Tìm hiểu về viêm bàng quang

Cập nhật: 15/11/2016 Lượt xem: 6762

Tìm hiểu về viêm bàng quang

(Bài đăng trên tạp chí sức khỏe và đời sống, BYT số cuối tháng 11.2016)

PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm, BV 103

Kết quả hình ảnh cho Viêm bàng quang Kết quả hình ảnh cho Viêm bàng quang

Hình 1. Hình ảnh nội soi của viêm bàng quang, niêm mạc bàng quang xung huyết chảy máu.

Viêm bàng quang còn được gọi là viêm đường tiết niệu thấp (bàng quang và niệu đạo) là tình trạng viêm xảy ra ở niêm mạc bàng quang, nguyên nhân thường gặp là do vi khuẩn nhưng có thể do các nguyên nhân khác không do vi khuẩn.

Nguyên nhân gây viêm bàng quang?

+ Do vi khuẩn: Vi khuẩn xâm nhập vào bàng quang thường theo con đường ngược dòng từ niệu đạo vào bàng quang, quá trình viêm thường là viêm cấp tính, nếu viêm mạn tính thì thường kèm theo viêm thận-bể thận mạn do vi khuẩn đi ngược từ bàng quang lên bể thận gây viêm. Niệu đạo nằm trong vùng tầng sinh môn gần với hậu môn, nên các vi khuẩn đường ruột thường xâm nhập vào niệu đạo rồi vào bàng quang.

Bệnh có thể gặp ở cả hai giới nhưng phụ nữ thường gặp hơn do đặc điểm niệu đạo ở nữ ngắn và thẳng hơn nam, gặp ở cả trẻ em và người lớn nhưng hay gặp ở trẻ em và người cao tuổi hơn thanh niên do vệ sinh vùng tầng sinh môn kém, nam giới cao tuổi thường có tuyến tiền tiệt to gây ứ đọng nước tiểu trong bàng quang, phụ nữ sau mãn kinh âm hộ âm đạo thường khô và niêm mạc mỏng dễ bị viêm.

Vi khuẩn xâm nhập vào bàng quang, nhân lên và phát triển gây viêm. Niêm mạc bàng quang xung huyết, phù nề, trợt loét, có thể chảy máu. Viêm gây kích thích làm bệnh nhân mót tiểu nhiều lần gây ra tiểu buốt, tiểu rắt.

Những điều kiện thuận lợi gây viêm bàng quang: nữ giới, trẻ em và người cao tuổi, sau sinh hoạt tình dục, những người có bất thường niệu đạo hoặc chấn thương niệu đạo, sỏi bàng quang, phì đại lành tính tuyến tiền liệt, các thủ thuật thông bàng quang, soi bàng quang, đặc biệt phải lưu ống thông bàng quang lâu, các bệnh nhân bị đái tháo đường.

+ Không do vi khuẩn: do một số loại thuốc, do tia xạ, hóa chất. Nhưng nguyên nhân này hiếm gặp.

Hình 2. Vi khuẩn từ đường tiêu hóa xâm nhập vào bàng quang.

Triệu chứng của viêm bàng quang là gì?

+ Đái rắt: Người bệnh mót đi tiểu nhiều lần trong ngày, thường 5-10 lần, có thể tới 20 lần/ngày. Mỗi lần chỉ đi được rất ít nước tiểu, có khi chỉ vài giọt. sau khi đi tiểu bệnh nhân không có cảm giác thoải mái. Tuy đi tiểu nhiều lần nhưng số lượng nước tiểu trong ngày bình thường.

+ Đái buốt: Sau khi đi tiểu bệnh nhân thấy buốt, nóng rát ở tầng sinh môn.

+ Đau tức vùng hạ vị (phía trên xương mu).

+ Đái ra máu đại thể: nước tiểu hồng hoặc đỏ ở cuối bãi. Triệu chứng này chỉ xảy ra khi có chảy máu bàng quang.

+ Đái ra mủ: nước tiểu đục. Nếu đựng nước tiểu trong ống thủy tinh để lắng sẽ thấy ba vùng: vùng trên cùng đục, vùng giữa là mủ, vùng dưới trong hơn có các dây mủ lởn vởn. Đái ra mủ chỉ xảy ra khi viêm bàng quang nặng.

Toàn thân thường bình thường, không sốt.

Xét nghiệm nước tiểu thấy bạch cầu và hồng cầu niệu vi thể, mủ niệu là các tế bào bạch cầu đa nhân thoái hóa nếu viêm bàng quang nặng, soi cặn nước tiểu tươi có thể thấy vi khuẩn, cấy nước tiểu giữa dòng có trên 105 vi khuẩn/ml nước tiểu, làm xét nghiệm cặn Addis có trên 5000 bạch cầu/ml/ph.

Siêu âm bàng quang thấy niêm mạc bàng quang dày.

Hình 3. Siêu âm bàng quang thấy niêm mạc bàng quang dày.

Soi bàng quang thấy niêm mạc bàng quang xung huyết, phù nề, có thể chảy máu.

Viêm bàng quang tái diễn: nếu viêm bàng quang không được điều trị triệt để hoặc không điều trị, triệu trứng giảm rồi lại bùng phát trở lại.

  

Hình 4. Minh họa triệu chứng đái buốt.

Điều trị viêm bàng quang như thế nào?

Điều trị viêm bàng quang do vi khuẩn:

Dùng kháng sinh, nên chọn loại kháng sinh bài tiết qua đường thận, ưu tiên chọn các kháng sinh tác dụng lên vi khuẩn gram âm. Trường hợp nặng cần làm kháng sinh đồ và chọn kháng sinh theo kháng sinh đồ.

Dùng thuốc dãn cơ trơn để giảm đau như nospa, spasmaverin.

Uống nhiều nước: uống trên 2 lít nước/ngày để làm tăng lưu lượng dòng nước tiểu giúp tăng đào thải vi khuẩn.

Trong trường hợp viêm bàng quang nặng, có mủ bàng quang các bác sĩ sẽ dùng biện pháp đặt ống thông bàng quang và rửa bàng quang cho đến khi nước tiểu trong rồi bơm vào bàng quang dung dịch kháng sinh.

Điều trị viêm bàng quang không do vi khuẩn:

Viêm bàng quang do hóa trị hoặc xạ trị, điều trị tập trung vào quản lý đau, thường dùng thuốc giảm đau và hydrat hóa để loại chất kích thích bàng quang. Hầu hết các trường hợp điều trị hóa chất gây ra viêm bàng quang có xu hướng tự khỏi sau khi hóa trị kết thúc.

Dự phòng viêm bàng quang như thế nào?

+ Luôn giữ vệ sinh đường tiết niệu sinh dục sạch sẽ.

+ Không nên nhịn tiểu.

+ Uống nhiều nước, nhất là mùa hè.

+ Sinh hoạt tình dục lành mạnh. Phụ nữ sau sinh hoạt tình dục 30 phút nên đi tiểu và vệ sinh vùng sinh dục.

+ Hạn chế các thủ thuật thông bàng quang, nếu phải thông bàng quang phải tuân thủ chặt chẽ chế độ vô khuấn.


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bệnh thận - Tiết niệu

    Bệnh tim mạch

      Bệnh cơ-xương-khớp

        Bệnh nội tiết-chuyển hóa

          Bệnh tiêu hóa

            Bệnh phổi - phế quản

              Bệnh Thần kinh - Tâm thần

                Bệnh truyền nhiễm

                  Bệnh nhi khoa

                    Cận lâm sàng

                      Bệnh khác

                        Thuốc

                          Vật lý trị liệu

                            Phục hồi chức năng

                              Tư vấn và Chia sẻ thông tin

                                Sách đã xuất bản của Hà Hoàng Kiệm

                                  Bài báo khoa học

                                    SÁCH CỦA TÔI