Lịch sử nước Mỹ (Chương 6-10)

Cập nhật: 14/01/2017 Lượt xem: 3273

Chương 6: Xung đột địa phương

“Một gia đình bị chia rẽ chống lại nhau thì không thể đứng vững được. Tôi tin rằng nhà nước này không thể kéo dài mãi được tình trạng nửa nô lệ, nửa tự do" Ứng cử viên Thượng nghị sỹ Abraham Lincoln,1858

31

HAI NƯỚC MỸ

Không một vị khách nào đến thăm nước Mỹ lại để lại một ghi chép tỉ mỉ về những cuộc du hành và quan sát của mình hơn nhà văn và nhà luận thuyết chính trị người Pháp Alexis De Tocqueville. Cuốn Nền dân chủ ở Mỹ của ông được ấn hành lần đầu tiên năm 1835 đã trở thành một trong số những phân tích sắc bén và thấu đáo từ bên trong đời sống xã hội và chính trị của nước Mỹ. Tocqueville là một nhà quan sát rất thông thái, vì vậy ông không thể không phê phán nước Mỹ, tuy nhiên nhận định phán xét của ông về căn bản là tích cực. Ông viết "Chính phủ của nền dân chủ đem lại khái niệm về quyền chính trị cho những tầng lớp công dân bình thường nhất, cũng như việc phân phối của cải đem lại nhận thức rằng ai cũng có quyền sở hữu tài sản". Tuy nhiên, Tocqueville chỉ là một trong số nhiều nhà tư tưởng lo lắng rằng liệu một sự bình đẳng sơ đẳng như vậy có thể tồn tại hay không trong cuộc chạm trán với hệ thống nhà máy đang phát triển vốn đã đe dọa tạo ra những chia rẽ giữa những người công nhân công nghiệp và tầng lớp quý tộc kinh doanh mới.

Những khách du lịch khác thì kinh ngạc với sự tăng trưởng và sức sống của nước Mỹ nơi mà họ có thể nhìn thấy ở khắp mọi nơi những biểu hiện rõ ràng về sự phát triển thịnh vượng và sự phát triển mạnh mẽ trong nông nghiệp, thương mại và dịch vụ công cộng tuyệt vời. Nhưng những nhận định lạc quan như thế về hiện trạng nước Mỹ tất nhiên không phải là phổ biến. Nhà văn người Anh Charles Dickens, người đã đi thăm nước Mỹ lần đầu tiên vào những năm 1841 - 1842 là một người hoài nghi về điều này. "Đây không phải là nền cộng hòa mà tôi đến để tận mắt chứng kiến - ông viết trong một lá thư - Đây không phải là nền cộng hòa trong trí tưởng tượng của tôi... Tôi càng nghĩ về tuổi trẻ và sức mạnh của nó bao nhiêu thì nó hiển hiện trước mắt tôi càng nghèo nàn và tầm thường bấy nhiêu ở trên mọi phương diện. Trong tất cả những gì nền cộng hòa ấy đã phô trương - trừ có nền giáo dục toàn dân và sự chăm sóc trẻ em nghèo thì nó đã chìm nghỉm thực sự dưới cái mức mà tôi đã từng mong đợi".

Dickens không phải là người duy nhất. Trong thế kỷ XIX cũng như suốt chiều dài lịch sử của mình, nước Mỹ đã sản sinh ra những điều kỳ vọng và tình cảm mạnh mẽ vốn thường không thỏa mãn, đồng ý với cái hiện thực vừa phàm tục, vừa phức tạp hơn thế. Sự đa dạng và rộng lớn của nước Mỹ non trẻ đã gây nên khó khăn cho việc thống nhất và kéo theo sự mâu thuẫn: nước Mỹ là một xã hội vừa yêu chuộng tự do, vừa duy trì chiếm hữu nô lệ, là một quốc gia có lãnh thổ mở rộng và lãnh thổ nguyên thủy, vừa là một xã hội gồm những đô thị được hình thành trên nền tảng của sự phát triển thương mại và công nghiệp hóa.

MIỀN ĐẤT HỨA

Cho tới năm 1850, lãnh thổ Hoa Kỳ đã trải rộng trên các cánh rừng, đồng bằng và núi non. Hai mươi ba triệu người trong một Liên minh gồm 31 bang sống trên một lãnh thổ bao la. Ở miền Đông, công nghiệp bùng nổ và phát triển. Ở miền Trung Tây và miền Nam, nông nghiệp hưng thịnh. Sau năm 1848, các mỏ vàng ở California đã rót dòng suối vàng vào các kênh thương mại.

Các bang ở vùng New England và Trung Đại Tây Dương là những trung tâm chính của các ngành công nghiệp, thương mại và tài chính. Sản phẩm cơ bản của các vùng này là hàng dệt, gỗ, vải vóc, máy móc, da và len. Đồng thời ngành hàng hải đã đạt tới đỉnh cao của sự thịnh vượng. Những chiếc tàu mang cờ Mỹ chạy ngang dọc các đại dương, mang theo hàng hóa của mọi quốc gia.

Miền Nam từ Đại Tây Dương tới sông Mississippi và xa hơn là một nền kinh tế tập trung vào nông nghiệp. Thuốc lá sợi rất quan trọng với nền kinh tế của các bang Virginia, Maryland và Bắc Carolina. Ở bang Nam Carolina, lúa là loại cây trồng phổ biến. Khí hậu và đất đai ở bang Louisiana đã khuyến khích việc trồng mía đường. Nhưng cuối cùng thì bông lại là sản phẩm chủ lực của miền Nam và miền Nam nổi tiếng nhờ trồng bông. Cho tới năm 1850, miền Nam nước Mỹ đã trồng hơn 80% sản lượng bông toàn thế giới. Nô lệ là người trồng tất cả các loại cây này.

Miền Trung Tây với các thảo nguyên mênh mông và dân số gia tăng nhanh chóng đã trở nên hưng thịnh. Người châu Âu và các khu vực định cư lâu đời hơn ở Mỹ cần các sản phẩm từ lúa mì và thịt của vùng này. Việc áp dụng các máy móc công cụ tiết kiệm lao động - nổi bật nhất là máy gặt McCormick (một loại máy gặt) - đã khiến cho sự gia tăng không gì sánh được của sản xuất nông nghiệp trở thành hiện thực. Trong khi đó sản lượng các vụ thu hoạch lúa mì của Mỹ đã tăng từ 35 triệu hec-to-lít năm 1850 lên khoảng 61 triệu hec-to-lít năm 1860, và hơn một nửa phần sản lượng ấy được trồng ở miền Trung Tây.

Một yếu tố tác động quan trọng cho sự thịnh vượng của nước Mỹ là sự cải tiến mạnh mẽ trong các thiết bị giao thông vận tải: từ năm 1850 đến năm 1857, dãy núi Applachian, vật chướng ngại cản trở giao thông đã bị năm con đường sắt chính xuyên qua nối miền Trung Tây với miền Đông Bắc. Những con đường nối kết đó đã thiết lập quyền lợi kinh tế, củng cố liên minh chính trị của liên bang từ năm 1861 đến năm 1865. Miền Nam bị tụt hậu. Mãi cho tới cuối thập niên 1850 mới có đường xe lửa thông suốt chạy qua những ngọn núi nối liền hạ lưu sông Mississippi với miền Nam vùng bờ biển Đại Tây Dương.

CHẾ ĐỘ CHIẾM HỮU NÔ LỆ VÀ CHỦ NGHĨA ĐỊA PHƯƠNG

Có một vấn đề đã làm trầm trọng hơn những khác biệt theo vùng và kinh tế giữa miền Bắc và miền Nam: đó là chế độ chiếm hữu nô lệ. Một phần vì những món lợi to lớn do các doanh nhân miền Bắc tích luỹ được từ việc tiêu thụ bông, dân miền Nam liền quy sự lạc hậu của họ là do sự giàu có lên của dân miền Bắc. Trong khi đó, người miền Bắc tuyên bố rằng chế độ chiếm hữu nô lệ - một chế độ lỗi thời mà người miền Nam coi là thiết yếu đối với nền kinh tế của họ - lại là nguyên nhân chính dẫn đến sự tụt hậu về công nghiệp và tài chính của miền Nam so với miền Bắc.

Kể từ khi có Thỏa ước Missouri năm 1819 thì sự phân chia lãnh địa cũng đã ngày càng làm trầm trọng thêm vấn đề nô lệ. Ở miền Bắc, làn sóng ủng hộ chế độ bãi nô ngày càng mạnh mẽ. Người miền Nam thường hầu như chẳng thấy có lỗi với những người nô lệ và đấu tranh để duy trì chế độ nô lệ một cách mạnh mẽ. Ở một số vùng ven biển thì chế độ nô lệ đã tồn tại được hơn 200 năm tính tới năm 1850 và là một bộ phận không thể thiếu đối với nền kinh tế cơ bản của vùng.

Mặc dù điều tra dân số năm 1860 cho thấy có gần bốn triệu nô lệ trong tổng số 12, 3 triệu dân của 15 bang theo chế độ nô lệ nhưng nhóm người da trắng ở miền Nam sở hữu nô lệ lại thuộc nhóm thiểu số. Có khoảng 385.000 chủ nô trong tổng số ước chừng 1,5 triệu gia đình người da trắng. Một nửa số chủ nô này sở hữu không quá năm nô lệ. Mười hai phần trăm chủ nô sở hữu từ 20 nô lệ trở lên, con số này cho thấy chủ trang trại đang dần trở thành người quản lý đồn điền. Ba phần tư số gia đình người da trắng ở miền Nam, trong đó bao gồm cả người da trắng nghèo, những người có địa vị thấp nhất trong xã hội miền Nam, không sở hữu bất kỳ một nô lệ nào.

Chúng ta dễ dàng hiểu được lợi ích của chủ đồn điền khi họ muốn duy trì chế độ nô lệ. Nhưng ngay cả các tiểu điền chủ và người da trắng nghèo cũng ủng hộ chế độ nô lệ. Họ sợ rằng nếu người da đen được tự do thì người da đen sẽ cạnh tranh với người da trắng về mặt kinh tế và sẽ thách thức vị trí xã hội cao hơn của người da trắng. Người da trắng ở miền Nam bảo vệ chế độ nô lệ không chỉ vì lý do kinh tế mà còn là vì tư tưởng cho rằng người da trắng ưu việt hơn người da đen

Vì đấu tranh với ảnh hưởng của công luận miền Bắc nên các nhà lãnh đạo chính trị của miền Nam, các tầng lớp trí thức và phần lớn giới tăng lữ giờ đây không còn thấy mặc cảm vì chế độ nô lệ nữa, mà còn đứng ra bảo vệ chế độ này. Chẳng hạn, các nhà báo miền Nam cho rằng mối quan hệ giữa tư bản và lao động trong hệ thống chiếm hữu nô lệ còn nhân đạo hơn trong hệ thống lương của miền Bắc.

Trước năm 1830, hệ thống gia trưởng cũ của quản lý đồn điền và việc giám sát cá nhân đối với các nô lệ do chủ của họ thực hiện vẫn còn rất đặc trưng. Tuy nhiên, cùng với sự ra đời của việc sản xuất bông ở quy mô lớn tại các bang miền Nam phía dưới, chủ chiếm hữu dần dần từ bỏ việc giám sát cá nhân chặt chẽ đối với nô lệ, họ thuê các nhân viên trông coi chuyên nghiệp mà thời hạn làm việc của họ phụ thuộc vào khả năng bắt buộc nô lệ phải làm việc ở mức độ cao nhất. Trong trường hợp này thì chế độ nô lệ đã trở thành một hệ thống tàn bạo và áp bức với việc đánh đập và chia cắt gia đình nông nô rồi mua bán nô lệ phổ biến. Tuy nhiên trong những trường hợp khác thì chế độ nô lệ cũng ít hà khắc hơn.

Tuy nhiên, cuối cùng thì việc phê phán đanh thép nhất đối với chế độ nô lệ không phải là hành vi của các chủ nô lệ và người quản lý nô lệ. Những người theo chủ nghĩa bãi nô chỉ ra rằng việc đối xử có hệ thống đối với người lao động da đen giống như đối xử với vật nuôi trong gia đình khiến cho chế độ nô lệ đã vi phạm quyền tự do bất khả xâm phạm của con người.

NHỮNG NGƯỜI THEO CHỦ NGHĨA BÃI NÔ

Trong nền chính trị quốc gia thì dân miền Nam chủ yếu đi tìm sự bảo hộ và mở rộng các quyền lợi cho hệ thống nô lệ và việc trồng bông. Việc mở rộng đất đai được coi là nhu cầu thiết yếu bởi vì việc trồng một loại cây duy nhất - cây bông - đã nhanh chóng làm suy kiệt đất và làm gia tăng nhu cầu về đất đai mới phì nhiêu. Ngoài ra, lãnh thổ mới cũng sẽ thiết lập thêm các bang theo chế độ nô lệ để bù vào những bang xin gia nhập nhóm các bang theo chế độ tự do. Dân miền Bắc có tư tưởng chống chế độ nô lệ đã nhìn nhận thấy trong quan điểm của miền Nam một âm mưu muốn khuyếch trương sự ủng hộ chế độ nô lệ, và vì vậy đến thập niên 1830, sự đối lập của họ đã trở nên quyết liệt.

Một phong trào chống chế độ nô lệ từ trước đó, nhánh phát triển của Cách mạng Mỹ, cuối cùng đã giành thắng lợi vào năm 1808 khi Quốc hội bãi bỏ việc buôn bán nô lệ với châu Phi. Từ đó trở đi, việc phản đối chế độ nô lệ chủ yếu là của các tín đồ giáo phái Quaker, những người duy trì một cách phản đối êm dịu, nhưng không có hiệu quả. Trong khi đó, máy tách hạt bông và công cuộc mở rộng sang miền Tây tới vùng đồng bằng sông Mississippi đang tạo ra một nhu cầu ngày càng tăng về nô lệ.

Phong trào bãi nô xuất hiện vào đầu thập niên 1830 mang tính chiến đấu mạnh mẽ, kiên quyết không thỏa hiệp và nhấn mạnh việc chấm dứt ngay lập tức chế độ nô lệ. Quan điểm này đã tìm được người lãnh đạo là William Cloyd Garrison, một thanh niên quê ở Massachusetts, người đã kết hợp được lòng dũng cảm can trường của chiến sỹ tử vì đạo với lòng nhiệt tình tranh đấu của kẻ mị dân. Vào ngày 01/1/1831, Garrison đã xuất bản số đầu tiên tờ báo của mình, tờ Người Giải phóng, mang lời tuyên ngôn “Tôi sẽ chiến đấu kiên cường vì sự nghiệp ban quyền công dân ngay lập tức cho người dân nô lệ của chúng ta. Về vấn đề này, tôi không muốn nghĩ hay nói, hoặc viết với lời lẽ ôn hòa - Tôi rất nghiêm túc - Tôi sẽ không nói nước đôi - Tôi sẽ không bỏ qua - Tôi sẽ không lùi bước dù chỉ một phân - VÀ MỌI NGƯỜI SẼ LẮNG NGHE TÔI”.

Những phương pháp có tác động mạnh của Garrison đã thức tỉnh người miền Bắc chú ý tới sự xấu xa trong thể chế mà từ lâu nhiều người đã từng coi như không thể thay đổi được. Ông đã cố gắng duy trì sự chú ý của công chúng tới những khía cạnh ghê tởm nhất của chế độ nô lệ và đòi hỏi phải trừng phạt những kẻ chiếm hữu nô lệ, những tên chuyên tra tấn và buôn bán cuộc sống con người một cách phi đạo đức. Ông không thừa nhận quyền của các kẻ chủ nô, không công nhận thỏa hiệp, không tha thứ sự trì hoãn. Những người theo chủ nghĩa bãi nô khác do không muốn tham gia vào chiến thuật gây cản trở pháp luật của ông nên đã cho rằng, cải cách nên tiến hành bằng các biện pháp hòa bình và đúng luật. Garrison đã tranh thủ được tiếng nói ủng hộ mạnh mẽ khác từ phía Frederick Douglass, một nô lệ trốn chạy đã khuấy động người miền Bắc. Theodore Dwight Weld và nhiều người theo chủ nghĩa bãi nô khác đã vận động chống lại chế độ nô lệ tại các bang miền Tây Bắc với sự nhiệt tình của giáo phái Phúc âm.

Một hoạt động trong phong trào chống chế độ nô lệ là việc giúp đỡ các nô lệ trốn thoát tới những nơi di tản an toàn ở miền Bắc hay vượt biên giới sang Canada. "Con đường sắt bí mật”, một mạng lưới rất phức tạp, tinh vi của những con đường bí mật được thiết lập vững chắc vào thập niên 1830 ở tất cả các vùng miền Bắc. Chỉ riêng ở bang Ohio, từ năm 1830 đến năm 1860 đã có đến 40.000 nô lệ được giúp đỡ để có được tự do. Số lượng các hội chống chế độ nô lệ ở các địa phương đã gia tăng ở mức độ cao đến mức cho tới năm 1838 đã có chừng 1.350 hội với số lượng thành viên chừng 250.000 người.

Tuy nhiên phần lớn dân miền Bắc vẫn đứng ngoài phong trào chống chế độ nô lệ hoặc chống lại phong trào này một cách tích cực. Chẳng hạn vào năm 1837, một bọn du thủ du thực đã tấn công và giết chết biên tập viên chống chế độ nô lệ Elijah P. Lovejoy ở Alton bang Illinois. Thêm vào đó, sự đàn áp tự do ngôn luận của các bang miền Nam đã cho phép những người theo chủ nghĩa bãi nô gắn vấn đề nô lệ với sự nghiệp giải phóng quyền tự do dân sự cho người da trắng. Vào năm 1835, một đám đông giận dữ đã phá hủy các sách báo mang tính chất bãi nô ở bưu điện Charleston, bang Nam Carolina. Khi ông Tổng cục trưởng bưu điện tuyên bố sẽ không tiến hành việc chuyển các tài liệu mang tính chất bãi nô thì những cuộc tranh luận quyết liệt đã diễn ra ngay sau đó trong Quốc hội. Phái ủng hộ chủ nghĩa bãi nô quyết định gửi liên tiếp đến Quốc hội những thỉnh cầu đòi có hành động chống lại chế độ nô lệ. Vào năm 1836, Hạ viện đã biểu quyết hoãn xem xét những thỉnh cầu này một cách tự động, khiến cho những đơn thỉnh cầu này không có tác dụng. Cựu Tổng thống John Quincy Adams, người được bầu vào Hạ viện năm 1830, đã tranh đấu chống lại cái gọi là quy định cấm tự do ngôn luận này khi coi đây là một sự vi phạm Điều bổ sung sửa đổi thứ nhất của Hiến pháp và cuối cùng thì quy định này đã bị hủy bỏ vào năm 1844.

BANG TEXAS VÀ CUỘC CHIẾN TRANH VỚI MEXICO

Trong suốt thập niên 1820 người Mỹ đã định cư ở vùng lãnh thổ bao la của bang Texas, thường thường họ có giấy giao đất của Chính phủ Mexico. Tuy nhiên, con số đông đảo những người định cư chẳng bao lâu đã khiến chính quyền sở tại lo sợ và họ cấm việc tiếp tục nhập cư vào năm 1830. Năm 1834, Tướng Antonio Lopez de Santa Anna đã thiết lập chế độ độc tài ở Mexico, và vào năm sau đó người Texas đã khởi nghĩa. Santa Anna đánh bại các cuộc nổi loạn của người Mỹ ở Alamo vào đầu năm 1836, nhưng cư dân Texas dưới sự chỉ huy của Sam Houston đã tiêu diệt quân đội Mexico và bắt được Santa Anna một tháng sau trong trận đánh ở San Jacinto và đảm bảo nền độc lập của Texas.

Trong suốt gần mười năm, Texas là một nước cộng hòa độc lập, chủ yếu là do sự sáp nhập của bang nô lệ lớn này có thể sẽ làm phá vỡ thế cân bằng chính trị mong manh của Mỹ. Vào năm 1845, Tổng thống James K. Polk, người thắng cử sít sao với cương lĩnh mở rộng về phía tây, đã đưa Cộng hòa Texas gia nhập Liên minh. Động thái này của Tổng thống Polk là bước đi đầu tiên trong một kế hoạch lớn hơn. Texas tuyên bố biên giới của bang với Mexico là sông Rio Grande; trong khi Mexico cho rằng biên giới nằm ở tít trên phía bắc dọc theo sông Nueces. Trong khi đó những người định cư đã tràn ngập lãnh thổ vùng New Mexico và California. Nhiều người Mỹ tuyên bố rằng Hoa Kỳ có quyền hiển nhiên được mở rộng về phía Tây cho tới Thái Bình Dương.

Những nỗ lực của Mỹ nhằm mua lãnh thổ New Mexico và California đã thất bại. Và sau cuộc đụng độ giữa quân đội Mexico và Mỹ dọc sông Rio Grande, nước Mỹ đã tuyên chiến vào năm 1846. Lực lượng quân đội Mỹ đã chiếm đóng vùng lãnh thổ New Mexico thưa dân cư, sau đó ủng hộ cuộc nổi dậy của dân định cư ở California. Lực lượng của Mỹ dưới sự chỉ huy của Zachary Taylor đã tấn công Mexico, giành nhiều thắng lợi ở Monterey và Buena Vista nhưng đã không thể đưa Mexico tới bàn thương lượng. Tháng 3/1847, quân đội Mỹ do Winfield Scott chỉ huy đã đổ bộ gần Vera Cruz ở bờ biển phía đông Mexico và đánh vào Mexico City. Hoa Kỳ đã ép Mexico ký Hiệp ước Guadalupe Hidalgo mà theo đó Mexico nhượng quyền sở hữu vùng Tây Nam nước Mỹ và California với giá 15 triệu đô-la.

Cuộc chiến tranh là một nền tảng cơ sở huấn luyện cho các sỹ quan Mỹ, những người sau đó sẽ chiến đấu trong cả hai phe trong cuộc Nội chiến. Đó cũng là một cuộc chiến tranh gây chia rẽ về mặt chính trị. Tổng thống Polk, trong một cuộc đối đầu đồng thời với nước Anh, đã buộc người Anh công nhận chủ quyền của Hoa Kỳ ở vùng Tây Bắc Thái Bình Dương cho tới vĩ tuyến 49. Tuy nhiên thì những lực lượng chống chế độ nô lệ, chủ yếu là Đảng Whig, đã chống lại việc mở rộng lãnh thổ của Tổng thống Polk vì họ coi đây là mưu đồ ủng hộ chế độ nô lệ.

Với kết quả thu được trong cuộc chiến tranh với Mexico, nước Mỹ đã đoạt được một vùng lãnh thổ mới bao la gồm 1,36 triệu km2, quy tụ các bang ngày nay là New Mexico, Nevada, California, Utah, phần lớn bang Arizona và những khu vực của bang Colorado và Wyoming. Nhưng đó cũng là chiến lợi phẩm gây nên những điều bất lợi vì nó làm sống lại vấn đề dễ gây bùng nổ nhất trong nền chính trị của nước Mỹ thời đó: những vùng lãnh thổ mới sẽ đi theo chế độ chiếm hữu nô lệ hay là tự do?

THỎA HIỆP NĂM 1850

Cho đến năm 1845, dường như chế độ chiếm hữu nô lệ sẽ chỉ giới hạn ở những khu vực mà nó đã từng tồn tại từ trước. Chế độ nô lệ đã được xác định ranh giới theo thỏa hiệp Missouri đưa ra năm 1820 và chế độ nô lệ không có cơ hội để vượt ra khỏi ranh giới đó. Nhưng các vùng lãnh thổ mới đã khiến cho việc mở rộng ranh giới của chế độ chiếm hữu nô lệ trở thành một khả năng thực tế có thể xảy ra.

Nhiều người miền Bắc tin rằng nếu không được phép mở rộng thì chế độ chiếm hữu nô lệ cuối cùng sẽ suy sụp và cáo chung. Để biện hộ cho sự phản đối của mình đối với việc bổ sung thêm các bang có chế độ nô lệ, họ nêu ra những tuyên bố của Washington và Jefferson, và cả Sắc lệnh năm 1787 cấm việc mở rộng chế độ nô lệ sang miền Tây Bắc. Vùng Texas vốn đã cho phép chế độ nô lệ tồn tại đã đương nhiên nhập vào liên bang với tư cách một bang có chiếm hữu nô lệ. Nhưng California, New Mexico và Utah không có chế độ nô lệ. Ngay từ đầu đã xuất hiện những mâu thuẫn gay gắt về việc các bang này theo chế độ nào.

Những người miền Nam khăng khăng cho rằng tất cả đất đai đoạt được ở Mexico phải được trao công khai cho những người chiếm hữu nô lệ. Những người miền Bắc chống chế độ nô lệ lại yêu cầu các vùng mới phải ngăn chặn không cho chế độ nô lệ lan tới. Một nhóm những người ôn hòa đề nghị rằng ranh giới trong thỏa hiệp Missouri nên được kéo dài tới vùng Thái Bình Dương với những bang tự do ở phía bắc và các bang nô lệ ở phía nam. Một nhóm khác yêu cầu vấn đề này phải được dành cho “chủ quyền của nhân dân”, tức là chính phủ nên cho phép dân định cư tới những vùng lãnh thổ mới có hoặc không có nô lệ như họ muốn và khi tổ chức lại vùng đó thành các bang thì chính dân chúng sẽ phải tự quyết định vấn đề này.

Hầu hết người miền Bắc đều không muốn thách thức sự tồn tại của chế độ nô lệ ở miền Nam cho dù phong trào bãi nô rất sục sôi ở miền Bắc. Tuy nhiên nhiều người miền Bắc chống lại việc mở rộng các bang nô lệ. Vào năm 1848 có gần 300.000 người bỏ phiếu ủng hộ các ứng cử viên của Đảng Đất tự do, những người tuyên bố rằng chính sách tốt nhất là hạn chế, khu biệt và ngăn chặn nạn chiếm hữu nô lệ”. Tuy nhiên, sau cuộc chiến với Mexico thì quyền tự chủ của nhân dân được nhiều người ủng hộ nhất.

Tháng 1/1848, việc phát hiện ra vàng ở California đã thúc đẩy cuộc đổ xô vội vã của hơn 80.000 dân định cư đi tìm vàng chỉ nội trong năm 1849. Quốc hội phải nhanh chóng xác định quy chế của vùng đất mới này nhằm thành lập một chính quyền có tổ chức. Thượng nghị sỹ đáng kính của bang Kentucky tên là Henry Clay, người đã hai lần trước đây đưa ra những biện pháp thỏa hiệp vào những giai đoạn khủng hoảng, giờ đây lại đưa ra một kế hoạch phức tạp được cân nhắc kỹ lưỡng. Đối thủ cũ của ông, Thượng nghị sỹ Daniel Webster của bang Massachusetts, đã ủng hộ kế hoạch này. Thượng nghị sỹ Đảng Dân chủ bang Illinois, Stephen A. Douglas, người đứng đầu nhóm ủng hộ quyền tự chủ của nhân dân, đã làm rất nhiều để đưa kế hoạch này ra Quốc hội.

Thỏa hiệp năm 1850 gồm những điều khoản sau: (1)- California được gia nhập liên bang với tư cách là bang tự do; (2)- phần còn lại của đất đai mới chiếm được của Mexico phải được chia thành hai vùng lãnh thổ của bang New Mexico và Utah và được tổ chức làm sao không dính dáng gì tới chế độ nô lệ; (3)- những đòi hỏi của Texas với phần đất phân chia cho bang New Mexico sẽ được làm thỏa mãn bằng việc thanh toán 10 triệu đô-la; (4)- một bộ luật mới (Đạo luật Nô lệ bỏ trốn) được thông qua để bắt lại những nô lệ chạy trốn và trả lại các chủ của họ; và (5)- việc mua và bán nô lệ (nhưng không phải là chế độ nô lệ) bị bãi bỏ ở Quận Columbia.

Nước Mỹ đã thở phào nhẹ nhõm. Trong ba năm sau đó, thỏa hiệp này dường như đã giải quyết được toàn bộ các điểm khác biệt. Tuy nhiên, Đạo luật Nô lệ bỏ trốn đã ngay lập tức trở thành nguồn gốc căng thẳng. Luật này đã khiến những người dân miền Bắc bất bình sâu sắc, nhiều người đã từ chối tham gia vào việc bắt giữ nô lệ. Một số người chủ động dùng bạo lực để chống lại luật này. Các con đường sắt bí mật trở nên hiệu quả hơn và táo bạo hơn trước đây.

MỘT DÂN TỘC BỊ CHIA RẼ

Trong thập niên 1850, vấn đề nô lệ đã làm chia rẽ các mối quan hệ chính trị vốn từng gắn kết nước Mỹ lại với nhau. Vấn đề này đã làm suy yếu hai đảng chính trị lớn của Mỹ, Đảng Whig và Đảng Dân chủ. Đảng Whig bị sụp đổ và Đảng Dân chủ bị chia rẽ không thể hàn gắn được. Vấn đề này cũng khiến cho các Tổng thống yếu thế hơn do họ bị ảnh hưởng bởi sự thiếu quyết đoán trong đảng. Vấn đề này đương nhiên cũng làm mất thể diện của Tòa án Tối cao.

Tinh thần quyết tâm bãi bỏ chế độ nô lệ ngày càng lớn mạnh. Năm 1852, Harriet Beecher Stowe đã cho ấn hành cuốn Túp lều Bác Tôm, một cuốn tiểu thuyết được gây cảm hứng từ việc ban hành Luật Nô lệ bỏ trốn. Hơn 300.000 bản đã bán hết trong năm đầu tiên. Các cỗ máy in đã phải chạy suốt ngày đêm để cho kịp với yêu cầu của độc giả. Tuy đa cảm và có nhiều ý tưởng dập khuôn nhưng Túp lều Bác Tôm đã khắc họa một bức tranh với một sức mạnh không thể chối cãi về sự độc ác của chế độ nô lệ và các cuộc xung đột căn bản giữa xã hội tự do và xã hội có nô lệ. Nó đã kích động lòng nhiệt tình của động cơ đấu tranh chống chế độ nô lệ. Tác phẩm hấp dẫn được mọi người do nó đã động chạm đến những tình cảm bản năng của con người - đó là lòng căm phẫn đối với sự bất công và lòng thương xót đối với những nạn nhân bất lực trước sự bóc lột tàn nhẫn.

Vào năm 1854, vấn đề về chế độ nô lệ ở các vùng lãnh thổ đã được xới lên và cuộc tranh cãi trở nên gay gắt hơn. Khu vực mà ngày nay bao gồm các bang Kansas và Nebraska đã được người dân đến định cư nhanh chóng, điều này làm gia tăng áp lực đòi hỏi thiết lập những cơ quan chính quyền của lãnh thổ và sau đó là của bang.

Theo những điều khoản của thỏa hiệp Missouri năm 1820, toàn bộ vùng này không cho phép chế độ nô lệ. Những thành phần chiếm hữu nô lệ chính yếu ở Missouri phản đối việc cho phép Kansas trở thành khu vực lãnh thổ tự do vì khi đó bang của họ sẽ có ba bang láng giềng cấm nô lệ (Illinois, Iowa và Kansas) và bang Missouri cũng có thể sẽ bị bắt buộc trở thành bang tự do. Các đại biểu Quốc hội bang Missouri, được dân miền Nam ủng hộ, đã ngăn cản tất cả những nỗ lực nhằm tổ chức vùng này.

Vào lúc đó, Stephen A. Douglas đã khiến những người ủng hộ phong trào bãi nô phải nổi giận. Douglas lập luận rằng Thỏa hiệp năm 1850 đã từng để cho các bang Utah và New Mexico tự do giải quyết cho chính mình về vấn đề nô lệ, nay thay thế cho Thỏa hiệp Missouri. Kế hoạch của ông hướng đến hai vùng lãnh thổ Kansas và Nebraska. Kế hoạch này cho phép dân định cư được mang nô lệ vào các lãnh thổ trên và sau đó tự thân các cư dân được quyết định họ sẽ gia nhập liên bang với tư cách bang tự do hay bang nô lệ.

Những người phản đối Douglas đã buộc tội ông nịnh hót miền Nam để thắng cử tổng thống năm 1856. Phong trào đòi tự do vốn đã lắng dịu nay lại bùng lên với động lực mạnh hơn trước. Tuy nhiên, vào tháng Năm 1854, kế hoạch của Douglas mang tên Đạo luật Kansas - Nebraska đã được Tổng thống Franklin Pierce ký ban hành sau khi Quốc hội bỏ phiếu thông qua. Những người miền Nam đã bắn đại bác ăn mừng. Nhưng khi Douglas tới thăm Chicago sau đó để phát biểu biện hộ cho mình thì tất cả các con tàu trên cảng đã hạ cờ của họ xuống đến nửa cột cờ, các nhà thờ gióng chuông cầu hồn suốt một giờ và đám đông một vạn người đã hò hét to đến nỗi không ai có thể nghe được ông nói.

Những kết quả thật quan trọng ngay lập tức nảy sinh từ những biện pháp tai hại của Douglas. Đảng Whig, vốn dao động về vấn đề mở rộng chế độ nô lệ, đã bị xóa sổ và một tổ chức mới hùng mạnh đã xuất hiện thay thế đảng này, đó là Đảng Cộng hòa với nhu cầu tiên quyết là chế độ nô lệ phải bị loại bỏ khỏi tất cả các vùng lãnh thổ. Vào năm 1856, Đảng Cộng hòa đã chỉ định John Fremont ra tranh cử. Ông là người nổi tiếng nhờ có những cuộc thám hiểm tới miền Viễn Tây. Tuy Fremont thất cử nhưng Đảng Cộng hòa đã phát triển ra cả một vùng rộng lớn của miền Bắc. Các thủ lĩnh chống chế độ nô lệ như Salmon P. Chase và William Seward đã có ảnh hưởng lớn hơn bao giờ hết. Cùng với họ đã xuất hiện một luật sư người Illinois cao lớn là Abraham Lincoln.

Trong khi đó, dòng người kể cả các chủ nô miền Nam và các gia đình chống chế độ nô lệ đổ tới Kansas đã làm nảy sinh xung đột vũ trang. Chẳng bao lâu sau vùng lãnh thổ này được gọi là miền Kansas đẫm máu. Tòa án Tối cao còn làm vấn đề trở nên tồi tệ hơn với phán quyết Dred Scott quá nghiêm khắc vào năm 1857.

Scott là một nô lệ ở bang Missouri, gần 20 năm trước bị chủ đưa đến sống ở Illinois và vùng lãnh thổ Wisconsin, những nơi chế độ chiếm hữu nô lệ đã bị cấm. Khi trở về Missouri và vì bất mãn với cuộc sống của mình ở đó, Scott đã kiện đòi tự do trên cơ sở ông cư trú trên lãnh thổ không có chế độ nô lệ. Tòa án Tối cao do người miền Nam chiếm đa số đã quyết định rằng Scott thiếu tư cách hầu tòa vì ông không phải là công dân; rằng luật lệ của một bang tự do (Illinois) không có hiệu lực về thân phận của ông vì ông đã là người cư trú ở bang có chế độ nô lệ (Missouri); rằng các chủ nô có quyền mang tài sản của họ đi bất cứ đâu trên khắp lãnh thổ liên bang và rằng Quốc hội không thể hạn chế sự mở rộng của chế độ nô lệ. Như vậy quyết định của Tòa án đã vô hiệu hóa các Thỏa ước trước đó về chế độ nô lệ và khiến cho không thể đưa ra được những thỏa ước mới.

Phán quyết đối với Dred Scott đã dấy lên sự căm phẫn dữ dội ở khắp miền Bắc. Trước kia chưa bao giờ Tòa án lại bị kết tội ác liệt đến thế. Với phe Dân chủ miền Nam thì quyết định của Tòa án là một thắng lợi lớn vì nó đã đem lại sự bảo vệ pháp luật cho sự biện minh của họ về chế độ chiếm hữu nô lệ trên toàn bộ các vùng lãnh thổ.

LINCOLN, DOUGLAS VÀ BROWN

Abraham Lincoln từ lâu đã coi nạn chiếm hữu nô lệ là một tội ác. Ngay từ năm 1854 trong một diễn văn nổi tiếng ông đã tuyên bố rằng toàn bộ các cơ quan lập pháp quốc gia phải được thiết lập theo nguyên tắc mà theo đó chế độ nô lệ phải được hạn chế và cuối cùng bị phế bỏ. Ông cũng căm phẫn cho rằng nguyên tắc về chủ quyền nhân dân là giả dối, vì nạn chiếm hữu nô lệ ở các vùng lãnh thổ miền Tây đã là mối lo ngại không chỉ của dân chúng địa phương, mà cả của toàn bộ nước Mỹ.

Năm 1858, Lincoln đối kháng với Stephen A. Douglas trong cuộc bầu cử vào chức Thượng nghị sỹ bang Illinois. Trong đoạn diễn văn mở đầu chiến dịch tranh cử ngày 17/7, Lincoln đã đề cập với tư tưởng chủ đạo của lịch sử nước Mỹ trong bảy năm kế tiếp:

Một gia đình bị chia rẽ chống lại nhau thì không thể đứng vững được. Tôi tin rằng nhà nước này không thể chịu đựng mãi được tình trạng nửa nô lệ, nửa tự do. Tôi không muốn liên bang giải thể - Tôi không muốn gia đình sụp đổ - mà tôi mong muốn gia đình liên bang chấm dứt bị chia rẽ.

Lincoln và Douglas đều tham gia vào một loạt bảy cuộc tranh luận vào những tháng sau đó trong năm 1858. Thượng nghị sỹ Douglas được mệnh danh là người khổng lồ bé nhỏ có một uy tín đáng ghen tị với tư cách một nhà diễn thuyết tài ba, nhưng ông đã gặp tay kỳ phùng địch thủ Lincoln, người đã dùng tài hùng biện thách thức quan điểm về chủ quyền nhân dân theo lối mà Doughlas đã định nghĩa. Cuối cùng, Douglas đã đắc cử với tỉ lệ sát nút nhưng Lincoln lại đoạt được vị thế của một nhân vật tầm cỡ quốc gia.

Vào lúc đó thì các sự kiện đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát. Vào đêm ngày 16/10/1859, John Brown, một người chủ trương chống chế độ nô lệ đã từng bắt và giết năm người dân định cư ủng hộ chế độ nô lệ ở Kansas ba năm trước, đã chỉ huy một nhóm người ủng hộ tấn công vào kho vũ khí liên bang ở bến phà Harper's (nằm ở vùng Tây Virginia ngày nay). Mục tiêu của Brown là sử dụng các vũ khí chiếm được để dẫn dắt chỉ huy cuộc nổi dậy của nô lệ. Sau hai ngày đánh nhau, Brown và những chiến sỹ của ông còn sống sót đã bị lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ do đại tá Robert E. Lee chỉ huy bắt làm tù binh.

Đối với nhiều người miền Nam thì những gì Brown làm đã khẳng định những nỗi sợ hãi tồi tệ nhất của họ. Ngược lại, những nhà hoạt động chống chế độ nô lệ lại chào đón Brown như một chiến sỹ tử vì đạo nhằm một mục tiêu cao cả. Brown đã bị bang Virginia xử án vì tội âm mưu phản nghịch và giết người. Ngày 2/12/1859 ông bị treo cổ. Mặc dù hầu hết người miền Bắc lúc đầu đều lên án ông, nhưng ngày càng có nhiều người chấp nhận quan niệm của ông cho ông là một công cụ trong tay của Chúa.

CUỘC BẦU CỬ NĂM 1860

Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1860, Đảng Cộng hòa chỉ định Abraham Lincoln làm ứng cử viên của mình. Cương lĩnh của Đảng Cộng hòa đã tuyên bố rằng chế độ nô lệ không thể lan rộng thêm được nữa. Đảng cũng hứa đánh thuế bảo hộ cho công nghiệp và cam đoan ban hành luật cấp các trang trại miễn phí cho những dân định cư nào giúp đỡ trong việc khai khẩn miền Tây. Các đảng viên Dân chủ miền Nam, sau vụ án Dred Scott đã không hưởng ứng quan điểm chủ quyền nhân dân của Douglas, đã tách khỏi đảng và đề cử Phó Tổng thống John C. Breckenridge thuộc bang Kentucky ứng cử tổng thống. Stephen A. Douglas là ứng cử viên của Đảng Dân chủ miền Bắc. Đảng Whig vốn bảo thủ đến cùng ở các bang miền biên giới đã nhập vào lập Đảng Liên minh Lập hiến và đề cử John C. Bell ở bang Tennesse.

Lincoln và Douglas đua tranh ở miền Bắc, còn Breckenridge và Bell đua tranh ở miền Nam. Lincoln chỉ đạt có 39% số phiếu phổ thông nhưng lại dành đa số tuyệt đối trong 180 phiếu đại cử tri ở tất cả 18 bang tự do. Bell thắng cử ở các bang Tennessee, Kentucky và Virginia; Breckenridge giành thắng lợi ở tất cả các bang có chế độ nô lệ khác ngoại trừ bang Missouri là bang Douglas thắng. Mặc dù tranh cử kém nhưng Douglas chỉ thua Lincoln trong việc giành lá phiếu phổ thông.

Chương 7: Nội chiến và công cuộc tái thiết

“Dưới sự che chở của Chúa, dân tộc này sẽ có một nền tự do mới"
Tổng thống Abraham Lincoln, ngày 19/11/1863

31

LY KHAI VÀ NỘI CHIẾN

Việc Lincoln thắng cử tổng thống tháng 11/1860 đã khiến cho việc bang Nam Carolina ly khai khỏi liên bang ngày 20/12 là một kết quả có thể đoán trước. Bang này đã chờ đợi sự kiện này từ lâu, một sự kiện sẽ liên kết được miền Nam chống lại các lực lượng chống chế độ nô lệ. Cho tới ngày 1/2/1861, năm bang khác nữa đã ly khai. Vào ngày 8/2, sáu bang này đã thông qua hiến pháp tạm thời cho các bang ly khai. Tuy nhiên, các bang miền Nam còn lại vẫn ở trong liên bang cho dù bang Texas đã bắt đầu chuẩn bị ly khai.

Chưa đầy một tháng sau đó, ngày 4/3/1861 Abraham Lincoln đã tuyên thệ nhậm chức tổng thống Hoa Kỳ. Trong diễn văn nhậm chức ông tuyên bố sự ly khai không có hiệu lực về mặt pháp luật. Bài diễn văn của ông kết thúc bằng việc kêu gọi phục hồi những mối liên kết của liên bang, nhưng miền Nam đã bưng tai giả điếc. Ngày 12/4, súng phe ly khai đã nổ nhằm vào các binh đội liên bang đồn trú ở Đồn Sumter tại hải cảng Charleston, bang Nam Carolina. Chiến tranh đã bắt đầu, một cuộc chiến mà trong đó số người Mỹ tử trận nhiều hơn bất kỳ cuộc xung đột nào trước đây và về sau.

Trong bảy bang đã ly khai, dân chúng tích cực đáp lại hành động và lãnh đạo của tổng thống mới của các bang ly khai, ông Jefferson Davis. Cả hai phe lúc này đều căng thẳng chờ đợi hành động của các bang duy trì chế độ nô lệ mà khi đó vẫn rất trung thành. Bang Virginia ly khai ngày 17/4; các bang Arkansas, Tennessee và Bắc Carolina cũng nhanh chóng làm theo.

Không có bang nào rời liên bang lại miễn cưỡng hơn bang Virginia. Các chính khách của bang này đã tham gia lãnh đạo trong chiến thắng của Cách mạng và khởi thảo Hiến pháp và bang này cũng cung cấp năm tổng thống cho đất nước. Đại tá Robert E. Lee đi theo bang Virginia, ông này đã khước từ mệnh lệnh của Quân đội Liên bang để giữ lòng trung thành với bang của mình.

Giữa các bang ly khai đã được mở rộng và các bang tự do miền Bắc là các bang nô lệ ở sát biên giới gồm Delaware, Maryland và Kentucky và Missouri. Các bang này cho dù có đôi chút cảm thông với miền Nam nhưng vẫn trung thành với liên bang.

Mỗi bên đều tham chiến với niềm hy vọng rất cao vào chiến thắng nhanh chóng. Miền Bắc có được những lợi thế rõ ràng về các nguồn lực vật chất. Hai mươi ba bang với số dân 22 triệu người dàn trận chống lại 11 bang với 9 triệu dân gồm cả nô lệ. Sự vượt trội về công nghiệp của miền Bắc thậm chí còn quan trọng hơn cả ưu thế về dân số khi cung cấp được cho miền Bắc lượng dồi dào các thiết bị để chế tạo vũ khí và đạn dược, quần áo và các đồ cung cấp khác. Mạng lưới đường sắt ở miền Bắc cũng có ưu thế vượt trội.

Miền Nam cũng có những lợi thế nhất định. Lợi thế quan trọng nhất là địa lý, miền Nam đang tiến hành chiến tranh tự vệ trên lãnh thổ của mình. Miền Nam có thể dành được độc lập khi đánh bại đội quân miền Bắc. Miền Nam cũng có truyền thống quân sự mạnh hơn và có những thủ lĩnh quân đội có nhiều kinh nghiệm hơn.

TẤN CÔNG Ở PHÍA TÂY, BẾ TẮC Ở PHÍA ĐÔNG

Trận đánh lớn đầu tiên của chiến tranh tại Bull Run, bang Virginia (cũng nổi tiếng với cái tên Manassas thứ nhất) gần Washington, đã phá tan mọi ảo tưởng cho rằng chiến thắng sẽ nhanh chóng hay dễ dàng. Nó cũng tạo nên một mẫu hình, ít nhất ở miền Đông nước Mỹ, về các chiến thắng đẫm máu của miền Nam không bao giờ chuyển thành lợi thế quân sự mang tính quyết định cho các bang ly khai.

Trái ngược với những thất bại quân sự của mình ở miền Đông, các lực lượng Liên bang đã có các chiến thắng ở chiến trường phía Tây và làm trì hoãn thành công chiến lược trên biển của phe ly khai. Phần lớn lực lượng Hải quân vào lúc mới xảy ra chiến tranh nằm trong tay liên bang, nhưng lực lượng hải quân đó dàn trải và yếu. Bộ trưởng Hải quân Gideon Welles đã nhanh chóng thi hành các biện pháp củng cố lực lượng này. Sau đó Lincoln đã tuyên bố bao vây các bờ biển miền Nam. Tuy hiệu quả của cuộc bao vây lúc đầu là không đáng kể nhưng cho tới năm 1863, cuộc bao vây đó đã hầu như hoàn toàn ngăn chặn được những chuyến tàu chở bông đi châu Âu và cắt đứt việc nhập khẩu vũ khí đạn dược, quần áo và đồ y tế mà miền Nam đang cần đến.

Tư lệnh hải quân xuất sắc của Liên bang, David Farragut, đã tiến hành hai chiến dịch tuyệt vời. Tháng 4/1862, ông đưa một hạm đội liên bang tới cửa sông Mississippi và buộc New Orleans, bang Louisiana, thành phố lớn nhất miền Nam, phải đầu hàng. Tháng 8/1864, với tiếng hô "Không sợ thủy lôi, tiến lên với tốc độ tối đa", ông đã dẫn một lực lượng đi xuyên qua lối vào được phòng thủ chặt dẫn tới vịnh Mobile, bang Alabama, bắt sống được một tàu bọc sắt của phe ly khai và vây chặt cảng.

Ở thung lũng sông Mississippi, các lực lượng Liên bang đã giành được một loạt chiến thắng liên tiếp. Các chiến thắng đó bắt đầu bằng việc đập tan tuyến quân ly khai kéo dài ở bang Tennessee, bởi thế nên quân Liên bang có thể chiếm phần lớn toàn bộ phần phía tây của bang này. Khi cảng Memphis quan trọng ở sông Mississippi bị chiếm, quân đội Liên bang lại tiến thêm được chừng 320 cây số về phía trung tâm của phe ly khai. Có Tướng Ulysses S. Grant kiên cường bền bỉ chỉ huy, quân đội Liên bang đã chống lại được cuộc phản công bất ngờ của phe ly khai tại Shiloh trên các bờ dốc nhìn ra sông Tennessee. Số người bị chết và bị thương ở Shiloh vượt quá con số 10.000 ở mỗi phe, một tỉ lệ thương vong mà Mỹ chưa bao giờ thấy trước đây. Nhưng đó chỉ là màn mào đầu của cuộc tàn sát.

Trái lại, ở Virginia quân đội Liên bang tiếp tục gặp hết thất bại này đến thất bại khác. Trong khi tiếp tục những nỗ lực đẫm máu nhằm chiếm được Richmond, thủ đô của phe ly khai, các lực lượng Liên bang liên tục bị đẩy lùi. Phe ly khai có lợi thế phòng thủ lớn là vô số những dòng sông, suối cắt ngang con đường nối Washington và Richmond. Hai viên tướng giỏi nhất, Robert E.Lee và Thomas J (“Stonewall) Jackson, trội vượt hơn nhiều về khả năng so với các vị tư lệnh chỉ huy quân đội liên bang thời kỳ đầu. Vào năm 1862, một chỉ huy quân đội liên bang, ông George MeClellan đã có một nỗ lực chậm rãi cẩn thận quá mức để chiếm Richmond. Nhưng trong trận đánh bảy ngày từ ngày 25/6 đến 1/7, quân đội Liên bang đã bị đẩy lùi liên tục, cả hai bên đều phải chịu những tổn thất ghê gớm.

Sau một thắng lợi khác của phe ly khai tại trận đánh thứ hai ở Bull Run (hay là trận Manassas thứ hai) Tướng Lee đã vượt qua sông Potomac và chiếm bang Maryland. McClellan lại phản ứng lừng chừng mặc dù biết rằng Lee đã chia cắt được quân đội của ông và trội hơn hẳn về số quân. Các đơn vị quân đội của liên bang và phe ly khai chạm trán ở Antietam Creek gần Sharpsburg, bang Maryland ngày 17/9/1862, đó là một ngày đẫm máu nhất của cuộc Nội chiến: Hơn 4.000 người chết ở cả hai phe và 18.000 người bị thương. Tuy có lợi thế về số quân nhưng McClellan vẫn thất bại trong việc đánh tan các phòng tuyến của Lee hay đè bẹp được cuộc tấn công và vì vậy Lee có thể rút lui qua sông Potomac cùng đạo quân nguyên vẹn của mình. Vì vậy Lincoln đã bãi nhiệm McClellan.

Tuy trận Antietam là chưa dứt khoát về phương diện quân sự nhưng những hệ quả của nó là trọng đại. Nước Anh và nước Pháp, cả hai tuy đã sẵn sàng công nhận phe ly khai, đã trì hoãn quyết định của mình, và miền Nam không được công nhận về mặt ngoại giao và trợ giúp kinh tế từ châu Âu, điều mà miền Nam đang nỗ lực tìm kiếm.

Antietam cũng đem lại cho Lincoln cơ hội ông cần để công bố Tuyên bố Giải phóng Nô lệ sơ bộ, văn kiện này tuyên bố rằng từ ngày mồng 1/1/1863, tất cả nô lệ ở các bang thuộc phe ly khai đang chống lại Liên bang được tự do. Về phương diện thực tiễn thì Tuyên bố có ít tác động tức thời; nó giải phóng cho nô lệ chỉ ở các bang của phe ly khai, trong khi đó lại giữ nguyên tình trạng nô lệ ở các bang biên giới. Tuy vậy về mặt chính trị, Tuyên bố có ý nghĩa rằng, ngoài việc trợ giúp bảo vệ Liên bang, việc bãi bỏ chế độ nô lệ lúc này được tuyên bố là mục tiêu của nỗ lực chiến tranh do Liên bang tiến hành.

Tuyên bố Giải phóng Nô lệ cuối cùng được ban hành ngày 1/1/1863 cũng cho phép tuyển người da đen vào quân đội Liên bang, một việc mà các thủ lĩnh phong trào bãi nô như Frederick Douglass đã thúc giục ngay từ đầu cuộc xung đột vũ trang. Trên thực tế, các lực lượng bảo vệ Liên bang đã bảo vệ những nô lệ chạy trốn như là làm trò buôn lậu thời chiến tranh, nhưng theo Tuyên bố Giải phóng Nô lệ thì quân đội Liên bang đã tuyển mộ và huấn luyện các trung đoàn lính da đen và đội quân này đã chiến đấu xuất sắc trong các trận chiến đấu từ Virginia tới Mississippi. Khoảng 178.000 người Mỹ gốc Phi đã phục vụ trong các Binh chủng hỗn hợp của Mỹ, và 29.500 người da đen phục vụ trong lực lượng Hải quân Liên bang.

Tuy có những lợi ích về mặt chính trị do Tuyên bố Giải phóng Nô lệ thể hiện, nhưng các triển vọng quân sự của miền Bắc vẫn mờ nhạt vì quân đội Bắc Virginia của Lee tiếp tục đánh mạnh đội quân Potomac của Liên bang, trận thứ nhất tại Fredericksburg, bang Virginia vào tháng 12/1862 và sau đó tại Chancellorsville vào tháng 5/1863. Tuy trận Chancelllorsville là một trong những thắng lợi quân sự rực rỡ nhất của Lee, nhưng đây cũng là chiến thắng đắt giá nhất. Tướng Stonewall Jackson, sỹ quan có giá trị nhất, đã bị chính quân của mình bắn nhầm và tử trận.

TỪ GETTYSBURG TỚI APPOMATTOX

Tuy nhiên, không chiến thắng nào của phe ly khai mang tính quyết định cả. Chính phủ Liên bang tập trung các đội quân mới và lại cố gắng tấn công. Cho rằng thất bại tan tác của quân miền Bắc ở Chancellorville đã đem lại một cơ hội, Lee liền tiến đánh lên phía bắc tới bang Pennsylvania và vào đầu tháng 7/1863, ông đã gần như tới được thủ phủ của bang ở Harrisburg. Một lực lượng mạnh của Liên bang đã chặn được Tướng Lee ở Gettysburg, tại đây trong một trận đánh lớn kéo dài ba ngày - trận quyết chiến lớn nhất trong cuộc Nội chiến - binh lính phe ly khai đã hết sức dũng cảm chiến đấu nhằm đập tan các phòng tuyến của liên bang. Nhưng họ đã thất bại và sau những tổn thất tai hại, các đội quân của Tướng Lee đã phải rút lui về bên kia bờ sông Potomac.

Hơn 3.000 binh sỹ Liên bang và 4.000 lính phe ly khai tử trận ở Gettysburg, tổng số binh lính bị thương và mất tích ở mỗi bên lên tới hơn 20.000 người. Vào ngày 19/9/1863, Lincoln đã khánh thành một nghĩa trang quốc gia mới ở Gettysburg với bài diễn văn có lẽ là nổi tiếng nhất trong lịch sử nước Mỹ. Ông kết luận những nhận xét ngắn ngủi của mình bằng những lời sau:

...Tại đây chúng ta quả quyết rằng sự hy sinh này sẽ không hề vô ích - rằng dân tộc này, ơn Chúa, sẽ có nền tự do mới - rằng một chính phủ của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân sẽ không bị tiêu diệt trên trái đất này.

Trên sông Mississippi sự kiểm soát của Liên bang bị ngăn chặn ở Vicksburg nơi quân phe ly khai đã củng cố chắc chắn trên những bờ dốc cao đến nỗi hải quân không thể tấn công được. Cho tới đầu năm 1863, Grant bắt đầu tiến quân về xuôi và xung quanh Vicksburg, đưa nó vào vị trí bị bao vây trong sáu tuần. Vào ngày 4/7 ông chiếm được thành phố này và đánh bại đạo quân phe ly khai mạnh nhất ở miền Tây. Lúc này con sông đã hoàn toàn lọt vào tay Liên bang. Phe ly khai đã bị chia cắt thành hai phần và người ta không thể mang đồ tiếp viện từ Texas và Arkansas đến được nữa.

Các chiến thắng của quân miền Bắc ở Virksburg và Getysburg vào tháng 7/1863 đã đánh dấu bước ngoặt của cuộc chiến tranh, tuy các cuộc chém giết đẫm máu vẫn tiếp tục không hề giảm sút trong suốt một năm rưỡi.

Lincoln đã phái Grant sang miền Đông và bổ nhiệm ông làm Tổng Tư lệnh toàn bộ các lực lượng quân đội Liên bang. Tháng 5/1864, Grant đã hành quân tiến sâu vào bang Virginia và gặp đạo quân phe ly khai của Tướng Lee trong trận đánh kéo dài ba ngày ở Wilderness. Những tổn thất ở cả hai phe thật nặng nề, nhưng khác với các vị chỉ huy khác của Liên bang, Grant không rút lui. Thay vì như thế, ông nỗ lực dàn quân đánh thọc sườn Lee bằng cách kéo căng phòng tuyến quân phe ly khai ra và dùng pháo binh nã mạnh rồi đưa bộ binh tấn công. "Tôi đề nghị đánh bọn này đến cùng suốt phòng tuyến đó cho dù có mất cả mùa đông"- vị chỉ huy quân Liên bang đã nói vậy ở Spotsylvania trong suốt năm ngày chiến đấu trong chiến hào đẫm máu vốn rất đặc trưng cho cuộc chiến đấu ở mặt trận miền Đông trong suốt gần một năm.

Ở miền Tây, các lực lượng Liên bang đã giành được quyền kiểm soát bang Tennessee vào mùa thu năm 1863 bằng các thắng lợi ở Chattanooga và gần núi Lookout và mở đường cho Tướng William T. Sherman đánh chiếm bang Georgia. Sherman dùng chiến thuật giỏi hơn nên đánh bại một số đội quân nhỏ hơn của phe ly khai và chiếm được thủ phủ bang là Atlanta, sau đó ông hành quân tới bờ Đại Tây Dương, trên đường đi ông cho phá hủy một cách hệ thống các đường sắt, nhà máy, kho hàng và những phương tiện khác. Binh lính của ông do bị cắt đứt khỏi những nguồn tiếp viện nên đã cướp phá làng mạc để lấy lương thực. Từ bờ biển, Sherman hành tiến lên phía bắc, và tới tháng 2/1865, ông đã chiếm Charleston ở Nam Carolina nơi những loạt đạn đầu tiên của cuộc Nội chiến được phát hỏa. Hơn bất cứ một tướng lĩnh liên bang nào khác, Sherman hiểu rằng, việc phá hủy ý chí và tinh thần của miền Nam cũng quan trọng như đánh bại các đạo quân của họ.

Trong khi đó, Grant đang tiến hành bao vây thành Petersburg, bang Virginia trong suốt chín tháng cho tới khi Lee bỏ cả thành Peterburg lẫn thủ phủ của phe ly khai là Richmond trong một nỗ lực rút chạy về phía nam vào tháng 3/1865. Nhưng như thế đã quá muộn. Vào ngày 9/4/1865, bị các đạo quân đông đảo của Liên bang bao vây, Lee đã đầu hàng Tướng Grant tại trụ sở Tòa án Appomattox. Tuy các trận đánh lẻ tẻ vẫn tiếp tục ở một số nơi trong vài tháng nhưng như vậy là cuộc Nội chiến đã chấm dứt.

Những điều kiện đầu hàng tại Appomattox quả thực là quảng đại, và từ khi gặp gỡ với Lee trở về, Grant đã làm cho những cuộc diễu hành ồn ào của binh lính dưới quyền ông trở nên im lặng bằng lời lẽ nhắc nhở họ: “Những kẻ nổi loạn lại là đồng bào của chúng ta đấy. Cuộc chiến tranh vì nền độc lập của miền Nam tuy trở thành một sự nghiệp thất bại, nhưng người anh hùng của sự nghiệp đó, Robert E. Lee, đã được đông đảo mọi người thán phục vì sự xuất sắc trong tài lãnh đạo và sự vĩ đại của ông trong thất bại.

KHÔNG CHÚT TÀ TÂM ÁC Ý

Với miền Bắc thì cuộc chiến tranh đã sản sinh ra một vị anh hùng còn vĩ đại hơn trong con người Abraham Lincoln - một con người sốt sắng, mê say hơn hẳn những người khác muốn hàn gắn liên bang lại với nhau, nhưng không phải bằng sức mạnh và đàn áp, mà bằng tình cảm ấm áp và sự hào phóng. Vào năm 1864, ông đã được bầu làm tổng thống nhiệm kỳ thứ hai sau khi đánh bại đối thủ của ông thuộc Đảng Dân chủ, George McClellan, một vị tướng mà Lincoln đã bãi chức sau trận Antietam. Bài diễn văn nhậm chức lần thứ hai của Lincoln kết thúc bằng những lời lẽ sau:

... không chút tà tâm ác độc, với lòng từ thiện khoan dung vì mọi người, với niềm tin vững chắc vào lẽ phải như đức tin về Chúa đã khiến chúng ta nhìn thấy điều đúng đắn, chúng ta hãy nỗ lực hoàn thành công việc chúng ta đang làm để hàn gắn những vết thương của dân tộc; để chăm lo cho người lính đã từng phải ra trận, chăm lo cho góa phụ và những đứa trẻ mồ côi - để làm tất cả những gì có thể đem lại và nuôi dưỡng nền hòa bình công bằng và dài lâu giữa đồng bào chúng ta và với tất cả các dân tộc.

Ba tuần sau đó, và là hai ngày sau khi Lee đầu hàng, Lincoln đã đọc bài diễn văn cuối cùng gửi quốc dân đồng bào, trong đó ông trình bày một chính sách tái thiết rộng rãi. Vào ngày 14/4/1865, Tổng thống đã triệu tập một cuộc họp mà đã trở thành một cuộc họp nội các cuối cùng của ông. Buổi tối hôm ấy, ông đã cùng một cặp vợ chồng trẻ là khách của ông tới xem buổi biểu diễn tại nhà hát Ford's. Tại đó, khi ông đã ngồi trong lô giành cho tổng thống thì bị tên John Wilkes Booth, một diễn viên người bang Virginia đắng cay thất vọng vì thất bại của miền Nam, ám sát. Vài ngày sau đó, tên Booth đã bị giết chết trong một cuộc chạm súng ở một kho thóc vùng quê Virginia. Những kẻ đồng lõa của y đã bị bắt và sau đó bị hành quyết.

Lincoln đã qua đời trong một căn phòng ngủ tầng dưới một ngôi nhà bên kia đường gần nhà hát Ford's vào buổi sáng ngày 15/4. Nhà thơ James Russell Lowell đã viết:

Trước buổi sáng tháng 4 choáng váng ấy chưa bao giờ lại có nhiều người đến thế, chứa chan nước mắt khóc cái chết của một con người họ chưa từng thấy mặt, dường như sự hiện diện thân tình của người ấy đã vĩnh viễn bị tước đi khỏi cuộc đời họ và để lại họ lạnh lẽo hơn, tăm tối hơn. Chưa bao giờ có khúc tụng ca tang lễ nào lại hùng biện như cái nhìn im lặng của nỗi niềm thông cảm mà những người xa lạ trao đổi với nhau khi họ gặp nhau ngày này. Tất cả đồng bào đã mất đi một người thân thích.

Nhiệm vụ lớn lao đầu tiên đối mặt với miền Bắc chiến thắng - lúc này dưới sự lãnh đạo của vị phó tổng thống của Lincoln, Andrew Johnson, một người miền Nam vẫn trung thành với Liên bang - là xác định cương vị của các bang đã ly khai. Lincoln đã đưa ra sẵn lộ trình. Theo quan điểm của ông thì mọi người ở các bang miền Nam chưa bao giờ ly khai hợp pháp cả; họ đã bị một số công dân phản loạn lừa dối dẫn tới việc thách thức không tuân phục Chính quyền Liên bang. Và vì chiến tranh là hành động của các cá nhân nên Chính phủ Liên bang sẽ xử lý những cá nhân này chứ không phải với các bang. Do đó, vào năm 1863, Lincoln tuyên bố rằng, nếu trong bất kỳ bang nào mà 10% những người đã đi bầu vào năm 1860 thành lập chính phủ trung thành với Hiến pháp nước Mỹ và công nhận sự phục tùng các luật của Quốc hội và những tuyên bố của tổng thống, thì ông sẽ công nhận chính phủ được thành lập ấy như một chính quyền hợp pháp của bang.

Quốc hội đã bác bỏ kế hoạch này. Nhiều đảng viên Cộng hòa sợ rằng việc này sẽ khiến cho những kẻ nổi loạn trước đây sẽ lên nắm quyền; họ phản đối quyền của Lincoln giải quyết vấn đề các bang nổi loạn mà không có tham khảo ý kiến. Một số nghị sỹ Quốc hội ủng hộ cho việc trừng phạt nghiêm khắc tất cả các bang đã ly khai; một số người khác thì cho rằng cuộc chiến đã không thu được thắng lợi khi các lực lượng miền Nam lại khôi phục được quyền lực của họ. Tuy nhiên, thậm chí ngay trước khi chiến tranh hoàn toàn chấm dứt, các chính phủ mới vẫn được thiết lập ở các bang Virginia, Tennessee, Arkansas và Louisiana.

Để giải quyết một trong những mối lo lắng chính yếu - điều kiện của các nô lệ trước đây - vào tháng 3/1865, Quốc hội đã thành lập Cục Phụ trách nô lệ được giải phóng để hoạt động với tư cách người bảo vệ cho những người Mỹ gốc châu Phi và hướng dẫn họ cuộc sống tự lập. Đến tháng 12 năm đó, Quốc hội đã phê chuẩn Điều bổ sung sửa đổi thứ 13 của Hiến pháp, văn kiện này đã bãi bỏ chế độ chiếm hữu nô lệ.

Trong cả mùa hè năm 1865, Johnson đã tiếp tục thực hiện chương trình tái thiết của Lincoln với những thay đổi nhỏ. Bằng tuyên bố của tổng thống, ông đã bổ nhiệm thống đốc cho từng bang trong số các bang thuộc phe ly khai trước đây và đã phục hồi một cách rộng rãi các quyền chính trị cho đông đảo cá nhân miền Nam thông qua việc sử dụng các lệnh ân xá của tổng thống.

Các hội nghị đã kịp thời nhóm họp ở tất cả các bang thuộc phe ly khai trước đây để thủ tiêu các sắc lệnh ly khai, bãi bỏ các món nợ thời chiến và khởi thảo các hiến pháp bang mới. Đương nhiên một người theo chủ trương Liên bang khi trở thành thống đốc của mỗi bang với quyền lực liền triệu tập hội nghị những cử tri trung thành với Liên bang. Johnson kêu gọi từng hội nghị đấu tranh làm mất hiệu lực của sự ly khai, bãi bỏ chế độ nô lệ, không thừa nhận mọi khoản nợ đã dùng để trợ giúp cho phe ly khai và phê chuẩn Điều bổ sung sửa đổi thứ 13 của Hiến pháp. Cho đến cuối năm 1865, với một vài ngoại lệ, quá trình này đã được hoàn tất.

CÔNG CUỘC TÁI THIẾT CẤP TIẾN

Cả Lincoln và Johnson đều đã thấy trước rằng Quốc hội sẽ có quyền phủ nhận ghế của các nhà lập pháp bang miền Nam trong Thượng viện hay Hạ viện Mỹ căn cứ theo điều khoản của Hiến pháp cho rằng Mỗi viện sẽ là người phán quyết những tiêu chuẩn của các nghị sỹ thuộc viện đó. Điều này đã được thông qua khi dưới sự lãnh đạo của Thaddeus Stevens, các nghị sỹ được mệnh danh là những đảng viên Đảng Cộng hòa cấp tiến, những người thận trọng với công cuộc tái thiết nhanh gọn, đã từ chối sắp xếp chỗ cho các Thượng nghị sỹ và Hạ nghị sỹ của miền Nam mới được bầu. Sau đó trong vòng vài tháng tiếp theo, Quốc hội đã nhóm họp thảo ra một kế hoạch tái thiết miền Nam rất khác với kế hoạch do Lincoln đã bắt đầu và Johnson đã tiếp tục.

Sự ủng hộ rộng rãi của dư luận dần dần phát triển có lợi cho các nghị sỹ Quốc hội chủ trương những người da đen cần được trao quyền công dân hoàn toàn. Cho tới tháng 7/1866, Quốc hội đã thông qua dự luật các quyền dân sự và thành lập một Cục Phụ trách nô lệ mới được giải phóng - cả hai việc này đều nhằm ngăn ngừa sự phân biệt chủng tộc do các cơ quan lập pháp miền Nam tiến hành. Tiếp theo việc này, Quốc hội đã thông qua Điều bổ sung sửa đổi thứ 14 của Hiến pháp, điều khoản này nói rằng tất cả mọi người sinh ra trên nước Mỹ hay được nhập quốc tịch Mỹ, và vì thế có quyền lợi pháp lý, đều là công dân của Hợp chủng quốc và của các bang nơi họ cư trú. Điều bổ sung sửa đổi này đã bãi bỏ luật Dred Scott vốn phủ nhận quyền công dân của nô lệ.

Tất cả các cơ quan lập pháp bang miền Nam, ngoại trừ bang Tennessee, đều đã khước từ phê chuẩn Điều bổ sung sửa đổi này, một số bang đồng lòng bỏ phiếu chống lại. Hơn nữa, các cơ quan lập pháp bang ở miền Nam đã thông qua nhiều bộ luật để quản lý người da đen tự do. Các luật này khác nhau ở các bang, nhưng một số điều khoản là chung. Người da đen bị đòi hỏi phải tham gia các hợp đồng lao động thường niên với những hình phạt được thực thi trong trường hợp vi phạm; trẻ em sống phụ thuộc phải bắt buộc học việc và bị chủ trừng phạt bằng roi vọt; và những người lang thang có thể bị đem bán để làm việc cho tư nhân nếu họ không thể trả các khoản tiền phạt nặng nề.

Nhiều người miền Bắc cho rằng phản ứng này của miền Nam là nỗ lực nhằm tái lập chế độ nô lệ và không công nhận chiến thắng của Liên bang trong cuộc Nội chiến. Việc Johnson, mặc dù là người ủng hộ Liên bang, là một đảng viên Đảng Dân chủ ở miền Nam với thói quen dùng từ hoa mỹ quá mức và ghét thỏa hiệp chính trị cũng không giúp giải quyết được tình hình này. Đảng Cộng hòa chiếm đa số trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 1866. Sau khi có quyền lực, những người Cấp tiến đã áp đặt chương trình Tái thiết theo ý họ.

Trong Đạo luật Tái thiết thông qua tháng 3/1867, Quốc hội đã phớt lờ những chính phủ đã được thành lập ở các bang miền Nam và chia miền Nam thành năm khu vực quân sự, mỗi khu vực do một viên tướng của Liên bang điều hành. Việc quản lý quân sự thường xuyên sẽ không áp dụng cho những bang mà ở đây đã thành lập các chính phủ dân sự phê chuẩn Điều bổ sung sửa đổi thứ 14 và chấp nhận quyền bầu cử của người da đen. Những người ủng hộ phe ly khai và không tuyên thệ trung thành với nước Mỹ thường không được đi bầu cử. Điều bổ sung sửa đổi thứ 14 được phê chuẩn năm 1868. Điều bổ sung sửa đổi thứ 15 được Quốc hội thông qua vào năm sau đó và được các cơ quan lập pháp bang phê chuẩn năm 1870 đã quyết định rằng quyền đi bầu cử của công dân Hoa Kỳ sẽ không bị phủ nhận hay hạn chế bởi Chính phủ Hoa Kỳ hay chính phủ bất kỳ bang nào vì lý do chủng tộc, màu da hay tình trạng nô lệ trước đây.

Những đảng viên Cộng hòa cấp tiến trong Quốc hội đã nổi khùng lên vì những lần phủ quyết (mặc dù những phủ quyết này đã bị bác bỏ) của Tổng thống Johnson đối với luật bảo vệ những người da đen mới được giải phóng và trừng phạt những thủ lĩnh của phe ly khai trước đây bằng cách tước bỏ quyền tham gia quản lý nhà nước của họ. Mối ác cảm của Quốc hội đối với Johnson lớn đến mức, lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ, việc luận tội đã được tiến hành nhằm bãi miễn tổng thống.

Hành động chống đối chính của Johnson là việc ông đối đầu với các chính sách trừng phạt của Quốc hội và thứ ngôn ngữ thô bạo mà ông dùng để phê phán các chính sách đó. Sự buộc tội theo luật pháp nghiêm trọng nhất mà những kẻ thù của ông có thể nhằm vào chống lại ông là tuy đã có Luật Bổ nhiệm (một đạo luật đòi hỏi sự tán thành của Thượng viện về việc bãi miễn bất kỳ quan chức nào mà Thượng viện trước đây đã phê chuẩn bổ nhiệm) nhưng ông đã bãi nhiệm khỏi Nội các của mình viên Bộ trưởng Chiến tranh, một người ủng hộ trung thành của Quốc hội. Khi việc luận tội được tiến hành tại Thượng viện, Johnson đã được chứng minh là ông bãi nhiệm thành viên Nội các của mình theo đúng quyền hạn. Thậm chí còn quan trọng hơn khi người ta vạch rõ rằng một tiền lệ nguy hiểm sẽ được lập ra nếu Quốc hội buộc phải bãi nhiệm một tổng thống chỉ vì ông bất đồng với đa số các nghị sỹ của Quốc hội. Việc bỏ phiếu cuối cùng đã không đạt đủ hai phần ba số phiếu theo yêu cầu để kết tội ông.

Johnson tiếp tục tại vị cho đến khi nhiệm kỳ của ông kết thúc vào năm 1869, nhưng Quốc hội đã thành lập được uy lực của mình cho tới tận cuối thế kỷ XIX. Chiến thắng của Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1868, viên cựu tướng của Liên bang Ulysses S. Grant, đã giúp cho việc triển khai những chính sách tái thiết mà phe Cấp tiến khởi xướng.

Cho tới tháng 6/1868, Quốc hội đã tái chấp nhận phần lớn các bang thuộc phe ly khai vào liên bang. Trong nhiều bang được tái thiết này, đa số các thống đốc, Hạ nghị sỹ và Thượng nghị sỹ là người miền Bắc - những người được mệnh danh là đám người đầu cơ chính trị- họ đã đến miền Nam sau chiến tranh để sắp đặt thời vận chính trị của mình, thường là liên minh với những người Mỹ gốc Phi mới được giải phóng khỏi ách nô lệ. Trong các cơ quan lập pháp ở bang Louisiana và Nam Carolina, người Mỹ gốc Phi đã thực sự giành được đa số ghế.

Nhiều người da trắng miền Nam do ưu thế chính trị và xã hội của họ bị đe dọa nên đã quay sang dùng những biện pháp bất hợp pháp đề ngăn chặn người da đen giành được quyền bình đẳng. Bạo lực chống người da đen của các tổ chức bất hợp pháp như Ku Klux Klan trở nên ngày càng thường xuyên. Vào năm 1870 sự hỗn loạn phát triển mạnh dẫn tới việc thông qua các Đạo luật Cưỡng chế năm 1870 và 1871 trừng phạt nghiêm khắc những kẻ nào âm mưu tước đoạt những quyền dân sự của người nô lệ da đen đã được giải phóng.

KẾT THÚC CÔNG CUỘC TÁI THIẾT

Thời gian càng trôi qua thì người ta càng thấy rõ ràng hơn là những vấn đề của miền Nam không thể giải quyết được bằng những luật lệ khắc nghiệt và tiếp tục tạo mối hiềm thù chống lại các bang thuộc phe ly khai trước đây. Hơn nữa, một số chính quyền bang Cấp tiến miền Nam với đa số quan chức người Mỹ gốc Phi đã có dấu hiệu tham nhũng và kém hiệu quả. Nước Mỹ đã nhanh chóng trở nên mệt mỏi với nỗ lực áp đặt nền dân chủ cấp tiến và giá trị tự do đối với miền Nam bằng sức mạnh quân sự của Liên bang. Tháng 5/1872, Quốc hội đã thông qua Đạo luật Ân xá chung nhằm phục hồi các quyền chính trị cho tất cả mọi người, ngoại trừ chừng 500 kẻ nổi loạn trước đây.

Dần dần các bang miền Nam bắt đầu bầu các đảng viên Đảng Dân chủ vào các chức vụ, trục xuất các chính quyền được gọi là đầu cơ chính trị và hăm dọa người da đen đi bỏ phiếu hay cố gắng nắm giữ các chức vụ quản lý nhà nước. Cho đến năm 1876, các đảng viên Đảng Cộng hòa cầm quyền chỉ ở ba bang miền Nam. Như một phần của việc mặc cả nhằm giải quyết các cuộc bầu cử tổng thống còn đang tranh cãi vào năm đó có lợi cho Rutherford B. Hayes, Đảng Cộng hòa đã hứa rút quân đội liên bang đồn trú tại miền Nam nhằm hỗ trợ cho các chính quyền của Đảng Cộng hòa. Vào năm 1877, Hayes đã thực thi lời hứa của mình, ngầm ý từ bỏ trách nhiệm của liên bang nhằm thi hành các quyền dân sự của người da đen.

Miền Nam vẫn là một vùng bị tàn phá bởi chiến tranh, chịu gánh nặng nợ nần chồng chất do quản lý nhà nước kém và những hủ tục vì một thập niên chiến tranh chủng tộc. Thật không may, con lắc của chính sách quốc gia về chủng tộc đã văng từ thái cực này sang thái cực khác. Trước đây Chính phủ Liên bang đã ủng hộ những hình phạt tàn nhẫn chống lại các thủ lĩnh da trắng miền Nam, thì ngày nay chính phủ lại khoan dung cho những kiểu phân biệt chủng tộc chống người da đen kiểu mới. Hai mươi lăm năm cuối thế kỷ XIX đã chứng kiến vô số việc giống như luật lệ Jim Crow ở các bang miền Nam, luật này phân biệt chủng tộc ở các trường công, cấm hoặc hạn chế người da đen vào nhiều khu vực công cộng như quán ăn, công viên và khách sạn; phủ nhận quyền của phần lớn người da đen được đi bỏ phiếu bằng việc đánh các sắc thuế thân và thực hiện các cuộc kiểm tra tình trạng biết đọc biết viết một cách tùy tiện. Jim Crow là thuật ngữ bắt nguồn từ một bài hát trong một buổi hát rong năm 1828 và trong buổi diễn này lần đầu tiên một người da trắng biểu diễn với bộ mặt đen.

Các nhà sử học có khuynh hướng phán xét nghiêm khắc công cuộc Tái thiết như một giai đoạn của xung đột chính trị, tham nhũng và thụt lùi và công cuộc Tái thiết này đã không đạt được những mục tiêu cao cả đề ra mà còn rơi vào tình trạng phân biệt chủng tộc nguy hiểm. Nô lệ đã có tự do nhưng miền Bắc hoàn toàn không đáp ứng được nhu cầu kinh tế của họ. Cục Phụ trách Nô lệ được giải phóng không có khả năng đem lại cơ hội về kinh tế và chính trị cho người nô lệ được trả tự do. Quân đội liên bang đồn trú thường thậm chí không bảo vệ người da đen trước bạo lực và đe dọa. Thực ra thì chính các sỹ quan quân đội liên bang và các nhân viên Cục Phụ trách Nô lệ được giải phóng thường lại là người theo chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Không có các nguồn lực kinh tế của riêng mình, nhiều người da đen miền Nam bắt buộc phải trở thành những nông dân làm thuê trên mảnh đất mà các chủ cũ của họ đã sở hữu, họ lại bị ném vào cái guồng nghèo đói mà sẽ còn tiếp tục cho tới thế kỷ XX.

Các chính phủ của thời kỳ tái thiết đã tạo ra những lợi ích đích thực trong việc xây dựng lại các bang miền Nam vốn bị phá hoại do chiến tranh và trong việc mở rộng các ngành dịch vụ công cộng, nổi bật là trong việc thiết lập những trường học công không phải đóng tiền dành cho người da đen và người da trắng. Tuy nhiên, những người miền Nam bất trị, ngoan cố đã rình chộp lấy các trường hợp về nạn tham nhũng, sa đọa (vốn chẳng hiếm hoi gì ở miền Nam thời kỳ ấy) và lợi dụng chúng để phá hoại các chế độ cấp tiến. Sự thất bại của công cuộc Tái thiết có nghĩa rằng, cuộc đấu tranh của người Mỹ gốc Phi giành quyền bình đẳng và tự do đã bị lui lại cho tới thế kỷ XX - khi cuộc đấu tranh ấy trở thành vấn đề của cả dân tộc, chứ không phải của chỉ riêng miền Nam.

NỘI CHIẾN VÀ HÌNH THÁI CHÍNH TRỊ MỚI CỦA HOA KỲ

Những mâu thuẫn của thập niên 1850 đã làm tan rã Đảng Whig, sáng lập ra Đảng Cộng hòa và chia rẽ Đảng Dân chủ theo hai miền. Cuộc Nội chiến cho chúng ta thấy rằng những người của Đảng Whig đã không thể duy trì được đảng của mình và những đảng viên Cộng hòa là những người đã tồn tại được. Cuộc Nội chiến cũng đặt ra nền tảng cho sự thống nhất của Đảng Dân chủ.

Đảng viên Đảng Cộng hòa đã thay thế đảng viên Đảng Whig ở miền Bắc và miền Tây bởi Đảng Cộng hòa không chỉ đơn thuần là một lực lượng chống lại chế độ nô lệ /ủng hộ chế độ tự do. Hầu hết lãnh đạo của Đảng Cộng hòa đều xuất thân từ Đảng Whig và họ kế tục những lợi ích của Đảng Whig trong chương trình phát triển quốc gia do liên bang hỗ trợ. Việc chỉ đạo chiến sự không hề ảnh hưởng đến việc Đảng Cộng hòa ban hành thuế quan bảo hộ (năm 1861) nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp chế tạo của Mỹ, Đạo luật Homestead (1862) nhằm khuyến khích việc định cư của người châu Âu, Đạo luật Morill (1862) nhằm tạo nền tảng cho các trường đại học công nghệ và nông nghiệp và hàng loạt các Đạo luật Đường sắt Thái Bình Dương (1862-1864) nhằm xây dựng tuyến đường sắt xuyên lục địa. Những biện pháp này đã tập hợp được sự ủng hộ khắp Liên bang từ các nhóm coi vấn đề nô lệ là vấn đề quan trọng thứ hai và đảm bảo được sự kế tục của Đảng Cộng hòa như là đại diện mới nhất của một nhóm chính trị do Alexander Hamilton và Henry Clay lãnh đạo.

Nội chiến cũng tạo cơ sở cho sự thống nhất của Đảng Dân chủ bởi phe phản đối chiến tranh ở miền Bắc chính là Đảng Dân chủ. Có thể là do chủ trương của đảng này là chủ quyền nhân dân nên một số đảng viên Dân chủ cho rằng việc tiến hành chiến tranh toàn diện để duy trì Liên bang là điều phi lý. Đây là nhóm có tên Dân chủ Hòa bình. Những phần tử cực đoan của nhóm này được gọi là Rắn hổ mang.

Hơn nữa, rất ít đảng viên Dân chủ, dù theo phe chủ chiến hay chủ hòa, cho rằng việc giải phóng nô lệ không đáng phải đánh đổi bằng xương máu của người miền Bắc. Đảng Dân chủ từ lâu đã có chính sách chống lại việc giải phóng nô lệ. Chẳng hạn như vào năm 1862, gần như tất cả đảng viên Đảng Dân chủ ở Quốc hội đã bỏ phiếu chống lại việc xóa bỏ chế độ nô lệ ở Quận Columbia và cấm chế độ nô lệ ở các bang khác.

Phần lớn sự phản đối này là của tầng lớp lao động nghèo, đặc biệt là từ những người nhập cư gốc Đức và Ai-len theo đạo Thiên Chúa. Họ sợ rằng những người da đen được tự do sẽ nhập cư ồ ạt lên phía Bắc. Họ cũng bực tức với việc đưa ra dự thảo luật quân sự (tháng 3/1863) có ảnh hưởng bất công đối với họ. Những cuộc bạo loạn sắc tộc đã nổ ra tại một vài thành phố ở miền Bắc. Cuộc bạo loạn tồi tệ nhất xảy ra ở New York từ ngày 13 đến ngày 16 tháng 7/1863 do Thống đốc Horatio Seymour thuộc Đảng Dân chủ phản đối chính sách cưỡng ép tòng quân. Đội quân Liên bang vừa mới giao chiến vài ngày trước đó tại Gettysburg đã được cử đến New York để vãn hồi trật tự.

Phe Cộng hòa theo đuổi cuộc chiến không phải vì họ quan tâm đến tự do dân sự. Tháng 9/1862, Lincoln đã đình chỉ lệnh đình quyền giam giữ vào áp đặt quân luật đối với những ai ngăn cản việc tuyển quân hay trợ giúp cho phe phản loạn. Sự vi phạm dân luật này, mặc dù là hợp hiến khi có khủng hoảng, đã tạo ra cơ hội cho phe Dân chủ chỉ trích Lincoln. Bộ trưởng Bộ Chiến tranh Edwin Stanton đã thực thi quân luật rất nghiêm khắc và hàng ngàn người - phần lớn là những người ủng hộ miền Nam hay đảng viên Đảng Dân chủ - đã bị bắt.

Cho dù Liên bang đã dành thắng lợi tại Vicksburg và Gettysburg năm 1863, các ửng cử viên phe chủ hòa của Đảng Dân chủ vẫn tiếp tục lợi dụng lá bài sắc tộc và sự bất hạnh của dân tộc. Thực ra, tâm lý người miền Bắc chính là điều mà Lincoln cho rằng ông sẽ bị mất điểm trong cuộc tái tranh cử ghế tổng thống tháng 11/1864. Chủ yếu là vì lý do này mà Đảng Cộng hòa đã đổi tên là Đảng Liên bang và dự định đưa Andrew Johnson, đảng viên Dân chủ bang Tennessee, làm liên danh tranh cử với Lincoln. Chiến thắng của Sherman ở miền Nam đã đảm bảo cho chiến thắng trong bầu cử của họ.

Việc Lincoln bị ám sát, sự phát triển của chủ nghĩa Cộng hòa Cấp tiến và sự lãnh đạo tồi của Johnson đã dẫn đến một hình thái chính trị thời hậu chiến theo đó Đảng Cộng hòa đã bị tổn thất khi cố gắng xây dựng lại miền Nam trong khi phe Dân chủ thông qua những chỉ trích của họ đối với công cuộc Tái thiết đã liên minh với người da trắng chiếm đa số ở miền Nam thuộc phe ly khai mới. Vị thế anh hùng dân tộc của Grant đã giúp phe Cộng hòa chiến thắng trong hai cuộc bầu cử tổng thống, nhưng khi miền Nam đã hồi phục từ công cuộc Tái thiết thì rõ ràng là nước Mỹ lại gần như bị chia đôi với hai đảng chính trị.

Đảng Cộng hòa chiếm ưu thế vượt trội ở vùng công nghiệp Đông Bắc cho tới tận thập niên 1930 và mạnh ở các bang không thuộc miền Nam. Tuy nhiên, uy tín của Đảng Cộng hòa vì có chính phủ mạnh và chính sách quốc gia tốt ngày càng được coi là do họ ủng hộ giới tài phiệt và doanh nghiệp lớn.

Khi Tổng thống Hayes kết thúc công cuộc Tái thiết, ông hy vọng rằng có thể phát triển được Đảng Cộng hòa ở miền Nam với việc sử dụng cựu đảng viên Đảng Whig làm tiền đề và lấy việc phát triển miền Nam làm vấn đề chính. Nhưng vào thời điểm đó, người da trắng chiếm đa số ở miền Nam lại coi chủ nghĩa Cộng hòa là chủ nghĩa đề cao vị thế người da đen mà họ rất ghét. Trong 75 năm sau đó thì miền Nam hoàn toàn thuộc về phe Dân chủ. Trong suốt thời gian đó, Đảng Dân chủ quốc gia chỉ nhất nhất đi theo đường lối quyền lợi của bang và phớt lờ quyền công dân. Nhóm bị tổn hại lớn nhất từ di sản của công cuộc Tái thiết chính là nhóm người Mỹ gốc Phi.

 

Chương 8: Tăng trưởng và cải cách

“Nền văn minh nhân loại phụ thuộc vào chính sự bất khả xâm phạm của tài sản"
Nhà công nghiệp, nhà từ thiện Andrew Carnegie, 1889

31

Giữa hai cuộc chiến lớn - Nội chiến và Chiến tranh Thế giới Thứ nhất - Hoa Kỳ đã phát triển và trưởng thành. Trong giai đoạn chưa tới 50 năm, Hoa Kỳ đã chuyển từ một nước cộng hòa nông nghiệp thành một nước công nghiệp. Biên giới dần biến mất. Các nhà máy lớn và xưởng luyện thép, các tuyến đường sắt xuyên lục địa, các thành phố sầm uất, các khu nông nghiệp rộng lớn xuất hiện khắp đất nước. Với đà tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng như vậy nên đã kéo theo một loạt vấn đề. Xét trên bình diện cả nước, một số ít doanh nghiệp đã chi phối toàn bộ các ngành công nghiệp theo phương thức hoặc là kết hợp với các doanh nghiệp khác hoặc là tự độc quyền. Điều kiện làm việc thường rất tệ. Các thành phố phát triển nhanh nên không cung cấp đủ nhà ở cho cư dân hay không thể quản lý được dân số tăng lên quá nhanh.

CÔNG NGHỆ VÀ THAY ĐỔI

Một nhà văn đã viết: “Cuộc Nội chiến đã tạo ra một vết thương lớn trong lịch sử nước Mỹ; cuộc chiến này đã tạo ra một cú sốc gây ra những thay đổi lớn đã bắt đầu diễn ra từ 20 hay 30 năm trước đó. Nhu cầu phục vụ chiến tranh đã kích thích mạnh mẽ sản xuất, thúc đẩy quá trình kinh tế dựa trên việc khai thác sử dụng quặng sắt, động cơ hơi nước, năng lượng điện và phát triển khoa học và phát minh sáng chế. Trong những năm trước 1860 có 36.000 bằng phát minh sáng chế đã được cấp; trong 30 năm tiếp theo có 440.000 bằng phát minh sáng chế được cấp và vào 25 năm đầu tiên của thế kỷ XX thì số bằng phát minh sáng chế được cấp lên tới con số xấp xỉ một triệu.

Ngay từ năm 1844, Samuel F. B. Morse đã hoàn thiện công nghệ điện tín; ngay sau đó các vùng xa xôi hẻo lánh của nước Mỹ đã được kết nối với nhau bởi các cột điện và dây điện. Vào năm 1876, Alexander Graham Bell đã trình diễn công cụ điện thoại; chỉ trong vòng nửa thế kỷ, 16 triệu máy điện thoại đã khiến cuộc sống kinh tế xã hội của nước Mỹ diễn ra nhanh hơn. Tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp đã được đẩy nhanh nhờ phát minh ra máy chữ vào năm 1867, máy tính năm 1888 và máy đếm tiền năm 1897. Máy in sắp chữ li -nô được phát minh năm 1886 và máy in quay, máy gấp giấy đã giúp ta in được 240.000 tờ báo tám trang chỉ trong một tiếng đồng hồ. Chiếc đèn chiếu sáng của Thomas Edison đã thực sự chiếu sáng hàng triệu gia đình. Máy quay đĩa được Edison hoàn thiện và Edison đã kết hợp với George Eastman cùng nhau phát triển ngành điện ảnh. Những phát minh kiểu này và các ứng dụng khoa học khác đã khiến năng suất lao động được đẩy lên một mức cao mới ở hầu hết các lĩnh vực.

Đồng thời, ngành công nghiệp cơ bản của Mỹ - ngành sắt thép - cũng tiến bộ và được bảo hộ bởi mức thuế quan cao. Ngành luyện kim chuyển về phía Tây khi các nhà địa chất phát hiện ra các mỏ quặng mới, đặc biệt là mỏ ở dãy núi Mesabi rộng lớn nằm ở đầu nguồn hồ Superior đã trở thành một trong những mỏ lớn nhất thế giới. Do giá thành khai thác rẻ và dễ dàng, đặc biệt là không có lẫn tạp chất nên quặng ở Mesabi được sản xuất thành thép chất lượng tuyệt hảo với chi phí bằng một phần mười so với chi phí thông thường trước đó.

CARNEGIE VÀ KỶ NGUYÊN CỦA THÉP

Andrew Carnegie là người đã tạo ra phần lớn những tiến bộ trong việc sản xuất thép. Carnegie tới Mỹ từ Ai-len khi còn là một cậu bé 12 tuổi và đã đi lên từ một cậu bé nhặt suốt chỉ ở một nhà máy bông, sau đó chuyển sang làm nhân viên điện tín và nhân viên ngành Đường sắt bang Pennsylvania. Trước khi 30 tuổi ông đã có những vụ đầu tư khôn ngoan và có tầm nhìn xa và từ năm 1865 trở đi ông chỉ tập trung đầu tư vào ngành quặng sắt. Chỉ trong vài năm, ông đã thành lập hay có cổ tức trong các công ty sản xuất cầu sắt, đường ray xe lửa và đầu máy. Mười năm sau, ông xây dựng xưởng thép lớn nhất nước Mỹ trên bờ sông Monongahela tại bang Pennsylvania. Ông không chỉ kiểm soát các nhà máy thép mới mà còn kiểm soát cả các mỏ than đá và quặng than, quặng sắt ở vùng hồ Superior, một đội tàu hơi nước trên vùng Hồ Lớn, một thành phố cảng ở hồ Erie và hệ thống đường sắt. Doanh nghiệp của ông liên minh với hàng chục doanh nghiệp khác làm chủ các tuyến đường sắt và đường thủy. Chưa bao giờ người ta lại thấy ngành công nghiệp tăng trưởng nhanh như vậy ở Hoa Kỳ.

Mặc dù Carnegie kiểm soát ngành công nghiệp trong một thời gian dài, ông chưa bao giờ hoàn toàn độc quyền về tài nguyên thiên nhiên, giao thông, nhà máy công nghiệp trong ngành sản xuất thép. Trong thập niên 1890, các công ty mới ra đời đã thách thức vị trí độc tôn của ông. Ông đã bị thuyết phục sáp nhập các công ty của ông vào một công ty mới và công ty mới này nắm giữ hầu hết sản lượng sắt thép của cả nước Mỹ.

John D. Rockeffeller, Cornelius Vanderbilt,  CÁC TẬP ĐOÀN VÀ THÀNH PHỐ

Tập đoàn Thép Hoa Kỳ, kết quả của việc sáp nhập năm 1901, cho thấy một quá trình kép dài trong 30 năm: sự kết hợp các công ty công nghiệp độc lập thành các nghiệp đoàn hay các công ty tập trung. Bắt đầu từ khi Nội chiến nổ ra, xu hướng này phát triển mạnh mẽ từ sau thập niên 1870 khi các doanh nhân bắt đầu lo rằng hiện tượng sản xuất dư thừa sẽ dẫn tới giảm giá và giảm lợi nhuận. Họ nhận thấy rằng nếu họ kiểm soát được cả sản xuất lẫn thị trường thì họ có thể hợp nhất được các công ty đang cạnh tranh với nhau vào làm một. Các tập đoàn hay tờ -rớt được hình thành để đạt được mục tiêu trên. Các tập đoàn, với nguồn dự trữ vốn dồi dào và cho phép các công ty tồn tại lâu dài và có tính độc lập cao, hấp dẫn các nhà đầu tư về cả lợi nhuận ước tính và giới hạn trách nhiệm trong trường hợp công ty phá sản. Trên thực tế các tờ -rớt là sự kết hợp các tập đoàn mà cổ đông của mỗi tập đoàn lại giao cổ phần cho các ủy viên quản trị quản lý (“Tờ-rớt với tư cách là phương pháp kết hợp các tập đoàn nhanh chóng tạo tiền đề cho việc thành lập công ty mẹ, nhưng thuật ngữ này lại không tồn tại được). Tờ-rớt tạo ra sự kết hợp trên quy mô lớn, tập trung kiểm soát và điều hành, dùng chung các bằng phát minh sáng chế. Nguồn vốn lớn của tờ-rớt khiến cho nó có khả năng mở rộng và cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài và có sức mạnh đàm phán với các nghiệp đoàn lao động lúc này đã bắt đầu được tổ chức hoạt động có hiệu quả. Các tờ-rớt cũng có thể yêu cầu được hưởng các điều kiện ưu đãi từ ngành đường sắt và gây tác động tới chính trị.

John D. Rockeffeller thành lập Công ty dầu khí Standard là một trong những tập đoàn sớm nhất và hùng mạnh nhất, và sau đó thì hàng loạt các tập đoàn khác được nhanh chóng thành lập trong các ngành dầu hạt bông, chì, đường, thuốc lá sợi và cao su. Ngay sau đó các doanh nhân năng nổ bắt đầu định hình các lĩnh vực công nghiệp của riêng mình. Bốn công ty thịt hộp lớn, trong đó lớn nhất là Philip Armour và Gustavus Swift, đã lập ra tờ -rớt thịt bò. Cyrus McCormick đã tạo lập ưu thế trong ngành kinh doanh máy gặt đập. Một cuộc điều tra năm 1904 đã cho thấy hơn 5.000 công ty độc lập trước đó đã tập hợp thành khoảng 300 tờ-rớt công nghiệp. Xu hướng hợp nhất lan sang cả những lĩnh vực khác, đặc biệt là trong lĩnh vực giao thông và thông tin liên lạc. Hãng Western Union, chiếm ưu thế trong ngành điện tín, hợp nhất cùng Bell Telephone System và sau đó là cùng với Công ty Điện thoại và Điện tín Hoa Kỳ.

Cornelius Vanderbilt đã hợp nhất 13 công ty đường sắt riêng rẽ thành một công ty có 800 km đường sắt nối liền New York với Buffalo trong thập niên 1860. Trong thập niên tiếp theo, ông đã kiểm soát các tuyến đường sắt đi Chicago ở bang Illinois và Detroit ở bang Michigan và thành lập công ty Đường sắt Trung tâm New York. Ngay sau đó các tuyến đường sắt chính của Mỹ được tổ chức thành các tuyến và hệ thống chính do một số ít người quản lý.

Trong trật tự công nghiệp mới này, thành phố là trung tâm đầu não quy tụ tất cả các nguồn lực kinh tế năng động nhất của Mỹ: tích tụ tư bản dồi dào, doanh nghiệp, tổ chức tài chính, sân ga, các nhà máy, đội quân lao động chân tay và trí óc. Các làng mạc thu hút người dân từ các vùng nông thôn và từ bên kia bờ đại dương tới và trở thành các thị trấn, và các thị trấn bỗng chốc trở thành thành phố. Vào năm 1830, cứ 15 người Mỹ thì có một người sống tại các cộng đồng có từ 8.000 cư dân trở lên; vào năm 1860 tỷ lệ này đã tăng lên một trên sáu người và vào năm 1890 thì tỷ lệ này là ba trên mười. Vào năm 1860 chưa có thành phố nào có số dân đạt một triệu người; nhưng 30 năm sau thì dân số New York là 1,5 triệu; thành phố Chicago bang Illinois và thành phố Philadelphia bang Pennsylvania có dân số hơn một triệu người. Trong ba thập niên này thì dân số của Philadelphia và Baltimore bang Maryland tăng gấp đôi; dân số thành phố Kansas bang Missouri và Detroit bang Michigan tăng gấp bốn lần; Cleveland bang Ohio tăng sáu lần và Chicago tăng mười lần. Thành phố Minneapolis bang Minesota, Omaha bang Nebraska và nhiều nơi tương tự - khi Nội chiến nổ ra thì vẫn còn là những thôn làng nhỏ bé - đã có số dân tăng thêm khoảng 50% hoặc hơn.

ĐƯỜNG SẮT, LUẬT LỆ VÀ THUẾ QUAN

Đường sắt đặc biệt quan trọng khi mở rộng lãnh thổ quốc gia và việc xây dựng đường sắt thường bị chỉ trích. Ngành đường sắt ngày càng đưa ra mức phí vận chuyển rẻ hơn cho những người gửi hàng với số lượng lớn thông qua việc giảm bớt một phần cước phí, và vì vậy những người gửi hàng với số lượng ít bị chịu thiệt. Mức cước phí cũng thường không tính tương ứng theo khoảng cách; cạnh tranh khiến cho mức phí chuyên chở giữa các thành phố có nhiều hãng đường sắt hoạt động bị giảm xuống. Mức cước phí giữa những địa điểm chỉ có một hãng đường sắt hoạt động thường ở mức cao. Vì vậy gửi hàng từ Chicago đến New York với khoảng cách 1.280 km có chi phí thấp hơn so với việc gửi hàng từ Chicago đến những nơi cách Chicago vài trăm kilomet. Ngoài ra, để tránh tình trạng cạnh tranh thì các công ty đường sắt đôi khi chia (đi chung) việc vận chuyển theo các kế hoạch đã được sắp xếp từ trước và số doanh thu từ hoạt động này sẽ được đưa vào một quỹ chung để chia sau.

Sự tức giận của dân chúng đối với việc này đã khiến chính quyền bang phải đưa ra quy định, nhưng vấn đề này mang tính chất quốc gia. Những người gửi hàng yêu cầu phải có hành động của phía Quốc hội. Vào năm 1887, Tổng thống Grover Cleveland đã ký Đạo luật Thương mại Liên bang nghiêm cấm việc thu thêm cước phí, đi chung, giảm giá cước và phân biệt mức cước. Đạo luật này lập ra ủy ban Thương mại Liên bang (ICC) để theo dõi việc tuân thủ quy định của đạo luật nhưng ủy ban này lại hầu như không được trao quyền cưỡng chế. Trong những thập niên đầu tiên kể từ khi ra đời, hiển nhiên là tất cả các nỗ lực của ICC nhằm điều tiết và cắt giảm mức cước đã không được đưa ra xem xét tại tòa.

Tổng thống Cleveland cũng phản đối thuế quan bảo hộ đánh vào hàng hóa nước ngoài vốn thường được coi là chính sách quốc gia vĩnh viễn dưới thời các tổng thống thuộc Đảng Cộng hòa, những người chi phối chính trị của giai đoạn này. Cleveland, một đảng viên Dân chủ bảo thủ, coi bảo hộ thuế quan là một loại trợ cấp phi pháp dành cho các doanh nghiệp lớn, cho phép các tờ-rớt quyền ép giá gây bất lợi cho người thường dân Mỹ. Thể hiện quyền lợi của phe miền Nam, Đảng Dân chủ đã quay lại với chính sách thời trước Nội chiến là phản đối bảo hộ và chủ trương chỉ đánh thuế vào doanh thu.

Cleveland chiến thắng sít sao trong cuộc bầu cử năm 1884 và đã không thành công trong việc cải cách thuế quan trong nhiệm kỳ đầu của mình. Ông đưa vấn đề này ra làm chủ đề chính cho chiến dịch tái tranh cử của mình nhưng ứng cử viên Đảng Cộng hòa Benjamin Harrison, một người ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ, đã giành chiến thắng trong một cuộc đua sát nút. Năm 1890, Chính quyền Tổng thống Harrison đã thực hiện được lời hứa tranh cử khi thông qua được luật thuế quan McKinley, luật thuế tăng thêm thuế suất nhập khẩu vốn đã rất cao. Bị chỉ trích là làm cho giá bán lẻ tăng lên quá cao, luật thuế McKinley đã khiến cho bất bình lan rộng và dẫn đến sự thất bại của Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử năm 1890, mở đường cho việc quay trở lại chức vụ tổng thống của Cleveland trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1892.

Trong giai đoạn này, ác cảm của công chúng đối với các tờ -rớt ngày càng tăng. Các tập đoàn khổng lồ bị những cuộc tấn công mãnh liệt của các nhà cải cách như Henry George và Edward Bellamy trong thập niên 1880.

Đạo luật Chống độc quyền mang tên Sherman được thông qua năm 1890 cấm tất cả những sự kết hợp nhằm ngăn cản thương mại giữa các bang và đưa ra một số biện pháp cưỡng chế với chế tài nghiêm khắc. Ẩn sau những quy định chung chung, đạo luật này hầu như không có tác dụng ngay sau khi được thông qua. Nhưng một thập niên sau Tổng thống Theodore Roosevelt đã áp dụng đạo luật này một cách mạnh mẽ.

CÁCH MẠNG TRONG NÔNG NGHIỆP

Cho dù đạt được những thành tựu lớn trong công nghiệp nhưng nông nghiệp của Mỹ vẫn là ngành có lực lượng lao động chủ yếu. Cuộc cách mạng trong nông nghiệp - đồng thời diễn ra với cách mạng công nghiệp sau cuộc Nội chiến - đã chuyển lao động chân tay sang lao động máy móc và từ sản xuất nông nghiệp tự cung tự cấp sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Từ 1860 đến 1910, số lượng nông trang ở Mỹ tăng gấp ba lần, từ hai triệu lên sáu triệu nông trang trong khi diện tích canh tác tăng lên hơn hai lần, từ 160 triệu hec-ta lên 352 triệu hec-ta.

Từ 1860 đến 1890, việc sản xuất các mặt hàng nguyên liệu cơ bản như lúa mỳ, ngô, bông vượt xa những con số trước đó của Hoa Kỳ. Trong cùng thời kỳ này dân số Hoa Kỳ tăng lên gấp đôi với tốc độ tăng nhanh nhất là ở các thành phố. Nhưng nông dân Mỹ đã trồng đủ ngũ cốc và bông, nuôi đủ bò và lợn, cắt lông cừu đủ làm len không những cho công nhân Mỹ mà còn tạo ra một lượng dư thừa lớn chưa từng có.

Thành quả rực rỡ này là do một vài yếu tố. Một trong những yếu tố đó là sự mở rộng về phía Tây. Yếu tố nữa là cuộc cách mạng công nghệ. Vào đầu thế kỷ XIX, với liềm cắt bằng tay thì nông dân chỉ mong cắt được một phần năm hec-ta lúa mỳ một ngày. 30 năm sau, với hái có khung gạt người nông dân có thể cắt bốn phần năm hec-ta một ngày. Vào năm 1840, Cyrus McCormich thể hiện một điều kỳ diệu khi cắt từ hai đến hai hec-ta rưỡi một ngày với chiếc máy gặt mà ông đã mất gần 10 năm nghiên cứu chế tạo. Ông tiến về phía tây tới những thị trấn mới trên thảo nguyên của Chicago. Tại đây ông thành lập nhà máy và tới năm 1860 thì ông đã bán được 250.000 chiếc máy gặt.

Những máy móc nông nghiệp khác cũng đạt được những thành công nhanh chóng: máy tự động buộc, máy đập, máy gặt đập hay máy kết hợp tất cả các chức năng. Máy trồng cây, cắt cây, máy xay xát, máy bóc vỏ xuất hiện và đồng thời cũng xuất hiện máy tách kem, máy bón phân, máy trồng khoai tây, máy sấy cỏ, lò ấp trứng gia cầm và hàng loạt các phát minh khác nữa.

Không kém phần quan trọng so với máy móc trong cách mạng nông nghiệp là khoa học nông nghiệp. Vào năm 1862, Đạo luật Cấp đất cho các trường Đại học mang tên Morill đã giao đất công cho từng bang để thành lập các trường đại học công nghiệp và nông nghiệp. Các trường này vừa là cơ sở giáo dục vừa là các trung tâm nghiên cứu khoa học nông nghiệp. Sau đó Quốc hội phân bổ ngân sách cho việc thành lập các cơ sở thí nghiệm nông nghiệp trên khắp cả nước và giao ngân sách trực tiếp cho Bộ Nông nghiệp để tài trợ cho các mục đích nghiên cứu. Vào đầu thế kỷ XX, các nhà khoa học trên khắp nước Mỹ tham gia rất nhiều các dự án nông nghiệp.

Một trong số các nhà khoa học này, Mark Carleton, chuyển từ Bộ Nông nghiệp sang Nga. Ở Nga, ông đã tìm ra và xuất khẩu về quê nhà loại lúa mỳ mùa đông chịu hạn và chống được bệnh gỉ sắt và hiện giờ giống lúa mỳ này chiếm tới hơn một nửa sản lượng lúa mỳ của Mỹ. Một nhà khoa học khác, Marion Dorset, đã khống chế được bệnh tả của lợn và một nhà khoa học khác, George Mohler, đã giúp chống lại bệnh lở mồm long móng. Từ Bắc Phi, một nhà nghiên cứu đã mang về giống ngô Kaffir; từ Turkestan, một nhà nghiên cứu khác nhập khẩu về loại cỏ linh lăng hoa vàng. Luther Burback ở bang California sản xuất ra rất nhiều loại rau hoa quả mới; ở bang Winconsin, Stephen Babcock đã phát minh ra cách kiểm tra để xác định hàm lượng mỡ bơ trong sữa; tại Học viện Tuskegee ở bang Alabama, nhà khoa học Mỹ gốc Phi George Washington Carver tìm ra hàng trăm cách sử dụng hạt lạc, khoai lang và hạt đậu.

Ở những mức độ khác nhau, sự phát triển của khoa học nông nghiệp và kỹ thuật đã ảnh hưởng đến nông dân trên khắp thế giới, năng suất tăng lên, số người sản xuất ít đi, tạo ra làn sóng di cư lên thành phố. Hơn nữa, đường sắt và tàu hơi nước bắt đầu khiến cho các thị trường khu vực hòa nhập thành một thị trường chung cho cả thế giới với giá cả được cập nhật liên tục giữa hai bờ Đại Tây Dương thông qua cáp và dây điện. Tin tốt cho người tiêu dùng thành thị, giá nông sản giảm sút đe dọa cuộc sống của nhiều nông dân Mỹ và gây ra một làn sóng bất bình của nông dân.

MIỀN NAM BỊ CHIA RẼ

Sau công cuộc Tái thiết, các nhà lãnh đạo miền Nam đã cố gắng thu hút phát triển công nghiệp. Các bang đã đưa ra nhiều khuyến khích lớn và giá nhân công rẻ để các nhà đầu tư phát triển ngành thép, gỗ, thuốc lá sợi và dệt may. Tuy nhiên cho đến đầu thế kỷ XX thì tỷ trọng công nghiệp của miền Nam so với tỷ trọng công nghiệp của cả nước vẫn giữ ở mức như năm 1860. Ngoài ra, cái giá phải trả cho xu thế công nghiệp hóa này rất cao: Bệnh tật và lao động trẻ em là hiện tượng phổ biến ở các thị trấn có nhà máy. Ba mươi năm sau Nội chiến, miền Nam vẫn còn nghèo, chủ yếu là sống nhờ nông nghiệp và bị phụ thuộc về kinh tế. Hơn nữa, quan hệ chủng tộc ở miền Nam không chỉ phản ánh di sản của chế độ nô lệ mà còn phản ánh một vấn đề đang nổi lên như là chủ đề trọng tâm của lịch sử Hoa Kỳ - quyết tâm duy trì sự ưu việt của người da trắng bằng mọi giá.

Những người da trắng miền Nam không chịu khoan nhượng tìm nhiều cách thâu tóm quyền quản lý chính quyền bang để duy trì sự thống trị của người da trắng. Một số phán quyết của Tòa án Tối cao cũng đã ủng hộ những nỗ lực này bằng cách tán thành những quan điểm truyền thống của miền Nam về việc phân chia hợp lý quyền lực của chính quyền bang và liên bang.

Năm 1873 Tòa án Tối cao thấy rằng Điều bổ sung sửa đổi thứ 14 của Hiến pháp (quyền công dân không thể bị tước đoạt) không trao đặc ân hay miễn trách nào nhằm bảo vệ người Mỹ gốc Phi trước quyền lực của bang. Hơn nữa, năm 1883 Tòa án Tối cao đã phán quyết rằng Điều bổ sung sửa đổi thứ 14 không bảo vệ được cá nhân trước những hành động phân biệt đối xử của chính quyền bang. Và trong vụ án Plessy kiện Ferguson (năm 1896), Tòa án Tối cao thấy rằng không gian công cộng tách biệt nhưng ngang bằng dành cho người Mỹ gốc Phi như chỗ trên tàu hỏa và trong nhà hàng không vi phạm quyền của họ. Ngay lập tức nguyên tắc phân biệt chủng tộc được tiến hành rộng rãi ở khắp mọi lĩnh vực cuộc sống ở miền Nam từ tàu hỏa cho tới nhà hàng, khách sạn, bệnh viện, trường học. Ngoài ra, bất cứ lĩnh vực cuộc sống nào mà không được phân biệt theo luật thì sẽ bị phân biệt theo phong tục và thông lệ. Tiếp theo là việc tước bớt quyền bầu cử. Những vụ hành hình người da đen do bọn du côn tiến hành liên tiếp xảy ra đã càng nhấn mạnh thêm quyết tâm của miền Nam nô dịch hóa nhóm dân Mỹ gốc Phi.

Đối mặt với những sự phân biệt tràn lan, nhiều người Mỹ gốc Phi đã đi theo Booker T. Washington, người tư vấn cho họ tập trung vào những mục tiêu kinh tế khiêm tốn và chấp nhận tạm thời tình trạng phân biệt trong xã hội. Những người da đen khác dưới sự lãnh đạo của nhà trí thức gốc Phi W.E.B Du Bois lại muốn đấu tranh chống lại nạn phân biệt thông qua hành động chính trị. Nhưng với việc cả hai chính đảng lớn nhất đều không quan tâm tới vấn đề này và học thuyết khoa học thời đó thường cũng chấp nhận sự thấp kém của người da đen nên yêu cầu đòi bình đẳng về sắc tộc đã ít nhận được sự ủng hộ.

 BIÊN GIỚI CUỐI CÙNG

Năm 1865, đường biên giới nhìn chung là theo giới hạn phía tây của các bang tiếp giáp với sông Mississippi nhưng phình ra bên ngoài về phía đông các bang Texas, Kansas và Nebraska. Sau đó, biên giới chạy lên phía bắc và phía nam tới gần 1.600 km, bao trùm cả các dãy núi lớn, nhiều dãy núi giàu các loại khoáng sản như bạc, vàng và kim loại khác. Về phía tây, các đồng bằng và sa mạc trải dài cho tới tận các khu rừng ven biển Thái Bình Dương. Ngoài những quận có người định cư ở California và những vùng định cư xa xôi nằm rải rác thì khu vực đất liền rộng lớn là nơi cư trú của thổ dân da đỏ: trong số đó có các bộ lạc vùng đồng bằng Great Plains - Sioux và Blackfoot, Pawnee và Cheyenne - và các nền văn hóa Anh- điêng của miền Tây Nam, trong đó bao gồm các bộ lạc Apache, Navao và Hopi.

Chỉ 25 năm sau, gần như tất cả vùng đất này đều đã được chia thành các bang và vùng lãnh thổ. Thợ mỏ đã đi đến khắp các khu vực miền núi, đào hầm sâu vào lòng đất, thành lập ra các cộng đồng nhỏ ở bang Nevada, Montana và Colorado. Các chủ trang trại gia súc tận dụng các đồng cỏ lớn đã làm chủ một vùng đất rộng lớn trải từ Texas cho đến thượng nguồn sông Missouri. Những người chăn cừu đã tìm ra đường đến các thung lũng và triền núi. Nông dân cày cấy trên các cánh đồng và xóa nhòa khoảng cách giữa phía Đông và phía Tây. Cho tới năm 1890 thì đường biên giới đã không còn nữa.

Công cuộc định cư được khích lệ bằng Đạo luật cấp đất cho người di cư năm 1862. Đạo luật này cấp miễn phí 64 hec-ta trang trại cho các công dân cư ngụ và cải tạo mảnh đất đó. Thật tiếc cho những người đáng nhẽ ra đã trở thành nông dân bởi phần lớn diện tích vùng Great Plains lại phù hợp hơn cho việc chăn nuôi gia súc chứ không phải là cho việc trồng trọt và cho tới năm 1880 thì gần 22.440.000 hec-ta đất miễn phí đã thuộc về người chăn nuôi gia súc hay các hãng đường sắt.

Năm 1862 Quốc hội cũng bỏ phiếu thông qua tuyên bố về việc thành lập Liên minh Đường sắt Thái Bình Dương. Tuyến đường này sẽ tiến về phía tây từ Council Bluffs bang Iowa, sử dụng chủ yếu lao động là cựu chiến binh và dân Ai-len nhập cư. Cùng lúc, công ty Đường sắt Trung tâm Thái Bình Dương cũng bắt đầu xây dựng tuyến đường sắt tiến về phía đông từ Sacramento bang California, chủ yếu sử dụng lao động Trung Quốc nhập cư. Cả nước Mỹ hồi hộp chờ hai tuyến đường sắt ngày càng xích lại gần nhau và cuối cùng vào ngày 10/5/1869 thì hai tuyến đường này đã gặp nhau ở Promontory Point bang Utah. Hành trình gian khổ kéo dài nhiều tháng giữa hai bờ đại dương giờ đây đã giảm xuống còn sáu ngày. Hệ thống đường sắt lục địa phát triển mạnh và cho tới năm 1884 đã có bốn tuyến đường sắt lớn nối trung tâm vùng Thung lũng Mississippi với Thái Bình Dương.

Cuộc di dân ồ ạt lần đầu tiên tới miền Viễn Tây đã kéo người dân tới các khu vực miền núi nơi phát hiện ra vàng ở bang California năm 1848, ở bang Colorado và Nevada 10 năm sau đó, ở bang Montana và Wyoming vào thập niên 1860 và vùng Black Hills ở miền quê bang Dakota trong thập niên 1870. Thợ mỏ đã khai phá vùng nông thôn, thành lập nên các cộng đồng và đặt nền tảng cho việc định cư lâu dài. Tuy nhiên, cuối cùng thì mặc dù một vài cộng đồng tiếp tục tập trung toàn bộ vào công việc khai mỏ, nhưng của cải thực sự của các bang Montana, Colorado, Wyoming, Idaho và California lại được tìm thấy ở đồng cỏ và đất đai. Việc chăn nuôi gia súc, một thời gian dài là ngành quan trọng ở Texas, đã phát triển mạnh sau Nội chiến khi những con người dám nghĩ dám làm bắt đầu xua đàn gia súc sừng dài lên phía bắc đi qua khu vực đất công. Vừa đi vừa nuôi, đàn gia súc của họ khi tới điểm chuyên chở gia súc bằng tàu hỏa ở Kansas đã lớn hơn và béo hơn nhiều so với khi bắt đầu lên đường. Việc lùa đàn gia súc này hàng năm đã trở thành một sự kiện thường xuyên; đường đi của đàn gia súc lên phía bắc đã thành một vệt dài hàng trăm kilômét.

Tiếp theo, nhiều trang trại nuôi gia súc rộng lớn đã xuất hiện ở các bang Colorado, Wyoming, Kansas, Nebraska và lãnh thổ Dakota. Các thành phố phía tây đã phát triển thành các trung tâm giết mổ gia súc lấy thịt. Chăn nuôi gia súc phát triển mạnh nhất vào giữa thập niên 1880. Vào thời điểm đó, không xa các trang trại chăn nuôi là các xe ngựa có mui của nông dân mang theo gia đình họ cùng ngựa kéo, bò, lợn. Theo Đạo luật cấp đất cho người di cư, họ đóng cọc xí đất và rào mảnh đất của họ bằng dây thép gai, một phát minh mới. Chủ trang trại nuôi gia súc bị hất cẳng khỏi mảnh đất mà họ đã đến ở mà không có giấy tờ công nhận về mặt pháp lý.

Chăn nuôi và lùa gia súc đã tạo ra cho thần thoại của Mỹ thần tượng cuối cùng của nền văn hóa biên giới - văn hóa cao bồi. Thực chất của cuộc sống cao bồi là cuộc sống vượt qua nhiều cam khổ. Theo mô tả của các nhà văn như Zane Grey và theo diễn xuất của các diễn viên điện ảnh như John Wayne, cao bồi là những nhân vật thần thoại khỏe mạnh, những con người hành động mạnh mẽ và táo bạo. Cho đến tận cuối thế kỷ XX thì chúng ta mới bắt đầu xây dựng lại hình tượng cao bồi. Các chuyên gia lịch sử và các nhà làm phim bắt đầu mô tả miền Tây hoang dã như là một nơi bẩn thỉu, nơi sinh sống của những con người mang cá tính thiên về thể hiện những điều xấu xa chứ không phải những điều tốt đẹp trong bản chất con người.

CẢNH TUYỆT VỌNG CỦA THỔ DÂN DA ĐỎ

Cũng như ở phía Đông, việc các thợ mỏ, người chăn nuôi gia súc và người định cư tiến ra các đồng cỏ và núi non đã dẫn đến xung đột ngày càng gia tăng với thổ dân da đỏ ở phía Tây. Nhiều bộ lạc thổ dân da đỏ - từ Utes thuộc vùng Great Basin cho tới Nez Perces thuộc vùng Idaho - đã thi thoảng chiến đấu chống lại người da trắng. Nhưng bộ lạc Sioux ở vùng Đồng bằng phía bắc và bộ lạc Apache ở vùng Tây Nam là những bộ lạc chống lại việc tiến ra vùng biên giới mạnh mẽ nhất. Được lãnh đạo bởi những thủ lĩnh giàu tiềm lực như Red Cloud và Crazy Horse, bộ lạc Sioux đặc biệt tinh nhuệ với việc chiến đấu trên lưng ngựa đang phi ở tốc độ cao. Bộ lạc Apache cũng giỏi tương đương và rất khó tìm thấy họ khi họ chiến đấu trên sa mạc và trong hẻm núi.

Xung đột với người da đỏ vùng đồng bằng trở nên tồi tệ hơn sau sự kiện người Dakota (một nhánh của người Sioux) giết năm người da trắng, tuyên chiến với Chính phủ Hoa Kỳ do những bất đồng từ lâu. Các cuộc nổi loạn và tấn công vẫn tiếp tục trong suốt thời kỳ Nội chiến. Năm 1876 cuộc chiến nghiêm trọng cuối cùng với người Sioux nổ ra khi dòng người đào vàng đổ xô đến Black Hills ở Dakota. Quân đội có nhiệm vụ ngăn không cho thợ mỏ đến khu vực săn bắn của người Sioux nhưng lại không làm gì để bảo vệ đất đai của người Sinoux. Tuy nhiên khi được lệnh hành động chống lại các nhóm người Sioux đi săn trên phạm vi quy định của hiệp định thì quân đội lại thực hiện quá nhanh và mạnh.

Năm 1876, sau một vài lần chạm trán lẻ tẻ, Đại tá George Custer dẫn đầu một phân đội kỵ binh giao chiến với lực lượng tinh nhệ đông đảo của bộ lạc Sioux và đồng minh của họ trên bờ sông Little Bighorn. Custer và binh lính dưới quyền đã bị tiêu diệt hoàn toàn. Tuy nhiên chẳng bao lâu sau, sự nổi loạn của người Mỹ da đỏ đã bị đàn áp. Sau đó, vào năm 1890, một lễ nghi nhảy múa kỳ quái tại vùng đất dành riêng cho người Sioux phía Bắc ở Wounded Knee bang Nam Dakota đã biến thành một cuộc nổi dậy và cuộc chiến cuối cùng đầy bi thương này đã kết thúc với gần 300 người Sioux cả nam, nữ, trẻ em bị giết chết.

Nhưng từ trước đó rất lâu thì lối sống của người Mỹ da đỏ vùng Plains đã bị hủy hoại do sự bành trướng của người da trắng, của các tuyến xe lửa, của việc giết mổ trâu bò, hầu hết đều bị tàn sát trong thập niên sau năm 1870 do những người định cư đã săn bắn bừa bãi.

Những cuộc giao tranh với bộ lạc Apache tại miền Tây Nam kéo dài cho đến tận khi Geronimo, thủ lĩnh quan trọng cuối cùng của bộ lạc, bị bắt vào năm 1886.

Chính sách của Chính phủ cho tới tận thời Chính quyền Tổng thống Monroe là đưa người Mỹ da đỏ ra khỏi biên giới của người da trắng. Những rõ ràng là vùng đất riêng của người da đỏ ngày càng bị thu hẹp và trở nên đông đúc. Một số người Mỹ bắt đầu phản đối cách cư xử của chính phủ đối với thổ dân da đỏ. Chẳng hạn như Helen Hunt Jackson, một người miền Đông đến sinh sống tại miền Tây đã viết cuốn Một thế kỷ nhục nhã (năm 1881) kể lại cảnh khốn khổ của người da đỏ và khơi dậy lương tâm của cả nước Mỹ. Hầu hết các nhà cải cách đều cho rằng thổ dân da đỏ cần được đồng hóa vào nền văn hóa lớn. Chính phủ liên bang thậm chí đã xây dựng một trường học ở Carlisle bang Pennsylvania với nỗ lực áp đặt giá trị và niềm tin của người da trắng đối với thanh niên thổ dân da đỏ (Chính tại ngôi trường này Jim Thorpe, người thường được coi là vận động viên giỏi nhất mà Mỹ từng có, đã trở nên nổi tiếng trong đầu thế kỷ XX).

Vào năm 1887 Đạo luật Dawes (Luật phân đất) đã thay đổi chính sách của Chính phủ đối với thổ dân da đỏ, luật này cho phép tổng thống chia đất của các bộ lạc và chia nhỏ 65 hec -ta đất cho người chủ của mỗi gia đình. Việc phân đất này được tiến hành với sự ủy thác của chính phủ trong suốt 25 năm và sau khoảng thời gian này người chủ mảnh đất sẽ có đầy đủ tư cách và quyền công dân. Tuy nhiên những mảnh đất không được phân chia cho người da đỏ sẽ được bán cho người định cư. Chính sách này tuy có dụng ý tốt những lại gây ra bất hạnh do chính sách này cho phép việc chiếm đoạt thêm đất của thổ dân da đỏ. Ngoài ra, sự can thiệp của chính sách này vào mô hình tổ chức xã hội của các bộ lạc đã đẩy nhanh sự băng hoại nền văn hóa truyền thống của họ. Năm 1934, chính sách của Chính phủ Mỹ được thay đổi lại một lần nữa với việc ban hành Đạo luật Tái tổ chức người da đỏ nhằm duy trì lối sống bộ lạc và cộng đồng tại những vùng đất dành riêng cho người da đỏ.

ĐẾ QUỐC NƯỚC ĐÔI

Những thập niên cuối thế kỷ XIX là giai đoạn bành trướng đế quốc của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, quá trình đế quốc hóa tại Hoa Kỳ không diễn ra như ở các nước châu Âu đối địch khác, bởi lịch sử đấu tranh chống các đế quốc châu Âu của Hoa Kỳ và bởi cả sự phát triển độc nhất vô nhị của nền dân chủ tại đây.

Nguồn gốc dẫn đến sự bành trướng của Hoa Kỳ cuối thế kỷ XIX là do nhiều lý do. Xét tình hình quốc tế, đây là giai đoạn mà chủ nghĩa đế quốc phát triển điên cuồng. Các thế lực châu Âu xâu xé châu Phi và, cùng với Nhật Bản, cạnh tranh lẫn nhau nhằm giành quyền lực chính trị và thương mại tại châu Á. Rất nhiều người Mỹ, trong đó có các nhân vật đầy thế lực như Theodore Roosevelt, Henry Cabot Lodge và Elihu Root nhận thấy rằng, để đảm bảo quyền lợi của chính mình, nước Mỹ cũng cần phải giành lấy cho mình những lợi ích kinh tế. Quan điểm này được tiếp sức bởi các cuộc vận động hành lang mạnh mẽ của lực lượng hải quân, theo đó mạng lưới các cảng biển và đội tàu của Mỹ được mở rộng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và bảo đảm an ninh quốc gia. Nhìn chung, học thuyết bành trướng do định mệnh, trước đây thường được viện dẫn tới nhằm biện minh cho công cuộc bành trướng lục địa của Mỹ nay lại được khẳng định lại với tuyên bố rằng nước Mỹ có quyền và nghĩa vụ mở rộng ảnh hưởng cũng như nền văn minh của mình ra Bán cầu Tây và vùng biển Caribê cũng như các nước bên kia Thái Bình Dương.

Cũng trong thời gian đó, các tiếng nói chống chủ nghĩa đế quốc từ nhiều liên minh của những thành viên Đảng Dân chủ ở phía Bắc và các thành viên Cộng hòa cấp tiến vẫn vang lên không ngừng và mạnh mẽ. Điều này khiến cho công cuộc bành trướng của đế quốc Mỹ diễn ra chậm chạp và mang tính nước đôi. Các chính quyền mang tư tưởng thực dân thường quan tâm nhiều hơn đến vấn đề kinh tế và thương mại hơn là đến quyền lực chính trị.

Phi vụ làm ăn mạo hiểm đầu tiên của nước Mỹ vượt ra khỏi lãnh thổ là vụ mua lại Alaska, vùng đất dân cư thưa thớt và là nơi cư ngụ của người Inuit và các nhóm dân bản địa khác, từ Nga vào năm 1867. Lúc đó, hầu hết dân Mỹ đều thờ ơ hoặc phẫn nộ trước hành động này của Ngoại trưởng William Seward và Alaska bị những người chỉ trích William gọi là hành động điên rồ của Seward và cái hộp băng của Seward. Thế nhưng 30 năm sau khi người ta phát hiện có vàng trên sông Klondike của Alaska, hàng ngàn người Mỹ đã đổ xô về phương bắc và rất nhiều người trong số họ đã định cư vĩnh viễn tại Alaska. Khi Alaska trở thành bang thứ 49 của Hoa Kỳ vào năm 1959, nó đã thế chỗ của Texas với vị trí là bang có diện tích lớn nhất trong liên bang.

Trận chiến Tây Ban Nha-Mỹ năm 1898 đã đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử Hoa Kỳ. Sau trận chiến này, Hoa Kỳ nắm hoàn toàn quyền kiểm soát các đảo trong vùng biển Caribê và Thái Bình Dương.

Cho đến trước những năm 1890, Cuba và Puerto Rico là hai thuộc địa duy nhất còn sót lại tại Tân Thế giới của đế quốc Tây Ban Nha vốn đã có thời hùng mạnh; trong khi đó quần đảo Phillipines là trung tâm quyền lực của Tây Ban Nha tại vùng biển Thái Bình Dương. Cuộc chiến nổ ra do ba nguyên nhân chính: thái độ phản đối rộng khắp đối với chính sách cai trị độc đoán của Tây Ban Nha tại Cuba; sự cảm thông đối với cuộc đấu tranh giành độc lập của những người Cuba; và một tinh thần tự tôn dân tộc được thổi bùng lên một phần bởi giới báo chí với những bài viết gây xúc cảm mạnh và đầy tính dân tộc.

Đến năm 1895, sự phản kháng ngày một mạnh mẽ của những người Cuba đã biến thành một cuộc chiến tranh du kích giành độc lập. Hầu hết người Mỹ lúc bấy giờ đồng cảm với người dân Cuba nhưng tổng thống Cleveland vẫn cương quyết giữ thái độ trung lập. Tuy nhiên, ba năm sau, vào thời Tổng thống William McKinley, chiến hạm Maine của Mỹ được phái tới Havana trong một chuyến ghé thăm xã giao nhằm mục đích thể hiện mối quan tâm của nước Mỹ trước các cuộc đàn áp đẫm máu của Tây Ban Nha, đã nổ tung trong bến cảng. Hơn 250 người thiệt mạng. Có thể chiến hạm Maine bị phá hủy do một vụ nổ tai nạn bên trong con tàu nhưng hầu hết người Mỹ cho rằng người Tây Ban Nha phải chịu trách nhiệm về con tàu. Sự phẫn nộ, được đổ thêm dầu vào lửa bởi các bài báo giật gân, đã lan khắp nước Mỹ. Lúc đầu Tổng thống McKinley cố duy trì hòa bình nhưng sau đó vài tháng, tin rằng trì hoãn thêm cũng là vô ích, vị tổng thống này đã tuyên bố can thiệp vũ trang vào Cuba.

Cuộc chiến với Tây Ban Nha diễn ra vô cùng nhanh gọn và chóng vánh. Trong suốt bốn tháng diễn ra chiến tranh, quân Mỹ không hề thua một trận nào. Một tuần sau khi tuyên bố tình trạng chiến tranh, Thiếu tướng hải quân George Dewey, lúc đó đang chỉ huy hạm đội Asiatic Squadron gồm sáu chiến hạm tại Hồng Kông đã tiến tới Phillipines. Giáp mặt với toàn bộ đội tàu của Tây Ban Nha tại Vịnh Manila, hạm đội của George đã phá hủy toàn bộ đội tàu này mà không hề thiệt mạng một người nào.

Trong khi đó, tại Cuba, quân đội Mỹ đã tiến vào Santiago và tấn công cảng này sau một loạt trận thắng chớp nhoáng. Bốn tàu chiến Tây Ban Nha rời Vịnh Santiago để chặn hạm đội của Mỹ và bị tiêu diệt gọn.

Từ Boston tới San Francisco, tiếng còi vang và những lá cờ tung bay khi tin Santiago thất thủ bay về. Các tờ báo phái phóng viên tới Cuba và Phillipines nơi những người anh hùng mới của dân tộc được vang danh. Trong số các vị anh hùng đó nổi bật nhất là Thiếu tướng hải quân Dewey và Đại tá Theodore Roosevelt, người đã từ chức trợ lý bộ trưởng hải quân để chỉ huy trung đoàn tình nguyện Rough Riders của mình tại Cuba. Tây Ban Nha nhanh chóng yêu cầu chấm dứt chiến tranh. Hiệp định hòa bình được ký kết ngày 10/12/1898, theo đó Cuba thuộc quyền kiểm soát tạm thời của Mỹ trước khi quốc đảo này giành độc lập. Ngoài ra, Tây Ban Nha cũng nhượng lại Puerto Rico và Guam thay cho các đền bù thiệt hại do chiến tranh và nhượng lại cho Mỹ quần đảo Phillipines để đổi lấy 20 triệu đô-la.

Nước Mỹ vẫn tuyên bố rằng các chính sách của mình khuyến khích các lãnh thổ mới theo hướng tự trị dân chủ, một hệ thống chính trị mà chưa một quốc gia nào trong số các lãnh thổ này từng trải qua. Trên thực tế, nước Mỹ đã đóng vai trò của một nước thực dân. Nó vẫn duy trì quyền kiểm soát về mặt hành chính đối với Puerto Rico và Guam, chỉ trao cho Cuba nền độc lập trên danh nghĩa và đàn áp dã man phong trào độc lập có vũ trang tại Phillipines (Phillipines giành quyền bầu cử cả hai viện lập pháp của mình vào năm 1916. Năm 1939, liên hiệp Phillipines với quyền tự trị lớn được thành lập. Năm 1946, sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai, quần đảo này giành được nền độc lập thực sự).

Can thiệp của Mỹ trong khu vực Thái Bình Dương không chỉ giới hạn ở quần đảo Phillipines. Trong năm diễn ra cuộc chiến Tây Ban Nha-Mỹ, nước Mỹ còn bắt đầu đặt quan hệ với quần đảo Hawaii. Trước kia, các mối liên lạc với Hawaii chủ yếu là qua các nhà truyền giáo và các thương gia. Tuy nhiên, sau năm 1865, các nhà đầu tư Mỹ bắt đầu khai thác các nguồn tài nguyên trên đảo - chủ yếu là mía và dứa.

Khi chính phủ của Hoàng hậu Liliuokalani bày tỏ thái độ muốn chấm dứt mọi ảnh hưởng nước ngoài vào năm 1893, các thương gia Mỹ đã liên kết cùng một số người Hawaii có thế lực nhằm lật đổ bà ta. Được khích lệ bởi Đại sứ Mỹ tại Hawaii và lực lượng quân đội Mỹ đồn trú tại đây, chính quyền mới đề nghị sáp nhập Hawaii vào Mỹ. Tổng thống Cleveland, lúc đó mới bắt đầu nhiệm kỳ hai đã bác bỏ đề nghị này. Hawaii trở thành một lãnh thổ độc lập trên danh nghĩa cho đến cuộc chiến giữa Tây Ban Nha và Mỹ, khi đó với sự hậu thuẫn của Tổng thống McKinley, Quốc hội đã phê chuẩn hiệp định sáp nhập. Năm 1959, Hawaii trở thành bang thứ 50 của Mỹ.

Ở một góc độ nào đó, đặc biệt là trong trường hợp của Hawaii, các lợi ích kinh tế đóng vai trò lớn trong việc bành trướng của Hoa Kỳ nhưng đối với các nhà lập pháp đầy thế lực như Roosevelt, Thượng nghị sỹ Henry Cabot Lodge, và Ngoại trưởng John Hay và đối với các nhà chiến lược nhiều ảnh hưởng như Đô đốc Alfred Thayer Mahan, mục đích chính là vị trí địa lý. Đối với họ, lợi ích lớn nhất của việc chiếm được Hawaii chính là Trân châu Cảng (Pearl Harbor) nơi sẽ là căn cứ hải quân chiến lược của Mỹ tại trung tâm Thái Bình Dương. Quần đảo Phillipines và Guam cũng là nơi đặt hai cơ sở khác tại Thái Bình Dương - Wake Island, Midway và American Samoa. Puerto Rico là bàn đạp quan trọng tại khu vực Caribê nơi đang có vị trí ngày càng quan trọng khi Mỹ đang toan tính về một kênh đào của khu vực Trung Mỹ.

Chính sách thực dân của Mỹ có xu hướng nghiêng về khuyến khích chế độ tự trị dân chủ. Cũng giống như đã thực hiện với Phillipines vào năm 1917, Quốc hội Mỹ cho người dân Puerto Rico bầu cử tất cả các nhà lập pháp của họ. Một đạo luật tương tự đã biến hòn đảo này chính thức trở thành lãnh thổ của Mỹ và mọi người dân Puerto Rico được hưởng quyền công dân của Mỹ. Năm 1950, Quốc hội trao cho Puerto Rico toàn quyền quyết định tương lai của mình. Năm 1952, dân Puerto Rico đã bỏ phiếu chống cả việc biến hòn đảo này thành một bang của Mỹ lẫn việc giành quyền độc lập hoàn toàn cho quốc đảo này. Thay vào đó, họ chọn hình thức liên hiệp. Hình thức này đã tồn tại suốt từ đó đến giờ bất chấp nỗ lực của phong trào lớn tiếng đòi ly khai. Rất đông người Puerto Rico đã tới nước Mỹ nơi họ được quyền nhập cư và được hưởng mọi quyền lợi chính trị và công dân như bất kỳ công dân Mỹ nào.

CON KÊNH ĐÀO VÀ CÁC NƯỚC CHÂU MỸ

Sau cuộc chiến với Tây Ban Nha, nước Mỹ lại bắt đầu quan tâm đến việc xây dựng một kênh đào bắc ngang eo biển Panama, nối liền hai đại dương. Lợi ích của một con kênh như vậy đối với việc chuyên chở hàng hóa trên biển đã được nhiều quốc gia thương mại lớn nhận ra; người Pháp đã đào con kênh từ cuối thế kỷ XIX nhưng phải bỏ cuộc vì không giải quyết nổi các thách thức về kỹ thuật. Là một thế lực tại vùng biển Caribê và Thái Bình Dương, nước Mỹ thấy ở con kênh đào không chỉ lợi ích về kinh tế mà nó còn là phương tiện giúp chuyên chở tàu chiến từ đại dương này sang đại dương khác nhanh hơn.

Vào thời điểm chuyển giao thế kỷ đó, nước Panama ngày nay chỉ là một tỉnh ở phía bắc của Colombia. Khi chính quyền Colombia năm 1903 từ chối phê chuẩn hiệp định cho Mỹ quyền xây và quản lý con kênh, một nhóm người Panama với sự giúp đỡ của Lính thủy đánh bộ Mỹ đã nổi dậy và tuyên bố độc lập cho Panama. Ngay lập tức quốc gia mới ly khai này được Tổng thống Theodore Roosevelt công nhận. Theo điều khoản của hiệp định được ký vào tháng 11 năm đó, Panama trao cho Mỹ quyền thuê vĩnh viễn dải đất rộng 16 km (Khu vực kênh đào Panama) nằm giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương để được nhận 10 triệu đô-la và khoản lệ phí 250.000 đô-la mỗi năm. Colombia cũng nhận được 25 triệu đô-la như một phần tiền đền bù. 75 năm sau, Panama và Mỹ đã ký kết một hiệp định mới. Hiệp định này thừa nhận chủ quyền của Panama tại Vùng Kênh đào và cam kết chuyển giao kênh đào này trở lại cho Panama vào ngày 31/12/1999.

Việc xây dựng xong Kênh đào Panama năm 1914 do Đại tá George W. Goethals chỉ đạo là một thành tựu lớn trong ngành cơ khí. Việc đẩy lùi cùng lúc bệnh sốt rét và sốt vàng da khi đó cũng góp phần giúp công trình được hoàn thành và đồng thời đã trở thành một trong những chiến công vang dội nhất trong phòng chữa bệnh trong thế kỷ XX.

Tại các khu vực khác của châu Mỹ La-tinh, Mỹ cũng liên tục có những hành động can thiệp. Trong khoảng thời gian giữa năm 1900 và 1920, Mỹ đã tiến hành sáu vụ can thiệp dai dẳng tại sáu nước ở phía Tây Bán cầu - trong đó nổi bật là Haiti, Cộng hòa Dominica và Nicaragua. Washington đã đưa ra hàng loạt các lời biện minh cho các hành động can thiệp này như: để thiết lập ổn định chính trị và chính phủ dân chủ, để tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho Mỹ (thường được gọi là chính sách ngoại giao đô-la), để duy trì tuyến đường biển nối với Kênh đào Panama và thậm chí là để tránh cho các nước châu Âu khỏi việc đòi nợ bằng vũ lực. Năm 1867, Mỹ đã ép Pháp phải rút quân đội ra khỏi Mexico. Tuy nhiên, nửa thế kỷ sau, trong một phần của chiến dịch sai lầm nhằm đàn áp cuộc nổi dậy của người Mexico và ngăn chặn các cuộc đột kích vào lãnh thổ của Mỹ, Tổng thống Woodrow Wilson đã cử 11.000 quân tới vùng phía bắc của Mexico trong một nỗ lực không thành nhằm vây bắt thủ lĩnh nổi loạn Francisco Pancho Villa.

Với vai trò là nước mạnh nhất và tự do nhất Tây Bán cầu, nước Mỹ cũng đóng vai trò thiết lập cơ sở thể chế cho sự hợp tác giữa các quốc gia Mỹ La-tinh. Năm 1889, Ngoại trưởng James G. Blaine đưa ra sáng kiến rằng 21 quốc gia độc lập ở Tây Bán cầu sẽ tham gia vào một tổ chức có nhiệm vụ giải quyết các bất đồng bằng các biện pháp hòa bình và thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế. Kết quả là Liên minh Pan-Mỹ đã ra đời năm 1890 và là tiền thân của tổ chức Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) ngày nay.

Chính quyền sau này của Herbert Hoover (1929-33) và Franklin D. Roosevelt (1933-45) bác bỏ quyền can thiệp của Mỹ ở châu Mỹ La-tinh. Đặc biệt, Chính sách láng giềng tốt của Roosevelt năm 1930 dù không thể xóa hết các căng thẳng giữa Mỹ và châu Mỹ La-tinh đã giúp giảm bớt thái độ thù địch với các hành động can thiệp và đơn phương trước đây của Mỹ.

HOA KỲ VÀ CHÂU Á

Mới giành được vị trí tại Phillipines và đã vững vàng tại Hawaii vào thời điểm chuyển giao của thế kỷ, nước Mỹ rất kỳ vọng vào mối quan hệ thương mại bùng nổ với Trung Quốc. Tuy nhiên, Nhật Bản và các nước châu Âu đã tạo lập vị trí vững chắc tại thị trường này với các căn cứ hải quân, các vùng lãnh thổ cho thuê, các đặc quyền thương mại và đặc quyền đầu tư vào các ngành xây dựng đường sắt và khai mỏ.

Trong chính sách đối ngoại của Mỹ, chủ nghĩa lý tưởng tồn tại song song cùng khát vọng cạnh tranh cùng các thế lực châu Âu tại khu vực Viễn Đông. Vì vậy mà Chính phủ Mỹ luôn yêu cầu, như một vấn đề nguyên tắc, sự bình đẳng trong các đặc quyền thương mại cho tất cả các quốc gia. Tháng 9/1899, Ngoại trưởng John Hay tuyên bố ủng hộ chính sách Mở cửa cho tất cả các quốc gia có mặt tại Trung Quốc - tức là, sự bình đẳng trong các cơ hội kinh doanh (bao gồm thuế, thuế hải quan và cước phí đường sắt công bằng) tại các khu vực do châu Âu quản lý. Dù có những nội dung lý tưởng, Chính sách Mở cửa, về bản chất, là một công cụ quản lý tận dụng được các ưu thế của chủ nghĩa thực dân trong khi vẫn tránh được các thất bại thường gặp trong việc thực hiện. Chính sách này cũng chỉ đạt được thành công vừa phải.

Với cuộc nổi loạn của Nghĩa hòa đoàn năm 1900, Trung Quốc bắt đầu phản kháng lại với các thế lực nước ngoài. Trong tháng 6, nghĩa quân chiếm được Bắc Kinh và tấn công các tòa công sứ nước ngoài ở đây. Ngoại trưởng Hay nhanh chóng thông báo cho cả phía châu Âu và Nhật Bản rằng nước Mỹ sẽ phản kháng lại bất kỳ hành động nào đi ngược lại các quyền quản lý hành chính hay quyền về lãnh thổ của người Trung Quốc và khẳng định lại Chính sách Mở cửa. Khi cuộc nổi loạn bị dập tắt, Hay đã bảo vệ Trung Quốc khỏi những khoản bồi thường khổng lồ. Chủ yếu là vì lợi ích của Trung Quốc mà Anh, Đức và các thế lực thực dân yếu hơn đã chính thức công nhận Chính sách Mở cửa và nền độc lập của Trung Quốc. Trên thực tế, họ đã củng cố lại những địa vị độc tôn của mình tại quốc gia này.

Một vài năm sau đó, Tổng thống Theodore Roosevelt làm trung gian hòa giải cho cuộc chiến tranh bế tắc giữa Nga và Nhật năm 1904-1905. Xét về nhiều phương diện, cuộc chiến này là cuộc tranh giành ảnh hưởng và quyền lực tại tỉnh Mãn Châu phía bắc của Trung Quốc. Roosevelt hy vọng rằng việc dàn xếp của mình có thể đem lại cơ hội mở cửa cho các công ty Mỹ nhưng kẻ thù trước đây và các thế lực đế quốc khác đã thành công trong việc đẩy Mỹ ra khỏi Trung Quốc. Ở đây cũng giống như ở các nơi khác, nước Mỹ không sẵn lòng để triển khai quân đội chỉ để phục vụ cho chủ nghĩa đế quốc về kinh tế. Tuy nhiên ít ra thì Roosevelt cũng có thể hài lòng với Giải Nobel Hòa bình (1906). Ngoài ra, mặc dù Nhật Bản cũng đã nhận được nhiều lợi ích, nhưng mối quan hệ giữa Mỹ và quốc đảo đầy kiêu hãnh và quyết đoán này đã trải qua nhiều phút sóng gió trong những thập niên đầu của thế kỷ XX.

J.P. MORGAN VÀ CHỦ NGHĨA TƯ BẢN TÀI CHÍNH

Nền công nghiệp của Mỹ phát triển không chỉ nhờ vào các nhà công nghiệp vĩ đại. Một nền công nghiệp lớn đòi hỏi một lượng vốn lớn; sự phát triển kinh tế vượt bậc cần tới các nhà đầu tư nước ngoài. John Pierpont (J.P) Morgan là nhà tài chính vĩ đại nhất của Mỹ đã thỏa mãn cả hai điều kiện trên.

Trong suốt cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Morgan làm chủ ngân hàng đầu tư lớn nhất tại Hoa Kỳ. Ngân hàng này làm môi giới giữa các công ty chứng khoán Mỹ với các nhà đầu tư giàu có trong nước và ngoài nước. Do các nhà đầu tư nước ngoài cần được đảm bảo rằng các khoản đầu tư của họ luôn được đại diện bởi một đồng tiền ổn định, Morgan đã rất quan tâm đến vấn đề gắn đồng đô-la với giá trị bằng vàng của nó. Trong khi nước Mỹ chưa có một ngân hàng trung ương, ngân hàng của ông, trên thực tế, đã thực hiện nhiệm vụ của một ngân hàng trung ương.

Kể từ những năm 1880 đến đầu thế kỷ XX, Morgan và công ty của ông không chỉ quản lý các công ty chứng khoán bảo lãnh cho nhiều vụ sáp nhập công ty quan trọng, mà nó còn khởi xướng khá nhiều vụ sáp nhập đó. Ngoạn mục nhất là vụ sáp nhập Tập đoàn Thép của Mỹ từ công ty Thép Carnegie với nhiều công ty khác. Giá trị cổ phiếu và trái phiếu mà tập đoàn này bán ra cho các nhà đầu tư đã đạt mức chưa từng có trong lịch sử trước đó là 1,4 tỷ đô-la.

Morgan đạo diễn và thu những khoản lợi nhuận khổng lồ từ các vụ sáp nhập. Đóng vai trò là ngân hàng chủ đạo của các dự án đường sắt, ông đã thành công trong việc ngăn chặn sự cạnh tranh giữa các công ty. Các nỗ lực tổ chức của ông đã mang lại sự ổn định cho nền công nghiệp Mỹ qua việc chấm dứt các cuộc chiến tranh giá cả và mang phần thua thiệt đến cho nông dân và các nhà sản xuất nhỏ, những người coi ông như kẻ thù. Trong năm 1901, khi ông thành lập Công ty Chứng khoán phía Bắc để quản lý các công trình đường sắt quan trọng, Tổng thống Theodore Roosevelt đã thông qua Đạo luật Chống độc quyền Sherman nhằm ngăn chặn vụ sáp nhập này.

Với vai trò không chính thức của một ngân hàng trung ương, ngân hàng của Morgan đi tiên phong trong việc giữ giá đồng đô-la trong suốt thời kỳ khủng hoảng kinh tế giữa những năm 1890 bằng việc chào bán số lượng lớn trái phiếu chính phủ nhằm gây quỹ cho kho dự trữ vàng của Kho bạc nhà nước. Đồng thời, công ty của ông cũng đứng ra bảo lãnh ngắn hạn dự trữ vàng của quốc gia. Năm 1907, ông dẫn đầu cộng đồng tài chính New York trong việc ngăn chặn nguy cơ phá sản hàng loạt của các công ty. Trong quá trình này, công ty của chính ông đã mua lại được một công ty thép độc lập lớn, sau này được sáp nhập với Công ty Thép của Mỹ và đích thân Tổng thống Roosevelt đã thông qua vụ sáp nhập này nhằm tránh một cuộc khủng hoảng tồi tệ.

Vào thời điểm đó, quyền lực của Morgan lớn đến mức hầu hết dân Mỹ bỗng quay ra nghi ngờ và không ưa ông. Với một chút cường điệu, nhiều nhà cải cách đã miêu tả ông là giám đốc của tờ -rớt tài chính đã kiểm soát toàn bộ nước Mỹ. Vào lúc ông qua đời năm 1913, nước Mỹ đang trong quá trình hoàn tất việc thiết lập một ngân hàng trung ương, Cục Dự trữ Liên bang, thực hiện các nhiệm vụ mà trước đây ông vẫn đảm nhiệm một cách không chính thức.

Chương 9: Bất mãn và cải cách

“Một nền dân chủ vĩ đại sẽ không còn là vĩ đại và dân chủ nếu nó không tiến bộ"
Cựu Tổng thống Theodore Roosevelt, vào khoảng năm 1910.

31

KHÓ KHĂN TRONG NÔNG NGHIỆP VÀ SỰ RA ĐỜI CỦA CHỦ NGHĨA DÂN TÚY

Mặc dù đã có những tiến bộ đáng kể, nông dân Mỹ vào cuối thế kỷ XIX đã phải trải qua nhiều thời kỳ đầy gian khó. Các tiến bộ về cơ khí đã làm tăng sản lượng trên mỗi hecta đất trồng. Diện tích canh tác tăng rất nhanh vào nửa sau thế kỷ XIX do các tuyến đường sắt và các cuộc khai phá của người da đỏ ở vùng đồng bằng đã dần tạo ra các miền đất mới cho những người định cư phương Tây. Tương tự, diện tích đất trồng cũng tăng lên ở các quốc gia khác như Canada, Argentina và Australia, làm trầm trọng hơn những khó khăn trên thị trường thế giới, nơi tiêu thụ phần lớn các loại nông sản của Mỹ. Khắp mọi nơi, lượng cung quá lớn đã đẩy giá nông sản xuống thấp.

Nông dân tại vùng Trung Tây ngày càng tỏ ý phản đối mức cước phí vận chuyển bằng đường sắt mà họ cho là quá đắt để chuyên chở hàng hóa của họ đến nơi tiêu thụ. Họ cho rằng các loại thuế bảo hộ, trợ cấp cho các doanh nghiệp lớn đã khiến cho giá cả trang thiết bị dùng cho nông nghiệp ngày càng tăng. Phải chịu áp lực đồng thời do chi phí cao và giá nông phẩm trên thị trường lại quá rẻ, nông dân rất bất bình đối với các gánh nặng nợ nần ngày càng chồng chất và đối với các ngân hàng đang tạm giữ tài sản thế chấp của họ. Ngay cả điều kiện thời tiết cũng rất khắc nghiệt. Trong những năm cuối thế kỷ XIX, hạn hán đã tàn phá vùng Great Plains (Đồng bằng Lớn) ở phía Tây và khiến hàng nghìn nông dân ở đây bị phá sản.

Tại miền Nam, chế độ nô lệ chấm dứt đã đem lại nhiều đổi thay lớn. Nhiều đất nông nghiệp nay được canh tác bởi các lĩnh canh, tức là những người thuê đất để làm ruộng và phải trả cho chủ đất một nửa nông phẩm thu hoạch được thay cho tiền thuê đất, tiền hạt giống và tiền chi trả cho các trang thiết bị cần thiết. Ước tính khoảng 80% nông dân Mỹ da đen và 40% nông dân Mỹ da trắng ở miền Nam đã làm việc theo hệ thống bóc lột này. Đa phần trong số họ đã không thoát khỏi vòng luẩn quẩn của nợ nần, và hy vọng duy nhất của họ là tăng cường canh tác để thoát khỏi vòng luẩn quẩn đó. Điều này đã khiến bông và thuốc lá được sản xuất quá nhiều, khiến cho giá giảm và khiến đất đai tiếp tục bị suy kiệt.

Nỗ lực có tổ chức đầu tiên nhằm giải quyết các vấn đề về nông nghiệp được thực hiện bởi giới chủ vùng Husbandry, một nhóm các nông dân nổi tiếng trong phong trào Grange. Được khởi xướng bởi các viên chức Bộ Nông nghiệp Mỹ năm 1867, ban đầu, phong trào Grange tập trung vào các hoạt động xã hội chống lại sự cô lập đối với phần lớn các gia đình nông dân Mỹ. Sự tham gia của phụ nữ vào phong trào này rất được ủng hộ. Bộc phát từ cuộc khủng hoảng năm 1873, phong trào Grange đã nhanh chóng lớn mạnh, có tới 20.000 tăng hội và 1,5 triệu thành viên.

Những người theo phong trào Grange đã thành lập các hệ thống quảng cáo, bán hàng, các khu vực sản xuất, các nhà máy, các hợp tác xã riêng của họ, nhưng đa phần cuối cùng hầu hết đều đã thất bại. Phong trào này cũng đã đạt được một số thành công về chính trị. Trong những năm 1870, một số bang đã thông qua Đạo luật Grange nhằm hạn chế các mức cước phí chuyên chở bằng xe lửa và các mức phí lưu kho.

Năm 1880, phong trào Grange bước vào giai đoạn suy thoái và được thay thế bằng Liên minh Nông dân. Liên minh này có nhiều hoạt động tương tự như phong trào Grange nhưng công khai hơn về mặt chính trị. Năm 1890, Liên minh này - ban đầu là các tổ chức tự trị của tiểu bang - đã có tới 1,5 triệu thành viên từ New York đến California. Cùng lúc đó, một nhóm người Mỹ gốc Phi - Liên minh Nông dân da màu Quốc gia - cũng đã có tới hơn một triệu thành viên. Là liên minh giữa hai vùng Nam Bắc rộng lớn, các liên minh này đã xây dựng các chương trình kinh tế dành cho nông dân Mỹ nhằm bảo vệ họ chống lại những luật lệ phân biệt tầng lớp và việc xâm phạm vốn tập trung.

Đến năm 1890, mức độ suy kiệt đất đai đã trở nên nghiêm trọng nhất từ trước đến nay sau nhiều năm canh tác quá mức để đối phó với thuế McKinley. Phối hợp với các đảng viên Dân chủ tại miền Nam và các đảng thứ ba nhỏ lẻ ở miền Tây, khối Liên minh Nông dân đã vận động mạnh mẽ để tăng cường quyền lực chính trị. Một Đảng chính trị thứ ba - Đảng Nhân dân (còn gọi là Đảng Dân túy) - đã nổi lên. Trong lịch sử chính trị Hoa Kỳ từ trước tới nay, chưa có cơn sốt chính trị nào tương tự như cơn sốt ủng hộ Đảng Dân túy. Cơn sốt này đã lan truyền khắp các thảo nguyên và các vùng trồng bông. Cuộc tuyển cử năm 1890 đã mang lại quyền lực cho Đảng này tại 12 bang phía Nam và phía Tây, đồng thời đã đưa các nghị sỹ và các đại biểu của đảng Dân túy vào Quốc hội.

Đại hội đầu tiên của Đảng Dân túy đã diễn ra vào năm 1892. Các đoàn đại biểu của nông dân, người lao động và các tổ chức cải cách đã nhóm họp tại Omaha, bang Nebraska nhằm tác động tới hệ thống chính trị của Hoa Kỳ - một hệ thống mà họ đánh giá là đang bị tham nhũng nghiêm trọng do các tập đoàn độc quyền về tài chính và công nghiệp. Tuyên bố của Đảng nêu rõ:

Chúng ta gặp gỡ nhau khi đất nước đang phải chứng kiến sự suy thoái về đạo đức, chính trị và vật chất. Tham nhũng thống trị các hòm phiếu, các cơ quan lập pháp, Quốc hội, và động chạm tới cả các quan chức tại tòa án... Cùng sản sinh ra từ sự bất công của chính phủ, chúng ta đã chia thành hai giai cấp lớn - giai cấp nghèo khổ và những nhà triệu phú.

Tuyên bố của họ kêu gọi quốc hữu hóa đường sắt, mức thuế quan thấp, các khoản bảo đảm cho vay bằng các nông phẩm không hư hại trong các kho chứa thuộc quyền sở hữu của nhà nước; và quan trọng hơn cả là vấn đề lạm phát tiền tệ thông qua việc mua vào của Kho bạc Nhà nước, và cuối cùng là tỷ lệ đổi tiền xu bạc theo tỷ lệ truyền thống là 16 ounce bạc tương đương với một ounce vàng.

Phái Dân túy đã thể hiện sức mạnh của họ ở miền Tây và miền Nam; ứng cử viên chức tổng thống của họ đã đạt được hơn một triệu phiếu bầu. Nhưng vấn đề tiền tệ đã mau chóng làm lu mờ các vấn đề khác. Các phát ngôn viên nông nghiệp ở miền Tây và miền Nam đã thuyết phục dân chúng bằng lập luận cho rằng mọi khó khăn của họ bắt nguồn từ việc thiếu tiền trong lưu thông, bởi vậy, việc gia tăng lượng cung tiền có thể sẽ gián tiếp làm tăng giá nông phẩm và tăng lương trong các ngành công nghiệp, nhờ đó, các khoản nợ sẽ được trả bằng đồng tiền bị lạm phát. Tuy nhiên, các nhóm bảo thủ và các nhà tài chính đã đáp trả rằng tỷ lệ quy đổi 1:16 đã khiến giá đồng bạc tăng gần gấp đôi so với giá cả thị trường. Một chính sách mua vào không hạn chế có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang mất hết lượng dự trữ bằng vàng, khiến đồng đô-la mất giá nghiêm trọng và tàn phá sức mua của các tầng lớp lao động và trung lưu. Họ cho rằng chỉ có chế độ bản vị vàng mới đem lại sự ổn định.

Cuộc khủng hoảng tài chính năm 1893 đã khiến các cuộc tranh luận này thêm phần căng thẳng. Các ngân hàng vỡ nợ liên tục ở miền Nam và miền Trung Tây. Nạn thất nghiệp tăng vọt và giá nông sản tụt giảm thảm hại. Cuộc khủng hoảng này và việc Tổng thống Grover Cleveland nhất quyết bảo vệ chế độ bản vị vàng đã khiến Đảng Dân chủ bị chia rẽ nghiêm trọng. Các đảng viên Đảng Dân chủ từng ủng hộ đồng bạc đã gia nhập Đảng Dân túy khi cuộc bầu cử tổng thống năm 1896 đang đến gần.

Đại hội Đảng Dân chủ năm đó đã chứng kiến một trong những bài diễn văn nổi tiếng nhất trong lịch sử chính trị Hoa Kỳ. Khẩn thiết yêu cầu đại hội đừng đóng đinh nhân loại vào cây thập ác bằng vàng, William Jennings Bryan, một đảng viên trẻ tuổi quê ở bang Nebraska đã giành được vị trí ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ. Đảng Dân túy cũng ủng hộ Bryan trong cuộc bầu cử này.

Trong các hoạt động tranh cử sau đó, Bryan đã giành được sự ủng hộ ở các bang miền Nam và toàn bộ miền Tây. Nhưng ông đã thất bại ở các khu vực đông dân cư hơn - vùng công nghiệp phía Bắc và phía Đông. Cuối cùng, ông đã thất bại trước ứng cử viên Đảng Cộng hòa là William McKinley.

Vào năm sau đó, nền tài chính Mỹ bắt đầu được cải thiện, một phần là nhờ việc phát hiện ra vàng ở Alaska và vùng Yukon. Điều đó đã tạo cơ sở để quan điểm bảo thủ về cung tiền tăng lên. Năm 1898, cuộc chiến Tây Ban Nha - Mỹ đã thu hút sự chú ý của dân chúng, khiến họ không còn để ý đến các vấn đề của Đảng Dân túy nữa. Chủ nghĩa Dân túy và vấn đề sử dụng đồng bạc đã tiêu vong. Tuy nhiên, nhiều ý tưởng cải cách khác của phong trào này thì vẫn còn sống mãi.

NHỮNG CUỘC ĐẤU TRANH CỦA TẦNG LỚP LAO ĐỘNG

Cuộc sống của người công nhân công nghiệp Mỹ thế kỷ XIX rất cực khổ. Thậm chí ngay cả vào những thời kỳ thuận lợi thì đồng lương của họ vẫn thấp, giờ làm việc kéo dài và các điều kiện lao động rất khắc nghiệt. Chỉ có một số rất ít sự thịnh vượng từ sự phát triển của đất nước là đến được với người lao động. Hơn nữa, phụ nữ và trẻ em chiếm tỷ lệ cao trong lực lượng lao động ở một số ngành công nghiệp và họ thường chỉ được trả lương rất thấp, bằng một phần nhỏ so với số tiền nam giới kiếm được. Những cuộc khủng hoảng kinh tế thường xuyên đã tàn phá nước Mỹ, khiến đồng lương trả cho công nhân ngày càng ít đi và làm gia tăng nạn thấp nghiệp.

Bên cạnh đó, những cải tiến công nghệ làm tăng sản lượng quốc gia và tiếp tục làm giảm nhu cầu lao động tay nghề cao. Tuy vậy, lực lượng lao động tay nghề thấp vẫn không ngừng tăng lên vì lượng người nhập cư cao chưa từng thấy trước đây - từ năm 1880 đến năm 1910 đã có tới 18 triệu người tới Mỹ kiếm việc làm.

Trước năm 1874, khi bang Massachussets thông qua đạo luật quốc gia đầu tiên nhằm hạn chế số giờ lao động của phụ nữ và trẻ em ở nhà máy ở mức 10 tiếng một ngày, thì ở nước Mỹ, trước đó, chưa thực sự có một đạo luật lao động nào tồn tại. Mãi đến thập niên 1930, Chính phủ Liên bang mới thực sự vào cuộc. Trước đó, lĩnh vực lao động được giao cho chính quyền các tiểu bang và địa phương, và hầu như không có cơ quan chính quyền nào quan tâm đến nhu cầu của người lao động giống như họ đã quan tâm đến các nhà tư bản công nghiệp giàu có.

Chủ nghĩa tư bản tự do đã thống trị xã hội Mỹ trong nửa sau thế kỷ XIX, khuyến khích tập trung vốn và quyền lực vào tay một số người được bộ máy tư pháp ủng hộ nhằm chống lại những ai dám thách thức hệ thống. Trong hệ thống này, người ta chỉ tuân theo một học thuyết thống trị của thời đại đó. Dựa vào sự hiểu biết đơn giản hóa của học thuyết Darwin, nhiều nhà tư tưởng xã hội cho rằng sự tăng trưởng và công việc kinh doanh rộng lớn của các doanh nghiệp nhỏ cùng với sự thịnh vượng của một số ít người bên cạnh sự nghèo đói của nhiều người chỉ đơn giản là hệ quả sự tồn tại của những kẻ mạnh nhất và là một sản phẩm phụ tất yếu của sự tiến bộ.

Người lao động Mỹ, đặc biệt là giới lao động có tay nghề cao, có vẻ có cuộc sống ít nhất cũng ngang bằng với những người lao động trong khu vực công nghiệp ở châu Âu. Tuy nhiên, chi phí xã hội lại rất cao. Cho đến tận năm 1900, nước Mỹ vẫn có tỷ lệ tử vong liên quan tới việc làm cao nhất trong số các nước công nghiệp trên thế giới. Phần lớn công nhân công nghiệp thường phải làm việc 10 giờ một ngày (12 giờ trong ngành thép), tuy vậy số tiền họ kiếm được còn thấp hơn cả mức lương tối thiểu để duy trì một cuộc sống đạm bạc. Số lượng trẻ em tham gia lực lượng lao động đã tăng gấp đôi từ năm 1870 đến năm 1900.

Nỗ lực quan trọng đầu tiên để tổ chức các nhóm công nhân trên toàn quốc đã xuất hiện với sự ra đời của tổ chức Mệnh lệnh Cao quý của các Hiệp sỹ Lao động năm 1869. Lúc đầu, tổ chức này là một hội kín, không chính thức, do công nhân ngành dệt may ở Philadelphia thành lập và vận động cho các chương trình hợp tác. Sau này, nó đã mở rộng cho mọi người dân lao động tham gia, bao gồm cả những người da đen, phụ nữ và nông dân. Tổ chức này phát triển chậm chạp cho đến khi các công nhân đường sắt đã chiến thắng trong cuộc bãi công chống lại ông chủ đường sắt Jay Gould năm 1885. Chỉ trong vòng một năm, tổ chức này đã có thêm 500.000 người lao động tham gia vào danh sách thành viên. Tuy nhiên, do không thu hút được các tổ chức công đoàn và không duy trì được những thành công của mình, tổ chức này đã sớm rơi vào thoái trào.

Vị trí của tổ chức này trong phong trào lao động đã dần được thay thế bởi Liên đoàn Lao động Hoa Kỳ (AFL). Tổ chức AFL không mở rộng quy chế hội viên cho tất cả mọi người mà chỉ là một nhóm các công đoàn của các công nhân có tay nghề, được lãnh đạo bởi một cựu viên chức công đoàn xì gà - Samuel Gompers. Mục tiêu của tổ chức này là trong sạch, đơn giản, và phi chính trị: đó là các mục tiêu tăng lương, giảm giờ làm và cải thiện các điều kiện lao động. Tổ chức này đã hướng phong trào lao động khỏi những quan điểm xã hội chủ nghĩa của phần lớn các phong trào lao động ở châu Âu.

Tuy vậy, cả trước và sau khi AFL được thành lập, lịch sử lao động Hoa Kỳ vẫn là một lịch sử đầy xung đột. Trong cuộc tổng bãi công của ngành đường sắt năm 1877, các công nhân đường sắt trên khắp nước Mỹ đã tham gia đình công để phản đối việc cắt giảm 10% tiền lương trả cho mỗi ngày lao động. Các nỗ lực nhằm chấm dứt cuộc đình công đã dẫn đến các cuộc nổi loạn và phá hủy quy mô lớn tại một số thành phố như: Baltimore bang Maryland, Chicago bang Illinois, Pittsburgh bang Pennsylvania, Buffalo bang New York và San Francisco thuộc bang California. Các đơn vị quân đội liên bang đã được đưa đến một số khu vực trước khi cuộc bãi công chấm dứt.

Chín năm sau, trong biến cố xảy ra tại quảng trường Haymarket, Chicago, một số người đã ném bom vào cảnh sát đang sắp sửa can thiệp vào một cuộc tuần hành không được phép của chính phủ để ủng hộ một cuộc bãi công đang diễn ra ở Công ty McCormick Harvester tại Chicago. Trong cơn náo loạn, bảy cảnh sát và ít nhất bốn công nhân đã chết. Khoảng 60 cảnh sát khác đã bị thương.

Năm 1892, tại các nhà máy thép Carnegie ở Homestead, bang Pennsylvania, một nhóm gồm 300 thám tử của hãng Pinkerton đã được công ty thuê để chấm dứt cuộc bãi công của các công nhân thuộc Tổng Công ty Sắt, Thép và Thiếc. Các thám tử đã dùng súng bắn vào các công nhân bãi công, nhưng cuối cùng họ đã thua cuộc. Đội vệ binh quốc gia đã được điều đến nhằm bảo vệ người lao động không thuộc công đoàn và cuộc bãi công đã bị đập tan. Các công đoàn không được phép hoạt động trở lại cho tới tận năm 1937.

Năm 1894, việc cắt giảm lương tại Công ty Ôtô Pullman Palace ở ngoại ô Chicago đã làm bùng lên một cuộc đình công được sự ủng hộ của Công đoàn Đường sắt Mỹ và đã mau chóng làm tê liệt nhiều hệ thống đường sắt trên cả nước. Do tình hình ngày càng trở nên xấu đi, Tổng Chưởng lý Mỹ - Richars Olney - một cựu luật sư ngành đường sắt - đã đứng ra đại diện cho hơn 3000 người trong nỗ lực nhằm khai thông trở lại các tuyến đường sắt. Tiếp theo đó, Tòa án Liên bang đã ra lệnh cấm công đoàn can dự vào ngành đường sắt. Khi cuộc nổi loạn xảy ra, Tổng thống Cleveland đã phái quân đội liên bang tới và cuộc bãi công cuối cùng đã bị dập tắt.

Kiên cường nhất trong số các công đoàn tổ chức bãi công là Hiệp hội Công nhân Công nghiệp Quốc tế (IWW). Được thành lập từ các tổ chức công đoàn đấu tranh đòi cải thiện điều kiện lao động trong ngành công nghiệp khai khoáng ở miền Tây, tổ chức IWW, hay Wobblies như người ta thường gọi, đã trở nên nổi tiếng sau những cuộc đụng độ ở các mỏ khai khoáng tại Colorado năm 1903 và sau khi họ bị đàn áp dã man. Bị ảnh hưởng bởi các quân nhân theo chủ nghĩa vô chính phủ và do công khai kêu gọi đấu tranh, Wobblies đã chiếm được sự ủng hộ mạnh mẽ sau khi họ chiến thắng trong cuộc đình công khó khăn tại các nhà máy dệt ở Lawrence, bang Massachusetts năm 1912. Tuy nhiên, việc họ kêu gọi đình công vào thời điểm giữa cuộc Chiến tranh Thế giới Thứ nhất đã bị Chính phủ đàn áp thẳng tay năm 1917 và đập tan phong trào này.

SỰ THÔI THÚC PHẢI CẢI CÁCH

Cuộc bầu cử tổng thống năm 1900 đã đem lại cho nhân dân Mỹ cơ hội xét đoán chính quyền Cộng hòa của Tổng thống McKinley, đặc biệt chính sách đối ngoại của chính quyền này. Gặp gỡ nhau ở Philadelphia, các Đảng viên Cộng hòa đã biểu lộ niềm hân hoan về thành công trong cuộc chiến với Tây Ban Nha, về sự phục hồi thịnh vượng và về nỗ lực nhằm giành được các thị trường mới nhờ chính sách mở cửa. McKinley dễ dàng một lần nữa đánh bại đối thủ của mình là William Jennings Bryan. Nhưng vị tổng thống này đã không còn đủ thời gian để tận hưởng thắng lợi của mình. Tháng 9/1901, trong một cuộc triển lãm ở Buffalo, bang New York, ông đã bị ám sát và trở thành vị tổng thống Mỹ thứ ba bị ám sát kể từ thời Nội chiến.

Theodore Roosevelt, Phó Tổng thống của McKinley đã kế nhiệm chức tổng thống. Sự kế nhiệm của Roosevelt trùng hợp với một thời kỳ mới trong đời sống chính trị và quan hệ đối ngoại của nước Mỹ. Lục địa đã đông dân cư và biên giới thì biến mất. Một quốc gia nhỏ bé theo chế độ cộng hòa trước đây nay đã trở thành một cường quốc thế giới. Những nền tảng chính trị của đất nước đã được thiết lập từ các cuộc chiến tranh với bên ngoài và các cuộc Nội chiến, từ sự thịnh vượng và cả từ các cuộc suy thoái. Những bước tiến lớn đã được thực hiện trong nông nghiệp và công nghiệp. Giáo dục công đã được triển khai rộng rãi và miễn phí, tự do báo chí được đảm bảo. Lý tưởng về tự do tôn giáo đã được duy trì. Tuy nhiên, ảnh hưởng của nền kinh doanh lớn lúc này được củng cố nhiều hơn bất cứ lúc nào khác, chính quyền địa phương và chính quyền thành phố thường nằm trong tay các nhà chính trị tham nhũng.

Để đối phó lại sự suy thoái của chủ nghĩa tư bản thế kỷ XIX và sự suy đồi về chính trị, một phong trào cải cách đã xuất hiện và có tên là phong trào tiến bộ. Phong trào này đã khiến nền chính trị và tư tưởng Mỹ có một vài điểm khác biệt từ khoảng năm 1890 cho tới khi nước Mỹ tham gia vào Chiến tranh Thế giới Thứ nhất năm 1917. Phong trào tiến bộ có các mục tiêu khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung, những người tham gia phong trào này tự coi mình là các đảng viên dân chủ đấu tranh chống lại sự lạm dụng của giới chủ chính trị ở thành thị và của giới chủ cướp bóc tham nhũng tại các công ty lớn. Mục đích của phong trào này là xây dựng một nền dân chủ và công bằng xã hội rộng lớn hơn, duy trì một chính phủ trung thực, điều tiết kinh doanh hiệu quả hơn và cam kết cải thiện các dịch vụ công. Họ tin rằng việc mở rộng phạm vi quản lý của chính phủ sẽ bảo đảm cho sự tiến bộ của xã hội Mỹ và phúc lợi cho mọi công dân Mỹ.

Những năm từ 1902 đến 1908 đã đánh dấu thời kỳ cải cách rộng lớn nhất, khi các nhà văn và các nhà báo đều đấu tranh mạnh mẽ phản đối các nguyên tắc và thực tế vốn được thừa hưởng từ nền cộng hòa nông thôn thế kỷ XVIII hiện đang tỏ ra không phù hợp với các bang đô thị hóa của thế kỷ XX. Nhiều năm trước đó, vào năm 1873, nhà văn lỗi lạc Mark Twain đã chỉ trích và bóc trần xã hội Mỹ trong tác phẩm Thời đại giàu có. Lúc này, các bài báo sắc bén chống lại các công ty độc quyền, giới tài phiệt, các loại thực phẩm không sạch, hoạt động xấu xa của ngành đường sắt đã bắt đầu xuất hiện trên các tờ nhật báo và trong các tạp chí nổi tiếng như McClure's và Collier's. Tác giả của những bài báo này - ví dụ như nhà báo Ida May Tarbell, người đã đấu tranh chống lại Công ty độc quyền dầu mỏ Standard – oil đã nhanh chóng nổi danh là những người phanh phui bê bối.

Trong cuốn tiểu thuyết gây xôn xao dư luận của mình - Rừng rậm - văn hào Upton Sinclair đã mô tả những điều kiện làm việc bẩn thỉu trong các phân xưởng đóng gói thịt ở Chicago và lên án sự kìm kẹp của công ty độc quyền thịt bò đối với nguồn cung cấp thịt của nước Mỹ. Theodore Dreiser trong cuốn tiểu thuyết Nhà tài phiệt và Người khổng lồ đã khiến dân chúng dễ dàng hiểu được những mưu đồ của các công ty lớn. Cuốn Bạch tuộc của Frank Norris đã lên án giới chủ đường sắt vô đạo đức, cuốn Hố bẫy của ông đã bóc trần những thủ đoạn bí mật trên thị trường ngũ cốc ở Chicago. Tác phẩm Sự xấu hổ của các thành phố của Lincoln Steffen đã vạch trần nạn tham nhũng chính trị. Sự bùng nổ của các tác phẩm văn học hiện thực này đã kêu gọi dân chúng hành động.

Ảnh hưởng mạnh mẽ của các nhà văn không hề biết thỏa hiệp và các tầng lớp nhân dân vùng lên ngày càng rộng khắp đã kích động các lãnh tụ chính trị tiến hành một loạt các biện pháp thực tế. Nhiều bang đã ban hành những bộ luật nhằm cải thiện điều kiện sống và làm việc của dân chúng. Đáp lại lời kêu gọi khẩn thiết của những nhà phê bình xã hội xuất chúng như Jane Addams, những bộ luật về lao động trẻ em đã được củng cố và các bộ luật mới đã được thông qua. Nội dung của các bộ luật này là tăng giới hạn về tuổi, giảm bớt giờ làm việc, hạn chế làm việc ban đêm và yêu cầu trẻ em phải đi học.

NHỮNG CẢI CÁCH CỦA ROOSEVELT

Vào đầu thế kỷ XX, phần lớn các đô thị lớn và hơn một nửa số bang đã thực hiện chế độ làm việc tám giờ một ngày ở các công sở. Một bộ luật khác cũng không kém phần quan trọng là luật bồi thường cho người làm thuê. Các bộ luật này quy định giới chủ lao động phải chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với những tai nạn lao động của người làm thuê. Những bộ luật mới về thu nhập cũng được ban hành, nhằm đánh thuế vào các tài sản thừa kế, các khoản thu nhập và các tài sản hoặc lợi nhuận của công ty. Các bộ luật này đã chuyển gánh nặng chi phí của chính phủ lên vai những người có thu nhập cao.

Đối với nhiều người - nhất là đối với Tổng thống Theodore Roosevelt và các thủ lĩnh Đảng Tiến bộ ở Quốc hội (nổi tiếng hơn cả là Thượng nghị sỹ Robert LaFollette của bang Wisconsin) - rõ ràng là những vấn đề mà các nhà cải cách quan tâm nhất chỉ có thể được giải quyết nếu chúng được tiến hành trên khắp nước Mỹ. Roosevelt đã tuyên bố về quyết tâm của mình muốn đem lại cho người dân Mỹ một sự đối xử công bằng.

Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của mình, ông đã có một sáng kiến - chính sách nhằm tăng cường sự kiểm soát của chính phủ thông qua việc thực thi các đạo luật chống độc quyền. Trước sự vận động của ông, Quốc hội đã thông qua đạo luật Elkins năm 1903, nhằm cấm các công ty đường sắt hạ giá vận chuyển cho một số chủ tàu quen. Đạo luật này đã khiến các mức cước phí vận chuyển được thống nhất theo quy chuẩn của luật pháp và các chủ tàu đều bình đẳng với nhau khi ngành đường sắt hạ giá cước vận chuyển. Bên cạnh đó, Quốc hội đã thành lập một Bộ Thương mại và Lao động mới, trong đó bao gồm cả Văn phòng Doanh nghiệp có chức năng điều tra các vụ làm ăn của các tập đoàn.

Roosevelt đã được ca ngợi là một chiến sỹ chống độc quyền, nhưng thái độ của ông đối với các doanh nghiệp lớn dường như còn phức tạp. Ông tin rằng một nền kinh tế tập trung là không thể tránh khỏi. Một số tập đoàn độc quyền là tốt, một số khác thì lại xấu. Nhiệm vụ của chính phủ là phải có sự phân biệt rõ ràng. Ví dụ, khi Văn phòng Doanh nghiệp phát hiện ra vào năm 1907 rằng Công ty tinh chế đường Hoa Kỳ đã gian lận thuế nhập khẩu, công ty này đã phải nộp phạt 4 triệu đô-la và một số quan chức của công ty bị kết án. Công ty dầu Standard cũng đã bị truy tố về tội nhận tiền chiết khấu bí mật từ Công ty Đường sắt Chicago và Alton. Khoản tiền phạt lên tới 29 triệu đô-la.

Tính cách nổi bật của Tổng thống Roosevelt và các hoạt động chống độc quyền của ông đã giành được sự ủng hộ của những người dân bình thường; mọi người dù ở bất kỳ đảng phái nào đều tỏ ý tán thưởng những biện pháp tiến bộ của ông. Thêm vào đó, nền kinh tế thịnh vượng của đất nước trong giai đoạn này đã khiến dân chúng cảm thấy hài lòng với đảng cầm quyền. Roosevelt đã thắng cử một cách dễ dàng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1904.

Được khích lệ bởi thắng lợi tranh cử vang dội, Roosevelt đã kêu gọi cải cách mạnh mẽ ngành đường sắt. Tháng 6/1906, Quốc hội đã thông qua Đạo luật Hepburn. Luật này cho phép ủy ban Thương mại Liên bang được điều chỉnh thuế, mở rộng quyền lực pháp lý của ủy ban và buộc các công ty đường sắt phải từ bỏ quyền lợi của họ trong các công ty đường thủy và các công ty khai thác than.

Những biện pháp khác của Quốc hội tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa nguyên tắc kiểm soát của liên bang. Luật Thực phẩm Sạch ban hành năm 1906 cấm sử dụng bất kỳ một loại thuốc, hóa chất hay chất bảo quản thực phẩm có hại nào trong thuốc men và thực phẩm. Đạo luật Thanh tra Thịt cũng được ban hành vào năm này và cho phép thanh tra liên bang kiểm tra tất cả các cơ sở đóng gói thịt tham gia giao dịch liên bang.

Bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, sự phát triển có quản lý của những khu đất công, và khai phá những vùng đất rộng lớn bấy lâu bị bỏ quên là một số những thành tựu quan trọng khác nữa của thời đại Roosevelt. Roosevelt và các phụ tá của ông còn hoạt động nhiều hơn cả những nhà bảo tồn, nhưng với sự khai thác những nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách vô tội vạ trước đó, công tác bảo tồn vẫn là một thách thức lớn trong chương trình hành động của họ. Trong khi những người tiền nhiệm của ông đã giành 18.800.000 hecta cho các khu rừng bảo tồn và công viên thì Roosevelt đã tăng diện tích này lên tới 59.200.000 hecta. Ông cũng bắt đầu một loạt các nỗ lực nhằm ngăn ngừa nạn cháy rừng và tái trồng rừng trên những khu đất trọc.

TAFT VÀ WILSON

Uy tín của Roosevelt lên đến đỉnh cao khi chiến dịch tranh cử năm 1908 đang đến gần, nhưng ông không muốn phá vỡ truyền thống vì chưa có tổng thống nào giữ cương vị tổng thống nhiều hơn hai nhiệm kỳ. Ông ủng hộ William Howard Taft, người đã làm việc trong chính quyền của ông với cương vị là Thống đốc Philippines và Bộ trưởng Chiến tranh. Trong cuộc vận động tranh cử, Taft cam kết tiếp tục các chương trình cải cách của Roosevelt. Ông đã đánh bại Bryan - người đã ba lần tranh cử chức tổng thống và đây cũng là lần tranh cử cuối cùng của ông này.

Vị tổng thống mới tiếp tục làm trong sạch các công ty độc quyền, nhưng với thái độ mềm dẻo hơn Roosevelt, ông tiếp tục củng cố quyền lực cho ủy ban Thương mại Liên bang, thành lập một ngân hàng tiết kiệm bưu điện và một hệ thống bưu phẩm, mở rộng các ngành dịch vụ dân sự và bảo trợ việc ban hành hai Điều bổ sung sửa đổi Hiến pháp được thông qua năm 1913.

Điều bổ sung sửa đổi thứ 16 của Hiến pháp - chỉ được phê chuẩn ngay trước khi Tổng thống Taft kết thúc nhiệm kỳ - đã cho phép thực hiện thuế thu nhập liên bang; Điều bổ sung sửa đổi thứ 17 - được thông qua một vài tháng sau đó - đã cho phép dân chúng trực tiếp bầu các Thượng nghị sỹ, thay thế cho hệ thống trước đó khi mà các thượng nghị sỹ được cơ quan lập pháp bang lựa chọn. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu này, Tổng thống Taft đã cho phép duy trì một biểu thuế quan mới có mức độ bảo hộ cao hơn; ông cũng đã chống lại việc bang Arizona gia nhập Liên bang vì Hiến pháp tự do của bang này; và tổng thống ngày càng dựa nhiều hơn vào cánh bảo thủ trong Đảng của mình.

Năm 1910, đảng của Taft đã bị chia rẽ ghê ghớm. Vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, Đảng Dân chủ đã giành quyền kiểm soát Quốc hội. Hai năm sau đó, Woodrow Wilson, Thống đốc tiến bộ thuộc Đảng Dân chủ của bang New Jersey đã tiến hành một chiến dịch tranh cử cạnh tranh với Taft - ứng cử viên Đảng Cộng hòa, và cạnh tranh với Roosevelt - lúc này cũng tham gia tranh cử với tư cách là ứng cử viên của Đảng Tiến bộ mới. Wilson đã đánh bại hai đối thủ này trong một chiến dịch tranh cử rất quyết liệt.

Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, Wilson đã đưa ra những chương trình lập pháp nổi tiếng nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Nhiệm vụ đầu tiên là sửa đối thuế quan. Wilson đã nói "Các mức thuế quan cần phải được sửa đổi". Chúng ta phải bãi bỏ tất cả những gì mang tính đặc quyền. Biểu thuế Underwood đã được ký ngày 3/10/1913, nhằm giảm thuế nhập khẩu đối với các loại nguyên liệu thô và thực phẩm quan trọng, đối với các mặt hàng len, vải thô, với sắt và thép; đồng thời, biểu thuế này cũng bãi bỏ các loại thuế đánh vào hơn một trăm mặt hàng khác. Tuy đạo luật này vẫn còn nhiều điểm mang tính bảo hộ, nhưng nó là một nỗ lực thực sự làm giảm chi phí sinh hoạt. Để bù đắp cho các khoản thất thu thuế nhập khẩu đó, đạo luật này đã áp dụng một mức thuế tương đối thấp đánh vào thu nhập.

Công việc thứ hai trong chương trình của Đảng Dân chủ là việc tổ chức lại hệ thống ngân hàng và tiền tệ. Wilson nói, “Việc kiểm soát phải là của nhà nước chứ không phải là của một cá nhân. Chính phủ phải có nhiệm vụ kiểm soát để ngân hàng trở thành công cụ, chứ không trở thành ông chủ của các hoạt động kinh doanh và của các doanh nghiệp và sáng kiến cá nhân.

Bộ luật Dự trữ Liên bang ban hành ngày 23/12/1913 là một trong những thành công về lập pháp của Wilson. Các đảng viên Bảo thủ đã ra sức ủng hộ việc thành lập một ngân hàng trung ương. Nhưng bộ luật mới của Wilson - được ban hành theo chủ trương của đại biểu Đảng Dân chủ Jeffersonian - lại chia đất nước thành 12 quận, mỗi quận có một Ngân hàng Dự trữ Liên bang, tất cả các ngân hàng này đều do ủy ban Dự trữ Liên bang giám sát và chỉ có quyền hạn nhất định trong việc đưa ra các mức lãi suất khác nhau. Đạo luật này đảm bảo cho hoạt động cung tiền được linh hoạt hơn và giúp cho khoản dự trữ tiền tệ của các ngân hàng dự trữ liên bang đáp ứng được nhu cầu kinh doanh. Hệ thống này được tập trung hóa ở mức độ cao hơn vào những năm 1930.

Nhiệm vụ quan trọng kế tiếp là điều tiết các công ty độc quyền và điều tra các vụ vi phạm pháp luật trong các công ty. Quốc hội đã cho phép ủy ban Thương mại Liên bang ban hành các lệnh cấm các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong các giao dịch buôn bán liên bang. Bộ luật Chống độc quyền Clayton đã cấm nhiều hoạt động của các tập đoàn đang vi phạm luật pháp như việc các ban giám đốc cấu kết với nhau, phân biệt đối xử về giá đối với các khách hàng, sử dụng mệnh lệnh trong những cuộc tranh chấp với người lao động và việc một công ty sở hữu cổ phần trong nhiều doanh nghiệp tương tự nhau.

Nông dân và những người lao động khác cũng không bị quên lãng. Bộ luật Smith-Lever năm 1914 đã thành lập một hệ thống mở của các cơ quan nhà nước nhằm hỗ trợ nông dân trên khắp quốc gia. Các Bộ luật tiếp theo đã cho phép nông dân vay tiền với lãi suất thấp. Bộ luật Seamen ban hành năm 1915 cũng đã cải thiện các điều kiện sống và làm việc trên các tàu biển. Bộ luật Bồi thường cho người lao động Liên bang năm 1916 đã đảm bảo cấp tiền trợ cấp cho người lao động bị tàn phế khi đang làm việc trong các ngành dịch vụ dân sự, và xây dựng một hình mẫu trợ cấp tương tự áp dụng trong các doanh nghiệp tư nhân. Bộ luật Adamson ban hành cùng năm đó đã thiết lập chế độ làm việc tám giờ một ngày cho lao động ngành đường sắt.

Những thành tựu này đã khiến Wilson chiếm được một vị trí vững chắc trong lịch sử nước Mỹ với tư cách là một trong những nhà cải cách chính trị tiên tiến nhất của dân tộc. Tuy nhiên, uy tín đối nội của ông đã nhanh chóng bị lu mờ trước những thành tích trong công việc đối ngoại với tư cách là một vị tổng thống thời chiến tranh, người đã dẫn đất nước tới chiến thắng, nhưng sau đó lại không thể duy trì được sự ủng hộ của dân chúng đối với nền hòa bình.

MỘT DÂN TỘC CỦA NHIỀU DÂN TỘC

Không có một quốc gia nào trên thế giới lại có lịch sử gắn bó chặt chẽ với những dòng người nhập cư nhiều như Hoa Kỳ. Trong 15 năm đầu tiên của thế kỷ XX, hơn 13 triệu người đã đến Hoa Kỳ. Nhiều người trong số họ nhập cư vào nước Mỹ thông qua đảo Ellis - trung tâm nhập cư của Liên bang, được mở cửa năm 1892 tại cảng New York (Mặc dù không còn hoạt động nữa, song đảo này đã được mở cửa lại năm 1992 để làm đài tưởng niệm hàng triệu người đã từng bước qua ngưỡng cửa của nước Mỹ tại đây).

Cuộc thống kê dân số đầu tiên năm 1790 đã ước tính dân số Mỹ là 3.929.214 người. Gần một nửa dân số của 13 bang đầu tiên có nguồn gốc từ nước Anh; phần còn lại là người Scotlen, Ai-len, người Đức, người Hà Lan, người Pháp, người Thụy Điển, người xứ Wales và người Phần Lan. Những người châu Âu da trắng này phần lớn đều theo đạo Tin Lành. Một phần năm dân số Mỹ là những nô lệ châu Phi.

Từ rất sớm, người Mỹ đã coi những người nhập cư như một nguồn lực cần thiết để mở rộng biên giới. Kết quả là chỉ có rất ít quy định hạn chế dòng người nhập cư vào Mỹ cho tới tận thập niên 1920. Tuy nhiên, khi ngày càng có nhiều dân nhập cư tới nước Mỹ thì một số người Mỹ lại lo ngại rằng nền văn hóa của họ đang bị đe dọa.

Những người lập quốc, đặc biệt là Thomas Jefferson, đã tỏ ra mâu thuẫn trong quan điểm về việc nước Mỹ có nên chào đón dòng người nhập cư từ mọi nơi trên trái đất hay không. Tổng thống Jefferson đặt câu hỏi liệu nền dân chủ có được an toàn trong bàn tay của những con người mới tới nước Mỹ từ những xứ sở vốn vẫn duy trì chế độ quân chủ hoặc luật lệ hoàng gia hay không. Tuy vậy, ít người ủng hộ việc đóng cửa hoàn toàn đối với lực lượng lao động nhập cư từ nước ngoài.

Phong trào nhập cư có xu hướng chậm lại vào cuối thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX vì các cuộc chiến tranh đã ngăn cản giao thông xuyên Đại Tây Dương và các chính phủ châu Âu đã ngăn cấm di cư để giữ lại thanh niên trong độ tuổi tòng quân. Sau đó, dân số châu Âu tăng lên. Việc có nhiều người hơn trên một vùng đất cũ đã khiến nông dân phải thu hẹp các khoảnh đất canh tác, đến nỗi gia đình họ chỉ đủ để tồn tại. Hơn nữa, các ngành công nghiệp nông thôn đang trở thành nạn nhân của cuộc Cách mạng Công nghiệp mà thực chất chính là việc hoạt động sản xuất được cơ khí hóa. Ở châu Âu, hàng ngàn thợ thủ công đã bị thất nghiệp vì họ không muốn hoặc không thể tìm được việc làm trong các nhà máy.

Giữa thập niên 1840, hàng triệu người nhập cư đã tìm đường tới Mỹ vì ở Ai-len, khoai tây bị phá hại do côn trùng và ở Đức, các cuộc cách mạng cứ xảy ra liên miên. Đồng thời, một số người nhập cư từ miền Đông Nam Trung Quốc nghèo khổ cũng đến các bang ở bờ Tây nước Mỹ.

Vào những năm từ 1890 đến 1921, gần 19 triệu người nhập cư đã đến Mỹ. Đây cũng chính là năm mà Quốc hội Mỹ lần đầu tiên thông qua các quy định hạn chế số lượng người nhập cư. Phần đông những người nhập cư này tới từ Italia, Nga, Ba Lan, Hy Lạp và các nước vùng Ban-căng. Những người không phải từ châu Âu cũng đến nước Mỹ: người Nhật đến nước Mỹ từ phía đông, người Canada từ phía nam và người Mexico từ phía bắc.

Cho tới đầu thập niên 1920, một liên minh đã được hình thành giữa những người làm công ăn lương có tổ chức và những người ủng hộ nhập cư hạn chế vì lý do chủng tộc hay tôn giáo - đó là Liên đoàn Ku Klux Klan và Hạn chế Nhập cư. Bộ luật Nhập cư Johnson - Reed năm 1924 đã khiến lượng người nhập cư bị cắt giảm vĩnh viễn bằng các hạn ngạch nhập cư căn cứ trên quốc tịch gốc của họ.

Cuộc Đại suy thoái những năm 1930 đã khiến dòng người nhập cư ngày càng giảm. Nói chung, công chúng phản đối các dòng người nhập cư, thậm chí đối với cả những người thiểu số đến từ châu Âu. Do đó, chỉ có ít người tị nạn tìm được nơi trú ẩn ở nước Mỹ sau khi Adolf Hitler lên cầm quyền năm 1933.

Trong suốt nhiều thập niên sau chiến tranh, Hoa Kỳ tiếp tục duy trì hạn ngạch dựa vào quốc tịch gốc của những người nhập cư. Những người ủng hộ Đạo luật Mc Carran - Walter năm 1952 cho rằng sự nới lỏng hạn ngạch có thể khiến nước Mỹ chịu nguy hiểm khi quá nhiều người theo tư tưởng Mác-xít đến Mỹ từ Đông Âu.

Năm 1965, Quốc hội đã thay thế hạn ngạch dựa trên nguồn gốc nhập cư bằng các hạn ngạch dựa trên việc người đó đến từ bán cầu Nam hay bán cầu Bắc. Họ hàng của các công dân Mỹ sẽ được ưu tiên, cũng như những người nhập cư có trình độ tay nghề cao - lực lượng mà nước Mỹ đang thiếu. Năm 1978, hạn ngạch theo bán cầu đã được thay thế bằng mức trần áp dụng cho toàn thế giới là 290.000 người nhập cư mỗi năm. Sau khi Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật Tị nạn năm 1980 thì con số này đã giảm xuống 270.000 người mỗi năm.

Từ giữa thập niên 1970, nước Mỹ đã phải đối mặt với một làn sóng nhập cư mới từ châu Á, châu Phi và châu Mỹ La-tinh. Những cộng đồng dân cư này đã làm biến đổi đáng kể các cộng đồng dân cư khác trên khắp nước Mỹ. Ước tính hiện nay dự báo rằng tổng số người nhập cư vào Mỹ một cách hợp pháp hằng năm chừng 600.000 người.

Tuy nhiên, hạn ngạch về người nhập cư và người di tản đã khiến cho nhu cầu về lao động không được đáp ứng đầy đủ. Do đó, nạn nhập cư bất hợp pháp vẫn là một vấn đề nghiêm trọng. Hàng ngày, người Mexico và người châu Mỹ La-tinh vẫn vượt qua biên giới tây nam nước Mỹ để tìm kiếm việc làm với mức lương cao hơn và được hưởng một nền giáo dục cùng chăm sóc y tế tốt hơn cho gia đình họ. Tương tự, dòng người di cư bất hợp pháp vẫn đến Mỹ từ Trung Quốc và các nước châu Á khác. Các ước tính là khác nhau, nhưng nhiều ước tính cho rằng có tới 600.000 người nhập cư bất hợp pháp đến Hoa Kỳ hàng năm.

Làn sóng nhập cư khổng lồ này gây ra những căng thẳng về xã hội cùng với những lợi ích về kinh tế và văn hóa. Tuy nhiên, một điều đã ăn sâu trong tiềm thức của người Mỹ là niềm tin vào Tượng Nữ thần Tự do đang đứng sừng sững như một biểu tượng cho nước Mỹ khi bà giương cao ngọn đuốc trước chiếc cổng vàng chào đón những con người đang nóng lòng được hít thở bầu không khí tự do. Niềm tin ấy, và sự hiểu biết chắc chắn rằng, tổ tiên của người Mỹ đã từng là những người nhập cư, đã khiến cho nước Mỹ vẫn là một dân tộc của nhiều dân tộc.

Chương 10: Chiến tranh, thịnh vượng và suy thoái

“Công việc chính của người Mỹ là kinh doanh"
Tổng thống Calvin Coolidge, 1925

31

CHIẾN TRANH VÀ CÁC QUYỀN TRUNG LẬP

Đối với công chúng Mỹ, cuộc chiến tranh bùng nổ ở châu Âu vào năm 1914 - khi quân đội Đức - áo - Hung tấn công Anh – Pháp - Nga - đã gây nên một cú sốc. Lúc đầu, cuộc chiến ấy có vẻ như ở rất xa nước Mỹ, nhưng lại gây ra những ảnh hưởng về kinh tế và chính trị rất nhanh chóng và sâu sắc. Năm 1915, nền công nghiệp Mỹ đang bị suy thoái nhẹ nay đã được phục hồi nhờ những đơn đặt hàng quân trang và vũ khí từ các nước đồng minh phương Tây. Cả hai phe đã sử dụng những phương tiện tuyên truyền nhằm đánh thức những tình cảm mạnh mẽ của người Mỹ - một phần ba trong số họ là người nước ngoài hoặc có cha, mẹ hay cả bố và mẹ đều là người nước ngoài. Hơn nữa, cả Anh và Đức trước kia đều đã phản đối vận tải đường biển của Mỹ ở ngoài khơi và điều đó đã khiến Tổng thống Woodrow Wilson lên tiếng phản đối kịch liệt.

Nước Anh, vốn có thế mạnh về hàng hải, đã chặn và khám xét các tàu biển của Mỹ rồi sau đó sung công các chuyến tàu chở hàng đến nước Đức. Ngược lại, Đức đã sử dụng thứ vũ khí hải quân quan trọng nhất của mình là tàu ngầm để đánh chìm các tàu viễn dương đến Anh và Pháp. Tổng thống Wilson cảnh báo rằng Hoa Kỳ, với tư cách một quốc gia trung lập, sẽ không từ bỏ quyền lợi truyền thống của mình là được phép giao thương trên các đại dương. Ông cũng tuyên bố rằng, nước Mỹ sẽ buộc Đức phải chịu trách nhiệm nghiêm khắc về những thiệt hại của các con tàu viễn dương Mỹ và về sinh mạng của người Mỹ. Vào ngày 7/5/1915, một tàu ngầm Đức đã đánh chìm con tàu Lusitania của Hàng hải nước Anh, khiến 1198 người chết, trong đó có 128 là người Mỹ. Trước sự căm phẫn của công chúng Mỹ, Wilson đã yêu cầu nước Đức phải chấm dứt ngay lập tức các cuộc tấn công vào các tàu khách và tàu buôn trên biển.

Để né tránh chiến tranh với Hoa Kỳ, nước Đức đã đồng ý là sẽ cảnh báo cho các tàu buôn, kể cả tàu có treo cờ của đối phương, trước khi bắn vào những con tàu đó. Nhưng sau khi hai cuộc tấn công nữa lại tiếp tục xảy ra - tàu hơi nước Arabic của nước Anh đã bị đánh đắm vào tháng 8/1915 và tàu Sussex của Pháp đã bị đánh đắm bằng ngư lôi vào tháng 3/1916 - Wilson đã ra tối hậu thư tuyên bố Hoa Kỳ sẽ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đức nếu nước này không từ bỏ các cuộc tấn công bằng tàu ngầm. Nước Đức đã chấp thuận yêu cầu đó và không gây ra một cuộc tấn công nào khác cho đến tận cuối năm.

Wilson đã tái đắc cử tổng thống năm 1916 một phần nhờ khẩu hiệu Wilson đã giúp nước Mỹ tránh được chiến tranh. Cảm thấy mình có một trọng trách phải hành động như một người gìn giữ hòa bình, ngày 22/1/1917, trong bài diễn văn đọc trước Thượng viện, Wilson đã đề nghị các quốc gia đang tham chiến hãy chấp nhận một nền hòa bình không có chiến thắng.

HOA KỲ THAM GIA CHIẾN TRANH THẾ GIỚI LẦN THỨ NHẤT

Tuy nhiên, ngày 31/1/1917, Chính phủ Đức đã tiếp tục cuộc chiến tranh bằng tàu ngầm không hạn chế. Sau khi năm tàu Mỹ bị bắn chìm, ngày 2/4/1917, Wilson đã yêu cầu Quốc hội cho phép nước Mỹ tuyên chiến. Quốc hội đã nhanh chóng thông qua yêu cầu này. Ngay lập tức, Chính phủ đã tiến hành huy động các nguồn lực quân sự, công nghiệp, lao động và nông nghiệp. Đến tháng 10/1918, vào đêm chiến thắng của Khối Đồng minh, quân đội Mỹ gồm 1.750.000 binh sỹ đã được triển khai tại Pháp.

Vào mùa hè năm 1918, dưới sự chỉ huy của Tướng John J. Pershing, các đơn vị thiện chiến của Mỹ đã đóng vai trò quyết định trong việc đẩy lùi cuộc tấn công cuối cùng của Đức trên đất liền. Vào mùa thu năm đó, quân Mỹ đã góp phần quan trọng trong cuộc tấn công chiến tuyến Meuse Argonne và bẻ gãy chiến tuyến Hindenburg nổi tiếng là kiên cố của quân Đức.

Tổng thống Wilson đã có đóng góp lớn lao vào việc sớm chấm dứt chiến tranh. Ông đã xác định rõ những mục tiêu chiến tranh của Hoa Kỳ và luôn nhấn mạnh rằng cuộc chiến này được tiến hành không phải để chống lại nhân dân Đức, mà nhằm chống lại chính phủ chuyên chế của nước Đức. Mười bốn điểm nổi tiếng do ông đưa ra đã được đệ trình trước Thượng viện vào tháng 1/1918, có nội dung kêu gọi: bãi bỏ những hiệp ước quốc tế bí mật, tự do khai thác các tuyến đường biển, tự do thương mại giữa các quốc gia, giải trừ quân bị, điều chỉnh những đòi hỏi của chế độ thực dân liên quan tới quyền lợi người dân, đảm bảo quyền tự trị và tự do phát triển kinh tế của các dân tộc châu Âu, và quan trọng nhất là thành lập Hội Quốc Liên trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau về độc lập chính trị và toàn vẹn lãnh thổ đối với các quốc gia lớn cũng như các quốc gia nhỏ.

Tháng 10/1918, đứng trước sự thất bại chắc chắn, Chính phủ Đức đã kêu gọi Wilson đàm phán trên cơ sở mười bốn điểm. Sau một tháng đàm phán bí mật mà không hề đưa ra một đảm bảo chắc chắn nào đối với nước Đức, một hiệp định đình chiến (về mặt kỹ thuật thì đó là sự ngừng bắn, còn trên thực tế thì đó là sự đầu hàng của quân Đức) đã được ký kết ngày 11/11/1918.

HỘI QUỐC LIÊN

Tổng thống Wilson hy vọng rằng hiệp định cuối cùng do các quốc gia thắng trận soạn thảo sẽ làm hài lòng các bên, nhưng những mất mát về vật chất và tinh thần sau bốn năm chiến tranh đã khiến các đồng minh châu Âu đưa ra những đòi hỏi khắc nghiệt. Bị thuyết phục bởi niềm tin rằng một Hội Quốc Liên - hy vọng lớn nhất của ông về hòa bình sau chiến tranh - sẽ không bao giờ trở thành hiện thực nếu ông không có những nhượng bộ đối với Khối Đồng minh, nên Tổng thống Wilson đã thỏa hiệp ở các điều khoản về quyền tự quyết, về nền ngoại giao cởi mở và về những vấn đề cụ thể khác. Tuy nhiên, ông đã bác bỏ thành công yêu sách của Thủ tướng Pháp, Georges Clemanceau, đòi tách toàn bộ vùng Rhineland khỏi nước Đức. Ông cũng đã bác bỏ đề nghị buộc nước Đức phải bồi hoàn toàn bộ tổn thất chiến tranh. Tuy nhiên, Hiệp ước cuối cùng (Hiệp ước Versailles) cũng đã cho phép Pháp chiếm đóng vùng Saar Basin với các mỏ than và thiếc giàu có, đồng thời, cũng buộc nước Đức phải chịu một gánh nặng to lớn trong việc bồi thường tổn thất chiến tranh.

Cuối cùng, các đề nghị của Wilson về một nền hòa bình rộng rãi và lâu dài hầu như đều thất bại ngoài việc thành lập Hội Quốc Liên - một nội dung mà Wilson đã đưa vào trong hiệp định đình chiến. Tuy nhiên, do tỏ ra không có đủ sức thuyết phục, ông đã không đưa được những người lãnh đạo Đảng Cộng hòa vào trong các cuộc đàm phán hòa bình. Sau đó, cùng với với một văn kiện mang tính đảng phái, ông đã không chịu đưa ra những nhượng bộ cần thiết để làm an lòng những mối quan ngại của Đảng Cộng hòa về vấn đề bảo vệ chủ quyền cho nước Mỹ.

Trong khi Hiệp định đang bị một ủy ban của Thượng viện đình lại, Wilson đã thực hiện một chuyến đi vòng quanh nước Mỹ để kêu gọi sự ủng hộ của dân chúng. Ngày 25/9/1919, vốn bị suy kiệt về thể lực do những lăn lộn vất vả cho sự nghiệp kiến tạo hòa bình và do những sức ép của nhiệm kỳ tổng thống trong thời buổi chiến tranh, ông đã bị đột quỵ. Sau nhiều tuần ốm nặng, ông đã không bao giờ hoàn toàn bình phục được nữa. Trong hai lần bỏ phiếu khác nhau - tháng 11/1919 và tháng 3/1920, một lần nữa, Thượng viện đã bác bỏ Hiệp ước Versailles trong đó có đề nghị thành lập Hội Quốc Liên.

Hội Quốc Liên không bao giờ có khả năng duy trì trật tự thế giới. Thất bại của Wilson chỉ ra rằng dân chúng Mỹ chưa sẵn sàng đóng vai trò người lãnh đạo các công việc quốc tế. Tầm nhìn không tưởng của Tổng thống Wilson đã cổ vũ cho nước Mỹ trong một thời gian ngắn, nhưng sự thất bại của tầm nhìn ấy với cùng với hoàn cảnh thực tại đã nhanh chóng khiến dân Mỹ không còn ảo tưởng đối với các sự kiện quốc tế. Từ đó, nước Mỹ đã bắt đầu quay lại với chủ nghĩa biệt lập bản năng của mình.

TÌNH TRẠNG BẤT ỔN SAU CHIẾN TRANH

Quá trình chuyển tiếp từ chiến tranh sang hòa bình thực sự là hỗn độn. Sự bùng nổ kinh tế sau chiến tranh diễn ra cùng với giá tiêu dùng leo thang. Các công đoàn lao động vốn không hề có cuộc đình công nào trong chiến tranh nay bắt đầu có những đòi hỏi quan trọng về việc làm. Mùa hè năm 1919, một số cuộc nổi loạn sắc tộc đã xuất hiện, phản ánh nỗi lo sợ đối với sự nổi lên của phong trào người da đen mới - tức là những người đã tham gia quân ngũ hoặc đã di cư lên phía Bắc để làm việc trong các ngành công nghiệp chiến tranh.

Những sự kiện này xảy ra đồng thời với mối lo ngại trên khắp nước Mỹ về một phong trào cách mạng quốc tế mới xảy ra. Năm 1917, người Bôn-sê-vích đã thâu tóm quyền lực ở nước Nga. Sau chiến tranh, họ đã thực hiện thành công các cuộc cách mạng ở Đức và Hungari. Đến năm 1919, dường như họ đã đến nước Mỹ. Noi theo những tấm gương Bôn-sê-vích, nhiều quân nhân Mỹ của Đảng Xã hội đã đứng ra thành lập Đảng Cộng sản ở nước Mỹ. Tháng 4/1919, cơ quan bưu điện đã ngăn chặn được hơn 40 trái bom gửi tới địa chỉ của các quan chức cao cấp. Nơi ở của Tổng Chưởng lý A. Mitchell Palmer tại Washington cũng bị đánh bom. Để trả đũa, Palmer đã cho phép các toán quân liên bang được phép thu thập hồ sơ về các phần tử cấp tiến nổi tiếng và trục xuất những phần tử không phải là công dân Mỹ. Những cuộc vây ráp này đã làm tổn thương nhiều nhân vật cấp tiến và được mô tả như những phát súng mở màn cho một cuộc thanh trừng.

Những lời cảnh báo ghê gớm của Palmer đã châm ngòi cho mối kinh sợ bọn Đỏ, nhưng nỗi lo sợ này cũng đã lắng xuống vào giữa những năm 1920. Ngay cả cuộc đánh bom Phố Wall vào tháng 9 cũng không làm mối lo ngại đó trở lại. Tuy nhiên, từ năm 1919 trở đi, một làn sóng đối đầu về quân sự đối với chủ nghĩa cộng sản cách mạng đã ngấm ngầm chảy trong cuộc sống của người dân nước Mỹ.

NỀN KINH TẾ THỊNH VƯỢNG TRONG THẬP NIÊN 20

Tổng thống Wilson, quá bận tâm về những lo toan chiến tranh và sau đó lại bị đột quỵ, đã xử lý các vấn đề sau chiến tranh rất tồi. Nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ đã bắt đầu suy sụp vào giữa những năm 1920. Các đảng viên Đảng Cộng hòa tranh cử chức Tổng thống và Phó Tổng thống là Warren G. Harding và Calvin Coolidge đã dễ dàng đánh bại các ứng viên của Đảng Dân chủ đối lập là James M. Cox và Franklin D. Roosevelt.

Sau sự phê chuẩn Điều bổ sung sửa đổi thứ 19 trong Hiến pháp Mỹ, lần đầu tiên, phụ nữ Mỹ đã được quyền tham gia bầu cử tổng thống.

Hai năm đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống của Hardings là thời gian đất nước vẫn trong tình trạng suy thoái kinh tế vốn đã bắt đầu dưới thời Wilson. Tuy nhiên, năm 1923, sự thịnh vượng đã quay trở lại. Trong sáu năm sau đó, nước Mỹ đã có một nền kinh tế thịnh vượng nhất trong lịch sử, ít nhất là đối với các khu đô thị. Các chính sách kinh tế của chính phủ trong những năm 1920 vẫn mang tư tưởng bảo thủ rõ rệt. Những chính sách này dựa trên quan điểm cho rằng nếu chính phủ khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân phát triển thì hầu hết các tầng lớp dân cư khác đều sẽ được hưởng những lợi ích từ sự phát triển đó.

Đảng Cộng hòa đã cố gắng tạo ra những điều kiện thuận lợi nhất cho ngành công nghiệp Hoa Kỳ. Đạo luật Thuế quan Fordney-McCumber năm 1922 và Đạo luật Hawley-Smoot năm 1930 đã đẩy các hàng rào quan thuế lên tới mức cao hơn nhằm đảm bảo cho các nhà sản xuất Mỹ một vị thế độc quyền hết trong lĩnh vực này tới lĩnh vực khác trên thị trường nội địa. Nhưng những đạo luật này cũng đã cản trở thương mại lành mạnh với châu Âu - một hoạt động thương mại lẽ ra đã có thể thúc đẩy kinh tế thế giới. Đạo luật Smoot - Hawley ra đời vào giai đoạn đầu của cuộc Đại suy thoái đã châm ngòi cho hàng loạt hành động trả đũa của các quốc gia công nghiệp khác, khiến thương mại quốc tế suy giảm nghiêm trọng và đẩy kinh tế thế giới vào một giai đoạn suy thoái sâu sắc hơn.

Chính phủ Liên bang cũng đã bắt đầu một chương trình cắt giảm thuế, điều này phản ánh chủ trương của Bộ trưởng Tài chính Andrew Mellon cho rằng mức thuế thu nhập và thuế doanh nghiệp cao sẽ ngăn cản đầu tư vào các doanh nghiệp công nghiệp mới. Quốc hội đã ủng hộ những đề xuất của ông bằng hàng loạt các điều luật được thông qua trong khoảng thời gian từ 1921 đến 1929.

“Công việc chính của người Mỹ là kinh doanh" - ông Calvin Coolidge đã tuyên bố như vậy. Ông là vị Phó Tổng thống, sinh ra ở Vermont, đã kế nhiệm năm 1923 sau khi Tổng thống Harding qua đời. Sau đó, ông đã chính thức được bầu làm tổng thống trong cuộc bầu cử năm 1924. Coolidge đã công kích các chính sách kinh tế bảo thủ của Đảng Cộng hòa, nhưng ông là một nhà quản lý có năng lực hơn so với Harding yếu kém, vì chính phủ của ông này đã bị buộc tội tham nhũng trong những tháng trước khi ông qua đời.

Trong suốt những năm 1920, các doanh nghiệp tư nhân đã nhận được sự khuyến khích lớn từ phía chính phủ, bao gồm các khoản vay xây dựng, các hợp đồng vận chuyển thư tín có lợi và những khoản trợ cấp gián tiếp khác. Chẳng hạn, Đạo luật Vận tải năm 1920 đã trao quyền quản lý hệ thống đường sắt quốc gia cho tư nhân vốn thuộc về chính phủ trong thời gian chiến tranh. Đội tàu buôn từng thuộc quyền sở hữu của chính phủ nay cũng được bán cho các nhà quản lý tư nhân.

Tuy nhiên, các chính sách của Đảng Cộng hòa trong nông nghiệp ngày càng bị phê phán vì nông dân ít được hưởng lợi từ sự hưng thịnh kinh tế trong thập niên 20. Giai đoạn từ 1900 đến 1920 là một trong những thời kỳ mà giá nông phẩm gia tăng, một phần là do nhu cầu lớn chưa từng có về sản phẩm nông nghiệp trong thời gian chiến tranh đã kích thích sản xuất. Nhưng đến cuối năm 1920, chiến tranh đã kết thúc kéo theo sự suy giảm trong tiêu thụ nông sản khiến thương mại nông nghiệp với các sản phẩm chính là lúa mì và ngô đã bị sa sút nghiêm trọng. Nhiều nguyên nhân đã được nêu ra để giải thích cho tình trạng suy thoái của nông nghiệp Mỹ, nhưng nhân tố quan trọng nhất vẫn là do các thị trường nước ngoài của Mỹ không còn nữa. Hiện tượng này xảy ra một phần là do các phản ứng đối với chính sách quan thuế của nước Mỹ, nhưng đồng thời cũng là do sản lượng nông nghiệp đã tăng trưởng quá mạnh - một hiện tượng phổ biến trên thế giới vào thời điểm bấy giờ. Khi cuộc Đại suy thoái diễn ra trong những năm 1930, nó đã phá hủy nền kinh tế trang trại Mỹ trước đó vốn đã rất mong manh.

Nếu không tính đến những khó khăn trong nông nghiệp, có thể nói rằng thập niên 20 đã mang lại cuộc sống tốt đẹp nhất cho đại đa số người Mỹ. Đây là thập kỷ mà những gia đình Mỹ bình thường có thể mua chiếc xe ôtô đầu tiên của họ, mua tủ lạnh, máy hút bụi, giải trí bằng radio và thường xuyên tới rạp chiếu bóng. Thịnh vượng là có thật và đã mang lại lợi ích cho đa số người dân Mỹ. Kết quả là Đảng Cộng hòa đã chiếm được lòng tin của dân chúng và do đó, có được những ủng hộ quan trọng về chính trị.

NHỮNG CĂNG THẲNG TRONG VẤN ĐỀ NHẬP CƯ

Trong những năm 1920, lần đầu tiên trong lịch sử, nước Mỹ bắt đầu cấm người nhập cư từ nước ngoài. Từ lâu nay, dòng người nhập cư lớn từ nước ngoài đã gây ra những căng thẳng xã hội sâu sắc, nhưng những người này chủ yếu là từ Bắc Âu - những người nếu không nhanh chóng đồng hóa thì cũng có những nét tương đồng với hầu hết dân Mỹ. Tuy nhiên, vào cuối thế kỷ XIX, đại đa số dân nhập cư đến Hoa Kỳ là người Nam Âu và Đông Âu. Theo thống kê năm 1900, dân số Mỹ chỉ khoảng 76 triệu người. 15 năm sau, hơn 15 triệu người nhập cư đã đến sinh sống trên đất Mỹ.

Khoảng 2/3 trong số những người này là thuộc các dân tộc cấp tiến và các nhóm dân tộc thiểu số khác - người Do Thái gốc Nga, người Ba Lan, người Slavic, người Hy Lạp, người Nam Italia. Họ là những người không theo đạo Tin Lành, cũng không theo đạo Thiên Chúa Bắc Âu, và nhiều người Mỹ e ngại rằng những người nhập cư mới này không chịu đồng hóa. Họ thường làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm và được trả công thấp - nhưng họ cũng là nguyên nhân khiến tiền lương của những người Mỹ định cư bị giảm đi. Họ thường sống tập trung trong những khu vực riêng tồi tàn của từng dân tộc và vẫn giữ những phong tục địa phương của Cựu Thế giới, biết rất ít tiếng Anh và ủng hộ các bộ máy chính trị xấu xa phục vụ cho những nhu cầu của họ. Những người theo chủ nghĩa dân Mỹ chính gốc muốn gửi trả những người dân mới nhập cư này về châu Âu còn các nhà xã hội thì muốn Mỹ hóa họ. Cả hai giới này đều cho rằng họ là mối đe dọa đối với bản sắc văn hóa Mỹ.

Tạm chững lại do Chiến tranh Thế giới Thứ nhất, làn sóng nhập cư đã trở lại vào năm 1919, nhưng nhanh chóng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các nhóm dân cư trong xã hội Mỹ như Liên đoàn Lao động Mỹ và tổ chức Klux Klan. Hàng triệu người dân Mỹ không thuộc cả hai tổ chức này đã đồng tình với quan điểm của nhiều người cho rằng những người di cư đến từ các dân tộc không thuộc Bắc Âu là những người thấp kém hơn họ, và do đó ủng hộ quan điểm hạn chế nhập cư. Tất nhiên cũng có những quan điểm ủng hộ người nhập cư để dân tộc Mỹ trưởng thành hơn, nhưng với điều kiện phải hạn chế số lượng nhập cư.

Năm 1921, Quốc hội đã thông qua Đạo luật Nhập cư Khẩn cấp Hạn chế. Nó đã được thay thế bởi Đạo luật Johnson-Reed National Origins Act năm 1924. Đạo luật này quy định một hạn ngạch nhập cư cho mỗi một quốc tịch. Các hạn ngạch này được xây dựng dựa trên số liệu điều tra dân số năm 1890 - năm mà trào lưu nhập cư mới chưa để lại dấu ấn của nó. Đạo luật này đã vấp phải sự phản đối của những người nhập cư từ Nam và Đông Âu, và làm giảm số lượng người nhập cư đi đáng kể. Sau năm 1929, những ảnh hưởng kinh tế của cuộc Đại suy thoái cũng là nguyên nhân làm cho lượng người nhập cư ít ỏi đó lại di cư ra khỏi nước Mỹ - cho đến khi các người dân tị nạn từ các nước châu Âu phát xít bắt đầu gây áp lực để được cho phép nhập cảnh vào Hoa Kỳ.

SỰ XUNG ĐỘT CỦA CÁC NỀN VĂN HÓA

Một số người Mỹ thể hiện sự bất mãn của mình đối với đặc điểm của cuộc sống hiện đại của thập niên 20 bằng cách chú trọng đời sống gia đình và đời sống tôn giáo khi xã hội ngày càng mang sắc thái thành thị và coi trọng vật chất, khiến gây ra những xung đột với các phong tục truyền thống ở nông thôn. Các nhà truyền giáo theo chủ nghĩa chính thống như Billy Sunday đã mở đường cho nhiều người đã từng mong muốn được quay về với một quá khứ đơn giản hơn.

Có lẽ biểu hiện mạnh mẽ nhất của khát khao này là cuộc đấu tranh dữ dội của phái chính thống nhằm tìm những luận điểm từ thánh kinh để chống lại lý thuyết khoa học về tiến hóa sinh học của Darwin. Vào thập niên 20, những dự luật cấm giảng dạy thuyết tiến hóa trong nhà trường đã bắt đầu xuất hiện trong luật của các bang miền Nam và miền Trung Tây. Người cầm đầu cuộc tranh đấu dữ dội này là William Jennings Bryan - phát ngôn viên bảo vệ các giá trị văn hóa nông thôn và là một nhà chính trị cấp tiến. Ông đã khéo léo dung hòa quan điểm chống thuyết tiến hóa của mình với thuyết cấp tiến về kinh tế do ông đưa ra trước đó, cho rằng sự phát triển "bằng cách từ chối nhu cầu hay khả năng tái sinh về tôn giáo, đã ngăn cách tất cả các cuộc cải cách".

Căng thẳng đã lên đến đỉnh điểm vào năm 1925 khi John Scopes, một giáo viên trẻ dạy ở trường trung học, đã bị kết án là vi phạm luật pháp bang Tennessee vì luật pháp bang này cấm dạy về thuyết tiến hóa tại các trường công lập. Vụ án này đã trở thành một sự kiện được quan tâm trên khắp nước Mỹ và được nói đến trong tất cả các bản tin. Liên hiệp Tự do công dân Mỹ đã yêu cầu luật sư Clarence Darrow bào chữa cho Scopes. Bryan đã tranh cãi với vị luật sư đặc biệt này và sau đó đã tỏ ra khá điên rồ khi cho phép Darrow gọi ông là người làm chứng thù địch. Những lý lẽ lộn xộn của Bryans nhằm bảo vệ các điều răn dạy của Kinh thánh như là sự thật theo nghĩa đen trần tục hơn là theo nghĩa ẩn dụ đã gây một làn sóng phản đối rộng rãi. Scopes, gần như đã bị bỏ quên trong vụ tranh cãi, nay bị kết án phạm tội nhưng được bảo lưu vì tính chất phạm tội không quá nghiêm trọng. Bryan đã chết vài ngày sau khi vụ án kết thúc. Tòa án bang đã khôn khéo từ chối xét xử lại vụ án. Các cư dân thành thị đã nhạo báng các tín đồ cực đoan nhưng chủ nghĩa cực đoan vẫn tiếp tục có sức mạnh chi phối ở khu vực nông thôn và ở các thị trấn nhỏ trên nước Mỹ.

Một ví dụ khác về xung đột văn hóa - với những hậu quả nghiêm trọng hơn trên khắp quốc gia - đó là Đạo luật Cấm rượu. Năm 1919, sau gần một thế kỷ tuyên truyền cổ động, Điều bổ sung sửa đổi thứ 19 trong Hiến pháp đã được ban hành, có nội dung cấm sản xuất, bán hoặc vận chuyển các loại đồ uống chứa cồn. Có mục tiêu là loại bỏ hình ảnh về các quán rượu và những người nghiện rượu ra khỏi xã hội Mỹ, Luật Cấm rượu này lại làm nảy sinh hàng ngàn quán rượu bất hợp pháp khác, được gọi là Speakeasy, kèm theo đó là một hình thức tội phạm với lợi nhuận cao - vận chuyển rượu bất hợp pháp - nấp dưới tên lóng là Boot - legging. Luật cấm này là một vấn đề nhạy cảm trong thập niên 20, được tuân thủ ở các vùng nông thôn và bị vi phạm rộng rãi tại các khu vực thành thị Mỹ. Khi cuộc Đại suy thoái nổ ra, đạo luật này càng ngày càng trở nên không còn phù hợp. Điều bổ sung sửa đổi thứ 18 đã được khôi phục vào năm 1933.

Trào lưu chính thống và Đạo luật Cấm rượu là một phần dễ thấy nhất trong những phản ứng rộng rãi đối với xã hội hiện đại và cuộc cách mạng tri thức, với những lối cư xử và quy chuẩn đạo đức thay đổi, khiến cho thập niên 20 được mệnh danh là thời đại nhạc Jazz, thập niên 20 ồn ào, hay kỷ nguyên của thanh niên sôi nổi. Chiến tranh Thế giới Thứ nhất đã đảo lộn trật tự đạo đức và trật tự xã hội thời Victoria. Sự thịnh vượng về kinh tế đã tạo nên một phong cách sống cởi mở và hưởng lạc trong tầng lớp thanh niên trung lưu.

Các nhà học giả hàng đầu đã bày tỏ quan điểm ủng hộ sự thay đổi này. H.L. Mencken, một nhà phê bình xã hội nổi tiếng nhất của thập niên 20, đã lên án không thương xót tính giả tạo và nịnh đầm đã tồn tại trong đời sống của người Mỹ. Ông đã thường xuyên quan sát thấy những biểu hiện này ở các vùng nông thôn và trong giới doanh nhân. Những người ủng hộ ông trong các phong trào tiến bộ đã bày tỏ lòng tin của họ vào nhân dân và lớn tiếng kêu gọi một xã hội dân chủ. Mencken, tín đồ của Nietzsche, đã gọi nhân vật ủng hộ dân chủ này là kẻ khờ khạo và coi tầng lớp trung lưu Mỹ là tầng lớp khờ khạo.

Nhà văn F. Scott Fitzgerald đã mô tả sức sống, sự hỗn loạn và ảo tưởng của dân chúng Mỹ trong thập niên này qua các cuốn sách của ông như Người đẹp và những tâm hồn bị đày đọa (1922), Gatsby vĩ đại (1925). Sinclair Lewis, người Mỹ đầu tiên đoạt giải Nobel văn học đã chế nhạo những người bảo thủ chật hẹp ích kỷ, chỉ chạy theo lợi nhuận trong tiểu thuyết trên đường phố (In Street 1920) và Babbitt (1922). Ernest Hemingway đã phác họa tình trạng bất ổn do cuộc chiến gây ra qua cuốn tiểu thuyết Mặt trời cũng mọc (1926) và cuốn Từ biệt vũ khí (1929). Fitzgerald, Hemingway, và nhiều nhà văn nổi tiếng khác đã thể hiện sự xa lánh nước Mỹ của mình bằng cách chuyển đến sống ở Paris trong hầu hết thập niên đó.

Văn hóa Mỹ gốc Phi cũng nở rộ. Vào khoảng thời gian từ năm 1910 đến năm 1930, hàng loạt người Mỹ da đen đã di cư từ miền Nam lên miền Bắc để tìm kiếm việc làm và tự do cá nhân. Phần lớn trong số họ định cư ở các khu vực đô thị như Harlem của thành phố New York, Detroit, và Chicago. Vào năm 1910, W.E.B Dubois và những trí thức khác đã thành lập Hiệp hội quốc gia vì sự tiến bộ của người da đen (NAACP), nhằm giúp đỡ người Mỹ gốc Phi giành được tiếng nói trên toàn đất Mỹ, một tiếng nói ngày càng có tầm quan trọng trong những năm sau đó.

Đồng thời, một phong trào văn học và nghệ thuật của người Mỹ gốc Phi lấy tên là Phong trào phục hưng ở khu Harlem đã xuất hiện. Giống như phong trào Thế hệ đã mất, những nhà văn như Langston Hughes và Countee Cullen đã chối bỏ các giá trị của giai cấp trung lưu và những hình thức văn chương truyền thống khi họ mô tả cuộc sống hiện thực của người Mỹ trong các tác phẩm của mình. Các nhạc sỹ người Mỹ gốc Phi như Duke Ellington, King Oliver, Louis Armstrong lần đầu tiên đã khiến nhạc Jazz trở thành một yếu tố chính trong đời sống văn hóa Mỹ trong những năm 1920.

CUỘC ĐẠI SUY THOÁI

Tháng 10/1929, thị trường chứng khoán đang phát triển mạnh đã bị sụp đổ khiến nhiều nhà đầu tư phá sản. Nhưng việc thị trường chứng khoán sụp đổ không trực tiếp gây ra cuộc Đại suy thoái, mặc dù nó đã phản ánh chuyện các chính sách tín dụng quá dễ dãi đã khiến thị trường vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Nó cũng làm trầm trọng hơn nền kinh tế vốn đã mong manh ở châu Âu - là thị trường có liên quan chặt chẽ đến các khoản cho vay của nước Mỹ. Trong ba năm sau đó, cuộc suy thoái kinh tế bắt đầu từ nước Mỹ đã trở thành một phần của cuộc suy thoái kinh tế trên toàn thế giới. Các doanh nghiệp đóng cửa, các nhà máy ngừng sản xuất, các nhà băng phá sản vì mất các khoản tiền gửi tiết kiệm. Thu nhập nông nghiệp giảm khoảng 50%. Đến tháng 11/1932, cứ năm người Mỹ thì có khoảng một người thất nghiệp.

Chiến dịch tranh cử tổng thống năm 1932 chủ yếu là cuộc tranh luận về các nguyên nhân và những giải pháp có thể cho cuộc Đại suy thoái. Tổng thống Herbert Hoover đã không may mắn khi bước vào Nhà Trắng chỉ tám tháng trước khi thị trường chứng khoán tan vỡ, đã buộc phải nỗ lực và làm việc căng thẳng hơn bất kỳ tổng thống Mỹ nào trước đó để đối phó với giai đoạn kinh tế vô cùng khó khăn này. Ông đã cố gắng tổ chức kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ xây dựng những công trình công cộng, thành lập Công ty Tái thiết Tài chính nhằm hỗ trợ các thể chế kinh doanh và tài chính, và đã thuyết phục Quốc hội còn đang miễn cưỡng, cho phép thành lập một cơ quan bảo lãnh thế chấp nhà cửa. Tuy nhiên, các nỗ lực của ông không có mấy hiệu quả và ông đã là một hình ảnh của sự thất bại.

Đối thủ thuộc Đảng Dân chủ của ông là Franklin D.Roosevelt, vốn đã nổi tiếng từ khi làm thống đốc bang New York trong thời kỳ khủng hoảng đang lên cao. Từ ông luôn tỏa ra một tinh thần lạc quan có tính lan tỏa mạnh. Sẵn sàng sử dụng quyền lực nhà nước để đưa ra các giải pháp còn mạnh tay hơn, Roosevelt đã giành được 22.800.000 phiếu bầu phổ thông so với 15.700.000 phiếu bầu cho Tổng thống đương nhiệm Hoover. Nước Mỹ đang chuẩn bị bước vào một kỷ nguyên mới với sự thay đổi lớn về kinh tế và chính trị.

31

Nguồn: http://www.maxreading.com/sach-hay/khai-quat-ve-lich-su-nuoc-my/gioi-thieu-3087.html


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bài về chủ bút

    Tinh hoa nhân loại

      Khoa học

        Văn học

          SÁCH CỦA TÔI