Tiểu sử Đức Phật Thích Ca (Phật giáo)

Cập nhật: 25/12/2016 Lượt xem: 41328

Tiểu  sử Đức Phật Thích Ca

Đức Thích Ca Mâu Ni Văn Phật, gọi tắt là Đức Phật Thích Ca, thế danh là Sĩ-Đạt-Ta, có nghĩa là người được toại nguyện, họ Cồ Đàm (Gotama), sau đổi là Thích Ca (Sakya).

Ngài được sinh ra vào ngày mùng 8 tháng 4 âm lịch, năm 623 trước Chúa Giáng sinh, tại vườn Lâm-Tỳ-Ni ở thủ đô Ca-Tỳ-La-Vệ của một nước nhỏ thuộc miền Bắc Ấn Độ, gần biên giới xứ Népal. (Về sau, Đại Hội Phật giáo Thế giới đổi ngày giáng sinh của Đức Phật là ngày trăng tròn 15-4 âm lịch, và làm Đại Lễ Phật Đản vào ngày 15-4 này.)

Ngài là Hoàng tử con của Vua Tịnh Phạn và Hoàng Hậu Ma-Da. Sau khi sinh Hoàng tử được 7 ngày, Bà Ma-Da từ trần, trở về Cung Tiên. Em ruột của Bà là Maha Pajapati, cũng kết duyên với vua Tịnh Phạn, thay thế chị ruột nuôi dưỡng Hoàng tử  Sĩ-Đạt-Ta khôn lớn.

Hoàng tử  Sĩ-Đạt-Ta lớn lên, hưởng được sự giáo dục hoàn hảo của bực vua chúa, trong đó có giáo lí đạo Bà – La – Môn, để sau này lên nối ngôi vua cha trị vì đất nước. Thái tử lại là người thông minh xuất chúng, nên Ngài trở thành một người văn võ toàn tài.

Khi lên 16 tuổi, theo phong tục thời bấy giờ, Thái tử kết duyên cùng Công chúa Da-Du-Đà-La (Yasodhara), một người em cô cậu cùng tuổi với Ngài.

Trong suốt 13 năm chung sống sau hôn lễ, Thái tử hoàn toàn sống cuộc đời vương giả, không hay biết chi các nỗi thống khổ của dân chúng ở bên ngoài cửa cung điện.

Một ngày đẹp trời, Thái tử cùng quan hầu cận đi du ngoạn bên ngoài Hoàng cung để ngắm xem sự thế bên ngoài và có thể tiếp xúc với dân chúng.

- Ngài chứng kiến được những nỗi vất vả khổ cực của kiếp sống con người phải lo làm lụng tìm phương sinh sống. Chúng sinh cũng vì sự sống mà tranh giành giết hại lẫn nhau.

- Một ngày khác, Thái tử còn chứng kiến được các cảnh khổ như: Già yếu, ốm đau, chết chóc biệt ly.

Vậy thì đời sống của con người có chi là sung sướng?

Ngài nghĩ rằng chỉ riêng phần Ngài là một Thái tử, sắp sửa lên ngôi vua trị vì Thiên hạ thì nghèo đói, Ngài không cần lo, nhưng già yếu, ốm đau, chết thì không ai tránh khỏi. Ngài âm thầm lập chí tìm phương giải khổ cho  nhân sinh.

Tình cờ, Ngài gặp một tu sĩ ngoài cửa Hoàng thành, với dáng điệu rất ung dung, mặt mày thơ thới vô tư. Ngài đến gần vị tu sĩ ấy để hỏi chuyện, được biết vị tu sĩ ấy xuất gia đi tu học đạo, quyết trừ hết ác căn, lấy lòng từ bi kềm chế dục vọng, hộ niệm chúng sinh không nhiễm theo thế tục, để trước là giải thoát cho chính mình, sau là giải thoát cho chúng sinh.

Nghe vậy, Thái tử Sĩ-Đạt-Ta rất hoan hỷ và nhất quyết sẽ làm như vị tu sĩ ấy. Vua Tịnh Phạn thấy Thái tử có ý muốn đi tu thì nhà vua không bằng lòng, tìm đủ mọi cách để ngăn cản Thái tử.

Giữa lúc ấy thì Công chúa Gia-Du-Đà-La, vợ của Thái tử vừa sinh được một hoàng nam. Thái tử không cảm thấy vui mừng trước việc này, mà lại than rằng: “Lại thêm một sợi dây trói buộc.”

Do đó, vua Tịnh Phạn đặt tên cho cháu nội là: Rahula (Ra-Hầu-La) [Rahula, tiếng Phạn có nghĩa là Trở ngại].

Ngày mùng 7 tháng 2, năm Thái tử được 29 tuổi, trong lúc vợ con và quan binh trong Hoàng thành ngủ mê sau một buổi đại tiệc ca xướng tưng bừng, Thái tử gọi quan hầu cận Xa-Nặc thắng ngựa Kiền trắc (Kanthaka) để Thái tử trốn khỏi Hoàng cung, đi vào núi rừng thanh vắng, tìm thầy học đạo tu hành. Nhờ ngựa Kiền trắc chạy rất mau, nên đêm đó, nó đưa Thái tử vượt Hoàng cung, đến một nơi cách kinh đô rất xa. Thái tử tự mình cắt tóc, gỡ gươm trao cho Xa-Nặc, bảo đem về trình với phụ vương, rồi đưa ngựa Kiền trắc cho Xa-Nặc cỡi trở về triều.

Thái tử cởi áo Thái tử đổi lấy áo thâm của một người thợ săn, rồi đi nhanh vào núi. Vua Tịnh Phạn sai các quan Đại Thần đi tìm Thái tử, khuyên nhủ Thái tử trở về triều, nhưng không thể lay chuyển được ý chí kiên quyết của Thái tử.

Thái tử tìm đến một Đạo sĩ lỗi lạc, tên là Alarama Kalama để xin thọ giáo. Ngài học hết giáo pháp của Alarama, nhưng cảm thấy chưa toại nguyện. Ngài xin từ giã và tìm đến một Đạo sĩ trứ danh khác là Uddaka Ramaputta để xin học Đạo. Ngài cũng học hết giáo pháp của Uddaka, nhưng vẫn chưa thấy được mục tiêu cứu cánh.

Kết quả hình ảnh cho đức phật thích ca mâu ni Kết quả hình ảnh cho đức phật thích ca mâu ni

Ngài nhận thấy rằng không ai có thể dẫn dắt Ngài đến thành tựu vì những vị mà Ngài đã học vẫn còn nhiều vướng mắc, chưa thoát khỏi vô minh. Từ đó Thái tử không tìm thầy học đạo nữa, mà tự mình đến chỗ thanh vắng để tự suy nghĩ tìm tòi chân lý.

Ngài gặp được nhóm 5 tu sĩ mà Ông Kiều Trần Như đứng đầu theo ủng hộ Ngài để Ngài thực hành một lối tu vô cùng khổ hạnh (Lối tu của đạo Bà La Môn). Sau 6 năm tu khổ hạnh như thế, thân mình của Ngài chỉ còn da bọc xương, hơi thở yếu ớt, gần như cái chết sắp đến với Ngài, mà Ngài vẫn chưa tìm được lí thuyết cứu cánh.

Bỗng nhiên có một Ông tiều đến gần chỗ Ngài đang thiền định, mang theo một cây đàn, lên dây đàn, đàn một khúc rất hay, đến lúc hay nhất thì dây đàn bỗng đứt, tiếng đàn im bặt. Ông tiều nối lại dây đàn, lên dây cho đúng, rồi lại đàn, đàn đến khúc hay nhất thì dây đàn lại đứt. Đứt rồi lại nối, nối rồi lên dây trở lại và đàn. Làm 3 hiệp như vậy.

Thái tử đang trì định phải bực bội tỉnh hồn than rằng:

- Ông đàn thì hay mà lên dây chi cho cao quá, đến khúc hay thì dây đứt,  cái hay ấy phải hết mùi, rất đáng tiếc.

Ông tiều liền đáp rằng :

- Cái đàn của tôi cũng như cái tu của Ngài. Dây đàn tôi lên cao quá, nên đến chỗ hay thì đứt, thì cái hay của tiếng đàn chẳng hữu ích chút nào; còn cái tu của Ngài, nếu cái cao siêu huyền bí đạt được cơ bất diệt đi nữa thì nó cũng phải chết theo Ngài, còn chi hữu ích cho đời. Tôi cũng lấy làm tiếc vậy.

Lão tiều nói xong, liền xách đàn đi mất (Trong Kinh cho rằng Ông tiều ấy là một vị Phật hóa thân đến cảnh tỉnh Thái tử).

Thái tử suy nghĩ mãi lời nói của Ông tiều, liền tỉnh giác, biết mình lầm theo lối tu khổ hạnh, làm suy giảm trí thức và mệt mỏi tinh thần. Ngài liền dứt khoát từ bỏ lối tu khổ hạnh, cũng như 6 năm trước đây, Ngài đã dứt khoát từ bỏ đời sống lợi dưỡng.

Ngài lại nhớ đến ngày lễ Hạ điền của vua cha trước kia, trong lúc mọi người đang lo làm lễ thì Ngài đến dưới bóng mát của cây trâm, ngồi thiền định và đắc được Sơ Thiền. Ngài nhớ lại và thấy rõ rằng, đó chính  mới là con đường dẫn đến giác ngộ. Đó là con đường tu, không sống theo lợi dưỡng, mà cũng không quá khắc khổ, gọi là Trung đạo.

Ngài nhất định từ bỏ lối tu khổ hạnh. Ngài mệt nhọc lần bước đến bờ sông Ni-Liên-Thiền, xuống tắm rửa sạch sẽ, rồi đi lên, và kiệt sức ngã vào một cội cây bất tỉnh. May mắn lúc đó có một thiện nữ bưng một bát sữa bột tìm đến  cúng dường, thấy một Ông đạo đang nằm thoi thóp tại gốc cây, nàng liền đỡ dậy, rồi dâng bát sữa. Thái tử thọ lĩnh, uống hết, rồi Ngài định tỉnh trở lại, thấy sức khỏe dần dần được phục hồi, tinh thần bắt đầu sảng khoái.

Ngài cảm ơn nàng thiện nữ (nàng tên là Suyata), rồi Ngài tìm đến một gốc cây Bồ đề to lớn, cành lá sum suê, trãi cỏ làm nệm, ngồi tham thiền, phát đại thệ rằng: “Nếu không thành đạo thì nhất định không rời khỏi chỗ ngồi này”.

Trải qua 49 ngày đêm thiền định, Ngài liền ngộ đạo, biết được nguyên nhân sinh tử của con người, tìm được con đường giải thoát chúng sinh thoát vòng luân hổi khổ não. Ngài đắc quả Vô thượng Chính đẳng Chính giác. Lúc đó, Thái tử  được 35 tuổi, lấy Phật hiệu là: Thích Ca Mâu Ni.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chưa quyết định truyền bá giáo pháp của Ngài, vì Ngài nghĩ rằng: Như Lai đã khó khăn lắm mới chứng ngộ được giáo pháp ấy. Người đời còn mang nặng tham ái sân hận, không thể hiểu được, vì giáo pháp ấy đi ngược dòng tham ái, rất thâm diệu, khó mà nhận thức được.

Kết quả hình ảnh cho đức phật thích ca mâu ni Hình ảnh có liên quan

Đấng Thượng Đế lo ngại Đức Phật Thích Ca không chịu đem giáo pháp của Ngài truyền dạy để cứu độ nhân sinh, nên truyền lịnh cho vị Phạm Thiên Vương đến yêu cầu Đức Phật mở lòng từ bi truyền bá giáo pháp.

Đức Phật Thích Ca nhận lời và tuyên bố: “Cửa vô sinh bất diệt đã mở cho chúng sinh. Hãy để ai có tai muốn nghe đặt trọn niềm tin tưởng”.

Trong lúc đó thì nhóm Ông Kiều Trần Như 5 người, thấy Thái tử  bỏ lối tu khổ hạnh ép xác, ăn uống trở lại, cho là Thái tử trở về lối sống lợi dưỡng, thì 5 vị ấy thất vọng, từ bỏ Thái tử, không ủng hộ Ngài nữa, và họ đi đến vườn Lộc giả.

Đức Phật Thích Ca thầm nghĩ, cũng tội nghiệp cho 5 Ông này, vì đã theo ủng hộ Phật trong một thời gian dài, gần 6 năm. Nay Ngài đã đắc đạo Vô thượng Bồ đề, Ngài cũng nên đến độ 5 Ông này trước tiên.

Đức Phật vận thần thông để tìm xem nhóm 5 Ông này đang ở đâu, thì biết 5 Ông đang ở vườn Lộc giả xứ Bénarès.

Đức Phật liền đi đến đó. Nhóm 5 Ông định không đảnh lễ Ngài vì cho rằng Ngài đã qui phàm, nhưng khi Đức Phật đến gần, với vẻ oai nghi đầy từ bi, khiến 5 Đạo sĩ đổi thái độ, ra đảnh lễ Đức Phật.

Đức Phật Thích Ca thuyết cho 5 Ông nghe Giáo pháp Tứ Diệu Đế. Đây là bài pháp đầu tiên mà Đức Phật thuyết cho 5 vị được nghe, cả 5 vị liền giác ngộ, đắc quả A-La-Hán, trở thành 5 Tỳ kheo, đệ tử đầu tiên của Đức Phật.

Đây là lần đầu tiên, Đức Phật chuyển diệu pháp luân, nói pháp Tứ Diệu Đế, giáo pháp căn bản của Phật giáo.

Bắt đầu từ đây có đủ Tam Bảo Phật giáo: Đức Phật Thích Ca là Phật Bảo, Giáo pháp Tứ  diệu Đế là Pháp Bảo, 5 vị Tỳ Kheo đệ tử đầu tiên của Phật là Tăng Bảo. Ấy là ngôi Tam Bảo đầu tiên của thế gian.

Đức Phật Thích Ca cùng 5 vị Tỳ Kheo đi khắp nơi thuyết pháp, độ được hằng vạn đệ tử xuất gia, đủ các hạng người trong tất cả giai cấp ở Ấn Độ, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, quan dân, hay vua chúa.

 Những sự kiện quan trọng trong công cuộc hoằng hóa của Đức Phật là:

- Độ được 3 anh em Ca-Diếp-Ba đang tu theo đạo thờ Thần lửa. Ba Ông này có 1000 đệ tử, cùng qui y theo Phật.

- Độ được 2 Ông Xá-Lợi-Phất và Mục-Kiều-Liên, nguyên là 2 học giả của phái Lục sư  ngoại đạo.

- Độ được Quốc vương Tần-Bà-Sa-La nước Ma-Kiệt-Đà. Quốc vương kính tin Phật pháp, khuyến khích dân chúng qui y Phật pháp. Vua cho xây dựng Tịnh Xá rộng rãi trong nội thành để thỉnh Phật và chư tăng thuyết pháp thường xuyên.

- Độ được vị Phú Trưởng giả Cấp-Cô-Độc. Ông này kiến lập một tòa Tịnh Xá cao rộng tôn nghiêm, gọi là Kỳ-Thọ Cấp-Cô-Độc Viên, để Đức Phật và chư Tăng giảng đạo.

- Độ được Phụ vương của Phật là vua Tịnh Phạn và quyến thuộc của Đức Phật.

Đức Phật Thích Ca chọn ra được 10 vị đại đệ tử xuất sắc nhất của Phật giáo, kể tên ra sau đây :

1. Xá Lợi Phất                      2. Mục Kiều Liên

3. Đại Ca Diếp                      4. A Nan

5. A Na Luật                         6. Phú Lâu Na

7. Tu Bồ Đề                          8. Ưu Ba Ly

9. Ca Chiên Chiên                10. La Hầu La.

Đức Phật lập  Giáo Hội Tỳ Kheo Ni

Sau khi vua Tịnh Phạn qua đời, Hoàng Hậu Maha Pajapati (là mẹ nuôi, mà cũng là dì ruột của Đức Phật) cầu xin Đức Phật cho hàng phụ nữ được xuất gia tu hành.

Đức Phật liền từ chối ngay mà không cho biết lý do.

Bà Maha Pajapati đã 3 lần khẩn cầu như thế, nhưng Đức Phật đều từ chối.

Ông Ananda, cũng 3 lần dùng hết cách để cầu xin Đức Phật cho phụ nữ xuất gia, nhất là đối với Bà mẹ nuôi của Đức Phật, nhưng Đức Phật vẫn cương quyết từ chối. Đến lần thứ 4, Đức Phật  mới chấp thuận.

Lý do từ chối của Đức Phật là:

“Trong Luật Tạng có ghi mấy lời của Đức Phật như vầy: Nền Chính pháp của Ta, đáng lẽ trụ thế 1000 năm hoặc lâu hơn nữa, nhưng trót vì Ta đã cho hàng phụ nữ xuất gia, nên nền Chính pháp bị giảm bớt, chỉ trụ thế 500 năm mà thôi”. (Trích trong  Phật Học Từ Điển của Đoàn Trung Còn, trang 376, quyển 1: Chính Pháp).

Theo đó thì chúng ta thấy rằng, nếu chấp thuận cho hàng phụ nữ xuất gia học Phật tu hành, lập Giáo Hội Tỳ Kheo Ni thì Chính pháp của Phật sớm bị sửa cải, chỉ kéo dài được 500 năm mà thôi, thay vì được 1000 năm nếu không thâu nhận  phụ nữ xuất gia.

Nhưng trước sự quyết tâm chân thành của Bà mẹ nuôi, với lòng từ bi bác ái của Phật, Đức Phật không nỡ bỏ Nữ phái mà không lập Giáo Hội Tỳ Kheo Ni,  mặc dầu biết rằng việc này làm cho thời kỳ Chính pháp của Phật giảm đi một nửa, chỉ kéo dài 500 năm.

Kết quả hình ảnh cho đức phật thích ca mâu ni Hình ảnh có liên quan

“Khi Đức Phật cho thành lập Giáo Hội Tỳ Kheo Ni, Ngài đã tiên đoán những hậu quả và lưu ý:

«Này Ananda, nếu Nữ giới không được chấp thuận thoát ly thế tục để khép mình vào nếp sống không nhà cửa trong khuôn khổ của Giáo pháp và Giới luật mà Như Lai đã công bố thì đời sống xuất gia và Giáo pháp cao siêu sẽ tồn tại lâu dài. Nhưng Nữ giới đã được phép sống đời không nhà cửa thì đời sống xuất gia và Giáo pháp cao siêu chỉ tồn tại phân nửa thời gian(Trích Đức Phật và Phật Pháp, của Đại Đức Narada, trang 152).

Sau khi Đức Phật lập Giáo Hội Tỳ Kheo Ni, Bà Maha Pajapati tu đắc quả A-La-Hán, được liệt vào hàng cao hạ có nhiều kinh nghiệm nhất, không thua bên Nam phái.

Công Chúa Da-Du-Đà-La (vợ của Thái tử  Sĩ-Đạt-Ta) cũng xuất gia tu hành, đắc quả A-La-Hán. Trong hàng Tỳ Kheo, Bà Da-Du-Đà-La đứng đầu những vị đắc Đại Thần Thông, và Bà nhập diệt lúc 78 tuổi.

Đức Phật đi khắp nơi trong miền Bắc Ấn Độ thuyết pháp được 45 năm mới nhập Niết Bàn, hưởng thọ 80 tuổi.

Trong Hội Linh Sơn trước đây, Đức Phật chọn Ma-Ha Ca-Diếp  làm người kế vị cho Ngài điều khiển Giáo Hội.

Đức Phật bảo Ma-Ha Ca-Diếp: “Ta có Chính Pháp Nhãn Tạng, Niết Bàn Diệu Tâm, Pháp môn mầu nhiệm, chẳng lập văn tự, ngoài giáo lý truyền riêng, nay Ta giao phó cho ngươi. Ngươi khéo gìn giữ Chính pháp này, truyền mãi đừng cho dứt, đến sau truyền lại cho A-Nan”.

Rồi Đức Phật nói kệ:

«Pháp bổn pháp vô pháp, Pháp vô pháp diệc pháp, Kim phó vô pháp thời, Pháp pháp hà tằng pháp ».

Nghĩa là :

Pháp gốc pháp không pháp, Pháp không pháp cũng pháp, Nay khi trao không pháp, Mỗi pháp đâu từng pháp.

Khi nghe tin Đức Phật nhập Niết Bàn, Ngài Ma-Ha Ca-Diếp từ núi Kỳ-Xà-Quật liền đến thành Câu-Thi-Na làm lễ hỏa táng thi hài Đức Phật, lấy Xá lợi của Phật chia làm 8 phần phân phát cho 8 nơi, kiến tạo đài tháp phụng thờ:

                        1. Câu-Thi-Na            2. Pa-Bà

                        3. Giá-La                    4. La-Ma-Già

                        5. Ca-Tỳ-La-Vệ          6. Tỳ-Lưu-Đề

                        7. Tỳ-Xá-Ly               8. Ma-Kiệt-Đà.

Nguồn : Phỏng theo: Đạo cao đài và các tôn giáo khác. http://www.daotam.info/tusachdd.htm

Kết quả hình ảnh cho đức phật thích ca mâu ni Hình ảnh có liên quan


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

SÁCH CỦA TÔI