Ký sự phượt xuyên Việt - Episode 15 (Sơn Trà – Bà Nà Hill Đà Nẵng)

Cập nhật: 02/04/2020 Lượt xem: 2159

Phượt xuyên Việt ký                   

Episode 15 - Ngày thứ mười lăm (Sơn Trà – Bà Nà Hill Đà Nẵng)

Bản đồ Google đã tự động ghi lại lịch trình của chúng tôi trong ngày

Chúng tôi nghỉ tại khách sạn Lighting Hotel, lô G5 đường Phạm Văn Đồng, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng, ngay gần đầu cầu quay Sông Hàn. Đây là khu mới xây dựng thuộc bán đảo Sơn Trà nên đường xá đẹp, vỉa hè rộng rãi. Chúng tôi dành cả ngày thứ 15 để thăm Bà Nà Hill. Bà Nà Hill mới khánh thành cây cầu Vàng đầu tháng 6/2018, cây cầu đã gây được tiếng vang trên thế giới, đã được nhiều tờ báo, hãng thông tấn uy tín tại Việt Nam và quốc tế như CNN, BBC, The New York Times, Time, FoxNews, The Guardian, Archdaily… ca ngợi. Ngày 23/8/2018, Cầu Vàng lọt top 100 điểm đến tuyệt vời nhất thế giới do Tạp chí Time bầu chọn.

Đà Nẵng là một thành phố trực thuộc trung ương, nằm trong vùng Duyên hải Nam Trung Bộ. Đà Nẵng là thành phố trung tâm và lớn nhất khu vực miền Trung – Tây Nguyên, lớn thứ tư của Việt Nam, sau thành phố Hồ Chí Minh, thủ đô Hà Nội và thành phố Hải Phòng. Phần lớn các ý kiến đều cho rằng tên gọi Đà Nẵng xuất phát từ vị trí nằm ở cửa sông Hàn của thành phố. Đó là một biến dạng của từ Chăm cổ "Da nak", được dịch là "cửa sông lớn". Người Trung Quốc gọi Đà Nẵng là Hiện Cảng. Thời xưa tàu thuyền Trung Quốc đi Đà Nẵng thường lấy hòn Sơn Trà làm mốc định vị phương hướng. Hòn Sơn Trà có hình dáng giống con hến nên người Trung Quốc đã gọi nơi đây là "Hiện Cảng", có nghĩa là "Bến Hến". Về sau một số người không hiểu rõ nguồn gốc của tên gọi này, thấy xung quanh Đà Nẵng có nhiều núi non bao bọc nên đã thay chữ "hiện" có nghĩa là "con hến" bằng chữ "hiện" là từ dùng để chỉ núi nhỏ mà cao.

Cho đến giữa thế kỷ XIX, địa danh "Đà Nẵng" vẫn còn là tên gọi của một vùng lãnh thổ gắn liền với một cửa biển, một vũng nước sâu, một "cửa quan" hay một "tấn sở". Các vua triều Nguyễn từ Gia Long đến cả Tự Đức nghiêng về ý nghĩa phòng thủ của nơi này hơn là phát triển Đà Nẵng thành một đô thị sầm uất. Vì vậy mà thời kì này Đà Nẵng được gọi là một "tấn", tức là một vị trí trọng yếu phòng thủ. Cho đến khi Pháp khai hỏa xâm chiếm thì Đà Nẵng vẫn chỉ là một vị trí, một địa bàn chiến lược về quân sự và chưa từng là một địa danh chỉ đơn vị hành chính.

Thời Sa Huỳnh và ChămPa, thành phố Đà Nẵng nằm trong vùng đất xứ Quảng, nơi các cư dân cổ thuộc Văn hóa Sa Huỳnh đã định cư từ hàng nghìn năm trước. Đồng bằng xứ Quảng đã dựng lên một nền văn minh lúa nước và dâu tằm nổi tiếng. Người Sa Huỳnh không chỉ là những cư dân nông nghiệp mà còn đi biển và có hoạt động giao thương bằng đường biển khá phát triển. Tại di tích Vườn Đình Khuê Bắc thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, các nhà khảo cổ học đã phát hiện và khai quật được những vết tích liên quan đến nơi ở và nơi chôn cất của cư dân thuộc thời kỳ Tiền Sa Huỳnh, cách đây khoảng 3.000 năm và một số hiện vật ở những lớp đất phía trên thuộc thời kỳ ChămPa sớm, cách đây gần 2.000 năm.

Khi nhà nước Chăm Pa ra đời, vùng đất Đà Nẵng thuộc về tiểu quốc Amaravati. Tại tiểu quốc này đã có ít nhất hai vương triều là Lâm Ấp và Indrapura tồn tại. Những dấu tích của thời kỳ Chăm Pa còn biểu hiện khá đậm nét qua các di tích từ miếu thờ tín ngưỡng ở Đình Dương Lâm thuộc xã Hòa Phong chỉ thờ ngẫu tượng Linga - Yony quy mô nhỏ bé đến các phế tích có quy mô lớn như lũy đất Thành Lồi, phế tích của các tháp Chăm như Tháp Quá Giáng, Tháp Xuân Dương và Tháp Phong Lệ. Trên địa bàn chùa ở Ngũ Hành Sơn còn lưu giữ một số hiện vật Chăm Pa như bệ thờ, mảnh bệ thờ, mảnh góc bệ thờ được khắc tạc với các đề tài như tượng, voi, sư tử, Drappla, hoa dây uốn xoắn,... thuộc phong cách nghệ thuật Đồng Dương, thế kỷ IX. Ngoài ra còn có các giếng cổ Chăm Pa phân bố rải rác ở nhiều địa phương. 

Thời Đại Việt, trong nửa sau của thế kỷ thứ X, các vua của vương triều Indrapura đã xung đột với Đại Việt. Năm 982, ba sứ thần mà Lê Hoàn, người sáng lập ra nhà Tiền Lê, gửi đến Chăm Pa đã bị bắt giữ. Lê Hoàn đã quyết định mở một cuộc tấn công vào vương quốc Indrapura và giết chết vua Chăm Parameshvaravarman I. Như một kết cục của sự thất bại, người Chăm cuối cùng đã bỏ rơi Indrapura vào khoảng năm 1000.  Vào năm 1306, thông qua cuộc hôn nhân của Vua Jayasimhavarman III, sử Việt gọi là Chế Mân, với Công chúa Huyền Trân bằng việc nhượng hai châu Ô, Lý cho nhà Trần, thì các làng xóm của người Việt bắt đầu được hình thành. Tháng Giêng năm Đinh Mùi 1307, Vua Trần Anh Tông sai đổi tên châu Ô và châu Lý thành châu Thuận và châu Hóa. Đà Nẵng từ đây là phần đất thuộc châu Hóa, và từ sau 1446 thì Đà Nẵng thuộc địa phận của huyện Điện Bàn, phủ Triệu Phong, thừa tuyên Thuận Hóa. Sau khi sáp nhập vào Đại Việt, vùng Đà Nẵng trở vào vẫn là miền biên viễn, luôn bị quấy nhiễu và cướp phá. Vào năm 1470, Lê Thánh Tông đánh bại quân Chiêm Thành và mở rộng biên giới Đại Việt đến Mũi Nay nằm giữa Phú Yên và Khánh Hòa ngày nay, nơi có núi đá bia là ranh giới, thì vùng đất này mới được bình ổn và bắt đầu có những cuộc khai phá mở mang. Những cư dân Việt đến sinh sống ở vùng này đã tiếp nhận và cải biến những yếu tố của văn hóa Chăm Pa để hòa nhập vào văn hóa Việt.

Thời các Chúa Nguyễn, vùng đất này đã được khai phá và trở nên trù phú thịnh vượng, các thương nhân cùng tàu thuyền nước ngoài thường xuyên ra vào mua bán, trao đổi hàng hóa. Giữa thế kỷ XVI, khi Hội An là trung tâm buôn bán sầm uất ở phía nam thì Đà Nẵng nằm ở vị trí tiền cảng với vai trò trung chuyển hàng hóa, tu sửa tàu thuyền. Đầu thế kỷ XVIII, vị trí tiền cảng của Đà Nẵng dần dần trở thành thương cảng thay thế cho Hội An, nhất là khi kỹ thuật đóng tàu ở Châu Âu phát triển. Những loại tàu thuyền lớn, đáy sâu có thể ra vào vịnh Đà Nẵng dễ dàng. Thời kỳ các Chúa Nguyễn cũng đánh dấu sự thành lập của Hải Đội Hoàng sa với nhiệm vụ ra đóng ở Quần đảo Hoàng Sa, mỗi năm 8 tháng để khai thác các nguồn lợi, đánh cá, thâu lượm những tài nguyên của đảo và những hóa vật do lấy được từ những tàu đắm đem về nộp cho triều đình. Quá trình hoạt động của Hải đội Hoàng Sa cũng là quá trình xác lập và thực thi chủ quyền Việt Nam trên Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa kéo dài từ đầu thế kỷ XVII.

Đà Nẵng trong thời Trịnh – Nguyễn phân tranh và thời Tây Sơn trở thành vùng tranh chấp dữ dội và đã chứng kiến những trận đánh quyết liệt của quan quân nhà Nguyễn trong cuộc tấn công vào cửa Đà Nẵng và Đại Chiêm. Năm 1797, quân Nguyễn Ánh đem đại binh tiến đánh Đà Nẵng.

Thời nhà Nguyễn, Với vị trí chiến lược quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp đến sự an nguy của kinh đô Phú Xuân, Đà Nẵng là một quân cảng và một thương cảng quan trọng bậc nhất của triều Nguyễn. Ngay sau khi thành lập, vương triều Nguyễn đã chú trọng xây dựng tại đây một hệ thống quản lý và phòng thủ cảng biển đặc biệt. Năm 1813, triều đình sai Nguyễn Văn Thành lập pháo đài Điện Hải và đồn An Hải nằm hai bên tả hữu sông Hàn để quan sát ngoài biển và phòng thủ Đà Nẵng. Trung tâm hành chính của tỉnh Quảng Nam được chuyển từ Dinh Chiêm gần Hội An ra đại đồn La Qua ở Vĩnh Diện. Đặc biệt, Gia Long quy định việc đón tiếp các đoàn sứ ngoại quốc đến quan hệ với vương triều nhất định phải vào cửa biển Đà Nẵng mà không được cập bến tại bất kỳ một cửa biển nào khác. Năm 1835, khi Vua Minh Mạng có dụ: "...tàu Tây đậu tại cửa Hàn, còn các cửa biển khác không được vào, phép nước rất nghiêm, chẳng nên làm trái... Từ nay về sau, người Tàu phải đi tàu buôn nước Tàu, mới cho vào cửa biển, người Tây phải đi tàu nước Tây vào cửa Hàn thông thương, không được ghé vào các cửa biển khác..." thì Đà Nẵng trở thành hải cảng chính thức và duy nhất thực thi chính sách ngoại giao của nhà Nguyễn với các nước đến quan hệ qua đường biển. Vua Thiệu Trị cũng đặc biệt quan tâm đến việc an ninh cảng biển tại Đà Nẵng và đưa ra những quy định chặt chẽ quản lý người phương Tây đến buôn bán tại đây.

Ngay từ giai đoạn 1843-1857 thì mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Pháp đã trở nên nóng bỏng. Năm 1847, Augustin de Lapierre chỉ huy tàu Gloire cập bến Đà Nẵng, trình thư cho nhà Nguyễn nhưng bị từ chối. Sang ngày 15 tháng 4 năm 1847, tàu Pháp đụng độ với bốn tàu của triều đình Huế và đánh tan quân triều đình chỉ sau hai giờ giao tranh. Giữa tháng 9 năm 1856, tàu Catinat do Lelieur chỉ huy ghé Đà Nẵng, trình quốc thư nhưng tiếp tục bị nhà Nguyễn từ chối. Ngày 28 tháng 9, phía Pháp cho tàu Catinat nã súng vào các pháo đài bảo vệ Đà Nẵng và cho quân đổ bộ làm vô hiệu hóa nhiều khẩu thần công của Việt Nam. Tính chung suốt từ 1843 đến 1857, Pháp đã sáu lần gửi chiến hạm đến Đà Nẵng.

Thời Pháp thuộc: Năm 1858, cuộc xâm lược của Pháp tại Việt Nam khởi đầu bằng cuộc tấn công vào Đà Nẵng. Ngày 25 tháng 8 năm 1883, triều đình Huế buộc phải ký với Pháp Hiệp ước Harmand. Theo điều 6 và 7 của Hiệp ước này, ngoài việc yêu cầu mở cửa Đà Nẵng để thông thương còn quy định rằng Pháp sẽ được phép lập các khu nhượng địa ở đây. Năm 1888, Tổng thống Pháp ký sắc lệnh thành lập ba thành phố ở Việt Nam là Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng. Năm 1888, Vua Đồng Khánh buộc phải ký một đạo dụ gồm 3 khoản quy định rõ "...Đà Nẵng được chính phủ Đại Nam kiến lập thành nhượng địa Pháp và nhượng trọn quyền cho chính phủ Pháp, và chính phủ Đại Nam từ bỏ mọi quyền hành trên lãnh thổ đó". Theo phụ đính của đạo dụ này, năm xã của huyện Hòa Vang gồm Hải Châu, Phước Ninh, Thạch Thang, Nam Dương và Nại Hiên Tây nằm bên tả ngạn sông Hàn được cắt giao cho Pháp để lập "nhượng địa" Tourane với diện tích 10.000 ha. Năm 1889, Toàn quyền Đông Dương Etienne Richaud ra nghị định thành lập thành phố Đà Nẵng thuộc tỉnh Quảng Nam. Đà Nẵng là thành phố loại 2, tương tự như thành phố Chợ Lớn thành lập trước đó. Đơn vị hành chính này chịu sự cai quản trực tiếp của Toàn quyền Đông Dương thay vì triều đình Huế. Đứng đầu thành phố là một viên Đốc lý do Khâm sứ đề nghị và Toàn quyền bổ nhiệm. Năm 1901, dưới sức ép của Pháp, Vua Thành Thái buộc phải ký một đạo dụ nới rộng nhượng địa Đà Nẵng thêm 14 xã, cụ thể là thêm 8 xã thuộc huyện Hòa Vang bên tả ngạn sông Hàn và 6 xã thuộc huyện Diên Phước bên hữu ngạn sông Hàn. Ngày 19 tháng 9 năm 1905, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định tách Đà Nẵng khỏi tỉnh Quảng Nam để trở thành một đơn vị hành chính độc lập gồm 19 xã. Như vậy vào đầu thế kỷ XX, thành phố Tourane (Đà Nẵng) đã vươn về phía tây và tây bắc, còn phía đông thì đã vượt sang hữu ngạn sông Hàn chiếm trọn bán đảo Sơn Trà.

Đầu thế kỷ XX, Tourane được Pháp xây dựng trở thành một đô thị theo kiểu Tây phương. Cơ sở hạ tầng xã hội, kỹ thuật sản xuất được đầu tư. Sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chế biến hàng xuất khẩu, sửa chữa tàu thuyền, kinh doanh dịch vụ được hình thành và phát triển; cùng với Hải Phòng và Sài Gòn, Tourane trở thành trung tâm thương mại quan trọng. Cảng Đà Nẵng đã tương đối hoàn chỉnh và đi vào hoạt động từ giai đoạn 1933-1935. Sân bay dân dụng cũng được nhà cầm quyền sớm xây dựng vào năm 1926. Hầu hết các công ty lớn nhất hoạt động ở Đông Dương đều hiện diện ở Đà Nẵng. Dân số thành phố tăng lên nhanh chóng; năm 1936, Đà Nẵng có 25.000 người; năm 1945 có khoảng 30.000 người. Trong thời gian này, người Pháp vẫn tiếp tục quản lý Quần đảo Hoàng Sa. Ngày 8 tháng 3 năm 1925, Toàn quyền Đông Dương tuyên bố Quần đảo Hoàng Sa và Quần đảo Trường sa là lãnh thổ của Pháp. Từ năm 1925, Viện Hải Dương học và Nghề cá Nha Trang đã thực hiện các cuộc khảo sát ở Hoàng Sa. Năm 1938, Pháp bắt đầu phái các đơn vị bảo an tới các đảo và tiến hành dựng bia chủ quyền, hải đăng, trạm vô tuyến, trạm khí tượng trên đảo Hoàng Sa cùng một trạm khí tượng nữa trên đảo Phú Lâm. Năm 1938, Toàn quyền Đông Dương Jules Brevie thành lập đại lý hành chính ở Quần đảo Hoàng Sa. Năm 1938, một đơn vị lính bảo an Việt Nam được phái ra đồn trú Hoàng Sa.

Thời Quốc gia Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa: Năm 1950, Pháp trao trả Đà Nẵng cho chính phủ Quốc Gia Việt Nam dưới thời Quốc Trưởng Bảo Đại. Từ năm 1955, chính quyền Ngô Đình Diệm tiến hành phân chia lại địa giới hành chính. Lúc này, Đà Nẵng trực thuộc tỉnh Quảng Nam. Đến năm 1962, tỉnh Quảng Nam được tách thành hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Tín. Đà Nẵng trực thuộc trung ương. Vào những năm 1954-1955, dân số Đà Nẵng có khoảng hơn 50.000 người.  Trong khi đó cuộc chiến tranh Việt Nam ngày càng gia tăng. Tháng 3 năm 1965 các đơn vị Thủy quân Lục chiến Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng và thiết lập ở đây một căn cứ quân sự hỗn hợp lớn. Sân bay Đà Nẵng được coi là một trong những sân bay "tấp nập" nhất trong chiến tranh. Năm 1967, Đà Nẵng được chính quyền Việt Nam Cộng Hòa ấn định trực thuộc trung ương và xác định mục tiêu xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm chính trị, quân sự, văn hóa cho vùng I và vùng II chiến thuật. Mỹ cho xây dựng ở Đà Nẵng các căn cứ quân sự và kết cấu hạ tầng phục vụ cho mục đích quân sự như sân bay, cảng, kho bãi, cơ sở thông tin liên lạc...

Năm 1973, khi quân Mỹ rút khỏi Việt Nam, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã cho phân chia lại địa giới hành chính Đà Nẵng, giữ nguyên 3 quận như cũ, chỉ sáp nhập 28 khu phố bên dưới cấp quận thành 19 phường. Do quá trình đô thị hoá, dân số Đà Nẵng ngày càng tăng nhanh. Dân số thành phố từ mức 148.599 người vào năm 1964 tăng lên tới gần 500.000 người vào năm 1975. Dưới thời Việt Nam Cộng hòa, Đà Nẵng là đô thị lớn thứ hai miền Nam. Tính đến trước 30 tháng 4 năm 1975, cảng Đà Nẵng là nơi cung cấp hàng hóa cho cả vùng I chiến thuật, đồng thời là trung tâm tiếp tế cho gần 3 triệu dân miền Nam. Toàn thị xã khi đó có hàng chục công ty kinh doanh xuất nhập khẩu. Người dân Đà Nẵng chủ yếu sống bằng nghề buôn bán.

Sau Hiệp định Genève, Quần đảo Hoàng Sa được giao cho chính quyền Quốc gia Việt Nam quản lý. Năm 1961, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm ký sắc lệnh 174-NV quy thuộc quần đảo này vào tỉnh Quảng Nam và thiết lập tại đó một đơn vị hành chính lấy tên là Xã Định Hải thuộc Quận Hòa Vang. Sau khi đã kiểm soát được nhóm đảo An Vĩnh từ trước, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chiếm toàn bộ Quần đảo Hoàng Sa vào ngày 19 tháng 1 năm 1974 khi quân đội của họ tấn công quân đồn trú Việt Nam Cộng hòa và chiếm nhóm đảo Lưỡi Liềm ở phía tây.

Từ 1975 đến nay: Đà Nẵng là thành phố thuộc tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Năm 1990, Đà Nẵng được công nhận là đô thị loại 2. Năm 1996, Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc trung ương. Để chuẩn bị cho một cuộc bứt phá của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, những năm qua, Đà Nẵng đã nỗ lực cải thiện hình ảnh và vị thế của mình. Từ năm 2001, thành phố đề ra kế hoạch thực hiện chương trình "Thành phố 5 không": không hộ đói, không có người mù chữ, không có người lang thang xin ăn, không có người nghiện ma túy trong cộng đồng và không có cướp của, giết người. Sau kết quả ban đầu của chương trình "Thành phố 5 không", Đà Nẵng lại tiếp tục với chương trình "3 có": có nhà ở, có việc làm và có nếp sống văn hóa, văn minh đô thị. Các chương trình này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, đã tạo thành mục tiêu để chính quyền thành phố phấn đấu và tạo được niềm tin đối với người dân. Sau khi trở thành thành phố trực thuộc trung ương, Đà Nẵng luôn đạt tốc độ tăng trưởng GDP cao hơn bình quân chung của Việt Nam. Thành phố Đà Nẵng đã đầu tư cho quy hoạch đôi bờ sông Hàn với những công viên, đường đi dạo dọc hai bờ sông, nhiều cây cầu tiếp nhau nối liền hai bờ đông tây. Sông Hàn trở thành "chiếc ban công" thể hiện bộ mặt đô thị Đà Nẵng. Các dự án bất động sản hàng trăm triệu đô la Mỹ được đầu tư xây dựng hai bên sông Hàn, đặc biệt trong khu vực trung tâm với các công trình quy mô rất lớn tạo điểm nhấn cho thành phố. Tòa nhà Trung tâm Hành chính Thành phố cao 167m với 34 tầng là tòa nhà trung tâm hành chính cao nhất Việt Nam. Hiện nay tòa nhà cao nhất Đà Nẵng (và cũng là cao nhất miền Trung) là tòa nhà Wyndham Soleil Đà Nẵng D cao 180m với 50 tầng. Tính đến năm 2019, Đà Nẵng có hơn 140 tòa nhà cao trên 12 tầng, trong đó có 40 tòa nhà cao trên 100m, 2 tòa nhà cao trên 200m. Cầu Rồng với hệ thống phun nước, phun lửa được xem là con rồng thép lớn nhất thế giới. Không gian đô thị Đà nẵng cũng được quy hoạch theo hướng hướng ra sông, ra biển để tạo không gian tốt cho kinh tế phát triển. Thành phố đã phát triển nhanh các đô thị mới quy mô 500 - 1.000 ha, hình thành các khu công nghiệp thân thiện môi trường và triển khai nhiều dự án bất động sản.

Đà Nẵng là trung tâm du lịch lớn hàng đầu của Việt Nam. Phía bắc thành phố được bao bọc bởi núi cao với đèo Hải Vân được mệnh danh là "Thiên hạ đệ nhất hùng quan". Phía tây là Khu du lịch Bà Nà nằm ở độ cao trên 1000m với hệ thống cáp treo đạt bốn kỷ lục thế giới như dài nhất, độ chênh lớn nhất, tổng chiều dài cáp dài nhất và sợi cáp nặng nhất, cùng khu vui chơi giải trí trong nhà Fantasy Park lớn nhất Đông Nam Á và khu làng Pháp lớn nhất Việt Nam. Phía đông bắc là bán đảo Sơn Trà với 400 ha rừng nguyên sinh gồm nhiều động thực vật phong phú. Phía đông nam là danh thắng Ngũ Hành Sơn. Trên địa bàn thành phố còn có một hệ thống các đình, chùa, miếu theo kiến trúc Á Đông, các nhà thờ theo kiến trúc phương Tây như Nhà Thờ Con Gà,...các bảo tàng mà tiêu biểu nhất là Bảo tàng Nghệ thuật Điêu khắc Chăm. Ở đây trưng bày các hiện vật Chăm quy mô nhất ở Việt Nam. Ngoài ra thành phố còn được bao bọc bởi 3 Di sản Văn hóa Thế giới: Huế, Hội An, Mỹ Sơn. Xa hơn một chút nữa là Vườn Quốc gia Bạch Mã, và Di sản Thiên nhiên Thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng. Vì thế Đà Nẵng được xem là điểm trung chuyển quan trọng trên Con đường Di sản miền Trung.

Rời khách sạn lúc 6 giờ sáng, đường lên Bà Nà Hill đẹp và vắng xe vào buổi sáng nên chúng tôi đến nơi khá nhanh. Bà Nà Hill chỉ cách trung tâm Đà Nẵng 25km và được ví như cao nguyên Genting của Malaysia, nhưng Bà Nà Hill sở hữu cảnh sắc thiên nhiên tuyệt vời hơn và hiện đại hơn. Hôm nay trời trong veo báo hiệu một ngày nắng đẹp. Đưa xe vào bãi, đây là bãi không có mái che, để phơi xe cả ngày dưới cái nắng của miền Trung chắc mấy chai nước Lavie để trong xe sôi lên mất. Chúng tôi để hở kính xe và dán các tấm che nắng vào các kính xe, xong rồi đeo balo lên đường thôi. Hôm nay chúng tôi sẽ dành cả ngày ở Bà Nà Hill.

Bà Nà Hills là khu du lịch toạ lạc trên một khu vực thuộc về dãy núi Trường Sơn nằm ở xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang, cách Đà Nẵng 25 km về phía Tây Nam. Trung tâm du lịch của Bà Nà nằm trên đỉnh Núi Chúa có độ cao 1489m so với mực nước biển. Được khám phá từ hàng thế kỷ trước, Bà Nà Hills có khí hậu mát mẻ quanh năm. Chỉ hơn 10 năm trở lại đây, Bà Nà Hills mới được nhiều người biết đến với tổ hợp các công trình du lịch đạt danh hiệu “Khu du lịch hàng đầu Việt Nam” 4 năm liên tiếp từ năm 2014 – 2017. Để xây dựng các công trình này 60ha rừng đã bị san phẳng.

Trước năm 1945, vẫn còn các vết tích một số biệt thự Pháp cổ trên đỉnh Bà Nà. Năm 1901, Quan toàn quyền Đông Dương Paul Doumer muốn tìm một nơi tương tự như Đà Lạt để xây dựng khu nghỉ mát, nghỉ dưỡng, chữa bệnh cho các quan chức, binh lính và sĩ quan người Pháp. Nhiệm vụ được giao cho Debay, một Đại úy thủy quân lục chiến, trực tiếp chỉ huy tìm kiếm. Đại úy Debay phải mất nhiều tháng trời lang thang khắp Việt Nam để tìm cho ra một Đà Lạt thứ hai. Tháng 4/1901, ông phát hiện ra “Núi Chúa”, tức Bà Nà, một ngọn núi cao với địa hình tương đối bằng phẳng, khí hậu bán ôn đới dễ chịu mát mẻ, tương tự như Đà Lạt và chỉ cách thành phố Đà Nẵng về phía Tây chừng 46 km. Nhận định đây là vùng đất lý tưởng có thể xây dựng khu nghỉ dưỡng theo ý muốn, ngày 30/11/1911, Quan toàn quyền Paul Doumer đã ra nghị định biến Bà Nà thành một khu bảo tồn lâm nghiệp để tiện cho việc nghiên cứu về Bà Nà được kỹ lưỡng hơn. Trong phần kết luận Debay viết: “Từ ngôi lều chính người ta nhìn thấy đồng bằng Đà nẵng đến tận chân các dãy núi và nhìn thấy đồng bằng Quảng Nam. Cao hơn cây rừng, ở cách đỉnh 1.370, 1.376, 1. 403; từ đó có cái nhìn toàn cảnh bao la, từ những phá ở Quảng Trị đến phá Quảng Ngãi về hướng Tây, đến tận những rặng núi ở nguồn sông Sekông (sông Kôn hiện nay)”.

Sau Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất (1914 – 1918), người Pháp đẩy mạnh xây dựng khu nghỉ mát Bà Nà, hoàn tất con đường nối Bà Nà với đường số 1, sau này là quốc lộ 1, vào Năm 1919, tạo điều kiện dễ dàng cho những công sở, quan chức và kiều dân Pháp đầu tư xây dựng khu nghỉ dưỡng, kinh doanh ở Bà Nà. Tháng 5 năm 1919, luật sư Beisson là người đầu tiên xây dựng nhà nghỉ ở Bà Nà. Đến 1921, tại Bà Nà đã có 39 lô đất được cấp phép xây dựng của 36 chủ đầu tư, phân bố trải đều theo cụm. Có một đoạn văn cổ miêu tả rằng: “Phu kiệu kiệu khách từ chân núi lên đỉnh núi không vã mồ hôi, thời gian từ chân núi lên đỉnh núi từ 5 – 6 tiếng đồng hồ. Vào thời đó, các dịch vụ như khiêng, cáng kiệu, võng rất phát triển. Trên đỉnh núi hầu như có đầy đủ tất cả các dịch vụ: Khách sạn, nhà hàng, có rạp chiếu bóng, hầm rượu, sân tennis, bưu điện, bệnh viện, nhà thờ… Các công trình lớn nhỏ tiếp tục được xây dựng mãi đến năm 1944 thì ngừng hẳn. Theo thống kê có khoảng 240 công trình nhà nghỉ được đánh giá rất hiện đại, sang trọng, đầy đủ tiện nghi ở thời đó được đưa vào sử dụng. Bà Nà khi đó được xem là thị trấn nghỉ dưỡng rất quan trọng của quan chức, binh lính và kiều dân người Pháp ở Trung kỳ, có sức thu hút du khách khắp cả Đông Dương”.

Thống kê của Pháp năm 1925 cho biết, chỉ có chừng 120 du khách chọn Bà Nà để nghỉ ngơi. Năm 1928, đường lên đỉnh núi được hoàn tất, số du khách mới tăng dần, đến năm 1937 đã đạt được con số hơn 1.000 người, phần lớn là người Pháp và quan chức người Việt. Các dịch vụ như điện, nước, bệnh viện, bưu điện, ngân hàng, khách sạn... đã được đưa vào phục vụ du khách. Bà Nà dần trở thành một khu nghỉ dưỡng nổi tiếng không chỉ ở Trung kỳ mà ở toàn khu vực Đông Dương. Năm 1938, Bà Nà đã được Phòng Du lịch Đông Dương đưa vào tour du lịch 8 ngày bằng xe hơi tuyến Sài Gòn - Đà Lạt - Nha Trang - Quy Nhơn - Đà Nẵng - Huế - Vinh - Hà Nội - Hải Phòng và ngược lại. Kiệu ghế được xem là một phương tiện di chuyển đầy lý thú và rất điển hình cho du lịch Bà Nà xưa với lượng du khách ngang với những khu nghỉ mát thời đó như Le Bockor ở Campuchia, Mũi Saint Jacques ở Vũng Tàu, Tam Đảo, Sa Pa …

Sau năm 1945: Bà Nà dần vắng bóng người. Khi Pháp quay trở lại xâm lược Việt Nam lần thứ 2, nhân dân địa phương thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến nên đã triệt hạ các công trình xây dựng ở Bà Nà. Từ đấy, khu nghỉ mát hoang phế dần và bị cây rừng che phủ trong quên lãng gần nửa thế kỷ.

Đến giai đoạn chiến tranh chống Mỹ, quân đội Mỹ chọn đỉnh núi Bà Nà làm nơi quan sát quân sự. Để tạo hành lang an toàn cho đồn bốt, tất cả các công trình còn lại từ thời Pháp bị phá hủy dưới các nòng súng tầm xa của họ.

Tới giai đoạn 1975, hòa bình lập lại, những người dân khó khăn quanh vùng làm lâm nghiệp men theo đường mòn lên núi Bà Nà tìm kiếm một số đồ đạc còn sót lại từ các tàn tích trên núi… về phục vụ mục đích sử dụng cá nhân. Giai đoạn này, chẳng còn ai nhớ đến Bà Nà nữa.

Năm 1997, UBND thành phố Đà Nẵng quyết định xây dựng lại Bà Nà thành một khu du lịch sinh thái có quy mô lớn với hệ thống nhà nghỉ, nhà hàng, khu bảo tồn... Một con đường huyết mạch từ chân núi lên tới đỉnh núi dài 15 km được trải nhựa, tạo thuận lợi cho việc chuyên chở vật liệu lên xây dựng cơ sở vật chất trên đỉnh núi. Sau năm 2000, thị trấn du lịch Bà Nà đã được đánh thức. Các doanh nhân Đà Nẵng cùng với chính quyền thành phố đã xây dựng Bà Nà thành khu du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng với nhiều cơ sở dịch vụ được đưa vào khai thác. Bà Nà nhanh chóng lấy lại ngôi vị của một trong những khu du lịch nổi tiếng nhất thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên, ngôi vị ấy được duy trì không lâu. Do tính chất nhỏ lẻ, thiếu đồng bộ của các công trình dịch vụ ở Bà Nà khi đó, cộng với cách quản lí thiếu chuyên nghiệp, khu du lịch sinh thái đã không thực sự thu hút và đáp ứng được nhu cầu đa dạng và phong phú về du lịch, vui chơi, nghỉ ngơi… của du khách thập phương. Chỉ một thời gian ngắn sau khi được xây dựng lại, du khách thưa dần, Bà Nà lại chìm trong quên lãng.

Năm 2007, UBND thành phố Đà Nẵng quyết định chuyển giao toàn bộ khu du lịch Bà Nà cho Tập đoàn Sun Group - Việt Nam quản lý. Nhằm phục vụ nhu cầu du lịch khám phá, nghỉ dưỡng và du lịch tâm linh của đông đảo du khách, Công ty Cổ phần Dịch vụ Cáp treo Bà Nà đã đầu tư xây dựng tuyến cáp treo Bà Nà - Suối Mơ và chính thức khai thác tuyến cáp treo này vào ngày 25/3/2009 sau 12 tháng thi công và 2 tháng chuẩn bị. Đây là tuyến cáp treo hiện đại bậc nhất thế giới tại thời điểm ấy được xây dựng theo tiêu chuẩn châu Âu với tổng mức đầu tư khoảng 300 tỷ đồng. Tiếp đó, nhiều công trình mới được xây dựng, gia tăng trải nghiệm vui chơi tham quan cho du khách tới Bà Nà, nổi bật như khu vui chơi giải trí trong nhà rộng 21.000m2 Fantasy Park; tuyến cáp treo bốn kỷ lục thế giới L’Indochine – Thác Tóc Tiên; Tàu hỏa leo núi; Làng Pháp... đáp ứng nhu cầu tham quan và lưu trú của du khách trong và ngoài nước. Năm 2017, thêm 2 tuyến cáp treo Hội An – Marseille và Bordeaux – Louvre tiếp tục được đưa vào hoạt động. Cũng trong năm này, Bà Nà Hills Mountain Resort chính thức trở thành thành viên của Tập đoàn Sun World, với tên gọi Sun World Ba Na Hills, cùng với Sun World Danang Wonders ở Đà Nẵng, Sun World Halong Complex ở Hạ Long, Quảng Ninh, Sun World Fansipan Legend ở Sa Pa, Lào Cai, Sun World Hon Thom Nature Park ở An Thới, Phu Quoc. Tháng 6/2018, tại Bà Nà có thêm công trình Cầu Vàng, sớm nổi danh trên thế giới nhờ các bài đánh giá trên các tạp chí hàng đầu như: New York Times, Forbes, CNN,... Năm 2019 & 2020, Bà Nà Hills sẽ đưa vào hoạt động tiếp 2 tuyến cáp treo mới, lâu đài phép thuật, khách sạn M Gallery & Cầu Bạc.

Đỉnh cao nhất của Bà Nà là Núi Chúa cao 1.487m, rặng núi Bà Nà hay còn gọi là rặng núi Lỗ Đông, bản đồ địa lý thủy văn của người Anh gọi là “Đỉnh Tròn”, nằm hơi chếch về phía Tây Nam của thành phố Đà Nẵng. Địa hình nơi đây rất phức tạp, bị chia cắt mạnh bởi các hệ thống sông suối chằng chịt, Núi Bà Nà cũng là thượng nguồn của 3 hệ thống sông chính: sông Túy Loan, sông Lỗ Đông, sông Vàng. Phía Tây sườn dốc đứng, phía Đông Nam và Đông Bắc thấp dần, phần tiếp giáp có địa hình đồi núi thấp vây quanh. Với độ cao trung bình hơn 800m, độ dốc 25o đến 35o, tất cả đã tạo nên một cảnh quan đặc trưng của hệ sinh thái rừng nhiệt đới gió mùa.

Con đường trải nhựa lên Bà Nà đã được rào lại, để lên Bà Nà phải đi cáp treo. Cáp treo Bà Nà là một trong mười tuyến cáp treo ấn tượng nhất thế giới với tổng 201cabin và có ba tuyến cáp treo: Suối Mơ – Bà Nà, Debay – Morin, Thác Tóc Tiên – L’Indochine. Chúng ta có thể chọn lúc đi một tuyến và lúc về một tuyến để chuyến tham quan thêm thú vị. Đặc biệt, tuyến cáp treo Thác Tóc Tiên – L’Indochine là hệ thống cáp treo một dây dài nhất thế giới và là tuyến cáp treo có độ cao chênh lệch giữa ga đi và ga đến cao nhất thế giới. Cabin có nhiều màu sắc khác nhau và không gian bên trong rộng rãi. Từ trên cabin, có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh Bà Nà Hill. Ngồi trên cáp treo giống như ngồi trên máy bay trực thăng lướt trên các sườn núi và quan sát được cảnh sắc núi rừng bên dưới.

Tuyến cáp treo Thác Tóc Tiên – L’Indochine là tuyến dài nhất trong ba tuyến cáp treo lên Bà Nà Hill hiện nay

Buổi chiều muộn, chúng tôi đứng trên cầu vàng ngắm nhìn biển mây trắng bồng bềnh tràn qua các khe núi bên dưới, các cabin cáp treo mất hút vào trong biển mây, cảnh tượng thật ngoạn mục như là đang đứng trên trời nhìn xuống hạ giới vậy. Thì ra  trong cuộc đời, mình đã có lúc leo lên đến đỉnh cao!!!

Lần nào lên Bà Nà Hills, chúng tôi cũng trải nghiệm tàu hỏa leo núi. Ngồi trên con tàu leo lên độ dốc tới gần 45 độ cũng thật thú vị. Tàu hỏa leo núi là một loại hình vận chuyển sử dụng công nghệ thang máy (cáp kéo) và công nghệ của ngành đường sắt (đường ray bánh răng), ra đời từ cuối thế kỷ 15, đầu thế kỷ thứ 16 tại Áo, dùng để vận chuyển hàng hóa vật liệu lên các tòa thành cao của lâu đài Hohensalzburg. Đến nửa cuối của thế kỷ thứ 19, loại hình vận chuyển này mới được sử dụng cho cư dân thành thị. Ở Bà Nà, tuyến tàu hỏa leo núi vận chuyển khách tham quan qua các thắng cảnh như: Chùa Linh Ứng, vườn hoa Le Jardin, khu biệt thự cổ. Từ trên tàu, có thể ngắm cảnh sắc ấn tượng từ núi rừng Bà Nà hùng vĩ. Tàu hỏa leo núi tại Bà Nà được khai trương vào ngày 26/4/2014, có sức chứa 80 người một cabin, vận tốc 5 m/s, công suất vận hành 1.600 khách một giờ và được Garaventa của Thụy Sĩ sản xuất, có thể vận hành tốt trong bất kỳ điều kiện thời tiết nào.

 

Tàu hỏa leo núi ở Bà Nà Hill

Đi xuống phía dưới ngôi tượng Phật chùa Linh Ứng trên đỉnh Bà Nà là vườn hoa tình yêu Bà Nà Hills –Đà Nẵng hay còn gọi là vườn hoa Le Jadrin D’amour theo tên tiếng Pháp. Không chỉ đẹp như trong tranh, vườn hoa tình yêu còn đem đến những cung bậc cảm xúc tuyệt vời với lối thiết kế đặc biệt, vườn hoa bao gồm 10 khu vườn nhỏ, mỗi khu vườn nhỏ lại là một  một câu chuyện cổ tích vô cùng hấp dẫn được thể hiện qua 10 phong cách thiết kế khác nhau.

  

Một góc vườn hoa tình yêu (Le Jadrin D’amour)

Vườn hoa Bà Nà là nơi thu hút mọi du khách đặc biệt là những người trẻ, những cặp đôi đang yêu. Ở đây mọi người thoải mái chụp ảnh và chụp bất kỳ góc nào cũng cho một bức ảnh đẹp. Vườn hoa được khai trương từ tháng 4 năm 2014, Khu vườn hoa L’Jardin d’ Amour có tổng diện tích 8.206m2 bao gồm 10 khu vườn được thiết kế dựa theo các theo kiểu vườn hoa độc đáo của Châu Âu, gồm: Quảng trường Ước hẹn, Vườn Uyên Ương, Vườn Thiêng, Vườn Địa đàng, Vườn Suối Mơ, Vườn Kí Ức, Vườn Thần Thoại,  Vườn Suy Tưởng, Vườn Nho, vườn Bí Ẩn. Mỗi khu vườn mang một chủ đề, được trồng trang trí nhiều loại hoa, tạo nên một không gian thiên nhiên rực rỡ sắc màu, hấp dẫn khách tham quan.

Vườn hoa tình yêu (Le Jadrin D’amour)

Đến Bà Nà chưa lần nào chúng tôi bỏ qua hầm rượu Debay. Người Pháp đã cho xây dựng hầm rượu này vào năm 1923. Trong quãng thời gian từ năm 1919 đến năm 1938, đồng thời với việc xây dựng hàng trăm ngôi biệt thự cùng bệnh viện, bưu điện, ngân hàng… để phục vụ nhu cầu nghỉ mát của các quan chức, sĩ quan quân đội, thương gia người Pháp và những người Việt giàu có trên đỉnh Bà Nà thì hầm rượu cũng được xây dựng. Mục đích cơ bản của việc xây dựng hầm rượu là để làm nơi cất giữ các loại rượu, đặc biệt là rượu vang mà người Pháp mang sang từ cố Quốc. Hầm rượu Debay độc đáo bởi nó được đào xuyên vào lòng núi, có tổng chiều dài từ lối vào đến lối ra khoảng 100m, chiều cao 2,5m, rộng khoảng 2m, bên trong có các hầm cất giữ rượu, bar rượu, lò sưởi, sảnh. Vách hầm được xây bằng đá núi và vữa làm từ hỗn hợp đường và nhựa cây bời lời, một loại cây khá phổ biến ở vùng Quảng Nam - Đà Nẵng. Trần hầm được đào theo hình vòm cung, mang đậm lối kiến trúc Pháp. Kiến trúc hình vòm còn giúp tạo nên sự vững chắc cho hầm rượu. Đó là lý do vì sao gần 100 năm qua, hàng trăm ngôi biệt thự lộng lẫy nguy nga một thời nay chỉ còn là những phế tích nhưng hầm rượu vẫn trường tồn với thời gian, bất chấp sự khắc nghiệt của thiên nhiên và sự tàn phá của bom đạn trong chiến tranh. Đây cũng là công trình duy nhất của người Pháp còn lại khá nguyên vẹn tại Bà Nà. Bên trong hầm rượu hiện có tất cả 14 hốc rượu, gồm có 9 hốc nhỏ và 5 hốc lớn. Một số hốc có dòng suối nhỏ róc chảy qua để giữ ẩm và lạnh cho rượu. Chủ nhân của mỗi hốc rượu bên trong hầm rượu Debay cũng là chủ nhân của những ngôi biệt thự hoặc khách sạn tại Bà Nà thời đó. Một số người lớn tuổi trước đây từng làm phu cho người Pháp ở Bà Nà kể lại rằng người Pháp cất giữ rượu vang trong những hốc này và mang ra tiếp đãi khách quý trong những buổi khánh tiết. Cách đây gần 100 năm, người Việt Nam bình thường hầu như không có cơ hội đặt chân đến đây. Lý do là vì đây là nơi chỉ dành cho giới thượng lưu gồm các quan chức, sĩ quan cao cấp trong quân đội Pháp, các thương gia Pháp và một số rất ít những người Việt Nam giàu có thân Pháp. Đây là nơi Người Pháp gặp gỡ, giao lưu và tổ chức các buổi dạ tiệc, khiêu vũ, khánh tiết… Năm 1945, khi người Pháp rời khỏi Việt Nam, Bà Nà đã chìm vào quên lãng và hầm rượu cũng chịu chung số phận bị bỏ hoang trong một thời gian dài và bị bom đạn đánh sập một phần. Cùng với sự phát triển của thành phố  Đà Nẵng, Bà Nà đã được khôi phục và hầm rượu cũng được phục chế lại tương đối hoàn chỉnh như ban đầu.

  

Ngồi thưởng thức rượu vang Pháp trong hầm rượu là một dịch vụ mới được mở ra gần đây. Năm 2015 khi chúng tôi tổ chức cho Bộ môn – Khoa Phục hồi chức năng của chúng tôi đi nghỉ ở Đà Nẵng và lên Bà Nà thì chưa thấy có dịch vụ này.

Tàu hỏa leo núi ở Bà Bà Hill

Giống như đến cao nguyên Genting của Malaysia, tới Bà Nà Hill các cháu bé thì khó mà kéo ra khỏi Fantasy Park, nó là công viên trong nhà. Lấy cảm hứng từ 2 cuốn tiểu thuyết “ Hành trình vào trung tâm trái đất” và “ Hai vạn dặm dưới biển” của nhà văn người Pháp Jules Verne, Fantasy Park là khu vui chơi giải trí trong nhà diện tích  21.000m2 với thiết kế 3 tầng bao gồm hơn 100 trò chơi: Tầng B1 “Trò chơi mạo hiểm”;  Tầng B2 “ Miền phiêu lưu kỳ thú”; Tầng B3 “Thế giới huyền bí”. Các trò chơi tiêu biểu: Công viên khủng long đầu tiên ở Việt Nam có đủ các loại khủng long từ kỷ Jura đến kỳ cận đại, Tháp rơi và xoay tự do trong nhà cao nhất Việt Nam 29m, 3 rạp phim công nghệ: 3D 360, 4D, 5D, xe điện đụng trong nhà, leo núi trong nhà với vách núi cao 21m, đường trượt đôi tốc độ cao 2 vòng xoắn kép…

  

Trong Fantasy Park

Nếu như giới trẻ thích Fantasy Park thì tôi lại rất thích khu trưng bày tượng sáp. Khu trưng bày tượng sáp được xây dựng năm 2012 và khai trương 2013, sau gần 1 năm xây dựng. Đây cũng là khu trưng bày tượng sáp đầu tiên tại Việt Nam. Hiện khu trưng bày tượng sáp sở hữu 49 tác phẩm nghệ thuật tượng sáp tinh xảo, được thực hiện bởi những nghệ nhân người Ý, là bản sao của các ngôi sao điện ảnh, ca nhạc, doanh nhân, chính trị gia nổi tiếng thế giới như: Albert Einstain, Nelson Mandela, cựu tổng thống Mỹ Barack Obama, tổng thống Putin, ca sỹ Lady Gaga, diễn viên Thành Long, doanh nhân Steve Job, diễn viên Angelina Jolie…

 

Ai là tượng sáp, ai là người?

Tại sao người ta lại xây dựng trên Bà Nà Hill một Làng Pháp rộng và bề thế với các con phố, kiến trúc nhà cửa, các lâu đài và cả các nhà hàng Pháp. Có lẽ vì Bà Nà được người Pháp phát hiện và xây dựng thành khu nghỉ dưỡng đầu tiên với đầy đủ khách sạn, bệnh viện, nhà nghỉ, nhưng các kiến trúc này đã bị phá hủy trong chiến tranh. Vì vậy nhà đầu tư muốn tái lập lại hình ảnh các con phố và lâu đài Pháp ở đây chăng. Làng Pháp được thiết kế dựa trên những nét phác thảo trong cuốn ghi chép của nhà truyền giáo Pigneau De Behaine kể về cuộc hành trình xuyên nước Pháp đầy thú vị của ông. Làng Pháp là bức tranh thu nhỏ của nước Pháp thời trung cổ, được khôi phục lại từ những thị trấn, làng mạc khác nhau trên khắp nước Pháp mà Pigneau từng đi qua. Với diện tích 45.300 m2, Làng Pháp được chia thành 7 khu vực khác nhau gồm: ngôi làng của xứ Brittany được mệnh danh đẹp nhất nước Pháp; ngôi làng nguyên sơ nhất thời trung cổ ở Pháp là Conques Aveyron; khu vực lâu đài Chateau De Chenonceau; Thánh đường St Denis; ngôi làng Apremont sur Allier…

  

Khu làng Pháp trên Bà Nà Hill

Một kiến trúc nổi tiếng gần đây của Bà Nà Hill là cây Cầu Vàng. Cầu vàng là một tác phẩm đặc sắc và nổi tiếng khắp thế giới của Bà Nà Hills. Khánh thành đầu tháng 6/2018, Cầu Vàng nối từ nhà vòm Button tới vườn Giác quan, thuộc quần thể khu vực vườn Thiên Thai, nằm ở độ cao 1.414m so với mực nước biển. Cầu Vàng gồm 8 nhịp, 7 trụ và 2 mố với tổng chiều dài 150m. Bề rộng toàn bộ cầu là 5m, trong đó phần mặt cầu dành cho người đi lại rộng 3m, hai bồn hoa mỗi bên rộng 1m. Công trình được thiết kế bởi Trung tâm Nghiên cứu thiết kế kiến trúc cảnh quan (TA Landscape Architecture), trực thuộc Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh. Thiết kế độc đáo với ý tưởng hai bàn tay một vị thần nâng đỡ thân cầu. Đứng trên Cầu Vàng, từ độ cao 1400m có thể quan sát được một vùng rộng lớn núi non, vùng đồng bằng và thành phố Đà Nẵng bên dưới. Buổi chiều tà đứng trên Cầu Vàng có thể thấy biển mây trắng bồng bềnh tràn qua các khe núi xuống các thung lũng bên dưới, hiếm nơi nào có thể quan sát được một cảnh tượng huyền diệu như vậy.

Cầu Vàng đã được nhiều tờ báo, hãng thông tấn uy tín tại Việt Nam và quốc tế như CNN, BBC, The New York Times, Time, FoxNews, The Guardian, Archdaily… ca ngợi. Ngày 23/8/2018, Cầu Vàng lọt top 100 điểm đến tuyệt vời nhất thế giới do Tạp chí Time bầu chọn.

  

Đứng trên cầu Vàng, một kiến trúc độc đáo ở Bà Nà Hill, tha hồ selfie nhé

Chúng tôi định ngủ lại trên Bà Nà để thưởng thức cảnh đêm Bà Nà Hills, nhưng chiều đến khi mặt trời xế tà thì cảm giác khá lạnh nên chúng tôi quyết định ở lại muộn đến khi tối hẳn để thưởng thức cảnh hoàng hôn và Bà Nà về đêm, sau đó sẽ về Đà Nẵng. Chiều muộn, khi các đám mây trắng như bông tràn qua các khe núi bên dưới, đứng trên cầu vàng ngắm nhìn cảnh tượng này thật là tuyệt vời và ảo diệu. Chúng tôi còn thấy các cabin cáp treo lần lượt chui vào mất hút trong đám mây, đúng là bồng lai tiên cảnh hiếm thấy.

May mắn có được bức ảnh lúc chiều tà khi biển mây trắng bồng bềnh tràn qua khe núi xuống các thung lũng

Theo nguồn tin của Zing.vn, sáng 15/5/2019, tỷ phú người Anh Joe Lewis cùng cháu gái Caroline, cũng là thư ký của ông, đã lên khu du lịch Bà Nà Hills. Ông cho biết: “Tôi và cháu gái Caroline từng choáng ngợp bởi những hình ảnh và thông tin về cầu Vàng ở Bà Nà Hills được đăng tải trên nhiều phương tiện truyền thông nổi tiếng thế giới. Nay tôi có dịp tới Đà Nẵng và đương nhiên sẽ đến tham quan cây cầu nổi tiếng này rồi mới tiếp tục hành trình ra vịnh Hạ Long”. Tại đây, ông Joe Lewis luôn khen ngợi cảnh sắc núi rừng Bà Nà và sự độc đáo "có một không hai" của cầu Vàng. Đứng giữa cây cầu nổi tiếng, tỷ phú đã có những phút giây thư giãn, thưởng thức cà phê và ngắm nhìn toàn cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Ông Joe Lewis 82 tuổi, là tỷ phú giàu thứ 6 tại Anh với khối tài sản ước tính 5 tỷ USD. Ông sinh ra tại London và làm giàu nhờ ngành khách sạn vào cuối những năm 1970, đầu 1980. Tỷ phú Joe Lewis còn là ông chủ của đội bóng Tottenham Hotspur, ông đi chiếc du thuyền 5 sao tới Việt Nam và cập cảng Tiên Sa Đà Nẵng ngày 14.5.2019. Du thuyền Aviva trị giá 150 triệu USD là sản phẩm của hãng Abeking & Rasmussen (Đức), xuất xưởng năm 2017. Aviva nặng khoảng 4.200 tấn, dài hơn 98 m và xếp thứ 57 trong danh sách những chiếc du thuyền lớn nhất thế giới với tốc độ tối đa là 20 hải lý/giờ. Trong du thuyền được thiết kế một căn phòng tối với tám bức tranh gốc của danh họa Picasso. Theo ông Joe Lewis, tổng trị giá của tám bức tranh vào khoảng 1 tỉ USD.

 

Tỉ phú Joe Lewis cùng cháu gái Caroline thăm Cầu Vàng Bà Nà Hill ngày 15.5.2019 (nguồn ảnh internet).

Khi trời tối, Bà Nà rực sáng dưới ánh điện, các dãy phố Pháp vẫn đông người đi dạo, các quán ăn vẫn ồn ào đông đúc, mặc dù đã có rất đông người xuống núi trước khi trời tối. Tôi chụp được bức ảnh một đầu bếp người Pháp đang làm món bánh mỳ Pháp nổi tiếng cho khách trong khu làng Pháp. Chúng tôi đi cáp treo xuống núi và trở về Đà Nẵng trong tâm trạng thư thái sau một ngày trải nghiệm đầy thú vị.

Một quán bánh Mỳ Pháp ở khu Làng Pháp trên đỉnh Bà Nà Hill

Mời các bạn xem tiếp Episode 16:

https://hahoangkiem.com/van-hoc/ky-su-phuot-xuyen-viet-episode-16-da-nang-thanh-pho-ha-tinh-3842.html


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bài về chủ bút

    Tinh hoa nhân loại

      Khoa học

        Văn học

          SÁCH CỦA TÔI