Block nhĩ thất (Block AV) trên điện tâm đồ

Cập nhật: 26/07/2019 Lượt xem: 3724

Block nhĩ thất (Block AV) trên điện tâm đồ

1. Blốc nhĩ thất độ I

Chỉ có một triệu chứng độc nhất là PQ dài ra > 0,20s với tần số tim bình thường (có khi tới 0,60s, thậm chí đứng trước cả sóng T của nhát bóp trước; trường hợp này chỉ khác nhịp nút ở chỗ PII và PIII vẫn dương và khi gắng sức PQ ngắn lại làm P rời khỏi T.

Khoảng PQ tuy dài nhưng thường cố định và điều đó giúp ta phân biệt Block với ngoại tâm thu nhĩ bị Block, phân ly nhĩ thất đồng nhịp, chúng thường cũng có thể có PQ dài ra nhưng chỉ ở vài nhát bóp thôi.

Block AV độ I (PQ: 0,13s)

2. Block nhĩ thất độ 2: Có 2 kiểu:

-  Mobitz I (Chu kỳ Luciani – Wenckeback):

Block AV độ II Morbitz I

Trên một đoạn điện tâm đồ dài, ta thấy một chu kỳ gồm 3, 4 nhát bóp liên tiếp, cứ nhát sau có PQ dài hơn nhát trước, cho đến một sóng P bị Block (không có QRS đi theo) kết thúc chu kỳ. Sau đó, PQ lại ngắn lại như nhát bóp đầu tiên rồi lại dài dần ra, lập lại như chu kỳ trước.

Đặc biệt, các khoảng  PP vẫn rất đều, còn RR của cùng một chu kỳ thì ngắn dần lại (do khoảng dài thêm của mỗi PR ngắn dần đi).

- Mobitz II: Block một phần:

Block AV độ II Morbitz II

Cứ một hay hai nhát bóp có đủ P kèm với QRS (PQ có thể bình thường hay dài ra) thì lại có một sóng P đi đơn độc không có kèm QRS: ta gọi nó là P bị block hay nhịp nghỉ thất.

Hiện tượng đó có thể không có quy luật nào nhưng thường là: cứ một nhát bóp có P có QRS lại tiếp một nhát bóp chỉ có P; như vậy cứ 2P thì có một QRS và gọi là block 2/1.

Khi gắng sức, có thể đột nhiên mất block trở về nhịp xoang, sau gắng sức block lại trở lại như cũ.

Block nhĩ thất cấp 2 có thể có những thoát bộ nối ở những chỗ nghỉ, và cũng hay có các tai biến thần kinh như block độ 3.

3. Block nhĩ thất độ 3

Block AV độ III

Tần số các QRS rất chậm khoảng 30 – 40 nh/phút, đều, không bị ảnh hưởng bởi gắng sức, atropin hay ấn nhãn cầu.

Nói chung, QRS có dạng bình thường nhưng cũng có khi giãn rộng kiểu block nhánh. Thỉnh thoảng lại có vài ngoại tâm thu thất.

Sóng P không đứng trước và cũng không có liên hệ gì với QRS: với phương pháp tìm P ta có thể thấy tần số của nó khoảng 70nh/phút.

Cũng có khi (rất ít gặp) có một sóng P rơi trúng trước mặt một QRS với một khoảng PQ trong giới hạn bình thường và làm cho QRS này hơi sớm so với nhịp cơ sở: ta gọi đó là nhát bắt được thất.

Block nhĩ thất cấp 3 thường gây ra những tai biến thần kinh được gọi là hội chứng Adams - Stokes, khi có hội chứng này trên điện tâm đồ có thể thấy:

Hoặc là mất hẳn QRS trên một đoạn dài: đó là các cơn ngừng tim và ở đây, ta gọi là Adams – Stokes thể liệt tim.

Hoặc là có cơn nhịp nhanh thất, hay nặng hơn nữa là cơn rung thất hay cuồng động thất: Đây gọi là thể kích thích tim.

Cách cấp cứu hai thể trên có khác nhau mà lâm sàng thì rất khó phân biệt vì cũng mất mạch và nghe tim rất khó (bệnh nhân thở rống, oằn oại…).


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bệnh thận - Tiết niệu

    Bệnh tim mạch

      Bệnh cơ-xương-khớp

        Bệnh nội tiết-chuyển hóa

          Bệnh tiêu hóa

            Bệnh phổi - phế quản

              Bệnh Thần kinh - Tâm thần

                Bệnh truyền nhiễm

                  Bệnh nhi khoa

                    Cận lâm sàng

                      Bệnh khác

                        Thuốc

                          Vật lý trị liệu

                            Phục hồi chức năng

                              Tư vấn và Chia sẻ thông tin

                                Sách đã xuất bản của Hà Hoàng Kiệm

                                  Bài báo khoa học

                                    SÁCH CỦA TÔI