Tìm hiểu về bài hát “Ai về sông Tương” huyền thoại

Cập nhật: 19/03/2016 Lượt xem: 6125

 

Về bài thơ “Cho tôi làm lữ khách”

Bài ca “Ai về sông Tương” văng vẳng đến từ nhà hàng xóm vào một buổi chiều muộn đã làm rung động tình cảm của một anh chàng có tên HHK và bài thơ “Cho tôi làm lữ khách” được ra đời như vậy:

"Ai có về bên bến sông Tương"

Tiếng hát vẳng xa đượm nỗi buồn

Tương tư là chuyện ngàn năm vậy

Mà sao nghe lòng cứ vấn vương

 

Cứ mỗi chiều về tôi ngẩn ngơ

Ngóng chông như thể có ai chờ

Ngổn ngang như đám tơ vò rối

Cứ đợi, cứ mong, cứ thẫn thờ

 

Chẳng hiểu gần đây tôi nhớ ai

Bẵng đi đằng đẵng tháng năm dài

Giờ đây như có ai khuấy đảo

Tương tư, rạo rực bóng hình ai

 

Ngoài kia rên rỉ ve sầu hát

Réo rắt trong này một khúc ca

Thẩn thơ tôi hết ngồi lại đứng

Xốn xang, rạo rực ắp căn nhà

 

Ai đặt tên cho sông Tương nhỉ

Có bến rồi chắc có đò sang

Ông lái đò ơi tôi có một chuyến hàng

Liệu ông có nhận tôi làm lữ khách

 

Sông Tương ơi, liệu sông có là thật

Hay chỉ là hư ảo của người thương

Dòng sông êm hay có lắm thác ghềnh

Liệu tôi có vượt qua không nhỉ

                      1/8/2001

                  Hà Hoàng Kiệm 

 

Tìm hiểu về bài hát “Ai về sông Tương” huyền thoại

 

Bài hát “Ai về sông Tương” được Thông Đạt sáng tác năm 1949 đến nay đã 67 năm nhưng vẫn được đông đảo thính giả ưa thích. Sức sống của bài hát thật mãnh liệt, có thể nói đây là một trong những bài tình ca sống mãi theo thời gian.

Nhớ tác giả bài hát "Ai về sông Tương"

Cập nhật: Thứ ba, 24/9/2013 - 9h58'

(Cadn.com.vn) - Sau khi nhạc sĩ Văn Giảng (tức Thông Đạt)-tác giả bài hát "Ai về sông Tương" qua đời tại Melbourne (Australia) vào tháng 5-2013, trong và ngoài nước, đã có nhiều chương trình tưởng nhớ về cuộc đời hoạt động âm nhạc của ông. Tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán Huế gần đây diễn ra đêm nhạc tưởng niệm nhạc sĩ Văn Giảng với chủ đề "Từ Đàm quê hương tôi", gồm nhiều ca khúc nổi tiếng một thời đi sâu vào lòng người nhiều thế hệ như "Mừng ngày Đản sanh", "Từ Đàm quê hương tôi", "Có những hồi chuông", "Ai về sông Tương" ...

Nhạc sĩ Văn Giảng sinh ngày 12-5-1924 tại Huế trong một gia đình trung lưu, có truyền thống âm nhạc. Vì thế, ngay từ bé, ông thể hiện có năng khiếu đặc biệt và mò mẫm tự học thành công nhiều loại nhạc cụ. Tuy nhiên, do đời sống kinh tế khó khăn, ông phải bỏ học sớm để phụ giúp gia đình. Nhạc sĩ Miên Đức Thắng, người từng được theo học âm nhạc với nhạc sĩ Văn Giảng từ thời thơ ấu khẳng định, ông không những là một nhạc sĩ tài năng, mà còn là một tấm gương về nhân cách, về ý chí. Anh nói: "Trong ký ức tôi, thầy Văn Giảng là một người tài hoa, mẫu mực và rất nghị lực. Gặp biết bao khó khăn trong đời, mỗi lần nghĩ đến thầy Giảng, tôi tự nhủ mình phải theo đuổi việc học đến nơi đến chốn...".

Nhạc sĩ Văn Giảng

Được biết đến năm 40 tuổi ông mới lấy bằng Tú Tài. Sau đó ông trúng tuyển cuộc thi tuyển sinh viên nghiên cứu về âm nhạc, được xuất dương du học tại trường Âm nhạc lớn Hoa Kỳ ở Hawaii và Bloomington. Văn Giảng tốt nghiệp và được cấp thêm học bổng nghiên cứu cao học âm nhạc. Sau đó ông trở về nước và được đề cử làm Giám đốc trường Quốc gia Âm nhạc Huế. Sau Tết Mậu Thân 1968, nhạc sĩ Văn Giảng vào Sài Gòn lập nghiệp từ năm 1969, soạn hòa âm cho hãng đĩa Asia - Sóng Nhạc, dạy nhạc tại trường Quốc gia Âm nhạc Saigon, tham gia sinh hoạt ca nhạc ở đài phát thanh, đài truyền hình. Sau năm 1975, nhạc sĩ định cư tại Australia, ở đây, ông soạn và xuất bản nhiều sách nhạc lý...

Trong lĩnh vực sáng tác ca khúc, Văn Giảng còn có các bút danh khác là Mạnh Phát, Tiến Đạt, Nguyên Thông và Thúc Đăng. Ca khúc "Ai về sông Tương" được viết vào năm 1949 với bút danh Thông Đạt ra đời trong một trường hợp đặc biệt với nhiều giai thoại thú vị. Vào những năm cuối thập niên 1940, Văn Giảng chơi thân cùng ông Tăng Duyệt, giám đốc nhà xuất bản Tinh Hoa Huế. Một số hành khúc của Văn Giảng từng được nhà xuất bản này ấn hành.

Một lần Tăng Duyệt nói đùa ngụ ý rằng nhạc sĩ Văn Giảng chỉ viết được những bài hùng ca thôi, còn về những bài tình ca không phải sở trường. Văn Giảng nghe như vậy và không trả lời. Ông lặng lẽ ấp ủ viết ca khúc  "Ai về sông Tương" ký tên Thông Đạt và âm thầm gửi đến các đài phát thanh ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn, được nhanh chóng phổ biến rộng rãi. Sau nhiều lần được nghe bản nhạc trên đài, Tăng Duyệt gặp Văn Giảng và hỏi có biết Thông Đạt, tác giả bài "Ai về sông Tương" là ai, nhằm tìm mua lại bản quyền để xuất bản nhạc phẩm nhưng Văn Giảng trả lời không biết. Một lần hai người bạn của Văn Giảng là nhạc sĩ Đỗ Kim Bảng và nhà văn Lữ Hồ tới chơi và tình cờ nhìn thấy bản thảo của "Ai về sông Tương". Nhờ đó Tăng Duyệt mới biết Văn Giảng chính là Thông Đạt, tác giả của bản tình ca nổi tiếng đó.

Nhạc phẩm "Ai về sông Tương" do ca sĩ Hoàng Lan biểu diễn
tại chương trình Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán Huế.

"Ai có về bên bến sông Tương

Nhắn người duyên dáng tôi thương

Bao ngày ôm mối tơ vương

Tháng với ngày mơ nhuốm đau thương

Tâm hồn mơ bóng em luôn

Mong vài lời em ngập hương...",

Những lời ca lãng mạn, trữ tình ấy được tác giả diễn đạt với cung La trưởng, bằng giai điệu uyển chuyển tha thướt đã chiếm kỷ lục tái bản thời đó với 6 lần in thêm trong tháng đầu tiên và được thính giả Đài Phát thanh Pháp Á chọn là bài nhạc hay nhất trong năm 1949. Nhiều người cho rằng, lời ca lấy cảm hứng từ điển tích văn học Trung Hoa: Quân Tại Tương Giang Đầu/ Thiếp Tại Tương Giang Vĩ/ Tương Tư Bất Tương Kiến/ Đồng Ẩm Tương Giang Thủy (đại ý: Chàng ở đầu sông Tương/Thiếp ở cuối sông Tương/Tương tư nhưng không gặp/Cùng uống nước sông Tương). Bản thân nhạc sĩ Văn Giảng cũng có lần tiết lộ như vậy.

Nhà văn Trần Kiêm Đoàn, học trò cũ của ông tại Huế cho hay: "Thầy kể rằng, thời trai trẻ, Thầy ở Thành Nội và yêu một cô gái ở Kim Long nhưng duyên không thành vì gia đình nho phong của cô gái không có cái nhìn thiện cảm với nghệ sĩ, xướng ca... Thế là họ chia tay và cô gái đi lấy chồng! Một hôm, Thầy vào rạp Xi-nê Tân Tân, gần cầu Trường Tiền bên bờ Bắc sông Hương coi phim. Ngồi hàng ghế trước là một cô gái tóc dài. Tuy nhìn không rõ mặt nhưng từ dáng dấp đến hương tóc thoang thoảng mùi hoa ngâu của người thiếu nữ đã làm sống lại hình ảnh người tình Kim Long. Thầy xúc động đến nỗi không thể ngồi lại xem phim. Ra khỏi rạp Thầy đạp xe dọc bờ sông Hương vô cửa Thượng Tứ vào nhà ở Thành Nội. Thoáng chốc dòng sông Hương hiện ra như dòng sông Tương chia biệt trong truyện tình cổ thư Trung Quốc. Về đến nhà, thầy vội vã sáng tác bản nhạc bằng tất cả sự hoài niệm và háo hức nghệ thuật với sự chấn động dị thường như phép lạ hóa thân. Và bản nhạc Ai về sông Tương được viết ra trong vòng 15 phút!"...

Đêm nhạc tưởng niệm nhạc sĩ Văn Giảng tại Huế, ngoài Ai về sông Tương, còn giới thiệu các ca khúc như Từ Đàm quê hương tôi, Có những hồi chuông (Ký tên: nhạc Nguyên Thông, lời Tâm Đại) là 2 tác phẩm âm nhạc được xem như một cặp sinh đôi, ra đời trong một hoàn cảnh hết sức đặc biệt: sau đêm 20-8-1963, trong chiến dịch nước lũ mà chính quyền độc tài Ngô Đình Diệm bố ráp, đàn áp chùa chiền khắp miền Nam. Những ngày dầu sôi lửa bỏng ấy, người dân miền Trung, hẳn khó ai quên được những câu hát : "Ôi anh linh bóng chùa Từ Đàm/ Ôi nơi đây nắng chiều dịu dàng/ Ai hy sinh cứu đời phủ phàng, Từ Đàm ơi...". Tác giả Tâm Ấn - Nguyễn Văn Thịnh sau khi tham dự chương trình này đã bày tỏ cảm xúc:" Với Tình ca của Văn Giảng, biết bao nhiêu thế hệ, đặc biệt là thế hệ của chúng tôi, dù đang ở đâu cũng đều thật sự xúc động khi nghe ca sĩ Hà Thanh trình bày ca khúc "Ai về sông Tương". Và hôm nay, cũng với cảm xúc ấy, khi được nghe "Ai về sông Tương", một lần nữa lại gợi nhớ biết bao những kỷ niệm thơ mộng...".

Nguồn: Trần Trung Sáng. http://cadn.com.vn/news/68_103125_nho-ta-c-gia-ba-i-ha-t-ai-ve-song-tuong-.aspx

*

 

*              *

Sự tích sông Tương

Sông Tương hay Tương Giang, còn gọi là Tiêu Tương, thuộc Ninh Lăng, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc.

Sử viết, khi vua thuấn đi tuần thú và chết ở đất Thương Ngô ven bờ sông Tương, hai bà phi là Nga Hoàng và Nữ Anh (đều là con gái vua Nghiêu) thương tiếc không nguôi, hết vật vã thảm thiết trong cung, lại ra bờ sông Tương khóc than đêm ngày. Nước mắt hai bà nhỏ xuống bờ trúc, làm cho trúc ở đây nổi lên những đường vân đẹp như mây sóng ẩn hiện. Người đờì sau thường tìm đến bờ sông Tương mua loại trúc này về làm mành. Nước mắt của cuộc tình vắn số đã nhỏ xuống để tạo nên những đường vân tản mạc, nên mành tương là một tượng trưng cho một số phận đoạn nỗi. Từ đó sự tích sông Tương được dùng trong văn học để chỉ những giọt nước mắt vì tình của người phụ nữ.

Hai câu thơ này lấy từ tình sử:

Quân tại Tương Giang đầu

Thiếp tại Tương Giang vĩ

Tương tư bất tương kiến

Đồng ẩm tương giang thủy.

Tức là:

Chàng ở đầu sông Tương

Thiếp ở cuối sông Tương

Nhớ nhau không thấy nhau

Cùng uống nước sông Tương.

Trúc Tiêu Tương không những làm mành đẹp mà sáo trúc Tương giang cũng mang một âm thanh có sức truyền cảm lạ lùng. Chuyện hai bà Phi khóc chồng bên bờ sông Tương thuộc đời Nghiêu Thuấn; đến đời nhà Châu, sông Tương lại chứng minh một tình buồn nữạ Chàng là nho sĩ Lý Sanh; nàng thôn nữ Lương Ý Nương. Đôi trẻ yêu nhau tha thiết đã nặng lời hẹn ước. Sau khoa thi sẽ làm hôn lễ; nàng quay tơ dệt vải đợi chờ; đêm đêm nàng cũng chịu khó chong đèn, chút chữ nghĩa có văn thơ với người yêu. Nhưng rồi giặc giã nổi lên khắp nước, thân trai phải xếp bút nghiên lên đường đao binh. Chén rượu ngày hợp cẩn xin là chén ly bôi bên bờ sông Tương. Đây sầu ly biệt của nàng chinh phụ trong Chinh phụ ngâm :

Bến Tiêu Tương cách Hàm Dương

Nơi Hàm Dương cách Tiêu Dương mấy trùng

Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy

Thấy xa xa những mấy ngàn dâu

Ngàn dâu xanh ngắt một màu

Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai.

Nhà Ý Nương ở mạn hạ lưụ, chiều chiều lại nhớ chiều chiều, nàng ra đứng bên bờ sông trông về phía thượng lưu ngóng đợị Vừng kim ô lặn xuống trời tây, mặt nước sông Tương còn vương lại chút nắng vàng rồi trở bạc; đàn chim trong khóm trúc xạc xào bay về tổ ấm. Chinh phụ chinh phu, như đầu sông cuối sông. Nàng đã viết bài thơ cho môi tình mòn mỏi bao năm đơi chờ:

Nhân đạo Tương giang thâm

Vị để Tương giang bạn

Giang thâm chung hữu để

Tương tư vô biên ngạn

Quân tại Tương giang đầu

Thiếp tại Tương giang vĩ

Tương tư bất tương kiến

Cộng ẩm Tương giang thủy

Nghĩa là:

(Tương giang người bảo sâu

Chẳng bằng lòng thương nhớ

Sông sâu còn có đáy

Tương tư không bến bờ

Chàng ở đầu sông Tương

Thiếp ở cuối sông Tương

Nhớ nhau mà không thấy

Cùng uống nước sông Tương)

Truyện Kiều cũng là một áng thơ tình tuyệt vời ngợi ca tình yêu tự do, tình yêu đôi lứa vượt qua những hủ tục phong kiến, đến với nhau bằng tiếng gọi của trái tim. Đó là mối tình Kim Trọng-Thúy Kiều. Mối tình đầu thơ mộng Kim-Kiều lúc họ xa nhau được Nguyễn Du diễn tả qua 2 câu thơ 365 và 366:

“Sông Tương một dải nông sờ

Bên trông đầu nọ, bên chờ cuối kia”.

Chuyện tình của Kiều cũng tang tác, nên có câu:

"Mành tương phảng phất gió đàn".

 


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Thơ của chủ bút

    Thơ sưu tầm

      SÁCH CỦA TÔI