễ vật đến đền Ngọc thờ "Tứ phủ Long Vương" để xin thần cá cùng trời đất ân xá.

Lại có câu chuyện đồn rằng: Có một đôi thanh niên từ thành phố lên xem "cá thần". Sau đó vì tò mò họ đã dùng đá đập chết một con cá, trên đường quay trở về, hai thanh niên đã gặp nạn. Những người dân trong bản đều tin rằng nếu ai trêu đùa, làm hại cá thần hay làm bẩn nước, nhẹ sẽ bị ốm, còn nặng sẽ bị "mất mạng".

Người dân địa phương còn kể lại rằng: Trước đây ở địa phương có một thanh niên đã bắt cá thần trong suối về ăn sau một thời gian anh ta đã bị điên, đi chữa trị đâu cũng không khỏi. Người dân trong vùng cho là anh ta đã bị thần cá 'trả thù', sau đó gia đình đã mang lễ vật đến để xin thần cá tha tội và chỉ ba ngày sau người thanh niên này đã khỏi bệnh.

Dù là những câu chuyện chưa được kiểm chứng nhưng việc người dân trong bản luôn xem loài cá này là "thần" và không dám ăn cá là sự thật.

Suối cá thứ hai là suối cá Cẩm Liên cách Cẩm Lương hơn ba cây số, đàn cá thần thứ hai sống tại hang suối Đóng thuộc xã Cẩm Liên. Ban ngày, đàn cá theo dòng nước bơi ra đùa giỡn ở suối Đóng, ban đêm, chúng lại bơi vào tổ trú ngụ. Suối cá Cẩm Liên đã tồn tại hàng trăm năm nay. Loài cá này được người dân Mường gọi là “cá phốc” có hình dáng giống cá trắm, căng tròn ở phần giữa thân, vảy như vảy cá chép, lưng hơi sẫm, môi có màu phớt hồng, vây và đuôi có chấm đỏ.

Suối cá thứ ba là suối cá Chiềng Ban nằm tại thôn Chiềng Ban, xã Văn Nho, Bá Thước, người dân địa phương cho hay, khu vực suối cá từng là nơi đóng quân của thực dân Pháp. Lính Pháp không những không đánh bắt cá ăn mà còn chăm sóc, lập bàn thờ chúng. Không biết vì lý do gì mà lính Pháp lại không đánh bắt cá ở suối cá này, ngược lại, họ còn đối đãi và chăm sóc cho cá. Họ còn lập bàn thờ trong một hang động nằm phía trên suối cá khoảng 10 mét để thờ loài động vật này. Một người dân kể lại rằng: Trong thời gian đóng quân ở quanh suối cá, một vài lính Pháp tử vong sau khi bắt loài cá này ăn. "Từ đó, họ không ăn nữa và đã lập bàn thờ cá".

Một đoạn suối cá thần Cẩm Lương.

Để lý giải về nguồn gốc của dãy núi có suối cá thần, có truyền thuyết kể rằng: Ở thượng nguồn sông Mã, đoạn chảy qua xã Thiết Ống, công chúa Thủy Tề mải dạo chơi đã mắc phải lưới thuyền cơ, lập tức vua Thủy Tề cho mời con người xuống cứu chữa cho công chúa, thứ “bệnh” mà các Long y bó tay. Lúc đó một người nông dân đang ngồi nghỉ bên bờ sông liền được kéo xuống, người nông dân dễ dàng nhận ra công chúa bị lưới quấn quanh người gây khó thở. Người nông dân dùng lưỡi dao cắt lưới, cắt đến đâu công chúa dễ chịu đến đó, lưới cắt xong thì công chúa khỏe lại bình thường. Vua Thủy Tề vui mừng ban thưởng cho người nông dân, ông không nhận ngọc trai châu báu, chỉ mong muốn trở về, nhà vua liền tặng cho ông viên ngọc ước để ông chữa bệnh cứu người. Từ đấy người nông dân ngậm viên ngọc ước vào miệng trở thành người chữa bệnh cho dân làng. Một hôm ông trở bệnh ho, viên ngọc ước văng ra khỏi miệng, người con rể vội nhặt bỏ vào miệng mình ước cho mình trở thành vua Mường thứ Nhất, sau này Kinh đô đóng tại Ba Vì, ước cho cậu em vợ thành vua Mường thứ Hai, vùng núi Cố, Cẩm Lương được chọn dựng kinh đô, và ước cho cậu em út thành vua Mường thứ Ba, kinh đô đóng tại Hòa Bình. Biết tin vùng núi Cố trở thành kinh đô của người Mường Phấn, vạn vật khắp nơi về chầu. Có lẽ vùng đất vua thứ Hai chọn không thành, nên một trăm con đại bàng bay về, chỉ có 99 ngọn núi, một con không có chỗ đậu nên bay đi, cả đàn bay theo. Đàn trâu kéo về cũng hóa đá vẫn hướng về núi Cố, nay đám trâu hóa đá vẫn còn thuộc vùng Móng Châu, Cẩm Bình.

Để đến được suối cá thần, du khách phải đi qua cây cầu bắc qua sông Mã. Đây là cây cầu cũ, hiện đã có cầu bê tông cách cây cầu này khoảng 500m, xe đã qua được nhưng cầu đang được hoàn thiện khi chúng tôi đi qua.

“Làng Ngọc có suối Minh Châu

Có đàn cá lượn khe sâu điều hòa

Làng Ngọc có miếu Thủy tòa

Có ông Thượng đẳng thật là anh linh

Trên trời có núi Trường Sinh

Dưới khe có cá vạn linh về chầu…”

Chúng tôi rời suối Cá Thần khi trời xẩm tối, lên đường trở về Hà Nội, cung đường Hồ Chí Minh chạy qua vườn quốc gia Cúc Phương rất đẹp, hai bên là rừng với những con suối và những chiếc cầu đẹp đến mê hồn. Trời tối, cô Google dẫn chúng tôi chạy lên Hòa Bình qua dốc Cun. Dốc Cun nằm trên quốc lộ 6, dài  hơn 7 km có tới 10 khúc cua, một bên vách núi, một bên vực sâu. Là con dốc vừa có cảnh quan thơ mộng lại nguy hiểm cho người và phương tiện giao thông qua lại. Với quãng đường 120 km trên quốc lộ 6 qua địa phận tỉnh Hòa Bình thì dốc Cun và đèo Thung Khe là nổi tiếng về mức độ nguy hiểm. Khá nhiều xe qua lại, chủ yếu là xe tải khiến chúng tôi phải đi khá chậm.

Chúng tôi về đến nhà khoảng 9 giờ tối ngày 17 tháng 1 năm 2020 (ngày 23 tháng 12 năm 2019 năm kỷ hợi), tắm rửa nghỉ ngơi một chút rồi hỏi thăm cô Google xem lịch trình ngày cuối cùng của chuyến đi như thế nào. OK, ngày hôm nay anh chị đã đi quãng đường 406km với tổng thời gian 19 giờ 56 phút. Ồ, thì ra ngày cuối cùng gần như cả ngày mình ở trên đường còn gì.

Ngày hôm sau ngủ nghê đã thỏa sức, ngồi giở lại lịch trình mới thấy rằng chuyến hành trình xuyên Việt lần này của chúng tôi kéo dài 17 ngày. Lượt vào đi theo các cung đường phía Đông sát biển, tới mũi cà mau, lượt về đi theo cung đường phía Tây, bám theo đường mòn Hồ Chí Minh. Tổng quãng đường đã đi 5,500km. Tổng chi phí gần 30 triệu VNĐ, trong đó 50% là tiền xăng cộng phí đường qua các trạm thu phí, 50% là tiền khách sạn, ăn uống, vé vào các khu thăm quan và tiêu vặt. Tính trung bình chi phí cho hai người mỗi ngày là 1,8 triệu VNĐ, bình quân một người là 900K/ngày. Quá rẻ, vì ngủ khách sạn ít nhất là 2 sao, sang nhất là 4 sao, đi đến đâu tìm ăn đặc sản ở đấy, thích chỗ nào thì cứ việc xông vào, thích vào lúc nào thì vào, lúc nào không thích nữa thì ra, không bị Tour Guide hối thúc hoặc dọa bỏ rơi, trên xe lúc nào cũng đầy hoa quả tươi của các vùng miền, còn gì thú vị hơn nữa chứ. Trong 17 ngày rong ruổi ngần ấy cây số đường, cũng có ba lần được công an dừng xe để giơ tay chào, ba lần ấy đúng như ông Bảo Sinh nói: “Sợ nhất công an chào ta, Sợ nhì trông thấy bà già khỏa thân” (Xem: Thơ Bảo Sinh chọn lọc. http://hahoangkiem.com/tho-suu-tam/tho-bao-sinh-chon-loc-3769.html)


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bài về chủ bút

    Tinh hoa nhân loại

      Khoa học

        Văn học

          SÁCH CỦA TÔI