Đi về đâu các thầy thuốc ơi?

Cập nhật: 08/09/2016 Lượt xem: 1814

Đi về đâu các thầy thuốc ơi?

Nguyễn Trung Cấp (BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương)

Khi nền y tế còn vận hành theo ý chí chủ quan và phương pháp hô hào động viên, thầy thuốc chưa tìm được sự dung hòa giữa quyền lợi, lương tâm nghề nghiệp, yêu cầu của xã hội thì ngành y còn chìm trong khủng hoảng khó khăn.

Từ xưa đến nay, trong xã hội, hình tượng người thầy thuốc luôn là hình ảnh mẫu mực về lòng nhân đạo. Thế mà trong những năm qua, hình ảnh nghề này đã trở nên méo mó với hàng loạt vụ tai tiếng động trời. Vậy nguồn cơn cơ sự ở đâu?

Kể từ trước Cách mạng Tháng 8, các bác sĩ thường được gọi là “Quan đốc tờ”. Trong con mắt của các cô tiểu thư khuê các, đức lang quân trong mộng không phải là doanh nhân, ca sĩ mà phải là  đốc tờ, tri huyện, để các cô một bước lên bà, vừa giàu sang vừa danh giá. Với mức lương cao ngất ngưởng, người thầy thuốc làm bệnh viện về chỉ việc đi từ thiện thì để trở thành người mẫu mực, nhân đạo cũng đâu phải việc làm quá khó.

Đi về đâu các thầy thuốc ơi? - 1

Sang thời bao cấp, toàn dân đều hết lòng cho tiền tuyến, mọi người cùng chia sẻ khó khăn vất vả như nhau. Những người làm lao động chân tay mau đói thì ăn gạo sổ 15, 17kg mỗi tháng, các tri thức lao động trí óc ít tiêu tốn calo hơn thì ăn 13kg mỗi tháng. Các chế độ vật chất khác cũng khá tương đồng nên sự ghi nhận tài năng, đóng góp cho xã hội nhiều hay ít chỉ còn nhờ vào các danh hiệu tinh thần và sự tôn vinh của xã hội.

Thầy thuốc cùng với thầy giáo giai đoạn này cũng được ưu đãi rất nhiều. Thời đó bác sĩ Ngoại khoa, Truyền nhiễm được ăn 15-17kg gạo một tháng tương đương công nhân lao động độc hại. Cấp Vụ trưởng, Cục trưởng các ngành được hưởng 2,5kg đường trắng, 2 hộp sữa mỗi tháng nhưng bác sĩ sau mỗi ca mổ đã được bồi dưỡng tới 200g đường hoặc ½ hộp sữa.

Hơn thế nữa còn được tưởng thưởng tinh thần bằng danh hiệu “Nghề cao quý trong những nghề cao quý”. Bởi lẽ được ưu đãi hơn trong xã hội nên như vậy cũng đã khá đủ để họ hài lòng mà dốc lòng hết sức cho nghề nghiệp. Thế nên thời đó, dù đói kém vất vả vẫn có biết bao giáo sư bác sĩ tài năng mẫu mực, không chỉ vang danh trong nước và cả khắp năm châu bốn bể, mà còn để lại những tấm gương in dấu trong lòng bao thế hệ người dân.

Sang giai đoạn đầu của thời kỳ phát triển kinh tế thị trường, hầu hết các ngành liên quan đến sản xuất, thương mại được tự do phát triển. Cả xã hội nhộn nhạo chạy theo giá trị vật chất. Những giá trị nhân bản xưa nay lần hồi bị đảo lộn.

Người ta đánh giá nhau là người danh giá, thành công là phải kiếm được nhiều, rất nhiều tiền bất biết rằng đồng tiền ấy do tài năng, chất xám hay do thủ đoạn mưu hèn kế bẩn mà ra. Các thầy thuốc, thầy giáo ngơ ngác trong vòng xoáy tuyệt vọng đó bởi lẽ họ chỉ được thu viện phí, học phí và nhận đồng lương nhà nước nhưng lại phải sống, nuôi vợ con trong nghèo khó.

Một thời gian dài giai đoạn những năm 80-90 thế kỷ trước, trong khi những nghề như xây dựng, giao thông, kinh tế, thương mại lên hương thì nghề y, nghề giáo tụt dốc thê thảm. Có những giai đoạn có tới hàng vạn bác sĩ mới ra trường không có việc làm, đi làm không lương tại các bệnh viện hoặc làm trình dược viên các hãng thuốc.

Ngay cả nhiều bác sĩ y tá đã làm việc lâu năm ở nhiều tỉnh phía nam cũng bỏ nghề về chăn lợn, nuôi cá, chạy xe ôm hay làm cò, làm cửu vạn. Còn lại những ai còn  gắn bó với nghề thì cũng hành nghề trong nỗi chán ngán trăn trở.

Tiếc rằng các thầy thuốc không phải là những kẻ ngu để cam chịu mãi mãi. Chẳng gì khi thi đỗ vào trường họ cũng đã từng là những người xuất sắc. Thậm chí để thi đỗ Đại học Y, có những khóa đòi hỏi phải là xuất sắc của xuất sắc, thế nên họ có thừa đủ thông minh để xoay sở, "tìm ra" kẽ hở đường đi cho mình.

Họ đã biết rằng khi xã hội lấy đồng tiền làm thước đo phẩm giá thì để nuôi sống vợ con, để thoát nghèo thì không thể bám lấy cái vinh quang “Nghề cao quý của những nghề cao quý” hay “Lương y như từ mẫu” được, mà phải kiếm tiền cho tương xứng các ngành nghề, các công việc khác.

Thôi thì đủ cách kiếm tiền: Làm thêm phòng mạch tư, nhận phong bì, ăn tiền trích % kê đơn thuốc, kê xét nghiệm… Nhưng dù vật lộn, nhầy nhụa và đôi khi bị người dân coi rẻ đến như vậy để kiếm tiền, thì những cách đó cũng không phải con đường căn cốt để thầy thuốc làm giàu.

Và công bằng mà nói thì đây vẫn là ngành nghèo trong xã hội. Bởi lẽ chẳng bao giờ ông trưởng khoa, ông giám đốc bệnh viện nào có thể giàu hơn ông trưởng phòng, hay giám đốc doanh nghiệp, giám đốc ngân hàng cùng cấp.

Người ta thường đồn đại có bác sĩ nào đó có thể kiếm một vài trăm triệu mỗi tháng, nhưng thực tế đa số thầy thuốc cũng chỉ đủ sống tùng tiệm. Cũng giống như việc có hàng ngàn hộ nông dân có thể có thu nhập hàng tỷ mỗi năm nhưng không thể nói làm nông dân là nghề giàu có ở Việt Nam.

Thật lạ là xã hội đã bước sang kinh tế thị trường gần 30 năm nhưng tư duy của người dân đối với việc chữa bệnh thì vẫn mang nặng tư tưởng bao cấp. Người ta có thể bỏ ra vài triệu, thậm chí vài chục triệu để mua một cái điện thoại đời mới hợp thời trang nhưng lại xót xa khi bỏ ra dăm trăm ngàn mua thuốc cho đứa con yêu bị viêm phổi.

Khi lái xe gây tai nạn, người ta có thể vui vẻ bỏ ra vài chục triệu để sửa những vết móp méo, xây xát ở vỏ xe nhưng lại thấy rất đắt đỏ khi chi vài triệu để bó bột cái cẳng chân gãy của chính mình.

Giá viện phí nhà nước quy định là giá tối thiểu để duy trì hoạt động của bệnh viện nhưng người bệnh lại yêu cầu được chữa bệnh chăm sóc tốt tối đa. Vì thế khi nhập viện người bệnh nộp viện phí theo giá nhà nước quy định nhưng không may tai biến điều trị xảy ra thì nhiều người đòi đền bù thiệt hại theo giá thị trường. Đã có những vụ người bệnh tử vong đòi bắt đền bệnh viện đến bạc tỷ.

Chẳng có mối quan hệ nào kỳ lạ như mối quan hệ Thầy thuốc – Bệnh nhân ở Việt Nam: Bệnh nhân chi trả theo mức nhà nước quy định tối thiểu nhưng kỳ vọng vào bệnh viện, coi việc điều trị tốt, phục vụ tốt là trách nhiệm đương nhiên của thầy thuốc.

Khi không được đáp ứng đúng kỳ vọng thì bất bình với thầy thuốc gây ra những vụ xúc phạm, hành hung thầy thuốc.

Ngược lại thầy thuốc nhận thu nhập tối thiểu trong khi bị yêu cầu phục vụ tối đa nên bất mãn với bệnh nhân và xuất hiện tâm lý ban ơn, một số tận dụng mọi cơ hội để đòi lại phần thu nhập mà họ cho rằng có nó thì mới tương xứng với chất xám, công sức của họ bỏ ra, tiền công điều trị thấp thì bù đắp bằng tiền trích kê đơn, kê xét nghiệm, tiền phong bì, ...

Hai phía lẽ ra phải đứng cùng chung chiến tuyến để đấu tranh chống kẻ thù chung là bệnh tật thì nay lại là hai kẻ thù nghịch đối đầu với nhau, trách gì những va chạm giữa thầy thuốc và bệnh nhân không xảy ra như cơm bữa hàng ngày. Nhà nước đứng giữa điều hòa mối quan hệ này thì còn tư duy duy ý chí: Coi rằng mức lương của nhà nước quy định là đủ ưu đãi cho nhân viên y tế, nên đòi hỏi họ đã nhận lương là phải phục vụ hết lòng.

Đầu tư cho y tế ở nước ta thuộc hàng rất thấp trên thế giới nhưng nhiều người lại kỳ vọng có nền y tế ngang tầm khu vực và có một số mũi nhọn ngang tầm các nước G7, G10. Vì không có động lực kinh tế đáng kể nào để khích lệ nhân viên y tế nên lâu nay chúng ta vẫn dùng phương pháp động viên cổ điển: Các danh hiệu khen thưởng, các cuộc vận động kiểu như “nói không với phong bì”.

Đành rằng các cuộc vận động thi đua có thể đem lại sức mạnh to lớn trong từng giai đoạn, nhưng nó không thể đem lại kết quả lâu dài. Các chiến sĩ Điện Biên khi xưa có thể “ăn cháo kéo pháo qua đèo” trong một chiến dịch, nhưng chẳng ai có thể “ăn cháo kéo pháo cả đời” được.

Rõ ràng cần phải có tư duy sáng sủa hơn nữa về vấn đề y tế, đánh giá giá trị lao động y tế theo đúng với quy luật thị trường, để cho người dân chi trả đúng giá và nhận về dịch vụ y tế tương xứng với đồng tiền mình bỏ ra, ngược lại, thầy thuốc nhận tiền công tương xứng thì sẽ coi người bệnh là khách hàng thực sự đem lại thu nhập, cuộc sống cho mình.

Người bệnh có quyền lựa chọn hoặc từ chối thầy thuốc, cơ sở điều trị cho mình, ngược lại thầy thuốc cũng có quyền lựa chọn hoặc từ chối bệnh nhân nếu họ cảm thấy không phù hợp. Việc khám chữa bệnh thực sự là giao dịch dân sự trên cơ sở đôi bên bình đẳng và tự nguyện và giải quyết các mâu thuẫn xảy ra theo luật.

Việc đảm bảo sức khỏe cho những đối tượng nghèo, yếu thế sẽ chỉ do một số ít bệnh viện từ thiện đảm nhiệm và phải do nhà nước chi trả hoàn toàn với chất lượng chăm sóc và điều trị tương xứng với số tiền nhà nước chi ra.

Chừng nào chúng ta chưa dứt bỏ tham vọng về nền y tế vừa rẻ vừa tốt, chưa giải quyết được mâu thuẫn về quyền lợi giữa thầy thuốc và bệnh nhân, còn vận hành nền y tế bằng ý chí chủ quan và phương pháp hô hào động viên thì các thầy thuốc còn hoang mang chưa tìm được đường đi dung hòa giữa quyền lợi, lương tâm nghề nghiệp, yêu cầu của xã hội và sự công bằng với những người cùng trình độ ở các ngành nghề khác. Và khi đó ngành y còn chìm trong những khủng hoảng khó khăn.

Nguồn: http://khampha.vn/toi/di-ve-dau-cac-thay-thuoc-oi-c8a380753.html

KHAMPHA (08, Tháng 9, 2016. Thứ năm)

Thứ Hai, ngày 04/01/2016 10:44 AM (GMT+7)

Sở Khoa học và Công nghệ, thành phố Hồ Chí Minh

 

 


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

SÁCH CỦA TÔI