Phục hồi chức năng cho bệnh binh trong điều kiện dã chiến

Cập nhật: 26/12/2017 Lượt xem: 1694

PHỤC HỒI CHỨC NĂNG CHO BỆNH BINH TRONG ĐIỀU KIỆN DÃ CHIẾN

PGS. TS. Hà Hoàng Kiệm (Nội khoa dã chiến, HVQY)

1. Đại cương

1.1. Khái niệm

Phục hồi chức năng cho bệnh binh trong điều kiện dã chiến là áp dụng mọi biện pháp bao gồm y học, kỹ thuật phục hồi, Vận động trị liệu, hoạt động trị liệu… nhằm làm giảm tối đa tác động của bệnh tật tới chức năng của các cơ quan trong cơ thể, làm cho người bệnh phục hồi được tối đa các chức năng đã bị giảm hoặc mất do bệnh tật gây ra, phục hồi nhanh sức khỏe để bệnh binh có thể trở lại chiến đấu và công tác.

Trong điều kiện chiến tranh bộ đội thường mắc các bệnh truyền nhiễm, bệnh hô hấp, bệnh cơ-xương-khớp, bệnh thần kinh, tâm thần, bệnh tim mạch…Cùng với tích cực điều trị bệnh, cần phải áp dụng các kỹ thuật phục hồi chức năng sớm và phù hợp với từng bệnh, từng giai đoạn bệnh để dự phòng các biến chứng và phục hồi nhanh các chức năng của các cơ quan và phục hồi sức khỏe toàn thân cho bệnh binh.

1.2. Mục tiêu

+ Dự phòng và hạn chế các biến chứng và bệnh tật thứ phát

+ Làm cho bệnh binh phục hồi tối đa các chức năng đã bị giảm hoặc mất do bệnh tật gây ra.

+ Phục hồi nhanh sức khỏe cho bệnh binh để có thể trở về chiến đấu hoặc công tác

1.3. Nguyên tắc

+ Tiến hành phục hồi chức năng sớm ngay từ khi bị bệnh, tùy theo từng bệnh và giai đoạn bệnh mà áp dụng các kỹ thuật phục hồi chức năng thích hợp

+ Thực hiện các kỹ thuật phục hồi chức năng từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp tùy theo tình trạng bệnh tật của từng bệnh binh.

+ Bệnh binh phải chủ động tối đa, chỉ trợ giúp tối thiểu, giảm được trợ giúp càng nhiều càng tốt, dần dần bỏ hẳn trợ giúp.

+ Phải tạo được sự hợp tác tốt của bệnh binh, phải kiên trì, bền bỉ, không nôn nóng mới mang lại kết quả tốt.

2. Một số kỹ thuật phục hồi chức năng trong các bệnh nội khoa áp dụng cho bệnh binh trong điều kiện dã chiến

2.1. Xoa bóp

2.1.1. Chỉ định

+ Tăng cường dinh dưỡng và tuần hoàn của tổ chức da, dưới da và cơ.

+ Dự phòng loét do đè ép

+ Tăng cường lưu thông máu, dự phòng nghẽn tắc tĩnh mạch ở những bệnh binh phải  bất động kéo dài.

+ Làm giảm đau và giãn cơ trong các bệnh:

- Thoái hoá cột sống, thoái hoá khớp, viêm khớp đã ổn định

- Viêm đau dây thần kinh, rễ thần kinh

- Các trường hợp tăng trương lực cơ như: liệt cứng, co cứng cơ do kích thích rễ, dây thần kinh.

+ Kích thích phục hồi dẫn truyền thần kinh trong tổn thương dây thần kinh ngoại vi hoặc tổn thương các đám rối thần kinh do các nguyên nhân khác nhau.

+ Hội chứng suy nhược thần kinh, đau đầu do các nguyên nhân khác nhau

+ Rối loạn chức năng đại tràng, bàng quang

+ Làm mềm sẹo đối với vết thương đang liền sẹo, sẹo co kéo, sẹo dính

+ Bại hoặc liệt do di chứng tai biến mạch máu não, viêm não, viêm tuỷ và do các chấn thương sọ não, cột sống vv.

+ Làm giảm mệt mỏi, phục hồi và làm tăng khả năng hoạt động của cơ bắp trong giai đoạn hồi phục bệnh, sau hành quân chiến đấu, sau hoạt động thể thao, rèn luyện thể lực hoặc vận động, cử động quá mức đột ngột, lao động nặng.

2.1.2. Chống chỉ định

+ Bệnh ác tính

+ Các khối u (kể cả u lành và u ác tính)

+ Lao xương, lao khớp, lao phổi, lao màng phổi và lao các cơ quan khác

+ Suy tim, suy gan, suy thận nặng (giai đoạn mất bù)

+ Suy dinh dưỡng

+ Các bệnh ưa chảy máu, các vùng đang chảy máu hoặc đe doạ chảy máu

+ Bệnh binh đang sốt cao, có hội chứng nhiễm trùng, nhiễm độc

+ Các vùng có ổ viêm do nhiễm khuẩn như viêm cơ, viêm khớp nhiễm khuẩn

+ Các bệnh da liễu (dễ lây lan)

+ Bệnh binh là phụ nữ có thai hoặc đang có kinh nguyệt: tránh xoa bóp ở vùng thắt lưng và vùng bụng

2.1.3. Phân loại xoa bóp

+ Xoa bóp từng vùng (vùng đầu mặt cổ,vùng lưng, vùng bụng…)

+ Xoa bóp tứ chi

+ Xoa bóp toàn thân

2.1.4. Kỹ thuật: Có 5 kỹ thuật cơ bản

+ Xoa, vuốt

+ Day, miết

+ Nắn, bóp

+ Đấm, chặt

+ Rung, lắc

2.2. Vận động trị liệu

2.2.1. Mục tiêu

+ Dự phòng các biến chứng do giảm vận động hoặc bất động gây nên (teo cơ, cứng khớp, thưa-loãng xương, loét do đè ép, nghẽn tắc mạch, viêm phổi hoặc xẹp phổi do ứ đọng, viêm đường tiết niệu...).

+ Làm phục hồi tầm vận động của khớp, làm phục hồi và tăng sức mạnh của cơ, ngăn ngừa co rút cơ, phục hồi phối hợp động tác, sửa chữa các động tác sai, kích thích các thụ cảm bản thể thần kinh cơ, các phản xạ gấp duỗi.

+ Làm tái rèn luyện các cơ bị liệt, tăng cường sức mạnh các cơ còn bình thường để bù đắp chức năng cho các cơ bị mất chức năng. Tập các động tác tự phục vụ bản thân, tập các động tác di chuyển và hoạt động nghề nghiệp...

2.2.2. Nguyên tắc

+ Tập vận động sớm

+ Tập từ nhẹ đến nặng, từ đơn giản đến phức tạp, từ dễ đến khó

+ Bệnh binh phải chủ động tối đa, giảm được trợ giúp càng nhiều càng tốt, dần dần bỏ hẳn trợ giúp

+ Kết hợp tập vận động với các hoạt động sinh lý như các động tác tự phục vụ, tự di chuyển, các hoạt động nghề nghiệp

+ Phải kiên trì, bền bỉ không nôn nóng mới có được kết quả

2.2.3. Chỉ định: Áp dụng cho mọi bệnh nội khoa cả cấp tính và mạn tính

2.2.4. Chống chỉ định

+ Nhồi máu cơ tim cấp trong 24 giờ đầu

+ Các khớp đang bị viêm cấp do lao, do vi khuẩn.

+ Khó thở cấp, trụy mạch…

+ Bệnh binh đang sốt cao

2.2.5. Phân loại

+ Vận động thụ động

+ Vận động chủ động có trợ giúp

+ Vận động chủ động

+ Vận động chủ động có trở kháng

 + Vận động kéo giãn

2.2.6. Kỹ thuật

+ Vận động thụ động:

- Là động tác được thực hiện nhờ lực tác động từ bên ngoài mà không có co cơ chủ động của bệnh binh ở bộ phận có liên quan. Lực tác động từ bên ngoài có thể do thầy thuốc, do dụng cụ....

- Áp dụng: loại tập này ít hiệu quả, chỉ được áp dụng cho các phần cơ thể có cơ bị liệt hoặc yếu hoặc các bệnh binh đang trong tình trạng hôn mê.

+ Vận động chủ động có trợ giúp:

- Là động tác vận động do bệnh binh chủ động thực hiện bằng co cơ, nhưng có sự trợ giúp thêm từ bên ngoài do người điều trị hay dụng cụ. Đây là bước tập đầu tiên đối với các cơ còn yếu. Người điều trị hay dụng cụ giúp loại bỏ trọng lực chi thể để tạo thuận lợi cho bệnh binh thực hiện động tác hết tầm vận động.

- Nguyên tắc: chỉ trợ giúp tối thiểu vừa đủ để bệnh binh có thể tự thực hiện được động tác. Giảm bớt sự trợ giúp càng nhiều càng tốt khi có thể. Bệnh binh phải chủ động tối đa và tập hết tầm vận động của khớp, không được ỷ lại vào sự trợ giúp.

+ Vận động chủ động:

- Là động tác vận động do bệnh binh tự thực hiện bằng co cơ mà không có sự trợ giúp từ bên ngoài. Đây là hình thức vận động có hiệu quả nhất.

- Áp dụng đối với các cơ còn đủ mạnh có thể thắng được trọng lực của chi thể. Cần khuyến khích bệnh binh tập chủ động.

+ Vận động có trở kháng:

- Là hình thức tập vận động chủ động có thêm lực trở kháng tăng dần. Lực trở kháng do thầy thuốc hoặc dụng cụ tạo nên với mục tiêu làm tăng dần sức mạnh của cơ. Đây là hình thức tập nâng cao của tập vận động chủ động,.

- Áp dụng với các cơ hoặc nhóm cơ còn đủ sức mạnh thắng trọng lực của chi thể hoặc với các cơ còn bình thường cần tập để tăng cường sức mạnh.

+ Tập vận động kéo giãn:

- Là hình thức dùng lực cưỡng bức, làm một cơ hoặc một nhóm cơ phải giãn ra. Mục tiêu của tập kéo dãn là làm giảm hoặc phòng co cứng cơ, tập vận động khớp khi tầm vận động bị giới hạn do mất tính đàn hồi của mô mềm.

- Nguyên tắc: Không được kéo dãn khi có đau cấp, nên kéo với lực tăng dần, liệu trình thường phải kéo dài, bền bỉ mới có tác dụng, cơ được kéo phải ở trạng thái thư giãn và kéo từng khớp một, không kéo nhiều khớp một lúc.

2.2.7. Các hình thức vận động trị liệu

+ Tập trên giường hoặc trên nệm:

- Tập vận động khớp: tập theo tầm vận động của từng khớp

- Tập trở mình thay đổi tư thế: nằm sấp, nằm ngiêng, tập ngồi dậy.

- Tập giữ thăng bằng ở tư thế ngồi, tập ngồi nghiêng sang phải, nghiêng sang trái, ngửa hoặc cúi.

- Tập để tăng sức mạnh của các cơ tứ chi, cơ lưng, cơ bụng ....

- Tập thở bụng, thở ngực, thở sườn....

+ Tập trong thanh song song:

- Tập đứng dồn trọng lượng sang từng bên chân và dồn trọng lượng đều lên hai chân

- Tập giữ thăng bằng ở tư thế đứng

- Tập làm tăng sức mạnh của cơ chi trên

- Tập kiểm soát khung chậu

- Tập bước đi trong thanh song song

+ Tập thăng bằng với nạng:

- Tập giữ thăng bằng ở tư thế đứng với nạng

- Tập kiểm soát khung chậu, cơ lưng

- Tập đặt nạng theo các hướng

- Tập cách đi bằng nạng

- Tập sử dụng nẹp cùng với nạng

- Tập lên xuống cầu thang, tập đi trên địa hình phức tạp

- Tập ngã và cách chống đỡ, cách đứng dậy từ tư thế nằm

+ Tập di chuyển:

- Tập di chuyển từ tư thế ngồi trên giường sang ghế hoặc lên xe lăn và ngược lại

- Tập đứng dậy từ tư thế ngồi

- Tập dáng đi cơ bản

- Tập đi với nạng ở địa hình bằng phẳng, lên xuống cầu thang hoặc địa hình phức tạp

- Tập sử dụng các dụng cụ trợ giúp như nẹp, xe lăn

+ Tập các động tác tự phục vụ:

- Tập tự thay quần áo

- Tập tự vệ sinh cá nhân

- Tập tự ăn, uống

2.3. Hoạt động trị liệu

2.3.1. Khái niệm

- Hoạt động là sự phối hợp các động tác để thực hiện một công việc nào đó như các hoạt động tự phục vụ bản thân, các hoạt động trong cuộc sống, sinh hoạt thường ngày, các hoạt động nghề nghiệp, hoạt động thể thao...

- Hoạt động trị liệu là ứng dụng các hoạt động vào mục đích phòng bệnh, điều trị và phục hồi chức năng.

2.3.2. Mục tiêu

+ Tăng cường sức khỏe của bệnh binh sau một thời gian giảm hoạt động do bệnh tật.

+ Phục hồi lại các thao tác đã biết hoặc tập các thao tác mới để thực hiện các động tác tự phục vụ, các thao tác sinh hoạt hàng ngày, tái hoạt động nghề nghiệp hoặc học một nghề mới thích hợp.

+ Hoạt động lao động, thể thao còn có tác dụng tâm lý liệu pháp, làm cho bệnh binh cảm thấy gần gũi cuộc sống bình thường, phục hồi lại tâm lý thoải mái, yêu cuộc sống.

2.3.3. Nguyên tắc

+ Điều trị sớm khi tình trạng sức khỏe của bệnh binh cho phép.

+ Bắt đầu các hoạt động từ mức thấp đến mức cao tùy theo tình trạng sức khỏe toàn thân, từ các động tác đơn giản đến phức tạp.

+ Phải khám và lượng giá tình trạng bệnh tật và sức khỏe của bệnh binh, lập kế hoạch tập luyện, hướng dẫn bệnh binh thực hiện lặp lại các động tác cho đến khi bệnh binh tự mình thực hiện được. Phải kiểm tra sửa chữa các động tác sai và đánh giá kết quả trong suốt quá trình tập.

2.3.4. Các hình thức hoạt động trị liệu

+ Điều trị tại giường khi bệnh binh còn chưa di chuyển được ra khỏi giường. Bệnh binh cần tập sớm tại giường các hoạt động tự vệ sinh cá nhân: đánh răng, rửa mặt, thay quần áo, đi tất, chải đầu...

+ Tại phòng: bệnh binh cần tập di chuyển như trở mình, tự ngồi dậy, di chuyển từ giường sang ghế hoặc sang xe lăn. Đi bộ trong phòng, tự làm các công việc phục vụ bản thân, tham gia vệ sinh buồng bệnh...

+ Tại đội điều trị, bệnh xá, bệnh viện: tập cho bệnh binh thích nghi với điều kiện sống tập thể. Có thể cần tới các dụng cụ trợ giúp đi lại. Bệnh binh cần tập cách di chuyển, cách tự phục vụ mình, tham gia các hoạt động tập thể của đơn vị.

+ Phương thức: có thể tiến hành điều trị từng người nhưng cũng có thể điều trị cho từng nhóm người. Luyện tập theo nhóm có ưu điểm tạo nên không khí vui vẻ, thoải mái, thi đua nhau sẽ làm tăng được hiệu quả.

2.3.5. Các loại hoạt động trị liệu

          Số loại hoạt động là vô hạn, mọi hoạt động đều có thể áp dụng vào điều trị tùy theo tình trạng bệnh tật và sức khỏe chung của bệnh binh, nhưng có thể phân ra các loại hoạt động sau:

+ Hoạt động tự phục vụ: đây là hoạt động cần thiết không thể thiếu đối với mỗi bệnh binh. Bệnh binh cần phục hồi lại các hoạt động tự phục vụ bản thân từ các thao tác đơn giản đến phức tạp như vệ sinh cá nhân (rửa mặt, đánh răng, đại tiện, tiểu tiện, tắm rửa), thay quần áo, giặt quần áo, đi tất, đi giày.

+ Hoạt động trong sinh hoạt hàng ngày: Bệnh binh cần tập di chuyển như lăn trở mình trên giường, tự ngồi dậy trên giường, tự di chuyển từ giường sang ghế hoặc sang xe lăn, đi lại bằng nạng... tham gia các hoạt động của tập thể bệnh binh trong đội điều trị, bệnh xá hoặc bệnh viện như làm vệ sinh, làm bếp, vui chơi.

+ Hoạt động giáo dục và trí tuệ: Các hoạt động này giúp bệnh binh khôi phục và duy trì trí tuệ như đọc báo, đọc sách, làm thơ.

+ Hoạt động quân sự, nghề nghiệp: Bệnh binh có thể tái rèn luyện đội ngũ, tập hành quân tùy theo điều kiện bệnh tật.

+ Hoạt động sáng tạo và nghệ thuật: Bệnh binh có thể tham gia các hoạt động nghệ thuật như văn nghệ, làm các nghề thủ công như đan rổ, đan rá, qua đó giúp bệnh binh phục hồi và phát triển trí sáng tạo, sự khéo léo và thao tác chính xác các động tác. Cần khuyến khích bệnh binh thực hành từng bước một, không nên nôn nóng.

+ Hoạt động thể thao giải trí: Các hoạt động thể thao giúp bệnh binh tăng cường sức khỏe, tăng tính bền bỉ, dẻo dai. Có thể tổ chức các cuộc thi đấu thể thao để khuyến khích bệnh binh rèn luyện.

2.4. Vỗ lồng ngực

2.4.1. Mục tiêu

Làm rung lồng ngực cơ học, gây long đờm kết hợp với ho khạc hoặc tư thế dẫn lưu để loại đờm, dịch ra khỏi đường hô hấp giúp klhai thông đường thở.

2.4.2. Kỹ thuật vỗ

+ Bệnh binh nằm ngửa, kỹ thuật viên đứng bên cạnh ngang ngực bệnh binh, dùng hai bàn tay vỗ đều khắp thành ngực phía trước và phía bên của bên đối diện. Bệnh binh nằm sấp, kỹ thuật viên đứng bên cạnh ngang ngực bệnh binh, dùng hai bàn tay vỗ đều khắp thành ngực phía sau và phía bên của bên đối diện.

+ Kỹ thuật vỗ: Bàn tay kỹ thuật viên khum, các ngón tay khép. Khi vỗ sẽ tạo ra một đệm không khí giữa lòng bàn tay và thành ngực để tránh gây đau rát cho bệnh binh.

+ Vai, khuỷu tay, cổ tay của kỹ thuật viên phải giữ ở trạng thái thoải mái, dễ dàng và mềm mại, lắc cổ tay là chính.

+ Hai tay vỗ nhịp nhàng và di chuyển trên thành ngực với lực đều nhau. Bệnh binh phải thư giãn và chùng cơ khi được vỗ.

+ Lực vỗ vừa phải, bệnh binh có cảm giác dễ chịu

+ Thời gian một lần vỗ nên duy trì từ 3 - 5 phút

Chú ý:

+ Nếu vỗ gây đỏ da, bệnh binh cảm thấy khó chịu là do không khum bàn tay để tạo đệm không khí hoặc lực vỗ quá mạnh cần điều chỉnh lại.

+ Những bệnh binh gầy, nên lót một lớp vải trên da khi vỗ.

+ Sau vỗ 10-15 phút, khuyến khích bệnh binh ho khạc để loại đờm ra ngoài.

+ Trong ngày cần cho bệnh binh uống đủ nước để tránh đờm đặc quánh

2.5. Rung lồng ngực

2.5.1. Mục tiêu

 Thường tiến hành rung lồng ngực sau khi vỗ hoặc xen kẽ giữa vỗ và rung trong khi dẫn lưu tư thế. Rung có tính chất cơ học làm long đờm, và đờm di chuyển vào phế quản, dẫn lưu để thoát ra ngoài.

2.5.2. Kỹ thuật rung

+ Rung và nén chỉ làm vào thì thở ra, vì vậy yêu cầu bệnh binh hít vào sâu. Kỹ thuật viên để các ngón tay theo kẽ liên sườn, bắt đầu ấn và rung khi bệnh binh bắt đầu thở ra và tiếp tục trong suốt thì thở ra. Nếu bệnh binh khó thở, thở nhanh có thể rung cách một nhịp thở một lần.

+ Vị trí bàn tay kỹ thuật viên khi rung thay đổi, có thể hai tay đồng thời rung hai bên ngực, có thể chồng hai tay lên nhau.

Chú ý những bệnh binh có bệnh lý xương sườn như loãng xương, chấn thương ngực, cần chống chỉ định để tránh gây gãy xương sườn.

2.6. Tập thở

2.6.1. Chỉ định

+ Tập thở có chỉ định rất rộng rãi, có thể chỉ định trong mọi trường hợp có giảm thông khí.

+ Các bệnh lý phế quản, phổi.

+ Hạn chế hô hấp do bệnh lý lồng ngực, béo phì

+ Đau do phẫu thuật hay chấn thương, các chấn thương vùng bụng thì cho bệnh binh tập thở ngực, các chấn thương vùng  ngực thì cho bệnh binh tập thở bụng.

+ Bệnh binh căng thẳng lo sợ

+ Sau dùng thuốc mê, suy nhược hệ thần kinh trung ương

+ Giảm thông khí phổi do mọi nguyên nhân

+ Các rối loạn chuyển hóa như toan máu, kiềm máu

+ Các bệnh binh suy kiệt, bất động lâu ngày...

2.6.2. Kỹ thuật tập thở

          Bệnh binh phải ở tư thế thoải mái, thư dãn để cơ thành bụng và thành ngực cử động tự do. Hít vào qua mũi thở ra qua miệng. Có thể hướng dẫn cho bệnh binh kiểu thở bụng, thở ngực, thở một bên sườn, thở phân thùy, các bài tập tăng sức cơ thân mình hay tăng cường cơ hoành.

+ Thở bụng (thở bằng cơ hoành):

- Thở bụng là kiểu thở có hiệu quả nhất, kiểu thở bụng cần được áp dụng cho những người mổ hoặc chấn thương vùng ngực, khi mà cử động hô hấp của các xương sườn gây đau khiến bệnh binh thở nông để tránh đau.

- Bệnh binh nằm ngửa hoặc nửa nằm nửa ngồi, đầu gối gấp 450 và hai khớp háng xoay ngoài. Giải thích cho bệnh binh mục tiêu của tập thở để bệnh binh hợp tác.

- Người hướng dẫn làm mẫu cho bệnh binh xem và giải thích các động tác cho bệnh binh. Thì hít vào, cơ hoành hạ xuống và bụng phồng lên, ngược lại thở ra cơ hoành nâng lên, bụng lõm xuống. Người hướng dẫn đặt một tay lên vùng thượng vị của bệnh binh để theo dõi nhịp thở, yêu cầu bệnh binh thở bình thường. Sau vài nhịp thở, yêu cầu bệnh binh thở sâu để đẩy tay người hướng dẫn lên trong khi người hướng dẫn kháng lại lực đẩy đó cho đến khi bệnh binh thở được bằng bụng, yêu cầu bệnh binh duy trì cách thở đó.

Chú ý một số điểm sau:

- Tránh thở ra một cách ép buộc vì như vậy dễ gây xẹp phổi

- Tránh kéo dài thì thở ra quá mức

- Quan sát kỹ thân mình của bệnh binh để chắc chắn bệnh binh không cố ưỡn lưng để làm ra vẻ đẩy bụng ra trước

- Chỉ nên tập thở từng thời gian ngắn để tránh gây tăng thông khí phổi. Người điều trị phải quan sát các dấu hiệu mà bệnh binh phàn nàn như chóng mặt, "kiến bò" ở ngón tay.

- Cần hướng dẫn cho bệnh binh thở ở các tư thế khác nhau như nằm, ngồi, đi lại, lên cầu thang. Khi tập thở ở các tư thế, bệnh binh để tay lên bụng vùng thượng vị để kiểm soát kiểu thở.

+ Thở ngực:

Là kiểu thở gây cử động thành ngực mà không cử động cơ hoành, kiểu thở này ít hiệu quả so với thở bụng, nhưng thường được áp dụng khi có chấn thương hoặc mổ vào vùng bụng, vì khi thở bụng các tạng trong ổ bụng di chuyển làm bệnh binh đau không dám thở hoặc thở nông.

+ Thở phân thùy hoặc thở kiểu cạnh sườn:

- Chỉ định trong các trường hợp xẹp phổi, viêm phổi, đau ngực do tổn thương cơ, sau phẫu thuật lồng ngực, vẹo lồng ngực, gù vẹo cột sống.

- Mục tiêu là tập trung thở vào vùng tổn thương để làm tăng thông khí vùng này. Tay kỹ thuật viên đặt lên thành ngực tương ứng với vùng phổi cần tăng thông khí. Để tay chuyển động lên xuống theo nhịp thở vài lần rồi ấn đẩy lồng ngực khi bệnh binh thở ra, để lồng ngực cử động tự do khi bệnh  binh hít vào. Người điều trị tiếp tục trợ giúp khi bệnh binh thở ra và kháng lại đôi chút khi bệnh binh hít vào, yêu cầu bệnh binh hít vào gắng sức để đẩy ngược lại bàn tay người điều trị. Động tác này giúp cho bệnh binh thở vào được dầy đủ hơn.

2.7. Dẫn lưu tư thế

2.7.1 Chỉ định

+ Chỉ định với mục tiêu phòng bệnh:

- Bệnh binh phải bất động lâu ngày, đặc biệt ở người già, những người có nguy cơ ùn tắc đường thở như bệnh phổi-phế quản mạn tính, sau các mổ lớn hoặc mổ lồng ngực.

- Bệnh binh có tăng tiết đờm rãi như bệnh giãn phế quản hay kén phổi.

- Bệnh binh có khuynh hướng hạn chế hô hấp vì đau hoặc suy kiệt phải bất động, bệnh binh bị giảm hoặc mất phản xạ ho để tống đờm.

- Bệnh binh thở máy liên tục (với điều kiện tình trạng bệnh binh cho phép chịu đựng được biện pháp điều trị).

+ Chỉ định với mục tiêu để đào thải đờm, dịch bị ứ đọng, giúp khai thông đường thở:

- Bệnh binh bị xẹp phổi do ứ đọng dịch tiết

- Bệnh binh bị áp xe phổi có khạc mủ

- Bệnh binh bị viêm phổi

- Bệnh binh bị ứ đọng đờm dịch sau phẫu thuật

- Bệnh binh hôn mê lâu ngày

2.7.2. Chuẩn bị

+ Khám xét kỹ bệnh binh, xác định vùng phổi nào là chủ yếu cần phải dẫn lưu, tình trạng toàn thân của bệnh binh, khi nào dẫn lưu là tốt nhất.

+ Trước khi dẫn lưu phải nới lỏng quần áo bệnh binh, giải thích để bệnh binh hợp tác, quan sát cẩn thận tất cả các ống thông hoặc dây dẫn nào có trên người bệnh binh điều chỉnh giữ cho các ống khỏi xê dịch khi thay đổi tư thế bệnh binh. Với các bệnh binh bị bệnh nặng, phải kiểm tra mạch, huyết áp trước và trong quá trình dẫn lưu.

2.7.3.  Một số nguyên tắc chung

+ Kỹ thuật viên đứng phía trước mặt bệnh binh để quan sát được nét mặt bệnh binh trong khi thay đổi tư thế bệnh binh.

+ Đặt bệnh binh đúng tư thế dẫn lưu theo chỉ định. Đặt ở một tư thế phải duy trì ít nhất 5 - 10 phút, nếu người bệnh bị ứ đọng nhiều đờm thì thời gian dẫn lưu cần lâu hơn.

+ Nếu bệnh binh có dịch đờm đặc, trước khi dẫn lưu có thể phải làm khí dung, cho thuốc loãng đờm, cho bệnh binh uống nhiều nước hơn để cho đờm loãng dễ dẫn lưu.

+ Nếu phải dẫn lưu ở nhiều tư thế khác nhau, tổng thời gian một lần dẫn lưu khoảng 30 - 40 phút là tốt nhất, thời gian kéo dài hơn có thể làm bệnh binh bị mệt.

+ Nên phối hợp dẫn lưu tư thế với kỹ thuật vỗ, rung lồng ngực và tập thở để tăng hiệu quả đào thải đờm.

+ Sau điều trị, để bệnh binh trở lại tư thế cũ hoặc ngồi dậy từ từ, thở sâu và ho. Cần chú ý các chất dịch không tống ra ngay trong và sau dẫn lưu mà thường phải sau 30 phút đến 1 giờ, nên phải nhắc bệnh binh ho và khạc ra.

+ Chú ý: không để bệnh binh một mình không theo dõi ở tư thế đầu dốc xuống. Đối với những bệnh binh bị hôn mê, xuất huyết não, bệnh binh cao tuổi, bệnh binh có bệnh lý tim mạch, bệnh binh có tổn thương vùng cột sống cổ, các bệnh binh có tình trạng toàn thân nặng như suy kiệt, phải được theo dõi cẩn thận khi tiến hành dẫn lưu tư thế.

+ Các nhận xét về tư thế dẫn lưu, hiệu quả dẫn lưu: tình trạng bệnh binh trước, trong và sau khi dẫn lưu phải được ghi chép lại và trao đổi với bác sĩ điều trị của bệnh binh.

2.7.4.  Kỹ thuật dẫn lưu

+ Dẫn lưu 2 thùy trên (phân thùy đỉnh): bệnh binh nằm ngửa, kê gối cao, để ở tư thế nửa nằm nửa ngồi, kê một gối nhỏ dưới kheo để đỡ khớp gối.

+ Dẫn lưu thùy trên phải (phân thùy trước): nằm ngửa, ngang bằng mặt giường, kê một gối nhỏ ở dưới kheo.

+ Dẫn lưu thùy trên trái (phân thùy trước): nằm ngửa, ngay mặt giường, gối đầu cao.

+ Dẫn lưu thùy trên phải (phân thùy sau): nằm sấp, chân trái duỗi, chân phải co, kê gối nâng vai phải cao trên mặt giường 20cm.

+ Dẫn lưu thùy trên trái (phân thùy sau): nằm sấp, nâng đầu cao hơn chân 300.

+ Dẫn lưu thùy giữa phải: nằm ngửa, nghiêng 3/4 sang trái, đầu dốc xuống 150 - 200, cánh tay dưới (trái) gấp 900.

+ Dẫn lưu cả hai thùy dưới (phân thùy sau): nằm ngửa, đầu dốc xuống 300.

+ Dẫn lưu thùy dưới phải (phân thùy bên): nằm nghiêng trái, đệm một gối dài giữa hai chân để bệnh binh dễ chịu, đầu dốc xuống 300.

+ Dẫn lưu thùy dưới trái, phân thùy bên và thùy dưới phải, phân thùy giữa:   nằm nghiêng phải, đệm một gối dài giữa hai chân, đầu dốc xuống 300.

+ Dẫn lưu cả hai thùy dưới, phân thùy sau: nằm sấp, đầu dốc 300.

+ Dẫn lưu thùy dưới phải (phân thùy sau): nằm sấp, chân phải co, đệm gối nâng vai phải cao hơn mặt giường 20cm, đầu dốc xuống 300.

+ Dẫn lưu cả hai thùy dưới (phân thùy sau): nằm sấp, dùng chăn hay gối đệm nâng khung chậu lên cao hơn mặt giường 20 - 30cm (giống tư thế chổng mông).

2.7.5. Đánh giá kết quả

+ Nghe: so sánh tiếng thở trước, sau dẫn lưu, so sánh hai bên

+ Khám lồng ngực, rung thanh của phổi

+ Ho có kết quả không, dịch khạc ra bao nhiêu, đờm loãng hay đặc

+ Các thay đổi về thông số hô hấp

+ Hình ảnh X-quang phổi có tốt lên không

2.8. Dụng cụ trợ giúp, thay thế

2.8.1. Một số dụng cụ thường dùng

- Nẹp: nẹp bằng tre, bằng gỗ, bằng kim loại

- Nạng: nạng nách, nạng khuỷu. Nạng có thể làm bằng tre, bằng gỗ hoặc bằng kim loại.

- Xe lăn

2.8.2. Chỉ định

- Khi cần bất động khớp: viêm khớp nhiễm khuẩn cấp, lao khớp đang tiến triển

- Bại hoặc liệt do bệnh lý thần kinh ngoại vi hoặc trung ương

3. Phục hồi chức năng theo tuyến

3.1. Tuyến đại đội, tiểu đoàn

Ở tuyến này chủ yếu là cấp cứu và phân loại bệnh binh. Bệnh thường là cấp tính, bệnh binh lưu lại tuyến này ngắn ngày, có thể áp dụng sớm các kỹ thuật xoa bóp; tập vận động chủ động, thụ động; tập các bài tập hoạt động phù hợp với từng bệnh và với điều kiện đơn vị; tập thở, vỗ và rung lồng ngực với các bệnh lý có giảm thông khí.

3.2. Tuyến trung đoàn và sư đoàn

          Ở tuyến này các bệnh binh có bệnh nhẹ có thể được lưu lại điều trị, các bệnh nặng thời gian lưu lại ngắn. Có thể áp dụng sớm các kỹ thuật phục hồi chức năng như  xoa bóp, tập vận động, tập các bài tập hoạt động phù hợp, tập thở, vỗ và rung lồng ngực, có thể áp dụng kỹ thuật dẫn lưu tư thế nếu có chỉ định.

3.3. Tuyến quân khu, quân đoàn, đội điều trị

          Ở tuyến này có thể áp dụng mọi kỹ thuật phục hồi chức năng tùy theo mức độ bệnh hoặc các di chứng, kể cả việc sử dụng các dụng cụ trợ giúp, thay thế.

Tài liệu tham khảo

1. Bộ môn vật lý trị liệu và Phục hồi chức năng, Học viện Quân y (2006). Điều trị bằng vận động; Điều trị bằng hoạt động; Phục hồi chức năng hô hấp. Vật lý trị liệu và phục hồi chức năng. Giáo trình đại học và sau đại học. NXB QĐND. Tr 198-201; 202-204; 209-305.

2. Trần Trọng Hải, Nguyễn Thị Minh Thủy, Trường đại học y tế công cộng (2010). Những vấn đề chung về phục hồi chức năng. Phục hồi chức năng nạn nhân chất độc hóa học/Dioxin. NXB YH. Tr 26-106.

3. Hà Hoàng Kiệm (2011). Các bài tập vận động cột sống. Tự điều trị và dự phòng đau thắt lưng không dùng thuốc. NXB TDTT. Tr 128-160.

4. Hà Hoàng Kiệm (2012). Phương pháp phục hồi chức năng cho người liệt nửa người. Hướng dẫn phục hồi chức năng cho người sau tai biến mạch máu não. NXB TDTT. Tr 131-208.

5. Nguyễn Xuân Nghiên, Cao Minh Châu (2012). Vật lý trị liệu phục hồi chức năng. NXB YH.

6. Barker K.L; Newman M.A; Hughes T; Sackley C; Pandit H; Kiran A; Murray D.W. (2013). Recovery of function following hip resurfacing arthroplasty: a randomized controlled trial comparing an accelerated versus standard physiotherapy rehabilitation programme. Clin Rehabil September 2013 27: 771-784, first published on April 10, 2013 doi:10.1177/0269215513478437

7. Dorstyn D; Mathias J;  Denson L (2013). Applications of telecounselling in spinal cord injury rehabilitation: a systematic review with effect sizes. Clin Rehabil December 2013 27: 1072-1083, first published on July 3, 2013 doi:10.1177/0269215513488001

8. Miklitsch C; Krewer C; Freivogel S; Steube D (2013). Effects of a predefined mini-trampoline training programme on balance, mobility and activities of daily living after stroke: a randomized controlled pilot study. Clin Rehabil October 2013 27: 939-947, first published on July 1, 2013 doi:10.1177/0269215513485591.

9. Negahban H; Rezaie S; Goharpey S. (2013) Massage therapy and exercise therapy in patients with multiple sclerosis: a randomized controlled pilot study. Clin Rehabil December 2013 27: 1126-1136, first published on July 4, 2013 doi:10.1177/0269215513491586.


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bệnh thận - Tiết niệu

    Bệnh tim mạch

      Bệnh cơ-xương-khớp

        Bệnh nội tiết-chuyển hóa

          Bệnh tiêu hóa

            Bệnh phổi - phế quản

              Bệnh Thần kinh - Tâm thần

                Bệnh truyền nhiễm

                  Bệnh nhi khoa

                    Cận lâm sàng

                      Bệnh khác

                        Thuốc

                          Vật lý trị liệu

                            Phục hồi chức năng

                              Tư vấn và Chia sẻ thông tin

                                Sách đã xuất bản của Hà Hoàng Kiệm

                                  Bài báo khoa học

                                    SÁCH CỦA TÔI