Mã Pì Lèng

Cập nhật: 05/05/2014 Lượt xem: 4176

Mã Pì Lèng, danh thắng huyền thoại của Hà Giang

Mã Pì Lèng Một cảnh thiên nhiên với dòng sông và vách núi hiểm trở thật hùng vĩ, là tên gọi theo tiếng Quan Hỏa chỉ "sống mũi con ngựa" theo nghĩa đen, đỉnh núi dựng đứng như sống mũi con ngựa. Tuy nhiên, theo một số người Hmong bản địa thì tên đúng của đèo là Máo Pì Lèng, nghĩa là “sống mũi con mèo”.

Đỉnh Mã Pí Lèng thuộc ba xã Pải Lủng, Pả Vi và Xín Cái (Mèo Vạc, Hà Giang) trong cao nguyên đá Đồng Văn có độ cao khoảng 2000m so với mặt nước biển, được tạo nên bởi một loạt trầm tích gồm đá vôi, đá phiến ánh, đá vôi silic chứa các hóa thạch cách đây khoảng 426 triệu năm, bao gồm trong đó nhiều vết trượt và vết nứt do các hoạt động tạo núi gây ra. Cảnh quan khu vực này lởm chởm đá dựng, trong đó vực sâu sông Nho Quế như xẻ đôi một bên là đỉnh Mã Pí Lèng và một bên là Săm Pun (Sam Pun), nơi có cột mốc biên giới và cửa khẩu thông thương từ Xín Cái sang Điền Bồng, Trung Quốc. Các học giả Pháp, từ cả trăm năm trước, đã gọi đỉnh Mã Pí Lèng nói riêng và Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn nói chung là một "Tượng đài Địa chất". Đi trên đèo Mã Pí Lèng nhìn xuống vực sâu, con sông Nho Quế chỉ bé như một sợi chỉ mà muốn xuống đến mặt nước của sông phải mất hơn một ngày đường.

Trước những năm 1960 hơn 8 vạn người Mèo thuộc 4 huyện ở phía sau các dãy núi hùng vĩ của cao nguyên Đồng Văn không có khái niệm con đường. Bao đời họ chỉ biết vượt Mã Pí Lèng bằng cách đóng cọc treo dây trên vách đá để bò qua chín khoanh đèo hun hút, lởm chởm đá tai mèo dựng đứng. Dốc Chín Khoanh leo tới đỉnh Mã Pí Lèng còn gọi là con dốc của Giàng (Trời). Chính nơi đây từng là giang sơn nơi Vua Mèo treo người không phục mình lên cột cho đến chết và sau vua Mèo là thổ phỉ hoành hành, lấy cán bộ mở đường làm bia tập bắn. Con đường được mang tên con đường hạnh phúc được khởi công vào ngày 10 tháng 9 năm 1959 với sự tham gia của hàng vạn thanh niên xung phong và bà con thuộc 16 dân tộc Mèo, Tày, Dao, Pu Péo, Lô Lô v.v. của 8 tỉnh Cao Bắc Lạng (Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn), Hà Tuyên Thái (Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên), Hải Hưng, Nam Định. Sau 6 năm xây dựng với 2.946.321 lượt ngày công đục khoét trên 2.899.638m3 đá mà hầu hết trong đó là lao động thủ công không có sự hỗ trợ của máy móc, con đường được hoàn thành hoàn thành vào 15 tháng 6 năm 1965. Qua hơn 1.000 ngày đầu tiên con đường được thi công, cả vạn thanh niên xung phong và người dân các dân tộc vấp phải một bức tường thành đá khổng lồ dựng đứng là đỉnh Mã Pí Lèng. Để vượt bức tường đá này cần xây dựng một đường đèo men theo vách núi ở độ cao khoảng 1.600m. Tuy nhiên, khó khăn đến mức trong giai đoạn đầu nhằm mở một vỉa đường nhỏ mang tên “đường công vụ” rộng khoảng 40 cm trên vách đá (để công nhân về sau có chỗ đặt chân trên đó thi công phá đường rộng ra), 17 thanh niên trong đội cảm tử (giai đoạn này gọi là “Đội Cơ Dũng”) phải treo mình bằng dây trên các vách đá ròng rã trong 11 tháng đục đẽo hoàn toàn bằng bàn tay trần và những phương tiện thủ công. Nhằm thể hiện lòng quyết tâm và tinh thần đối diện với hiểm nguy, các công nhân đã đặt tại lán của mình 10 chiếc quan tài và truy điệu sống trong từng ngày làm việc.

Sau khi hoàn thành, Đèo Mã Pí Lèng tuy không dài nhưng là con đèo hiểm trở bậc nhất ở vùng núi biên viễn phía Bắc, được ví như "vua" của các con đèo Việt Nam. Cung đường đèo ban đầu được mở chỉ đủ rộng chỗ cho người đi bộ và xe ngựa thồ, về sau được mở rộng hơn cho ô tô nhưng vẫn rất nguy hiểm vì những đoạn cua tay áo và mặt đường lổn nhổn đá hộc, hai ô tô rất khó tránh nhau. Nằm giữa cao nguyên Đồng Văn trơ trọi đá, một bên là vách núi Mã Pí Lèng cao dựng đứng và một bên là vực sâu sông Nho Quế, phía Bắc và Đông Bắc đèo trải dài trong tầm mắt là hàng ngàn quả núi đá trọc màu xám trùng trùng điệp điệp lơ thơ cây cối.

Cung đường Mã Pí Lèng nối liền Đồng Văn và Mèo Vạc trong đó có đoạn đèo 9 khoanh dài 20 km về sau trở thành một kỳ tích mà nhiều người ví như một Vạn Lý Trường Thành của Việt Nam hay Kim Tự Tháp của người Mèo. Trên đỉnh đèo Mã Pí Lèng, cũng là nơi cao nhất của Đường Hạnh Phúc, hiện có một trạm dừng chân cho du khách ngoạn cảnh và tại đây đặt một tấm bia đá ghi lại những dấu ấn trong quá trình xây dựng đường đèo.

Phải được đứng trên con đường Hạnh Phúc nhìn xuống dòng sông Nho Quế mới thấy hết được sự hùng vĩ của Mã Pì Lèng.Chúng tôi đứng ở đây, hôm nay 2.5.2014 thời tiết khá đẹp vào buổi chiều, nắng xiên xuống núi, nhìn xuống dưới chân, dòng sông Nho quế chỉ như một sợi chỉ chảy giữ hai vách núi dựng đứng kéo dài tới hút mắt, nhiều người trong đoàn không dám nhìn xuống vì độ cao của nó. Ngửa đầu lên mới thấy đỉnh núi mãi trên cao. Hai vách núi được bà con người H'mong trồng ngô từ sát sông Nho quế lên tới tận đỉnh núi, lác đác giữa sườn núi là vài nóc nhà người H'mong như được treo trên vách đá. Chỉ nhìn trên ảnh thì không thể hình dung ra được sự hùng vĩ của núi sông Mã Pì Lèng. Rời khỏi Mã Pì Lèng ba bốn ngày mà hình ảnh hùng vĩ của vùng này vẫn còn gây cảm giác trong tôi lâng lâng, xốn 
xang khó tả.

 

Điểm dừng chân ngắm Mã Pì Lèng

Dốc núi dựng đứng. Bên dưới là dòng sông Nho Quế, dải lụa vắt ngang vách núi là con đường Hạnh Phúc

Hẻm núi Tu Sản, nơi dòng sông Nho Quế lách qua để đổ vào Mã Pì Lèng

Nếu ai sợ độ cao xin đừng nhìn xuống

 


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bài về chủ bút

    Tinh hoa nhân loại

      Khoa học

        Văn học

          SÁCH CỦA TÔI